Trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2012

Vua Doughnuts Ted Ngoy Triệu Phú Thành Kẻ Không Nhà

    Ly kỳ như trong phim ảnh đang là bài học cho tất cả chúng ta !
Dưới mái hiên của một Mobile home ở Long Beach,-CA vua Doughnuts Cambốt, ngả lưng nằm suy gẫm sự đời. Một thời được hưởng giầu sang và sự nể trọng của cộng đồng;
Một chú bé nghèo rớt mùng tơi, lấy được con gái người danh gia vọng tộc nhất Cambốt; Triệu phú, đã gặp mặt và tài trợ cho 3 vị Tổng thống Hoa kỳ.
Ted Ngoy tạo sự nghiệp bằng nghề làm Doughnuts. Qua nhiều năm ông hướng dẫn hàng ngàn đồng bào ông vào thương trường..

 Nhờ doughnuts, nhiều người Cambốt đã thoát khỏi hoàn cảnh cô lập đi vào dòng sinh hoạt chính của người Mỹ.
Tạo dựng hình ảnh nơi thương trường: “Những chủ nhân ông doughnuts, người Cambốt.”
Ngày nay, ở tuổi 62, vua doughnuts đã phá sản, vô gia cư và sống nhờ vào sự bố thí của vài người bạn còn lại.

Ông James Dok, Chủ tịch Liên Hiệp Cộng Ðồng Cambodge, cán sự xã hội ở Long Beach nói: 
“Ông ta đã mất hết mọi tiệm doughnuts, giờ đây ông mới bắt đầu một đời sống mới.”
Với cái tên cúng cơm Bun Tek Ngoy, mẹ nuôi Ngoy tại một làng nhà quê sát biên giới Thái Miên.

 Anh thuộc giống Miên gốc Hoa, thành phần bần dân ở xứ Chùa Tháp.
Năm 1967, mẹ gởi anh lên học ở thủ đô Nam Vang. Anh phải lòng một cô gái đẹp và kiêu sa.

 Tên cô Suganthini Khoeun. Bố cô là một viên chức cao cấp trong chính phủ.
Anh rể cô, Sutsakhan Sak, là cảnh sát trưởng, đã một thời gian thật ngắn, trong những biến động chính trị của Cam Bốt đã hành sử quyền làm tổng thống trong vài ngày ngắn ngủi.
Cha mẹ nàng mong muốn con mình sẽ nên duyên chỗ xứng đôi vừa lứa.

 Lúc bấy giờ, ở tuổi 16, Suganthini bị kín cổng cao tường, không bạn bè, không được nói chuyện với con trai và hoàn toàn cấm ra khỏi nhà một mình.
Ngoy sống trên gác xép, một căn nhà thuê, cách căn phố lầu của nhà nàng mấy con đường. 
Là con trai một anh phu xích lô chắc hẳn không có chút hy vọng nào được lọt vào mắt nàng, không có cả quyền mơ đến chuyện yêu cô.
Nhưng một đêm anh đã nghĩ ra cách. Giống như truyện Trương Chi, Ngoy leo lên nóc nhà ngồi thổi ống sáo, tiếng sáo lánh lót vang xa khắp xóm. Suganthini và mẹ cô nghe được tiếng sáo thiên thai ấy. 

Mẹ cô nói đó là loại âm thanh của người con trai đang yêu.
Ngoy viết thơ cho nàng, nhận là người thổi sáo ấy, và nhờ cô sen của nàng đem thơ trao nàng.
Tuần sau, Suganthini hồi âm, từ đó cô cậu bắt đầu bí mật trao đổi thư tín. Và rồi, Ngoy xin được gặp mặt.
Nàng viết, “Em nghĩ anh không dám vào phòng em đâu, nhà em đầy lính gác và có nhiều chó dữ.”
Một đêm mưa tầm tã, Ngoy chui qua rào kẽm gai bị xước da rách thịt, leo cây dừa chung quanh nhà nàng. Ðu cây dừa nhẩy lên mái nhà rồi lẻn chui qua một cửa sổ.
Ướt như chuột, máu me tùm lum, Ngoy rón rén ngoài hành lang mà cũng không biết phòng nào là phòng nàng. Hé mở cửa và lại trúng ngay chóc phòng Suganthini.
Cô nàng kinh hoàng, nhưng cũng cho anh ở lại. Suốt 45 ngày, anh trốn trong phòng nàng.

 Ngủ dưới gầm giường và phải trốn khi gia nhân vào phòng dọn dẹp.
Ðêm đêm, Ngoy cõng nàng trên lưng leo cây dừa xuống đường, đạp xe đưa nàng ra dạo phố Nam Vang.
Gần sáng lại phải đưa nàng về phòng. Một đêm, dưới ánh trăng rằm, hai người quì gối bên nhau, chích máu ngón tay, nặn vào ly nước, cùng uống, thề trọn đời chung thủy.
Bất thần, bố mẹ nàng khám phá chuyện bí mật tống cổ Ngoy ra khỏi nhà.

 Họ dàn cảnh cho Ngoy hẹn gặp nàng tại nhà một người quen, ép Ngoy phải nói anh chỉ đùa với nàng mà thôi. Bố mẹ cô và người nhà ngồi nấp phía trong theo dõi.Thoạt đầu, Ngoy nói không yêu cô; Anh chỉ giả bộ vậy thôi. Nhưng sau đó Ngoy rút dao ra đâm vào bụng mình và thú thật, anh nói theo lời ép của bố mẹ em.
 Máu me lênh láng, buộc lòng bố cô phải kêu xe cứu thương chở đi bác sĩ.
Sau biến cố ấy, Suganthini bị nhốt trong phòng nhiều ngày. Bất mãn, đau khổ, cô uống thuốc ngủ tự tử.
Nhờ phát giác kịp Suganthini chỉ bị coma.

 Sau khi cả hai bình phục, buộc lòng bố mẹ nàng phải chấp thuận cho họ lấy nhau.
Chiến tranh bùng nổ, năm 1970, Ngoy nhập ngũ. Ðược người anh rể nàng nâng đỡ, Ngoy leo lên đến cấp thiếu tá và được bổ đi làm tại lãnh sự quán bên Thái Lan.
1975, Pol Pot và Khờ Me đỏ cướp chính quyền, cuộc diệt chủng Cam Bốt mở màn. Ngoy sang Mỹ khởi nghiệp trong thế giới doughnuts.
Họ thuộc đợt dân Cambốt đầu tiên đến tị nạn ở Mỹ.

 Hai vợ chồng, ba người con đến trại Pendleton không một xu dính túi.
Nhà thờ Lutheran Peace ở Tustin thuê Ngoy làm hốt rác, quét dọn. Anh xin được việc làm thứ hai tại cây xăng.

Gần cây xăng có một tiệm donut. Hàng đêm anh quan sát khách ra vào tiệm.
Hăm hở muốn học việc buôn bán, Ngoy tìm gặp ông chủ tiệm. Họ nói Winchells Donut có chương trình huấn luyện và thuê làm quản lý.

  Ngoy xin vào học nghề rồi nhận tiệm Winchell donut ở Newport Beach. Anh thuê vợ và đứa cháu vào làm.
 Mấy người nhà làm 17 giờ mỗi ngày và dành dụm nhiều năm.Ngoy mua tiệm donut đầu tiên của một cặp vợ chồng về hưu, tiệm xìu xìu ễn ễn. 
Từ ngày đổi tên là Christys Doughnuts ở La Habra bắt đầu sung túc.
 Từ đó bất cứ tiệm donut nào Ngoy mở cũng mang tên Christys Doughnuts.
Trong vòng năm sau Ngoy mua các tiệm ở Fullerton, Anaheim, Anaheim Hills và Buena Park.
Anh còn muốn mua thêm tiệm nữa, nhưng đã thấm mệt với 5 tiệm đầu tiên này.
Ngoy nẩy ra sáng kiến. Dân Cambốt tị nạn đến California khá đông. Tiệm doughnuts rất dễ điều hành.
Chủ nhân có thể thuê mướn toàn người nhà. Ngoy mua và mở thêm nhiều tiệm và cho người đồng hương sang lại. Ngoy gật gù: “Tôi vui và mọi người đều vui vẻ cả làng.”
Ngoy lái xe motorhome, xe đủ tiện nghi đi vòng quanh California, mở tiệm ở Los Angeles, Modesto, Fresno, San Jose, vùng vịnh Brisbane, Sacramento và San Diego.
Tại mỗi địa phương anh dựng tiệm và huấn nghệ cho gia đình rồi sang lại cho chủ nhà.
Ngoy dạy họ cách làm bánh và tính sổ sách. Anh dạy họ tên từng loại bánh: Old fashion, Jelly-Filled, Glazed.
Anh giúp họ xin giấy phép. Anh cùng đứng tên với chủ vay tiền mua dụng cụ và hàng hóa. Ngoy giúp cho hàng trăm dân Cămbốt tị nạn xin nhà ở và SS#
Cũng nhờ Ngoy mà nhiều người Cambốt khai nghề nghiệp đầu tiên của họ ở Mỹ là làm Donut.

 Doughnuts giúp cho nhiều ngàn người thoát khỏi gánh nặng Welfare.
Nhiều gia đình đã đi theo bước chân của Ngoy học buôn bán, làm ăn và học Anh ngữ.
Lợi tức từ tiệm donut đưa con cái họ vào đại học. Ðến bấy giờ Ngoy không nhớ nổi đã làm chủ bao nhiêu tiệm donut, 40 , 50 , 60 ,.... Ngoy thường nói:
“Tôi muốn mở càng nhiều tiệm càng tốt. Chẳng biết rồi sẽ ra sao, nhưng tôi vẫn cứ tiếp tục mở thêm tiệm.”
Cũng như Ngoy, nhiều người Cambốt gốc Hoa sang tiệm của ông. Họ sang tiệm và giao dịch bán buôn chỉ cần một cái bắt tay. Ông nói hầu như mọi người đều sòng phẳng với ông.
Khoảng giữa thập niên 1980 Ngoy đã thành triệu phú. Nhưng, hơn cả tiền tài, ông được sự kính nể của mọi người.Năm 1985, ông và Suganthini trở thành công dân Mỹ. Họ thay tên Mỹ.
Ông là Ted bà là Christy. Vợ chồng ông mua căn nhà 3 tầng, 7,000 square-feet, trị giá $1 000,000 dollar, garage 3 xe ở Lake Mission Viejo, Quận Cam.
Ted thích chơi xe Cadillac và bà vợ khoái Mercedes-Benz mui trần.

 Họ có một căn nhà ở Big Bear, và phần nhà chung nghỉ hè ở Acapulco, Mexico. Họ đã đi du lịch sang Âu Châu hai lần.
Ted Ngoy gia nhập đảng Cộng Hòa, tổ chức tiệc gây quĩ cho tổng thống Bush bố, đã diện kiến tổng thống Reagan và Nixon.

Ông luôn luôn cổ động đồng hương gốc Á Châu ủng hộ đảng Cộng Hòa.
Dân Cambốt theo kiểu Ted Ngoy làm thương mại. Khách hàng của Ted mở thêm tiệm và cho đồng hương sang lại. Khoảng đầu thập niên 1990 con số tiệm Doughnuts, do người Cambốt làm chủ tại California lên đến 2400 tiệm.Ngoy mãn nguyện: “Mọi người đã tìm được mỏ vàng.”
Thế nhưng, dù với những thành công ấy, Ted Ngoy vẫn cảm thấy không hạnh phúc và bị cô lập. “Thiếu chính trị, thiếu tôn giáo, chỉ có làm và làm;”
“Tất cả chỉ thấy tiền, dougnut  rồi ngủ.”
Ông sẵn sàng đi vào một thứ đam mê khác. Ngoy cảm nhận hương vị đam mê mấy năm trước đó.
Gia đình ông Ngoy đi Las Vegas lần đầu năm 1977. Họ coi Elvis Presley trình diễn, và Ted chơi vài ván “Zì Zách.

”Mấy năm sau, Ted trở lại Vegas hàng tháng, coi show Tom Jones, Diana Ross và Wayne Newton, và cũng đánh bài nhiều hơn. Các sòng bài Caesars Palace, MGM Grand và Mirage đón rước Doughnuts King rất phải phép.Họ cho phòng free, đồ ăn, vé máy bay hạng nhất, ngồi hàng đầu xem show và boxing.
Ngược lại, Ted cúng cho sòng bài hàng ngàn, hàng ngàn đô la. Ted Ngoy tâm sự: “Las Vegas là thế giới mới, bên cạnh tiền và Donut.
” Vợ Ngoy rất ghét tánh cờ bạc của ông. Chị thấy những khoản tiền thua bạc khổng lồ rồi họ cãi cọ liên miên.

Nhiều lần bà tha thứ khi ông hứa bỏ, nhưng ít lâu sau, chứng nào tật ấy.
Bà nói: “Tôi đã tin lời hứa của ổng cả ngàn lần rồi.”
Rồi Ngoy lén bay đi Las Vegas không cho vợ biết, nhiều khi đi cả tuần không về.
Bà lái xe, chở đứa con út, kiếm ổng từ sòng bài này tới casino khác. Ngoy ký giả tên vợ, check vợ.
Ngoy mượn tiền của các chủ thuê tiệm. Mượn nhiều quá ổng sang tiệm luôn cho họ.
Ngoy tâm sự: “Khi ngồi vào bàn bạc, ta thấy hứng khởi, ma lực trong cơ thể sai khiến ta, không thể cưỡng lại nổi.”
Tiếng đồn lan ra. Người tị nạn vẫn đến nhờ ông cố vấn bắt đầu xa lánh, họ sợ bị ông vay tiền.
Trong lớp hướng dẫn tránh bài bạc Gamblers Anonumous, Ngoy than: “Tôi khóc, mọi người thề thốt, nhưng sau đó chúng tôi vẫn trở lại với thần đỏ đen.”
Ngoy còn cá độ với những tay bookies Cambốt đủ đồ chơi: football, basketball.

 Nhiều khi ông thua cả $ 50,000   Năm 1990, Sau cuộc khủng hoảng bài bạc ở Las Vegas, ông Ngoy bay lên Washington DC xin vào chùa, cạo đầu, mặc áo cà sa. Ông vua Donut tu tâm trọn tháng.
Sau đó ông còn bay sang chùa ở miền quê bên Thái Lan. Sáng sáng ôm bình bát, đi chân không, trên nhiều khúc đường sỏi đá xin ăn với các khất sĩ khác.Sau chuyến khổ tu, trở lại quận Cam, ông lại cờ bạc hơn trước. Ngoy than: “Sư sãi, không giúp được tôi, Phật cũng chẳng cứu nổi tôi.”
Cambodia có chương trình bầu cử lần đầu năm 1993, nhà nước kêu gọi công dân về tham chánh.
Ngoy là một trong số những người nghe theo. Tài sản Doughnuts của ông cũng gần tiêu tan hết. Ông bán luôn mấy tiệm còn lại.

 Nhà băng tịch thu căn nhà ở Mission Viejo.
Trở về Cambốt, Ngoy lập đảng Cộng Hòa Tự Do Phát Triển. Ông Ngoy tin sẽ giúp tạo cơ hội cho mọi người phát triển đi đến phồn vinh.
Ông cũng hy vọng với việc tham gia sinh hoạt chính trị sẽ giúp ông lánh xa bài bạc.. 

“Khi thành một nhân vật lớn, tôi không thể bài bạc được nữa vì cử tri sẽ không bỏ phiếu cho tôi. 
Họ không tin kẻ bạc bài.”
Ðảng của ông thảm bại cả hai cuộc bầu vào quốc hội 1993 và 1998. Nhưng thủ tướng Hun Sen mời ông Ted Ngoy làm cố vấn về thương mại và nông nghiệp.
Dùng ảnh hưởng thân cận với đảng Cộng Hòa, ông Ngoy thành công trong việc vận động Hoa kỳ ban qui chế Tối Huệ Quốc cho Cam bốt, năm 1995, giúp cho kỹ nghệ may mặc phát triển mạnh tạo hàng ngàn việc làm.

Khi Christy trở về California dự sinh nhật cháu ngoại năm 1999, Ngoy cặp một thiếu nữ, ông mang về sống trong nhà.
 Ðối với Christy, đó là sự phản bội sau cùng. Bà ly dị và không trở lại Cambốt nữa.
Ông Ngoy rời chính trường bất ngờ năm 2002, khi chống lại hai người đồng minh lớn, bộ trưởng thương mại và Chủ tịch phòng Thương mại Cambodia
. Trong một cuộc họp báo ông Ngoy tuyên bố giải tán đảng và tố cáo chính quyền tham nhũng.

Ngày hôm sao ông bay trở lại Los Angeles, bỏ sau lưng bà vợ mới và hai đứa con với bà.
Ông vua doughnuts một thời đến phi trường LAX chỉ còn $50 đô trong túi. Ông trở lại với cộng đồng tỵ nạn ngày xưa.Trong khi ấy 30 tiệm Doughnuts của bà Christy vẫn còn hoạt động cũng như hàng trăm tiệm của những chủ nhân Cambodge khác.
Người Camboia cũng đang bắt đầu bỏ dần nghề donut , vì quá mệt mỏi với cách làm việc 17 hr/ngày mà chỉ kiếm được 13 xu lợi tức từ mỗi chiếc bách bán ra  $ 65 xu.
Họ bắt đầu tiến lên, đầu tư vào tiệm liquor, chợ và nhà hàng.Không một người nào đã được ông Ngoy giúp đỡ ngày xưa cứu vớt ông.
Ông Ngoy trách: “Tôi dạy cho họ, chia xẻ tình yêu với họ, bằng con tim trí óc. Và bây giờ họ đâu hết rồi?”
Ông nói tật bài bạc của ông đã kiểm soát được rồi - hoặc chẳng còn tiền bạc để thử nữa.
Hiện giờ ông Ngoy sống nhờ vào lòng từ bi của vài người bạn bố thí cho.
Ông từ chối làm gác dan, vì: 

“Còn sức đâu mà đứng ngày 8 tiếng.” Ông có học lớp địa ốc nhưng than không thể nhớ nổi nhiều chi tiết.
Ông Ngoy đã tin Chúa Jesus, cho biết ông cầu nguyện mỗi ngày, xin Thiên Chúa cứu giúp ông.
Chua' Nhật ông thường dự Thánh lễ tại nhà thờ Parkcrest Christian ở Long Beach, rồi trầm tư mỗi chiều, một mình, ngồi đọc Thánh Kinh.
Một tín hữu cùng Hội thánh cho ông ngủ nhờ ở mái hiên có lưới, bên ngoài cái mobile home của bà.
Ông thu vén lại thành chỗ ngả lưng, gia tài còn lại là mấy cái áo và vài cái quần máng trên dây phơi.
Ông Ngoy tự xét mình, đang chịu hình phạt của Thiên Chúa, phạt ông về tội bội lời thề uống máu của ông và Suganthini dưới ánh trăng rằm ở Nam Vang năm nào.

Bà Christy Ngoy hiện giờ làmchủ một nhà hàng đặc sản Peru ở Irvine. Một người con trai của họ làm cố vấn tài chánh, người kia làm Computer Networking.
Con gái bà làm chủ tiệm Hamburger kiểu cổ điển cũng ở quận Cam.
Bà Christy nói về người chồng cũ: “Ðã có lần tôi tưởng, chắc tôi chết nếu có chuyện gì xẩy đến với anh ấy.
Nhưng cuộc tình lãng mạn ấy giờ đây đã quá xa, tôi thấy dường như đã xẩy ra cho một người nào khác.
Người đàn ông lạ đột nhập vào phòng ngủ của tôi cách đây 35 năm là một người xa lạ với tôi rồi.”
Ted Ngoy cũng trở thành người xa lạ với chính ông ta.

 Ông nói: “Tôi không biết bây giờ tôi là ai.
Tôi tự hỏi: Ted, Ông là Ai? Tôi cũng không biết luôn.”

CNN
viết theo Sam Quinones,
Los Angeles Times

Người Việt nói tiếng Anh

Không đọc được tiếng Anh nên họ phát âm chữ Mỹ theo tiếng Việt nhiều khi vô tình nghe rất buồn cười.

....Tiếng Pháp, tuy không độc vận như tiếng Việt, nhưng dễ phát âm vì thấy sao nói vậy. 
Trong khi tiếng Anh thì cùng một chữ nhưng lại phát ngôn ba, bốn nẻo khác nhau, chẳng biết đường nào lần.
 Cùng một chữ a, trong chữ apple thì đọc là áp-pồ, nhưng trong chữ gate thì đọc là ghết(ơ), trong chữ national thì lại đọc là na-shô-nôl, và trong chữ bare thì lại đọc là ber.
 Đã thế, mẫu tự cuối của một chữ phải nói ra hơi gió, không thì người Mỹ không hiểu.
 Người Việt chúng ta đại đa số khi nói tiếng Anh ai cũng nuốt âm gió. 
Thí dụ như chữ good, đọc đúng là gúđ(ơ) với vần cuối đơ uốn lưỡi trong miệng, thì người mình chỉ nói gút, làm người Mỹ nghe muốn điên cả đầu. 
Hầu hết chúng ta nếu sống ở Việt Nam từ bé đến lớn chừng 16, 17 tuổi rồi sang Mỹ ở thì mặc dù nói tiếng Anh trẹo quai hàm cho đến 50 năm sau cũng chẳng bao giờ phát âm đúng như người Mỹ.
Cộng với việc uốn lưỡi trẹo quai hàm, nếu mình đánh dấu nhấn sai chỗ, người Mỹ nghe sẽ không hiểu. Ngày xưa khi mới sang là dân tỵ nạn, tôi đến tiểu bang Pensylvania. 
Khi vào học trung học ở California, bạn Mỹ trong lớp hỏi tôi trước đó ở đâu, tôi trả lời là ở Pen-sôl-vê-Ní-a.
Họ lắc đầu không hiểu chỉ vì tôi đọc nhấn mạnh sai ở vần “Ní”. Vần nhấn đúng là ở chữ “Vế”: Pen-sôl-Vế-ni-a.
 Tôi sang Mỹ từ năm 17 tuổi, bây giờ phát âm tiếng Anh vẫn còn dở ẹc.

 Có ở thêm chục năm nữa thì vẫn là anh Mít nói tiếng Mỹ. Ấy là tôi không phải là người thất học vì ngày xưa từ bé bố tôi đã dậy tôi tiếng Pháp ở nhà. 
Vào trung học lớp 6 tôi chọn chọn sinh ngữ chính Pháp văn. Đến năm lớp 9 thì như bao học sinh khác, tôi phải học thêm tiếng Anh là sinh ngữ phụ thứ hai.
 Tôi nói vòng vo tam quốc như thế để nhấn mạnh một điểm là tôi không đến nỗi ngu lắm khi học ngoại ngữ, thế mà sau 37 năm sinh sống ở Hoa Kỳ, tiếng Anh của tôi vẫn còn bập bẹ như chị bán bar trong xóm Bàn Cờ của tôi ngày xưa.Có trình độ học vấn mà tôi còn thấy chới với, do đó hầu hết người Việt Nam sang Mỹ khi đã trưởng thành, nhất là những người ít học hay vào lứa tuổi 30, 40, thì không tài nào nói tiếng Anh được chuẩn.
 Không đọc được tiếng Anh nên họ phát âm chữ Mỹ theo tiếng Việt nhiều khi vô tình nghe rất buồn cười.
 Khi con tôi còn nhỏ, chúng tôi thuê một bà Việt Nam săn sóc vào ban ngày khi chúng tôi đi làm. Dĩ nhiên là bà ta hoàn toàn không nói tiếng Anh.

  Nếu nghe bà ta phát âm tên con đường Kuehner (Kiu-nơr) gần nhà tôi thì bảo đảm người Mỹ sẽ há hốc kinh ngạc: đường Cu Nó. Đường Cu Nó ở phía Tây thành phố.
 Phía Đông thành phố nơi bà ta ở có một con đường tên Culver (Kôn-vơr) thì bà ta biến nó thành đường Cu Dơ. Thành ra bà ta ở đường Cu Dơ, nhưng mỗi sáng đi làm đến nhà tôi ởgần đường Cu Nó.
 Con đường chính yếu gần nhà tôi là Yosemite (Dzồ-sé-mi-ti) thì bà ta đọc là Dô Xe Mít, thành phố kế bên Burbank (bơr-beenk) thì bà ta đọc là Bấp Bênh.
 Đi trên đường Dô Xe Mít (Yosemite) gập ghềnh nên nó kế bên thành phố Bấp Bênh (Burbank) là phải lắm!
 Những cặp vợ chồng Việt trẻ sinh con ở Hoa Kỳ phần lớn đặt tên tiếng Mỹ cho con vì chúng nó xem như là dân Mỹ, chẳng còn liên hệ gì đến Việt Nam.

 Bố mẹ có thể gọi được tên con, nhưng đối với ông bà nội/ngoại, gọi cháu mình với tên Mỹ là cả một cực hình.
 Hơn chục năm trước tôi có quen một anh bạn. Khi vợ sinh đứa con trai đầu lòng, anh ta đặt tên con là Kirt (Kơrt). Vài năm sau tôi đến ăn sinh nhật, gặp bà ngoại cháu bé thì bà ấy nói với tôi:
 - Cái thằng L. thiệt hết sức nói. Tiếng Dziệt Nam mình có biết bao nhiêu là tên, nó hổng đặt tên con nó tiếng Dziệt để tui dễ gọi, mà nó lại đặt tên tiếng Mỹ, tui giận hết sức.- Tiếng Mỹ với tiếng Việt cũng như vậy thôi, có gì đâu mà bác giận? Tôi hỏi và nói tiếp: Mình ở Mỹ thì nên đặt tên con nít tiếng Mỹ, chứ nếu không mai sau nó vào trường học, bạn bè không gọi được tên tiếng Việt thì tội cho nó.
 - Trời ơi, tội cho nó nhưng ai tội cho tui? Nó đặt tên con tiếng Mỹ thì làm sao tui kêu? Mà có đặt tên Mỹ thì cũng kiếm cái tên gì cho tui gọi được.

 Đằng này nó đặt tên thằng cháu tui là cái gì… “C**”.
 Ngày nào tui cũng gọi thằng cháu tui tên “C**”, “C**”, nghe kỳ quá!Đứa bé tên là Kirt (Kơrt), bà ta đọc không được tên cháu của mình nên gọi nó là “C***”!
 Thời đại đặt tên con là “Cái Tĩn” hay “Thằng Tũn” đã xa xưa lắm rồi. Bây giờ thì bố mẹ nào cũng tìm tên thật đẹp để đặt cho con.

 Michelle (mi-sheo) hay Sally (sa-ly), tên con gái ở Mỹ nghe thật hay nhưng nhiều ông bà nội/ngoại không phát âm được nên đổi tên cháu Michelle ra… “Mì xào”, Sally gọi là “Xá-lị”.
 Một cô bạn gái nói cho tôi biết có một anh bạn, vợ sinh con trai, đặt tên là Christopher. 

 Người nào cùng lứa tuổi tôi có thể nhớ trước 1975 có phim “Tình thù rực nắng”, phim Mỹ nhưng không hiểu sao ở Việt Nam tựa đề phim lại là tiếng Pháp“Meutre au Soleil” (tựa tiếng Mỹ là “Summertime Killer”).
 Sở dĩ tôi còn nhớ vanh vách phim này vì hai tài tử chính, cô đào Olivia Hussey và anh chàng Christoper Mitchum đều đẹp. Tôi còn nhớ rõ Christopher Mitchum với bộ tóc mầu vàng, trông rất lạ vì tóc Á Đông của chúng ta mầu đen. Anh chàng này tóc vàng, da trắng, người Âu Mỹ trông thấy đã đẹp, tên anh ta Christopher nghe cũng đẹp nữa. Ấy thế mà bà nội Việt Nam ở Mỹ vì không nói được chữ Christopher (Khris-tô-phơr) tuyệtđẹp tên của cháu mình nên gọi nó là… “Tô Phở!”.
 Anh này có một cậu em trai, cũng lấy vợ, và cũng sinh con trai. Hai vợ chồng người em đặt tên con là Tommy (tom-mi). Tên này thì quá dễ để cho ông bà gọi cháu, ấy thế mà bà cũng gọi trại ra theo âm Việt Nam: “Tô Mì”.

 Hai đứa cháu, mộtđứa là “Tô Phở”, một đứa là “Tô Mì”, bây giờ nó trở thành tên quá dễ để cho bà nội gọi cháu.
 Tên đường sá ở Mỹ thì những người Việt tha hồ gọi theo tiếng của mình, chẳng quan tâm đến việc người Mỹ có hiểu hay không.

 Đây là một vài thí dụ tên đường sá, thành phố ở Mỹ, chữ trong ngoặc là phát âm đúng theo tiếng Mỹ, và chữ kế bên cạnh là người mình đổi sang tiếng Việt để đọc:
 Magnolia (mặec-noó-li-a): Mặt ngó lia
 Cullen (kơ-lân): Cù lần
 McFadden (mặec-pha-đân): Mất phải đền
 McLaughlin (mặec-láph-lân): Mắt láo liên
 Brookhurst (brúk-hơrst): Bốc hốt
 McKee (mặec-ki): Mặc kệ....

 Đây là một câu chuyện cũng về người Việt đọc tiếng Anh, lưu truyền trên Internet, tôi không biết ai là tác giả, xin chép lại nguyên văn:
 “Tui xin kể một chuyện vui có thiệt 100%, xảy ra cho chính tui:
 Cách đây vài tháng, một người bạn nhờ tui ra phi trường đón giùm một cô ca sĩ rất rất ư là nổi tiếng bên VN (xin cho phép tui tạm giấu tên cô ca sĩ đó). Nàng là thần tượng của giới trẻ bên đó và cũng như bên đây. 

Nàng rất ư là dễ thương và very cute! và thông minh luôn. Nàng sang đây hát show theo lời mời của nhóm bạn của tui. Anyway, trên xe, nàng hỏi tui là nàng có thể xài thẻ tín dụng bên đây được không? Tui hỏi lại là thẻ loại gì? Của nhà băng nào? 
Thì nàng nhỏ nhẹ bảo là thẻ của nàng là thẻ “Con mẹ xin ăn”! Và cứ thế, suốt cả giờ, nàng huyên thuyên kể về cái thẻ “Con mẹ xin ăn” của nàng có rất nhiều tiền trong đó, nàng có thể dùng nó bất cứ lúc nào và bất cứ nơi nào trên thế giới.
 Tui không dám hỏi. Cũng không dám ngắt lời nàng để hỏi. Trong lòng cứ ấm ức và thắc mắc - Ngộ thiệt đó nha! Cớ sao nhà băng bên Việt Nam lại lấy một cái tên nghe oái oăm thiệt. Tại sao lại đi lấy tên nhà băng là “Con mẹ xin ăn” nhỉ? Thiếu gì tên đẹp mà sao hổng lấy. 

Mà lạ, nàng bảo là cái “Con mẹ xin ăn” băng này là lớn lắm đó nha...
 Em được họ cho em muốn xài bao nhiêu cũng được cả. Vì họ biết em có dư khả năng trả cho họ hàng tháng!”. Chở nàng đến khách sạn, tui ngần ngừ rồi năn nỉ: “Em cho anh xem thử cái thẻ... của em được không?”.
 Mèng đét ui, té ra nó là cái thẻ Commercial Bank! Tui phá ra cười khom cả cái lưng còm ốm yếu cúa tui.

 Mà tất nhiên là hổng dám giải thích cho nàng hiểu tại sao mình cười.
 Hi hi hi. Suốt đời chắc hông bao giờ quên được cái kỷ niệm đó, kỷ niệm mà tui hông bao giờ dám kể lại cho nàng nghe cả!
 (Ghi chú: Chữ “Commercial” nếu phát âm theo tiếng Anh thì không nghe giống 

“Con mẹ xin ăn” nhưng nếu phát âm theo tiếng Pháp hoặc theo lối VN thì đúng là“Con mẹ xin ăn”).
 Dùng tiếng Anh sai cũng tai hại không kém. Một chị bạn kể cho tôi nghe chị có một bà láng giềng người Việt Nam. Một buổi sáng chục năm trước bà ta ra xe thì gặp ông láng giềng Mỹ. Khi ông ấy hỏi: “Bà đi đâu thế?” , thì bà ta trả lời: “Sáng nay tôi đi tìm mua một cái condom” .

 Ý bà ta nói là muốn mua một cái condo (con-đô, không có m), chữ viết tắt của chữ condominium, có nghĩa tương tự nhưchữ apartment, nhưng bà ta lại nói nhầm là condom (con-đâm). Condom là bao cao su cho đàn ông dùng để ngừa thai!
 Câu chuyện sau đây cũng là người Việt nói tiếng Mỹ:
 Có một anh Việt Nam ngày xưa ở dưới Rạch Giá, sang đây làm nghề thợ ráp ở hãng tôi.

 Cũng giống như bao nhiêu người Việt mê nhạc Việt Nam, hát karaôkê và tổ chức nhảy đầm ở nhà, anh ta rất rành rẽ những điệu nhạc như Valse, Cha-Cha-Cha, Tango, Bolero, Rumba…
 Một hôm anh ta xuống Santa Ana vào một tiệm bánh để mua bánh paté chaud. Rất tự tin, anh ta ung dung nói với cô bán hàng:
 - Cô bán cho tui ba cái bánh “ba-sô-đốp”.

Cô bán hàng ngẩn tò te nhìn vì không hiểu anh ta muốn gì, mà anh ta cũng không biết tại sao cô ta nhìn mình: Thay vì nói muốn mua bánh paté chaud, anh ta nói muốn mua pasodoble, một loại điệu nhẩy!
 Đọc đến đây quý vị chắc sẽ có vài nụ cười và nói với tôi “Thank you” đã viết bài này.

 Tôi định trả lời “Không có chi” bằng tiếng Anh cho quý vị: “You are welcome”; nhưng thay vì phát âm đúng như người Mỹ nói: “You Arr Gweo Kâm”, tôi bắt chước một bà Việt Nam lớn tuổi ở tiểu bang Mả-Cha-Chú-Chệt (Massachusetts –Más-sa-chú-sệt) nói câu “You are welcome” với giọng An Nam Mít đặc sệt:
 - Giò heo hầm.

                                   Nguyễn Tài Ngọc 
                                @@ hihi,super dzui , tks t.g nhaaaa!

Thứ Năm, 18 tháng 10, 2012

Người Việt không đúng giờ

  Một trong những tính xấu tương đối “nổi tiếng” nhất của người Việt, trong cũng như ngoài nước, là rất ít khi đúng giờ.

Họp, phải chờ đợi nhau là chuyện bình thường. Tiệc tùng đến trễ cả một, hai tiếng cũng là chuyện bình thường. Các buổi văn nghệ hay ra mắt sách ít khi có thể bắt đầu đúng giờ quy định.
 Lý do: “vắng vẻ quá”. Đành phải chờ. Có khi chờ nửa tiếng. Cũng có khi chờ cả tiếng. Mòn mỏi.
Có lẽ biết tính nhau quá nên trong các tiệc cưới của người Việt tại Úc, người ta thường “ăn gian”, ghi thời điểm bắt đầu rất sớm, thường là sáu giờ rưỡi chiều, lúc, theo kinh nghiệm của tôi, ở nhà hàng… chưa có ai cả.
Nhớ, lúc tôi mới qua Úc, nhận được thiệp cưới như thế từ một sinh viên, đúng sáu giờ rưỡi, tôi có mặt.
 Nhà hàng vắng tanh. Các nhân viên đang dọn bàn ghế. Cô dâu chú rể chưa tới.
 Nhà trai nhà gái chưa ai tới. Tôi đi loanh quanh, gần nửa tiếng sau, trở lại, cũng chỉ thưa thớt năm ba người đến sớm. Nản quá, tôi đi đến một tiệm gần đó, uống cà phê chờ tiếp đến bảy giờ rưỡi. Lúc trở lại nhà hàng, vẫn thấy là mình đến quá sớm.
Lần khác, tôi dự đám cưới con gái một người bạn đồng nghiệp. Thiệp mời vẫn ghi là tiệc cưới bắt đầu từ 6:30. Người bạn nhờ tôi đến sớm để thù tiếp một số bạn bè người Úc trong trường giùm anh. Đúng giờ, tôi tới. Chỉ có mấy người bạn Úc. 
 Chúng tôi ngồi chung một bàn, uống nước và tán gẫu, chờ.
Chờ đến khoảng 7 giờ mới thấy gia đình cô dâu chú rể đến; khoảng bảy rưỡi mới thấy khách khứa lục đục đến. Hơn 8 giờ nghi lễ mới bắt đầu. Người này nói. Người kia nói. Nâng ly chúc mừng nhau.
 Đến gần 9 giờ, thức ăn mới dọn ra. Lúc ấy hầu hết các bạn người Úc đều đứng dậy cáo về. Lý do: Họ đã quá mệt mỏi sau gần ba tiếng chờ đợi!
Rút kinh nghiệm từ nhiều đám cưới trước, sau này, bất kể thiệp cưới ghi mấy giờ, tôi cứ đủng đỉnh chờ đến khoảng sau 7 giờ mới đến. Vẫn chưa muộn.
Mà, nói cho công bằng, không phải chỉ có người Việt Nam. Phần lớn dân châu Á (trừ Nhật Bản) và châu Phi đều có thói quen không đúng giờ như vậy.

Tại sao?Tôi nghĩ lý do chính: dấu ấn của nền văn hóa nông nghiệp.Nên nhớ: người ta chỉ có ý niệm về sự đúng giờ khi đã có đồng hồ.
 Mà đồng hồ lại là sản phẩm của công nghiệp. Công nghiệp càng phát triển, ý niệm về giờ giấc lại càng cần chính xác, chính xác không phải từng giờ, từng phút mà còn, thậm chí, từng giây. 
Với lối sản xuất theo dây chuyền, một sản phẩm của kỹ nghệ hoá và tự động hoá, nhu cầu đúng giờ lại càng cần thiết. Khi người này đúng giờ, người kia cũng cần đúng giờ theo. Kết quả là cả guồng máy, từ sản xuất đến hành chính, đều chạy đúng giờ.
 Mở cửa: đúng giờ. Họp hành: đúng giờ. 
Xã hội xem việc đúng giờ như một đức tính cần thiết của mọi công dân. Khi xét tuyển công nhân viên chức, những người lãnh đạo và quản lý cũng xem tính đúng giờ như một điều kiện quan trọng. 
Dạy học lâu năm, tôi thường được yêu cầu viết thư giới thiệu cho nhiều sinh viên mới tốt nghiệp đang kiếm việc làm. Trong các mẫu thư ấy, bao giờ cũng có một chi tiết: sinh viên ấy có nộp bài đúng thời hạn hay không; có đáng tin cậy về giờ giấc hay không.
Vì muốn đúng giờ nên ai nấy đều hối hả. Xe cộ thì có những chuyến tốc hành. Đường xá thì có những lối cao tốc. Ăn thì có thức ăn nhanh. Uống thì loại cà phê pha sẵn hoặc pha bằng máy. 
Chương trình trên tivi hay radio thì được tính từng giây một. Và ở đâu cũng có đồng hồ. Trong nhà có đồng hồ. Trong hãng có đồng hồ. Ngay ngoài phố, người ta cũng treo những chiếc đồng hồ lớn. Mọi sinh hoạt đều quay vòng theo những chiếc đồng hồ ấy.
Trong xã hội nông nghiệp, nhất là nông nghiệp theo lối cổ điển ở Việt Nam ngày trước cũng như hiện nay, ngược lại, người ta làm việc theo nhịp điệu tự nhiên. 
Trong cái gọi là nhịp điệu tự nhiên ấy, quan trọng nhất là mùa. Người ta gieo hạt theo mùa. Gặt hái theo mùa. Nghỉ ngơi theo mùa.
 Bên cạnh mùa là thời gian cụ thể trong ngày. Không phải thời gian khách quan. Mà là thời gian cụ thể, căn cứ vào mặt trời và mặt trăng.
Xưa, không ai có đồng hồ. Và họ cũng chẳng cần đồng hồ. Sáng, nghe gà gáy thì dậy nấu cơm. Mặt trời lên thì dắt trâu bò ra đồng.
 Đứng bóng thì nghỉ, ăn trưa. Chiều, mặt trời lặn hoặc sắp lặn thì lại lùa trâu về. Người ta thường ăn tối trước khi trời sụp tối hẳn. Ăn xong, nghỉ một lát thì đi ngủ. Rất hiếm khi người ta làm trái theo cái nhịp điệu tự nhiên ấy. Mà làm trái cũng không được.
 Nếu căn cứ vào đồng hồ, ví dụ vào mùa đông, ra đồng quá sớm, trước khi mặt trời mọc thì cũng chẳng để làm gì.
Hơn nữa, trong hoạt động đồng áng, sớm hay muộn một lát, thậm chí, một hai giờ, cũng chẳng chết ai cả. Làm sớm thì nghỉ sớm.
 Làm muộn thì nghỉ muộn. Đang làm việc, trời đổ mưa thì tìm chỗ trú. Việc hôm nay chưa xong thì ngày mai hay ngày mốt làm tiếp.
Những thói quen trong sinh hoạt từng kéo dài cả hàng ngàn năm như vậy không dễ gì phai nhạt được.
 Huống gì ở Việt Nam, chúng ta chưa bao giờ trải qua một giai đoạn quan trọng trong lịch sử Tây phương: hiện đại hoá với hai nội dung chính là kỹ nghệ hoá và tự động hoá.
 Việc đúng giờ, với chúng ta, rõ ràng, chưa phải là một thói quen. Sống ở ngoại quốc, vì nhu cầu sinh sống, khi làm việc, người ta phải cố gắng đúng giờ.
 Không đúng giờ thì bị trừ lương, thậm chí, bị đuổi việc. Nhưng về phương diện xã hội, trong các cuộc họp hành, văn nghệ, tiệc tùng, lúc không ai có quyền trừng phạt ai, chúng ta thường trở về thói quen cố hữu: lề mề, đủng đỉnh, chậm chạp.
Thành ra, làm gì cũng phải chờ nhau.
Chờ đến mòn mỏi.
                                    Nguyễn H .Quốc  
                                                                  

NẾU EM LÀ ...


Nếu em là phiến đá
Xin được khắc tên em
Mai sau đường đôi ngả
Tên người vẫn còn nguyên

Nếu em là chiếc lá
Anh không khắc tên đâu
Vì lá sẽ tàn mau
Và tên người sẽ mất

Không mong em là cát
Để viết bài tình thơ
Sóng biển thật ngu ngơ
Vô tình tan biến vội

Nếu em loài hoa dại
Anh xin làm cỏ cây
Cho dù mưa hay nắng
Tình vui với tháng ngày

Nếu tình như gió Đông
Anh xin làn nắng ấm
Tan đi cơn giá lạnh
Xuân tươi ngập vào hồn

Nếu em là mùa Thu
Trên đồi vắng sương mù
Anh xin là cánh nhạn
Mang hoài kiếp tương tư

Nếu em là vần thơ
Ngây thơ tuổi học trò
Thơ em anh kết nhạc
Mong tình chuỗi mộng mơ


Nếu em là nỗi nhớ
Anh xin mãi đợi chờ
Dù tình bao cách trơ?
Tình nồng say giấc mơ

Nếu em là nhà thơ
Xin đừng quá mộng mơ
Cho tình lên tiếng gọi
Ra đi chẳng đợi chờ


Nguyễn Vạn Thắng


Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Đi một ngày đàng

Vừa nhắc đến câu 'đi một ngày đàng, học một sàng khôn' tuần trước thì tuần này tôi đã thấy ngay định nghĩa của câu nói này. Cho chính mình. Vậy mới đáng kể.
Số là dạo này tôi ít có thời gian đi du lịch, ít có dịp tìm đến thiên nhiên, leo núi cao, bơi trên biển vắng. Là những nơi mà tôi thích tìm đến nhất.
Một phần vì công việc của tôi dạo này quá ư là bận rộn. Nhưng phần lớn tôi tự cảm thấy là từ khi có con, tôi có phần lo hơn.Lo cho nó mỗi khi có dịp ở gần nó. Lo kiếm tiền để trả mỗi tháng, tiền ăn, tiền tã, tiền nhà. Mà ai ở Mỹ cũng biết đây không phải là một khoản nhỏ.

 Mỗi tháng tốn một, hai ngàn đô là chuyện thường.
Bởi thế thời gian sau này tôi bận đi làm hơn là đi chơi, đi show...miễn phí.

 Hoặc ngay cả khi đi show miễn phí để gây quỹ giúp người tỵ nạn thì tôi cũng lo tranh thủ bán băng, bán sách để kiếm tiền nuôi con.
 Là điều mà tôi chưa bao giờ làm trước đây. Tuy không lời được là bao nhưng cũng đủ để trang trải mọi chi phí trong cuộc sống.
Tôi có phần may mắn là thế. Vì vừa có việc làm, được sống với lý tưởng của mình, lại vừa tự nuôi được bản thân và người mà mình yêu quý nhất. Nếu đó không phải là may mắn thì là gì, phải không bạn?
Sự may mắn của tôi không chỉ dừng ở đó.

 Như đã có lần chia sẻ ở đây, tôi còn được may mắn là có rất nhiều bạn.
 Những người bạn, những thằng bạn hết tình, hết nghĩa và luôn hết lòng đối với mình.
 Và cả với lý tưởng của mình.  
 Văn phòng tôi cần một cái ti vi, hai cái giường ngủ? Xin có ngay. Tôi cần gây quỹ để giúp cho những thuyền nhân cuối cùng? Cứ cho biết ngày nào tôi rảnh, sẽ có người đứng ra lo mọi việc.
 Gia đình, bạn bè tôi không ai cần gì ở nơi tôi. Ngược lại, lúc nào hay ở đâu tôi cần họ, họ đều có mặt. Kể cả những khi tôi cần họ vì việc tư chứ không phải chuyện công. Như ngay trong lúc này, tôi đang ở trên một đảo vắng. Cách thủ đô Manila, Philippines gần 2 giờ bay, 2 giờ xe và một chuyến tàu mới đến đảo.
Tôi có một thằng bạn ở đây. Nó có cả một cơ ngơi, phòng ốc, người làm, ca nô, thuyền buồm đậu ngay trước nhà. Mà bất cứ lúc nào tôi cũng có thể đến, nghỉ ngơi, lấy lại sức. Mà không phải tốn một đồng xu nào.

Thế vậy mà sau gần 5 năm lần lựa, hứa mãi hôm nay tôi mới có dịp xuống đây để thăm nó. Mặc dù tính ra thì tôi chỉ bỏ ra vỏn vẹn có 2 ngày.

 Nhưng nói thật nếu lần này không có cô em gái và đứa cháu sang chơi thì chắc có lẽ tôi cũng chưa có thời gian để sắp xếp xuống thăm.
Vì thứ nhất, tôi thấy hình như những khi rảnh rỗi chúng ta chỉ thường quen làm, đi đến những nơi quen thuộc. Những nơi ít buộc chúng ta phải suy nghĩ, tính toán. 

Cũng vì vậy mà ít khi chúng ta 'có thời gian' đối với những nơi xa lạ, những công việc mà chúng ta chưa quen.
Như tôi đây không phải là trong thời gian vừa qua tôi không thể nào tìm được hai ngày rổi rảnh vào cuối tuần.

 Mà đơn giản là vì tôi chưa biết rõ có cái gì đáng xem, có thể tận hưởng ở đây hay không. Nên nếu có rảnh một, hai ngày thì tôi cũng chỉ quanh quẩn ở nhà, nghỉ xả hơi, đọc sách. Hoặc lên net 
Thứ hai, tôi thấy ngày càng lớn hình như chúng ta ít chịu khám phá hơn. Cũng có thể đối với một số người, đó là vì lý do sức khỏe.
 Nhưng phần lớn tôi nghĩ lý do là vì đối với những ai đã và đang đi vào cái độ tuổi 'tứ thập nhi bất hoặc', chính vì chúng ta đã biết chúng ta là ai, thích làm gì nên ít khi chúng ta chịu bứng mình ra khỏi cái vòng an toàn ấy. Để tìm đến những nơi sẽ làm mình bận lòng, nhọc xác.
Như tôi đây hôm trên đường xuống đây, cứ tự nhủ thầm: ủa, sao mình có thể điên đến thế? 

 Đường thì vừa xa, trắc trở, nơi mình đến lại không biết có cái chi, internet cũng chẳng có. 
Xuống tới nơi có cái răng mà làm?
Nhưng tôi đã lầm.

 Và đó cũng là cái sàng thứ ba mà tôi đã vừa nghiệm ra được. Đó là phải chịu đi, biết dấn thân thì chúng ta mới học được nhiều điều hay, thấy nhiều cảnh lạ.
 Càng lớn tuổi, chúng ta càng phải cảnh giác là chúng ta rất dễ chấp nhận với hiện tại và bằng lòng với viễn ảnh ở tương lai. Mà không biết rằng ở ngoài kia, trên thế giới này, vẫn còn rất nhiều người, bao nhiêu công việc đang chờ đón chúng ta. Và hàng ngàn, hàng vạn núi cao, biển rộng đang chờ chúng ta leo cao, vùng vẫy.
Cũng nhờ có chuyến đi này mà tôi có dịp tìm hiểu cũng như chia sẻ thời gian với thằng cháu duy nhất của tôi. Chưa kể đến mẹ nó là cô em kế tôi mà mỗi năm tôi cũng chỉ có dịp gặp một, hai lần. 

Tôi rất vui lần này mình đã có dịp lặn sâu trên biển với nó. 
 Chỉ cho nó cách nhảy từ vách đá cao xuống bể sâu.Tôi cũng nghĩ ít nhiều tôi đã hiểu rõ hơn về thằng bạn của tôi. Đặc biệt là trí tưởng tượng phong phú và sự quyết tâm của nó.
 Thật không ngờ là chỉ sau 5 năm, từ một nơi hoang vắng, ở một nơi có thể gọi là 'khỉ ho, cò gáy' nằm ở tận phía nam nước Phi trên quần đảo Mindanao mà vừa mới nghe tên, ai không biết rõ cũng đều sợ, nó đã xây lên được cả một cơ ngơi thơ mộng, thanh tịnh như thế này. Một nơi vừa có biển trong, xanh ngắt một màu, những bờ cát trắng nối dài từ đảo này sang đảo khác.
 Đó, trước mặt là biển nhưng sau lưng nhà là cả một hồ nước rộng mênh mang, tĩnh lặng bao quanh hàng chục ngọn núi lớn nhỏ chỉ có tiếng chim kêu và gió xào xạc trên đồi.
Thật không có gì đẹp. Và còn gì yên tĩnh, hoang sơ hơn nơi này bạn ạ.

Và đấy cũng là điều cuối cùng mà tôi đã vừa chiêm nghiệm được cho chính mình trong đêm nay. Đó là đôi khi chúng ta phải đến một nơi hoàn toàn xa lạ chúng ta mới thấy điều gì đáng nhớ, việc gì đáng buông. Phải thật lặng chúng ta mới biết được chúng ta là ai. Và phải thật xa chúng ta mới cảm nhận được ai là người chúng ta trân trọng nhất.

                                           Trịnh Hội 
                                     @@ tks  for sharing t/g TH! 
                                  

Vietnamese Home Cooking-Charles Phan


 Charles Phan, 50 tuổi, đã ra mắt cuốn sách mang tựa đề "Vietnamese Home Cooking".
Phan cho biết cuốn sách gồm 226 trang, có giá $35 dollar , đơn giản là sách hướng dẫn cách nấu món ăn Việt tại nhà, cung cấp hiểu biết chung về nền ẩm thực Việt Nam, cách thưởng thức món ăn.
 Đặc biệt, cuốn sách tiết lộ những câu chuyện thú vị đằng sau những món ăn có trong thực đơn của Slanted Door từ khi mở cửa năm 1995 và kỹ thuật nấu nướng khiến những món ăn ở đây trở nên đặc biệt.
Cấu trúc cuốn sách của Phan không sắp xếp theo món ăn mà theo kỹ thuật nấu.
 Anh cho rằng mọi người chỉ thường mua sách để biết một công thức nấu ăn mà không hiểu được những quy tắc cơ bản và cách kết hợp các nguyên liệu.
"Nếu bạn học cách chiên, xào, om, nướng, cách kiểm soát ngọn lửa, bạn có thể làm bất cứ điều gì", San Jose Mercury News dẫn lời anh. 
"Về cơ bản cuốn sách tương tự những gì chúng tôi đang làm ở Slanted Door, quảng bá ẩm thực Việt với những nguyên liệu địa phương", anh nói.
 Sinh ra ở Đà Lạt, Phan cùng cha mẹ và anh em rời Việt Nam đến đảo Guam năm lên 13 tuổi.
 Mẹ anh khi đó đang làm hai công việc một lúc và anh chịu trách nhiệm nấu ăn cho cả gia đình.
 Họ trải qua hai năm ở đó trước khi đến San Francisco định cư năm 1977.
Anh bắt đầu đi làm ở nhà hàng khi đang học cấp ba. Mỗi tuần Phan làm việc 3 buổi tối, cho đến tận hai giờ sáng và nấu bữa ăn 6 món cho 5 người bạn trong phòng ký túc xá. "Mọi người nghĩ tôi bị dở hơi", anh kể.
Vào năm thứ ba đại học, Phan tham gia một cuộc biểu tình về học phí và buộc phải nghỉ học.
 Anh trải qua nhiều công việc nhưng không thành công và quyết định đi du lịch một thời gian. 
Tuy nhiên, trong tâm trí anh, ước mơ về một nhà hàng vẫn luôn day dứt.
Bước ngoặt của cuộc đời Phan là khi anh đến châu Á năm 1994 và quyết định rằng "mình phải làm việc cho chính mình". Thế rồi nhà hàng Việt Nam Slanted Door ra đời một năm sau đó.
 Đây là nhà hàng Việt Nam đầu tiên chuyên phục vụ các món ăn Việt chất lượng cao trong vùng, với các nguyên liệu địa phương tươi ngon nhập trực tiếp từ trang trại.
"Thừa thắng xông lên" sau Slanted Door, ông chủ Phan phát triển một "đế chế nhà hàng" nhỏ ở vùng vịnh San Francisco với những nhà hàng như Heaven's Dog, Academy Cafe hay Wo Hing General Store.
 Năm 2004, anh giành giải Đầu bếp Giỏi nhất của Quỹ James Beard, giải thưởng được xem là "Oscars của Ẩm thực" Mỹ.
Phan cho biết bí quyết để nấu ngon là trước hết phải học cách ăn.
"Khi bạn thưởng thức nhiều món ăn ngon, bạn bắt đầu xây dựng cho mình vốn từ vựng về hương vị. 
Bạn hình dung ra hình ảnh món ăn và cách để làm chúng", anh nói. 
"Đừng chỉ đến và nói với tôi rằng thức ăn rất tuyệt. 
Tôi nói thế với tụi trẻ con nhiều rồi.
 Mục tiêu của tôi là thực sự khiến mọi người nghiện thức ăn ngon. Có nhiều thứ gây nghiện, như ma túy, nhưng tôi nghĩ nghiện thức ăn thì tốt hơn, vì chúng ta tìm thấy niềm vui trong đó".
                                       Sjose , Mercurynews

Inspiring Conceptual Photography



VÔ THƯỜNG


Cùng với giọt thời gian...
Xuân qua.
Đông đến.
Thu tàn.
Hạ sang...

Ở nơi cõi vô thường này, "hạnh phúc chẳng bao giờ là vĩnh cửu và tất nhiên khổ đau cũng sẽ không bao giờ là mãi mãi!". Sẽ có vui có buồn, có sướng có khổ... đan xen, xâu chuỗi trong suốt một kiếp người.

Ở nơi cõi vô thường này, mọi sự xung quanh ta đổi thay. Và ta cũng thay đổi.

 Đó là khi ta nghe thật nhiều rằng, giờ ta đã lớn rồi, giờ ta đã khác rồi, giờ ta khác quá!
-Ta không biết ta như thế là "thay đổi" hay là "trưởng thành". Ta có thay đổi hay không?
-Ừ! Thì cũng đúng thôi, cuộc sống là cõi vô thường. Cõi vô thường với biết bao điều biến hóa mà chẳng lẽ ta lại mãi sống với những điều đã cũ, sống với ta đã cũ!
-Nhưng liệu rằng, ta đang sống hay chỉ đang tồn tại? Hay là ta chỉ ở trọ nơi trần gian này?
-Sống lâu đã gọi là sống chưa? Hay là tồn tại trong thời gian dài, ngủ im trong khi thế giới ngoài kia thức?
-Ta những mong một cuộc sống bình yên giữa chốn vô thường, bình yên theo cách nghĩ của ta nhưng ta đọc được đâu đó rằng: "Bình yên không phải là khi ta sống ở một nơi yên tĩnh, mà ngay cả ở nơi ồn ào nhất, lúc gặp khó khăn nhất trong cuộc đời, ta vẫn thấy lòng mình thanh thản, không gợn chút bâng khuâng".

-Ta chợt nhớ mình có khá nhiều chuyện phải làm, khá nhiều việc phải giải quyết, quá nhiều người để yêu thương, nhiều thứ để bận tâm.
- Trong cuộc sống bộn bề lo toan, phiền muộn, ước mong, hy vọng này, liệu ta có đủ sức để giữ cho ta một trái tim, tâm hồn và cuộc sống bình yên?
Ta còn nhiều việc dang dở, nhiều thứ mà từ khá lâu rồi ta cứ tặc lưỡi để trôi qua từng giờ từng phút... rồi khi chợt ngoảnh đầu nhìn lại, có quá muộn hay không?
- Ta phải giải quyết chúng đi thôi.
-Ta còn có quá nhiều người để yêu thương và được yêu thương. Ta được nuôi lớn, được sống trong chính tình yêu thương đó, vậy mà... 

 Ta luôn cho rằng cái ta gọi là "tình cảm của riêng ta" vẫn nguyên vẹn, ta bảo thủ và nói "không ai hiểu được ta".
- Ta lặng lẽ để sống với cái ý nghĩ ngông cuồng ấy. 

-Ta làm tổn thương những người mà ta yêu thương và cũng chính là những người yêu thương ta hết lòng. 
Ta hãy sám hối để được tha thứ đi thôi.
-Ta mong sao có thể sống trọn vẹn mỗi ngày nơi chốn vô thường này!
- Nơi mà mọi thứ đều chuyển động theo cách riêng của nó và chắc chắn rồi, ta và bạn đang cùng chuyển động nhịp nhàng từng phách từng phách một với nó đấy thôi!


                                     ***** St*****
                                @@ Ah ,99,99 % agree!!