Lá mà về nguồn à? Người ta nói cây có cội nước có nguồn. Lá rụng thì phải về cội. Sáng sớm đã nhìn thấy lá vàng rụng đầy sân. Ừ, đang mùa thay lá mà.
Sân chùa có nhiều cây cao bóng mát cho khách thập phương ghé lại tham
quan thưởng ngoạn. Thế nên hoa lá và cây trái cứ mặc sức đua chen cùng
gió trời vi vút. Chốn Già Lam những ngày không lễ hội, cảnh vật mới thật
sự mang bản sắc im lìm vắng lặng. Thi thoảng lắm mới có tiếng xào xạc
của mấy chiếc lá vừa lìa cành. Dường như lá cũng sợ dẫm mình trên cõi
đất bình yên.
Có hai cô học trò nhỏ vừa bước đến bên gốc cây bàng ngồi học bài. Họ
mở sách và mãi miết chăm chú nhìn vào đó. Không gian vẫn yên ắng mang
theo tiếng thở dài của ai đó bên kia bức tường rêu. Một chiếc lá vô tình
chạm nhẹ vào tay cô bé áo hồng mang cặp kính cận dày cộm. Cô áo xanh
bên cạnh ngước nhìn trời nhìn đất rồi bâng quơ hỏi bạn, chắc cũng muốn
xé tan khoảng không gian trống vắng quanh mình: _ Ê! Mi có thấy những chiếc lá vàng vừa rụng xuống không? Cô áo hồng trả lời mà mắt không rời quyển sách: Thấy….. rồi sao….? - Đó là những chiếc lá đang tìm về nguồn đấy… - Lá mà về nguồn à? Người ta nói cây có cội nước có nguồn. Lá rụng
thì phải về cội. Mi bày đặt văn chương hoá đến ...sai bét. Cứ nói lá
rụng đi có được hơn không- Cô áo hồng ra vẻ hiểu biết ngắt lời bạn. -Thì cội hay nguồn cũng thế thôi. Tại người ta phân biệt ra nguồn
là nơi phát sinh của sông suối, còn cội là chỉ cho gốc rễ. Chung quy
cũng là chỉ cho đầu mối ban đầu của vạn vật. Ngôn từ thì có khác mà ý
nghĩa cũng như nhau. Cho nên … - Thôi đi nhà ngôn ngữ học tương lai à! Lo học bài thi đi. Còn chuyện mổ xẻ văn chương chữ nghĩa thì để sau này. Cô áo xanh vẫn liếng thoáng: Ý Ta đang muốn nói đến điều khác cơ. Lá
rụng thì trở về với cội nguồn, trở về với lòng đất nơi mà nó đã nảy mầm
sanh ra. Con người ta chết rồi cũng trở về đất.
Người ta không sanh ra
từ đất mà từ lòng mẹ, do vậy mà họ lấy đất để biểu trưng cho lòng mẹ. Người trở về đất cũng là trở về với lòng mẹ, nơi khai thiên lập địa từ
thuở ban đầu. Đất chính là nguồn cội, mọi sự sống và cái chết đều bắt
nguồn từ đó. Cô áo hồng khẻ nhíu mày nhìn bạn: Sao bữa nay Mi ăn nói lạ lùng thế?
Mình ra đây để học bài thi chứ đâu phải để triết lý về cội nguồn của sự
sống. Mi mới đến cửa chùa có mấy bữa mà coi bộ thấm nguồn tâm rồi… Thôi
học bài đi nhỏ.
Họ lại im lặng. Những trang sách giở đều theo tiếng rì rào bâng
khuâng của đám cỏ cây. Mặt đất vẫn thanh bình giữa mênh mông của cảnh
chiều trôi.- Bên kia bức tường xanh màu rêu bạc. Cô gái áo trắng nãy giờ ngồi
ngoài ban công nhà mình vô tình nghe được lời đối thoại vừa rồi. Cô đã
ngồi hằng giờ, thậm chí đã ngồi từng ngày này qua tháng khác; nơi một
góc nhỏ bên chậu hoa lý chỉ để nhìn ra khoảng trống trước sân chùa, như
một thói quen vô thức mỗi khi rảnh rỗi. Câu chuyện chiếc lá về nguồn của
hai cô bé nọ, có lẽ chỉ là chút cảm nhận thoáng hiện của tuổi học trò. Nhưng đã đọng lại trong lòng người nghe ít nhiều khái niệm mới mẻ. Cảnh
vật này hằng ngày cũng chỉ là mây bay lá rụng. Hoa cỏ đủ sắc màu khi thì
tươi thắm rực rỡ, lúc nhạt nhẽo buồn tênh qua mỗi cái nhìn hờ hững. Từ
những chiếc lá xanh non cho đến lúc úa tàn héo rũ, đã trở thành quy luật
thay đổi mất còn của tạo hoá. Mọi thứ được sinh ra đến một lúc nào đó
phải huỷ diệt đi. Huỷ diệt để cho cái mới tiếp tục sinh sôi và lớn lên.
Trong hành trình sinh sinh diệt diệt này thì cái bắt nguồn là từ đâu.
Nếu cái mất đi chính là sự trở về, thì cái sinh ra là nơi bắt đầu cho
mọi sự sống.
Và cũng có thể hiểu ngược lại. Nơi trở về cũng là nơi bắt
đầu cho một cuộc hành trình bất tận, còn chốn sinh ra cũng là để trở lại
trong cái vòng xoay nghiệt ngã của kiếp sinh tồn.
“ Con người sinh ra đời phải làm nên điều gì đó, để khi chết không thẹn cùng núi sông cây cỏ”
không biết triết gia nào đã lập ra luận đề sống cho đời người như thế. Vậy mà có lần cô nghe từ băng giảng mà ngoại thường mở: “Sang
hèn vinh nhục, cực khổ bon chen tích luỹ cho nhiều của cải rồi cũng
phải chết, thân xác người rồi cũng theo cát bụi tan biến vào hư vô. Vậy
hà cớ gì người ta cứ mãi chạy tìm chút ảo ảnh của kiếp phù sinh. Còn cái
nguồn tâm trong sáng, cái ý thức trở về thì người ta lại bỏ quên, không
biết trau dồi để tìm cho mình một hướng đi về an lành vĩnh cữu”. Ôi! Vậy thì cái trở về, cái nguồn cội ý thức ấy là gì nhỉ? Bạc tiền
danh vọng rồi cũng mất, sang hèn vinh nhục cũng không còn. Và cái nguồn
tâm trở về đó không biết đã có ai nhìn thấy chưa, chứ thực tại thì con
người ta sống không thể thiếu khát vọng vươn lên. Vươn tới đâu cũng
được, miễn là chu toàn một lẽ sống thường tình trong vòng nhân thế. Chỉ
đến khi ai đó chợt hiểu ra cái nguyên lý sinh diệt khó tránh khỏi, mới
vội vã đi tìm cho mình một chút bình yên nơi cõi chết. Khi Ngoại từ nước
ngoài về định cư luôn ở quê nhà cũng đã nói:_ “Ngoại nay gần đất xa
trời rồi, cũng phải trở về quê cha đất tổ để gởi nắm xương tàn…
Đời
người có mấy thuở, bôn ba đến chết rồi cũng trắng tay con à…” Bây giờ ngoại đã mãn nguyện nằm yên dưới lòng đất lạnh, ngay nơi
mảnh đất quê hương. Ừ, ngoại nói câu ấy khi đã đi đến chặng cuối của con
đường đời. Nhưng còn cô, ở tuổi thanh xuân cô cần phải ruổi tìm cho
mình một tương lai để đảm bảo cho cuộc sinh tồn tiếp nối. Mẹ không ngừng
hối thúc: Con phải đi, đừng dùng dằng suy nghĩ nữa... Cô cố ý nhại lại lời của Ngoại: Đời người bôn ba cho lắm rồi cũng tay
không trở về. Có đi đâu trọn kiếp thì mai này cũng quay lại mái nhà
xưa...mẹ à. Mẹ dịu giọng nhưng vẫn cương quyết: Con còn trẻ, đâu phải chỉ biết
sống cho riêng mình. Ngoaị già rồi thì khác. Người già thường tìm về
sống với nguồn gốc quê hương. Như vậy nguồn cội sự sống của cô bây giờ là ở một nơi nào đó, xa lạ
với những gì quen biết ở đây, xa hẳn với cách tư duy trầm mặc mà cô chịu
ảnh hưởng ít nhiều từ ngôi chùa cạnh nhà. Rồi một mai khi tuổi xế
chiều, cô lại nói với đám con cháu rằng mình mong muốn được trở về nơi
chôn nhau cắt rốn. Lúc ấy ngôi chùa cũ chắc vẫn còn đó, mà tháng năm
tường nghiêng ngói đổ càng làm cho lòng người trởû về man mác chút lòng
hoài niệm xa xôi về một thời đã mất: -“ Ta tìm về lối xưa Nhưng đường xưa mòn dấu… Trăng mấy mùa đã qua
..đâu thì cũng với chừng ấy thời gian và không gian. Khác chăng vì sự
thế xoay vần, nên con người đôi khi cũng phải vần xoay theo cho hết đời
dâu bể. Nói gì thì nói, mai này cô cũng đi rồi. Ngôi chùa và cảnh tượng
hôm nay, chỉ còn là chút mờ sương động lại trong ký ức. Cuộc hành trình
dường như chỉ mới bắt đầu. Dù sao thì lá vẫn xanh, bầu trời vẫn toả
sáng, và đời người thênh thang trong nẻo sống vẫn cứ phải ươm mầm cho
bao chồi non khác vươn xa. Ôi! những chiếc lá xanh, dù mi có tồn tại hay
không thì niềm tin về một ngày mai luôn tỏa sáng.
Câu chuyện chiếc lá về nguồn chỉ còn lại chứng nhân duy nhất là
mấy gốc cây bàng già cỗi đi qua cùng năm tháng. Sân chùa ngày thường chỉ
đón nhận đám thanh thiếu niên thích tìm nơi yên tịnh học bài hoặc để
dạo chơi ngắm cảnh. Cô gái áo xanh áo hồng ngày trước thôi không còn lai
vãng. Một cơn gió thoảng, một chiếc lá vàng vừa rời khỏi sự sống trên
cành nào còn ai bận tâm bình phẩm hay triết lý về cội nguồn của nó. Ngôi
nhà bên bức tường rêu đã đổi chủ. Cô gái áo trắng đã đi về một phương
trời khác rồi. Có lẽ cô đã đi thật xa. Nơi xứ lạ chắc không rãnh rỗi
ngồi nhìn lá rụng mà suy tư vẩn vơ về thân phận kiếp người. Tất cả rồi
cũng nhanh chóng lãng quên theo mỗi bước đường vân du vô định. “ Sông dài cá lội bặt tăm biết đâu lối cũ mà tìm về thăm” Vị sư già mỗi sáng ra quét sân, dọn sạch lá rụng để cho đám học sinh
có nơi chỗ đến học bài. Gương mặt sư vẫn điềm đạm ung dung trong tà áo
lam thanh thoát. Và chưa bao giờ Sư tỏ ý phàn nàn khi bọn trẻ chơi đùa
thích níu bứt mấy cành lá xanh vứt bừa cả sân. Lá xanh lá vàng thì cũng
sẽ nằm gọn dưới một nhát chổi thôi. Mà đâu phải chỉ có lá vàng mới trở
về nguồn cội, đôi khi lá xanh vẫn chịu cảnh xa ngọn lìa cành. Không biết
trong lòng sư có khởi lên ý niệm đó không, thỉnh thoảng chỉ thấy người
ngước lên như để lắng nghe tiếng hót líu lo của mấy chú chim sâu đang di
chuyển qua lại trên cành cao.
..Dưới mặt đất lá vàng vẫn rơi rụng, ngày tiếp ngày hằn sâu thêm vóc
dáng một đời người cặm cụi theo thời gian. Trò chơi nhân thế buộc mọi
người mãi loanh quanh để vui thú cho trọn với cuộc đời, nào có mấy ai
cất công tìm hiểu...xem đâu là nguồn cội để quay về
Là thiên đường du lịch của Hàn Quốc, hòn đảo từng quen thuộc với khán
giả qua những bộ phim truyền hình, xứ kim chi không chỉ có biển, mà còn
có núi cao, thác sâu, khu bảo tồn thiên nhiên và công viên tuyệt đẹp. Với biển xanh ngút ngàn và bờ đá cổ kính quanh năm sóng vỗ, Jeju được
mệnh danh là thiên đường du lịch. Nơi đây, dường như mọi thứ đều êm ái,
lắng đọng và thư thái. Có rất nhiều cặp vợ chồng hưởng tuần trăng mật và
những couple hẹn hò tại “điểm hẹn tình yêu” này.
Ngôi làng dân tộc Seongup - từng là thủ phủ của bộ tộc Cheongeui - Hyeon
(1410-1914), cũng là nơi được chọn làm bối cảnh chính của phim Nàng Dae
Jang Geum, từ lúc nhân vật chính làm cung nữ đến khi trở thành ngự y. Những ngôi nhà mái lợp bằng tranh dày, tường xây bằng đá đen sẵn có ở
Jeju vốn là nham thạch phun trào của núi lửa. Trong các nhà còn giữ lại
một số vật dụng sinh hoạt gia đình mà người dân ở đây sử dụng từ bao thế
hệ trước., Mở cửa đón du khách từ năm 1974, làng Seongup là nơi lưu giữ bản sắc văn
hóa, phong tục truyền thống của ngư dân trên đảo Jeju từ nhiều thế kỷ
trước. Đến đây, du khách có thể gặp gỡ, chuyện trò với dân làng, tìm
hiểu về lối sống của họ và còn được thưởng thức mật ong và nấm linh
chi.....
Đây là phim trường chính của các bộ phim cổ trang nổi tiếng của Hàn Quốc,
trong đó có phim “Nàng Dae Jang Geum” của đạo diễn Lee Byung Hoon... Xem 2 clip video Jeju island . theo jeju.kor @@Ah ,nếu bạn có sở thích du lịch và khám phá nên ghé Jeju island của xứ kim chi đi tour ngắn ngày hay book tour cá nhân đi chung với gia đình ...Ai
là fans của fim bộ Korea nên làm 1 chuyến du lịch tới đảo Jeju sẽ có
bao điều thú vị chờ đón , ai đã đi rồi cũng muốn quay lại lần nữa . Cly - Autumn 2012
Một chút những viên đá nhỏ có thể tạo thành một ngọn núi lớn.-Một chút những bước chân có thể đạt đến ngàn dặm.-Một chút hành động của tình yêu thương và lòng khoan dung cho thế giới những nụ cười tươi tắn nhất. -Một chút lời an ủi có thể làm dịu bớt những đau đớn to tát. -Một chút ôm siết ân cần có thể làm khô đi những giọt nước mắt. -Một chút ánh sáng từ những ngọn nến có thể làm cho đêm không còn tối nữa. Một chút ký ức, kỷ niệm có thể hữu ích cho nhiều nǎm sau. -Một chút những giấc mơ có thể dẫn đường cho những công việc vĩ đại. -Một chút khát vọng chiến thắng có thể mang đến thành công.-Đó là những cái "một chút" nhỏ bé có thể mang đến niềm vui hạnh phúc lớn nhất cho cuộc sống của chúng ta. -Và
bây giờ chúng mình sẽ cùng gặp những ai đã trao tặng cho chúng mình
những cái một chút trong cuộc đời để nói với họ rằng: "Cảm ơn bạn vì tất
cả những một chút mà bạn đã giúp đỡ cho tôi". - Cầu mong bạn sẽ tìm được sự thanh thản và yên bình trong một thế giới có nhiều điều mà bạn không thể hiểu được. -
Cầu mong nỗi đau mà bạn chịu đựng cũng như những xung đột mà bạn từng
trải qua sẽ trao cho bạn sức mạnh để bạn vươn lên, đối diện những thử
thách với lòng dũng cảm và sự lạc quan.
Bạn hãy luôn biết rằng có một
người nào đó hiểu và yêu bạn, người đó luôn ở cạnh bạn ngay cả khi bạn
cảm thấy cô độc nhất.- Cầu mong bạn sẽ khám phá sâu sắc lòng tốt của người khác để tin tưởng vào một thế giới yên bình. - Cầu mong một lời tử tế, một cử chỉ làm yên lòng, một nụ cười nồng ấm sẽ được tặng cho bạn hằng ngày. -Và,
cầu mong, bạn hãy trao tặng những món quà như vậy cho người khác ngay
khi bạn nhận được chúng. Hãy nhớ, mặt trời vẫn chiếu sáng khi cơn bão có
vẻ như kéo dài vô tận. Bạn hãy hiểu rằng một người yêu thương bạn
thật sự là khi họ không ở bên cạnh nhưng bạn vẫn cảm nhận được tình yêu
và sự quan tâm của người ấy. -Hãy nhớ rằng trong cuộc sống những va
chạm và đau khổ mà bạn gặp phải sẽ ít hơn nhiều so với những ước mơ và
hạnh phúc mà bạn sẽ có. - Cầu mong những điều mà bạn cảm thấy là khiếm khuyết trong hiện tại sẽ trở thành thế mạnh của bạn trong tương lai .Cầu mong bạn nhìn thấy tương lai của bạn như là một người đầy đủ sự hứa hẹn và những khả năng. -
Cầu mong bạn tìm thấy đầy đủ sức mạnh tinh thần để tự quyết định trong
những tình huống tệ hại mà không bị bất cứ một người nào phán xử vì kết
quả đó. - Cầu mong bạn luôn luôn cảm thấy được yêu thương St.
Em nghe gió nói điều gì không ?
Gió đang hát tình ca ....
Anh nhớ em nhiều lắm ...
Tuy xa nhau cả đại dương
Nhưng tim anh vẫn rộn ràng Như cùng hoà nhịp với em Nhờ gió đánh thức em mỗi sáng Gió thay anh thì thấm bên tai
Em có nghe gió nói gì chăng ?
Gió mang đến lời nhắn gởi Anh mong về bên em Anh & em tay trong tay ấm áp
Valentine năm nay vắng anh Thôi đành lỗi hẹn với em vậy Xin mượn gió hát câu tình ca Như lời anh xin lỗi em yêu dấu
Gió như mĩm cười với đôi ta ..
Anh cho em mùa xuân
nhạc, thơ tràn muôn lối…”
(Nguyễn Hiền & Kim Tuấn)
“ Hôm ấy là ngày mùng 5 Tết năm 1962, tôi đến sở làm trong lúc đất trời
vẫn còn hương vị Tết.
Một người bạn rủ ra ngoài ăn sáng, lúc trở về,
thấy trên bàn giấy có một tập thơ mỏng, tôi bèn lật qua xem thử thì gặp
bài thơ năm chữ ‘Nụ hoa vàng ngày xuân’.
Ðọc qua thấy hay hay và đang
lúc lòng còn hưng phấn với không khí xuân tràn trề, tôi nảy ra ý định
phổ nhạc bài thơ ấy.
Giấy nhạc không có sẵn, tôi phải kẻ khuôn nhạc
bằng tay, và chỉ độ một, hai tiếng là xong bài nhạc.
Xong, tôi cất vào
ngăn kéo bàn làm việc..
. Sáng hôm sau có anh chàng trẻ tuổi đến tìm
tôi, tự giới thiệu tên mình và cho biết, ‘Hôm qua em có đến tìm anh để
biếu anh tập thơ bốn mươi bài, nhưng không gặp được anh.’ Tôi nói, ‘Hóa
ra anh là tác giả bài thơ xuân ấy!
Tôi vừa mới phổ nhạc bài thơ của anh
xong.’
Anh ta ngạc nhiên và rất vui khi tôi lấy bài nhạc trong ngăn kéo
ra và… hát cho anh ta nghe.
Tôi lấy câu đầu của bài thơ đặt tên cho bài
nhạc, ‘Anh cho em mùa xuân’...”
Người kể câu chuyện trên là nhạc sĩ Nguyễn Hiền. “Anh chàng trẻ
tuổi” trong câu chuyện ấy là nhà thơ Kim Tuấn. Câu chuyện từng được
nhạc sĩ Nguyễn Hiền kể không ít lần ở nơi này nơi khác, với người này
người khác, những người muốn biết bài nhạc “Anh cho em mùa xuân” được
ra đời như thế nào(?).
Sau mỗi lần kể ấy ông đều kết luận,
“Chuyện gì cũng có cái
‘duyên’ trong cuộc đời này.” Ông nói vậy và ông tin như vậy.
Ông đã tin
như vậy trong suốt cuộc đời mình.
Cái "duyên" mà nhạc sĩ Nguyễn Hiền
nói đến qua câu chuyện ấy là gì, nếu không phải là mối duyên cho ông "gặp" bài
thơ ấy và tác giả bài thơ ấy.
Nếu không có mối duyên ấy thì "Nụ hoa vàng
ngày xuân" dẫu có là bài thơ hay vẫn chỉ là bài thơ nằm im lìm trong những
trang thơ.
Nếu không có mối duyên ấy thì sẽ không có
"Anh cho em mùa xuân", một trong những bài nhạc xuân hay nhất của người Việt.
Nếu không có mối duyên ấy thì chàng trai trẻ
trong câu chuyện trên, tác giả "Nụ hoa vàng ngày xuân", chắc sẽ không được nhiều
nhạc sĩ tìm đến thơ chàng để phổ nhạc (để mong có thêm được một "Anh cho em mùa
xuân" khác).
Thế nhưng, "Anh cho em mùa xuân" có thực
sự là một trong những bài nhạc xuân hay nhất?
Hầu như trước giờ chúng ta chưa
từng làm công việc tuyển chọn những bài hay nhất trong số những bài nhạc xuân,
thế nhưng, ở trong nước thì đã có làm.
Tết Ðinh Hợi năm kia, báo chí trong nước
(Tuổi Trẻ Online, 10/2/2007) đã tổ chức
một cuộc thi gọi là "bình chọn ca khúc Xuân hay nhất".
Cách bình chọn: độc giả
chọn ra ca khúc mình yêu thích nhất trong một danh sách... đã được chọn sẵn gồm
22 bài nhạc xuân. Ba bài có số phiếu bình chọn cao nhất sẽ đạt danh hiệu "Những
Ca Khúc Xuân Hay Nhất".
Trong danh sách ấy có 8 bài của các nhạc sĩ ở miền Nam trước
năm 1975 (tất nhiên là không có những bài chưa được phép phổ biến ở trong nước).
Ðiều thú vị, kết quả cuộc bình chọn: ca khúc đứng đầu trong số ba "Ca Khúc Xuân
Hay Nhất" là "Anh cho em mùa xuân" của Nguyễn Hiền, một nhạc sĩ miền Nam, sống ở
nước ngoài, và đã qua đời. (Hai ca khúc xếp hạng nhì và ba thuộc về các nhạc sĩ
ở trong nước).
Trước đó, "Anh cho em mùa xuân" cũng từng
góp mặt trong "Tuyển Tập Những Ca Khúc Hay Nhất Về Mùa Xuân" phát hành ở trong
nước
Người Việt ở ngoài nước hát "Anh cho em mùa
xuân", người Việt ở trong nước cũng hát "Anh cho em mùa xuân" (và còn bình chọn
là "Ca Khúc Xuân Hay Nhất").
Không chỉ là một trong những bài nhạc
xuân hay nhất, "Anh cho em mùa xuân" còn là một trong những bài nhạc phổ thơ
hay nhất.
Khi làm công việc "lấy thơ ghép nhạc", nhạc
sĩ Nguyễn Hiền đã không đổi một chữ nào trong ba đoạn thơ đầu của "Nụ hoa vàng ngày
xuân" (từ câu thơ đầu cho đến câu "mùa xuân
này tất cả, lộc non vừa trẩy lá...").
Ông nhớ lại, "Thật là hứng thú khi
tôi lấy ba câu thơ đầu ("Anh cho em mùa
xuân / Nụ hoa vàng mới nở / Chiều đông nào nhung nhớ"...) phổ thành một câu
nhạc, thấy đi rất ‘ngọt' nên cứ thế mà phát triển bài thơ thành ca khúc."
Ðiều
gì khiến ông phổ nhạc rất "ngọt", rất nhanh bài thơ ấy? Có phải vì ông "bắt" được
"tình thơ ý nhạc"?
Có phải vì ông tìm thấy "trong thơ có nhạc" và ông chỉ làm
công việc ghi xuống những notes,
những ký hiệu âm thanh trên những dòng kẻ nhạc.
Công việc có vẻ đơn giản ấy (không
phải là ai cũng làm được) đã chắp cho thơ "đôi cánh nhạc".
Nhiều người viết nhạc
chỉ mong phổ được một bài thơ như ông, không chút gượng ép, đi rất "ngọt", đi
rất ngon trớn, rất tự nhiên, như nguồn nhạc hứng dâng trào, như nhạc và thơ
chảy tràn như suối...
"Anh cho em mùa xuân" được nhà xuất bản
Tinh Hoa ấn hành lần đầu, được ca sĩ Lệ Thanh trình bày lần đầu qua dĩa nhựa và
làn sóng đài phát thanh Saigon, và cũng gắn liền tên tuổi cô vào "cái thuở ban đầu"
của bài nhạc ấy.
Tuy nhiên, nhà thơ Kim Tuấn-trong một bài trả lời phỏng vấn
trong nước (báo TN,
22/01/2006)-cho biết là ông "chịu" Hà Thanh hát bài ấy nhất, và muốn được gửi đến
ca sĩ ấy một lời cám ơn... muộn màng.
Trở lại chuyện "mối duyên trong cuộc đời
này", nói như nhạc sĩ Nguyễn Hiền, tôi chắc nhiều người cũng tin như ông vậy. Nếu
không có cái "duyên" ấy thì dẫu có đi hết cuộc đời mình cũng chẳng ai gặp được
ai, hay nếu có gặp, có "đụng" phải nhau thì cũng lại dạt ra, lại mỗi người một
hướng, mỗi người một dòng chảy, cũng tựa như những anh chàng, những cô nàng vớ
vẩn mà ta có lần gặp gỡ phất phơ đâu đó trong đời này, nói dăm ba câu chuyện
nắng mưa rồi chia tay đường ai nấy đi và chẳng bao giờ còn gặp lại lần thứ
hai.
Không phải chỉ "duyên" thôi, tôi chắc nhạc
sĩ Nguyễn Hiền còn tin cả vào... "duyên số", hay "duyên kiếp", hay "duyên tơ" nữa.
Nếu không có mối duyên tơ ấy, làm sao hơn năm mươi năm về trước lại có cuộc hạnh
ngộ giữa chàng nghệ sĩ tài hoa và cô cháu gái xinh đẹp của nhà thơ Tú Mỡ (khiến
lòng nàng phải xao xuyến, khiến lòng chàng phải bâng khuâng "trăm năm biết có
duyên gì hay không?").
Nếu không có mối duyên tơ ấy, làm sao có ngày lễ vàng kỷ
niệm 50 năm nên vợ thành chồng(?).
Trong một lần tiếp xúc với nhạc sĩ Nguyễn
Hiền, tôi được nghe ông nói thêm một chút về điều mà ông gọi là "cái ‘duyên'
trong cuộc đời này". "Đúng vào ngày đó giờ đó," ông nói, "gặp người nào đó ở
nơi nào đó, một quán ăn, quán nước chẳng hạn, không phải là chuyện tình cờ,
ngẫu nhiên như ta tưởng mà mọi việc đều có bàn tay sắp đặt.
Đấy là bàn tay của
định mệnh, hay... định mệnh đã an bài." Những chuyện như thế từng xảy đến trong
cuộc đời tôi và tôi thực sự tin vào điều ông nói.
Tôi cũng muốn thêm rằng: thứ
nhất, những mối duyên kỳ ngộ ấy có khi dẫn chúng ta đến một lối rẽ khác trong
cuộc đời; thứ hai, đôi lúc có những con người, tuy chỉ gặp một lần thoáng qua
trong đời-chẳng biết có là duyên hay không duyên-cũng làm ta nhớ mãi nhớ hoài.
Những
con người đặc biệt. Cái "đặc biệt" ấy có thể là một vẻ đẹp thu hút, một nhân
cách đáng quý, một câu nói hàm xúc, một hành xử ý nghĩa...
Nhạc sĩ Nguyễn Hiền, tôi
vẫn cho rằng ông là một trong những người "đặc biệt" như thế.
Lần tiếp xúc duy nhất ấy kéo dài không
quá... ba mươi phút nên chắc khó có thể gọi là "cái duyên" như ông nói, nhưng
khá thú vị và cũng cho tôi thấy được phần nào tính cách con người ông; hơn thế
nữa, còn gieo vào lòng tôi những cảm xúc sâu đậm.
Tôi gặp ông trong một tiệc
cưới ở nhà hàng Dalat Bistro, đường Brookhurst,
Nam Calif. vào một đêm hè cuối tháng 7/2004. Ông đứng lên từ một bàn tiệc, cúi
chào mọi người khi nghe giới thiệu tên mình trong số "khách đặc biệt". Một
"khách đặc biệt" khác tôi nhớ được là ca sĩ Ngọc Minh, chị hát bài gì đó tặng
cho đôi tân hôn...
Vào lúc nào đó gần cuối bữa tiệc, đầu óc váng vất vì có uống
chút rượu, tôi đứng dậy, bước ra cửa tìm chút thoáng gió bên ngoài.
Trước mặt
tôi là khoảng parking rộng. Một bóng
người đứng ở góc khuất.
Người ấy quay lại, mỉm cười khi nhìn thấy tôi. Khi bước
lại gần, tôi nhận ra ông, nhạc sĩ Nguyễn Hiền. Ông đứng đó một mình, hút thuốc
(ông tưởng tôi cùng "phe" hút thuốc với ông chắc). "Anh nói được lắm," ông ngó
tôi, nói, "ngắn gọn, ý nghĩa." Khi ấy tôi mới hiểu ra nụ cười của ông.
Ông nhận
ra tôi, người đại diện hai họ có "đôi lời phát biểu" để chào đón khách đến với
buổi tiệc cưới.
Tôi nói cám ơn ông (ông không biết những lời ấy tôi gần như...
thuộc lòng vì từng nói đi nói lại nhiều lần) và hân hạnh được biết ông.
Ông tỏ
vẻ ngạc nhiên khi biết tôi từ nơi xa đến để làm chủ hôn cho đứa cháu sống một
thân một mình ở Mỹ...
Sau ít câu thăm hỏi xã giao, lúc ông lặng yên nhìn ánh
trăng trên ngọn cây, tôi nhắc đến câu hát "trăng
sáng soi liếp dừa" trong bài "Anh cho em mùa xuân" của ông. Tôi cũng "tán"
thêm là tôi rất thích những câu hát mang theo hình ảnh hàng dừa, liếp dừa, như
là:
Đêm trăng ướt lá dừa... ("Tình quê hương", Ðan Thọ &
Phan Lạc Tuyên)
Hàng dừa nghiêng thương nhớ... ("Thuở
ban đầu", Phạm Ðình Chương)
Chiều xưa, gió êm lay nhẹ liếp dừa...
("Bóng người đi", Văn Phụng)
Gió mang mùa xuân tới, hôn liếp dừa lên
hương... ("Mộng ban đầu", Hoàng Trọng)
"Còn nữa," ông nói, dụi tắt điếu thuốc, "‘mắt
xanh là bóng dừa hoang dại', Phạm Ðình Chương phổ thơ Ðinh Hùng." "Hàng dừa mang hình ảnh rất... quê hương
Việt Nam,"
tôi nói.
"‘Hàng cau' thì đúng hơn, theo tôi."
Câu nói của ông làm tôi... "khựng" lại
trong giây phút.
"‘Trăng sáng soi liếp dừa' và ‘trăng lên
bằng ngọn cau' (1)," ông nói. "Hai trăng đều trăng cả,
trăng nào ‘quê hương' hơn?" Tôi phải chịu là ông nói đúng. "Trăng nào
‘quê hương' hơn?"... Tôi chỉ nghĩ đến vẻ đẹp của những "hàng dừa", "liếp dừa", "bóng
dừa"..., trong lúc ông luôn cất dấu trong đáy tim hình bóng quê nhà. Ngọn cau, hàng
cau, hoa cau, hương cau..., đấy mới là quê hương. Nhạc sĩ Nguyễn Hiền, ngay lúc
ấy tôi nhận ra nơi ông một điều, ông yêu quê hương hơn tôi và hơn rất nhiều người
khác. Ông yêu quê hương theo cách của ông.
Tôi cũng ngước nhìn trời. Trăng chưa thật
tròn, nhưng thật sáng. Vầng trăng như vừa xa xôi lại vừa gần gụi. Đêm bỗng trở
nên yên tĩnh. Trong lòng tôi khi ấy bỗng dâng lên một cảm xúc thật kỳ lạ.
Tôi
có cảm giác tựa hồ đã lâu lắm, có khi là từ ngày đến Mỹ, lần đầu tiên tôi mới
nhìn thấy lại bầu trời và ánh trăng, và nhìn thấy trăng sáng đến như vậy. Bầu
trời ấy vẫn có hằng đêm, vầng trăng ấy còn theo tôi mãi, vậy mà bấy lâu tôi nào
có để ý, cứ tưởng rằng phải đi về một nơi chốn nào xa xôi lắm mới mong tìm gặp.
Bầu trời nào cũng chỉ một bầu trời, vầng
trăng nào cũng chỉ một vầng trăng, vậy mà con người nghệ sĩ tôi mới gặp lần đầu
ấy, nhìn trăng viễn xứ phương này lại mơ về bóng trăng soi phương nào.
Ông rút điếu thuốc khác, chìa gói thuốc
về phía tôi. Tôi nói đã lâu tôi không hút lại, nhưng nếu ông mời tôi xin hút
với ông một điếu cho vui.
Trong những câu hát, câu thơ về "hàng cau" ông kể ra
sau đó, tôi nhớ đại khái "... thương về
mái tranh nghèo bên hàng cau" , và "... bóng tre ru bên mấy hàng cau, đồng quê mơ màng"
Nhất thời
tôi không nhớ được bài nào, câu nào để góp chuyện với ông, thế nhưng đến khi
nghe ông đọc câu thơ Hàn Mặc Tử, "Sao anh
không về chơi thôn Vỹ /
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên", tôi buột miệng
nói tôi biết một bài hát cũng nói đến "hàng cau" mà tôi rất thích, có thể là ông
quên, vì đã lâu lắm rồi.
"Bài gì?" ông hỏi.
"‘Người em nhỏ' của... Nguyễn Hiền," tôi
trả lời. "Ngày tôi đi, vàng nắng nghiêng
nghiêng một hàng cau. Mai ta về quê cũ, gửi lời về thương nhau..."
"Làm sao mà quên được," ông nói sau vài
giây im lặng, hạ thấp giọng, như người nói một mình.
....Cho nhớ thương về quê xưa
mùa xuân không còn nữa
muôn cánh hoa đào phai úa
lối cũ rơi hững hờ...
("Hoa
bướm ngày xưa")
Âm nhạc Nguyễn Hiền, nói như ca sĩ
Quỳnh Giao, "là sự mời gọi trở về một không gian đã tắt, một thời gian đã
lặng..." (4) Nghe nhạc
Nguyễn Hiền là nghe những lắng đọng, là đắm chìm trong một ký ức xa vời, là tìm
về những đường xưa "lối cũ chẳng sao quên".
Cám ơn ông, cám ơn người nhạc sĩ đã
dạo lên những khúc nhạc êm đềm để giữ cho những giấc mơ ngọt ngào của chúng ta
không bao giờ tắt hẳn.
Có lẽ vì những nét nhạc lâng lâng gợi nỗi
tiếc nhớ mênh mang ấy, các bài nhạc của Nguyễn Hiền thường được các giọng nữ thể
hiện nhiều hơn (mặc dầu ở một đôi bài, giọng nam khá phù hợp).
Chẳng hạn, "Lá thư gửi mẹ" với Thái Thanh, Khánh Ngọc, Mỹ Thể, Lệ
Thanh, Thái Hiền; "Mái tóc dạ hương"
(phổ thơ Đinh Hùng, tựa ban đầu là "Những phố không đèn") với Hồng Vân, Lệ Thu, Thanh Lan, Ý Lan; "Anh cho em mùa xuân" với Lệ Thanh, Hà Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu; "Từ giã thơ ngây" với Thanh Thúy, Hà Thanh, Xuân Thu, Hoàng Oanh; "Ngàn năm mây bay" với Kim Tước, Mai
Hương, Khánh Hà; "Người em nhỏ" với Lệ Thanh, Mai Hương, Mỹ Thể; "Tiếng hát học trò" với Lệ Thanh, Thanh Lan, Hoàng Oanh; "Hoa bướm ngày xưa"
với Trúc Mai, Lệ Thu; "Thầm ước" với Thái Thanh, Hoàng Oanh ...
Trong số những sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Hiền, ngoài những
bài phổ thơ, có những bài đến từ nguồn cảm hứng qua các tiểu thuyết hoặc phim ảnh trong nước thời ấy, như "Buồn ga nhỏ" (từ tiểu thuyết cùng tên của Thanh Nam) hoặc "Ngàn năm mây bay", "Tiếng hát học trò" (từ các tiểu thuyết cùng
tên của Văn Quang, được các đạo diễn Thái Thúc Nha và Hoàng Anh
Tuấn thực hiện thành phim). Đôi lúc ông cũng viết nhạc chung với những
người bạn nhạc sĩ (như "Buồn ga nhỏ", "Từ giã thơ ngây", "Tiếng hát học trò"
viết chung với Minh Kỳ; "Hoa đào năm trước" viết chung với Lê Dinh; "Về đây
anh" viết chung với Nhật Bằng...).
Có khi ông viết nhạc, bạn ông viết lời (như
những bài "Hoa bướm ngày xưa" và "Thanh bình ca", lời của Thanh Nam);
có khi ông viết lời, bạn ông viết nhạc (như những bài "Lá rơi bên thềm" và "Màu
tím hoàng hôn", nhạc của Lê Trọng Nguyễn).
Những người từng quen
biết hoặc có dịp gần gũi với nhạc sĩ Nguyễn Hiền, khi nhắc đến ông, đều bộc lộ sự cảm mến, quý trọng và
đều có chung một nhận xét về con người nghệ sĩ tài hoa với một nhân cách lớn, một kiến thức
sâu rộng về âm nhạc đông và tây phương, thể hiện qua mẫu người mực thước, trầm tĩnh và khiêm tốn; đồng thời, cũng tỏ lòng ngưỡng phục về những cống hiến của ông đối với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật làm nổi
bật bản sắc của dân tộc, mang lại niềm tự hào cho cộng đồng người Việt.
gặp gỡ để chia phôi
cuộc đời như gió thoảng
còn chút tình trong tôi
Quả đúng là "cuộc đời như gió thoảng",
như câu thơ nhạc sĩ Nguyễn Hiền viết gửi cho người bạn thiết, nhạc sĩ Lê Trọng
Nguyễn (tác giả "Nắng chiều", "Sao đêm", "Bến giang đầu", "Chiều bên giáo
đường"...), một năm sau ngày bạn ông lặng lẽ "rời bỏ cõi thế để an nghỉ trên đỉnh
bình yên" .
Ông gọi bạn mình là "một nghệ sĩ
tài ba khiêm tốn rất mực" . Cái danh hiệu ông gán cho người bạn
đã khuất, nay nếu có đem... gán cho ông chắc cũng không sai chút nào.
Nay thì cả ông và nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn
đều đã như những cánh "lá rơi bên thềm" nhà vắng.
Những chiếc lá dẫu đã lìa
cành, những người nhạc sĩ dẫu đã ngừng viết nhạc, thế nhưng những khúc nhạc ấy,
những khúc nhạc làm cho cuộc sống thêm ý nghĩa, vẫn luôn được yêu thích, vẫn
được hát lên ở trong nước ngoài nước, ở mọi nơi mọi chốn.
Nhạc sĩ Nguyễn Hiền, cho
đến cả những phút cuối đời, những
phút chênh vênh giữa hai bờ tử sinh, những phút chạm tay vào lằn ranh sống
chết, vẫn còn bày tỏ nỗi niềm trăn trở và ước mơ về một vận hội mới về trên quê hương. Ngọn nến leo
lét tưởng chừng sắp tắt ấy trong
giây phút cuối vẫn còn lóe sáng một niềm tin.
Tin nhạc sĩ Nguyễn Hiền bị ung thư phổi nặng khá bất ngờ đối với tôi và nhiều người, và
cả... chính ông, vì trước đấy,
hầu như không có dấu hiệu xấu nào cho
sức khỏe của ông. Ông qua đời
chỉ ít tuần sau khi nhận được tin xấu ấy, vì bệnh trạng đã ở vào thời kỳ "hết
thuốc chữa".
Tôi nhớ, vào một buổi tối, sau ngày ông mất, lúc đang ngồi ở bàn computer tôi bỗng nghe một giọng hát cất
lên. "Chiều tím không gian mênh
mang niềm nhớ..." Một bài
của Nguyễn Hiền. Người ta đang cho phát thanh lại một bài nhạc cũ của ông. Tôi ngồi yên lặng một lúc, lắng
nghe...
Bỗng dưng tôi cảm thấy thèm hết sức một hơi thuốc. Tôi vẫn để gói
thuốc lá trong ngăn kéo bàn làm việc, lâu lâu kéo một điếu khi bè bạn đến chơi. Có khi tôi quên bẵng đi, khá lâu không đụng tới.
Tôi khẽ mở cửa sau, bước ra ngoài. Trời gây gây
lạnh. Đêm tối yên lặng quá.
Tôi nhớ, đó là một đêm cuối năm. Tiếng hát vẫn như quấn
lấy chân tôi. "Nhớ nhau khi mây vương vương mầu tím..." Tôi đốt một điếu thuốc, đứng nhìn thật lâu
vào khoảng không. Cứ mỗi lần hay tin một người quen nào đó vừa mới qua đời, tôi
lại có cảm giác thật hụt hẫng như vừa bước hụt vào khoảng không, và nhận rõ được cái vô nghĩa mênh mông
đến tột cùng của đời sống. Trong bỗng chốc, tôi thấy rõ, cuộc sống...
không là gì cả. Cuộc sống nhẹ tênh, như bóng mây qua, như... ngàn năm mây bay mây
vẫn bay.
Bỗng dưng tôi nhớ lại một đêm
nào, tôi cũng mở cánh cửa, cũng bước ra ngoài, và tôi... gặp ông. Tôi quăng
điếu thuốc sau khi bập bập vài hơi, chẳng thấy ngon lành gì cả, và
cảm thấy thiếu thiếu một cái gì(!)...
Tôi ngước nhìn trời đêm, và gặp ánh trăng. Trăng chưa tròn, nhưng
thật sáng, và trông thật gần. "Trăng nào ‘quê hương' hơn?" tôi nhớ câu ông hỏi tôi.
Tôi đã không trả lời dù biết
câu trả lời. Tôi dõi mắt hướng về một ngôi
sao xa nhất, khi ẩn khi hiện trên nền trời đen thẫm, trông xa vẫn thấy lấp lánh
như có một linh hồn.
Tôi không biết giờ này ông ở đâu, nhưng tôi tin rằng linh hồn ông-như cụm mây
lững lờ-đã bay về lại quê hương cũ, về lại nơi chốn có những thửa ruộng,
có những mảnh "vườn thơm ngát hương cau",
có những chiều "ngoài đê
diều căng gió", có những đêm "trăng sáng soi liếp dừa", có những "bầy chim lùa vạt nắng"
và có những "mùa thu lá rơi bên đường thật nhiều"...
Tiếng
hát vẫn như quấn lấy chân tôi, "ngàn
kiếp mây bay không phai niềm nhớ..." Tôi bước chậm trở vào, tiếng hát như cũng
theo sau, "mây bay năm xưa còn đó, đâu
tìm người hẹn hò..."
Bài hát ấy, "Ngàn năm mây bay" của Nguyễn
Hiền, nói như nhà văn Bích Huyền, "là nỗi buồn thật đẹp, thật nhẹ nhàng, thật
mênh mang như bức tranh thủy mạc..."
Tại sao lại "ngàn kiếp mây bay không phai niềm nhớ"
mà không phải là "ngàn năm mây bay" như cái tựa của bài hát ấy?... Tôi hiểu, ông đã đổi
một chữ trong câu hát cho tương ứng với nốt nhạc trầm bổng.
Tôi tự hỏi và tự trả lời. Như ông đã đổi ít câu, ít
chữ khi phổ nhạc bài "Nụ hoa vàng
ngày xuân".
Anh cho em tất cả / Tình yêu
non nước này / Bài thơ còn xao xuyến / Nắng vàng trên ngọn cây..
. Bài thơ đã làm ông "xao xuyến".
Bài thơ ông đọc thấy tình yêu đôi lứa quyện lấy tình yêu quê hương, đất
nước. Tôi hiểu được vì sao ông đã chọn bài thơ xuân ấy để phổ nhạc.
Người viết bài hát ấy đã đi xa, thế nhưng bài hát ấy, sau bao nhiêu năm, vẫn còn ở lại, vẫn có một sức sống, vẫn không bao giờ cũ.
Như ngàn năm mây vẫn bay, như đất trời vẫn bốn mùa,
như những lứa đôi vẫn yêu nhau, như những nụ hoa vàng vẫn nở khi đất trời vừa mới sang xuân.
Và cuộc sống, nhờ thế, nhờ có những bài xuân ca như thế, cũng sẽ đẹp thêm lên một chút.
"Anh cho em mùa xuân", bài nhạc
xuân rất xuân, và rất thơ.
Lê Hữu
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
@@ không biết có phải là cơ duyên hay không ?
Cly cũng có tập nhạc của bác
nhạc sĩ Nguyễn Hiền do chính tay bác ký tặng với chữ ký lẫn lời đề tặng
thật đẹp , còn hỏi bác rằng ,bác có ý định in thêm tập nhạc thứ hai ?
Bác chỉ cười và trả lời rất nhẹ nhàng .... không , chỉ một là đủ rồi . Thật
khó quên những lần nghe bác đàn tại nhà bên đàn piano hay nghe bác và
bác với cây đàn accordeon bên cạnh nhạc sỉ Trần Trịnh ,BS Phạm Gia Cổn
dịp đám cưới thân hữu Nay -2012 Cly có muốn nghe tiếng đàn ấy chẳng còn dịp nào nữa ,người nhạc sĩ tài hoa ấy đã đi đến chốn miên viễn rồi.
Ừ một tuần lễ nay, Sài Gòn bắt đầu vào một mùa
mưa. Năm nay mưa rất sớm.
Miền Nam mưa nắng hai mùa, nhưng thường vào
tháng giữa tháng 5 mùa mưa mới bắt đầu. Tôi còn nhớ rất rõ vào năm 1982, khi được “chuyển
trại” từ rừng núi Vĩnh Phú vào trại Rừng Lá miền Nam cũng vào giữa tháng
5, ngồi trên chuyến xe lửa rất đặc biệt, tay đeo “đồng hồ Rolex” chung
với một người bạn nữa, về đến địa phận tỉnh Bình Thuận, nhìn mưa đầu mùa
dăng dăng ngoài trời bỗng thấy lòng mình ấm lại, cái mát mẻ từ đâu ập
đến, sao mưa miền Nam thân quen đến thế.
Gần mười năm “lưu lạc” ở những
vùng rừng núi Sơn La, Vĩnh Phú chỉ thấy lạnh giá vật vờ, tưởng rằng
không bao giờ còn được trở lại miền Nam với những chiều mưa tưới ướt
những buổi trưa nắng nóng. Vậy mà… đã được trở lại, chẳng khác nào một cuộc
hồi sinh. Tôi còn nhớ trong chuyến đi ấy, khi còn nằm đợi tàu ở ga
chuyển tải súc vật huyện Bình Lục, tỉnh Nam Định, tôi đã gặp anh Cung
Trầm Tưởng ở một trại khác chuyển đến cũng nằm chờ tàu.
Hai chúng tôi
gặp nhau trong cái thế đeo còng, mỗi người phải đeo chung một “đồng hồ
Rolex” với một người bạn khác. Thế là hai người gặp nhau, nhưng bắt buộc
phải có 4 người cùng gặp. Hai người khác chẳng hề quen nhau, cũng vẫn phải
gật đầu chào hỏi rồi mỗi anh quay đi một phía cho hai chúng tôi ngồi nói
chuyện riêng.
Chuyến tàu lửa “xuôi Nam” ấy cũng như chuyến tàu thủy chở
chúng tôi “ngược Bắc” vào năm 1976 đi sâu vào trong tâm khảm chẳng bao
giờ quên được.
Mỗi chuyến mang một sắc thái riêng, tôi chắc đã có nhiều
bạn tôi tường thuật rồi chẳng nên nhắc lại. Hôm nay tôi đang nói về hiện
tại, chuyện dĩ vãng và tương lai xin dành cho một dịp khác. Mưa đầu mùa năm nay, mùa mưa của đầu thế kỷ đến
sớm, phải chăng nó sẽ kéo theo sự chuyển đổi thời tiết của cả những năm
về sau?
Và như thế mùa mưa sẽ dài hơn mùa nắng? Thí dụ mùa mưa sẽ khởi
sự từ giữa tháng 3 đến tận cuối tháng 11 hàng năm và mùa nắng chỉ có từ
tháng 12 đến tháng 3 năm sau?
Tôi không rõ như thế sẽ có lợi hay có hại
cho mùa màng các loại, nhưng tôi thấy rõ là sẽ mang lại cho miền Nam VN
một không khí rất thuận lợi mát mẻ chiếm trọn gần 7 - 8 tháng trong năm. Tôi có chủ quan quá không khi cho rằng như thế là thuận lợi. Tôi hỏi
nhiều người bạn tôi ở miền Nam lâu năm, dường như không ai phản đối ý
kiến đó.
Đầu mùa mưa năm nay sấm sét, giông gió tưng bừng,
nhiều hơn là những năm trước. Hiện tượng mưa làm sập nhà, làm chết người
đã xảy ra ở một vài địa phương như Đồng Nai, Phú Yên…
Mưa làm lụt lội
rất nhiều vùng trũng ngay giữa thành phố Sài Gòn, con đường Nguyễn Thiện
Thuật trước mặt chung cư tôi ở cũng là dòng sông nhỏ, xe gắn máy tha hồ
bơi, tha hồ vác, các bác tài xế xe xích lô có việc làm và mấy tay
chuyên chùi rửa bu-di cũng kiếm ra năm bảy chục ngàn cho bữa nhậu buổi
“chiều mưa biên giới”. Mấy chú nhóc con ùa ra đường phố tắm táp, đùa dỡn
tự do dù nhà chúng chẳng đến nỗi thiếu nước.
Nhìn cái cảnh các cô cậu
công tử láng cóng bì bõm trong mưa, cũng có cái vui.
Có một nhận xét khá
thú vị nữa là những chiều mưa người ta thường ít nổi “quạu” hơn là
những buổi trưa nắng nóng kẹt đường, cãi lộn, lườm nguýt và đôi khi đánh
lộn tơi tả. Mưa vẫn là đề tài của hầu hết thi sĩ hơn là nắng. Nắng vàng thì còn làm thơ được chứ “nóng chảy mỡ” thì hồn thơ cũng bay
mất tiêu, và nếu có nàng thơ bằng xương bằng thịt thì cũng chảy mồ hôi,
làm sao còn hứng mà làm thơ được nữa. Đến đây tôi lại nhớ đến ngày còn ở
trại “Suối Máu”, khi Thục Vũ làm xong bản nhạc “Anh ở đây, bạn bè anh
cũng ở đây” anh mang hát cho tôi nghe vào một buổi chiều mưa. Hôm ấy
hứng chí tôi cũng làm một bài thơ, sau này khi ra đến trại ngoài Sơn La,
Thục Vũ bảo rằng tôi sẽ phổ nhạc thơ của ông. Tôi và Thục Vũ được liệt
vào loại gầy ốm, hom-ba-la- hem nhất cho nên thường chỉ bị phân công đi
lấy vài chục cây tre nhỏ làm vách tường, nhưng phải trèo qua dãy đồi “Ba
Dọi” mới kiếm ra thứ tre này. Thường là 9 giờ sáng chúng tôi đã lấy xong “Có anh
nào ở dưới đó không. Lao tre xuống đấy”.
Sau đó chúng tôi buộc vài chục
cây tre lại đẩy cho nó lao thẳng từ trên đỉnh đồi xuống tận chân đồi.
Làm chừng vài “tua” thì xuống đến gần con suối.
Thế là hai đứa chúng tôi
lang thang đi kiếm món gì điểm tâm cho dạ dầy đỡ biểu tình.
Chỉ có sắn
trong rẫy. Trong khi tôi lúi húi kiếm củi nhóm lửa thì Thục Vũ “trần như
nhộng” lội trên những tảng đá xanh giữa dòng suối nông, tung tăng vừa
đi vừa hát bi bô tưởng như mình đang ở cõi Thiên Thai! Khi ăn uống no
nê, chúng tôi ngả lưng trên nệm cỏ khuất trong những bóng cây, Thục Vũ
khẽ hát mấy câu trong bài thơ vừa phổ nhạc:
“Lại một mùa mưa nữa đó em. Mùa mưa làm nhớ rất êm đềm…”
Bài thơ khá dài, nhưng Thục Vũ chưa làm hết thì
anh đã ra đi mãi mãi. Tôi còn nhớ bưổi chiều khi tôi và ông ký giả Lô
Răng đứng lặng trong vườn rau, nhìn sang bên kia bờ ao, trên con đường
mòn vòng theo chân núi trong màn sương chiều Sơn La dăng mỏng, bốn người
khiêng chiếc quan tài Thục Vũ chầm chậm “diễu hành” rồi dần mất hút sau
sườn đồi ngả tối.
Trời hôm đó có mưa nhẹ phải không ông Lô Răng? Hay là
mưa trong lòng ông, trong lòng tôi như buổi sáng khi ông vận chiếc quần
rách báo tin cho tôi “Thục Vũ nó chết rồi”? Tôi viết những dòng này như
một nén hương cho Thục Vũ với bản nhạc mới chỉ bắt đầu mà đã dang dở. Một bài hát giữa đêm mưa và một cuộc tình
Tôi không có thói quen nghe nhạc khi làm việc,
nhưng lại cũng chính tại trời mưa, nghe tiếng mưa dài gõ nhịp ngoài thềm
nhà, tôi bật một folder trong computer đã có sẵn một số bản nhạc chọn
lọc tôi đã copy để nghe khi nào cần cho đầu óc nhẹ nhàng hơn.
Tôi thường
mong được nghe lại tiếng hát của những người bạn cũ, Thái Thanh, Lệ
Thu, Anh Ngọc, Duy Trác, Nhật Trường, Sĩ Phú …
Nhưng bỗng một bài hát “lạ” lạc vào, bài hát này
tôi đã copy từ một cái CD nào đó gửi cho bạn bè ở nước ngoài nhưng chưa
nghe lại bao giờ. Tiếng hát vẳng lên:
“Rồi một lần chợt nghe quê quán tôi xưa Giọng người gọi tôi nghe tiếng rất nhu mì Lòng thật bình yên mà sao buồn thế Giật mình nhìn tôi ngồi hát bao giờ.
Rồi một lần xưa khi khăn gói đi xa. Tưởng rằng quên được thương nhớ nơi quê nhà Lòng thật bình yên mà sao buồn thế Giật mình nhìn tôi ngồi khóc bao giờ..,
. Những hôm trời mưa thì đứng trên đỉnh dốc hét tướng lên: Tôi bỗng thấy nỗi xót xa lớn hơn, nỗi buồn sâu hơn
và tôi bỏ quên bản nhạc vì tôi biết tiếng hát đó là của ai và chuyện gì
đã xẩy ra trong cuộc tình não nùng này. Có lẽ rất nhiều bạn đã biết về cuộc tình này. Tôi
xin nói rõ hơn, đó là tiếng hát của nữa ca sĩ HM. mà ngay từ trước những
năm 1975 đã có tên tuổi ban đầu trên sân khấu nhà hàng Maxime.
Sau 75,
cô ở lại Sài Gòn và cũng đã gây được tiếng vang rộng lớn hơn, chinh phục
được cảm tình của hầu hết khán giả của mọi lớp tuổi của cả hai miền Nam
Bắc. Cô có một gia đình rất hạnh phúc.
Nhưng rồi một ngày nào đó cô đã
bỏ đi. Cô ở lại Pháp và lập cuộc đời mới. Người chồng cũ
là một nhạc công thổi saxo rất hay, ở lại Sài Gòn. Sau này anh bị mù.
Tôi không thể nào hiểu sự ra đi của cô và tôi không kết tội cô dù bất cứ
tội gì.
Đó là quyền tự do định đoạt số phận mình. Tôi vẫn nghĩ chỉ có
người trong cuộc mới được quyền nói về cuộc tình của mình và lý do chia
tay. Nhưng cách tốt nhất, theo tôi chính là sự im lặng.
Người chồng mù của cô đã yên lặng.
Mỗi buổi tối anh thường đến làm việc
ở một phòng trà ca nhạc bên cạnh nhà Thanh Niên. Người đàn ông bảnh trai cao ráo, thường đứng trước
cây đàn organ , nhưng nghề chính của anh là thổi saxo. Nếu đã biết sơ
qua chuyện tình của anh, tôi cho rằng bất cứ ai cũng phải bùi ngùi xúc
động.
Và nếu hiểu hơn chút nữa thì càng nghe tiếng hát của HM. (người vợ
cũ của anh, hiện nay đang ở nước ngoài) lại càng thấy xót xa hơn. Từng lời hát đi sâu vào tâm thức. Giọng hát của cô
không giống bất cứ một giọng ca nào từ trước tới nay.
Nó mang cái âm
hưởng riêng, rất riêng và nghe đi nghe lại tôi vẫn thấy dường như nhất
định phải có tâm sự cô trong đó. Cô giật mình thấy mình hát và giật mình
thấy mình khóc. Ngày nào quạnh hiu tôi đã đi qua Đường nào dìu tôi đến cơn say. Một lần năm mơ tôi thấy tôi qua đời… Đường vào tình tôi….
Tưởng như đó là mối tình Trương chi của thời đại
mới. Mối tình không thơ mộng và không tưởng như Trương Chi Mỵ Nương, mối
tình này thật hơn, thời đại hơn và “sống” hơn. Tôi cho rằng nó buồn
hơn, ai oán hơn cả Khối tình Trương Chi. Nhớ lại một kỷ niệm cuối năm vừa qua, khi chúng
tôi tiễn Tiến Sơn lên đường đi định cư ở New York, chúng tôi đã kéo nhau
vào quán nhạc ấy. Quán nhạc có người chồng mù thổi saxo hàng đêm. Tôi
ngồi lặng nghe anh thổi bài “Chiếc lá cuối cùng”.
Nỗi buồn đau thấm tận,
nỗi sầu cao chất ngất và tôi cứ thấy oán trách thế nào ấy với người vợ
đã bỏ anh ra đi.
Tuy biết rằng tôi rất vô lý, rất mâu thuẫn với chính
mình, nhưng sao tôi không từ bỏ được cái cảm nghĩ ấy suốt trong thời
gian anh thổi saxo.
Phải chăng nỗi xót thương đã làm nên cảm nghĩ này? Thật bất ngờ, người anh trai của anh lại là người
bạn cùng làm với tôi ở Đài Phát Thanh Quân Đội từ những ngày xưa. Chúng
tôi gặp nhau và tôi được dịp hàn huyên tâm sự về người nghệ sĩ mù này.
Tôi ngạc nhiên khi biết rằng HM thỉnh thoảng vẫn về thăm nhà, vẫn coi
người chồng cũ là bạn thân. Và người nghệ sĩ ấy đã có thời gian được đón
sang Pháp chữa bệnh, nhưng rồi anh lại nhất quyết trở về sống cuộc sống
của mình, dành mọi tự do cho người vợ. Phải chăng đó là một sự hy sinh khi biết rằng mình
không thể mang lại hạnh phúc cho vợ? Hay vì một lý do nào khác thì chỉ
có chính anh mới biết được mà thôi . Người bạn tôi là anh ruột của anh cũng chỉ cười
lắc đầu “chỉ mình nó biết, nhưng bề ngoài chúng nó vẫn thân thiện với
nhau”.
Vâng, đó chỉ là cái bề ngoài. Nỗi đau tím ruột nát gan của cả hai
người như đã chìm cả vào trong lời ca, trong tiếng kèn saxo rồi.
Cái
hồn của họ vương vất từng đêm quanh tôi, quanh chúng ta. Nhất là vào
những đêm mưa đầu mùa như đêm nay.
Tôi hình dung ra HM đang hát, người
chồng mù đang nhắm mắt mang tận cùng tâm sự mình phơi trải trong tiếng
kèn ai oán từng đêm và từng đêm. Văn Quang
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
@@Sài Gòn, Sài Gòn.2012 mãi mãi trong trái tim tôi
Sài Gòn đẹp vì có nhân duyên. +
Sài Gòn đẹp vì có số phận.