Trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2013

Thuở ấy có nhà ( ttheo )

Những bộ truyện Tàu . Nào là Tam Quốc Chí , Nhạc Phi diễn nghĩa , Bao Công kỳ án ...mỗi truyện anh đọc trên năm sáu lần nê thuộc lòng từng chi tiết , từng khuôn mặt của nhân vật ...Ông Bao Công mặt đen như nhựa đường mà rất thanh liêm ..
.Ông Quan Công mặt đỏ , râu ba chòm , tung hoành giữa trận tiền thật oai hùng với cây Thanh Long Đao nặng đến 72 cân xanh ngắt màu thép quý .
Khi bà ngoại đã ngủ anh phóng ra khỏi nhà bằng lối cửa sổ , leo lên một nhánh cây nhãn cao kín đáo để ngồi vắt vẻo trong tầng lá rậm rạp và mơ mộng .
Anh mơ mình sẽ trở thành một ông Hoàng đế ngồi trên bệ rồng thật cao như nhánh cây anh đang ngồi , và đám lá vàng úa rụng dưới đất như thần dân đang cúi đầu kính phục Về sau để thích hợp với thời cuộc hơn , anh mơ mình làm Tổng Thống .
Ở Huế mỗi thằng nhóc tì hay người lớn đều có trong mình một ông lãnh tụ con cả .
Ngoài Sao Mây ra , hình như anh còn có quen với một người con gái nữa . Nàng là một hình ảnh quyến rũ dai dẳng trong trí não của anh . Môi mọng ướt như giọt nước mưa đọng trên một bông hoa hồng , thân hình đầy đặn da thịt và tóc xõa rối tung như những cô gái liêu trai .
Một hôm ...một buổi trưa mùa thu , ...
Một hôm ...một buổi trưa mùa thu , vườn nhà nàng đầy những chiếc lá chết và vườn nhà anh cũng thế . Anh dẫm hai bàn chân lên lớp lá gãy vụn dòn tan và nhìn thấy nàng bên kia , cách một hàng tre thưa , tay đang cầm chổi quét . Anh gợi chuyện :
- Thúy quét bỏ những chiếc lá đó uổng lắm , để cho chúng nằm trên sân đẹp hơn .
Nàng nhìn anh mỉm cười , anh bắt đầu không còn nghe được tiếng chim hót trên cây cao vì tất cả những âm thanh nào , dù ngọt ngào đến đâu cũng tắt đi trước giọng nói của nàng :
- Em cũng thấy thế , nhưng mẹ bảo quét sân cho sạch sẽ .
Suýt chút nữa thì anh buộc miệng nói một nhận xét rất thành thực của anh là : mẹ Thúy ngu quá trời . Nhưng anh ngậm miệng kịp ngay , anh tiếp tục :
- Chiều nay Thúy không đi học à ?
- Đi chứ . Ba giờ mới vô lớp , bây giờ sớm mà .
Anh hăng hái :
-Lát nữa để anh đưa Thúy đi học nghe .
Nàng cười với anh . Anh cam đoan là đôi mắt nâu lóng lánh của nàng tỏ vẻ gật đầu , nhưng nàng lại lắc đầu .
Đối với anh , đưa nàng đi có nghĩa là lẽo đẽo đi bên cạnh hay theo sau một quãng , anh không có được một chiếc xe đạp , dầu là một chiếc xe cà tàng nhất .
Anh hơi ấp úng một chút :
- Hôm trước Thúy có đọc cái thư của anh gửi cho Thúy chưa ?
Nàng ngước mắt nhìn anh , mặt đỏ bừng thẹn thùng rồi gật đầu nhẹ , anh thèm đôi má ửng hồng như buổi sớm hừng đông của nàng biết bao . Anh hồi hộp :
- Thúy nghĩ thế nào về những điều anh viết cho Thúy ?
Giọng nàng lí nhí , và chim họa mi lí nhí được những âm thanh rộn ràng như thế là cùng :
- Thì anh muốn em nghĩ thế nào 

... Em nghĩ như thế .
Anh bây giờ mới thấy cảm phục tài viết thư tình của mình , thế mà trước đây anh vẫn đần độn nghi ngờ khả năng văn chương của anh . 

Bỗng trở nên một người được yêu và có quyền hành ghê gớm với người yêu . Anh ghen tuông :
- Hồi sáng có " thằng " nào đi xe Vespa đến gặp Thúy đó ? Anh rình ở bên này , anh thấy hết mà .
Đôi mắt nàng buồn bã thật tội nghiệp trước lý sự nghi ngờ của anh , nàng ấp úng biện hộ :
- Anh ấy là bà con của em đó , em có quen với ai ngoài anh đâu .
Anh khoan khoái vô cùng như được ngâm mình trong giòng sông Hương mát rượi vào một buổi trưa hè . Anh nếm thứ trái cây hạnh phúc dần dần thấm ngọt trên lưỡi và ngập tràn trong cơ thể . Nhưng anh vẫn làm bộ giận hờn :
-Anh bà con gì mà đến gặp em mỗi ngày vậy ?"Hắn " không biết em đang bận học thi sao ?
Nàng nói :
-Anh ấy kèm em học Toán đó .

Thế thì quá rồi . Tại sao nàng không nhờ anh kèm học ? Bộ khinh anh dốt Toán lắm sao ? 

Thứ đồ mấy con tính cộng trừ nhân chia từ xưa đến nay anh có làm trật bao giờ đâu ? Anh quát lên :
- Không kèm học gì cả ! " Thằng " ấy nó kiếm cớ để tán tỉnh em đó . Anh cấm em không được gặp nó nữa .
Nàng nhìn anh bằng đôi mắt rướm lệ đỏ mọng xót xa , rồi nàng òa khóc và chạy vào nhà , dáng chạy của nàng cũng nhẹ nhàng như một cánh bướm . Anh hả dạ khi thấy những giọt nước mắt đã rơi , con gái thật dễ yêu , nhất là khi khóc vì mình . Nhưng anh hối tiếc vì nàng đã mất hút sau cánh cửa ,trả lại cho anh sự vắng vẻ hoàn toàn của khu vườn rộng .
Nàng thật tuyệt vời . Anh yêu nàng với mối tình duy nhất , mãnh liệt và không điều kiện . Nhưng lại vẫn có một điều thật đáng tiếc : anh chưa bao giờ dám nói với nàng một câu .
Những lời đối thoại âu yếm trên đây chỉ có trong trí tưởng tượng của anh , và trong nỗi ước ao thực hiện mà anh ôm ấp mỗi đêm .
Thường ngày , khi nhìn trộm nàng và bị nàng bắt gặp , anh vẫn luống cuống cụp mắt xuống để tránh cái nhìn nghiêm nghị của nàng .
Anh hơi sợ nàng , vì dầu sao thì nàng cũng lớn hơn anh chừng sáu bảy tuổi và là bạn của dì anh . Lần duy nhất nàng tỏ ra có cảm tình với anh là một lần nàng qua nhà anh chơi , nàng đứng nói chuyện với những bà dì của anh và mỉm cười xoa nhẹ mái tóc lòa xòa của anh .
Anh nhớ làm chi câu thơ : " Đưa người ta chỉ đưa người ấy " , chàng lãng tử của Thâm Tâm thật được sưởi ấm lòng trước khi qua sông .
Còn anh , sáng sớm anh đi không một ai tiễn đưa .Trời chưa sáng tỏ , ngôi nhà và khu vườn mê ngủ im lìm , hình như có một bông hoa công chúa màu tím nào đó vừa thức giấc trên mái hiên . Anh nhìn thân hình co quắp ngủ mê mệt của thằng Hùng .
Anh rất tôn trọng giấc ngủ của người khác , nhưng đặc biệt sáng hôm nay , anh giã từ mái nhà này vĩnh viễn , giây phút quan trọng ấy cũng đáng để phá giấc ngủ của thằng Hùng bằng một cú đá vào bụng .
Và anh đá nó hơi mạnh , chỉ có cách ấy mới làm cho nó tỉnh giấc .
- Làm gì chướng vậy ? Để cho người ta ngủ ...
- Dậy đi mày , bắt tay chào tao một cái . Hôm nay tao bỏ nhà ra đi , chắc không khi nào còn gặp lại mày nữa .
- Thôi đừng nói dóc .
- Mày nhìn cái va ly tao đang cầm đây . nhìn mấy ngàn đồng trên túi áo này , tiền má tao mới gửi cho tao . Tao đi thật mà , mày tin chưa ?
Cặp mắt ngái ngủ của thằng Hùng mở ra ngơ ngác , nó lồm cồm ngồi dậy .
- Tin rồi . Anh điên hả ? Đi đâu ?
- Không biết . Tao đi ... giang hồ , đi lung tung khắp cả . Đi vô Saigon coi xe chạy đầy đường , coi đèn xanh đèn đỏ , mày thấy cột đèn ở ngã tư đường thay đổi ba màu xanh đỏ vàng chưa ?
Chắc tao sẽ xuống đến Cà Mau , lại còn sông Tiền Giang , Hậu Giang nữa , cá ở đó to và nhiều phải biết , trôi từ Biển Hồ về cả đàn tha hồ câu . Chán mấy con cá rô nhỏ xíu trong ao nhà mình rồi .
- Anh điên quá rồi , ở nhà sướng quá trời . Mấy cái thằng bỏ đi hoang vì ở nhà chúng khổ quá , anh đang sướng như vậy mà lại ... Thôi , tui đi với anh nữa nghe ?
- Không được . Đi như thế này dễ chết đói giữa đường lắm , thân tao tao còn nuôi không nổi , lại còn thêm mày .
Mặt thằng Hùng bơ phờ như người đưa đám ma .
- Thôi mày nằm xuống ngủ lại . Bà ngoại về quê chắc sáng mai mới về nhà , mày nói với bà là tao sẽ nhớ bà ghê lắm , tao thương bà cũng như thương má tao , nhưng tao ...
Anh vùng chạy ra khỏi nhà , anh phải cố gắng chạy thật nhanh vì anh đã nghe nước mắt mình ràn rụa trên má , và cố làm như không nghe tiếng kêu lạc giọng của thằng Hùng sau lưng .
Tiếng còi xe hỏa giục giã xa xa bên kia sông . Qua một cây cầu ngắn là đến ga tàu , con tàu sắt khói phun cuồn cuộn từng luồng dài trên cao , tiếng máy kêu như nhịp trái tim đập mạnh bồi hồi .
Sao anh không đợi mẹ anh về thăm . Mỗi năm , anh gặp mẹ hai lần , vào kỳ nghỉ hè và dịp Tết . Bà từ một tỉnh nào đó thật xa trên cao nguyên ,hiện ra trước mắt anh với khuôn mặt không bao giờ thay đổi , hay là anh không thấy sự đổi thay , vì đêm nào anh cũng nhìn thấy bà trong giấc mơ , cùng hình ảnh bầy em nhỏ .
Tại sao anh đi đột ngột và điên rồ như vậy ? Anh tìm kiếm những gì trên con đường mà anh chỉ tưởng tượng mơ hồ trong trí não ? Lạc thú hay nỗi khốn cùng của một đứa con đi hoang ?
Sung sướng gần gũi bên cạnh những người thân hay cô đơn của kẻ đứng bên ngoài tất cả ? Anh không biết .
Hồi đó anh chưa đọc Gide , anh chưa nghe đứa con hoang của Gide nói thật ngang tàng : " Tôi cảm thấy mái nhà không phải là tất cả vũ trụ ...Tôi không đi tìm hạnh phúc ..."
Không ! Anh không có tham vọng lê chân khắp cả vũ trụ . Anh cũng không phải là thần thánh hay siêu nhân để chối từ hay khinh bỉ hạnh phúc . Anh suốt đời thèm thuồng hạnh phúc , ao ước được ôm hạnh phúc trong lòng , như Moise ao ước được về Đất Hứa .
Vậy tại sao anh ra đi ? Anh tìm kiếm gì trên những con đường lang thang đầy bất ngờ lạ lùng ?

 Anh cũng không biết nữa . Chỉ biết từ lâu trong tâm hồn vẫn âm ỉ cháy một cái gì không thể gọi tên ,như đốm than hồng trong lò lửa sưởi ấm mùa đông , thật nhỏ nhoi nhưng hình như không thể tắt .Anh đã ăn năm cái Tết xa nhà , điều ấy thật buồn .
Ở những thành phố xa lạ , những thành phố không phải Huế của anh , cái Tết thật vô duyên và trống rỗng .
Ở Huế những nhày gần mùng một Tết , anh chờ đợi và hồi hộp đếm từng ngày như một chuyên viên chờ bấm nút cho hỏa tiễn phóng lên cung trăng .
Còn tám ngày ... Còn bảy ngày ...
Còn sáu ngày ...

Trên tấm " phản " rộng , bà ngoại anh và những bà dì bà mợ bận rộn gói những đòn bánh chưng bánh tét .
Những bàn tay thoăn thoắt và đôi mắt chăm chú xen lẫn trong xấp lá chuối xanh ngắt xếp từng đống cao và những đậu xanh , thịt mỡ thật gợi cảm .
Anh bao giờ cũng ngồi bên cạnh bà ngoại anh , hứa sẽ đọc cho bà nghe trọn bộ truyện Thuyết Đường với điều kiện là bà phải gói riêng cho một đòn bánh tét thật nhỏ nhắn nhét đầy nhân thịt , có đánh dấu cẩn thận để anh dễ dàng tìm ra khi cả nồi bánh đã chín , bốc khói , nằm lăn lóc bên nhau .

Đêm đến , cả nhà quây quần trên chiếc chiếu ở dưới bếp để đánh bài " tới " , một thứ bài ăn thua thật ít và rất mất thì giờ , cốt cho tỉnh ngủ mà canh nồi bánh , lửa um đầy khói .
...Còn hai ngày ... Còn một ngày ...
Đêm giao thừa , trời lạnh giá nên anh phải tắm bằng nước nóng . Anh không tài nào ngủ được , và có lẽ tất cả mọi người trong nhà cũng thế . Anh chiêm ngưỡng thành kính bàn thờ tổ tiên với những ngọn nến đỏ hồng và biết bao xôi chè , đùi gà luộc , cua , trứng ... 

Đến 12 giờ đêm , giờ cuối cùng của năm cũ và đầu tiên của năm mới , anh run rẩy châm lửa phong pháo treo trên mái hiên trước nhà .
Tiếng nổ dòn vang dội làm anh nao nao và sung sướng vô cùng . Những viên pháo đó được đốt lên khắp nơi, trong ngôi biệt thự lớn , dưới những mái ngói nhỏ , trong những mái nhà tranh nghèo nàn và trên những con đò đêm nay đang bỏ neo trên bến nước .
Rồi sáng mùng một Tết . Anh vội vã mở tung cánh cửa sổ từ phòng anh để xem cây hoa mai trước nhà năm nay có nở đúng kỳ hẹn không .

 Cây mai vàng thân thuộc , có khi nở sớm một ngày hay muộn một ngày ,có khi nở đúng vào ngày đầu xuân , kỳ diệu không thể nào giải thích được .
Đã lâu , anh không có một ngôi nhà . Anh sống vất vưởng bập bềnh lang thang . Nhưng đời sống anh không phải lang thang một cách thú vị như chàng lãng tử , mà lang thang như một con chó đói .
Anh sống nhiều tháng ngày dằng dặc ở những miền đất tẻ nhạt , những thành phố xa lạ có một quá khứ ngắn ngủi bằng gang tay .
Anh cũng có một chỗ ở , nhưng bốn vách tường một mái ngói chưa phải là mái nhà .
Ở đây không có bộ bàn ghế mà ngày xưa ông ngoại anh đã ngồi , không có chiếc tủ đầy sách mà ông bà anh đã miệt mài hồi trẻ tuổi , cho đến bây giờ là anh .
Ở đây không có khu vườn mà anh thuộc lòng từng gốc cây , từng trái chín , từng bóng mát .
Ở đây anh chỉ có một nơi tạm trú , nơi mà người ta kéo dài đời sống của mình . Và ngôi nhà rõ ràng khác hẳn nơi tạm trú Tất cả những đứa con hoang một ngày nào đó đều trở về mái nhà xưa . Có đứa trở về và tìm được điều nó muốn tìm , có đứa trở về nhưng không tìm lại được .

 Còn anh , anh không ở trong trường hợp nào cả , anh chưa bao giờ trở về .
Bà ngoại , những người thân , Sao Mây , Thúy , thằng mười một ngón tay , ngôi nhà , vườn cây , chim chóc . Tất cả những thứ đó đã bao bọc anh êm đềm trong một thời niên thiếu , rồi mất hút . Dầu anh có trở lại cũng vô ích . Tất cả những hạnh phúc đó đều bị nhét đầy trong một chiếc hộp đóng kín mà người ta thường gọi là quá khứ rồi ném mất nó xuống vực sâu .
Anh có thể nhảy xuống vực sâu để tìm lại chiếc hộp quá khứ vàng ngọc đó . Nhưng anh không dám , anh rất nhát gan ,anh không thể nào chịu nổi cái cảm giác khi da thịt va chạm mạnh vào những phiến đá cứng , đau đớn vỡ toang . Cho nên suốt đời anh là đứa con hoang không bao giờ trở về .

Hôm qua trời mưa suốt đêm , như cơn mưa rơi trên mái nhà thuở ấy . Có làm anh nhớ đến ai không ?

                                  Hoàng Ngọc Tuấn 


                                    

Thuở ấy có nhà -Hoàng Ngọc Tuấn

Đã năm năm nay anh không về Huế phải không ?
Điều đó thật là tệ và không thể nào giải thích dễ dàng được . Huế là miền đất sinh trưởng , có biết bao sợi dây quấn chặt những đứa con của nó , dầu là đứa bạc tình nhất .
Ít ra mỗi năm một lần , anh cũng phải tìm lại ngôi nhà đã sống suốt một quãng đời dài , chịu đựng hay thưởng thức tận cùng hơi thở của gia đình .
Dầu nồng nàn làm anh say , hay đắng cay làm anh khó chịu .
Thế mà năm năm nay anh đã không nhìn mặt nó .
Anh đã gần quên nó đi rồi phải không ?
Năm mùa đông , năm mùa thu , năm mùa xuân , năm mùa hạ . Khoảng thời gian thật lâu đủ cho anh quên đi con đường vắng , một bên là hàng cây trĩu nặng me chua , một bên là con sông nhỏ .
Con sông cứ thỉnh thoảng lại có một cây cầu ngắn nối hai bên bờ .
Chỉ một con đò chở đầy gạch ngói hay rong xanh cũng làm dợn sóng . Buổi chiều có thật nhiều trẻ con lặn ngụp vui đùa .
Ngôi nhà của bà ngoại anh ở gần bờ sông , quay mặt ra đường Trần Thúc Nhẫn . Suốt cả con đường toàn là nhà người bà con , quen biết thân mật . Anh say mê ngôi nhà đó lắm .
Khu vườn rộng với nhiều cây nhãn lồng , hai hàng dừa xiêm thấp bên bờ ao , một vườn bắp nhỏ , biết bao thứ hoa leo kín mái hiên và rực rỡ trước ngõ , biết bao thứ trái cây anh đã ăn no nê suốt bốn mùa .


Anh không có tình yêu ở thành phố này ?

 Không , anh không có người yêu thì đúng hơn . Anh có nhiều tình yêu ở đây lắm nhưng hầu hết là những mối tình chưa bắt đầu phải không ?
Anh biết tên tuổi nàng . Anh siêng năng đứng đón ở cổng trường đi ra , áo dài thấp thoáng như một cánh chim trắng . Có thể nói anh đã mỉm cười chào nàng , nhưng anh chưa bao giờ nói với nàng một lời , nàng thì hình như không hề biết mặt anh .
Và chấm hết .

 Ở xứ Huế có chừng một triệu mối tình như thế .
Thế còn người con gái vẫn ngồi với anh bên bờ ao trong vườn ? Anh và nàng nói chuyện với nhau rất nhiều và hai người có vẻ quyến luyến nhau lắm . Nàng thường hay săn sóc đến anh và nàng có một cái gáy mềm như sẵn sàng vỡ tan trong một bàn tay nắm nhẹ .
Anh chưa bao giờ nắm mây trời trong tay bao giờ , nhưng anh quả quyết rằng tóc nàng là một thứ tóc mây thực sự .
Đôi mắt nàng đen to và có cảm giác . Anh phải nhớ rõ chi tiết đó để phân biệt với vô số đàn bà bây giờ , có những đôi mắt vô cảm giác , đần độn và lạnh ngắt .
Nàng gần như toàn hảo . Ngoại trừ một điều thật đáng tiếc : Nàng là người chị bà con của anh .Nàng có một cái tên tuyệt hay nhưng thật khó nhớ , và chắc chắn là anh đã quên nó rồi vì anh là tên đãng trí số một . 

 Bây giờ chỉ việc đặt cho nàng một cái tên . Sao Mây chẳng hạn .
Mỗi sáng Sao Mây đi chợ mua thức ăn , rồi về phụ giúp bà ngoại anh nấu nướng . Vào mùa những cây ổi trong vườn chưa có trái chín , bao giờ nàng cũng bớt tiền chợ để mua về cho anh một hai quả ổi xá lị thật lớn . Và anh bao giờ cũng ăn hết , không để dành cho nàng một miếng nào .
Cái thói ăn của anh hồi đó rất nổi tiếng . Anh vẫn thường lén xuống bếp , đứng cạnh và nhìn khuôn mặt đỏ hồng lấm tấm mồ hôi vì lửa bếp của Sao Mây , anh dặn dò nhớ bỏ thêm vài trái ớt xanh nghe .
Nhưng anh cẩn thận cũng bằng thừa , nàng lúc nào cũng cho thật nhiều ớt tươi vào soong cá nục kho . Khi chín , những trái ớt xanh đỏ này sẽ mềm muột , mặn mùi cá thơm phức , cay dìu dịu , ngon không thể nào tả nổi .
Buổi trưa trong khu vườn sau nhà , dưới bóng mát của cây nhãn tuổi già hơn mười năm , anh và Sao Mây nói với nhau thật nhiều chuyện . Lời lẽ của nàng rất dễ thương .
Nàng và anh trao đổi biết bao câu đối thoại ý nhị và duyên dáng , tưởng có thể nhờ một ông nhà văn nào đó cho vào tiểu thuyết được .Nhưng đáng tiếc là anh quên hết tất cả rồi , anh chỉ nhớ một vài câu rất vặt vãnh và tẻ nhạt . Như :
- Ăn cơm chưa ?
- Ăn rồi .
- Ngon không ?
- Ngon lắm . Bữa nay ăn đến hơn mười chén mới hơi no .
- Trưa mai thích ăn canh gì ? Canh măng chua nấu cá ngạnh hay cá hồng nấu với thơm ?

 - Thích canh cá ngạnh hơn . 
Sao Mây nhớ mua mấy con cá có bọc trứng ở cổ nghe , trứng cá ăn ngon kinh khủng .
Và dĩ nhiên những câu nói như thế không có gì hay ho cả . Chúng tầm thường và dở ẹt . Nhưng không hiểu sao anh lại nhớ chúng rất dai , cũng bởi cái trí nhớ của anh nó làm việc chẳng có quy tắc gì hết
Trong nhà anh cũng có một người bạn thân khác .
Đó là một thằng nhỏ có mười một ngón tay và nhỏ hơn anh vài tuổi . Mặt mũi tay chân của nó đầy ghẻ ruồi nên anh chẳng ngần ngại ghép tên thật của nó với bệnh tật thành một tên gọi thông thường .
Hình như là Hùng-ghẻ-ruồi thì phải . Đáng lẽ phải gọi nó là Hùng-mười-một-ngón thì hợp lý hơn , nhưng anh sợ nó tủi thân .
Dầu sao thì nó cũng bị cái tật trời cho từ lúc lọt lòng mẹ rồi , chứ ai lại muốn bàn tay mình có thêm một ngón kỳ cục như thế .
Còn ghẻ ruồi là vì nó ở bẩn , làm biếng tắm rửa nên mới bị , không có lý do gì để tủi thân được nữa .
Ban đêm anh và thằng Hùng nằm ngủ trong một nhà chứa xe hơi bỏ trống ở góc vườn . Anh nằm một mình hút thuốc lá bên cạnh ngọn nến , còn thằng Hùng đi một vòng suốt con đường trong xóm .
Nó là một tên trộm chúa , nhà nào có chó dữ , có thứ trái cây gì mới chín là nó thuộc cả . Chỉ một lát là nó về êm ái như bóng ma , khệ nệ trên vai một bao bố đầy nhóc những ổi , mãng cầu , bưởi , cam quít , vú sữa . Anh và nó thi nhau ăn thả cửa mặc dầu buổi cơm tối vừa làm đầy bụng .
Đêm nào cũng như thế nên hồi đó anh béo mập và khỏe mạnh lắm , ăn toàn là trái cây có nhiều sinh tố .
Đó là chưa kể đôi lúc nghe lời khuyên nhủ của anh thằng Hùng còn xách ná cao su bắn trộm bồ câu nhà hàng xóm , chim bồ câu mà nấu cháo đậu xanh thì phải biết , ngon lành và bổ khỏe biết bao nhiêu .
Đôi khi có vụ ăn trộm bị lộ , bà ngoại đánh thằng Hùng một trận mê tơi , còn anh thì bị nhốt trong phòng , bắt ngủ sớm .
Bên cạnh giường anh nằn là một cái cửa sổ đóng kín nhưng then gài ở trong , như thế là đêm khuya anh nhẹ nhàng bò ra khỏi cửa sổ , khép lại cẩn thận và không quên dùng mền cuốn chiếc gối dài để giả làm hình người .
Anh một mình kéo kín cổ áo cho bớt lạnh , đi ra phía chợ còn sáng đèn , anh đứng trên cầu Bến Ngự , hút một điếu thuốc nồng ấm và nhìn đốm sáng của ngọn đèn đường lóng lánh dưới dòng sông .
Anh nhìn những con thuyền nhỏ trôi sát bên bờ lau , người săn cá mình trần , mặc dù gió đêm rất lạnh , tay trái cầm ngọn đèn dầu soi sáng mặt nước , tay phải lăm lăm một ngọn dài sắc nhọn , sẵn sàng phóng xuyên qua mình những chú cá ngái ngủ và ngơ ngác trước ánh đèn .
Anh nhoài đầu ra khỏi thành cầu nhổ bãi nước bọt xuống sông để nhìn mặt nước chao động nhẹ thật vui mắt . Anh làm như thế cho đến khi nào miệng khô ran vì đã mất bết bao nhiêu nước bọt , anh lủi thủi trở về . Những đêm lang thang ngoài đường không có thằng Hùng thật buồn bã .
Đến mùa vườn trong nhà không có trái chín , và nhà hàng xóm cũng thế thì anh phải cẩn thận một chút .
Thằng Hùng nó buồn vì không có việc gì làm mỗi đêm , nó chẳng ngần ngại xoay qua ăn trộm đồ lặt vặt của anh ..
Tiền bạc , bút máy , sách vở và tất cả những thứ gì đáng giá một đồng bạc trở lên là bị nó chiếu cố ngay nếu anh không cẩn thận gìn giữ , và anh là cái thằng chẳng bao giờ cẩn thận được cả .
Bây giờ thằng Hùng đã đi giang hồ biệt tích ở một phương trời nào rồi . Cũng như anh , nó đã bỏ ngôi nhà và xứ Huế thật đột ngột vào một ngày nào đó . Từ lâu , anh không có liên lạc gì về nó cả , chỉ nghe nói hình như thằng Hùng bây giờ đang ở một tỉnh nhỏ miền biển .
Mỗi đêm nó súng sính trong bộ lễ phục màu đỏ , cà vạt và mũ sặc sỡ , đứng gác cửa cho một quán rượu có nhiều khách ngoại quốc . Nó bây giờ chắc đã có nhiều tiền để có thể mua trái cây một cách đàng hoàng ở chợ .
Nhưng không biết thỉnh thoảng nó còn nhớ đến kỷ niệm , những ngày xưa chun qua hàng rào dây thép gai người ta không ? 

Anh mong ước nó nhớ lại kỷ niệm , và như thế anh cũng phải cầu trời phù hộ cho những cái túi quần đầy giấy bạc của khách trong quán .
Mùa đông xứ này trời lạnh ghê gớm , những cơn mưa khi ào ạt , khi tí tách kéo dài suốt tháng .Thật đau khổ cho anh biết bao , mỗi sáng sớm anh phải dấu kín sách vở trong ngực áo , run lẩy bẩy trong chiếc áo đi mưa , những giọt nước và hơi gió lạnh ngắt như thấm vào mạch máu của anh , thế mà phải nghiến chặt hàm răng đánh vào nhau để đi một mình trên con đường dài đến trường . Khi đi ngang thửa ruộng bao la , anh muốn chết ngay vì buồn và lạnh .
Anh dại gì siêng học như vậy , chẳng qua là vì bà ngoại bắt anh phải chăm chỉ học hành . 

Nhưng anh tìm cách được ở trong ngôi nhà ấm áp , bên cạnh lò than rực nóng lửa hồng quyến rũ . Anh khám phá được sân nhà anh rất trơn khi trời mưa , người nào không đi cẩn thận là trượt chân té nhào ngay .
Anh rất thích làm người không cẩn thận trong trường hợp này ,anh cố tình té nhào xuống đất , áo quần ướt đầy bùn dơ bẩn . Như vậy là anh chỉ việc trở vào nhà trình diện cho bà ngoại thấy tai nạn , rồi anh thay bộ đồ ngủ , leo lên giường trùm chăn kín mít , chỉ chừa có đôi mắt nhìn ra ngoài trời mưa trắng xóa và xanh mướt trên đám lá cây .
Anh biết chỉ còn một bộ quần áo bận đi học , giặt và phơi trong khi trời không có một ánh nắng như thế này phải mất một tuần mới khô .
Một tuần ở nhà xách cần câu ra ao câu cá rô , cá bống hay co rút mình trong chăn đọc tiểu thuyết thật sung sướng biết bao nhiêu .
Anh say mê biết bao tủ sách trong nhà , chứa đầy những sách báo thật xưa của ông ngoại anh để lại .

Tình cha - Father's love



Gần 50 năm trước, vào dịp tôi nghỉ hè, cha tôi đưa tôi tới một nơi câu cá thú vị là Hồ Candlewood ở miền Tây Connecticut. 
Con đường lộng gió chạy dọc theo dòng nước tuyệt đẹp rộng khoảng 30 feet chảy vào hồ. Khi tôi đắm mình trong cảnh đẹp, tôi quyết định cho cha tôi biết về chuyện tôi đã mường tượng vài tuần rồi, dù có thể cha tôi cho đó là táo bạo.
Cha con tôi đã đi con đường này nhiều lần và đã thành quen. 
Cha tôi thường đưa tôi tới hồ này, đem theo xe lăn cho tôi ngồi bên dòng nước và đẩy tôi đi. Cha tôi đem cả cần câu cho tôi và cả đồ ăn cho tôi nữa, vì mẹ tôi sợ tôi đói. Mặc dù nói ngọng nghịu, tôi vẫn có cách làm cho người khác hiểu.
 Tôi biết mắc mồi và câu cá. Đã nhiều lần tôi tập và rất lóng ngóng, nhưng nay tôi có thể làm được rất rành nghề.Tôi không cần biết tôi có câu được con cá nào hay không. 
Tôi chỉ muốn ở giữa thiên nhiên, cũng như những người khác thôi
. Cha tôi là người yêu thiên nhiên nên hiểu tôi, cha tôi để tôi một mình ở bờ hồ khoảng 3-4 giờ rồi mới quay lại đón tôi. Có lần cha tôi trở lại sớm hơn vì có mưa bất ngờ. Khi cha tôi tới thì tôi đã ướt như chuột lột, nhưng đó chỉ là chuyện nhỏ.
 Thực sự tôi rất vui.Nhưng trong ngày đặc biệt này, tôi xin cha đưa tôi ra đường để tôi dễ nhìn thấy dòng nước trôi lững lờ. 
Tôi hỏi:- Cha có thấy tảng đá lớn ở đằng kia không?Cha tôi không trả lời mà hỏi lại:
- Tảng đá bằng phẳng đó hả?  - Dạ. Cha có thể đưa con tới đó không?Cha tôi cười:- Để cha xem đã.Tôi nhìn cha đi tới bên dòng nước, tìm cách bước trên các tảng đá mà không bị ướt. Rồi cha tôi cẩn thận bước qua nước tới nơi ông muốn.
 Nhìn cha tôi đi không dễ chút nào, nhưng cha tôi không hề bị ướt, rồi cha tôi nhìn xung quanh. Khi trở lại, cha tôi hỏi:
- Con muốn câu cá ở chỗ đó sao?- Dạ, con thích vậy.Tôi luôn thấy ganh tỵ với người đứng câu cá giữa dòng nước tới đầu gối.
 Vài tuần trước, khi cha con tôi tới đây, tôi chú ý tảng đá đó và nghĩ sẽ rất thú vị đối với tôi, nếu tôi có thể ngồi trên tảng đá đó.
- Được, cha giúp con.Cha con tôi đã quen chỗ đó, nhưng lần này ở vị trí khác. Tôi nhìn cha để xe lăn ở giữa tảng đá và cẩn thận khóa thắng lại. Rồi cha trở lại đón tôi.
 Thực sự tôi cảm thấy hơi sợ khi cha bế tôi và bước trên các mỏm đá vì cha không có tay để giữ cân bằng nữa, nhưng rồi hai cha con bình an. 
Sau khi chuẩn bị đồ câu cho tôi, cha tôi nói sẽ trở lại sau hai giờ nữa. Và rồi tôi đã ở đó một mình.
Tiếng nước chảy róc rách và có vẻ chảy nhanh, như thể nói: “Bạn làm gì ở đây?”. 
Nhưng tôi biết đó chỉ là sự tưởng tượng thôi, nhưng tôi lại chợt cảm thấy sợ ở đây một mình. Tôi suy nghĩ lung tung: Nếu có đại bàng bắt tôi đi khỏi tảng đá này thì sao?
 Nếu nước dâng cao thì sao? Nếu có ai thấy tôi ở đây và gọi cấp cứu thì sao? 
Rồi tôi tự nhủ mình thật ngớ ngẩn và cố tự trấn an.Tôi bắt đầu câu và nhận thấy tôi có thể để dòng nước đưa tôi đi. Tôi thích vậy. Người câu cá không muốn vất vả quá.
 Thời gian thấm thoắt. Một ngày tuyệt vời!Cha tôi trở lại đón tôi, không có chuyện gì xảy ra.
 Tôi chẳng câu được con cá nào, nhưng vẫn mãn nguyện vì thỏa ước mơ. Tôi nhận thấy cha tôi yêu thương tôi biết bao. Cha tôi thể hiện tình thương trong suốt đời tôi, sẵn sàng liều thân vì tôi để tôi được an toàn.
                                   Trầm Thiên Thu
              Chuyển ngữ từ nguyên tác Father’ s Love
                                                     

Miếng ăn là miếng tồi tàn



Thế vậy mà tôi vẫn luôn thích được ăn ngon, mặc đẹp. Lời dạy của bà ngoại ít khi được tôi để ý ngay cả khi còn nhỏ, ham ăn đến độ có lần ăn một lượt 4 tô mì Cầu Ngang (là một tiệm mì nổi tiếng nằm ngay Cầu Ngang cạnh chợ Thủ Đức gần Sài Gòn).
 Báo hại ăn xong về no quá không làm gì nổi, chỉ biết nằm thở và nghe bà mắng: miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng lộn gan trên đầu. 
Ăn kiểu mày thì có nghèo mạt rệp, núi nó cũng lở chứ đừng nói đến chuyện có cái nhà để ở!
Cũng có thể vì vậy mà mãi cho tới bây giờ tôi vẫn chưa có một cái nhà ở riêng cho đúng nghĩa.
Thế vậy mà tôi vẫn chưa chừa được cái tật ham tìm đến những quán ăn ngon. Đặc biệt là trong khu Little Saigon ở Quận Cam nơi có gần nửa triệu người Việt sinh sống vì vậy hàng quán thì có quá nhiều nên nhiều lúc chẳng biết nên đi ăn ở đâu.
Mà thật ra tôi thấy đâu phải có một mình tôi là thích ăn ngon? Bạn bè, gia đình ai có dịp ghé thăm khu Little Saigon cũng đều hỏi tôi nên đến quán ăn nào để thưởng thức các món ăn Việt thuần túy. Nhất là những người từ phương xa.
Thôi vậy thì một công hai chuyện. Hôm nay tôi viết bài này cho các bạn biết những quán ăn, món ngon mà tôi thích ở Little Saigon. Và nếu có dịp ghé thăm bạn cũng nên vào thử cho biết. Đồng ý chứ?

Tôi nghĩ điều đầu tiên mà bạn cần biết là ở Little Saigon, những quán ăn ngon thường là những quán nổi tiếng nhờ vào một món ăn chính nào đó.
 Người ta vào đầu tiên là gọi món ăn đó, những món khác chỉ là món phụ. Vì vậy tôi đưa ra danh sách này từ 1 đến 10 không phải là để xếp hạng xem nhà hàng nào là number 1 mà chỉ để bạn dễ dàng trong việc tìm đến quán nào hợp nhất ngay vào thời điểm đó. Đâu phải lúc nào mình cũng không thích ăn cơm và chỉ thích ăn phở thôi, phải
không bạn?

1. Phở Kimmy:

 Nhưng đã nhắc đến phở thì tôi nghĩ bạn nên tìm đến tiệm này nằm trên đường Bushard gần góc đường Bolsa chỉ cách 2 blocks từ khu thương xá Phước Lộc Thọ.
 Hầu như tiệm phở nào ở Little Saigon tôi cũng đã bước vào nhưng đây là tiệm mà tôi cho là có tô phở đậm đà nhất. Không phải đương nhiên mà ngày nào vào giờ ăn trưa cũng có người sắp hàng đợi bên ngoài để có bàn.
2. Bánh Mì Chợ Cũ: Quán nằm ngay góc đường Hazard và Magnolia. Chỉ là một quán nhỏ thôi nhưng là của gia đình nên hương vị cũng rất riêng biệt kể cả ổ bánh mì. Đôi khi tôi thấy thật ra chúng ta không cần ăn gì nhiều. Chỉ một ổ bánh mình thịt nóng (hoặc bánh mì bì với nước mắm) vừa ăn vừa lái xe là cũng đủ để thấy cuộc đời này còn đáng sống lắm.

3. Bánh cuốn Lý Thái Tổ trong tiệm phở Tàu Bay: Trước đây tôi thích vào tiệm bánh cuốn Tây Hồ nằm trên phố Bolsa (sát bên cạnh khu Phước Lộc Thọ hoặc gần góc đường Brookhurst) nhưng sau này tôi lại thích ăn ở tiệm này hơn cũng nằm trên đường Bolsa nhưng gần góc Harbor. Bánh cuốn mỏng, thơm và... thanh. Nó giống bánh cuốn kiểu miền Bắc hơn là của miền Nam đầy tất tần tật mọi thứ.
4. Mỹ Vị Mì Gia:
 Cả hai tiệm đều nằm trên đường Westminster nhưng ai cũng cho là tiệm original nằm gần góc đường Brookhurst cạnh tiệm chè Hiển Khánh ngon hơn. 
Chắc có lẽ vì nó trông không sạch và đẹp bằng tiệm kia mới mở! Vậy mà lúc nào cũng đông khách.
 Bạn phải vào đây và kêu đúng món Mì Khô Dầu Hào đặc biệt. Bảo đảm không ngon, không lấy tiền (cái này là tôi nói chứ không phải là tiệm nói a!).5. Bún Bò Huế và Bánh Bèo Quán Hợp: 
 Thật ra thì tiệm này nằm trên đường Brookhurst gần góc McFadden đối diện tiệm KFC còn nhiều món ngon lắm. Phở filet mignon để riêng, canh bún (món này thì thằng cu Phi nhà tôi một mình có thể ăn hết một tô) hay ngay cả bánh cam cũng rất ngon. Tuy giá cả có hơi cao hơn những tiệm khác một chút nhưng bù lại quán rất thanh lịch, sạch sẽ và quan trọng hơn hết là món ăn nào cũng trên trung bình. Nghe nói đâu quán này có cùng một chủ với quán Hỷ nằm trên đường Bolsa nên vị của nó cũng khá giống nhau. Tuy nhiên tôi vẫn thích Quán Hợp hơn.
6. Hủ Tiếu Khô Picasso: Đây là tiệm mà các anh chị em nghệ sĩ thường đến để ăn brunch (là ăn khoảng giữa cho breakfast lẫn lunch!) vì ngoài món hủ tiếu khô của ông bà chủ thích chơi arts, tiệm còn có các món ăn sáng như trứng, lạp xưởng, bánh mì pâté, bò kho, v.v... dĩ nhiên nếu đây là lần đầu tiên thì bạn nên order món hủ tiếu khô cho phải lẽ. Tiệm nằm trong khu của KFC đối diện quán Hợp.
  7. Cơm Tấm Trần Quý Cáp: Quán này tuy nằm hơi xa khu Little Saigon, gần góc đường Harbor và Edinger nhưng bù lại giá cả rất phải chăng, đĩa cơm nào cũng to đùng và đúng vị cơm tấm. Kể cả thịt sườn, bì. Hay nước mắm. Có khá nhiều tiệm cơm tấm ở Little Saigon nhưng tôi thích tiệm này hơn hết.
8. Cá Nướng Favouri: Chắc chắn sẽ có người ở Little Saigon không đồng ý với sự lựa chọn này vì trong 10 năm vừa qua có rất nhiều quán cá nướng ra đời và mỗi người một khẩu vị. Nhưng tôi là người chung thủy, 10 năm về trước được cho ăn cá nướng Favouri thấy ngon quá nên cho đến bây giờ vẫn thấy nó ngon! Quán nằm trên đường Bolsa qua khỏi đường Harbor trở thành đường 1st, bên tay phải. Cá nướng rất giòn, béo, vừa đủ chín còn mắm nêm thì phải nói là tuyệt vời.

 9. Bò 7 Món: Thành thật mà nói tôi thấy tiệm nào cũng ngon. Bò 7 món Ánh Hồng, tiệm nằm ngay góc đường Bushard & Bolsa mà tôi chẳng nhớ tên, hoặc tiệm ở bên hông chợ State Bros gần góc Brookhurst và Hazard.
 Tuần trước tôi và cô Kiều Chinh cùng một số anh chị em tỵ nạn được một bác sĩ đãi cho ăn ở một tiệm mới mở cũng rất ngon nằm trong khu chợ ngoài sau tiệm McDonald's gần góc đường Brookhurst và Westminster. Ở đây có món cháo bò rất tuyệt. Điều duy nhất mà tôi ngại khi bước vào những quán ăn này là ăn no bụng xong về nhà lúc nào tôi cũng phải tắm ít nhất 2 lần mới khử sạch được hoàn toàn cái mùi nướng. Và mắm.
10. Brodard Chateau:

- Có thể cho đây là một trong những quán ăn thanh lịch và “sang” nhất trong khu Little Saigon. Bất kể trưa hay tối lúc nào bạn cũng có thể thấy nhiều đầu vàng và đôi khi còn nhiều hơn đầu đen. 
Ở đây có món tủ là nem cuốn mà ai cũng phải kêu ăn một lần cho biết. Nhưng ngon là một chuyện. Quan trọng không kém là ở không gian và cách phục vụ, nhất là trong thời đại 4G này. Nếu bạn muốn mời một ai đó. 
Hay tiếp một trọng khách nào đó, tôi nghĩ tốt nhất là bạn nên đến Brodard Chateau nằm gần góc đường Trask và Magnolia. Bảo đảm bạn sẽ không hối hận hay hụt hẫng! Thế đã nhé. Còn rất nhiều món tôi muốn giới thiệu với các bạn. Ở Little Saigon, ở Úc và ở ngay cả Manila, Philippines.
 Đã nói tôi là thằng thích ăn ngon mà. Nhưng để xem sự phản hồi của các độc giả thân thương tôi như thế nào. Sau đó tính tiếp.
Happy eating everyone.

                                        Trịnh Hội.
                          @@ many tks  mr TH !            

Cuối tuần cười hahaha




Người tuổi Sửu hợp với người tuổi Ngọ, theo quẻ… "đầu trâu mặt ngựa". 
 Người hai tuổi này mà cưới nhau chắc chắn sẽ thành công, tấn tới nếu cả hai vợ chồng cùng làm việc trong lĩnh vực… xã hội đen, đâm thuê chém mướn.
 - Người tuổi Sửu và người tuổi Ngọ hợpvới người cùng tuổi, theo quẻ "ngưu tầm ngưu, mã tầm mã". 

Những người này cưới nhau sinh con đẻ cái đảm bảo con cái chắc chắn sẽ… thuần chủng.
 - Người tuổi Mão hợp với người tuổi Dậu, theo quẻ "mèo mả gà đồng". Người hai tuổi này đi với nhau chắc chắn có một tình yêu mãnh liệt và hoang dại.
- Người tuổi Thìn hợp với người tuổi Dậu, theo quẻ "rồng bay phượng múa" (tại vì Phượng không thuộc 12 con giáp nên lấy gà là con vật gần giống Phượng nhất để thay thế). 
Người hai tuổi này cưới nhau chắc chắn tình yêu, tiền tài, sự nghiệp sẽ đẹp đẽ, thăng hoa.
- Người tuổi Tỵ rất khắc với người tuổi Dậu, theo quẻ "cõng rắn cắn gà nhà".
- Nếu 2 người này cưới nhau về thế nào người tuổi gà cũng bị người tuổi rắn cắn chết, không loại trừ khả năng vụ án xảy ra trong lúc yêu đương bối rối, đương sự cắn nhầm [tieu bieu la tap doan ho chi minh, va nay nguyen tan dung dem tau cong ve chiem dat giet hai dan ta].
- Người tuổi Tý khắc với người tuổi Sửu hoặc Ngọ, theo quẻ… "đầu voi đuôi chuột" (vì voi cũng không có trong 12 con giáp nên ngựa và trâu, hai con giáp to gần bằng voi nhất có thể thay thế). 
Người mấy tuổi này cưới nhau thì chỉ được tiền vận suôn sẻ, tốt đẹp, còn hậu vận bi bét, không loại trừ khả năng gia đình phá sản, vợ chồng ly di, con cái nghiện ngập, hư hỏng.

- Người tuổi Mùi hợp với người tuổi Tuất theo quẻ "treo đầu dê, bán thịt chó". Hai vợ chồng tuổi này chắn chắc sẽ làm ăn phát đạt, thịnh vượng, đặc biệt là trong lĩnh vực… buôn gian bán lận, lừa đảo.

- Tuy nhiên, người tuổi Tuất lại khắc với người tuổi Dậu, theo quẻ "chó cậy nhà, gà cậy vườn". Hai vợ chồng tuổi này chẳng chóng thì chầy sẽ xung khắc, chia rẽ nội ngoại, dẫn tới ly di, chia con, chia nhà.
- Thật ra, người tuổi Dậu, ngoài hợp với tuổi Mão và tuổi Thìn như đã nói ở trên,còn hợp với người tuổi Hợi, theo quẻ "đầu gà má lợn".
 Người hai tuổi này cưới nhau nhiều khả năng thành công trong lĩnh vực kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh… nhà hàng, đồ nhậu.
- Cuối cùng ..người tuổi Dã tràng, tính tình ngang như cua...dễ thích ứng với hoàn cảnh, rất dị ứng với bất công xã hội...chỉ thích hợp với...vài người.
 .Người tuổi này dễ bảo, nhưng khó nắm đầu( vì hết tóc ),hahaha!
                                                 Stnet

Tuổi Già Của Tôi


Duy Trác là một ca sĩ nổi tiếng, thành danh ở Sài Gòn từ những năm trước 1975. Tuy chỉ là một ca sĩ nghiệp dư, nhưng nhiều người xem Duy Trác như một trong những giọng ca nam lớn nhất của tân nhạc Việt Nam.
Duy Trác tên thật là Khuất Duy Trác, quê ở Sơn Tây, xuất thân trong một gia đình Nho giáo truyền thống. Nghề nghiệp chính của ông là luật sư, trước đó là thẩm phán ngành Quân Pháp. 
Ngoài ra ông còn tham gia viết báo và cũng là một dịch giả. Duy Trác bắt đầu đi hát từ những năm còn là sinh viên, khoảnh cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960. 
Tuy giọng ca của ông được rất nhiều người mến mộ, nhưng trước 1975 ở Sài Gòn, Duy Trác gần như không bao giờ trình diễn ở phòng trà hay các chương trình nhạc hội.
 Ông chỉ hát trên đài phát thanh và thu âm cho các hãng băng đĩa, vì vậy nhà văn Duyên Anh đã đặt cho ông biệt danh "chàng ca sĩ cấm cung".
 Duy Trác cũng có sáng tác một vài bài hát như Tiếng hát đêm Noel, Sài Gòn chỉ vui khi các anh về...
Sau 1975, Duy Trác có đi cải tạo nhiều năm tới 1988. Năm 1992 ông rời Việt Nam định cư tại Houston, Hoa Kỳ. 
Tại đây ông có tham gia trình diễn ở một vài chường trình ca nhạc và phát hành hai CD riêng Còn tiếng hát gửi người và Giã từ.
 Trong CD Giã từ ông đã nói lời từ biệt với âm nhạc. Từ đó Duy Trác không còn hát và hiện nay ông hợp tác với đài phát thanh VOVN - Tiếng nói Việt Nam tại Houston phụ trách một vài chương trình.
Băng nhạc và CD Duy Trác
Trước 1975
Tiếng hát Duy Trác
Tiếng hát Duy Trác 2
Tiếng hát Duy Trác - Xuân Sơn Sau 1975
Còn tiếng hát gửi người
Giã từ

                                                             
                                                           

                                                             Tuổi Già Của Tôi

 Năm 1992 gia đình tôi tới Mỹ, một quốc gia tự do và nhân đạo, với 13 nhân khẩu. Không ngờ, vốn chỉ là một ca sĩ tài tử và đã bị chính quyền Cộng Sản giam cầm và cấm hát suốt 17 năm, tôi vẫn được một trung tâm ca nhạc tiếng tăm mời sang Paris tổ chức một buổi hội ngộ với thính giả và thu những băng nhạc nghệ thuật.
Các thính giả đã vào cả hậu trường chào mừng tôi, buồn vui, mừng tủi. Tôi chỉ còn nhớ, và nhớ mãi, một câu chào, như mâu thuẫn và thật lòng: “Bác (hay chú) chẳng thay đổi gì cả, chỉ già đi nhiều thôi.”
Ồ! Tôi đã già đi! Chắc chắn rồi. Nhưng tôi đã không có thì giờ nghĩ đến. Làm sao có thì giờ nghĩ đến khi không biết ngày nào hết cảnh lao tù để về chung sức với vợ nuôi nấng 6 đứa con, 5 đứa cháu và một mẹ già đau yếu. Nhất là nỗi đau mất 3 đứa con và 7 đứa cháu trên biển cả. 

Nỗi đau quá lớn khiến mẹ đã té ngã và trở thành phế nhân với nửa người bất động.
Trong đời sống của mỗi con người, ai cũng có 3 giai đoạn: tuổi thơ, tuổi thanh xuân và tuổi già. Riêng tôi tuổi thơ hầu như không có. Cha mẹ mất sớm, bị những người lớn tuổi trong đại gia đình hành hạ; năm 12 tuổi tôi đã bỏ đi sống một mình. 

Tôi còn nhớ, hồi đó ở vùng kháng chiến Việt Bắc tôi thi vào trường Sư Phạm; với học bổng 18 kg gạo, 180 đồng tiền thức ăn, và 1 chai dầu dùng để thắp đèn học đêm. 
Nghỉ hè, trường không phát học bổng, tôi phải đi hái trà và đạp trà thuê. Cuối ngày lãnh tiền đủ đong được chút gạo, hái rau rừng làm thức ăn. 
Với đủ mọi hình thức kiếm tiền lương thiện, tôi đã phấn đấu học hành, làm việc với châm ngôn do mình đặt ra: không hận thù những người đã hành hạ mình và phải cố gắng học cho thành tài. Cả hai châm ngôn này tôi đã thực hiện đầy đủ và chân thành. 
Bỏ vùng Việt Bắc, trở về Hà Nội rồi di cư vào Nam, tôi đã cố gắng hoàn tất việc học, trở thành luật sư đồng thời lập gia đình năm 1961. Ngẫm nghĩ lại, tuổi thơ không có, tuổi thanh xuân cũng không được bao nhiêu. 
Sau khi gia nhập Luật Sư Đoàn được 2 năm và lập gia đình được hơn 1 năm, vào năm 1962 tôi được gọi nhập ngũ. 
Dĩ nhiên, phục vụ đất nước trong thời chiến tranh là nghĩa vụ thiêng liêng của con dân một nước. Nhưng rời bỏ gia đình mới được hơn một tuổi, bỏ lại vợ và con thơ để làm nghĩa vụ người trai trong 13 năm rưỡi rồi tiếp theo là 11 năm tù đày trong các trại tù Cộng Sản; thì hỡi ôi tuổi thanh xuân của tôi đã mất hút tự bao giờ tôi cũng không còn nhớ được nữa. Ra tù và sang đến Mỹ năm 1992 thì tôi đã ở vào tuổi 56. 
Các thính giả có bảo là già đi nhiều thì cũng phải thôi. Tiếp tục vật lộn với đời sống để nuôi gia đình nên mối ưu tư về tuổi già, về những chăm sóc cho tuổi già được sống hợp lý, tốt đẹp cũng không phải là điều dễ dàng. André Maurois đã viết: “Năm, sáu chục năm trời nếm trải những thành công và thất bại, hỏi ai còn có thể giữ được nguyên vẹn những điểm sung mãn thời trẻ?
 Đi vào hoàng hôn của cuộc đời như đi vào vùng ánh sáng đã điều hòa, ít chói chang hơn, mắt khỏi bị lóa bởi những màu sắc rực rỡ của bao ham muốn. 
Và như vậy già là một tất yếu của vòng đời, một chuyện đương nhiên khi người ta tính tuổi, cớ sao phải lãng tránh? 
Có trẻ thì có già, đó là nhịp điệu của vũ trụ, đâu cần phải khổ đau vì già? Trái lại, phải làm sao để có một tuổi già hạnh phúc.”
 Trong thời gian tôi theo học tại trường Luật, có một người bạn đã gửi cho tôi một tấm thiệp giáng sinh trên đó có ghi toàn văn bản dịch của bài thơ “TUỔI TRẺ (YOUTH)” của Samuel Ullman. Lời lẽ bài thơ thật là sâu sắc, đầy tinh thần lạc quan, nó ảnh hưởng sâu sa đến tôi trong mấy chục năm nay. 
Mặc dầu nó được viết ra từ năm 1918, lúc tác giả đã 78 tuổi nhưng ý tưởng thật mới mẻ. Xin trích một vài câu tiêu biểu:
“Không một ai lại già cỗi đi vì những năm tháng trôi qua. Chúng ta già nua bởi vì ruồng bỏ lý tưởng của mình. Năm tháng có thể làm nhăn nhúm làn da của chúng ta, nhưng sự từ bỏ tinh thần hăng say, phấn khởi mới làm tâm hồn chúng ta héo hắt.”
Tướng Douglas Mc Arthur rất tâm đắc với bài thơ này và ông đã cho trưng bày bài thơ ngay tại phòng làm việc của ông ở Tokyo khi ông đang là Tư Lệnh Quân Đội Đồng Minh đặc trách công việc giải giới và phục hồi nước Nhật sau chiến tranh. 

Rồi vào năm 1946, tạp chí Reader’s Digest ấn bản tiếng Nhật đã phổ biến toàn văn bài thơ bất hủ này bằng Nhật ngữ. Nhân dân Nhật đã hân hoan đón nhận cái tín hiệu đầy lạc quan, tích cực và năng động của bài thơ không vần này.
 Cũng từ đó họ đã hăng say dấn thân vào việc tái thiết đất nước, khiến nước Nhật lấy lại được vị thế cường quốc về kinh tế, chính trị cũng như văn hoá như ta thấy ngày nay.
Sau đây là nguyên văn bài thơ:

YOUTH
By Samuel Ullman (1840-1925) 

 Youth is not a time of life; it is a state of mind; it is not a matter of rosy cheeks, red lips and supple knees; it is a matter of the will, a quality of the imagination, a vigor of the emotions; it is the freshness of the deep springs of life.
Youth means a temperamental predominance of courage over timidity of the appetite, for adventure over the love of ease. This offen exists in a man of sixty more than a body of twenty. Nobody grows old merely by a number of years. We grow old by deserting our ideals.
Years may wrinkle the skin, but to give up enthusiasm wrinkles the soul. Worry, fear, selfdistrust bows the heart and turns the spirit back to dust. 

Sixty or sixteen, there is in every human being’s heart the lure of wonder, the unfailing child-like appetite of what’s next, and the joy of the game of living. In the center of your heart and my heart, there is a wireless station; so long as it receives messages of beauty, hope, cheer, courage and power from men and from the infinite, so long are you young.
When the aerials are down, and your spirit is covered with snows of cynicism and the ice of pessimism, then you are grow old, even at twenty, but as long as your aerials are up, to catch the waves of optimism, there is hope you may die young at eighty.
Năm 1992 tôi tới Mỹ với một tấm thân tàn vì bệnh hoạn, đói khổ, và tù đầy. 

Nếu không nhờ nền y tế tối tân và siêu việt của quốc gia này, tôi không còn sống tới ngày hôm nay. Từ bệnh cao huyết áp, tiểu đường, nghẽn mạch máu tim, cao mỡ v.v.., tôi đã phải vào bệnh viện 5 lần, thông tim 4 lần, stroke nhẹ 2 lần. Tôi phải liên tục dùng thuốc trong mười mấy năm nay, tốn kém của nhà nước bao nhiêu tiền của. Tôi đã cố gắng tập thể dục, ăn uống kiêng cữ, và nhất là tìm một môn luyện tập thân thể theo phương pháp đông phương thích hợp với tuổi già.
Đấy là nguồn gốc cái duyên mà tôi tìm đến với môn Taichi.
Một lần trong một buổi phát thanh của đài VOVN, phỏng vấn các vị lãnh đạo TAEKWONDO thế giới, tôi đã hỏi ngắn gọn về môn Taichi thì nhận được những lời ngợi khen nồng nhiệt và có ý kiến rằng môn tập này mang ý nghiã sử dụng nguyên lý âm dương như một võ công. 

Muốn có được những lợi lạc của phương pháp Taichi thì cần có ý niệm về khí công.
 Một trong những điều căn bản cần nắm vững là phải biết thư giãn bản thân. Vì Taichi hầu như chỉ được tập luyện qua những động tác chậm cho nên ở bất cứ tuổi nào người ta cũng có thể luyện tập một cách dễ dàng. Một lợi điểm phụ thuộc là có được khả năng tự vệ. Đấy cũng là quan điểm của võ phái Taekwondo. Các tài liệu khoa học theo tạp chí Science Daily gần đây có nêu 2 lợi điểm nổi bật trong việc tập thể dục theo phương pháp Taichi: - Một là chữa các dạng viêm khớp
- Hai là gia tăng sức đề kháng nơi những người lớn tuổi

1/ Taichi giúp chữa viêm khớp:
Một công trình mới đây của viện nghiên cứu The George Institute International Health cho thấy Taichi có lợi rõ rệt đối với các chứng viêm khớp.

 Một số các nhà nghiên cứu đang tiến hành một cuộc thử nghiệm để xem phương pháp thể dục đó có hiệu quả gì đối với chứng đau nhức ở phần dưới của lưng hay không. 2/ Taichi giúp gia tăng sức đề kháng ở người lớn tuổi:
Tập thể dục theo Taichi đã được ít nhiều Tây hóa của một môn võ thuật Trung Hoa từ hơn 2000 năm trước với những nét đặc trưng như vận động chậm rãi trong tư thế trầm tư.

 Phương pháp này có khả năng tăng cường sức đề kháng nơi người cao niên chống các loại vi khuẩn gây nên các chứng nổi mần, nổi ngứa rất khó chiụ trên da, mà thuật ngữ y họctiếng Anh gọi là Shingles, theo như một nghiên cứu mới nhất của Đại học UCLA ở California 
Tôi không phải là một nhà nghiên cứu mà chỉ là một ông già nhiều bệnh đi tìm một môn tập có thể giúp mình giải thoát được phần nào những tật bệnh đã hành hạ mình từ bao năm nay. Do một cơ duyên tình cờ, tôi đã đến với hội TỪ BI PHỤNG SỰ. Hội do Thầy HẰNG TRƯỜNG sáng lập với mục đích phục vụ tha nhân về mặt tinh thần và thể lực. 
Trụ sở chính của hội đặt tại California nhưng Thầy HẰNG TRƯỜNG đã huấn luyện được hàng trăm huấn luyện viên hiện sinh sống tại nhiều thành phố lớn có đông người Việt cư ngụ. Hội mở ra các lớp tập mang tên CÀN KHÔN THẬP LINH phối hợp giữa 2 môn Taichi và Yoga. Yoga cũng là một môn tập rất lâu đời cuả người Ấn Độ mà lợi ích to lớn cuả nó thì ai cũng đã biết rõ. Sự phối hợp nhịp nhàng và chặt chẽ giữa Taichi và Yoga đã khiến những bài tập CÀN KHÔN THẬP LINH trở nên hiệu quả một cách tuyệt hảo. Thế là bao mong ước của tôi về môn Taichi không những đã được đáp ứng mà còn được đáp ứng một cách hoàn mỹ nữa nhờ có thêm Yoga. 
Tôi theo tập lớp Càn Khôn Thập Linh này đã được hơn 2 năm và giờ đây những bệnh tật của tôi, không quá lạc quan là đã hết hẳn, nhưng hình như đã nằm yên để cho những ngày già của tôi được an bình.
 Ông Bác sĩ người Mỹ ở bệnh viện tim khám bệnh thường xuyên cho tôi 3 tháng 1 lần, nay đã hẹn 1 năm nữa mới phải trở lại. Có lần tái khám, ông ấy mỉm cười nói: “Chẳng lẽ tôi hẹn ông 2 năm mới khám lại thì kỳ quá!”
Bây giờ các bệnh máu cao, mỡ cao, đường cao đều đã xuống. Hoạt động của tim cũng điều hòa. 

Có một điều này nữa, tôi không nói dối đâu. Tất cả các bằng hữu, người quen biết hay các fans âm nhạc khi gặp tôi đều có cùng một nhận xét là tôi trẻ ra nhiều, thậm chí còn trẻ hơn ngày tôi mới sang Mỹ năm 1992 nữa. Tất cả các bạn già cùng tập Càn Khôn Thập Linh với tôi đều có kết quả như tôi, nhiều hay ít mà thôi. Ngày mới tập, mỗi thế tôi chỉ làm được 5, 7 lần là đã thấy mệt. 
Nay tôi có thể “múa” được 15, 20, thậm chí 25 lần vẫn thấy thoải mái. Thấm nhuần và mở rộng các quán tưởng của mỗi thế tập còn khiến người ta thấy yêu đời, yêu người, mở lòng mình ra vũ trụ, ra thế giới bên ngoài, nhân ái với hết thảy mọi loài nữa.
Qua bài viết này, trước hết tôi muốn gửi lời cảm ơn đến Thầy Hằng Trường, người đã bỏ bao công sức, bao thời gian, đi đến những vùng rất xa xôi trên đất nước Trung Hoa để tìm tòi, học hỏi mà sáng chế ra những thế tập qua tên gọi của những con vât tượng trưng cho sự nhẫn nại, sự hiền hoà, sự vượt khó v.v…

 Bài tập CÀN KHÔN THẬP LINH quả đã mang lại sức khỏe, sự tươi vui … cho những người tìm đến nó. 
Lời cảm ơn tiếp theo tôi xin gửi đến toàn thể anh chị em Huấn Luyện Viên của hội TỪ BI PHỤNG SỰ đã chia sẻ với chúng tôi những kiến thức quí báu, đã hy sinh thời giờ, ngay cả tiền bạc để mang lại cho chúng tôi những bài tập bổ ích, những phòng tập thoải mái mát mẻ. Để kết thúc bài viết này tôi xin giới thiệu bài thơ vui, rất vui (do một người bạn gửi cho), dành cho những người tuổi hạc như tôi vậy.
SỬA LẠI GIÂY ĐỜN
     Thanh Mai

60 chưa phải là già
60 là tuổi mới qua dậy thì
65 hết tuổi thiếu nhi
70 là tuổi mới đi vào đời
75 là tuổi ăn chơi
80 là tuổi yêu người yêu hoa
90 mới bắt đầu già
Đêm đêm vẫn cứ mặn mà yêu đương
100 có lệnh diêm vương
Cứ ở trên ấy yêu đương thỏa lòng
Bao giờ đạn hết lên nòng
Từ từ nằm xuống là xong một đời


                                            Duy Trác

                                               2009