Trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2012

Hello - Lời tỏ tình dễ thương

 Người ta thường nói giữa biển cả mênh mông của tình yêu, lời tỏ tình hay nhất chính là lời tỏ tình được người yêu chấp nhận. 
Có hàng triệu triệu cách để người ta nói tiếng yêu nhau, và mỗi người, trong hoàn cảnh riêng của mình, sẽ chọn một cách mà ngoài Chúa và chính những cặp tình nhân, chúng ta chẳng làm sao biết được.
 Chuyện kể rằng có một chàng trai khi nói chuyện với người yêu, câu nói cửa miệng của chàng là: “Mẹ anh nói…” Một ngày kia, cô gái quá bực mình phải thốt lên rằng: “Sao lúc nào cũng mẹ anh nói, mẹ anh nói hết vậy? Có bao giờ chính anh nói được một điều gì đó không?” “Có”
 – Chàng trai đáp. “Anh nói là… anh yêu em.”
 Bạn có nghĩ rằng đó là một lời tỏ tình rất hợp lý, rất dễ thương không? 
Và bây giờ, bạn hãy cùng tôi nghe một lời tỏ tình khác
 – Lời tỏ tình của Lionel Richie mà lần đầu tiên nghe qua tôi đã không khỏi giật mình – “Tell me how to win your heart”
Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu nên thôi thì bạn hãy nghe chính chàng trai nói vậy:
I've been alone with you inside my mind
And in my dreams I've kissed your lips a thousand times
I sometimes see you pass outside my door
Hello, is it me you're looking for?

“Anh đã từng một mình bên em trong tâm tưởng.
Và trong những giấc mơ anh đã hôn em đến cả ngàn lần”.

Một chàng trai yêu thầm một cô gái và chỉ dám hôn nàng trong những giấc mơ.
 Cũng đúng thôi bởi lẽ dù họ biết nhau, dù mỗi ngày chàng trai vẫn lặng lẽ nhìn nàng qua khung cửa, nhưng họ lại chưa một lần trò chuyện cùng nhau.
 Một ngày kia, thu hết can đảm, chàng trai mở lời chào nàng một tiếng hello. “Chào em, có phải em đang tìm anh không?”
 Một sự bắt đầu khá lém lỉnh phải không bạn?
Dĩ nhiên, chàng trai không thể chạy ào ra cửa để nói với cô gái rằng “Chào em, anh là Lionel Richie. Anh yêu em lâu rồi nhưng hôm nay mới nói.
 Nào hãy trả lời đi, em có yêu anh không?” Khởi đầu như thế thì e rằng chưa kịp nghe xong cô gái đã… quay lưng chạy mất. Chính vì thế mà dù biết rằng cô gái sẽ trả lời không, Lionel vẫn cố tình lầm 
– Lầm để mà có cớ bắt chuyện 
– Lầm để mà xin được làm quen. Và để chứng minh thêm cho sự nhầm lẫn của mình, chàng nói thêm ...
I can see it in your eyes
“Anh thấy điều đó qua đôi mắt em.
Anh thấy điều đó qua miệng em cười”.

Điều đó là điều gì? Chính là điều em đang tìm anh đấy. Không để cho cô gái kịp phủ nhận, chàng lại tiếp
You're all I've ever wanted, (and) my arms are open wide
“Em là tất cả những gì anh hằng mong đợi, và vòng tay anh luôn rộng mở đón chờ em”.

Làm sao chàng biết được nàng là người chàng mong đợi để mà mở rộng vòng tay cho nàng đến với mình? 
Chàng biết chứ bởi vì chàng đã tìm hiểu và biết rằng nàng là người có duyên ăn nói cũng như rất nhuần nhuyễn trong cư xử giữa đời. Bởi cớ ấy, chàng muốn nói cùng nàng ba tiếng Anh Yêu Em.
'Cause you know just what to say
And you know just what to do
And I want to tell you so much, I love you ...

Một nửa bài hát đã khép lại với mơ ước cháy lòng của chàng trai trẻ. Nếu bạn là cô gái, như các cô gái của Đoàn Thạch Biền, có thể bạn sẽ nói rằng: “Ờ thì cứ coi như ông muốn nói ông yêu tôi đi.
 Rồi sao?” 
Ừ, em đã hiểu lòng anh rồi đấy. Em biết không, anh mơ ước được thấy ánh mặt trời tỏa sáng trên tóc em. Anh cũng muốn được nói với em thật nhiều thật nhiều những điều anh quan tâm, lo lắng.
Thưa bạn, đây có phải là sự chia sẻ vui buồn của những người đang yêu không? Có lẽ đúng là như thế thật, cho nên chàng trai đành phải thú nhận với cô gái rằng :
Sometimes I feel my heart will overflow
Hello, I've just got to let you know
Cause I wonder where you are
And I wonder what you do
Are you somewhere feeling lonely, or is someone loving you?
“Đôi khi anh thấy lòng mình cuộn sóng.
Em ạ, anh phải nói cho em biết điều đó bởi vì anh tự hỏi không biết em đang ở đâu,
em đang làm gì. Phải chăng ở một nơi nào đó em đang cảm thấy buồn? Hay là… có ai đó yêu em?”

A ha, thì ra là chàng đang ghen! 
Chàng ghen vì không biết được người mình yêu ở đâu, làm gì; chàng ghen vì sợ người chàng yêu bị người khác đoạt mất. Mà như thế thì hẳn chàng sẽ buồn lắm lắm. Chàng quyết định rằng mình phải tỏ tình, phải nói cho cô gái biết rằng chàng yêu cô nhiều lắm để đừng bao giờ phải gặp cảnh “Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc, em có chồng rồi anh tiếc lắm thay…”
I can see it in your smileNhưng… chàng phải nói gì đây để biểu lộ lòng mình? 
Một lần nữa chàng lại cho chúng ta thấy sự thông minh, lém lỉnh của chàng. Chàng không nói ngay rằng chàng yêu nàng mà lại nhờ nàng giúp đỡ. Vâng, đây có lẽ là câu hay nhất, đắt giá nhất trong toàn bài hát.
  Bạn có bao giờ nhờ người mình yêu giúp mình tỏ tình với chính người ấy chưa? Nếu có, bạn sẽ hiểu được vì sao câu hát này có giá trị và vì sao bài hát Hello chiếm được một chỗ đứng trang trọng trong lòng ta.
“Tell me how to win your heart for I haven’t got the clue”.
“Em ơi hãy chỉ cho anh làm thế nào để chinh phục được trái tim em khi mà chẳng có ai chỉ đường cho anh cả”.

Nhạc sĩ Trần Tiến viết: “Hãy cho anh một ngăn một ngăn nhỏ trong hàng ngàn triệu ngăn trái tim em” thì ở đây Lionel xin người mình yêu chỉ cho anh cách để được yêu nàng. Nhưng mà, dù em có trả lời thế nào, dù cho em có đồng ý hay không thì cũng xin em hãy cho anh bắt đầu bằng ba tiếng Anh Yêu Em.

Tell me how to win your heart
For I haven't got a clue
But let me start by saying, I love you ...


Cái hay, cái tài tình của chàng trai chính là ở chỗ chàng nói yêu nhưng nói qua một đề nghị, qua một sự thỉnh cầu, nói một cách thật khéo léo, thật dễ thương, thật nhẹ nhàng đến nỗi mà nếu nhân vật Hoàng trong truyện Nam Cao là có thật, chắc Hoàng sẽ vỗ đùi đánh đét mà khen rằng: “Hay, tiên sư anh Lionel !”
Tiếng lead của guitar như đang xoáy vào lòng ta từng cung bậc, từng nốt nhạc của tình yêu như tha thiết nhớ mong, như réo rắt tơ lòng. Và khi chúng ta đang chìm đắm trong từng thanh âm dịu ngọt thì tiếng hát của Lionel lại cất lên vang vọng
“Chào em, có phải em đang tìm anh đó chăng?
Kỳ thực anh không biết là em đang ở đâu,
càng không biết em đang làm gì.
Phải chăng giờ đây em đang cảm thấy buồn ở một nơi nào đó,hay liệu rằng ai đó đang yêu em?
Hãy nói với anh làm thế nào chinh phục được em vì anh nào có dù chỉ một lời chỉ dẫn.
Hãy cho anh bặt đầu bằng ba tiếng Anh Yêu Em”.
“I love you”. Lionel đang hát hay đang thì thầm với chính mình mà sao tiếng hát của anh nghe tha thiết quá. “I love you” – ba từ quá đơn giản, chỉ có vài dòng giải thích trong tự điển Oxford nhưng lại là tất cả những gì thiêng liêng, cao đẹp nhất đối với đôi lứa yêu nhau.
 Vì ba từ đó mà người ta có thể hy sinh cả cuộc đời mình, có thể vượt bao gian khổ, đắng cay để tìm cho bằng được một nơi ấy bình yên, một bến bờ hạnh phúc.
 Tình yêu đã mang đến cho chúng ta niềm vui nhưng cũng không phải là không có ít nhiều chua xót. Nhưng dù là thế, tình yêu vẫn mãi là tình yêu.
Bài hát đã kết thúc, tiếng nhạc đã dừng lại, thế mà đâu đây dường như vẫn còn vang vọng từng lời “Tell me how to win your heart…”
 Bạn nghĩ sao nếu một ngày đẹp trời nào đó lại có người nói với bạn câu ấy?
 Nếu điều đó xãy ra, xin bạn hãy nhớ đến Hello, nhớ Lionel Richie, nhớ đến tình yêu của một chàng trai và lời tỏ tình dễ thương ấy.
 Hãy trao cho ái tình đôi mắt, và ái tình sẽ đưa bạn đến với người mà bạn yêu thương.

Lệ Thanh

Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012

Diễm Liên Giọng Hát Vang Vọng Núi Đồi


Diễm Liên đi hát từ thời còn nhỏ. Dù không được đào tạo bởi trường lớp, giọng hát cao vút, truyền cảm, và mạnh như tiếng cồng vang vọng cả vùng cao nguyên, núi đồi Đà Lạt của Diễm Liên là giọng hát trời cho.
Nhưng kỹ thuật hát và trình diễn cuả Diễm Liên là do tự học và khổ công trau dồi.
Từ nhỏ, Diễm Liên bắt đầu hát trong ca đoàn của các nhà thờ, với sinh hoạt của trường, và của bạn bè. Sau tiếng hát được nhiều người biết đến hơn, Diễm Liên hát tại phòng trà Đà Lạt, một năm trước khi sang Hoa Kỳ định cư khi Diễm Liên vừa tròn 18 tuổi.
Đến Mỹ năm 1991, nơi đầu tiên Diễm Liên sống tại Hoa Kỳ là thành phố Tucson, thuộc tiểu bang Arizona, nơi có rất ít người Việt sinh sống.
 Nơi đây, Diễm Liên cảm thấy xa lạ, và rất buồn và nhớ Đà Lạt; thành phố Diễm Liên đã sinh ra, lớn lên.
Tuy tuổi thơ vất vả vì cha phải đi học tập từ khi Diễm Liên mới 4 tuổi, nhưng Diễm Liên đã có những ngày tháng êm đềm, hạnh phúc với 2 chị gái, 2 em gái và người mẹ hiền, đảm đang đã tổ chức gia đình bằng cách dạy cho 5 cô con gái làm bánh và đan áo len làm phương tiện sinh sống Diễm Liên tâm sự:
“Thật sự hôm nay nhìn lại những ngày tuổi thơ của mình thì nghĩ rằng mình đã khổ và vất vả vì lúc nào cũng phải làm việc cùng với mẹ để kiếm sống cho gia đình, nhưng nhớ lại thì Diễm Liên thấy mình đã có những ngày tháng khá êm đềm và hạnh phúc.
khi đó, Diễm Liên không biết về một cuộc sống nào khác hơn, và chung quanh mình, dù mình có cực khổ nhưng cũng có những bạn bè còn cực khổ hơn mình. Kỷ niệm nhớ nhất về quê hương vẫn là thành phố thơ mộng Đà Lạt với núi đồi, với màu xanh, với căn nhà nhỏ, có bộ ván gỗ, nơi mà 6 mẹ con ăn ngủ và làm việc.
Nhà có 6 người nhưng chỉ có một chiếc xe đạp.
Tất cả mọi người phải chia nhau để xử dụng. Có những ngày mẹ con phải ăn khoai nhưng vẫn vui vì có nhau. Nhà chỉ có 6 người đàn bà. Cuộc sống bình thản và an vui.
Rồi bố trở về. Bỗng dưng có một người đàn ông trong nhà. Mọi thứ tự bị đảo lộn. It’s kind of weird. Bố em đã bị cầm tù tới 13 năm nên ông cũng có những cái sốc riêng của ông. Gia đình cũng đã có những tháng ngày sóng gió. Nhưng mọi chuyện cũng qua đi…”
Con đường ca hát và đóng phim khá dễ dàng
Ba tháng sau đó, gia đình Diễm Liên đã bỏ Tucson về Dallas, Texas. Tại đây, đời sống đỡ hơn vì có cộng đồng người Việt khá đông đảo. Diễm Liên đi học trong một thời gian ngắn khoảng một năm, sau đó dời về California để bắt đầu nghề ca hát cho đến nay.
Nhờ có sự hướng dẫn của nhạc sĩ Tùng Giang và với giọng hát thiên phú, Diễm Liên đã bắt đầu nghề ca hát chuyên nghiệp không mấy khó tại nhà hàng Ritz của Ngọc Chánh.
Sau đó là hộp đêm Hollywood Night, rồi Paris By Night, và Asia. Bài hát đầu tiên Diễm Liên hát cho Asia là bài “Gọi anh mùa Xuân” của nhạc sĩ Anh Bằng, thu hình tại Toronto, Canada.
                   Diễm Liên hát trong live show 50 năm của NS Nguyễn Ánh 9

Ngoài ca hát, Diễm Liên còn đóng phim. Diễm Liên đã đóng vai nữ chính của phim “Vượt Sóng” (Journey of the Fall), do Trần Hàm đạo diễn. Được hỏi cơ duyên nào khiến Diễm Liên thủ diễn vai này, Diễm Liên cười và trả lời:
“Thật là ngẫu nhiên! Hai anh Trần Hàm, đạo diễn và Lâm Nguyễn, giám đốc sản xuất của phim là bạn của Diễm Liên. Họ đã nhờ Diễm Liên đi tìm một ca sĩ trong giới nữ ca sĩ VN để thủ vai chính trong phim Vượt Sóng. 

Em đã giới thiệu khá nhiều người nhưng hai anh vẫn chưa tìm được người thủ vai này.
Một buổi trưa, khi đoàn quay phim đang làm việc, họ gọi em nhờ đi mua hamburger để mọi người ăn trưa. Khi em đem đến nơi, mọi người vừa ăn, vừa lo âu vì chưa tìm ra được người thủ vai chánh.
 Đột nhiên, anh Trần Hàm hỏi Diễm Liên:
“Tại sao Diễm Liên không đóng thử xem có được không?” Diễm Liên có chút ngần ngại vì quá bất ngờ.
 Nhưng vì thích làm phim ảnh và là người luôn thích những thử thách, Diễm Liên nhận lời và đóng thử ngay hôm đó. Và anh Trần Hàm đã chọn Diễm Liên.”
Được hỏi lý do Diễm Liên đã được chọn và cô có bằng lòng về vai trò của mình hay không, Diễm Liên trả lời: “Em nghĩ rằng em đã may mắn. 
Còn nói có bằng lòng hay không, thì khi đóng phim, em hoàn toàn tin tưởng vào đạo diễn. Đạo diễn biểu em làm gì, em làm theo một cách tuyệt đối. Và khi có người khen em đóng hay, em rất mừng.
Em rất thích đóng phim vì đây là một lãnh vực nghệ thuật đầy thích thú và đầy thách đố. 

Nếu em phải lựa chọn giữa đóng phim và hát thì em sẽ chọn đóng phim. Nhưng em cũng biết để thành công và sống bằng nghề đóng phim không phải là một chuyện dễ dàng.
Em sẽ cẩn thận và chọn lựa kỹ càng về cốt chuyện để việc đóng phim của mình được thành công…”Phim Vượt Sóng tuy không đem lại kết quả tài chánh một cách dồi dào nhưng đã gây được tiếng vang trong cộng đồng phim ảnh quốc tế và nhất là cộng đồng người Việt hải ngoại.
Đặc biệt là “Vượt Sóng” đã tạo một chỗ đứng cho Diễm Liên trong nghệ thuật thứ bảy này.
Chinh phụ của thời nay
Về cuộc sống gia đình hôm nay, khó mà ai có thể tưởng tượng nổi người ca sĩ có dáng nhỏ nhắn xinh xinh như cô nữ sinh trung học với tiếng hát vút cao và mạnh như tiếng chiêng cồng của vùng cao nguyên mù sương Đà Lạt, lại đang sống cảnh chinh phụ thời chiến giữa một đất nước đang trong thời chiến tranh, nhưng chiến trường thì ở một nơi xa tít. 

Chiến tranh có đó, nhưng đối với số đông dân chúng Mỹ, chiến tranh chỉ có trên màn ảnh truyền hình, trên những tít dài nóng bỏng của những trang báo, hoặc lâu lâu có những cuộc biểu tình hoan hô, đả đảo trên đường phố tại các thành phố lớn.
Giống như mẹ của Diễm Liên lập gia đình với người lính chiến, suốt thời son trẻ hầu như phải sinh con trong cảnh cô độc, nuôi con một mình khi chồng còn đang chiến chinh.
Chiến tranh chấm dứt, chồng bị tù đày, người chinh phụ phải tiếp tục cuộc sống cô độc, tảo tần nuôi con, cho đến khi chồng về thì tuổi xuân đã vỗ cánh bay xa
. Đó là cảnh đời hiu hắt của hầu hết những chinh phụ Việt Nam trong cuối thế kỷ 20.
Nhưng ít phụ nữ Việt tại Hoa Kỳ lại phải sống cảnh chinh phụ của đầu thế kỷ 21 như Diễm Liên.
Người ca sĩ trẻ, có bản tính trung trực, yêu ai thì bảo rằng yêu, ghét ai thì bảo rằng ghét, mang đôi chút nam tánh, lại đang ôm con chờ chồng đang chiến đấu trong binh chủng Thủy Quân Lục Chiến tại chiến trường Iraq. Diễm Liên vẫn hàng ngày chăm sóc con trai là Travis, 7 tuổi.
Lo cho con ăn, đưa đón con đi học, giúp con làm bài, cho con đi ngủ, cuối tuần gửi con cho người thân để đi hát kiếm thêm lợi tức và để trau dồi nghệ thuật, và chờ đợi chồng về từ chiến trường Iraq.
Cuộc sống của Diễm Liên giản dị như thế đó, nhưng cũng đầy những lo âu, nhớ nhung và chờ đợi.

Trời cho tính xông xáo và không quản ngại nên Diễm Liên đã đóng vai “người đàn ông trong nhà” (the man of the house) từ khi bố còn trong tù.
Những việc cần trèo cao, xốc vác, Diễm Liên nhận hết.
Diễm Liên không sợ ma khi nhà vắng, không ngại đi một mình trong đêm tối, và không quản làm bất cứ việc gì.
Diễm Liên tâm sự: “Anh ấy đi chuyến này không biết là chuyến thứ mấy rồi.
 Theo dự tính thì chuyến này sẽ ở Iraq 8 tháng. Anh ấy đã đi được 5 tháng, nếu không có gì thay đổi thì 3 tháng nữa anh ấy sẽ trở về…”
Đến khi bài báo này lên khuôn và đến tay độc giả thì thời gian chờ đợi và hy vọng được gặp chồng của Diễm Liên và cháu Travis sẽ được gặp cha chỉ còn hai tháng nữa!
Được hỏi về những mơ ước cho bản thân, gia đình, sự nghiệp và cho quê hương, Diễm Liên đã trả lời sau vài phút suy tư:
“Em không mơ ước gì nhiều, chỉ mong có được nhiều thời gian với gia đình, được hát cho đến khi khán giả không muốn nghe mình hát nữa.
Còn chuyện đất nước, quê hương thật là quá to lớn đối với em, em không dám nghĩ tới.
Em còn đang quá bận với đời sống bé nhỏ của mình. Em chỉ biết nuôi con, đi hát kiếm tiền sống, và khi nào có những tổ chức hội đoàn cần em hát để giúp cho công ích, em luôn sẵn sàng đóng góp một tay…”
Sự thật có những nhỏ bé hàm chứa những điều vĩ đại. Hoàn cảnh của Diễm Liên là một trong những trường hợp này.
Còn có gì vĩ đại hơn là cảnh chấp nhận những hy sinh của đời sống, và sẵn sàng đón nhận cái chết để bảo vệ quê hương, và dân tộc của mình. 
 Xin cảm ơn tất cả những chiến binh Hoa Kỳ đang chiến đấu tại Iraq, hay tại các tuyến đầu trên khắp nẻo đường thế giới để bảo vệ cho sự sống còn, an vui và cường thịnh của đất nước này.
Xin ghi lòng cảm tạ sâu xa tới những người vợ, người mẹ, những người con của họ về những hy sinh vì thiếu vắng người thân trong cuộc sống hằng ngày.

Xin đa tạ và vinh danh những chinh phụ của thế kỷ 21, trong đó có người ca sĩ nhỏ bé, khả ái Diễm Liên của chúng ta.

Triều Giang                             

 

MƯA ĐẦU MÙA


Những giọt mưa đập vào khung cửa kính rào rào, tiếng lộp độp rõ mồn một xối xả gõ vào khung cửa kính đánh thức tôi dậy lúc chỉ mới hơn bốn giờ sáng. Đôi mắt chưa muốn mở ra chào ngày mới của tôi ráo hoảnh sau một hai phút khi biết ngoài trời đang đổ cơn mưa.
Mưa! Mưa thật sao? 
Tôi nhẹ nhàng ngồi dậy, khẽ chân ra ngoài phòng khách vén tấm màn cửa nhìn chăm bẳm ngoài sân, tôi chẳng thấy gì ngoài một màu đen thẳm. 

 Chân như bị hối thúc bởi tiếng mưa, tôi sợ mưa đột ngột ngưng như những cơn mưa rào đầu mùa ào ạt đến rồi đi trong phút chốc; tôi vội vàng đến mở công tắc điện, bật ngọn đèn ngoài sân để ngắm mưa chào tôi buổi tinh mơ.
Tôi cứ như đứa trẻ nhỏ thèm thuồng cái không khí bên ngoài mà không được Bố Mẹ cho phép đi ra, mặt tựa khung cửa kính, mắt dán vào những giọt mưa như bị thôi miên.
 Mưa trong khung trời tối đen được long lanh chiếu sáng một khoảng dưới ngọn đèn vàng trông như những hạt ngọc đang rơi xuống từ không trung.
 Lung linh, óng ánh, pha màu sắc của đêm, của đèn, của bóng nước, của cây, trong suốt như pha lê, đẹp đến lạ lùng, đẹp đến ngẩn người.
Mỗi lần ngắm mưa giữa đêm - gần sáng như thế này, tôi lại nhớ lần nổi hứng bất tử ra biển ngắm mưa nửa khuya giữa trời giông bão, tôi tự hỏi mình có "ngông" không nhỉ?
Tôi ngắm chưa đã thèm, cơn mưa chợt ngưng ngang, đột ngột đi như đột ngột đến, chỉ kéo dài chừng mười lăm phút rồi dứt hẳn, như những cơn mưa đầu mùa của mỗi năm. 
 Tắt đèn nhưng tôi không quay vào ngủ tiếp được, xem ti vi cũng không muốn, đành mở máy leo Net đọc tin tức, thơ thẩn. Thế là lại thiếu ngủ, đổ thừa mưa vậy, không, đổ tại cái tính thích ngắm mưa đến khờ, bỏ ngủ để ngắm mưa!
 Mà không bỏ ngủ sao được khi tôi đợi chờ suốt cả năm cơn mưa mới chịu đến gõ cửa. 
Đờ đẫn với cơn ho cảm kéo dài cả tuần chưa dứt, lại thiếu ngủ mấy hôm khi vì thuốc hành, khi thì vì công việc phải chong mắt xem phim, hôm qua thì vì mưa đánh thức; thế mà sáng sớm hôm nay khi những giọt mưa tí tách gõ nhịp trên khung cửa sổ, tôi lại choàng dậy.

 Nghiêng người nhìn đồng hồ, chỉ mới hơn bẩy giờ sáng, tôi xoay người nằm xuống, cuộn tròn trong chiếc chăn lụa êm ấm, nhắm mắt nghe mưa, dỗ giấc ngủ tiếp.
 Năm phút, mười phút, mưa lại gọi, mưa lại lay, đôi chân, đôi mắt cứ như bị bỏ bùa theo tiếng mưa êm êm ngoài hiên, thế là tôi rời chiếc giường còn hơi ấm đi ra bếp.
Tôi tự nhủ để tránh sự cám dổ của đôi mắt còn ngái ngủ, của tấm chăn còn nguyên dáng một góc nằm của tôi - dễ thường gì có cơn mưa sớm với khí hậu dễ chịu, khung cảnh dễ thương như thế này, mình không thức để nhâm nhi cà phê và ngắm mưa có phải là uổng phí cả một buổi sáng thơ mộng không nhỉ ??

                                               
- Nghĩ như thế, chân thoăn thoắt vào bếp, vừa pha cà phê vừa nghiêng đầu ngó ra ngoài sân, mưa đang nhỏ giọt đều đặn, không lớn lắm nhưng cũng không nhỏ như mưa phùn, chỉ đủ để cây cỏ hoa lá reo vui sau một năm khô cạn thiếu mưa ở ngọn đồi này.
Cầm tách cà phê bốc khói, nhấp một ngụm nóng hổi, tôi lâng lâng với khung cảnh bên ngoài.
 Sương lan bàng bạc nhưng vẫn còn đủ để thấy biển thấp thoáng xa xa đan trong mưa. Những giọt mưa, những sợi mưa giăng giăng trên những cây palm, trên giàn hoa giấy, trên tàn lá cây si. 

Mưa tung tăng trên mái nhà, mưa tí tách trên nền gạch nung, trên nền xi măng; mưa theo những nhánh cây đổ tuôn xuống thành dòng nước chảy dài theo con rãnh xi măng bên hông nhà, xoáy tròn vỗ vào hai bên thành rãnh tuôn ra lòng đường. Mưa tung tóe trên sàn gỗ, những chiếc bong bóng nước chưa kịp chảy đã vỡ toang trong màu xanh mướt của những nhánh cỏ đang uốn mình múa reo theo mưa.
 Những cánh hoa trong vườn như thắm hơn, những cánh lan mỏng mảnh nghiêng hẳn sang một bên khép nép tựa vào mấy nhánh trúc kề cận trong khi các nàng vạn thọ lại mạnh dạn hơn, đưa mặt ra hứng từng giọt, uống từng dòng nước mát từ trời như khát khao tự thuở nào.
 Mấy cô cậu chim se sẻ, cặp chim sâu, ríu rít trong bụi hoa trú mưa, những lúc mưa nhỏ giọt lại chỉ lâm râm rơi, chúng lại nhanh nhẹn tung cánh đậu trên cành cao giũ giũ cho nước mưa rớt bớt ra; được vài phút, mưa lại ào ạt, chúng lại tíu tít bay ào đi, chen chúc núp trong giàn hoa giấy.
 Khung cảnh trong vườn có lúc nhộn nhịp như bầy chim, có lúc chỉ êm êm tí tách mưa như một bản hòa âm tuyệt diệu với những nốt trầm bỗng nhịp nhàng quyện lại với nhau, như một bức tranh sống động mang mầu sắc hài hòa lãng mạn.
 Tôi cứ thế mà ngắm cảnh trong vườn, trên những ngọn đồi chung quanh, trên biển xa đang hòa trong mưa, thưởng thức từng ngụm cà phê thơm lừng.
 Ôi buổi chào ngày của tôi hôm nay thật tuyệt! Tách cà phê đã vơi một nửa, đôi chân và ánh mắt của tôi cứ nghe tiếng mưa ngoài kia mời mọc.
 Ừ thì lấy máy chụp vài tấm ảnh kẻo lại không có dịp. Kéo cánh cửa bên hông nhà, gió thốc vào đem theo những giọt mưa mát rồi lạnh làm tôi co ro chút xíu nhưng không đủ lạnh lắm để tôi phải quay trở vào trong. 
 Tầm mắt trong ống kính qua bên trái rồi xoay ra biển, máy được bấm lách cách theo những giọt mưa đang nhảy nhót trên những mái nhà lân cận.
 Xoay lên xoay xuống, cuối cùng tầm nhìn của tôi dừng lại trên những nhánh lá đong đưa trong gió, đẫm ướt mưa, tôi chợt nhận ra những chiếc lá xanh thắm đã bắt đầu được viền xen kẻ sắc vàng úa. 
Trong hơi lạnh bất chợt cùng chiếc lá đong đưa lốm đốm vàng, tôi bất giác thốt, "Thu đến thật rồi!"

 Tôi thu đôi chân ướt đẫm nước mưa trên chiếc ghế êm, thu lu một góc nhìn mưa. Không có lần nào trời mưa nơi đây lại không gợi cho tôi những kỷ niệm xa xưa, những bâng khuâng xao xuyến và một nỗi nhớ da diết đến lạ lùng.
 Mưa đến để lòng tôi lại chập chùng với ký ức, cho tôi đi về lại nơi chốn xa mà gần trong tâm tưởng, cho tôi về thăm lại những con đường của Sài Gòn – Tân Định, những con đường ở Đà Lạt, những con đường ở Vũng Tàu, những con đê ở Cái Đôi với kỷ niệm của những ngày mưa hình như chưa bao giờ nhạt nhòa. 

 Tôi nhớ lắm những cơn mưa rào đổ ào ạt trên mái tôn cũ kỹ; những cơn mưa lầy lội bờ đê, tràn khỏi bờ ao mùa nước lũ; những cơn mưa phùn lấm tấm vai, vương vài chiếc lá me; những cơn mưa bên cửa sổ lớp xoáy tít từng trái dầu, tuôn theo đầy sân trường cả thảm hoa sao thơm ngát mũi...
 Và những giọt mưa hội ngộ, những giọt mưa chia xa làm mềm tim quá đỗi...
Một cơn mưa đầu mùa cũng đủ làm tôi lan man hết cả buổi sáng, hồn cứ lâng lâng trong cảm giác dìu dịu lẫn man mác buồn về một điều gì đó, mơ hồ như sương đang lan lên đồi ngoài kia.
 Những giọt mưa hồn nhiên ngoài kia làm sao biết được chúng có sức thu hút mãnh liệt với tôi như thế.
 Làm sao chúng biết được tôi đã chảy theo chúng, một góc hay nhiều hơn, tim tôi tan theo khi bong bóng mưa vỡ tung, mở toang "cánh cửa nhớ" tôi đang cố tình khoá lại.
Bao nhiêu mùa rồi nhỉ, Thu lại đến,
mưa đã về đem theo sắc vàng võ, đem đến cái dáng điệu đàng lãng mạn của mùa Thu trong mưa; tôi, làm sao không thả lòng theo sương gió hiu hiu, theo mưa đan ngoài hiên mà mộng mơ chút xíu, mà lãng đãng cùng mây, mà nhớ, người ta nhỉ...

PTL 
2007 

Dường như có sự trùng hợp rất đỗi tình cờ , chiều qua trên đường lái xe về nhà , không dưng chọn CD có bài :"Thà như giọt mưa " của NTN nghe ,tối dem vào blog bài viết của t/g T.Dung ,
 Sáng nay nhớ tới bài viết về mưa của chị M. cất trong file cũ ,vốn thích đọc những đoản văn ,bút ký .. lần nào cũng đọc đi đọc lại và thật nhiều cảm xúc với cơn mưa đầu mùa của Sgon yêu thương và cả phố cao Đà lạt dấu yêu thủa nào
 Nhớ sao là nhớ ...........!
 Chỉ nghe đâu đó có tiếng thở dài rất nhẹ ....!
Cly 
08/2012

Thứ Năm, 23 tháng 8, 2012

Sao Thiên Thu Không là..(end)


Mãi cho đến một buổi chiều kia, tan học về, Thủy báo cho tôi biết: “Ông Hải (tôi và Thủy vẫn quen gọi anh bằng tên thật là Hải, dù anh đã nổi tiếng và mọi người luôn gọi anh bằng tên Nguyễn Tất Nhiên) nói chiều thứ Sáu hàng tuần có chương trình giới thiệu nhạc mới ở radio, thứ Sáu này nhớ đón nghe vì sẽ có bài thơ “Hai năm tình lận đận” ổng làm cho tao được Phạm Duy phổ nhạc, hát lần đầu.” Tôi nhìn Thủy ngạc nhiên, thầm nghĩ: “Ông này coi vậy mà cũng… khôn, biết cách giải mã “độc đáo” thiệt, như thế này thì Thủy có… chạy đàng trời.”
Tôi tuy còn ấm ức vì… mối hận lòng, “oan Thị Kính” vẫn còn đầy ứ mỗi khi nhớ tới, nhưng cũng thấy vui và hãnh diện lây với bạn.
 “À há, như vậy mi đã bắt đầu được đi vào văn học sử rồi đó nha”.
Cũng nhờ vậy, chiều thứ Sáu đó, tôi đã được thưởng thức trọn vẹn bài hát “Hai năm tình lận đận” với âm điệu nhẹ nhàng, buồn rầu đến tội nghiệp qua tiếng hát dễ thương, nồng nàn của Duy Quang:
“Hai năm tình lận đận
Hai đứa cùng xanh xao
Mùa đông hai đứa lạnh
Cùng thở dài như nhau.
 Tôi đã bật cười khi nghe Thủy kể lại, hai câu cuối của bài thơ này đã làm… động lòng Lâm Diễm, một đứa bạn cùng lớp với chúng tôi, khi nó đọc thấy bài thơ đăng trên báo trước khi được phổ nhạc.
 Diễm vào lớp báo ngay với Thủy: “Thủy ơi, ông Hải làm thơ chê mày… già”.
Sau khi nghe bài hát này tôi thầm nghĩ, Thủy đã không thể thoát khỏi lưới tình nữa rồi.
 Thủy vốn yêu thích thơ văn, cũng như tôi và số đông bạn bè cùng lứa lúc ấy, rất hâm mộ thơ Nguyễn Tất Nhiên, Thủy đã được làm “nàng thơ” của thi sĩ, nay lại được dòng nhạc của Phạm Duy đưa hình ảnh “thắt bím” của mình chắp cánh bay xa.
Còn gì hơn! 
Nhưng chúng tôi không có thời giờ để hỏi han những chuyện vớ vẩn nào khác nữa. Tất cả thời gian còn lại là học thi, thi Tú tài II.
 Tôi quên bẵng đi chuyện tình của anh Nhiên và Thủy để lo học.
Rồi đến lúc lên Sài Gòn vào đại học, tôi và Thủy lại cùng ở trọ với nhau, chắc Thủy nghĩ là tôi còn giận anh Nhiên lắm, vì mỗi lần Thủy nhắc tới anh là cứ nghe tôi châm chọc: “Ông ấy là ai? 
Tưởng mình là nhà thơ lớn… ngon lắm hở?”.
Không nhớ tôi có nói gì nặng hơn nữa không mà Thủy càng ngần ngại, dè dặt tránh nói về anh trước mặt tôi. Tôi học bên Văn khoa, Thủy học ở Đại học Vạn Hạnh, bên kia cầu Trương Minh Giảng. Bởi thế, bài “Chở em đi học trường đêm” có đoạn:
“Chở em đi học mưa, chiều
Tóc hai đứa ủ đôi điều xót xa
Mưa thánh thót, mưa ngân nga
(Hình như có bão băng qua thị thành)
……………………………………
Đèo nhau qua đoạn đời này
Cầu Trương Minh Giảng nghe đầy hoàng hôn...”

Tôi cứ tưởng là viết cho Thủy, nhưng sau này khi hỏi lại, Thủy nói: “Ổng viết cho… con nhỏ khác mày ơi!”.
 Tôi giật mình và cảm thấy bất mãn vì nghĩ rằng các ông văn thi sĩ chắc không chỉ có bốn ngăn tim, nên mới có thể chứa đựng được một lúc nhiều hình bóng đến như vậy!
Bài thơ “Khởi tự mê cuồng” anh viết năm 74, mới là bài anh viết cho Thủy, nên vẫn thấy bóng dáng Thủy đâu đó, mặc dù lúc này Thủy và anh đã không còn liên lạc với nhau.
“Trời mưa, không lớn lắm
nhưng đủ ướt đôi đầu!
Tình yêu, không đáng lắm
nhưng đủ làm… tiêu nhau!
Sau 30 tháng 4 năm 75, chúng tôi chia tay nhau, Thủy tiếp tục học và về làm việc ở Biên Hòa.
 Tôi thì lưu lạc đến Long Thành làm nghề “gõ đầu trẻ”. Công việc bận rộn nên chúng tôi cũng liên lạc ít hơn. Thủy và tôi chỉ thỉnh thoảng gặp nhau trong những ngày cuối tuần khi tôi trở về nhà.
Tôi không biết rõ mối quan hệ của anh và Thủy bắt đầu lại từ lúc nào, mãi cho đến khoảng giữa năm 78, một hôm, Thủy đột ngột đến tìm tôi vào buổi trưa, chúng tôi kéo nhau lên lầu nói chuyện.

 Thủy ngần ngại, rào đón một lúc lâu mới báo tin là sắp đám hỏi với anh Nhiên. Thấy tôi lặng thinh, Thủy hỏi: “Mày bất ngờ không?... thất vọng không?”.
Tôi biết Thủy vẫn còn nhớ “mối thù” của tôi với anh Nhiên lúc trước, nên cười và lắc đầu: “Chuyện cũ, chuyện nít nhỏ, tao quên rồi.

 Đừng nhắc tới nữa. Vậy là “Ngày mai trong đám xuân xanh ấy, có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi” rồi.
Mày có cần gì tới tao không?” 
Thủy thở phào nhẹ nhõm: 
“Có chứ, mời mày tới dự đám hỏi, nhớ tới sớm sớm để phụ tao nha nhỏ.”
Không hiểu sao lúc đó, tôi vừa mừng lại vừa lo cho Thủy, Thủy dịu dàng, yếu đuối và sống “kín cổng cao tường” trong mái ấm của đại gia đình từ bé, còn anh Nhiên, đời sống luôn quay quắt với dư luận khắc nghiệt và lang bạt kỳ hồ, như trong thơ anh vẫn thường khẳng định: “Em có một đời rong xanh mơ đá. Tôi có ngàn năm say khước hận thù”
(Bài thấm mệt đầu tiên) hay “Chim trong tổ biết chi đời giông bão. Em con cưng nào biết tuổi lưu đày” và “Em gia giáo phải lòng anh lang bạt” (Uyên ương). 

Liệu Thủy sẽ được bình yên, hạnh phúc hay sẽ lao đao với sóng gió cuộc đời?

Thời gian này, bài “Nụ hôn đầu” với những câu:
“Gian truân lắm mới hôn người
Chiếc hôn tình lớn đem đời theo nhau.
 Đến ngày đám hỏi của Thủy và anh Nhiên, tôi mới biết chỉ có tôi là đứa bạn duy nhất được Thủy mời trong đám đông của gia đình hai họ.
Lần gặp lại đầu tiên sau mấy năm không nhìn mặt nhau ở đám hỏi, được coi như là một nhịp cầu nối lại mối quan hệ giữa tôi và anh Nhiên.
 Anh tỏ vẻ quí mến tôi hơn và thỉnh thoảng hay ghé nhà tôi để hỏi thăm hoặc nhắn tin cho Thủy
 Có một chuyện khiến tôi cảm động và nhớ mãi là một buổi trưa vừa từ trường về nhà trọ sau mấy giờ dạy, thay chiếc áo dài xong thì nghe tiếng gõ cửa và sau đó là giọng của Thảo, chị bạn cùng nhà gọi: “Dung ơi, có ai kiếm kìa.”
Nhà chúng tôi ở là một căn biệt thự khá lớn của một chị bạn dạy cùng trường, mấy ngày trước 30 / 4, chợ Long Thành bị pháo kích, sập gần hết, nhà chị cạnh đó nên cũng bị một quả ngay vào giữa, căn nhà như bị cắt ra làm đôi. Phần phía trước chỉ còn cái mặt tiền và khung cửa sắt là nguyên vẹn, hai phòng phía sau, sâu vào trong, nơi không bị hề hấn gì, là nơi mà nhóm giáo viên chúng tôi chia nhau ở, được nối bằng một khoảnh đất nhỏ mà trước đó dùng để trồng hoa kiểng và một cánh cửa lớn bằng gỗ.
Tôi vội chạy lên và ngạc nhiên khi thấy anh Nhiên đứng sừng sững ngay khung cửa với chiếc xe đạp bên cạnh.
 Anh nhìn tôi đang ngó anh trân trối, nhe răng cười hỏi: “Sao? không mời vô à?”
Tôi vẫn chưa hết ngạc nhiên vì sự xuất hiện bất ngờ của anh. “Ủa, anh đi đâu đây? Sao biết Dung ở chỗ này?”
 Anh dựng xe sang bên, một tay giở nón, một tay lau mồ hôi trán và nói:
 “Nghe Thủy nói Dung dạy học ở trường Long Thành, nhà anh có rẫy cũng gần đây, sẵn đi ngang ghé vô trường hỏi, họ nói Dung mới đi về, rồi chỉ nhà cho anh đó chứ.” 
Tôi mời anh vô trong uống nước và giới thiệu với chị Thảo: “Anh này là thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên đó!”.
Chị Thảo tròn xoe mắt nhìn anh:
“Vậy hả? 
Trời ơi, nghe tiếng quá chừng mà bây giờ mới gặp đó nha.”Anh Nhiên chỉ cười và không nói năng gì. Hỏi thăm nhau được một chút, anh từ giã ra về còn hỏi tôi: “Dung có cần nhắn gì về nhà không? Anh ghé qua nhắn cho”.
Bỗng dưng tôi nhớ tới chục ký gạo vừa đươc lãnh sáng nay ở trường theo tiêu chuẩn công nhân viên nhà nước, và tôi đã làm một việc vô cùng tệ hại mà sau này lúc kể cho Thủy nghe hoặc nhớ tới, tôi vẫn còn áy náy và rất xấu hổ là : “Anh Hải chở dùm bao gạo này ghé qua nhà đưa cho má Dung được hông?”. 
Tôi thấy đôi mày anh cau lại, trán nhăn nhăn, môi mím chặt, nhưng cũng gật đầu: “Ừ, thì để anh chở cho”.
Tôi giúp anh khuân bọc gạo lên để phía sau “boọc ba ga”, cột dây cẩn thận, cám ơn anh, chào tạm biệt và… tỉnh bơ, mãi cho đến khi đưa anh ra tới cửa ngoài thấy anh bắt đầu gò lưng trên chiếc xe đạp tôi mới giật mình.
Tiếng chị Thảo phía sau tôi vang lên: 
“Trời ơi, mày ác quá trời đi người ta tới thăm mà còn bắt chở bao gạo về dùm nữa, nặng lắm đó, một chút lên tới dốc 47 làm sao ổng lên nổi!”
 (Dốc 47 là cái dốc rất cao ở gần ngã ba Thái Lan giữa đường đi Biên Hòa và Long Thành). 
Tôi mới bắt đầu hối hận và thấy mình…vô duyên quá đỗi!
Cứ tưởng mọi việc sẽ được tiến hành êm đẹp như đã định, Thủy và anh Nhiên sẽ làm đám cưới cuối năm đó. Nhưng không ngờ, bao ngang trái cuộc đời không hẹn mà cứ đến đe dọa cho mối tình của hai người, lý do từ việc có nhiều dư luận về anh Nhiên đã đến tai gia đình Thủy. 
Lúc này, tôi đã đổi về Biên Hòa để đi học lại, nên Thủy thường gặp tôi sau những giờ làm việc, tâm sự, thở than về những ngăn cấm của gia đình và đôi khi nhờ tôi làm “bình phong” để Thủy và anh Nhiên hẹn hò nhau.
Bài “1978 ở Việt Nam” chắc anh đã viết trong lúc tâm trạng u uất, chán chường về sự đổi thay của xã hội lẫn hoàn cảnh riêng tư của chính mình:

“Phu thê nếu phải nợ rồi
Thì tôi đâu ngại ngỏ lời yêu em
Như con chim mới tập chuyền
Bâng khuâng gấm lụa thánh hiền em ra
Mặt trời rực rỡ phương xa
Ở đây hạnh phúc chỉ là đau thương.

 ...Nhưng rốt cuộc, Thủy đã quyết định cùng với gia đình anh Nhiên rời khỏi Việt Nam cuối năm 78, sau những tháng ngày dài nổi trôi cùng vận nước và cả vận mệnh của chính mình.
Một năm sau, tôi mới nhận được lá thư đầu tiên có kèm theo hai tấm hình của Thủy và anh Nhiên chụp ở vườn Luxembourg trong mùa thu, đầy lá vàng, lãng mạn, tuyệt đẹp, mới biết là hai người đã định cư ở Pháp. 

Nhờ địa chỉ đó nên tháng tư năm 81, sang đến đảo Ga Lăng, Indo, tôi đã liên lạc được với Thủy.
Không ngờ, Thủy vẫn nhớ và gửi quyển “Thơ Nguyễn Tất Nhiên” gồm những bài từ tập “Thiên tai” và những bài thơ sáng tác từ 1970 đến 1980, đã được ấn hành lại ở Pháp, làm quà sinh nhật cho tôi trên đảo. 


Tập thơ này quả là một món quà vô cùng quí báu lúc bấy giờ đối với bọn chúng tôi gồm một đám thanh niên cùng mê thơ Nguyễn Tất Nhiên, cả mấy tháng trời, đêm nào cũng mang ra vừa đọc vừa bàn luận, thật sôi nổi, hào hứng.Đến tháng mười, tôi được các em bảo lãnh sang Mỹ, về ở Missouri. Anh Nhiên và Thủy cũng đã dọn về Cali từ tháng tư.
Chúng tôi thư từ, điện thoại thăm hỏi nhau nhưng vẫn chưa gặp mặt, Thủy và tôi cùng bận rộn với đời sống mới mà lại ở xa nhau, nên ngay cả đám cưới tôi tổ chức ở Utah, Thủy cũng không có dịp sang dự.
 Cho mãi đến hôm tôi sinh cô con gái đầu lòng khoảng một tuần, thì Thủy gọi phone báo tin là sẽ đi xe bus Greyhound sang thăm tôi.
Đó là lần đầu tiên tôi gặp lại bạn sau 6 năm xa cách. Thủy không thay đổi tí nào, vẫn dáng dấp học trò, vẫn gầy gầy, nhỏ nhắn, gương mặt, nụ cười vẫn hệt như thời còn đi học, mặc dù bây giờ đã có thêm hai chú nhóc, Tí Anh đã ba tuổi và Tí Em sắp lên hai, lúc nào cũng quấn bên chân mẹ.
Trong dịp này, Thủy đã kể cho tôi nghe hết về cuộc sống từ ngày rời Việt Nam, với những ngày đầu vất vả nhưng hạnh phúc ở Pháp, đến những khi sóng gió vì đời sống nghệ sĩ lang bạt, bất đắc chí của anh Nhiên ở Mỹ

 cả đến những cay đắng mà Thủy phải chịu đựng để chu toàn cái hình ảnh của “một người vợ, một người đàn bà thuần túy Á Đông, chỉ biết phục tùng chồng và tuyệt đối không nên để ý hoặc thắc mắc gì về những quan hệ công việc bên ngoài của chồng.” mà anh Nhiên vẫn luôn nhắc nhở Thủy mỗi khi có chuyện bất đồng.
Tôi ngạc nhiên và không ngờ đứa bạn với bề ngoài yếu đuối như Thủy mà có thể chịu đựng được ngần ấy thứ đau khổ, trắc trở trong cuộc đời làm vợ của nhà thơ. Thủy nói lần này, sau khi trở về, hai người sẽ quyết định chia tay.
Thoạt tiên, tôi hơi ngỡ ngàng, nhưng sau đó, khi nhìn thấy hai đứa bé đang hồn nhiên, quấn quýt bên Thủy, tôi giận anh Nhiên quá sức, tại sao có mái gia đình đẹp đẽ, hạnh phúc thế này mà anh không chịu gìn giữ?
Tôi muốn an ủi Thủy, nhưng an ủi thế nào khi tôi cũng không biết phải xử trí làm sao trong hoàn cảnh ấy. Thủy định là sẽ ở chơi với tôi đến hai tuần nhưng chỉ một tuần Thủy đã đổi vé về lại Cali, sau những cú phone dồn dập của anh Nhiên.
Mấy hôm sau, Thủy gọi để báo tin là sóng gió đã tạm dừng, dù không biết là chàng sẽ giữ lời hứa đến bao lâu. Tôi mừng cho Thủy và thầm cầu nguyện cho cái tổ ấm của Thủy sẽ bình yên, sáng sủa hơn sau cơn bão tố vừa qua.
Năm 86, gia đình tôi dọn về Cali, căn nhà nhỏ của chúng tôi ở Gardena, thỉnh thoảng đón tiếp Thủy và hai cậu con trai đến chơi, nhưng tuyệt nhiên không bao giờ thấy anh Nhiên đi cùng.
Thủy tâm sự: “Tao chỉ là một người đàn bà bình thường, mơ có một mái ấm gia đình rất bình thường như những người đàn bà khác, nhưng với tao sao nó khó khăn, xa vời quá mày ơi!”.
Nghe Thủy nói, tôi càng thấm thía hơn ý nghĩa của cái thuyết “hồng nhan bạc phận”, của “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”, càng thấy xót xa và thương bạn hơn. Có lúc, tôi đã phải nói với Thủy: “Tao thì chỉ biết “yêu thơ” thôi chứ không có “can đảm” để “yêu nhà thơ” như mày, sao mà khổ quá đi!”



Từ lúc sang Mỹ dù đã xuất bản được tập thơ “Chuông mơ” (1987), “Tâm Dung” (1989) và cả việc sáng tác nhạc để ra đời băng nhạc “Tình khúc Nguyễn Tất Nhiên” nữa, nhưng anh vẫn là một người “bất đắc chí”, cay đắng với cuộc đời, hờ hững với trách nhiệm gia đình và đó có phải là nguyên nhân khiến anh trở thành một con người khác, một hình ảnh bất toàn hơn trong đời sống gia đình chăng?
Có lẽ vì biết quá nhiều về những bất hạnh từ đầu của hai chữ “nợ duyên” giữa anh Nhiên và Thủy, nên tôi đã đứng về phía bạn khi Thủy dứt khoát đoạn tuyệt với những khổ đau, oan nghiệt của quá khứ, hiện tại và có thể sẽ mãi còn tiếp diễn ở tương lai, để chọn một cuộc sống bình an hơn cho Thủy và nhất là hai đứa con, nên tôi đã lặng thinh khi anh Nhiên gọi tôi để hỏi về tung tích của Thủy. Và đó là lần thứ hai, tôi lại bị anh mắng nhiếc thậm tệ, bằng những lời nhắn nặng nề trên máy answering.

 Lúc đó, tôi nghĩ, cứ để cho anh nghiền ngẫm, rồi tỉnh thức, nhận ra và biết quí báu những gì mình đã có, ân cần với đời sống và trách nhiệm hơn để có thể định hướng lại tương lai của mình.
Nhưng không ngờ, anh đã quá yếu đuối và dễ tuyệt vọng đến độ phải chọn sự kết thúc bi thảm đến vậy! Lúc nghe tin anh mất, là lúc tôi đang trong giờ lunch ở một hãng điện tử.

 Sửng sốt, kinh ngạc… tôi nuốt không trôi miếng cơm còn đang nhai dở trong miệng.
Tôi muốn về nhà ngay để gọi cho Thủy…
Thời gian qua nhanh như cơn gió thoảng, mới đó mà đã mười mấy năm. Cuộc sống vẫn nối tiếp với những định mệnh đã được an bày. Các con anh nay đã khôn lớn, trưởng thành. 
Thủy đã tìm được bờ bến bình yên và đang có một đời sống hôn nhân hạnh phúc, điều mà trước kia tưởng chừng sẽ không bao giờ có được.
Giờ đây, dưới những tàn cây, bóng mát trong nghĩa trang này, tôi đến thăm mộ anh, thắp nén hương lòng hoài niệm về một thời quá khứ buồn nhiều hơn vui giữa chúng tôi, dù không biết rằng những việc làm trước kia đối với anh là đúng hay sai, nhưng tôi cũng muốn nói với anh lời tạ lỗi. Có những điều khi còn sống chúng ta chưa có dịp phân trần, tỏ bày cho hết thì đến lúc lìa đời, cũng xin được có cơ hội để hòa giải, thứ tha.
 Chỉ tiếc một điều là những câu thơ anh viết lúc còn trẻ, khi đọc lên cứ tưởng sẽ là “lá bùa hộ mạng” cho anh, đã không nâng đỡ, vực dậy anh trước khi anh quyết định đi về một đời sống khác:
“Nếu vì em mà thiên tài chán sống
thì cũng vì em ta ngại bước xa đời”.
Để tưởng nhớ thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên, nhân ngày giỗ thứ 15... của anh, 
8/2008
Tưởng Dung

Sao Thiên Thu Không Là ...(2)


Thủy vỗ nhẹ vai tôi, đưa mấy nén nhang và dặn dò:
“Mày khấn xong rồi cắm cho anh Nhiên vài cây, còn lại chừa để lát nữa đem cắm ở những ngôi mộ khác nha.”
Từ ngày qua Mỹ, thực sự tôi cũng rất ít, hay nói hẳn ra là không có dịp nào đi vào nghĩa trang thăm mộ người chết như thế này, trừ những lần đưa tiễn, cầu nguyện ở nhà quàn trước khi hạ huyệt, nên có Thủy nhắc nhở cũng đỡ phải lúng túng.
“Khấn gì đây? Liệu anh có còn quanh quẩn đâu đây để nghe tôi nói không?” Tôi với anh từ lúc mới quen biết đến khi anh mất đi, có lúc đã chuyện trò vui vẻ, đã “cãi vã” thật nhiều, có lúc lại không thèm nhìn mặt hoặc nói với nhau lời nào.
Hơn nữa, tôi đã không gặp anh ít ra cũng gần ba năm trước khi anh mất, anh giận tôi đã không cho tin tức gì của Thủy, tôi giận anh đã đối xử với đứa bạn thân của tôi và là vợ con anh quá… hờ hững, vô tình!
 Và như thế chúng tôi cứ như là “ân đoạn nghĩa tuyệt” từ đó. Không ngờ, chỉ một thời gian sau, anh đã tự rời bỏ cuộc đời quá sớm và dễ dàng như những bài thơ anh đã viết vậy!
Tôi cầm mấy nén nhang, mắt đăm đăm nhìn vào di ảnh của anh, thì thầm những lời không chuẩn bị mà vẫn nói thật suông sẻ như là đang có anh trước mặt:
“Anh Nhiên à, chắc rằng ở chốn “miên trường, vĩnh cửu” nào đó, anh đã quên hết mọi thống khổ, lụy phiền của nhân gian, đã được hưởng sự an vui, cực lạc đời đời rồi.
Mong anh cũng quên và tha thứ cho những gì anh em mình đã hiểu lầm, giận ghét nhau trong quá khứ. 
Hãy ngủ yên và thanh thản trong “cõi thơ” trên chốn thiên đàng của anh.
 Hãy phò trợ cho Thủy và các con anh, giữ gìn, nâng đỡ chúng để chúng khôn lớn, vững chãi, có sức mạnh, niềm tin mà vượt qua mọi thử thách của cuộc sống, đừng để chúng vấp ngã, trầy sướt và đau đớn nha anh.”
Mắt tôi bỗng nhòa đi với ý tưởng là tôi đã nói được điều mình muốn nói với anh mà trước kia đã không có dịp.
 Lời xin lỗi rất chân thành.
 Dù gì tôi, Thủy và anh cũng có cái “duyên” với nhau trong một khoảng đời dù không dài lắm nhưng cũng không thể gọi là ngắn ngủi. 
Và cứ thế, những hình ảnh xa xưa bỗng quay về trong ký ức thật nhanh như những đoạn phim rời vừa được ráp nối.Tôi nhớ lần đầu tiên, lúc anh vào lớp tôi để giới thiệu tập thơ “Thiên tai”. 
Tôi đã ngạc nhiên vì không biết tại sao một nhân vật… tầm thường của trường mình, người vẫn có tiếng là “gàn”, thậm chí còn bị cho là “khùng” như anh mà lại biết… làm thơ và lại còn… dám in thơ đem bán nữa.
  Vì tò mò, tôi đã lật xem thử vài bài trong tập thơ và không ngờ bị lôi cuốn ngay với “Bài thấm mệt đầu tiên”,
“Nên sầu khổ dịu dàng”, “Linh mục”, “Nên thời gian ấy ngùi trông”… tôi đọc say sưa, đọc mãi cho đến bài cuối cùng “Thiên thu”, và như người vừa nhận ra mình đang cầm một “báu vật” trên tay, không thể nào để mất, tôi mua ngay một quyển dù lúc đó giá tiền của tập thơ không phải là nhỏ đối với tuổi học trò lớp mười của tôi.
ình mới lớn phải không em rất thích?
Cách tập tành nào cũng thật dễ thương

Thuở đầu đời chú bé soi gương
Và mê mải dĩ nhiên làm lạ.

Tình mới lớn phải không em rất lạ?
Cách tập tành nào cũng ngượng như nhau
Thuở đầu đời chú bé ôm phao
Và nhút nhát dĩ nhiên ngộp nước.
 
Tình mới lớn phải không em rất mỏng?
Cách tập tành nào cũng dễ hư hao
Thuở đầu đời cầm đũa thấp cao
Và nâng chén, dĩ nhiên, đổ vỡ…”

Cũng nhớ, trong tập “Thiên tai” anh viết chỉ có một câu thôi mà đã làm tôi sững sờ và có ấn tượng mạnh mẽ hơn về con người của anh là:
“Tôi không đủ kiên nhẫn để đọc hết một quyển truyện dài, vì truyện dài không thể đọc vội vã.
 Người chắc cũng không đủ kiên nhẫn để yêu tôi vì tôi còn dễ chán hơn truyện dài. Tôi là một kịch bản trường thiên!”
Anh đã tự thu mình lại, khiêm nhường đi, chọn cho mình con đường cam phận, chịu thua thiệt, hay dùng đó để xác định rõ về bản tính, về chủ năng của chính mình, một “thiên tài” không dễ ai hiểu biết và cảm thông?
Tôi đem về nhà đọc đi đọc lại mãi những bài thơ của anh, bắt đầu thán phục về “tài làm thơ”, về sự liên tưởng, lý luận để bày tỏ, diễn đạt tâm tình một cách thật đơn sơ, nhẹ nhàng mà vô cùng sâu sắc qua việc sử dụng từ ngữ mới lạ, độc đáo của anh.
Những hình ảnh rất dung dị, bình thường của đời sống qua thơ anh bỗng trở thành đẹp đẽ, ý nghĩa hơn. Tôi thật sự ngạc nhiên và thích thú với sự so sánh của anh trong “Bài thấm mệt đầu tiên”:
Từ đó, anh được tôi xem như là một nhà thơ trong danh sách “thần tượng” của thơ với ngôn ngữ mới lạ. 
Sau, nhờ chị Duyên, nhân vật trong bài thơ “Khúc tình buồn”, được Phạm Duy phổ nhạc thành bài hát “Thà như giọt mưa”, tôi lại có “duyên văn nghệ” được anh cho mượn phụ bản “Duyên” trong tập thơ “Thiên tai” để làm bìa tập thơ “Tuyên ngôn 15” cho chính tôi và Ngọc Yến, một cô bạn cùng lớp.

 Thủy bị tôi rủ đi theo gặp anh mấy lần để lấy và trả tập bản kẽm, thì lại mắc vào một cái duyên khác “duyên nợ ba sinh” với anh sau này.
Thật tình, lúc đó anh làm tôi rất cảm động vì thấy “nhà thơ lớn” mà sao lại dễ dãi với “đàn em nhỏ” như tôi mượn gì là được nấy.
 (Chắc tại nghe tôi khoe là “em nuôi” của chị Duyên?).
Về sau, tôi còn… khám phá ra do gia đình có quan hệ dây mơ rễ má thế nào đó, mẹ của anh gọi ba tôi bằng cậu, tức là tôi tới vai “dì” của anh Nhiên lận. Chao ôi, thật là oai ghê!
Nhưng thú thật, anh có một cái tật mà tôi rất… kỵ là mỗi khi lỡ nói gì trái ý là anh chau mày, bậm môi, đôi mắt cúi gầm xuống, hai bàn tay chập vào nhau chống trước trán, lầm lì không nói gì hết cho đến lúc… bỏ đi.
Có lúc tức quá, tôi bảo Thủy: “Ông này cứ làm như đang đóng kịch vậy đó mầy ơi!... thấy ghét!”. Thủy rất hiền, nhút nhát, ít nói, nên cô nàng chỉ cười lặng lẽ, không ý kiến. Cũng vì tính tình như vậy nên thư tình, quà cáp gì của anh Nhiên gửi cho Thủy sau này cũng một tay tôi chuyển giúp. 


Cứ tan trường, hai đứa đi bộ về nhà chỉ cần nhác thấy bóng chiếc Honda của anh Nhiên sắp lạng tới là Thủy đẩy tôi ra phía ngoài để nó đi bên trong, tránh nói chuyện hay nhận thư, quà từ anh.
 Vừa sợ vừa muốn cho xong, nên tôi cứ nhận đại rồi đưa qua cho Thủy ngay sau khi anh đã phóng xe đi mất. Thủy vừa nhận vừa phản đối nên tôi cũng không biết rõ cô nàng có… chịu chàng hay là không.
 Nhưng tôi thì thấy vui lắm vì nghĩ rằng mình đang làm chứng nhân cho một mối tình cũng lãng mạn quá đấy chứ.
Cũng nhờ vậy mà có lần tôi được “ăn theo” với Thủy, lần đó, anh Nhiên rà xe cạnh tôi dúi nhanh một cái bọc và nói trước khi phóng xe đi: “Thuốc… bổ óc đó, một cho Dung, một cho Thủy, ráng uống để mà thức học bài thi”. 
Tôi đưa cho Thủy bọc thuốc, cảm động một chút, vui vui một chút, coi vậy mà anh chàng cũng… biết điệu quá đó chứ! Lúc ấy, anh Nhiên đã bắt đầu thân thiết với tôi, thỉnh thoảng cứ chạy xe đến nhà tôi đưa thư, kể lể mọi chuyện…
 Có một hôm, đang ngồi trong nhà tự dưng thấy anh chạy xe đạp xồng xộc tới, vừa dựng xe, vừa thở hào hồn kể cho tôi nghe chuyện “gây gổ” giữa anh với anh T., em của chị Duyên, mới vừa xảy ra ở quán cà phê gần nhà tôi.
Câu chuyện bắt đầu từ bài viết “Hột mè” của anh đăng trên báo Văn thì phải? 
Anh nói: “Thằng T. nói anh viết bài này “chửi” chị nó độc quá, nên nó tức đòi đánh anh…”.
Tôi có đọc qua bài đó nên cười an ủi: “Anh viết cũng nặng tay lắm chứ bộ.

 Anh T. tức là đúng rồi. Thôi ai biểu viết mà chọc giận người ta làm chi. Chửi người khác mà anh vui sao?”
 Trước khi ra về anh còn nói như thật: “Lần sau, anh không có nhịn đâu.”
 Tôi cười vì biết tính anh nói thì… dữ nhưng chẳng làm gì hại ai cả.
 Chắc cũng vì chuyện này mà thời gian sau anh đã viết “Bài tạ lỗi cùng người” có những câu thật cảm động:
“Năm năm trời… ta làm tên quái đản
Cầu danh trên nước mắt người tình
Năm năm trời có nhục có vinh
Có chua, chát, ngọt, bùi, cay, đắng…
Có hai mái đầu chia nhau thù oán
Có thằng ta trút nạn xuống vai em!

Năm năm trời… có một tên Duyên
Ta ca tụng rồi chính ta bôi lọ
Tình ta đẹp nhưng tính ta còn nít nhỏ

 Tôi dạo ấy cũng… hơi lo dùm cho Thủy, Thủy học rất giỏi, giỏi nhất trường, xinh xắn, tài năng toàn diện, ai cũng quí mến, còn cái ông nhà thơ này sao ngày nào cũng đón đường, tỏ tình, tỏ ý với Thủy mà làm thơ thì cứ thấy ca tụng hết cô này đến cô khác. Vậy thì thương thiệt hay giả đây?
Cho nên, đến khi Thủy năn nỉ nhờ tôi mang trả lại hết quà cáp, thư từ cho anh Nhiên, tôi đã… ngây thơ thương bạn, nhận lời mà có biết đâu tự mình đi đón nhận phong ba bão tố.
Sau khi biết tôi mang mọi thứ đi trả giùm cho Thủy, anh Nhiên đã mắng tôi và đổ thừa tại tôi… xúi Thủy tuyệt tình với anh.
 Tôi tức điên lên và cãi với anh một trận tơi bời hoa lá. Anh giận tôi đến độ còn dọa sẽ viết một bài… chửi tôi trên báo để cho tôi biết tay anh.
 (May là chắc anh nghĩ lại, thấy “tội” của tôi còn nhẹ hoặc biết là không có tội gì hết, nên không có bài nào nêu đích danh tôi để… trả thù, trừ một câu trong bài thơ “Kẻ tự đóng đinh tim” đã ví tôi là “quỷ sứ” mà sau này qua Thủy tôi mới biết.
Đó là câu: “Lỡ yêu tín đồ phải chấp nhận gian truân. Phải muối mặt giao du cùng quỷ sứ.” Chứ nếu không chắc tôi cũng đã được anh đưa vào… văn học sử bằng một ngõ… tối tăm rồi!).
Từ đó, tôi với anh Nhiên bắt đầu một mối thù… không tên, và cứ mỗi khi Thủy nhắc tới anh Nhiên là tôi tha hồ mà… đay nghiến.
 Lúc này, tôi đã thực sự giận ghét anh Nhiên và muốn cho Thủy đừng thèm “mềm lòng” với cái anh chàng nghệ sĩ tài hoa mà gàn dở này nữa.
Nhưng khi đọc bài thơ“Thục nữ”, là bài đầu tiên anh Nhiên viết cho Thủy, với hình ảnh Thủy trong thơ và Thủy ngoài đời là một, rất thật, rất dễ nhận ra với tóc bính, nón lá, hài nhung, mảnh mai, nhẹ nhàng, vô cùng thục nữ đã làm tôi xúc động:

“Chiều em đi hai hàng bính tóc
Gieo xuống đôi vai nhỏ thiệt thà
Còn bao nhiêu dấu hài khuê các
Sao đành gieo xuống phố đời ta?

Chiều em đi nón lá che nghiêng
Sao đành che mất nụ cười duyên?
Mây vẫn chưa về gom bớt nắng
Trần ai đông lắm kẻ si tình.

Chiều em đi trong nắng trời tây
Bóng đổ lênh đênh – bóng đổ gầy
Bóng đổ gầy như ta ốm yếu
Đeo đẳng hoài theo tình không may
............
 Bài “Giữa trần gian tuyệt vọng” là bài thứ hai anh đã viết gửi cho Thủy với những lời bày tỏ chân tình, nhưng đã khiến cho Thủy giận hờn, ấm ức nhờ tôi mang trả lại thư từ, quà tặng của anh và đã là nguyên nhân khiến tôi phải… rước họa vào thân. Đó là những câu:
“Ta vẫn nhớ trưa nào em ngồi hát
Ta vẫn thèm hôn lên mắt tiểu thơ buồn
Ta vẫn thèm ăn năn những lúc đón đường
(Em khó chịu… mà thư nào em cũng nhận)”

Sau khi biết vì mình mà tôi và anh Nhiên đã không thèm nhìn mặt nhau nữa, thì Thủy ít nhắc nhở tới anh hơn và lặng thinh mỗi lần nghe tôi kể tội anh đã mắng nhiếc, sỉ vả tôi như thế nào. Anh Nhiên thì phải tự động tìm cách để… nối nhịp cầu tri âm với Thủy một mình vì không còn cái nhịp cầu mang tên… Dung nữa. 


Sao Thiên Thu Không Là ...


Sao thiên thu không là...
(tưởng nhớ Nguyễn Tất Nhiên)

Khi gọi Minh Thủy để nhắc về buổi hẹn đi ăn trưa vào ngày Chúa nhật hôm sau, tôi nghe giọng Thủy thật nhẹ nhàng ở bên kia: “Dung à, mày đi với tao thăm mộ anh Nhiên trước khi đi ăn một chút được không?
Hôm qua là giỗ của anh ấy đó, chắc lâu lắm rồi mày đâu có đi đến đó hả nhỏ?”.
 Tôi giật mình như vừa được nhắc nhớ đến một người bạn thân, một kỷ niệm quen thuộc, rất gần gũi, rất tự nhiên mà mình đã có và vô tình quên khuấy đi mất.
     Ừ nhỉ, đời sống bên này với những bận rộn, hối hả từng ngày, đôi khi có ai tình cờ nhắc đến những người bạn nào đó đã có một thời thân thiết, giao thiệp qua lại với nhau thật lâu bỗng dưng “mất tích” không gặp nữa vì hoàn cảnh, công việc hoặc dọn đi xa, tôi vẫn mừng rỡ, háo hức, chờ được nghe thêm tin tức hoặc gặp lại.
Huống chi là anh Nhiên, vừa là người anh, vừa là người bạn đời quá cố của đứa bạn thân thiết nhất của tôi từ dạo còn đi học cho đến giờ. 
    Trong phút chốc, hình ảnh cao gầy, lỏng khỏng với hai cánh tay dài quá khổ hay quơ quơ để diễn tả và gương mặt cứ… nhăn nhó, bậm môi, mỗi khi nói chuyện với tôi của anh hiện ra, rõ ràng trong trí nhớ.
Anh Nhiên và tôi đã có một thời gian thân thiết và cũng có một thời gian… thù nhau quá sức. Nhớ tới mối quan hệ rất ngộ nghĩnh, đầy “hỉ, nộ, ái, ố” của chúng tôi trong chuỗi ngày xa xưa ấy, tôi thật không biết phải vui hay buồn.
 Thời gian quả thật đáng sợ, mới đó mà anh mất đã 15 năm rồi. Lần này đến thăm anh, chắc chắn tôi có rất nhiều điều để nhắc nhớ.
Khi Thủy bắt đầu quẹo xe vào cổng của nghĩa trang Peek Family, cái âm thanh náo động ngoài đường phố bỗng dưng chìm dần, rồi tắt hẳn.
 Trước mặt tôi là con đường nhỏ vòng theo những vòm cây rợp bóng mát, thinh lặng, nhẹ nhàng…
Mặt đất là những thảm cỏ xanh mượt mà được chăm sóc cẩn thận.
 Ngồi cạnh Thủy đang chầm chậm lái xe đến chỗ an nghỉ của anh Nhiên, tôi thong dong ngắm nhìn một khoảng không gian an bình, thoát tục đang trải rộng quanh mình, chỉ có tiếng gió rì rào trên các tầng cây, tiếng xào xạc của những chiếc lá khô đang uốn mình trên mặt đất khi bánh xe nghiến lên.
 Không khí yên lành, thanh tịnh dễ khiến lòng người lắng đọng.Những lo buồn, ray rứt của đời sống, của những ngày trước kia đã có bỗng dưng chìm xuống, ngủ yên. Tôi như lịm người đi với cái cảm xúc lạ lùng chợt ùa tới, cái cảm giác mà từ lâu tôi không có được… bình yên và thanh thản.
 Không thấy bóng người lai vãng, buổi trưa cuối tuần thế mà vắng vẻ quá!
 Dường như những người nằm đây đã bị đời lãng quên?
Lâu lắm rồi từ ngày tiễn anh ra đến phần mộ trong nghĩa trang này, tôi chưa bao giờ có dịp để trở lại viếng thăm, kể ra là cũng quá tệ! Nhưng biết làm sao hơn?
Thôi thì nhờ Thủy hôm nay cho tôi cơ hội để được thăm lại người mà tôi đã từng xem như một người anh và có lúc đã xem nhau như “kẻ thù”
 (như tôi và anh đã từng nghĩ về nhau sau một trận cãi vã kịch liệt).
Tiếng Thủy kéo tôi trở về với thực tại:
“Chịu khó đi bộ một chút nha nhỏ, mộ anh Nhiên ở trong kia, không cho xe vô được.”
Tôi cười:
“Ừ thì có dịp đi excercise một chút, có sao đâu!”
Tôi xuống xe với một tâm trạng nao nức, kích động như sắp sửa đi gặp lại người quen đã lâu rồi… thất lạc. 
Hai đứa chia nhau cầm bó hoa, nhang và hộp quẹt bắt đầu lần bước tìm bia mộ anh Nhiên.
Nghĩa trang ở đây không choáng đầy mắt với những ngôi mộ xây cất đủ hình đủ kiểu, chằng chịt như ở Việt Nam.
 Các ngôi mộ ở Mỹ đều giống như nhau.
 Một khoảng đất cùng kích thước, nằm san sát, có hàng lối rõ ràng, tấm bia được đặt nằm phẳng phiu ngay trên mặt đất, vì thế cũng khó mà định hướng mộ của thân nhân mình nếu không biết trước.
Thủy nhắc tôi:
“Coi chừng đạp lên mộ người ta đó nha, có khi mộ cũ quá rồi mày không thấy rõ cái mặt bia đâu.”
“Ừ, tao biết mà.”
Tôi vừa đi vừa nhẩm đọc thử tên tuổi của những bia mộ gần bước chân mình nhất, có nhiều người chết thật trẻ, nằm bên cạnh những ông bà cụ tuổi thật cao. Nắng chói chang trên từng dòng chữ, trên những tấm ảnh đã phai màu với thời gian.
Chúng tôi dừng lại ở dưới một bóng cây với những tàn cao, to rộng, đầy bóng mát. Thủy nói:
“Đây rồi, mộ của anh Nhiên may là được nằm ở chỗ này, có bóng mát lại cũng gần chỗ có nước, thoáng và lý tưởng, chứ mộ của ông Mai Thảo ở đàng kia, trơ trụi, không có cây cối gì cả nắng nóng cả ngày, mày ơi!”
Tôi rảo mắt nhìn quanh, cố nhớ lại hình ảnh của mười mấy năm về trước.
     Cũng nơi này, gia đình, bạn bè, người thân của anh Nhiên có mặt đông đủ lúc hạ huyệt, những nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ, mà lần đầu tiên tôi mới gặp mặt đã đứng ở đây đọc điếu văn, chia buồn, nhỏ lệ xót thương. Chưa bao giờ tôi được thấy nhiều nhân vật nổi tiếng cùng một lúc như thế.
Tôi nhớ là mình đã rất xúc động khi nghe ông Phạm Duy với mái tóc bạc trắng ngậm ngùi, từ tốn nhắc đến những kỷ niệm với anh Nhiên và những bài thơ mà ông đã phổ nhạc. Tôi nhớ ca sĩ Việt Dũng đứng ở góc kia và một số người nữa nhìn tôi với đôi mắt hiếu kỳ khi thấy Thủy cứ gục đầu vào vai tôi khóc nức nở.
Chắc họ thắc mắc không biết tôi là ai và có quan hệ gì với gia đình người quá cố.
 Và nơi đây, mẹ anh là người cuối cùng sau khi xác thân anh đã thực sự được đặt yên dưới lòng đất lạnh, đã khóc than, hối tiếc về sự ra đi của đứa con mà đến bây giờ trước sự thương tiếc, quý mến của thân hữu, của mọi người đối với anh, bà mới nhận ra con mình quả là một “thiên tài” đích thực.
 Nơi đây, chỗ này đã chứng kiến giờ phút cuối cùng “nghĩa tử nghĩa tận” của anh đấy mà.
Những cành hoa đã thay nhau rơi xuống, phủ đầy trên nắp áo quan, những giọt lệ đã cạn khô trên mắt người đưa tiễn.
 Anh đã thực sự đi vào cõi thiên thu. Nơi mà anh đã cảm nghiệm được và nói đến rất nhiều từ những bài thơ đầu tiên.
Tôi nhớ sau tang lễ của anh, khi mọi người lần lượt ra về, tôi đã đứng trước mộ anh một hồi lâu, nhớ đến bài thơ “Thiên thu” nằm ở trang cuối cùng trong tập “Thiên tai”, một trong những bài thơ mà tôi rất thích ngay lần đầu đọc thơ anh, bấy giờ sao mà thấm thía:

“Sao thiên thu không là xa nhau?
nên mưa xưa còn giăng ngang hồn sầu
tôi đứng như cây cột đèn gẫy gập
và một con đường cúp điện rất lâu.

Sao thiên thu không là chôn sâu?
nên nắng xưa còn hôn mái tóc nhầu
tôi đứng như xe tang ngừng ngập
và một họ hàng khăn trắng buồn đau…

Sao thiên thu không là thiên thu
Nên những người yêu là những ngôi mồ
tôi đứng một mình trong nghĩa địa
và chắc không đành quên khổ đau!”

Quả thật, sau mọi linh đình đưa tiễn, anh đã ở lại một mình trong nghĩa trang này với những khổ đau, nghiệt ngã của cuộc đời đã được chôn vùi dưới lòng huyệt lạnh, đã cùng anh đi vào tận chốn thiên thu!
 
    Tôi lặng lẽ cắm hoa vào cái bình đã có sẵn ở trước mộ, Thủy đi lấy nước ở một cái vòi cách đấy vài mươi bước và trở về đổ đầy vào bình hoa, tôi ngạc nhiên nhìn Thủy tưới phần nước còn lại lên trên mặt tấm bia, nhưng ngay sau đó lòng lại xúc động, bùi ngùi khi thấy Thủy dùng cuộn giấy mang theo, từ tốn lau sạch đi những bụi cát đang phủ lờ mờ trên đó.
   Bia mộ anh là một phiến đá làm bằng lacquer đen bóng, sau những vệt lau của Thủy đã lại sáng như gương. 
Tấm ảnh của anh hiện ra thật rõ ràng ở trên góc trái cùng với phần đầu của bài thơ “Giữa trần gian tuyệt vọng” anh viết từ năm 1972 nằm ngay bên cạnh. 
Tôi ngồi xuống, đọc từng giòng thơ đã được viết với nét chữ khắc thật đẹp với lòng trân trọng pha lẫn xót xa:

“Ta phải khổ cho đời ta phải khổ
Phải ê chề cho tóc bạc với thời gian
Phải đau theo từng hớp rượu tàn
Phải khép mắt sớm hơn giờ thiên định
(Vì thượng đế từ lâu kiêu hãnh
Cầm trong tay sinh tử muôn loài.
Tình ta vừa gánh nặng thấu xương vai
Thì em hỡi ngai trời ta đạp xuống)”

Cũng khá thân và lại rất thích thơ anh Nhiên, nên hầu hết các bài thơ của anh tôi đều biết và thuộc lòng (hoặc ít nhất cũng vài đoạn trong mỗi bài).
 Riêng bài này, khi tình cờ nghe lại, trích trong bài viết “Tìm ở sao trời” của Hoàng Mai Đạt đăng trong tạp chí Văn Học và được đọc một lần trên đài radio Little Saigon hồi tháng 6, tôi đã ngậm ngùi, chợt nhớ ra: anh Nhiên đã mất lâu lắm rồi!
Nghe nhắc đến bài thơ đã buồn, giờ trông thấy, đọc lại càng buồn và thấm thía hơn!
 Anh làm thế nào mà có thể khẳng định rằng cuộc đời mình là “phải khổ”, “phải ê chề” và nhất là “phải khép mắt sớm hơn giờ thiên định” từ năm mới vừa 20 tuổi?