Trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

Đêm Trung thu Phan Thiết


Trong những năm học ở trường Nữ Tiểu Học Phan Thiết (1960-1966), có ba điều tôi ao ước mà không bao giờ được toại nguyện.  Thứ nhất, được cầm cái chùi gỗ để đánh ba tiếng trống thùng thùng thùng những khi vào lớp, khi ra chơi, khi tan trường, với những điệu trống dài ngắn khác nhau.  
Tiếng trống sao rền vang, sao oai nghiêm, chị đánh trống sao mà oai quá, mình cũng muốn được oai như chị ấy nhưng không bao giờ được cô chỉ định.
Thứ hai, đứng kéo cờ mỗi sáng và mỗi chiều.  Tôi ước ao được cô chọn với một học sinh khác, cho đứng dưới cột cờ.  Khi ấy, tất cả sẽ chăm chăm nhìn đôi tay tôi khéo léo tháo sợi dây thừng, gương mặt nghiêm trang ngước cao hãnh diện nhìn theo lá cờ vàng ba sọc đỏ lên nhẹ nhàng hay xuống từ từ cho đến khi bài quốc ca ”Này Công Dân Ơi!” chấm dứt.  Tất cả sẽ chăm chú nhìn đôi tay tôi và nhỏ bạn nhanh nhẹn xếp gọn lá cờ làm hai, làm tư, làm tám.
     Thứ ba, được ở trong đoàn lân dẫn đầu đoàn diễn hành mỗi đêm Tết Trung Thu.  Ở nhà, tôi đã đội cái gối, trùm cái mền, thằng em đánh trống miệng cho tôi tập dơ cao chân, sải bước dài, hai tay đưa gối qua lại theo nhịp trống miệng.  Vậy mà cô không chọn tôi.  Cô không chọn tôi múa lân, cũng không cho tôi làm ông Địa, càng không cho tôi ôm cái trống trước bụng đánh thùng thùng và cũng không chọn tôi đi phía sau cầm cái đuôi con lân.  Sao mà tụi nó có phước quá vậy!  Nhất là chị Xí, bạn Xê, năm nào cũng dẫn đầu đoàn múa lân của trường Nữ Tiểu Học.  Còn tôi, ngoan ngoãn xếp hàng phía sau đoàn lân, vừa đi vừa chạy vừa ráng giữ cho thẳng hàng.  Hân hoan với đêm hội trăng rằm!
      Rước đèn đêm trung thu gắn liền với tuổi-thơ-Phan-Thiết như mái nhà tranh đơn sơ không thể thiếu trong bất cứ một bức tranh đồng quê Việt Nam. 

 Và cũng có thể nói; đêm trung thu đối với người dân Phan Thiết là món quà tô điểm đời sống tỉnh lị, món quà đến mỗi năm, nhận được mà không cần cám ơn.  Không cần thông cáo về ngày giờ hay địa điểm, khi trời vừa chập tối thì tự động người dân rủ nhau tụ tập hoặc ở Vườn-Bông-Lớn bên kia cầu hay Vườn-Bông-Nhỏ bên phố để chờ đoàn diễn hành tụ về.
  Từ khắp nẻo đường, đoàn diễn hành của các trường tiểu học công Nam Phan Thiết, Nữ Phan Thiết, Đức Thắng, Bình Hưng, Đức Nghĩa, Phú Trinh, Đức Long nằm rải rác quanh tỉnh lị lần lượt tụ về. 

 Mỗi trường một kiểu đèn lồng, hàng lớp thẳng tắp, đi theo sau đoàn lân của mình.

  Ánh đèn cầy lấp lánh sau lớp giấy màu mỏng đủ mầu sắc, gương mặt vừa hân hoan vừa hãnh diện, bước chân vừa nhanh cho theo kịp đội lân phía trước vừa ráng giữ hàng lớp ngay ngắn vừa cẩn thận để cây đèn nhỏ như ngón tay không chao làm cháy đèn; đoàn diễn hành rời cổng trường với quyết tâm chiếm giải năm nay. 
 Đám con nít hàng xóm cũng là học sinh lớp nhỏ chạy theo hai bên đoàn diễn hành, người người hân hoan đổ ra đường đón chào làm cho những học sinh lớp nhì và lớp nhất cảm thấy như mình là tâm điểm và cũng là niềm hy vọng của            ấp mình                      
            Điểm nổi bật nhất của mỗi đàn diễn hành là đội lân của trường.  Đội lân là do học sinh tự tập tự diễn, gồm bốn-năm người thay nhau múa lân và cầm đuôi, ông địa bụng bự đội mặt nạ lúc nào cũng nhe răng cười phe phẩy cái quạt dẫn đường, người đeo cái trống trước bụng, người cầm hai cái xeng giống như nắp nồi bằng đồng. 
 Tiếng trống khi nhặt khi dồn dập, tiếng xeng khi mạnh khi cạ nhẹ, bước lân khi giơ cao khi sãi dài, đuôi lân lượn qua lượn lại, ông địa lúc chạy lúc thư thả, nhưng lúc nào cũng phía sau tấm bảng lớp để tên trường, đội lân dẫn đoàn diễn hành của trường mình qua đường phố.     Quanh nhà lục giác trong vườn bông lớn, các trường xếp hàng chờ loa gọi tên. 
 Khi một trường được gọi tên, lồng đèn lớn của trường được nâng cao lên, đoàn lân múa vài điệu mẫu, học sinh giơ cao đèn cá nhân, đồng hát và hô khẩu hiệu. 
 Điểm lồng đèn lớn đại diện cho trường, điểm đoàn lân, điểm diễn hành trật tự, điểm lồng đèn học sinh, tất cả được cộng lại để chấm giải. 
 Năm nào tôi cũng mang nỗi hân hoan trường mình được giải nhất (?), mau chân về nhà để được bánh kẹo mặc dù buổi chiều trước khi diễn hành, học sinh tập trung ở sân trường và đã được cô phát cho mỗi đứa một cái bánh trung thu nhỏ.
  Nhưng sau vài giờ rước đèn, viễn tượng bịch kẹo bánh đang chờ ở nhà càng lúc càng hối thúc bước chân.
    Mỗi năm, ba tôi hợp với vài gia đình trong xóm Phố Ba Mươi Căn có con cùng lứa với chị em tôi, tổ chức phát bánh kẹo.  Chú Sáu Sang có hai người con là Thanh Hiền và Hoàng Minh cùng tuổi với tôi và em trai tôi nên thường tham gia. 

  Chúng tôi hát, cười giỡn, ngốn ngoán kẹo bánh, trầm trồ lồng đèn của nhau. 
 Vài chiếc lồng đèn giấy kiếng trong sắc màu lộng lẫy trở nên lạc lõng giữa những lồng đèn bánh ú không được thẳng góc mấy nhưng dán đầy bông giấy, lồng đèn mặt trăng không được tròn trịa nhưng có đường viền tua tủa đủ màu sắc, lồng đèn ngôi sao góc cạnh vụng nhưng được che lấp bởi những chùm giấy màu nhuyễn cọng…
     Những lồng đèn con thỏ, con cá, ngôi sao, trống quân… làm bằng giấy kiếng trong đủ màu sắc được tô điểm bởi những nét vẽ của bàn tay nghệ nhân, được uốn cong khéo léo của những ngón tay nhà nghề treo lủng lẳng trước các cửa tiệm bên phố không bao giờ hiện diện trong nhà tôi.  Mắc và phí của! 

 Như đa số các gia đình có con trẻ, một ngày đẹp trời, má tôi đi chợ về, bày ra bàn bó sống lá và một xếp giấy đủ màu.  Tuy giấy màu mỏng loại rẻ tiền nên đục đục chứ không trong khiết như giấy kiếng, nhưng đủ để ánh sáng lấp lánh từ cây đèn cầy làm hân hoan niềm vui con trẻ. 
 Quậy hồ, ngâm sống lá, vuốt cây, cắt dán, chúng tôi miệt mài làm hết cái lồng đèn này tới cái lồng đèn khác. 
 Giấy màu được ưu tiên làm lồng đèn theo kích thước và kiểu mẫu do nhà trường hướng dẫn. 
 Còn lại là chị em tôi tha hồ làm đủ kiểu lồng đèn cho mỗi đứa. Và những chiếc lồng đèn sắc màu tươi mắt, ren tua tủa, hoa giấy uốn cong cánh điểm tô, theo vào giấc ngủ trẻ con, tô thắm niềm vui mùa trung thu. 

                                         
 Cả tuần! Đêm trung thu, đêm uống trà ngắm trăng, đêm thả đèn trên giòng sông Cà Ty êm đềm.  Đó là chuyện người lớn!  Với tôi, tôi chẳng bao giờ bận tâm đến ánh trăng có vàng rực hơn, cũng chẳng tò mò xem coi mặt trăng có tròn to hơn, và càng không có đủ kiên nhẫn đứng ngắm ánh đèn trôi nhẹ nhàng trên mặt nước trong đen. 
 Làm lồng đèn, được ăn bánh trung thu chung với bạn bè, được đi diễn hành, được bánh kẹo và nhất là… nhất là khi về đến nhà thì lại được má chia cho một góc tư cái bánh trung thu beo béo tròng đỏ trứng gà nằm ngạo nghễnh giữa hỗn hợp mứt bí và hạt dưa ngọt ngây ngọt lịm.
Và chắc cũng chẳng kịp rửa chân chứ nói chi đến chuyện đánh răng, dành được cái gối ôm, tôi lăn ra góc mùng, đi nhanh vào cõi mơ rộn ràng mà yên bình, miệng nhẻo nụ cười thỏa mãn.

                                            Võ Thị Điềm Đạm

                                   ~~~~~~~~~~~~~
                                        @@ Camly nhớ mãi những mùa Trung thu Saigon ...với lồng đèn con bướm ,con cá ,hay chỉ là những lon sữa bò ,lon beer được chế thành chiếc đèn có bánh xe đơn giản của các bạn hàng xóm nắm tay rủ nhau đi rước đèn khắp xóm ,khi Cly + đám bạn về nhà bà ngoại ,mẹ ,dì út đã chuẩn bị xong : bánh dẻo ,bánh nướng con heo và  nước ngọt ,trái cây, lũ con nít từ 5t -12t ngồi quây quần vui vẻ ca hát ....
 Kỷ niện tuổi thơ thật đẹp và trăng rằm tháng 8 lung linh huyền ảo .....

Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012

Melbourne


Năm nào cũng vậy. Cứ đến cuối năm là tôi lại bồn chồn muốn bay về Melbourne ăn Giáng Sinh, tất niên với gia đình, bè bạn. Tuy đây không phải là nơi tôi sinh ra nhưng nó là nơi tôi đã lớn lên và trưởng thành trước khi bôn ba với cuộc sống ở nhiều nơi, trên nhiều nước.
 Ở một phương diện nào đó, Melbourne đã có nhiều thay đổi. Nếu như trong thập niên 1980, 1990, hầu như không có một ai sống ngay trong khu trung tâm thành phố thường được gọi tắt là CBD (Central Business District) thì trong những năm gần đây có đến trên 40,000 người chọn sống trong ngay khu phố xá CBD đông người qua lại này.  
Cũng vì vậy mà mấy hôm nay đi vô city (nói theo kiểu người địa phương) tôi thấy Melbourne trông có vẻ như đông đúc, chật chội, ồn ào hơn. Mặc dù nó vẫn chỉ là thành phố lớn thứ hai của nước Úc (sau Sydney) với dân số khoảng độ chừng 4 triệu người. Nhưng nơi đâu, lúc nào cũng tấp nập người qua lại nhất là ở các tiệm ăn, quán uống của người Á Châu gần khu Chinatown ngay góc đường Little Bourke và Russell. Không như những thập niên trước đến Chủ Nhật là hàng quán, shopping đều đóng cửa, thành phố vắng tanh chẳng có một ai thì bây giờ những ngày cuối tuần lại là lúc phố xá lên đèn rộn rịp nhất với đủ màu da, sắc tộc sinh hoạt, mua bán, sống chung đụng gần nhau. Có thể nói bộ mặt của Melbourne CBD trong thập niên 2000 đã được hoàn toàn thay đổi.
 Theo các sách báo cho biết những sinh viên du học và thành phần di dân trẻ có tay nghề cao là những người có công trong việc giúp cho thành phố Melbourne có một bộ mặt mới. Không biết các bạn có biết không nhưng từ lâu giáo dục đã trở thành một trong những kỹ nghệ lớn nhất của nước Úc với hàng trăm ngàn sinh viên đến du học từ khắp mọi nơi, nhất là từ Á Châu. Trung bình mỗi sinh viên phải trả lệ phí học từ 30 đến 40 ngàn đô mỗi năm chưa kể tiền nhà, tiền ăn, sinh hoạt mỗi ngày. Riêng đối với những di dân đến nước Úc qua diện có tay nghề cao (skilled migration), đa số đều là những người có học thức cao, có nghề nghiệp vững chắc với bản chất cần cù, lương thiện. Họ chính là những người bươn chải nhất đã và đang giúp nước Úc phát triển ngày càng giàu mạnh. 
Nếu như mỗi năm nước Úc chỉ nhận khoảng 12,000 người di dân qua diện nhân đạo (trong đó bao gồm cả những người tỵ nạn) thì từ đầu thập niên 2000 cho đến nay, mỗi năm nước Úc cấp gần 200,000 visa cho phép những người có tay nghề cao sang nước Úc định cư vĩnh viễn. So với dân số của cả nước chưa đến 23 triệu người thì đây rõ là một con số khá lớn. Cả hai thành phần này đa số lại là những người Á Châu đến từ những thành phố lớn sầm uất nhất thế giới như Hồng Kông, Seoul, Bombay, New Dehli, Kuala Lumpur, v.v…từ nhỏ họ đã quen sống ở những nơi chật hẹp, đông đúc người qua lại nên việc họ chọn ở ngay khu trung tâm thành phố thay vì ở những khu suburb xa, vắng vẻ âu cũng là điều dể hiểu.
 Nếu có dịp, chắc chắn các bạn nên ghé thăm thành phố Melbourne nằm ngay góc đông nam của lục địa Úc Châu. 
 Vì xen lẫn những khu phố nhỏ phủ đầy cây xanh phảng phất vẻ đẹp cổ kính của những thành phố ở Châu Âu là sự náo động, ồn ào mà bạn đã từng thấy ở  những khu đô thị trong vùng Đông Nam Á. Có thể nói cho đến nay Melbourne đã may mắn dung hòa được cái gọi là ‘the best of both worlds’ – những gì tốt nhất của hai thế giới Đông và Tây.Nhưng trên một phương diện nào đó, đối với riêng tôi, Melbourne vẫn vậy không một chút thay đổi.
 Khu Glenroy nơi ba mẹ tôi định cư gần 30 năm nay vẫn thế, không đông hơn, cũng chẳng ồn ào hơn tuy nó cách trung tâm thành phố chỉ độ chừng 15 phút lái xe. Vẫn khu chợ Coles nhỏ bé với vài hàng quán, tiệm bánh mì, take away.
 Vẫn những căn nhà vách gạch, mái ngói với sân cỏ trước sau. Và những con người bình dị, hòa đồng, hiếu khách. Đám bạn tôi cũng thế. Ai cũng có từng ấy việc làm, một chồng, một vợ với hai ba đứa con chạy quanh nhà. Nhà cửa, xe cộ, cơ nghiệp ai cũng có. Và hạnh phúc với những gì chúng nó đã đạt được. 
Năm nào tôi về chúng nó cũng hỏi tôi: mày có định về lại đây không?Có chứ.
 Năm nào về lại Melbourne, mỗi tối trên quãng đường về nhà quen thuộc, tai nghe tiếng hát nhẹ nhàng trầm ấm của Michael Buble trong nhạc phẩm nổi tiếng ‘Home’ tôi cũng muốn quay về:

Another summer day
has come and gone away
Paris or Rome, but I wanna go home
(Một ngày hè đã đến và đi, Paris hay Rome, nhưng tôi muốn về nhà)
Maybe surrounded by
a million people but I
still feel all alone
I just wanna go home
(Quanh tôi có thể là hàng triệu người, nhưng tôi vẫn thấy cô quạnh, tôi chỉ muốn về nhà)

Tiết tấu nhạc vừa chậm, vừa buồn lại càng làm cho tôi muốn quay trở về nơi luôn cho tôi có cảm giác thật bình yên, lắng đọng. 
Nhưng có lẽ mỗi người một số phận. Ngay cả khi ý muốn của chúng ta là được sống gần gia đình, gần cha mẹ nhưng thực tế và những hoài bão riêng tư của mỗi người sẽ mang ta đến nơi mà cũng chính ta tự chọn cho là ‘home’. Và như trong bài blog tuần trước tôi đã chia xẻ với các bạn: Home is where the heart is.

                                     Trịnh Hội.
 
                                 @@tks TH ,beautiful city 

Tranh Thơ Mùa Thu


SÀIGON NHỮNG CON HẺM NHỎ

 Ði đâu xa tôi vẫn nhớ những con hẻm nhỏ của Sài-gòn. Tôi đã may mắn được đi hết năm châu bốn biển, nhưng chưa thấy quốc gia nào có những con hẻm nhỏ như ở Sài Gòn.
Ở Hồng Kông chỉ có những tòa nhà chọc trời, những đường xe điện ngầm "xuyên bang", với hàng quán shopping tấp nập như một thành phố bên dưới một thành phố, không cách chi tìm được một con hẻm nhỏ.
Ở Thái Lan có những đêm tôi tò mò thả bộ suốt đêm để tìm hiểu dân tình và... đường xá. Những con hẻm ở Băng-Cốc so với Sài Gòn là những con hẻm lớn.

Ở Cam-pu-chia có thể là có những con hẻm gần giống với Sài Gòn, nhưng vẫn khó tìm ra được những con hẻm nhỏ.
 Nói "có thể" vì tôi chưa sống qua một thời gian lâu dài ở nước này, nơi mà ngay cả nhiều người Cam-bốt kiều (?) cũng không dám về, do tình hình bất an với me xanh me đỏ - Khờ Me xanh, Khờ Me đỏ - cộng thêm sự tranh chấp dữ dội giữa chánh quyền Hunsen và Shihanouk
.Tôi cũng tò mò tìm vào những xóm nhỏ, nhưng tựu trung chúng vẫn là những con hẻm lớn hơn so với những con hẻm Sài-gòn, dù là rất dơ bẩn, nước sình bùn chảy dài trong khi dân cư họp chợ ngồi chồm hổm lổng nhổng trên mặt nước.
Ở Băng Cốc cũng có những khu chợ sình ngập đến gần mắt cá, mang dép bước vào là hai bàn chân ngập sình đen ngòm.Nhưng vẫn không tìm được những con hẻm nhỏ.Khi trước nhà tôi ở quận Ba, trong hẻm Niệm Phật Ðường Huệ Quang ngó ra đường Phan Ðình Phùng, sau này đổi tên thành đường Nguyễn Ðình Chiểu. 

Hẻm này thông ra một cái chợ gần trường tiểu học Bàn Cờ. Cái chợ này sáng sớm đã ồn ào, với những hàng xôi, chè, bánh mì, chè, cháo, bánh xèo, bánh cuốn, bánh mì hấp, bánh bèo
Mỗi sáng tôi thường ra đây làm gói xôi hoặc khúc bánh mì.
Gọi là khúc chứ không phải ổ, vì ổ bánh mì rất dài và ốm, được cắt thành từng khúc bán cho người ăn sáng. Hôm nào có tiền thì ăn bánh mì ba-tê, thiếu tiền thì chỉ mua khúc bánh mì chan nước cá cũng xong bữa điểm tâm. Gần chợ là trường tiểu học Bàn Cờ.

 Từ đây đi bọc ra sau là khu Cư xá Ðô Thành dẫn ra đường Phan thanh Giản, gần đó là bệnh viện Bình Dân, bên kia đường xích về phía Lê văn Duyệt là trường Văn Học của nhà thơ Nguyên Sa. Hầu hết những con hẻm này là những đường hẻm cỡ trung bình, đủ cho xe ba gác đi lọt . 
Nhưng nối liền những con hẻm trong khu Niệm Phật Ðường Huệ Quang là những đường hẻm rất nhỏ, có khi chỉ một xe Honda đi vừa, hoặc chỉ vừa đủ cho hai xe đạp đi ngược chiều nhau .Lại có những đường hẻm rất nhỏ chỉ đủ cho một xe đạp hay một người đi .
Từ hẻm Niệm Phật Ðường Huệ Quang, có một hẻm nằm ngang, thông ra đến ngoài đường Phan Ðình Phùng gần trường "Ô-Ro", cái tên chúng tôi vẫn dùng để gọi một trường tiểu học khá nổi tiếng gần ngã tư Phan Ðình Phùng - Cao Thắng. Hẻm này khá nhỏ và lắt léo, cong cong quẹo quẹo .
Ðầu hẻm chỗ đâm ra đường Phan Ðình Phùng có một nhà thuốc Tây, nơi tôi vẫn thường đến mua thuốc trụ sinh để trị bệnh mũi kinh niên của mình, mua riết đến nỗi bà dược sĩ quen nhẵn mặt
Khúc đầu hẻm bề ngang chỉ đủ cho 2 xe Honda đi ngược chiều nhau. Nhìn xéo qua bên kia đường là nhà sách Thanh Bình.Ði xích xuống về phía đường Cao Thắng là nhà bảo sanh Hồng Ðức.
Cạnh nhà bảo sanh lại có một con hẻm nhỏ, bề ngang chỉ vừa đủ cho 2 chiếc Honda đi song song, hoặc đi ngược chiều một cách chật vật.

 Ở đầu hẻm, một bên là nhà bảo sanh Hồng Ðức, một bên là Nhà vẽ Văn Phong, cũng là nhà của Quy, một thằng bạn từ tiểu học.Con hẻm này đi suốt vào đến tận cùng là nhà của Mai, một thằng bạn tiểu học khác.
Thời tiểu học, tôi vẫn thường đi suốt con hẻm này vào nhà Mai, trước nhà có một cái sân xi măng vừa đủ chơi, phía trên là một cái cây lớn có tàn che mát những hôm trời nắng.Từ con hẻm này, lại có con hẻm nhỏ đâm ngang, thông ra một con đường không tên.

 Trên giấy tờ đường này cũng là một con hẻm, nhưng lại khá lớn, đủ rộng cho xe chạy hai chiều, kể cả xe hơi và xe ba gác, nên chúng tôi vẫn kêu nó là con đường.
 Ðầu đường mé Phan đình Phùng có tiệm giò chả Thanh Hương.Giữa đường là nhà mướn của nhà văn Nguyễn Ðình Thiều, đầu đường mé Trần Quí Cáp là một đồn lính Ðại Hàn. Con đường này nối liền hai đường Phan Ðình Phùng và Trần Quí Cáp. Mé đầu đường gần đồn lính Ðại Hàn lại có một con hẻm nằm ngang, đầu hẻm trông như cái hầm, trong hầm có xe bán thức ăn.
Hẻm này thông ra một con đường khác cũng nối liền Phan Ðình Phùng và Trần Quí Cáp. Ðầu đường chỗ Trần quí Cáp là tiệm cá hấp Tám Lọ, đối diện là trường tiểu học Minh Chánh. Cái hẻm ngang này khá "lớn", bề ngang đủ cho ba xe Honda đi song song, hoặc hai xe đi ngược chiều thoải mái, nhưng khúc giữa tóp lại, chỉ đủ cho một xe đi lọt. 

 Tôi và Mai thường hay đi xuyên con hẻm này, vì gần chỗ Tám Lọ là một tiệm đá banh bàn, bề ngang tiệm chỉ vừa đủ đặt một bàn banh và đủ chỗ cho một thằng học trò ốm yếu như tụi tôi đi lách qua, lưng ép sát vào tường.
 Chiều dọc tiệm banh đủ đặt bốn cái bàn.Ở cuối tiệm lúc nào cũng có bà chủ người Trung mặc bộ đồ bà ba ngồi đổi tiền giấy ra tiền cắc cho chúng tôi đá banh.
Tôi và Mai đã từng say mê đóng đô tại đây trong suốt những năm tiểu học.
Về sau, khi Mai sắp qua đời, tôi và nó còn đến đây đá thêm một trận nữa . Năm đó chúng tôi học lớp 10.

 Sau cơn bạo bệnh, Mai bỗng nhiên tỉnh dậy mạnh khỏe như thường, đến tìm tôi và chúng tôi lại rủ nhau đến đây đá banh, có lẽ để hồi tưởng lại những ngày tiểu học, vì khi đó chúng tôi tự coi mình như đã "lớn", không thèm chơi banh bàn nữa, mà chỉ thích ngồi quán cà phê nghe nhạc tiền chiến, nhạc phản chiến hoặc nhạc kích động của Mỹ, nhạc nào cũng mở lớn đến điếc con ráy, nói chuyện phải hét vào tai nhau mới nghe rõ.Chỉ sau hai tuần đi thăm hết bạn bè, Mai bỗng nhiên bị cảm trở lại rồi qua đời .
 Năm lớp mười tôi đi chôn nó.
Theo người ta nói, có lẽ nó "hồi dương", tỉnh dậy đi thăm bạn bè lần chót. 
Tôi và Hoàng, thằng bạn chung xóm thi vô Ðệ Thất ba năm không đậu, cuối cùng phải đi học trường tư, cùng với chị Lèo chung xóm đi đưa đám Mai .Gọi Lèo là chị vì cô ta hơn tôi một tuổi, hình như cũng hơn một lớp, học lớp 11 hay gì đó.
Còn thằng Hoàng, dù hơn tôi hai tuổi mà vẫn xưng hô mày tao, vì nó với tôi chơi chung như bạn, hai đứa cùng thi vào Ðệ Thất chung một năm với em gái nó, vì nó thi rớt hai năm nên em nó bắt kịp.

Cuối cùng nó xui xẻo vẫn rớt, còn tôi thì đậu gần cuối sổ, nhưng cũng may mắn vào được trường công. Lèo hồi đó vừa sang vừa đẹp, lại hơn một tuổi, nên tôi không dám tán.
Sau ra nước ngoài, nghe tin thằng cháu kém tôi hơn mười tuổi đang cặp với.... "con Lèo", thật là hậu sinh khả ố!
Tuy đã đi qua nhiều hẻm nhỏ, nhưng có lẽ chưa con hẻm nào nhỏ cho bằng con hẻm cạnh chùa Tam Tông Miếu đường Cao Thắng. Ðây là một con hẻm dài, khá dài so với những con hẻm khác.
Hẻm này ăn thông từ đường Cao Thắng ra đến khu Cư xá Ðô Thành, khúc đi ra bệnh viện Bình Dân.

Con hẻm này nhỏ đến nỗi chỉ có một xe đi lọt. Xe đạp thì đỡ hơn, còn Honda thì đi khá chật vật.
Ðặc biệt là có một khúc cua, xe nào cũng phải lách tới lách lui mkhỏi, rồi mới vào hẻm .
Nếu không cả hai xe sẽ kẹt trong hẻm, một xe phải lùi lại cho xe kia tiến lên. 

Tôi rất thích đi xe đạp, và còn thích đi bộ hơn nữa trong con hẻm này, không hiểu tại sao, có lẽ tính tôi hay tìm những ngõ ngách lắt léo của cuộc đời.
Vì vậy nên đã có lần tôi đứng chờ em suốt ba ngày dưới mưa cạnh con hẻm này .

Em không thèm đến, nên tôi bỏ cuộc. Về sau em trở lại theo, tôi giận không thèm, đi tìm em khác!
 Lúc trở về thăm xóm cũ thì cả hai đã tròm trèm bốn mươi, em vẫn còn nói với tôi, em luôn luôn là người đi sau một bước. A! Phải chi em chịu gặp tôi dưới mưa!...
Ðúng vậy, có lẽ tôi là người đi sớm, quá sớm, nên phải đứng dầm mưa tầm tã suốt ba ngày ướt nhẹp!
 Nhưng tôi biết, tôi đứng dưới mưa vì thích thế, chứ chưa chắc là tôi cần em đến!??
Nói về hẻm thì kể mãi tới chiều cũng không hết.

  Có những con hẻm trong chợ Bàn Cờ gần cuối đường Phan Ðình Phùng thông ra hông chợ ở đường Nguyễn Thiện Thuật.
Lại còn khu Vườn Bà Lớn trước Tết Mậu Thân, trong Tết bị chiến tranh cháy rụi, về sau xây lại thành khu chung cư Nguyễn thiện Thuật, tiếp giáp với đường Phan thanh Giản, đầu đường có trạm xăng và Viện Bài Lao, gần đó là nhà của nữ tài tử cải lương Lệ Thủy.
Trước Tết Mậu Thân năm 68, tôi có lần vào Vườn Bà Lớn mướn xe đạp đi chơi, bị mưa phải dắt xe đi bộ nước ngập đến đầu gối, vừa đi vừa khóc vì lạc trong ma trận đầy dẫy những con hẻm nhỏ ngoắt ngoéo không tìm được lối ra. Sau phải nhờ con nhỏ thua mình đến mấy tuổi dẫn đường mới biết ngõ ra . 

Cũng lạ, nghĩ lại sao hồi đó người cho mướn xe không sợ, mà người mướn là tôi cứ sợ không tìm được nhà người cho mướn để trả xe!
Lại còn những con hẻm trong khu trường tiểu học Phan Ðình Phùng, gần chùa Kỳ Viên Tự ở góc đường Phan Ðình Phùng và Bàn cờ. Sát bên là trường tiểu học tư thục Bình Dân Học Hội và chùa Phước Hòa .

 Trong khu này có những con hẻm thông ra Hồng Thập Tự, có những "hẻm hầm", đi như đi trong hầm bên dưới núi, thông ra nhà thờ Ðức Bà hay gì đó (không phải là Nhà thờ Ðức Bà hay Vương Cung Thánh Ðường gần Bưu Ðiện).
 Những đường hẻm này dẫn ra đến công viên đường Hồng Thập Tự và công viên "Ðại Hàn" đối diện trường Petrus Ký, gần bùng binh góc đường Lý Thái Tổ và Hồng thập Tự.
Nằm gần đó trên con đường nhỏ ăn thông từ Nguyễn thiện Thuật ra Lý thái Tổ là tiệm cà phê Năm Dưỡng, đối diện tiệm cà phê trong một con hẻm nhỏ là nhà của nghệ sĩ Hùng Cường. Có lần đi ngang cà phê Năm Dưỡng, tôi được thấy Hùng Cường tướng thật đẹp trai từ trong nhà đi ra, cả khu phố nhìn theo với ánh mắt trìu mến và ngưỡng mộ.
Những con hẻm này cũng là khu tôi từng mài đũng quần những năm tiểu học, buổi sáng học trường Phan Ðình Phùng, buổi trưa học thêm trường Cô Hạnh. 

Nhiều buổi tối rủ nhau ra công viên bắt dế cơm, dế trống, gặp mấy đứa lạ đến làm quen rủ chơi năm mười tôi tự xưng tên Vũ, tới khi nó gọi tên cũng không nhớ là nó gọi mình. Không hiểu sao nó lại nhớ tên, trong khi chính mình cũng không nhớ. 
Nhưng mãi đến giờ mấy chục năm sau tôi vẫn còn dùng tên này làm bút hiệu .
Những con hẻm nhỏ thân thương của Sài Gòn, tôi nghĩ một ngày nào đó có lẽ cũng không còn, theo đà tiến bộ của hệ thống giao thông và phát triển đô thị .
Nhưng tôi mong rằng chúng sẽ không thay đổi. Thật ra, đối với tôi, chúng không bao giờ thay đổi .

 Ở Mỹ hơn hai mươi năm, nhiều khi tôi vẫn cảm thấy mình như người khách lạ. 
Nhưng sau hai mươi năm trở về khu xóm cũ, những người quen vẫn tay bắt mặt mừng, những con hẻm thân thương vẫn hân hoan chào đón.
Tôi chợt hiểu ra! Ðường xá dù thay tên đổi họ, những con hẻm và lối đi quen thuộc vẫn mãi mãi thuộc về tôi. Thành phố vẫn thuộc về Lệ Thủy, Hùng Cường.
Nó mãi mãi vẫn là nắng Sài Gòn anh đi chợt mát của Nguyên Sa, vẫn là khu phố quen thuộc với các vũ trường ăn chơi nhảy nhót của Nguyễn Ðình Thiều.
Vẫn là thành phố vang vọng tiếng hát cải lương của Thanh Nga, Bạch Tuyết và gánh Dạ Lý Hương.

 Những con hẻm nhỏ vẫn mãi mãi là của Mai, của Lèo, của Hoàng và của tôi.
 Nhà cửa dù xây lên, đập xuống, khu phố dù kẻ đi người ở, vẫn mang một linh hồn thủy chung không thay đổi.


Cô gái Sài Gòn vẫn là người chinh phụ đi sau một bước, suốt hơn hai mươi năm vẫn ngày ngày tựa cửa đợi chồng .
 Những người mới dù vào Sài gòn hơn hai mươi năm vẫn là khách lạ, sống cô đơn trong những khu phố đầy người tôi quen, những khu xóm quen thuộc mà tôi rành từng cành cây, khúc quẹo.
Những con hẻm nhỏ ôm ấp nhiều kỷ niệm vẫn vui mừng chào đón tôi về.
Những con hẻm thân thương đã cho tôi sự giao thông cực kỳ tiện lợi và ấm cúng, những đường đi lắt léo trong những ngõ ngách tế nhị của cuộc đời.

 Chúng vẫn mãi mãi thuộc về tôi!

                       ~~~~~ NTDung ~~~~~
                            @ tks,t/g "rất đồng ý t/g diển tả đúng tâm trạng của riêng Cly ,nhớ lắm con hẻm thủa thơ ấu và căn nhà hạnh phúc của gia đình bên cha mẹ + người thân bao năm qua ở Sgon tôi yêu  ".. 
Những con hẻm nhỏ ôm ấp nhiều kỷ niệm vẫn vui mừng chào đón tôi về. " Sgon ,,,,,Sgon một thời để yêu để nhớ .!
                                               Camly 
                                               09/2012
 09/2012 

Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

Quê Hương Với Cái Đòn Gánh Thân Quen


Xem ra, các dân tộc trên thế giới, người đàn bà, con gái không nơi nào dùng đòn gánh như người Việt Nam.
Người Tây phương, người Ả Rập, người Phi Châu, người Mỹ, Nam Mỹ, họ chỉ đội trên đầu, tay xách hay ôm, vai mang (như mang ba-lô) chớ không gánh như người Việt Nam.Có lẽ nền “Văn Minh Cây Tre” sinh ra “Văn Minh Cái Đòn Gánh” bởi vì cây đòn gánh làm bằng tre, không làm bằng gỗ. Gỗ cứng ngắt, không uyển chuyển, không “mềm” nên không làm đòn gánh được.
Đòn gánh làm bằng gỗ gánh đau vai lắm. Đòn gánh làm bằng tre uyển chuyển hơn, hai đầu nặng của đòn gánh nhún nhảy hơn nên đỡ đau vai nhiều.
Người Việt Nam dùng tre trong nhiều việc, cũng từ đó mà sinh ra cây đòn gánh để người ta dùng.
Đòn gánh thường làm bằng tre đực (tre đực là tre đặc ruột), bị đẻo mất mộ nửa, giữa hơi dày để chịu sức nặng, hai đầu hơi mỏng để dễ uyển chuyển.
Đầu đòn gánh có mấu để giữ cho đầu gióng không di chuyển được, không vuột ra khỏi đòn gánh.
Có khi ở đoạn giữa đòn gánh, người ta cặp thêm một đoạn tre ngắn để chịu được nhiều sức nặng hơn.
Gánh những món hàng tương đối nhẹ, như bán chè, bán cháo… người ta dùng loại đòn gánh không cặp thêm cho nhẹ vai. 

Với những vật dụng nặng hơn như gánh lúa, gánh gạo, người ta dùng loại đòn gánh có cặp thêm tre.
Với những món hàng nặng hơn nữa, như cá, củi, than, người ta không dùng loại đòn gánh ngang bằng mà dùng loại hai đầu cong vễnh lên.
Gánh hàng rong là người ta gánh bún, phở, cháo lòng đi bán rong quanh xóm, quanh
làng từ sáng tới chiều. “Gánh hàng hoa” 

- Như tên một truyện của Khái Hưng - là cô gái gánh hoa ra chợ bán, có khi chợ sớm, có khi chợ chiều.
 Do đó mới có câu ca dao:
“Thân em như gánh hàng hoa, Sớm qua chợ sớm, chiều qua chợ chiều.”

 Gánh lúa là người ta gánh lúa từ đồng về nhà. Gánh củi là gánh từ rừng về, cũng hơi xa. ,Gánh cá là xa nhất
Để kịp chợ, để cá được tươi,người gánh cá vừa gánh vừa chạy, thành từng đám cho vui bạn bè.
Gánh lúa cũng có thể dùng đòn gánh hay dùng đòn xóc.
Đòn xóc là một loại đòn gánh nhưng hai đầu nhọn để đâm mũi nhọn vào bó lúa cho dễ.
Gánh lúa là hình ảnh tiêu biểu cho nông dân Việt Nam, nên việc gánh lúa đi vào trong thơ, trong nhạc, và cả trong địa lý.
Trong thơ thì có: “Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non”

 (Ca dao),
 trong nhạc thì có “Gánh, gánh, gánh
… Gánh lúa về…”

(Gánh Lúa - Phạm Duy và Lê Yên).
Về địa lý, người ta ví đồng bằng sông Nhị và đồng bằng sông Cửu Long như hai thúng gạo, miền Trung là cái đòn gánh.Phạm Duy viết: “Gạo Nam, gạo Bắc, đòn miền
Trung, gánh đừng để rơi.” đòn gánh làm bằng tre, rất uyển chuyển làm cho người gánh bớt đau vai và thấy nhẹ, nên người Tây dịch chữ đòn gánh là fléau, lấy từ nghĩa của động từ flechir là bẻ cong, còng, làm xiêu, làm dịu, oằn, giảm bớt, hạ xuống.

Sở dĩ người Tây phải dịch là vì xứ họ cũng như Tây phương, Mỹ, Nga không có đòn gánh.
Như mọi người biết, cây tre rất đa dụng. Trước hết, tre làm hàng rào, bảo vệ từng nhà, từng làng.
Giặc cướp, quân xâm lăng khó vượt qua được những lũy tre làng để tiến vào làng nên nhiều nhà sử học cho rằng, cây tre, lũy tre đã góp phần vào việc giúp người Việt Nam giữ vững nền độc lập.

 Đó là nói về chiều sâu, chiều xa.
Gần gủi và cụ thể thì
tre giúp người Việt Nam làm nhà như cột kèo, phên vách, cửa nẽo, kết tranh; làm dụng cụ như thúng, mũng, trẹt, nong… và đòn gánh, đòn xóc.
 

Người không chuyên thì chỉ gánh được một vai, thường là vai phải. Có người gánh được cả hai vai, nhất là những người phải gánh đường xa.
Lúa gánh từ đồng về nhà có khi cũng xa lắm
Gạo gánh từ nhà ra chợ bán cũng xa lắm. Nhứt là mấy bà gánh cá như tôi nói ở trên thì lại quá xa.
Vì vậy, khi gánh một vai bên nầy lâu quá, mỏi thì người ta đổi qua vai kia. Trên đường dài, người gánh phải đổi vai nhiều lần như vậy.
Người ta phải tập mới gánh được. Mấy cô gái quê, 15, 17 tuổi là phải tập gánh.
Khôngbiết gánh, công việc đồng áng tất phải trở ngại. Ban đầu, người ta gánh vài ba chục ký.
Sau đó, khi gánh quen, bớt đau vai thì trọng lượng gánh được tăng lên. Đàn ông lực lưỡng, nếu quen, có thể gánh tới 150 Kg.
Những gia đình ở gần sông, phần đông các cô các bà đều biết gánh nước.

 Tắm giặt có thể ở sông, nhưng phải gánh nước về nhà để nấu ăn.Ngày xưa, người ta gánh nước trong cái thùng gỗ, thùng tre trét nhựa đường cho khỏi chảy.
 Sau nầy, khi có dầu hôi thì người ta thường dùng thùng dầu hôi để gánh nước.
Thùng dầu hôi hiệu Con Gà (Có hình con gà bên hông) hay Con Sò (Có hình con sò bên hông) dung tích 20 lít, nặng 20Kg. Hai thùng hai đầu là 40Kg.
Gánh 40 Kg đi lên dốc bờ sông, nhiều khi đường trơn trợt, cũng là một khổ nạn.
Tuy nhiên, nước sông khi trong khi đục, khi dơ khi sạch, nhứt là khi có nước lũ thì nước đục ngầu, không nấu ăn được.Để có nước nấu ăn, ở thôn quê, người ta thường đào giếng. 

Làng có những cái giếng chung, xây bằng gạch hay đá.Giếng rộng và sâu, đủ nước cho nhiều gia đình. Giếng thường đào bên cạnh gốc đa để có bóng mát cho mấy bà mấy cô ngồi giặt giũ hay chuyện trò.
Giếng làng là nơi tập trung cho mấy cô thông minh; thông minh nên “nhiều chuyện”.
Đi gánh nước cũng là dịp mấy cô gặp nhau để “nhiều chuyện”, chuyện nầy chuyện kia, chuyện mấy cô mấy cậu, chuyện ông nọ bà kia.
Người gánh nước giếng phải mang theo cái gàu; gàu mo hay gàu sắt, gàu tre
. Bạn có biết cái đòn gánh tạo ra cái áo nối vai hay không?
Người Huế, nói chung là người miền Trung, không như người Nam, mỗi khi ra các mệ ,các O xứ Huế ra đường đều mặc áo dài.Mặc áo dài mà đòn gánh đằn vai thì chỗ đòn gánh đặt lên vai áo mau sờn, mau rách. 

Chỗ vai áo thì đã sờn mà cái áo còn tốt nên người ta cắt miếng vải nối vai.
Cái áo trở thành áo nối vai, có khi đồng màu, có khi không. Tôi từng thấy những cái áo dài đen hay nâu nối vai vải trắng.
Cái áo nối vai chứng tỏ cho người ta thấy nỗi khó khăn, gian khổ, vất vả của người đàn bà Việt Nam.
Nói tới “Áo Dài Việt Nam” mà quên cái áo nối vai là một thiếu sót lớn!

 Cách đây ít lâu, đọc cuốn “Hiền Lương Chí Lược” của một ông chú họ, nói về quê nội tôi, tôi thấy ông chú dùng chữ “Đòn gánh đằn vai” để mô tả sự đảm đang của người đàn bà quê nội tôi.
Nó cũng có nghĩa như buôn tảo bán tần vậy. Hễ buôn bán thì “đòn gánh đằn vai.”
Mấy tiếng ấy, lâu ngày đã quên, nay có người nhắc lại, tôi thấy xúc động lắm.

                                 
~~~~~  T
uệChương~~~~
                                                                
                  @@  Dù bạn hay Cly sinh trưởng nơi đâu Bắc ,Trung ,Nam ,hiện tại ban đang sinh sống ở Bắc mỹ ,Âu châu ,Úc châu , Á châu ...
Hình ảnh cánh đồng lúa vàng , đòn gánh ,hay chiếc nón lá vẫn là hình ảnh gần gũi thân quen trong lòng mỗi người Việt tha hương chúng ta ,khi nghe bài dân ca ,câu hò ,câu lý ,hay tiếng sáo trúc ,tiếng đàn bầu ,đàn tranh .... ta lại ngỡ mình đang sống nơi quê nhà ...

Bài “Mưa rơi” của Ưng Lang -Thanh Trang

 Lớp người trẻ ngày nay có mấy ai biết đến bài hát “Mưa rơi” của Ưng Lang không nhỉ? “Trẻ” có nghĩa là bốn mươi lăm, năm mươi trở xuống.
 Mà cho dù không mấy ai biết đến đi nữa thì chắc chắn cũng chả phải do nơi lỗi của họ; vì nếu như các CD trên thị trường, các chương trình gọi là “Nhạc thính phòng”, các ca sĩ chỉ quen hát những “Mưa Sài Gòn mưa Hà-Nội” của Phạm Đình Chương (phổ thơ Hoàng Anh Tuấn; cả hai đều đã qua đời) và “Đuờng xa ướt mưa” của Đức Huy, chẳng hạn, thì làm sao người nghe người ta biết đến những giai điệu đẹp của một thời đã qua, tưởng chừng như lâu lắm! 
 Tuy cũng cần mở ngoặc để nêu sự thể là cả hai bài tôi vừa dẫn làm ví dụ đều là những bài có giá trị cả; và nếu chỉ đưa ra những bài ngang ngửa như thế thì còn nói mà làm gì. Chỉ phiền là người nghe vẫn cứ phải nghe những bài về mưa chả có ra làm sao cả! 
Đối với lớp người thích nghe ca hát thuộc cái lứa sáu mươi đổ lên thì hẳn nhiên bài hát “Mưa rơi” của Ưng Lang không lấy gì làm xa lạ! 
Ai khác sao không biết nhưng riêng tôi thì xưa giờ lúc nào cũng có thể nghe đi nghe lại cả chục lần trong một lúc bài “Mưa rơi” mà chả cảm thấy phiền hà gì hết!
 Nghe vào những hôm sắc trời ủ dột, mây đen kéo tới rồi cứ thế mưa rả rích trong đêm thì lại càng cảm thấy thấm thía; và cứ thế mà nhớ nhung đủ thứ chuyện xa chuyện xưa!Nhạc sĩ Ưng Lang năm nay, 2008, tám mươi chín tuổi. Xem danh tính, chẳng cần quen thì ta cũng đều biết ông là người xứ Huế, thuộc hàng danh gia vọng tộc! 
Tám mươi chín nhưng trông ông vẫn có khuôn mặt cân đối, đặc biệt thanh lịch.
 Giọng nói vẫn còn âm sắc rõ ràng. Đủ biết là xưa kia ông đẹp giai và hấp dẫn đối với đám nữ lưu xứ Huế cỡ nào!Gặp ông, tôi nhắc lại bài “Mưa rơi” và bài “Chiều tiễn biệt” mà xưa kia người ta đã từng đưa vào bộ phim Việt Nam ở Sài Gòn vào cái thời cuối thập niên 50. Thường thì bao giờ gặp gỡ những vị như thế này tôi đều một mực kính cẩn và tri ân. 
Không có các vi ấy thì xưa kia hồi còn nhỏ tôi đã chẳng đuợc nghe những giai điệu đẹp đẽ của các vị để rồi từ đó yêu thích âm nhạc! 
Ai trong giới sáng tác bất cứ bộ môn gì mà làm ra cái kiểu như “tài năng” của mình là do ”trời phú”, chả có rau Mơ rễ Má gì với giống người thì tôi đồ chừng là trước sau cũng chả làm nên cơm cháo gì!
Tôi còn nhớ khi đề cập đến bài “Mưa rơi” thì tôi có tò mò hỏi thăm đôi điều và đuợc ông dẫn giải về “lai lịch” của nó như sau:
 - Thưa Chú, nguyên lai gì dẫn đến bài “Mưa rơi” ?
- Ấy là năm 45. Tôi đang làm việc ở Vinh, ngoài Thanh Hóa, vì nghề của tôi là Kỹ Sư Công Chánh.
- Dạ?
- Thế rồi tôi quen cô ấy!
- Chú cho cháu biết danh tính đuợc chăng?
- Tên là XX (*) ; mẹ của YY (**) về sau này.
- Tức là nữ ca sĩ YY?
- Đúng rồi!
- Kiểu như lời lẽ trong bài hát thì sau đấy hai người xa nhau?
- Đúng rồi! Hỏi xong thì tôi mới sực thấy mình là ngớ ngẩn! Đôi bên ngày đó không xa nhau thì người ta đã thành vợ ông rồi còn gì? Mà đã lấy đuợc nhau thì dễ gì có bài hát? Đã lấy đuợc nhau thì làm gì lại có chuyện :”Ai đi, như xóa bao lời thề? Thuyền theo nước trôi không về.. Thấu cùng lòng ai não nề nơi chốn phòng khuê ? Mưa rơi …” (***)- Thế rồi về sau Chú có gặp lại người ta?
- Có! Có gặp lại, nhưng rồi người ta cũng đã qua đời!
- Chú ở lại Vinh cho đến năm nào?
- Nhật nó đảo chánh một cái là tôi trở về Huế!
- Chú ở Huế đuợc bao lâu?
- Sau đảo chánh năm 63 thì tôi vào Sài Gòn!
- Vậy thì khi người ta đưa bài hát “Chiều tiễn biệt” vào phim xi-nê tức là Chú viết bài đó ngoài Huế?
- Đúng rồi!Bài “Mưa rơi” nó hay ở chỗ nào?


 Nó hay ở giai điệu cùng lời lẽ theo phong cách của thời “Tiền chiến”. Nó hay và đẹp ở chỗ nó rất giản dị. Tôi còn nhớ lời của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn”Khi mới bắt đầu sáng tác thì tôi cứ tìm cách làm sao cho cầu kỳ phức tạp, sao cho “lạ”, thế nhưng càng về sau, càng có kinh nghiệm rồi thì tôi thấy rằng làm thế nào cho hay mà giản dị thì mới là điều khó!”
 Thì chứ còn gì nữa!Chỉ cần một người biết đệm ghi-ta sơ sơ, từ đầu đến cuối bài “Mưa rơi” mà cứ bấm hợp âm “Re Trưởng”, một hai chỗ chêm vào hợp âm “Sol Trưởng” hoặc “La Trưởng bực 7” và thế là xong!
 Mà giai điệu của người ta hay thì vẫn cứ là hay! Chà cần gì phải làm ra cái kiểu “uyên bác”, ba hồi thì “augmenté”, ba hồi thì “diminúe”, ba hồi thì “6 è” hay là “9è”, nói theo tiếng Pháp, thì mới ra trò “đặc sắc”!
 Cứ xem những bức danh họa của Tàu khi xưa, có bao nhiêu màu sắc nếu không phải chì là mực Tàu nhưng ba hồi đậm, ba hồi nhạt; mà rồi danh họa thì vẫn là danh họa chứ việc gì cứ phải tô trát đủ thứ màu mè vào đấy?
Tôi đàn bài “Mưa rơi” như để trở về với những kỷ niệm của một thời rất xưa cũ đối với riêng mình.

                                         Thanh Trang 

                                          Xuân 2008
                            @@ tks ns Thanh Trang ,..ca khúc chủ đề mưa trong âm nhạc cả lời Việt hay nhạc ngoai quốc thật nhiều ,lyric và melody  nhiều cảm xúc càng nghe càng ghiền.....

Khám phá nét độc đáo huyền ảo của Thach Lâm


 Khi nói tới rừng chúng ta thường nghĩ tới một hệ động thực vật phong phú, tuy nhiên, tại Trung có một khu rừng chỉ gồm phần lớn là những khối đá vôi. Khu rừng này có tên Thạch Lâm, thuộc tỉnh Vân Nam, cách Côn Minh 85km về phía đông nam.
 Đây là một trong những thắng cảnh nổi tiếng, được mệnh danh là thiên hạ đệ nhất kỳ quan của Trung Quốc.Thạch Lâm từng là một vùng biển nông cách đây 270 triệu năm. Tuy nhiên, quá trình biến động của vỏ trái đất khiến mực nước biển giảm, những tảng đá vôi khổng lồ xuất hiện.
Trong thời kỳ này, các tầng đá dần dần bị bào mòn do sự lắng đọng và tiếp xúc với gió và dòng nước chảy tạo nên những rặng núi đá vôi hình dạng kỳ lạ và đặc sắc như hiện nay. Nó cũng lý giải cho sự tồn tại của dòng sông ngầm, hồ đá vôi, rừng đá vôi ngầm và những thắng cảnh kì vĩ khác nơi đây.
 Sự độc đáo của Thạch Lâm chính là những những tháp đá, cột đá, nhũ đá cho đến những tảng đá khổng lồ cao tới 30m được thiên nhiên sắp xếp thành những hình thù độc đáo như những thân cây hay các con thú, tạo nên một cánh rừng độc nhất vô nhị trên thế giới.
Thú vị hơn, ngày nay khu rừng còn là nơi sinh sống của loài vượn cáo Sifaka, vốn chỉ sống trên đảo Madagascar.Quần thể này đá này trải dài trên diện tích khoảng 350 km2. Sâu trong rừng đá, hàng chục hồ nước lớn nhỏ giống như chiếc gương sáng phản chiếu những dãy núi và ngọn núi chông chênh. Nhiệt độ trung bình ở rừng đá Thạch Lâm vào khoảng 16 độ C.
Có rất nhiều câu chuyện tình yêu thú vị về khu rừng tuyệt đẹp này.Có truyền thuyết kể rằng, rừng đá là nơi sinh của Ashima, một cô gái dân tộc Di xinh đẹp bị ngăn cấm kết hôn với người cô yêu. 
Vì thế, cô đã biến bản thân mình và khu rừng thành đá.Ngoài ra, một truyền thuyết khác cho rằng rừng đá gắn liền với câu chuyện tình yêu giữa nàng Asham, con gái của một nông nô nghèo và Ahei, một chàng trai trẻ khỏe, làm thuê cho chúa đất Azhi. 
Ahei là con nuôi của bố mẹ Asham.
Hai người lớn lên cùng nhau, dần yêu nhau và đi đến kết hôn.Họ sẽ sống hạnh phúc nếu như Azhi, người say đắm vẻ đẹp của Asham, không bắt cóc cô. Ahei vì giải cứu cho vợ đã giết chết Azhi. Sau đó để tránh bị sát hại, hai người đã chốn vào rừng đá và sinh sống tại đây.
 Họ đã sinh được 5 người con trai và con gái - tổ tiên của người Sani hiện nay, nhóm dân tộc thiểu số, đội khăn trên đầu và lưng đeo chiếc giỏ tre.
                                        
 Nam Ninh là thủ phủ của khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.Công viên Nam Hồ là một khu thắng cảnh được coi là viên Minh châu của thành phố. Bao quanh hồ là con đường dài 8,14km với cây xanh mát rượi, cầu Nam Hồ trông như một con rồng khổng lồ nằm ngang mặt hồ. Xung quanh công viên là những tòa nhà cao ngất trời điểm tô cho cảnh quan đô thị hiện đại.
Ở Nam Ninh, ít khách du lịch có thể bỏ qua công viên Thanh Tú Sơn, đây được coi là “viên ngọc xanh của thành phố” rộng tới 19 km2, là khu du lịch 4A quốc gia (Trung Quốc có 5 cấp tiêu chuẩn cho điểm du lịch, 5A là đứng đầu).
 Thanh Tú Sơn vừa có núi hùng vĩ, vừa có rừng cây tươi tốt, khí hậu ôn hòa.
Vé vào cửa 30 tệ , bạn có thể lên xe điện đi vòng quanh công viên, tham quan những vườn cây thiên tuế, chùa Quan Âm, Tháp Long Tượng, chùa Thái Lan, vườn rừng nhiệt đới, vườn hữu nghị ASEAN… mỗi năm công viên Thanh Tú Sơn đón tiếp khoảng hơn 1,2 triệu lượt du khách tới thăm quan.

Đến suối nước nóng Gia Hòa Thành, nhiều du khách thích thú ngâm mình cho những chú cá rỉa quanh người. Suối nước nóng tại đây nằm sâu dưới lòng đất 1.300 m, thuộc loại nước khoáng oxit silic có giá trị cao về điều trị bệnh.

                                                 tourist .net

Cười Từ Nhà Ra Phố

woa ngon quá aaaaaaaaaaaa
 tui  mệt thở rùi ông biết hông??Oh
                      làm eo với boss sao ta ?

Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

Người Mỹ bán bánh mì Việt

 
Một ổ bánh mì ngon phải hội đủ vị mặn, ngọt, chua và cay, với lớp vỏ ngoài là bánh vàng giòn, một người Mỹ là chủ hiệu bánh mới mở vài tuần nhưng rất đắt hàng ở Mỹ, hoan hỉ cho biết.Bánh mì Lone Wolf mở ra ở Tulsa, Oklahoma, vài tuần nay, và đêm nào họ cũng bán hết veo trong khi khách vẫn còn hỏi mua thêm nữa.
 Cơn sốt bánh mì kiểu Việt Nam đang lan khắp nước Mỹ, đến mức nó được nhắc đến với tên bằng tiếng Việt, như "tiền bối" phở vậy, "banh mi".

                                      
 Tại thành phố Oklahoma, nhiều hàng bánh đã xuất hiện trong mấy năm gần đây, còn ở Tulsa, thì Lone Wolf gần như là hiệu bánh đầu tiên.
Trước khi bắt tay vào kinh doanh, hai người chủ hiệu là Phillips và Danielle Admire đã tìm hiểu thật kỹ lưỡng. Phillips có kinh nghiệm nấu ăn ở các nhà hàng Á, và trong một chuyến đi tới san Diego, họ đã ăn thử thật nhiều loại bánh mì."Chúng có vị giống như những gì tôi sẽ nấu cho gia đình mình ăn tối", Philiips nói về tiêu chuẩn lựa chọn những món anh sẽ làm cho thực khách.
Cuối cùng đôi vợ chồng sắp cưới chọn bán bánh, và mục tiêu chinh phục đầu tiên của họ là bánh mì, theo Tulsa World.
"Chúng tôi nghĩ, sẽ là điều tuyệt vời nếu mỗi khi bạn ăn xong, dư vị bánh vẫn còn trong miệng.
 Sẽ không giống như khi bạn mua một chiếc bánh kẹp to tướng ăn kèm khoai tây", đầu bếp Á nói. "Tuyệt nhất là bạn sẽ thấy sung sức sau mỗi khi thưởng thức, và đó chính là lý do vì sao chúng tôi chọn bán bánh mì".
Theo Phillips, một trong những thành phần quan trọng nhất của món này là vỏ bánh baguette. Hai vợ chồng đã may mắn kiếm được một hàng bánh tốt ở địa phương.
 "Đó là loại bánh dài và giòn, vỏ bên ngoài được nướng vàng lên và bên trong thì êm và xốp", chủ hiệu nướng bánh nói.
Trong món bánh mì của Philips có thịt heo, rau thơm, cà rốt, tỏi, sốt chua ngọt, hành, dầu vừng và một số gia vị nữa.
 Anh cũng bán cả bánh mì thịt gà và một vài biến thể khác.
Philips sẽ bán bánh mì trên xe tải ở các lễ hội ẩm thực và chợ cuối tuần. Anh nói rằng thưởng thức các món ăn kiểu đó là "cách để bạn thực sự nếm trải hương vị địa phương".

~~~~~~~Katie Tran ~~~~~~
                 @@@khi còn ở Saigon hay ăn bánh mì jambon Như lan khu Chợ cũ ,Hàm nghi ,qua xứ người có bánh mì Ba lẹ, Lee'sandwich .. Cly thích nhất ổ bánh mì baguete nóng dòn ăn kèm pate thơm ngon và ly coffee mocha bên cạnh nhất là khi trời lành lạnh