Trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2013

Câu trả lời thâm thúy

 Cụ già người MỸ 84 tuổi, Robert Whiting tới Paris bằng phi cơ. 
Tại văn phòng Sở Di Trú phi trường. 
Vì già cả chậm lụt, nên cụ phải mất thời gian lục tìm sổ thông hành trong xách tay. Thấy cụ cứ lục lọi , nhân viên Sở Di Trú sẵng giọng với cụ: 
 " Thưa Ông! 
Ông đã từng đến nước Pháp bao giờ chưa? "
 Cụ Whiting khai là trước đây cụ đã từng đến nước Pháp rồi.  
" Vậy ông có biết là ông cần phải sẵn sàng  xuất trình passport hay  không?"      
Cụ già Hoa Kỳ trả lời:"

 Trước đây khi tôi đến Pháp tôi không cần phải xuất trình passport  gì hết cả.."
 Nhân viên Di trú nổi nóng: " Xin Ông nói chuyện cho đàng hoàng một chút.
 -Chuyện vô lý! Người Mỹ  bao giờ củng phải xuất trình passport  khi tới Pháp.
Cụ Whiting đua mắt nhìn nhân viên Di Trú thật lâu rồi nhẹ nhàng giải thích: "

 Thật vậy sao! trước đây khi tôi đổ bộ lên bãi biển OMAHA nước Pháp trong ngày D day năm 1944 để giải phóng nước Pháp thoát khỏi sự thống trị của Đức Quốc Xã, tôi ĐÃ KHÔNG TÌM THẤY MỘT NGƯỜI PHÁP NÀO  Ở ĐÓ ĐỂ MÀ TRÌNH SỔ THÔNG HÀNH CẢ.......
"Yên lặng như tờ. Yên lặng đến đỗi có thể nghe làn gió thoảng nhẹ nhàng xuyên qua cửa sổ phi trường.
                                         St

Chút mộng mơ ngày cuối tuần

.... Sắc vàng dã quỳ gợi nhớ ngày ấy  bao kỷ niệm chợt ùa về như thác lũ ..  lòng  ta thao thức ,   suy tư về cố nhân
Trong giấc mơ chân ta như bước về khung trời bình yên ấm áp với cảm giác tai ta nghe gió hát ,ngắm nắng vàng bay nhảy ngoài cửa sổ ...
Giọng nam  trầm ấm gợi về bóng dáng ai ...
Nghe Yurima  thật hay ..
Camly 
03/2013
 

NS Quốc Dũng -Thanh Mai - Fatima

 Hẳn những người yêu nhạc lứa tuổi trung niên ở miền Nam trong những năm đầu thập niên 1970 còn nhớ những giai điệu sôi động, trẻ trung trong những ca khúc Mai, Bên nhau ngày vui... của nhạc sĩ Quốc Dũng.
 Biết, nhưng không ai ngờ rằng Quốc Dũng ngày ấy còn rất trẻ: mới vào tuổi 20! 
Cũng ít ai ngờ rằng, cậu học trò lớp 7 (năm 1963) đã sáng tác nhạc và “cày cục” đến mãi 5 năm sau (1968) mới hoàn thành bản nhạc đầu tay Em đã thấy mùa xuân chưa? (lúc đó Quốc Dũng 17 tuổi, đang là học sinh Trường trung học Chu Văn An - Sài Gòn).
 Tuy tuổi còn non nớt nhưng cấu trúc, ca từ của bản nhạc thì rất... có nghề.
 Thế rồi, trong Đại hội Nhạc trẻ năm 1972 tổ chức tại sân Trường Lasan Tabert, lần đầu tiên cặp song ca Quốc Dũng - Thanh Mai ra mắt giới yêu nhạc. 
Một cuộc tình “thư sinh” đẹp như... Cơn gió thoảng (sáng tác năm 1973).
Chỉ xuất hiện vài năm trên mặt bằng ca nhạc, Quốc Dũng đã cho ra mắt album Nhạc trẻ Quốc Dũng (1974), điều ít có tác giả nào có được vào thời ấy...
 Mười năm sau (1975-1985) là giai đoạn Quốc Dũng ít sáng tác mà chỉ chuyên đặt lời Việt cho các ca khúc của Liên Xô, CHDC Đức nhưng cũng có một bài hát rất được yêu thích trong giới trẻ và lan sang tận Đông Âu và Trung Á: “Gió chiều, rung nhẹ bông lúa vàng. 
Đồng quê ngát hương đang êm ru muôn âm thanh dịu dàng...” (Quê hương, tình yêu và tuổi trẻ).
Một cột mốc trong hành trình 60 năm của Quốc Dũng là khi anh cùng nhạc sĩ Lê Hựu Hà thành lập nhóm nhạc trẻ Hy Vọng, để rồi gặp gỡ chị em ca sĩ Bảo Yến - Nhã Phương, và họ trở thành 2 cặp uyên ương nghệ sĩ.
 Trong thập niên 1980, giọng ca trầm đục rất đặc biệt của Bảo Yến, nàng ca sĩ dân Cần Thơ, gốc Huế, hầu như chiếm lĩnh thị trường băng nhạc với dòng nhạc boléro mới của nhạc sĩ Hoàng Phương mà người ta gọi là “Nhạc Gò Công” (quê của Hoàng Phương), xen lẫn vào đó là những bản nhạc quen thuộc (mà ít ai ngờ là của Quốc Dũng), như: “Tết này anh không thèm kẹo mứt, vì đã có môi em thơm ngọt tựa sen hồng...”
 (Bài ca tết cho em, năm 1980), “Một người đi với một người, một người đi với nụ cười hắt hiu...”
 (Chuyện 3 người, 1985, thơ Xuân Kỳ), “Em đã biết cong môi từ chối những điều anh muốn nói...
 (Ngại ngùng, 1994, thơ Xuân Kỳ)...
 Mỗi ca khúc có một đoạn văn nho nhỏ đi kèm - đó có thể là một câu chuyện (kể cả chuyện bên lề), một chút cảm xúc, một lời giới thiệu của những nghệ sĩ trong giới... Không chỉ có tình ca, tập sách còn có một chút hội ngộ nơi đất khách, có không khí bóng đá, có nhạc thiếu nhi, nhạc về người thầy thuốc, nhạc âm hưởng dân ca và có cả “người chết về báo mộng”..., nhưng “có hậu” nhất có lẽ là những ca khúc của anh được Fatima (con gái của ca sĩ Thanh Mai) đặt lời Anh, như Holding Me, You and Me...
                                        Hà Đình Nguyên
 Nhắc đến ca sĩ Thanh Mai, chắc hẳn ai cũng nhớ những tháng ngày trước 75, lúc ấy chị là người thiếu nữ xinh xắn, đôi mắt to tròn và mái tóc “đờ mi gạc son” chấm ngang vai, cùng với giọng hát mềm mại, nhẹ nhàng.
Ca sĩ Thanh Mai thời ấy khuấy động vùng trời Sài Gòn với những ca khúc top hit như Ngày Xưa Hoàng Thị, Mai...
 Và dĩ nhiên nhắc đến Thanh Mai là phải nhắc đến nhạc sĩ lãng tử Quốc Dũng, ông cũng là thần tượng của giới trẻ sinh viên trước 1975.
“Tại sao lại lấy ‘Cơn Gió Thoảng’ làm chủ đề cho đêm nhạc?” chị Thanh Mai cười: “Cơn gió thoảng ở đây là gió mát của mùa Xuân, là nổi nhớ quê hương, nhớ Sài Gòn áo dài tha thướt và nhớ những tình yêu đã từng đi qua đời nhau.”                                                                                                             pvsk
 

Bánh tổ trong ngày Tết của người Quảng

Hễ nhắc đến món ngon xứ Quảng là người ta nghĩ ngay đến mì Quảng, bê thui cầu Mống, cơm gà Tam Kỳ, cao lầu Hội An…
Còn trong dân gian lại truyền tụng nhiều câu vè về những món ăn đặc sản: 

 “Nem chả Hòa Vang 
– Bánh tổ Hội An 
– Khoai lang Trà Kiệu 
– Thơm rượu Tam Kỳ”
 hay như “Bánh tét, bánh tổ - bánh nổ, bánh in”…
 Đấy là những món ăn truyền thống lâu đời trong mỗi dịp Tết đến của người dân xứ Quảng.
  Song, trên bàn thờ đêm 30, không phải món nào cũng được dâng lên tổ tiên tưởng nhớ cội nguồn.
 Món mặn, người ta chỉ chọn tô mì Quảng hoặc đĩa xôi; món bánh thì bánh tổ hiển nhiên không thể thiếu được.
  Cái tên bánh tổ không biết có tự bao giờ, chỉ nghe đến thôi là đã gợi dậy niềm thành kính hướng về quá khứ. Bánh tổ chỉ xuất hiện vào dịp Tết chứ ngày thường không có. 
Bánh tổ có màu nâu sẫm như màu đất, đổ trong khuôn dày, hình vuông, chính là biểu tượng "trời tròn đất vuông" trong nếp nghĩ của người dân. 
Có một truyền thuyết kể lại rằng, bánh này vốn do tổ mẫu Âu Cơ làm ra, đến ngày chia tay phát cho trăm con lên núi xuống biển làm lương khô dọc đường.
Cũng như các loại bánh mứt khác, bánh tổ được nấu trước Tết khoảng một tuần. 

Đây không phải loại bánh nấu ra là ăn ngay mà phải để một thời gian sau cho “ngấm”, khi đó bánh mới đậm đà, vị ngọt bùi sẽ tăng lên.
 Nguyên liệu chính của bánh là đường và bột nếp; mà phải là loại đường bát nấu từ mật mía, đặc sản Quảng Nam, màu nâu đà hay đen sẫm đều được.
Người nấu bánh chọn nếp rất kỹ, phải là loại nếp hạng nhất, hạt mẩy đều tròn bóng thì mới dẻo và thơm.

 Thêm hai thứ phụ liệu không thể thiếu là hạt mè và gừng. Mè trắng khô đãi sạch, phơi hai đợt nắng rồi đem vào rang đều tay sao cho không ngả sang màu vàng. Gừng giã nhuyễn gạn lấy nước.
Đường bát “thắng” vừa tới, không để “già” quá, sau đó lọc kỹ nhằm loại bỏ tạp chất. Nếp xay nhuyễn thành bột. Bột nếp và đường được nhào kỹ, thêm vào chút nước gừng cho thơm. 

Lá chuối hoặc lá dong khô đem lau sạch, cắt từng tấm vừa hay nhỏ tùy ý rồi lót xung quanh khuôn.
Ngoài ra, để bánh đẹp, vuông vức sắc sảo hơn, người ta dùng lá dừa gập lại nhiều vòng lót bánh.

 Khuôn bánh làm bằng nan tre đan thành “rọ”, thường thì hình vuông nhưng cũng có khi hình tròn, có đường kính chừng 10 - 15cm.
Đánh hỗn hợp bột đường đến độ sền sệt mới đem đổ vào khuôn, dùng tăm tre ghim kín các mép lá để bột khỏi chảy ra ngoài. 

Sau đó đổ xâm xấp nước vào nồi nấu bánh chuyên dụng, đặt tấm vỉ tre cách mặt nước khoảng 5 - 8cm. Xếp bánh sống lên trên vỉ, đun lửa thật to.
Bánh chín chủ yếu nhờ sức nóng của hơi nước trong nồi, người nấu bánh lâu năm có kinh nghiệm “canh” thời gian rất hay: cứ hấp chín 20 cái bánh thì cháy hết 3 cây nhang.
Bánh sau khi hấp chín được vớt ra. Lúc này mè mới được rắc đều lên bề mặt bánh.

 Để chừng 3 – 4 phút cho bánh nguội rồi đem cất nơi thoáng mát.
 Người kỹ tính còn mang bánh ra phơi nắng cho đến khi bánh khô cứng.
Tuy vậy, bánh tổ ngon là bánh không cứng quá hay nhão quá, khi cắt ra bột không bết vào dao.

 Bánh tổ Quảng Nam có thể giữ được lâu ngày mà không sợ bốc mùi ẩm mốc; ngược lại càng để lâu, bánh càng dẻo dai, hương vị càng đậm đà.
 Điều này phụ thuộc vào bí quyết riêng của người làm bánh tổ xứ Quảng.
Ra Giêng, món bánh tổ chiên được ưa chuộng bậc nhất. Con gái, con trai đi học xa nhà đều nhớ cất riêng vài ba cái mang vào trường làm quà cho bạn bè. 

 Cả bọn xúm nhau bên chảo dầu nóng, thả từng miếng bánh dẻo thơm vào. 
Bánh nở phồng mềm nhũn tỏa mùi béo ngậy. Càng ngon hơn khi có thêm vài tấm bánh tráng nướng kẹp vào.
Ngày Tết xa quê, bà con Quảng Nam ở đất khách đều tự tay làm bánh tổ cúng ông bà. 

 Nhớ đến món bánh tổ truyền thống âu cũng chính là nhớ về nguồn cội làng quê vậy. 
                                           by XQ 

Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2013

Nhạc Lê Xuân Trường

     Lê Xuân Trường has a lifelong passion and profession.
 He has always enjoyed hiking to the beauty and grandeur of the natural landscape and the challenge to capture it on film the way his eyes and mind perceived it.
 Trying to achieve vibrant colors, highlights, shadows and dramatic tones of black and white had taken him many years to achieve.
 His desire is to create images that capture every detail with thought, feeling and distinction.
His camera has captured Bich Van A vocalist, pianist, song writer, music director, music teacher - Born: August 4th in Saigon, Vietnam.
  In this video Broken Vow is perfomed by her beautiful voice.

             @@ wow,  great songs ,tks  !

    

Bí ẩn chuyện thần giao cách cảm

Giới khoa học đã không ngừng nỗ lực tìm kiếm chứng cứ về cái gọi là thần giao cách cảm. 
 Và vì vẫn chưa chứng minh được những bí ẩn của nó nên nhiều người vẫn cho rằng nó có thật. 

    Bạn đang làm việc nhà và đột nhiên nghe thấy một tiếng nói bên trong giục bạn gọi điện thoại cho bạn bè của mình. 
Vào khoảnh khắc bạn nghe thấy lời nói bên trong của người đó ở đầu kia của kênh giao tiếp, người đang “nói” với bạn cũng đang nghĩ đến chuyện gọi điện thoại cho bạn.
 Đó chính là một giản thể của thần giao cách cảm (Telepathy), theo dẫn giải của Pravda.

Theo từ điển Bách khoa thư Britannica, “thần giao cách cảm là khả năng truyền ý nghĩ không dùng những kênh giác quan thông thường”, là một trong ba khả năng chính của năng lực cảm thụ bên ngoài các giác quan hay còn gọi là ngoại cảm (ESP). 
Từ “Telepathy” bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa đen là “trực cảm từ xa”, được sử dụng là thuật ngữ khoa học chính thức từ năm 1882.
Những nghiên cứu khoa học có hệ thống về hiện tượng ngoại cảm, trong đó có thần giao cách cảm, ở phương Tây bắt đầu từ năm 1882, khi nhà nghiên cứu tâm linh người Pháp, Fredric W.H. Meyers sáng lập Hiệp hội Nghiên cứu Tâm linh (SPR) ở London, Anh, đánh dấu mốc khoa học nghiêm túc cho ngành ngoại cảm. Việc nghiên cứu tiềm lực của ngoại cảm vẫn tiếp tục tại các siêu cường và cả ở Israel. 
 Sau này, ngoại cảm trở thành một công cụ tình báo quan trọng của nhiều cơ quan, mật vụ trên thế giới.
Thần giao cách cảm ở con người
Từ những câu chuyện có thật, từ sự trùng hợp đến kỳ lạ, khó lý giải, các nhà khoa học trên thế giới sớm khẳng định sự tồn tại của chức năng thần giao cách cảm ở con người.
  Khi tiến hành những thí nghiệm nghiêm túc, các nhà khoa học cho rằng, giữa những người thân thích như mẹ-con, bạn thân, “sợi dây” thần giao cách cảm vô hình được thiết lập từ lúc nào.
 Như cặp chị em 32 tuổi nhà Eller (năm 1962) cùng được đưa vào bệnh viện tâm thần tại Bắc Carolina, Mỹ với chẩn đoán tâm thần phân liệt.
 Bất chấp sự phản đối dữ dội của hai người, bệnh viện bố trí họ ở hai trại khác nhau. 
Điều đáng tiếc đã xảy ra: cả hai cùng chết một lúc ngay đêm đầu tiên bị tách nhau. Tư thế của hai người co quắp như bào thai trong bụng mẹ, còn nguyên nhân tử vong vẫn là điều bí ẩn.
Hay, câu chuyện về một cậu bé 10 tuổi khám phá là mình có thể “nói chuyện bằng mắt” với người bạn thân nhất gần nhà.
 Sau khi cha mẹ cậu bé chuyển nhà đến chỗ khác, cậu thức giấc vào một buổi sớm vì đầu đau kinh khủng. Cùng thời điểm đó, một chiếc xe tải đã cán chết người bạn thân của cậu.
Tháng 8-2000, Bệnh viện Sklifosovski sau một vụ nổ bom khủng bố tại quảng trường Puskin, Moscow  (Nga) đã đón một nữ nạn nhân bị vô số vết bỏng trên người.
 Khi người chị sinh đôi đến thăm em, các nhân viên vô cùng sửng sốt nhận thấy trên cơ thể khỏe mạnh của cô cũng có những vết bỏng.
 Mặc dù không hề nghĩ đến hiện tượng này, người chị đã nhận một phần đau đớn từ em và các nhà khoa học cho rằng đây là một ví dụ về hiện tượng thần giao cách cảm.
Trước nhiều bằng chứng đáng chú ý của ngoại cảm, người ta bắt đầu mở hẳn một ngành nghiên cứu lĩnh vực này. Nga, Mỹ, Anh là những nước đi tiên phong trong việc tiến hành thí nghiệm khoa học để chứng minh những hiện tượng bí ẩn của con người.
 Đặc biệt Mỹ đã thực hiện một thí nghiệm thú vị về thần giao cách cảm trong chương trình của tàu Apollo 14 năm 1971.
 Trong thí nghiệm này, người ta đã chứng minh rằng khoảng cách không là một rào cản đối với năng lực thần giao cách cảm. Tuy nhiên, thí nghiệm không do NASA trực tiếp chủ trì. 
 Thậm chí thông tin về thí nghiệm cũng không được công bố mãi sau khi nhiệm vụ của tàu kết thúc.
Ngày nay, hầu hết các quốc gia Âu Mỹ đều công nhận ngoại cảm nói chung và thần giao cách cảm nói riêng, qua nhiều chứng cứ thuần khoa học. 
Chuyên gia Radin kể lại câu chuyện của nhà khoa học Đức Hans Berger, người đầu tiên ghi lại điện não đồ (EEG) ở người đã ngã xuống từ lưng ngựa và chỉ một chút nữa là nát thây dưới vó của một nhóm ngựa đua. 
Chị của ông, ở cách đó nhiều cây số, đã linh tính có chuyện chẳng lành và thuyết phục cha mình gửi ngay điện tín thăm hỏi tình hình.
 Cô này chưa bao giờ chịu gửi điện tín trước đó. Sự trùng hợp trên đã khiến ông Berger vô cùng tò mò, chuyển từ nghiên cứu toán học và thiên văn học sang ngành y với hy vọng có thể phát hiện được nguồn gốc của năng lượng tâm linh đó.
Với sự trỗi dậy của ngành sinh học lượng tử, chuyên gia Radin có thể bắt đầu lại nỗ lực giải mã về sự tương quan xuất hiện giữa những người không ở gần nhau.
 Ông cho rằng thần giao cách cảm có vẻ như là một sự ùn tắc về lượng tử: khi các đối tượng có liên quan đang ở khoảng cách mà không có sự tương tác về năng lượng giữa hai điểm. “Chúng tôi vẫn chưa có lời giải thích, nhưng ít nhất nó không còn là điều bất khả thi nữa”, Radin kết luận.
 Một minh chứng sống động là cuộc thực nghiệm về quan hệ giữa Beischel và Boccuzzi: Beischel ngồi trong phòng, không thể thấy Boccuzzi. 
Boccuzzi được hướng dẫn nhìn chăm chú vào đối tượng phản ánh trên màn hình lúc thấy lúc không.
 Dữ liệu cho thấy Beischel có những phản ứng sinh lý khi Boccuzzi thấy được cô và dao động khi anh không thấy, giống như cơ thể của cô thốt lên rằng: “Ồ, anh ấy đi đâu thế nhỉ?”.
 Đối tượng càng gần gũi thì ảnh hưởng mạnh hơn giữa những người lạ mặt.
 Nghiên cứu về tình yêu của chuyên gia Radin, công bố năm 2008, cho thấy việc một người hướng sự chú ý đến người yêu có thể kích hoạt hệ thần kinh của đối tượng.
Các nhà khoa học trên thế giới đã quan sát và phát hiện, hiện tượng thần giao cách cảm xuất hiện không chỉ ở người mà còn trong thế giới động vật.
Thần giao cách cảm ở động vật
Thần giao cách cảm được hiểu là khả năng truyền ý nghĩ không bằng những giác quan thông thường.
 Các nhà khoa học sớm phát hiện, thần giao cách cảm xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau trong thế giới động vật. 
Ví dụ, một chú sói mải mê theo mồi, bị lạc bầy, mẹ của chú ngẩng cao đầu, dõi mắt nhìn chăm chú theo hướng của đứa con tinh nghịch, lập tức bầy sói con dừng lại và xoay người về với mẹ dù cách xa hàng trăm dặm.
Hay như với những loài sâu bọ đang sống quây quần thành đàn, thần giao cách cảm giúp chúng thông báo cho nhau mối nguy hiểm.
 Hoặc theo quan sát của nhiều nhà sinh học, loài kiến có một hệ thống giao tiếp với nhau khác hẳn các kiểu truyền tin thông thường.

 Các nhà khoa học Nga đã tiến hành thí nghiệm, đưa một đàn thỏ con mới sinh xuống một chiếc tàu ngầm, tách khỏi mẹ chúng đang ở trên bờ cách đó hàng nghìn km. Đoàn thủy thủ được lệnh giết chết từng con thỏ một. Và cứ sau mỗi nhát dao, trên điện tâm đồ, người ta lại thấy tim của thỏ mẹ đập nhanh hơn. 
Trong thí nghiệm này, các nhà khoa học Nga không giải thích được tại sao lại có “sợi dây” vô hình giữa thỏ mẹ và thỏ con khi ở cách xa nhau như thế, và họ cho rằng đây là hiện tượng thần giao cách cảm.

Bên cạnh đó, động vật cũng có khả năng linh cảm, dự báo trước thảm họa. Như buổi sáng mùa hè năm 1963, nhân viên bảo vệ Thảo cầm viên thành phố Skopjie thuộc tỉnh Macedonia của Nam Tư (nay là thủ đô  Skopjie của nước Cộng hòa Macedonia) cảm nhận những điều khác thường. 
Không hiểu sao mới sáng sớm, đám thú rừng nuôi trong lồng nhốn nháo cả lên, chúng không thiết ăn uống, rồi gào lên những tiếng thảm thiết, nhảy lung tung định phá hàng rào tẩu thoát. 
Đến chiều thì cả những chú mèo vốn hiền lành bỗng leo lên tận mái nhà, xù lông, cong đuôi, rít lên từng hồi.
 Vài con bò chạy ngơ ngác trên đường phố, va chạm lung tung vào cửa hàng, xe cộ…
 Còn chim chóc xáo xác xuất hiện từng đàn bay về hướng Nam.
Những điều bất thường đó như muốn báo động, có một hiện tượng nào đó rất nghiêm trọng sắp xảy đến.
    Và lúc 5h sáng ngày 26-7-1963, trong lúc mọi người chưa thức giấc, thì mặt đất chuyển mình nhô lên rồi hạ xuống như sóng biển, những khe đất mở ra như miệng con quái vật.
 Chỉ sau 17 phút, cả thành phố chỉ còn là một đống đổ nát chôn vùi 1.500 người bất hạnh.

                                            Minh Khuê
                               (theo Binauralbeatsonline)

Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

Thư gửi một nửa thế giới

Gửi tất cả các phụ nữ trên thế giới này.

Khi ta sáng tạo ra thiên đường và trái đất, ta đã cố hết sức để nó thật hoàn hảo. 
Khi tạo ra đàn ông, ta cho phép anh ta say giấc để không quấy rầy suy nghĩ của mình, vì vậy ta có thể kiên trì hoàn thiện vẻ đẹp của ngươi - người phụ nữ.
Từ một mảnh xương, ta tạo ra ngươi.
 Ta chọn phần xương sườn, dùng bảo vệ cuộc đời người đàn ông, bảo vệ trái tim và lá phổi của anh ta, đây cũng là phần xương nâng đỡ cho người đàn ông - phần đúng nghĩa với điều ngươi phải làm.
 Ta tạo hình ra ngươi, một cách hoàn hảo và xinh đẹp.
 Đặc điểm của ngươi là một cái xương sườn, mạnh mẽ lẫn yếu đuối và mỏng manh.
 Ngươi phải bảo vệ phần dễ vỡ, nguyên thủy nhất trong người đàn ông - đó là trái tim anh ta.
 Trái tim là trung tâm của người đàn ông, là lá phổi cho anh ta hơi thở.
Khung xương sườn sẽ bị gẫy trước khi trái tim bị hủy hoại. Nâng đỡ người đàn ông như khung xương sườn nâng đỡ cơ thể.
 Ngươi không được lấy ra từ chân - phần ở dưới anh ta, ngươi không được lấy ra từ đầu - phần ở trên anh ta.
 Ngươi được lấy ra từ bên cạnh, để ngươi luôn sát cánh và ở bên người đàn ông của mình.
Ngươi là thiên thần hoàn hảo của ta, cô gái nhỏ xinh đẹp. Ngươi sẽ trở thành người phụ nữ lộng lẫy, thông minh và đầy đức hạnh. 
Đôi mắt ngươi sẽ rất đẹp và đôi môi ngươi rất đáng yêu khi nói những lời nguyện cầu. Lỗ mũi ngươi quá hoàn hảo. Đôi bàn tay ngươi thanh nhã đủ để chạm vào. Ngươi rất đặc biệt bởi ngươi là phần mở rộng của ta. 
Đàn ông tượng trưng cho vẻ ngoài của ta - đàn bà tượng trưng cho cảm xúc của ta. Cả hai tượng trưng cho toàn bộ Thượng đế.
 Vì thế, các quý ông hãy cư xử tốt với người phụ nữ của mình. Yêu cô ấy, tôn trọng cô ấy, bởi vì cô ấy mỏng manh. Làm tổn thương cô ấy, là anh làm tổn thương mình.
 Làm đau đớn cô ấy, chính là anh đang hủy hoại trái tim mình, trái tim của cha anh, trái tim của cha cô ấy.
Còn người đàn bà, hãy khiêm nhường cho người đàn ông thấy rõ quyền năng của cảm xúc ta dành cho họ. Trong sự điềm đạm nhã nhặn, hãy chứng tỏ sức mạnh của ngươi.
 Trong tình yêu, hãy cho anh ta thấy, ngươi là chiếc xương sườn bảo vệ phần bên trong của anh ta.
Bạn thân mến, giờ bạn đã biết lý do người phụ nữ đặc biệt như thế nào trong mắt của Thượng đế. 
                                           Mint
                                  dịch từ Sheisspecial 
                                @@ wow, tks Mint !!

Bài thơ của một người già nơi xứ xa













Đêm bệnh-viện, sầu tơi trên tóc trắng,
Người già nằm, bóng hạc lắng chiều sương,
Mắt ngu ngơ như nắng lỡ độ đường,
Nhìn con gái dựa bên giường gà gật.

Đầu ngật ngầy váng vất,
Thương con mình tất bật ngược xuôi,
Mấy ngày qua luôn túc-trực không rời,
Đến tối mịt mới về nơi tổ ấm.

Bàn tay già chầm chậm,
Thờ thẩn nắm tay con.
Từ rãnh mắt xoáy mòn,
Giọt thương cảm lăn tròn theo vết cũ.

 Khuya rồi đó, sao con chưa về ngủ,
 Chuyện tuổi già, con ủ-rũ làm chi.
 Chín mươi rồi, Bố chưa bị cất đi,
 Mình may mắn, có gì mà áo-não.

 Hãy để Bố vào ở nhà dưỡng lão,
 Như mọi người vừa khuyên bảo sáng nay,
 Vì một mai khi rời khỏi nơi đây,
 Khó khăn sẽ theo tháng ngày dai dẳng.

 Bố không muốn mình trở thành gánh nặng,
 Để cho con phải lo lắng miệt mài
 Đời con còn nhiều trách-nhiệm trên vai,
 Đâu có thể chực-chầu hoài sớm tối.

 Thân gầy còm yếu đuối,
 Sao kham nổi đường xa.
 Thêm việc sở, việc nhà,
 Chuyện con cái, dễ gì mà vất bỏ.

 Người già thường cau-có
 Nằm liệt giường, càng khó tính gấp trăm.
 Dù cho con chẳng quản ngại nhọc nhằn,
 Nhưng chịu đựng tháng năm dài sao thấu.

 Bố vẫn muốn sống đời bên con cháu,
 Dẫu cơ-hàn, mà rau cháo có nhau.
 Bao năm qua mất Mẹ , bấy năm sầu,
 Bố gượng sống với niềm đau-lẻ-bạn..

 Buồn nhớ lại ngày vượt biên hoạn-nạn,
 Bỏ quê nhà, chấp-nhận vạn gian-truân,
 Chết trong tay đã nắm chặt chín phần.
 Mạng sống chỉ ngàn cân treo sợi nhỏ.


  Con thuyền khốn khổ,
 Sóng gió tả-tơi,
 Phút chót đã kề nơi,
 Lối định-mệnh, ai người sống sót.

Tưởng chỉ được nhìn Mẹ, con lần chót,
Nhưng Trời thương cho trót-lọt qua đây,
Trong khi bao người biển cả vùi thây,
Giờ sao nữa, chẳng mảy-may tiếc rẻ.

Bố chỉ hận mình không còn sức khỏe,
Đở đần con việc lẻ-tẻ hôm mai,
Để chiều về, con bớt phải loay-hoay,
Được yên nghỉ sau ngày dài kiệt sức.

Khi bị đẩy vào trong phòng hồi-lực,
Bố biết mình gần tới lúc xuôi tay.
Dù thoát nạn hôm nay,
Đời cũng phải rẽ ngay vào lối ngoặc.

Bố tự biết như ngọn đèn sắp tắt,
Nên cố tình bẳn gắt mấy ngày qua.
Nếu chẳng may phải theo gót ông bà,
Con cũng đở xót xa giờ đưa tiễn.

Mai kia rời bệnh-viện,
Con đừng bịn-rịn xót xa,
Hãy nghe lời y-tá dặn ngày qua,
Mà đưa Bố thẳng ra nhà dưỡng lão.

Cuộc sống mới dù là mưa hay bão,
Bố không buồn,tự bảo vẫn còn may,
Vì biết rằng, chỉ quanh-quẩn đâu đây,
Con cháu Bố đang vui vầy hạnh-phúc.

Rồi sẽ có những buổi chiều hun-hút,
Bố nặn dần từng phút ngóng người thân.
Nhưng rủi con chẳng tới được một lần,
Bố cũng hiểu, đừng bận tâm ray-rứt.

Bố không ngại chặng cuối đời khổ cực,
Nhìn thấy con hạnh-phúc, Bố vui lòng.
Tuổi đã nhiều, phận Bố thế là xong,
Con phải sống cho chồng, cho con cái.


 Hứa với Bố, con sẽ không buồn mãi,
Nếu mai này, khi Bố phải ra đi,
Mà con không kịp đến lúc phân-kỳ,
Nói cùng Bố lời chia-ly vĩnh-viễn.

Đêm trơn giấc, người con rời bệnh-viện,
Đôi mắt già quyến-luyến vọng đưa chân.
Trong ký-ức phai dần,
Khuôn  mặt những người thân vùng hiển-hiện.

Lòng chợt thoáng bùi-ngùi khi nghĩ đến
Phút lên đường, theo ước-nguyện ba-sinh,
Chân bơ-vơ trong tăm tối một mình,
Mò mẫm lối hành-trình về thiên-cổ.


 Trần văn Lương 
 @@ tks t/g !!

Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

Người Sài Gòn


Lần đầu tiên lên Sài Gòn là để đi thi đại học. Tôi và một thằng bạn thi chung trường nên đi chung với nhau. Ở thì không lo vì đã có nhà người quen ở bên kia cầu chữ Y. 
Chỉ lo cái chuyện ăn uống giữa hai buổi thi.Ngay sau khi thi xong môn đầu tiên, hai đứa kéo nhau ra quán cạnh trường kêu hai dĩa cơm sườn.
 Cầm cái muỗng, cái nĩa để ăn cơm dĩa mà cứ lọng cọng. Ăn hết dĩa cơm, uống cạn mấy ly trà đá tự múc ở trong cái xô để ở góc quán mà bụng vẫn trống không. Nhỏ lớn ở quê khi nào đi đâu xa thì cơm đùm cơm bới mang đi theo chứ có khi nào ăn cơm tiệm để mà biết kêu cơm thêm.
 Kêu thêm dĩa nữa thì không dám vì sợ không đủ tiền ăn cho ngày mai, ngày kia…

 Ngó quanh ngó quất, thấy bàn nào cũng để một nải chuối, mọi người ăn xong cứ thuận tay bẻ, người một trái, người hai trái.
 Thế là hai đứa sáng mắt, chuối này chắc người ta cũng cho không như trà đá. 
Vậy là, chỉ một loáng nguyên cả nải chuối để trên bàn chỉ còn đống vỏ.
Khi tính tiền, thấy phụ quán cứ đếm đi đếm lại mấy cái vỏ chuối để trên bàn rồi nhìn chằm chằm, thi thoảng lại liếc qua bà chủ quán đang đứng gần đó cười mím chi thì đâm lo. 
Không biết tiền mang theo có đủ để trả không.Nhìn hai đứa gom từng đồng bạc để bỏ lên bàn, bỗng nhiên chủ quán bước lại. Thôi, tính hai dĩa cơm thôi. Phần chuối chắc là không biết có tính tiền nên lỡ ăn chị không tính.
 Ngày mai ăn có thiếu thì cứ kêu cơm thêm mà ăn, để bụng đói không làm bài được đâu.Chỉ có nải chuối, cho thấy tính cách người Sài Gòn.Cuộc sống không thẳng tắp. Bon chen lên Sài Gòn không phải lúc nào cũng dễ kiếm tiền. 
Cũng trong những năm thập niên 1980, có lần, tôi thử sức mình với nghề đạp xích lô.
 Mượn chiếc xe của ông chú vào buổi sáng, lúc ấy chú cho xe ở nhà để ngủ sau một đêm chạy mối chở hàng.
 Lần đầu tiên chạy xích lô chỉ có chạy xe không từ bên này sang bên kia cầu chữ Y đã muốn hụt hơi. 
Thế nhưng vẫn ráng vì trong túi không còn tiền.
 Chạy lòng vòng Sài Gòn cả tiếng đồng hồ, ngang qua rạp Quốc Thanh (đường Nguyễn Trãi), thấy một đôi nam nữ đi ra, tay ngoắt, miệng kêu:
 Xích lô!Luồn tay kéo thắng ngừng xe lại hỏi:
 Anh chị đi đâu?
– Cho ra bến xe Miền Tây.
 Nhiêu?Dân miền Đông mới lên Sài Gòn tập tành chạy xe kiếm sống, biết bến xe Miền Tây đâu mà cho giá. Thôi đành chơi trò may rủi:
- Dạ, em mới chạy xe chưa rành đường, anh chị chỉ đường em chở. Tới đó cho nhiêu thì cho.
Tưởng không biết đường thì người ta không đi, ai dè cả hai thản nhiên leo lên. Người con trai nói: 15 đồng mọi khi vẫn đi.


 Cứ chạy đi tui chỉ đường.Sức trẻ, thế mà vẫn không chịu nổi đường xa, đạp xe chở hai người từ rạp Quốc Thanh đến chân cầu Phú Lâm thì đuối, liệu sức không thể nào qua khỏi dốc cầu đành tính chước bỏ của chạy lấy người.
 Xuống giọng: Em mới chạy xe, đi xa không nổi. Anh chị thông cảm đi xe khác giùm.
Ai ngờ người con trai ngoái đầu lại: Tui biết ông đuối từ hồi nãy rồi. Thôi leo lên đằng trước ngồi với bà xã tui.
 Đưa xe đây tui đạp cho. Tui cũng từng đạp xích lô mà!Thế là, vừa được khách chở, lại vừa được lấy tiền. 
Không phải 15 đồng mà tới 20 đồng.
Chắc cũng chỉ có người Sài Gòn mới khoáng đạt như vậy!Người Sài Gòn tốt bụng, chia sẻ không từ những chuyện cá biệt, người nơi khác vào Sài Gòn hỏi đường thật dễ chịu.
 Già trẻ lớn bé, gặp ai hỏi người ta cũng chỉ dẫn tận tình. Có nhiều người còn bỏ cả công việc để dẫn kẻ lạc đường đi đến đúng địa chỉ cần tìm.
 Có những địa chỉ nhiều người hỏi quá, thế là người Sài Gòn nghĩ cách viết hoặc bỏ tiền ra đặt làm một cái bảng đặt bên lề đường, gắn vào gốc cây. 
Đôi khi, kèm theo một câu đùa, câu trách rất Sài Gòn ở cái bảng này khiến ai đọc cũng phì cười.
 Như cái bảng viết trên nắp thùng mốp trên đường Sư Vạn Hạnh mới đây: "Bà con nào đi photo thì qua bưu điện bên đường.
 Hỏi hoài mệt quá!"Đi xe ôm, taxi, gặp đúng dân Sài Gòn thì mười người hết chín không lo bị chặt chém, vẽ vời. Đôi khi, kêu giá là vậy, nhưng khách không có tiền lẻ hoặc hết tiền người ta còn bớt, thậm chí cho thiếu mà không cần biết khách ở đâu, có trả hay không.
 Với người Sài Gòn, đó là chuyện nhỏ.
Ở Sài Gòn, cho tới bây giờ vẫn còn nhiều nhà để một bình nước suối trước nhà kèm thêm một cái ly, một cái bảng nước uống miễn phí.
 Và bình nước này không bao giờ cạn, như lòng tốt của người Sài Gòn.Có người đã phát hiện, khi bạn chạy xe trên đường phố Sài Gòn, nếu có ai đó chạy theo nhắc bạn gạt cái chân chống hay nhét lại cái ví sâu vào túi quần thì đích thị đó là người Sài Gòn.

                                            Nhị Nguyên
                            @@Chao ơi là nhớ Sgon  yêu  thương !!

Nghìn trùng xa cách, Người đã đi rồi

Một đêm vào đầu tuần trước không hiểu sao trằn trọc mãi tôi vẫn không ngủ được.
Cũng có thể vì tôi vừa mới từ bên châu Á về lại Mỹ nên người vẫn còn bị jet lag, trái giờ.
 Cũng có thể vì thằng cu Trịnh Phi nằm bên cạnh đang bị bệnh nên hơi thở khi ngắn, khi dài, lúc lại khò khè. Mà tôi thì tính lại khó ngủ nếu có tiếng động.
Thế là tôi đành quyết định đem cái laptop ra lướt trang mạng FB. Mong là mình sẽ sớm tìm được giấc ngủ trong cái ồn ào, náo nhiệt của thiên hạ trên FB từ bốn phương đổ về.
Họ là một số bạn trẻ ủng hộ kiến nghị về việc sửa đổi Hiến pháp hiện hành của Việt Nam.

 Mặc dù họ bảo là họ dư biết kiến nghị của họ sẽ không đi đến đâu. Thế nhưng họ vẫn phải làm. Thế mới...bảnh.
Nhưng có một tin cập nhật của một nghệ sĩ tôi quen thân đã làm tôi lặng đi ít lâu. 

Đã mang tôi về lại quá khứ của một thời mới lớn. 
Của những cuộn băng casette cũ kỹ. Của những suy nghĩ vẫn vơ. 
Và tiếng hát buồn đến não lòng của Thái Thanh trong nhạc phẩm 'Quê Nghèo':
Làng tôi không xa kinh kỳ sáng chói
Có những cánh đồng cát dài
Có lũ tre già tả tơi
Ruộng khô
Có những ông già rách vai
Cuốc đất bên đàn trẻ gầy
Có người bừa thay trâu cày


Thưở thơ ấu tôi không có dịp tận mắt thấy được những cánh đồng ruộng khô, không nghe được tận tai tiếng o nghèo thở dài. Tôi cũng chẳng được biết là tre nó có thể tả tơi đến độ nào.

 Vì cây tre ngoài sau nhà Ngoại tôi ở Thủ Đức, Sài Gòn lúc nào tôi thấy nó cũng rậm rạp xanh tươi.
Nhưng ở cái tuổi xấp xỉ đôi mươi ấy, tôi đã hoàn toàn có thể cảm nhận được cái nghèo của những làng xã Việt Nam trong buổi giao thời vào những cuối thập niên 1930, 1940. Khi công cuộc kháng chiến dành độc lập ngày càng trở nên khốc liệt.
 Và ở làng chỉ còn những ông già áo rách vai, phải bừa thay trâu, phải cày thay trai trẻ.
Đối với tôi lúc ấy hai chữ Phạm Duy không chỉ là tên của một nhạc sĩ nổi tiếng của những bản nhạc tình trước năm 1975 mà nó còn là một nhịp nối rất hữu hiệu trong việc mang tôi đến gần làng xã, chiến tranh và âm điệu Việt Nam qua từng thời kỳ.
Tôi vẫn còn nhớ mình đã từng phải vặn đi, vặn lại cuộn casette đến nhão băng chỉ để được nghe hỏi:

Nhưng mỗi khi
Dưới mái nhà mêng mang
Ngừng chơi nắm tay mẹ, hỏi rằng
Rằng: Cha chúng con đâu?
Về mua bánh cho con, mẹ ơi


(Nhớ Người Ra Đi)

Hay buồn hơn khi nghe tin xóm làng kêu gào:
Quân thù đã bắt được con
Đem ra giữa chợ cắt đầu
Nghẹn ngào không nói một câu
Mang khăn gói đi lấy đầu
Đường về thôn xóm buồn teo
Xa xa tiếng chuông chiều gieo

(Bà Mẹ Gio Linh)
Ở đây tôi không muốn lạm bàn về tài năng sáng tác nhạc của Phạm Duy. Vì tôi nghĩ đã có rất nhiều người viết về đề tài này.

 Và thú thật tôi cũng hoàn toàn không có đủ khả năng để làm chuyện đó.
Nhưng điều mà tôi muốn nhắc đến mỗi khi tôi nghĩ đến Phạm Duy, nghĩ đến những gì mà ông đã từng để lại dấu ấn trong tôi lúc tôi lần đầu tiên biết tự tìm đến âm nhạc Việt Nam đó là: thứ nhất, không phải lúc nào mình cũng sẽ đoán được đấy là tác phẩm của Phạm Duy.

 Không phải bài hát nào của ông của có cái “air” của Phạm Duy như chúng ta có thể tìm được ở những nhạc sĩ khác. 
 Thứ hai, ông là một dịch giả rất trung thành với nguyên bản của tác phẩm. Khi ông dịch một bài hát từ tiếng Anh sang tiếng Việt, tôi nhận thấy từng câu, từng chữ ông dịch ra tiếng Việt đều khởi nguồn từ nguyên bản tiếng Anh. Chứ không phải tự ông cắt bỏ ở đâu đó để thêm vào cho nó trơn tru theo giai điệu. 
Đây hoàn toàn không phải là một điều dễ làm và nó chứng tỏ khả năng hiểu biết và sử dụng từ ngữ của ông trong tiếng Anh lẫn tiếng Việt.
 Quan trọng hơn nó thể hiện sự tôn trọng của ông dành cho tác giả của bản gốc.
Thứ ba và cũng là điểm cuối cùng tôi muốn nhắc đến đó là cái tài viết...sách của ông.

 Chỉ là hồi ký thôi và tôi đã đọc nó cách đây chắc cũng đã hơn hai mươi năm rồi nhưng tôi vẫn còn nhớ là nó rất hấp dẫn, rất chi tiết và rất... thật. 
Một cái thật mà không phải người Việt Nam nào cũng dám nói ra chứ đừng nói là dám viết ra. Như ông.
Đối với những thằng con trai lớn lên ở hải ngoại như tôi, đó thật sự là một khám phá lý thú về con người thật của ông, về một trong những nhạc sĩ thành danh nhất, về những người đi trước mình. Để từ đó từng bước một chúng tôi đã tự tìm về cội nguồn, về quê hương, về dân tộc. Về hai tiếng nói sau cùng khi lìa đời.
Vĩnh biệt ông. Cảm ơn bác đã để lại cho chúng con một di sản Việt Nam nguyên bản nhất.

                                      Trịnh Hội 
                               @@ tks ,LS TH !!