Trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2012

Này người yêu em hỡi

                           Hoa hậu VN hải ngoại ở Bắc Cali, 2011
                                Holly Thu Hồng
Những năm đầu thập niên 90, lòng vẫn tràn đầy ước mơ và tình yêu phơi phới để viết nhạc tình. 
Một đêm anh bạn trưởng ban tổ chức thi hoa hậu áo dài ở Bắc Cali chở tôi đến đại học Berkeley để phỏng vấn cô sinh viên vừa đoạt chức hoa hậu mà viết bài đăng báo San Jose.
Trong ánh nến chập chùng của quán ăn thơ mộng, nét đẹp của cô gái làm tôi rung động.
 Cảm giác đó vương vấn cho đến khi về nhà, và tôi cầm đàn hát những nốt nhạc đầu tiên của ca khúc Này Người Yêu Hỡi.Khi thực hiện cuốn băng nhạc Chiều San Francisco năm 1992, tôi mời một giọng ca thân hữu của thung lũng hoa vàng là Hà Thu Trang thể hiện ca khúc này, có một chút gì nũng nịu dễ thương, hòa âm do Trung Nghĩa.
Trong đêm nhạc kỷ niệm 25 năm sáng tác Trần Chí Phúc vào tháng 4 năm 2004 tại hí viện Santa Clara Theater, ca sĩ Hương Lan đã hát Tuy Hòa Quê Anh và Này Người Yêu Hỡi:
“Này người yêu hỡi có hay đêm này. 
Mình anh cô đơn ngắm sao trên trời. Vì sao sáng lung linh buồn, tựa đôi mắt em xa vời vợi, lời yêu muốn nói nhưng sao ngại ngùng.
Một lần gặp nhau ngỡ như kiếp nào.
 Chìm trong ánh mắt khóe môi mìm cười. 
Hồn ngây ngất khi bên người, chợt một thoáng mong manh bồi hồi, tình anh giây phút đã thiên thu rồi.
Tóc em dài sợi mềm, ngát hương một loài hoa, vườn khuya chút gió cánh hoa lay, làn môi em hé phút mong chờ, anh khát khao một nụ hôn đắm say.
Ngoài kia rơi lá gió thu đã về. Về đây em nhé má vai cận kề. Lời hẹn ước trăng sao thề, cùng nhau bước phiêu du cuộc đời, tình anh tha thiết xin trao cho người.”
Lâu lâu nghe lại hoặc ôm đàn ngêu ngao ca khúc, cứ tưởng mình vẫn còn tuổi đôi mươi để mơ màng người yêu nào đó.

                                  TRẦN CHÍ PHÚC



Thứ Năm, 4 tháng 10, 2012

Scott Neeson -“Người tạo phép mầu.”

  Dân chúng Khmer ưu ái gọi ông Neeson là “người tạo phép mầu.”
Một buổi sáng trong lúc ngồi tại nơi làm việc ở Phnom Penh, điện thoại cầm tay của Scott Neeson reo vang, đầu dây bên kia là tiếng nói của người đại diện cho một tài tử nổi tiếng Hollywood: “Ðoàn quay phim và các tài tử đang gặp vấn đề vì chuyến máy bay thuê mướn không đủ nước và thức ăn theo đúng yêu cầu.”
 Tiếp theo là âm thanh cho thấy chiếc điện thoại bị chuyền sang tay người khác, và giọng của một ngôi sao điện ảnh gầm lên, “Scott, nếp sinh hoạt hàng ngày của tôi không thể rơi vào tình huống khó khăn như vậy, anh phải giải quyết ngay!”
Cuộc đối thoại ngắn và xẩy ra đúng buổi sáng ông Scott Neeson vừa nhận được tin, năm trong số những đứa trẻ sống tại trung tâm của tổ chức từ thiện Cambodian Children's Fund do ông sáng lập, bị khám phá mắc căn bệnh thương hàn có thể nguy đến tính mạng.
Scott Neeson dằn cơn giận để khỏi văng tục.
 Sau này nhớ lại tâm trạng buổi sáng hôm đó, ông nói với ký giả Robert Kiener của báo Reader's Digest, rằng chính nhờ chuyện đó mà cuộc đời ông hoàn toàn rẽ sang một khúc quanh khác.
 Ông chia tay kỹ nghệ ánh sáng Hollywood, từ bỏ chiếc du thuyền, căn nhà to như một lâu đài và chiếc xe Porsche thể thao đắt tiền để trọn vẹn dấn thân cho những phận trẻ em cùng khốn ở đất nước Chùa Tháp.
 Ký giả Robert Kiener viết rằng, trong một chuyến đi làm phóng sự cho tờ báo tại Cambodia, ông trông thấy nhân vật tăm tiếng của Hollywood ngay tại một bãi rác khổng lồ ở ngoại ô thủ đô Phnom Penh. Scoott Neeson, dáng người cao, thon đẹp, mặc chiếc áo thun giản dị, quần jean, chân đi đôi ủng cao su đứng ngay trên bãi rác đầy ruồi nhặng bu đầy những túi phế thải của các bệnh viện, gồm cả ống chích, bông băng, bộ phận cơ thể con người bị cắt lìa từ những ca giải phẫu, và cả những bào thai của các thai nhi bị phá. Scott cảnh cáo Robert rằng chỉ cần đạp nhằm một ống kim chích là có nguy cơ bị lẫy nhiễm virus HIV gây bệnh AIDS hoặc bị viêm gan hepatitis.
Vậy mà Scott vẫn bình thản. Mà nào có phải Scott là loại người buộc phải làm công việc ở nhưng chốn thế này cho cam! 
Vì đối với thế giới điện ảnh Hollywood, Scott là nhân vật đáng nể, “vua biết tiếng, chúa biết tên,” từng làm việc trên sàn quay với những ngôi sao lẫy lừng như Harrison Ford, Tom Cruise, Mel Gibson...
    Năm 2003, lúc vừa bước vào tuổi 44, Scott đã là phó chủ tịch đặc trách tiếp thị cho hãng sản xuất phim Sony Pictures; trước đó ông từng làm việc với 20th Century Fox và trông coi việc trình chiếu những cuốn phim nổi tiếng như Braveheart, Titanic, Star Wars, X-Men... ...
Còn về tài sản, cơ ngơi của ông thật đồ sộ, gồm một biệt thự to lớn nằm trên đại lộ Beverly Hills, một du thuyền sang trọng, một chiếc xe Porsch trị giá cả trăm ngàn Mỹ kim, và đồng lương cả triệu đô la mỗi năm. Ðời sống cá nhân, ông chưa bao giờ lấy vợ và thường xuyên cặp kè với những cô gái trẻ măng.
Tất cả chỉ vì một chuyến du lịch Á Châu cũng vào năm 2003.
Khởi đầu, Scott dự trù chỉ ghé qua Phnom Penh vài ngày, nhưng ông đã bị chấn động tình cảm khi thấy những con người cùng khổ của đất nước Chùa Tháp.
 Hủy các chặng dừng chân kế tiếp, ông ở lại, và dù chỉ ngắn ngủi vài tuần, ông chứng kiến tận mắt đời sống quá sức khổ ải của những đứa trẻ lang thang không nhà trên mọi ngõ ngách.
 Ðiển hình là câu chuyện của cháu bé gái 12 tuổi Rithy: chưa bao giờ biết đến sách vở nhà trường, sống lây lất nhờ vào bươi các đống rác để tìm đồ phế thải bán lại cho giới con buôn.
Scott Neeson tự nhủ phải làm một điều gì đó cho hàng triệu đứa bé như Rithy.
 Ông quyết định đi lại Cambodia thương xuyên hơn, và một năm sau, 2004, ông bỏ ra hơn $ 100 ngàn Mỹ kim tiền túi của mình để làm bước khởi đầu cho tổ chức vô vụ lợi Cambodian Children's Fund (CCF).
Thoạt đầu, mục tiêu của CCF chỉ nhằm xây một căn nhà để nuôi ăn 45 trẻ em và cho các em đi học. Nhưng chỉ một năm sau, số trẻ lên tới 100 và rồi 200.
  Cho tới nay, CCF cung cấp nhà ở, thực phẩm, quần áo, săn sóc y tế, giáo dục, huấn nghệ cho hơn 1,200 em; và nhân sự làm việc cho CCF lên tới 445 người.
 Với sự trợ giúp của CCF, các em đi học tại một trường công, được học thêm môn Anh văn và lớp căn bản về computer. Ngoài ra, CCF còn có một trung tâm giữ trẻ với hơn 200 em, hầu hết từng bị cha mẹ bỏ rơi trên đường phố.
Dân chúng Khmer ưu ái gọi ông Neeson là “người tạo phép mầu.” Năm 2007, phân khoa Y Tế Công Cộng thuộc Ðại Học Harvard đã vinh danh ông là “khuôn mặt tiêu biểu cho lòng dũng cảm thật sự.” Phần ông, tâm sự với ký giả Robert Kiener, ông bày tỏ rằng mọi việc mới chỉ ở bước khởi đầu, và dù thảng hoặc cũng có những giây phút nhớ kinh thành ánh sáng Hollywood, ông có về thăm chốn cũ, nhưng cũng chỉ được một tuần rồi lại nôn nóng trở lại Phnom Penh, vì đó là “thực tế đời sống,” ông nói.
Scott Neeson không phải là loại người thích phô trương những thành quả của mình, vì ông vốn kiệm lời.
 Ông chỉ muốn những trẻ thơ ông giúp đỡ, nay từng bước một thoát khỏi vũng lầy đen tối và ngoi lên, sẽ nói thay cho ông.
Ðiển hình là trường hợp của Kunthea, một đứa bé trai lúc mới lên ba đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. 
Mười hai năm liền, cuộc đời đang chìm trong tăm tối thì Kunthea gặp và được ông Neeson cứu giúp.
    Bây giờ Kunthea đã là một chàng trai 21 tuổi, làm đầu bếp trưởng cho nhà hàng Metro Café ở Phnom Penh và mộng ước của anh là ngày nào đó khi dành dụm được ít tiền sẽ mở một quán ăn riêng của mình.
Chanry cũng thế. Cô bé đen đủi gầy gò may mắn gặp “người tạo phép mầu” vào lúc em tròn 10 tuổi.
 Hiện ở lứa tuổi 16, Chanry đang học trung học và bỏ thì giờ buổi tối dạy Anh văn miễn phí tại một trường vô vụ lợi nằm cạnh bãi rác cách đây 6 năm em từng sinh sống.
Trả lời câu hỏi của báo Reader's Digest là hướng đi sắp tới của CCF là gì, “người tạo phép mầu” Scott Neeson cho biết, ông hy vọng CCF ngày càng lớn mạnh để có khả năng giúp thêm nhiều hơn nữa phận trẻ bơ vơ; và những đứa bé này, mai sau lớn khôn, các em sẽ trở thành những người làm chuyển đổi đời sống của xã hội và là “những người giải quyết vấn đề” (problem solvers) cho các trẻ em nghèo hèn khác.
Hành động từ bỏ giàu sang, phú quý để dấn thân cho con người của Scott Neeson làm gợi nhớ một câu nói của một tác giả khuyết danh: “Ðến cuối cuộc đời của tôi, những sở hữu vật chất không còn quan trọng nữa, nhưng thế giới này có thể là một nơi tốt đẹp hơn, vì tôi đã làm được vài việc thiết thực cho cuộc sống của các em.”

                                             Ðinh Quát

                                     @@ tks t/g & Mr. Scott Neeson 
                                                          

Chợ Trời và những con người ‘chịu thương chịu khó’

Nghề bán chợ trời (flea market )đòi hỏi người có thể lực, chịu nóng chịu lạnh giữa trời, lái những chiếc xe vận tải nặng nề và phải khiêng vác dọn dẹp hàng hóa vất vả.
Tại chợ trời Golden West, từ khi có các đợt người Việt định cư tại Nam CA . là đã có những gian hàng do người Việt làm chủ. Nghề bán chợ trời đòi hỏi người có thể lực, chịu nóng chịu lạnh giữa trời, lái những chiếc xe vận tải nặng nề và phải khiêng vác dọn dẹp hàng hóa vất vả.

Nhìn quanh chúng ta thường thấy những người chủ gian hàng chợ trời, người Mễ to lớn dềnh dàng chịu khó giữa thời tiết, nhưng không ngờ trong số người buôn bán chợ trời tại đây lại có một phụ nữ Việt Nam, dáng người nhỏ thó, lại đủ lòng kiên trì, chịu khó suốt mười năm nay, bươn chải để nuôi một mẹ già và ba đứa con ăn học thành người.
Chị Trương Thị Lan, hiện ở Anaheim, theo gia đình sang Mỹ năm 1984 theo diện con lai.
 Cuộc hôn nhân sóng gió để lại cho chị một gánh nặng, khiến từ đó chị lăn vào cuộc sống vất vả. Không ai nghĩ rằng một người đàn bà yếu đuối như chị lại có thể phấn đấu, chịu khó làm một nghề tay chân cực nhọc như một người đàn ông mạnh khỏe.
Trong bức ảnh chụp gian hàng cây cảnh của chị Lan, chiếc xe vận tải to lớn, cồng kềnh chứa đầy các loại cây và vật dụng gia đình phía tay mặt là chiếc xe mỗi cuối tuần chị lái ra đây để dọn hàng và chiếc van màu trắng bên cạnh do con gái chị lái.
 Thứ Bảy và Chủ Nhật từ 5 giờ sáng, chị và ba con đã có mặt tại khu Chợ Trời Golden West, dựng bạt căng lều và đem các loại cây, hoa từ hai chiếc xe xuống. Phải mất hai tiếng đồng hồ mới dọn xong gian hàng “nursery” để chờ khách đến mua. Ðể có được một gian hàng tương đối có đủ mặt hàng, những ngày trong tuần chị phải lái xe đi mua cây từ các nông trại xa để có được giá rẻ, giao sỉ cho các nursery. Nếu cuối tuần có khách cần mua các loại cây cảnh đặc biệt, chị sẵn sàng đi kiếm và mang lại nhà cho khách.

18 năm nay, chị Lan là một single mom làm việc vất vả như một người đàn ông tháo vát, da chị sạm đen suốt ngày trên chiếc vận tải, đi về giữa các nông trại và hai ngày cuối tuần phơi nắng, chịu lạnh giữa trời.
Ba người con của chị, ngày nay đã trưởng thành, cô con gái đầu 25 tuổi, đang làm việc ở một bệnh viện tại quận Cam, con trai thứ, 22 tuổi, đang theo học UCI và cô gái út chưa thấy mặt cha, ngày nay đã tốt nghiệp trung học. Nhưng không một ngày cuối tuần nào chúng vắng mặt bên gian “nursery” của chị. Thứ Bảy, Chủ Nhật cuối tuần từ 5 giờ sáng, bốn mẹ con chị đã có mặt tại chợ trời, xuống xe các vật dụng, cây cối, căng lều bạt sắp xếp để đón khách và gần 3 giờ chiều lại thu xếp cho vật dụng lên xe lái về nhà. Xong việc nhà vào khoảng 4 giờ chiều, cậu con trai còn sang phụ tiếp dọn hàng với ông chủ gian hàng bên cạnh để kiếm thêm chút tiền.
 Không như những gian hàng khác đôi khi phải thuê mướn người phụ, nhờ các con hiếu thảo, chị tiết kiệm được một số tiền lớn.
 Chị cho biết số doanh thu mỗi tuần từ $1,500 đến $2,000, vốn liếng không nhiều, chủ yếu lợi tức là nhờ vào công sức của mình.
Chị Trương Thị Lan thú nhận, nghề chợ trời không làm giàu, tuy vất vả nhưng đời sống gia đình cũng khá sung túc.
 Một nghề tự do
Chọn một loại hàng mua đi bán lại ít vất vả hơn, chị Phạm Thị Tuyên ở Santa Ana, sang Mỹ từ năm 1988, làm chủ một gian hàng tạp hóa bán các đồ trang sức và vật dụng gia đình có giá thấp từ một hai đô la một món.
  Loại tạp hóa này chị đi mua tại từ những nhà bán sỉ từ vùng Los Angeles hay China Town mang về, tiền lời mỗi món tuy ít, nhưng số lượng bán ra nhiều.
Chồng chị làm nghề tiện mỗi tuần chỉ có được một ngày nghỉ cuối tuần, nên chị để anh lo việc nhà và trông con nhỏ, công việc ngoài chợ trời là của chị. Phụ việc khiêng, dọn hàng cuối tuần giúp chị có hai cậu em, một hiện nay là sinh viên, một làm hãng.
 Chị Tuyên cho biết, tuy nghề bán chợ trời có phần vất vả, vì phải đứng suốt ngày ngoài trời, nhưng được cái giờ giấc tự do, chị dành thời gian để đưa đón các con, ngoài giờ ở trường, còn đưa con đi học đàn, học bơi lội.
Ngày nay con trai lớn chị đã lên đại học, cháu nhỏ mới 12 tuổi, nhờ job của chồng và nghề cuối tuần của chị, gia đình coi như ổn định, nhà mua đã trả xong.
Khu chợ trời được tổ chức trên khu parking của sinh viên, tiền rent hiện nay tương đối còn rẻ: $40 mỗi ngày cho mỗi đơn vị gồm 2 “parking space”. 
 Tùy nhu cầu buôn bán, chủ các gian hàng có thể thuê hai hay ba đơn vị. Với tiền thuê chỗ còn rẻ, nên nghề bán chợ trời hiện nay vẫn còn là nghề kiếm ra tiền nên những người chậm chân không còn chỗ thuê, phải nghĩ đến việc sang lại các gian hàng đang hoạt động với số tiền không nhỏ.
Nghề phụ việc ở chợ trời
Vào thời điểm 1990-2000, lương của một người phụ việc chợ trời là $50 mỗi ngày. 
Công việc phụ việc bắt đầu từ 5 giờ sáng, dọn hàng ra cho chủ, đứng bán hàng và khoảng 2:30 chiều bắt đầu “thu quân”. Buổi cơm trưa do chủ đài thọ.
Michael Lê, cư dân Garden Grove, hiện nay là sinh viên của OCC về ngành business, học thêm crimminal justic tại Golden West đã dành cuối tuần để phụ việc cho người chú, một cựu sĩ quan hải quân, chủ một gian hàng bán quần áo hiện diện gần hai mươi năm tại đây.
 Anh cho biết lương phụ việc bây giờ mỗi ngày được $70, tuy vậy có nơi chủ chỉ trả $60. 
Nếu công việc chỉ có phụ dọn hàng ra buổi sáng và chiều dọn hàng về thì chỉ được trả $30 thôi.
Chúng tôi tò mò hỏi “Liệu có các sinh viên du học trong số các em phụ bán chợ trời tại đây không?” thì Michael Lê trả lời chắc nịch: “Chắc chắn là không! 
 Nghề phụ việc này quá vất vả, có lẽ chỉ dành cho các sinh viên nghèo, chịu khó mà thôi!”

                                        Huy Phương
                               ~~~~~~~~~~~~~~~
                 @@ weekend rảnh đi dao 1 vòng ở các khu flea market cùng gia đình cũng là cách thư giãn thoải mái ,ngắm nghía ,chọn lựa, cò kè trả giá giống S. gòn ngày xưa  -có khi dùng động từ quơ vì người bán hàng gốc Latino không sử dụng English ,mà vẫn hiểu nhau ,thay vì  one,two - five, ten thì uno ,dos,....  hay tambien, cũng thuận mua vừa bán ..
 Vừa hít thở không khí trong lành của buổi sáng đẹp trời ,lại thong thả dạo bước chầm chập trong khu parking lot rộng mênh mông cảm giác thật thú vị..!

Chạy

 Như đã có lần tôi chia sẻ với các bạn, tôi là thằng rất ghét chạy bộ. Thấy ai mang giày ra chạy, tôi cứ nghĩ một là người đó có quá nhiều thời gian rảnh rỗi. 
Hoặc hai là thần kinh người ấy có… vấn đề.
Thế vậy mà trong khoảng thời gian gần đây tôi lại bắt đầu cảm thấy thích môn này.
 Thứ nhất là vì nó…rẻ. Thứ hai vì nó khá dễ dàng thực hiện.
 Và thứ ba đơn giản là vì nó tốt cho sức khỏe của mình. Không chỉ sức khoẻ về thể xác mà luôn cả cho tinh thần.
Không biết tôi có nói quá hay không nhưng đối với những người chạy bộ để exercise như tôi, hầu như ai cũng bảo với tôi là sau khoảng chừng 15, 20 phút chạy bộ, khi “máy” đã nóng thì ai cũng có cảm giác rất sảng khoái, rất “đã”, mặc dù tim đang đập mạnh và chân có thể mỏi.
Nhưng tinh thần bạn lúc ấy sẽ cảm thấy rất thoải mái và đặc biệt là rất sáng suốt.
 Nếu như trước khi chạy bạn có quá nhiều việc để suy nghĩ, chuyện này chồng lên chuyện kia, rối bời cả lên thì tôi đảm bảo với bạn chỉ cần khoảng 20 phút chạy bộ là bạn sẽ biết ngay chuyện gì bạn cần phải bắt tay vào làm ngay.
 Và chuyện gì không có bạn thì cũng sẽ chẳng chết thằng Tây nào!Chạy bộ nó tốt là vì thế.
Hay nói rộng hơn tập thể dục thường xuyên là một trong những điều quan trọng nhất trong cuộc sống.
 Mặc dù tôi biết khi viết điều này ra sẽ có người cho là tôi quá nhảm, tàm xàm bá láp. Chuyện nước, chuyện nhà không lo, không nghĩ.
 Ở không đi nói chuyện tập thể dục.
Nhưng nếu như sức khỏe của bạn không tốt, tinh thần bạn lúc nào cũng bấn loạn rã rời thì thử hỏi làm sao bạn có thể lo được chuyện nước, việc nhà?
 Xin lổi một may ngã bệnh, chính bạn cũng không thể tự lo cho mình được nói chi đến việc trợ người, giúp nước.
Đó là lý do tại sao hôm nay tôi muốn viết về một số điều căn bản nhất khi bạn cảm thấy đã đến lúc bạn cần phải tập thể dục. Không phải ngẫu nhiên mà từ lúc tôi đi ta bà thế giới cho đến nay, đã gần 15 năm rồi nhưng tôi chưa bao giờ phải vào…nhà thương. Hay bị bệnh phải nằm liệt giường.
Thật hú hồn.
Dĩ nhiên, tôi biết là tôi có phần nào may mắn. Nhưng thành tâm mà nói nếu như tôi không chịu đều đặn tập thể dục 3, 4 lần mỗi tuần thì khó mà tôi có thể trong vòng 3 ngày đi từ Đông sang Tây, từ lạnh -15 độ ở Ottawa sang Manila nóng lên đến trên 30 độ mà thân xác không bị hề hấn gì.
 Người vẫn cứ tỉnh queo, công việc chạy đều đặn.
Một trong những điều đầu tiên mà tôi học được từ những người huấn luyện viên mà tôi quen đó là nếu như cơ thể của bạn không khỏe, trên người có nhiều mỡ hơn thịt thì chắc chắn một điều, tinh thần của bạn cũng sẽ không khỏe.
Tôi thấy điều này rất đúng.
 Nếu có tuần nào tôi lười không tập thể dục thì ngay lập tức tôi cảm nhận là đầu óc của mình nó cũng uể oải theo, không nhanh nhẹn như thường ngày. 
Nói một cách khoa học, theo các cẩm nang thể dục cho biết khi cơ thể của chúng ta được vận động thường xuyên, sẽ có những tố chất được tiết ra kích thích thần kinh làm việc hữu hiệu, nhanh chóng hơn.
Có lẽ đó là lý do tại sao từ Clinton, Bush cho đến Obama, mặc dù khỏi phải nói ai cũng biết là các ông bận đến độ nào, công việc của họ, những quyết định của họ nó quan trọng đến độ nào. 
Thế nhưng ông nào cũng dành độ khoảng 1 tiếng mỗi ngày để thư giãn bằng cách… tập thể dục.
 Nhưng tập thể dục thôi cũng chưa đủ các bạn ạ. Vì thực phẩm - những gì chúng ta ăn uống mỗi ngày - đóng một vai trò rất quan trọng. 
Nếu không muốn nói là quan trọng hơn cả việc tập thể dục. Đối với những người đang muốn giảm cân, 70% là tùy vào chế độ ăn uống kiêng cữ. 
Tập thể dục chỉ có thể giúp bạn 30% còn lại.
Vì vậy, nếu có thể, bạn nên uống nước lã hơn là nước ngọt. Nên chọn uống các loại nước dành cho những người tập thể thao (sports drinks), có nhiều chất carbohydrate và càng ít đường càng tốt.
 Hơn là uống Coca Cola, Pepsi, Fanta, Snapple, v.v…
Sau 8 giờ tối bạn nên ăn ít cơm, những gì chứa nhiều chất đạm, mỡ như…phở chẳng hạn.
 Và thay vào đó là các loại rau sống, cá, thịt. Như canh bầu, bí. Xà lách trộn thịt. Cá hấp, rau muống luộc.
Và điều cuối cùng cần thiết nhất là bạn phải tập thể dục thường xuyên.
 Một tuần 3 lần. Mỗi lần một tiếng. 30 phút tập cho các cơ bắp được săn gọn. 30 phút tập cho tim phải đập mạnh, để đả thông các mạch, giúp máu chảy điều hòa.
  Chủ yếu là chạy bộ. Để từ thân xác cho đến tinh thần của bạn luôn được minh mẫn, sáng suốt.
Bất kể là bạn đến từ thành phần nào. Giàu có hay nghèo hèn. Bận rộn bù đầu hay nhàn rỗi vi bất thiện. Ai cũng cần phải có sức khỏe. 
      Để giúp mình trước. Sau đó mới giúp được người. Hay đời.Chúc các bạn may mắn.
                                                                                                                                                              Trịnh Hội 
                                 ~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
   @ yeah, 99,99 % - Bất kể là bạn đến từ thành phần nào. Giàu có hay nghèo hèn. Bận rộn bù đầu hay nhàn rỗi vi bất thiện. Ai cũng cần phải có sức khỏe. ,
tks anh Trịnh Hội !

Thứ Tư, 3 tháng 10, 2012

Chuyện đàn ông (2)

 Còn các cụ bà nhà ta, thôi em chả cần phải viết đi viết lại làm gì những điều các chị đã biết bao nhiêu lần rồi. Nhưng càng nghĩ lại càng tức lộn ruột.
Hồi còn là con gái, các cụ phải lo lắng cho gia đình, hết bếp núc đến đồng áng, trong lúc bọn trai thì cho đi học đi chơi tùy ý, cái gì mà “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”.
 Đến tuổi lấy chồng, các bà mối bà mai đến nắn tay nắn chân, sờ tai vạch tóc, coi có khỏe mạnh, có mắn đẻ không để đem về làm dâu, thực ra là để làm việc nhà chồng!
Nói phải tội, chắc chả có cụ nào được thỏa mãn sinh lý một lần trong đời.
Các cụ chỉ dám than thở qua ca dao, qua câu hò câu hát, bạo hơn, như cụ Hồ Xuân Hương làm thơ châm biếm, thế là bọn họ ghép cho bao nhiêu là tội.
 Về làm vợ, các cụ phải gánh vác giang sơn nhà chồng, làm việc bất kể ngày đêm, rồi lại đẻ đái sòn sòn, làm sao mà không sồ sề, không già trước tuổi ra được.
Thế là bọn họ lấy cớ để lấy V2, V3. Mà còn chưa đủ, họ lại bày đặt ra chốn kỷ viện, thanh lâu, đem chị em ta ra làm trò chơi giải trí.
Hiện nay ở xứ Bắc Mỹ này, mặc dù ở thế hạ phong, bọn họ vẫn còn ngấm ngầm chống đối chúng ta.
 Các chị cứ để ý lại xem, trong các lễ lượt của chúng ta, mặc dù họ ngồi yên ra vẻ nghiêm chỉnh, nhưng em thấy trong ánh mắt họ có cái gì diễu cợt, khinh thường.
Còn chuyện khổ nhất của đàn bà con gái chúng ta là chuyện kinh kỳ, một tháng bốn năm ngày đau khổ biết chừng nào. Thế mà bọn họ cũng nỡ đem ra làm đề tài diễu cợt, nào là mang cờ Nhật, nào là Chu Du thổ huyết, thật dơ dáy quá sức.
Đến lúc sinh nở, họ dông tuốt đi luôn để ta vượt cạn một mình. Qua xứ này, theo phong tục, họ phải vào phòng sanh để giúp đỡ vợ, thế là chín đứa trên mười xỉu tại chỗ.
Chao ơi, càng nghĩ em càng nộ khí xung thiên!
 Em đã quyết rồi, em nhất định phải làm một cái gì đặc biệt mới hả mối giận này, mà bây giờ em cũng khôn ngoan thận trọng ra rồi, muốn trị họ cho đến nơi đến chốn, thì phải biết mình biết người, nghĩa là phải biết rõ các khuyết điểm của họ.Trước tiên về thân thể vóc dáng, bọn họ thường tự hào là phái khỏe, còn chúng ta chỉ là một cái xương sườn của họ.Quả thực bọn họ cao lớn khỏe mạnh hơn ta chút ít, có điều càng to càng khỏe thì chức vụ cao nhất cũng chỉ làm đến cận vệ cho tổng thống là cùng.
 Ta tuy bé mà bé hạt tiêu, bé nhưng dẻo dai, còn hơn lớn mà bở rẹt.Còn về sắc đẹp, chị em chúng ta có vòng 1, vòng 2, vòng 3 cong cong mềm mại, còn bọn họ thì thẳng đuồn đuột, lòng tha lòng thòng, thật đểnh đoảng vô vị như cặp vú đàn ông. Còn mặt mày, đứa thì hói đầu, đứa thì râu tóc lởm chởm, mũi miệng thô tháp, đôi mắt khi thì liếc ngang liếc dọc, khi giận thì đỏ kè hung hãn.
 .....Chao ơi, càng nghĩ em càng nộ khí xung thiên! Em đã quyết rồi, em nhất định phải làm một cái gì đặc biệt mới hả mối giận này, mà bây giờ em cũng khôn ngoan thận trọng ra rồi, muốn trị họ cho đến nơi đến chốn, thì phải biết mình biết người, nghĩa là phải biết rõ các khuyết điểm của họ.Trước tiên về thân thể vóc dáng, bọn họ thường tự hào là phái khỏe, còn chúng ta chỉ là một cái xương sườn của họ. Quả thực bọn họ cao lớn khỏe mạnh hơn ta chút ít, có điều càng to càng khỏe thì chức vụ cao nhất cũng chỉ làm đến cận vệ cho tổng thống là cùng. 
Ta tuy bé mà bé hạt tiêu, bé nhưng dẻo dai, còn hơn lớn mà bở rẹtCòn về sắc đẹp, chị em chúng ta có vòng 1, vòng 2, vòng 3 cong cong mềm mại, còn bọn họ thì thẳng đuồn đuột, lòng tha lòng thòng, thật đểnh đoảng vô vị như cặp vú đàn ông. Còn mặt mày, đứa thì hói đầu, đứa thì râu tóc lởm chởm, mũi miệng thô tháp, đôi mắt khi thì liếc ngang liếc dọc, khi giận thì đỏ kè hung hãn
.Còn về tính tình, bọ họ thường tự cao tự đại, ba hoa khoác lác, ít chịu thua ai, cho nên nếu có bị hiếp đáp cũng giả bộ ra vẻ ta đây là người lớn không thèm chấp, đó là một khuyết điểm lớn mà ta phải biết lợi dụng để khai thác.
Ngoài ra họ còn ham danh ham lợi, thích làm tiền, ta phải xúi dục khích bác để bọn họ đem nhiều tiền về cho ta tiêu, lại còn thích ngọt, thích được nịnh nọt, ta phải biết, để dễ nắm mũi kéo đi.Hiện nay trên thế giới biết bao nhiêu phong trào nổi lên giành lại sự công bằng cho phụ nữ, thế mà vẫn có một số chị em sợ sệt vớ vẩn.

 Các chị sợ rằng bọn đàn ông bị hiếp đáp quá sẽ chủ bại, nhu nhược lờ khờ, đâm ra biếng nhác ù lì, rồi không chịu làm việc để phục vụ chúng ta. 
Các chị này bị hiếp đáp quá nhiều và quá lâu nên đâm ra lẩn thẩn, phải cần có thời gian để giải độc.
 Em nghĩ thật ra các phong trào phụ nữ chưa nhằm nhò gì đâu các chị ạ.Sau mấy năm nghiền ngẫm, em đã tìm ra chân lý, tìm ra nguyên nhân chính của sự đau khổ của chúng ta, và đã tìm ra phương pháp chữa trị tận gốc.
  Em không nói ngoa đâu, các chị đọc tiếp sẽ rõ.Sự đau khổ chính của chúng ta là mang thai, sinh sản, và vấn đề kinh nguyệt, có phải không các chị?
 Nghĩ đi nghĩ lại, giải quyết dễ ợt hà! Thời buổi này là thời buổi văn minh, cắt chỗ này ghép chỗ kia, các bác sĩ làm như trở bàn tay. 
Thế rồi em nghĩ sao không cắt tử cung rồi ghép vào bọn đàn ông để chuyện bầu bì từ nay giao khoán cho họ. 
 Còn chuyện thụ thai được hay không là chuyện khác, đó là chuyện của họ, họ phải tự xoay sở lấy, việc gì đến ta? 
Từ thuở tạo thiên lập địa, giống cái chúng mình đã đảm trách công việc truyền giống rồi, đến nay là phiên họ, em nghĩ cũng không sớm lắm đâu.
 Suy nghĩ chín chắn xong em đi tham khảo ý kiến của các giới phụ nữ khắp năm châu, ai ai cũng cho là ý kiến độc đáo mới lạ từ cổ chí kim chưa ai nghĩ đến. Sau đó em xin đến gặp bà chủ tịch Hội Nữ y sĩ thế giới.
 Bà gật gù đồng ý ngay trên nguyên tắc, nhưng bảo phải thử ghép các giống khỉ vượn trước, để xem kết quả ra sao? Em vội trả lời:
- Ối dào, việc gì phải thử vào khỉ cho dây dưa với hội bảo vệ súc vật? Ta cứ vào các trường Đại học, tuyển một số tình nguyện thí nghiệm, cứ hứa với họ là sau khi thành công sẽ cho làm đàn bà luôn, em nghĩ có khối đứa tình nguyện xin được ghép.

Quả nhiên khi vào các trường Đại Học tuyển người, số thí sinh xung phong tình nguyện đông không kể xiết, có nơi còn đi đến xô xát để giành chỗ.Rồi kết quả các cuộc cắt ghép thành công ngoài dự định của các nữ bác sĩ giải phẫu.
 Chỉ có vài sự trục trặc nhỏ như bọn đàn ông phút chốc lại trở thành đàn bà, mừng rỡ quá như hóa điên hóa cuồng, đi đâu cũng khoe khoang ầm ĩ cả lên, làm nhà em tràn ngập đơn xin, còn ông bưu điện vất vả ngày đêm để nhận, chuyển các thư từ, giây thép từ khắp năm châu gửi về xin cắt ghép.Rồi em lại lên gặp bà chủ tịch Hội Nữ y sĩ thế giới, bà phục em quá, xin em làm cố vấn cho hội, rồi còn đề nghị trao giải Nobel năm tới cho em vì có công trong cuộc giải phóng phụ nữ. Em nhún nhường:
- Việc đó nhằm nhò gì, phụ nữ Việt Nam chúng tôi còn có những kế hoạch kinh thiên động địa nữa, có thể đảo lộn cả thế giới như chơi.Sau đó em đến gặp bà chủ tịch Hội Nữ luật sư thế giới để bàn định soạn thảo một luật gia đình cho toàn cầu. 

Điều khoản chính là trước khi thành hôn, người chồng phải được ghép tử cung của vợ.
 Từ nay về sau chuyện sanh sản phải do phái nam đảm trách, đàn bà chúng ta sẽ rảnh tay để làm những chuyện khác, chuyện gì thì hiện giờ em chưa nghĩ đến.
Công chuyện ghép tử cung đại khái kể cũng tạm xong.

Chiều nay về đến nhà đã hơn 7 giờ tối, tên nô lệ da vàng đã cơm nước sẵn sàng, ân cần đưa khăn cho em lau mặt, rồi kéo ghế mời em ngồi xơi cơm, trông hắn độ này nhũn nhặn ra hẳn. Ăn xong, hắn mời em đi xem xiné, phim “Một Thế Giới Không Đàn Bà”.
 Phim thật hay, chuyện giả tưởng ấy mà, một thế giới mà đột nhiên đàn bà biến mất cả, bọn đàn ông sống với nhau mất thăng bằng, nổi điên nổi khùng chém giết lẫn nhau, cuối cùng cả thế giới bị tận diệt.
Ra về, tên nô lệ da vàng của em nhẹ nhàng thú nhận:
- Phim đó diễn tả rất đúng, một thế giới không có đàn bà là một thế giới chết, đàn ông chúng anh rất cần phái nữ, có đàn bà cuộc đời mới có ý nghĩa, đúng theo luật âm dương của tạo hóa.Sau khi đắp chăn cho em, hắn hôn lên trán em, chúc em ngủ ngon rồi tiếp:
- Chúc em tối nay có một giấc mơ “Một Thế Giới Không Đàn Ông”.

Nói xong hắn cười, em ngờ ngờ thấy trong nụ cười của hắn có một cái gì khó hiểu, một cái gì ranh mãnh tinh ma.Thế rồi em nằm mộng thấy “Một Thế Giới Không Đàn Ông “ thiệt các chị ạ.
 Chao ơi, kinh khủng quá, một thế giới chỉ toàn đàn bà là đàn bà, càng nghĩ lại càng rùng mình, mồ hôi tay mồ hôi chân cứ rịn ra, em không dám kể lại đâu, em sợ quá rồi. Thôi cái kế hoạch cắt ghép tử cung phải đem vất vào sọt rác cho rồi, còn cái giải Nobel nữa, em chả thèm vào đâu.
 Mà nghĩ cho kỹ, mình còn đòi gì nữa, đàn ông người ta quá tốt, người ta làm việc như trâu bò để lo lắng cho gia đình, đùm bọc che chở cho mình, thế mà thấy người ta ít nói mình cứ kiếm cách ăn hiếp người ta, bày đặt ra chuyện này chuyện nọ để tìm cách hạ người ta, nghĩ lại em thấy thẹn thùng quá.
  Thôi, em sẽ ra tòa Đô Chánh ngay để xin lập hội bảo vệ đàn ông, kẻo không họ tuyệt chủng mất thôi.Chúc các chị tối nay ngủ ngon và đừng nằm mơ thấy “Một Thế Giới Không Đàn Ông”. 
 
                                ~~~~~ Ngân Uyển~~~~~~

   @ tks t/g NU :bài viết dí dỏm ,dẫn chứng chính xác . ôi thế giới không đàn ông hay thế giới vắng bóng đàn bà . thiện tai thiện tai , phải có âm dương hoà hợp, có phái mạnh & phái đẹp thì cuộc sống mới cân bằng và hạnh phúc chứ !

Chuyện đàn ông

Em viết về chuyện đàn ông vì họ có nhiều chuyện đáng nói. Nhưng em biết chưa bao giờ em được viết dễ dàng và thoải mái như hôm nay vì viết mà không cần phải lách, phải tránh né gì cả.
 Bọn đàn ông hết chín phần mười đọc tựa đề này xong sẽ lật qua trang khác ngay. Muốn họ đọc thì phải viết về chuyện đàn bà, chuyện cấm đàn bà, vả lại họ có đọc đi nữa cũng có sao đâu?
 Ở các xứ Âu Mỹ này làm gì có tổ chức, có cơ quan nào bảo vệ họ đâu mà sợ.
Trước tiên em xin thanh minh cùng các chị rằng em không có thù oán cá nhân gì với bọn họ. Em cũng có gia đình, nghĩa là cũng có một tên nô lệ da vàng hầu hạ như ai, chớ không phải thuộc loại gái già khú đế, vất ra đường, 5, 7 ngày không ai nhặt.
Thôi để em kể lại chuyện đời em cho các chị nghe.Thuở còn con gái, em nổi danh là người đẹp, lại còn được tiếng nết na đức hạnh. Ba mẹ em thuộc dòng dõi Nho gia nên dạy dỗ em rất kỹ, nào là tam tòng tứ đức, nào là nhân lễ nghĩa trí tín, nào là xuất giá tòng phu, lấy chồng phải gánh vác giang sơn nhà chồng.
 Cho nên em rất đắt mối, chưa học xong trung học mà đã đám này đám nọ, ông bà này đến coi mặt cho con, cậu mợ kia đến thăm dò cho cháu. Nói ra cứ tưởng em được tha hồ chọn lựa, kỳ thực quyết định chính là mẹ em, mà lựa theo tiêu chuẩn nào thì hiện em cũng chưa rõ nữa.Thế rồi đến ngày đám cưới, mẹ em kêu em vào dặn dò.
 Nếu muốn không bị chồng bắt nạt thì khi vào phòng tân hôn, phải chạy lại ngồi ngay trên đầu giường chỗ gối chồng em nằm. Trời đất ơi! Không biết các cụ nhà ta bị đàn ông bắt nạt thế nào mà thần hồn nát thần tính, rồi đâm ra dị đoan mê tín lẩn thẩn thế. 
Từ ngày về làm dâu nhà họ Nguyễn, em được tiếng là vợ đảm, dâu hiền, các cụ cứ khen rối rít cả lên, đi đâu cũng đem ra khoe, làm em cũng được hãnh diện, hai lỗ mũi cứ phồng lên, rồi em cật lực đem thân ra làm dâu làm vợ.
Các chị xem, đây là thời khóa biểu mỗi ngày như mọi ngày của em:
- 6 giờ sáng đã rón rén thức dậy pha trà hầu bố chồng, rửa mặt rửa mũi qua loa; rồi 7 giờ sáng vào đánh thức chồng dậy, dọn điểm tâm cho chàng trước khi đi làm, xong rồi quét dọn nhà cửa; đến 9 giờ sáng xách giỏ theo mẹ chồng đi chợ, bà vừa mua vừa trả giá vừa giảng giải cho em biết lựa con cá nào ngon, con gà nào tơ, bó rau nào tươi, phải biết đối đáp thế nào với những cô hàng chua ngoa đanh đá;
- 11 giờ về đến nhà, nấu cơm nấu canh cho cả nhà xơi; thường thì mọi người ăn được nửa bữa em mới có thì giờ ngồi vào bàn ăn, ăn xong lại dọn dẹp;
 trưa đến giặt giũ, là ủi áo quần, chiều vừa tắt bóng lại nổi lửa nấu cơm, đến 8,9 giờ tối mới tạm xong công việc
tắm rửa xong, vào phòng mệt muốn chết, cặp mắt muốn ríu lại, nhưng việc đã hết đâu, chàng bảo hôm nay làm việc mệt quá, mình đấm bóp cho anh một chút nhé, rồi còn chuyện kia nữa chứ!
Xong rồi chàng quay lưng ra ngủ khò.

 Cuộc đời em cứ từ từ trôi qua như thế, mà em tưởng tất cả những đàn bà trên thế giới cũng có một cuộc sống như em, như lời mẹ chồng thường nhắc nhở.
Rồi cứ một năm em sòn sòn đẻ mắn như gà, rồi việc ơi là việc, hết chồng lại con, hết bếp lại núc, hết nhà lại cửa; thế mà lạ thật, em chả oán trách than van gì cả.
 Thỉnh thoảng về nhà cha mẹ, em thấy trong ánh mắt của mẹ em một thoáng ái ngại, còn các em em thì phản đối ra mặt.Chúng nó nói xa nói gần, có khi nói thẳng, nhưng em cứ cho là quá tân thời, tiêm nhiễm theo đời sống thác loạn Âu Mỹ, nên thường không thèm chấp, có khi em thường đem dạy những bài học luân lý, đạo đức cho bọn chúng nghe nữa, chúng nó cười lắc đầu ngán ngẩm, coi trường hợp em như đã hết thuốc chữa.Thế rồi miền Nam thất thủ, em và gia đình chồng may mắn được lên tàu đào thoát.
 Qua đến Montréal, em vẫn giữ vai trò nội trợ như trước, nhưng lần hồi rồi chồng em cũng phải để cho em đi làm; thực sự, một mình chàng kham không nổi gánh nặng tài chánh của cả gia đình.
Thú thực với các chị, lần đầu tiên phải đi làm em sợ quá, nhưng rồi cũng quen đi. Mà hình như đàn ông bên này họ lịch sự, chiều chuộng đàn bà quá chừng.
 Lần hồi rồi em cũng biết ở các nước Âu Mỹ đã có cuộc giải phóng phụ nữ từ lâu, rồi em cũng nghe đến tai câu: nhất đàn bà, nhì chó mèo, thứ ba mới đến đàn ông gì đó.Em ngẫm nghĩ đến cả mấy tuần, rồi em mới rõ.
 Thì ra mười mấy năm trời nay người ta đã lừa phỉnh em, người ta bịt mắt em, người ta dụ dỗ em dựa theo những cuốn sách từ thời thượng cổ bên Tàu để bắt làm tôi mọi không công.
Trời ơi, tức ơi là tức! Mười mấy năm của tuổi xuân thì, mười mấy năm đẹp nhất của một đời người con gái bị người ta lợi dụng mà không hưởng được chút gì, các chị nghĩ coi có đáng thù giận không?

Thế rồi em sắp đặt kế trả thù, không phải để riêng cho em đâu, mà cho tòan thể phụ nữ trên thế giới nữa đó. Em bắt đầu đọc sách, tham khảo, suy gẫm, gia nhập những hội đoàn phụ nữ để mở mắt ra.
 Thì ra đến giờ em chưa hiểu chưa biết gì hết về cái giống đàn ông kia cả.Từ nay em xin gọi giống đàn ông là “bọn họ” cho tiện việc.
 Kể ra em đã lịch sự quá rồi. Hóa ra từ xưa đến giờ, từ Tây qua Đông, bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào bọn họ cũng ăn hiếp chúng mình đủ kiểu.
Các chị coi, ở bên Tàu, bọn họ đặt ra biết bao luật lệ, bao nhiêu ràng buộc để hành hạ các cụ bà, để phục vụ họ. Nghĩ cũng quá tội cho các cụ bên Tàu, ai đời chân người ta đang đi đứng ngon lành, họ bắt bó béng nó lại.
 Hồi đầu em cũng tưởng bọn họ muốn cho chân các cụ bà đẹp, từng bước nở hoa sen, thôi thì cũng được đi, bây giờ em mới biết họ bó chân các cụ với mục đích khác, họ nghĩ bó chân cho nhỏ, ít đi ít đứng thì chổ khác nở ra to để phục vụ bọn họ, nghĩ có giận không?
Còn bên Tây, thời Trung cổ, bọn họ đặt ra cái khóa trinh tiết bằng sắt nặng trình trịch, đi chinh chiến thì đem chìa khóa đi theo. 
Có mấy đứa mấy năm sau trở về, thấy vợ mình già nua xấu xí, thế là nó giả vờ bảo chìa khóa lạc mất đâu rồi, thế có chết con người ta không?
Còn ở bên Trung Phi bây giờ, ở cái xứ U-đít gì đó, vẫn còn cái trò cấm đoán đủ thứ. Ra đường thì phải còn che mặt, mặc quần áo năm bảy lớp dù trời nắng chang chang.

 Lại còn phải sống trong cái harem nữa chứ, cứ như đàn bò cái, bầy gà mái.
Hồi xưa ở xứ Chiêm Thành còn có luật lệ, mỗi khi chồng chết, họ đem thiêu luôn các bà vợ. Các chị còn nhớ Huyền Trân Công Chúa không?
 Cũng may có ông Ngân Uyển đi vào được chiều thứ tư, ngược dòng thời gian, đến cứu kịp thời nếu không đã chết thiêu mất tiêu rồi còn gì.
Hiện chừ bên Phi Châu còn tục lệ cắt clitoris, ai đời con gái người ta mới 6, 7 tuổi bị đè ra cắt béng đi, cho hết khoái cảm về sau, các chị nghĩ có dã man hung ác không?

Thứ Ba, 2 tháng 10, 2012

Con Đường Hành Hiệp


Mê truyện Tàu và truyện võ hiệp ngay từ hồi còn bé, lúc đang học lớp Ba tiểu học trường làng nên nếp sống của tôi lắm khi chịu ảnh hưởng khá nặng của những câu chuyện trên trời dưới đất do ngòi bút tưởng tượng thật phong phú của các văn sĩ người Trung Hoa.Vì thế, quý vị thấy cái tựa đề bài phiếm của tôi sặc mùi võ hiệp.
Những ai ở Huế mà hiện nay đang ở lứa tuổi của tôi chắc không mấy ai là không biết nhà sách Ngô văn Mạch nơi duy nhất thời đó cho thuê truyện.
 Tôi cố ý không cho quý vị biết lứa tuổi của tôi là lứa tuổi nào vì tôi đang còn “ham vui”, muốn níu kéo tuổi xuân vì đã từ lâu lắm rồi “cái già xồng xộc nó thì theo sau”, nó bám riết sau lưng tôi, dứt ra không đươc dù đã cố gắng bằng mọi cách kể cả dược lực và các phương pháp thể dục của các vị Đạt Lai Lạt Ma như “Suối nguồn tươi trẻ”. 
Vừa rồi, trong chuyến về thăm quê hương, tôi được một ông bạn thân quảng cáo hiệu lực của rượu ngâm con bửa củi. 
Ông ta khoe với tôi đã ngâm vào rượu (tôi quên mất là bao nhiêu lít) 1000 con bửa củi gồm 500 con nướng và tán nhỏ thành bột, và 500 con ngâm sống để dùng tăng cường sinh hoạt trong phòng the.
 Bạn tôi bảo là muốn bao nhiêu con bửa củi cũng có người cung cấp chả bù lại ngày xa xưa kiếm được một con, trân trọng bỏ vào trong bao diêm mang đến khoe với bạn bè, mỗi thằng thay phiên nhau đè vào lưng nó để thấy nó gục đầu bửa củi.
Chắc cũng vì động tác "bửa" này mà mấy ông ba Tàu tung "tuyau" là phương thuốc rượu ngâm bửa củi có công hiệu trong phòng the.
Tôi được tặng một xị rượu này và rắp tâm sẽ dùng thử xem có thật xung độ hay không, để xem trẻ lại được bao nhiêu tuổi đời. Một nhà tâm lý học nọ đã ngôn rằng trong con tim của các thiếu phụ đều có một góc nhỏ ở trong đó họ thấy mình đang còn ở tuổi bắt bướm hái hoa. 
Thật ra, không phải trong tim của các thiếu phụ mà trong tâm hồn của các cụ ông, cụ bà đều có một ngăn kéo nhỏ bé, thỉnh thoảng họ lôi từ trong đó ra những kỷ niệm thuở thiếu thời và họ để hồn mơ về quá khứ rồi thấy mình vẫn còn đương độ thanh xuân.Tui cũng rứa!Tui thấy tâm hồn tui vẫn còn trẻ và trẻ mãi không già
 (Nói dốc kiểu này thì chính thật là dốc Nam Giao rồi!)
 Tôi đang trở về thời niên thiếu đây! 
Nhà sách Ngô văn Mạch nằm trên đường Gia Long thẳng góc với đường Trần Hưng Đạo. Hai con đường này là hai con phố chính của thành phố Huế nhỏ bé thân yêu của chúng tôi.
Tôi là cậu bé khách hàng quen thuộc của nhà sách này. Mỗi tuần một lần tôi đã theo Mẹ tôi đến nhà sách này để thuê truyện mang về nhà đọc ngấu nghiến sau khi đã học hết bài vở ở nhà trường. 
Bao giờ cũng thế, muốn ôm cuốn truyện là tôi phải đến trước mẹ tôi và long trọng “tuyên bố“:
“Me ơi con thuộc bài rồi!”
Bấy giờ mới được phép đọc truyện.

 Mẹ tôi tin tôi nên rất ít khi người bắt tôi trả bài xem có thuộc bài thật không.
 Mẹ tôi vốn là một nhà giáo tận tụy với nghề nên đặt ra những quy tắc mô phạm mà tôi phải tuân theo một cách tuyệt đối. 
Ví dụ Bà khuyến khích tôi đọc truyện để mở mang trí tuệ và để trau dồi lối viết văn nhưng ưu tiên số một vẫn là bài vở ở trường phải thanh toán đâu vào đấy mới được giải trí bằng cách đọc truyện. 
Tôi phải trả bài cho Người một cách nghiêm chỉnh như đang đứng trong lớp học trả bài cho thầy, cô giáo.
Trả bài mang tính chất học đường một cách trang nghiêm, đứng đắn, phải đứng thẳng người, khoanh tay lễ độ, mắt nhìn thẳng chứ không phải lấm la lấm lét nhìn ngược nhìn xuôi để mong các bạn học trong lớp nhắc “tuồng” khi không thuộc bài.
 Nói đến nhắc tuồng, tôi bỗng nhớ đến một câu chuyện khôi hài trong lớp học:
Thầy giáo hỏi một học sinh tên của thành phố có chiếc cầu treo nổi tiếng là một kỳ quan của thế giới. Cậu học trò bí rị quên mất tiêu tên thành phố này. 

May mắn có anh bạn ngồi bên cạnh nhắc thật khéo bằng tiếng mẹ đẻ để ông thầy không hiểu vì đây là một lớp học trong trường Tây nên giáo sư là một ông Tây mắt xanh mũi lõ. Anh bạn nhắc như thế này: Trăm quan sáu cô, dịch ra tiếng Pháp đi mầy.
 Cậu học sinh được bạn nhắc tuồng, mừng quá nên vội vàng dịch nguyên con: Cent francs six demoiselles.
 Đáng lý ra nếu không dịch chữ ”cô” thành ra chữ "demoiselles" thì đã trả lời đúng câu hỏi của giáo sư là San Francisco rồi.Đấy, trả bài quan trọng như thế đó chứ đâu như bây giờ, gặp nhau trong quán nhậu hay cà phê cứ bô bô mồm hỏi nhau: “Sao, độ rày bài vở ra làm sao rồi, có trả bài đầy đủ cho bà xã không, bà xã có hài lòng không?”
 Câu hỏi này thường dành cho quý ông về Việt Nam một mình khi trở về Mỹ được bạn bè săn đón hỏi han.
Tuy câu hỏi cũng quan trong lắm vì cái sự "trả bài" này cũng gay cấn như ở lớp học nhưng lại đượm mùi “trần tục”, mà cái mùi này cũng hấp dẫn lắm phải không quý vị. 
Những truyện kiếm hiệp mà sau này được gọi là truyện chưởng do ông Kim Dung tung ra trên thị trường sách báo làm độc giả khắp năm châu bốn biển, mê tít thò lò, đọc ngấu, đọc nghiến , hay mê say xem phim bộ suốt đêm ngày, ngày xưa được gọi chung chung là truyện võ hiệp.Và thật đúng như vậy! 
 Trong cái võ bao giờ cũng có chữ hiệp! 
Các hiệp sĩ trau dồi võ thuật để hành hiệp cứu đời. Các hiệp khách tế khốn phò nguy, lấy của người giàu giúp kẻ nghèo khốn, trừng trị bọn cường hào ác bá, bọn quan lại cậy quyền thế bắt nạt lương dân.
 Thậm chí trong một vài bộ truyện, các hiệp sĩ còn ra tay trừng trị và dạy bảo hôn quân phải chấn chỉnh triều đình, tu nhân tích đức để trị quốc, bình thiên hạ. Họ vào cấm cung, tung hoành, bất chấp phép nước, không e ngại quân lính triều đinh, âm mưu ám sát vua chúa. Tôi thích nhất là những truyện trong đó có những pha đã lôi đài vì thế mà ngày nay tôi cũng còn ham mê xem các trận đấu quyền Anh hay các cuộc thi tài kick boxing, Ultimate Fighting vv


…Gần như trong các bộ truyện võ hiệp này bao giò cũng có một hồi nói đến các nhà sư hổ mang đem gái về hành lạc làm nhơ bẩn cửa chùa và bao giò các nhà sư này cũng bị trừng trị thẳng tay và các ngôi chùa ô uế này sau đó đã bị hỏa thiêu như bộ truyện tôi còn nhớ tên: Hỏa thiêu Lâm Thiền Tự hay “Máu tuôn xóm Liễu”.
 Đây là một bộ truyện võ hiệp mà bối cảnh là đất nước Việt Nam do một nhà văn Việt Nam (Dĩ nhiên!) sáng tác. Rất tiếc tôi quên mất tiêu tên tác giả! 
Tôi chỉ nhớ là trong số các văn sĩ Việt Nam có hai vị nổi tiếng nhất sáng tác tiểu thuyết võ hiệp. Đấy là Văn Tuyền với hai bộ truyện thật hay đã làm tôi và các bạn đồng lứa đọc mê mẩn đến mờ cả mắt, đọc quên cả thở:
 Bộ Chu Long Kiếm và Lục Kiếm Đồng. Nhà văn này còn có tên là Phạm cao Cũng khi ông sáng tác truyện trinh thám với nhà thám tử Kỳ Phát.
 Ông thứ hai lấy bút hiệu Lý Ngọc Hưng khi viết truyện võ hiệp với những tác phẩm nổi tiếng một thời: Bồng Lai Hiệp Khách với nhân vật Kim Hồ Điệp, một nữ hiệp sĩ giả trai đi hành hiệp giang hồ và “Honey” Ngọc Kỳ Lân và truyện Giao Trì Hiệp Nữ với nữ hiệp khách Bạch Lê Hoa đẹp mê hồn, kiếm pháp độc nhất vô nhị trên giang hồ cùng “boy friend” Đoàn Thạch Cương dong ruổi trên dặm dài thiên lý cứu khổn phò nguy. 
Lý Ngọc Hưng lúc viết truyện trinh thám thì lấy bút hiệu là Thanh Đình mà nhân vật Người Nhạn Trắng và ba anh em Hồng Quốc Văn, Hồng Quốc Vũ và Hồng Bích Nga một thời đã thu hồn hớp vía độc giả vì đã thổi một luồng gió mới vào bộ môn tiểu thuyết trinh thám khác hẳn với lối cổ điển theo kiểu Conan Doyle và Lê Phong phóng viên của Thế Lữ hay thám tử Kỳ Phát của Phạm Cao Cũng.


Nhân chuyến về thăm quê hương , thuê một xe hơi từ Sài Gòn ra miền Trung , trên “con đường cái quan”( nay đã được tu bổ trở thành quốc lộ tuy không thể nào sánh bằng xa lộ của Hoa Kỳ nhưng cũng đã khác xa với những hương lộ thời trước 1975, ổ gà “ngổn ngang gò đống kéo lên” bất an ninh một cách chán chường vì các “anh hùng đặc công” mà giờ đây không biết còn hay mất và nếu còn tại thế thì không biết các trự này có hối hận vì đã phá nát quê hương ngăn cản chính quyền miền Nam xây dựng đất nước không nhĩ.) tôi bỗng liên tưởng đến các anh hùng hiệp khách Trung Hoa và tự hỏi thời xa xưa, hệ thống đường sá thô sơ, phưong tiện lưu thông chỉ duy nhất bằng ngựa và xe do ngựa kéo, không biết làm thế nào mà các hiệp sĩ có thể xuôi ngược phom phom từ nơi này đến nơi khác trên 1 xứ sở rộng lớn như Trung Hoa, núi non, sông lạch, biển hồ, sa mạc mênh mông, biển khơi dậy sóng được.

 Dân cư đông đúc, đất nước bao la, phương tiện truyền thông bằng miêng, tôi thật không hiểu làm thế nào mà các đấng anh hùng của tôi có thể tìm ra kẻ thù để phục thù và báo hiếu. 
Đấy là chưa kể đến thời gian di chuyển từ làng mạc này đến thị trấn nọ, thành thị kia bằng xe và ngựa, chiếm thật nhiều ngày tháng thậm chí đến hàng năm dài.
 Di chuyển bằng xe hơi mà tôi đã thấy ngút ngàn xa tắp, ê ẩm bàn tọa và đã không biết bao nhiêu lần yêu cầu tài xế ngừng xe dọc đường để hưởng đệ tứ khoái theo kiểu nhất quận công nhì ĩa đồng. 
Vậy mới biết mấy tiểu thuyết gia Trung Hoa đã phịa không hợp lý tí nào khi mô tả con đường hành hiệp của giới võ lâm thời xưa.
Thế mới biết những độc giả mê truyện võ hiệp như tôi thật quá dễ dãi và khoan hồng, không thèm nghĩ đến sự hợp lý của câu chuyện trong vấn đề di chuyển.
Còn nữa, Kim Dung còn phịa ra một hiêp sĩ mù tên Kha trấn Ác đệ nhất sư phụ của “Trâu Nước” Quách Tỉnh trong bộ truyện “Anh Hùng Xạ Điêu”.
 Ông hiệp sĩ mù này có thể phi hành trong rừng rậm mà không va đầu vào cây cối chằng chịt thì thật là một điều hoang tưởng không có gì phi lý bằng. Chẳng thà như trong truyện phim Nhật Bản: “Hiệp sĩ mù nghe gió kiếm” thì còn có thể khả tín chứ cái ông già mù mà lại phi hành như “zó” trong rừng rậm thì thật “Phi nĩ lô đía” (hết nước nói!) 
Mặc kệ! Hữu lý hay vô lý, không quan trọng, độc giả của Kim Dung, như tôi, chấp nhận hết, OK tuốt luốt, miễn sao “Zui” thì thôi. 
Sở dĩ các tiểu thuyết gia của ta không thể viết truyện võ hiệp hấp dẫn như truyện Tàu là vì đất nước ta quá nhỏ bé, chỉ có một tí chiều dài còn chiều rộng thì quá khiêm nhường.Làm thế nào để mô tả cuộc trường chinh dài đằng đẵng của các hiệp khách được.
 Làng quê thì nghèo nàn làm gì có quán xá khang trang rộng lớn, món ăn đa dạng và sang trọng như các món ăn Tàu. Một chi tiết khác ít ai để ý đến và tôi cũng vừa được một người bạn gợi ý.
 Ấy là vấn đề chi tiêu của các hiệp khách. Các ông này thật là quá “huởn” và quá phong lưu! 
Suốt cuộc đời, cứ đi đây đi đó tàng tàng, không nhà không cửa, "homeless" dài dài, mà ăn tiêu thì phung phí.Vào quán ăn, kêu vung vít rượu ngon, thịt heo, thịt trâu, thịt dê, cá chép, gà vịt lung tung mà không biết tiền bạc kiếm ra bằng cách nào.
 Chả lẽ cứ vào các nhà giàu cầm nhầm vài trăm lượng vàng, mấy ngàn lượng bạc rồi cứ đổ thừa là mấy ông nhà giàu này là loại cường hào ác bá bóc lột dân lương thiện nghèo đói để lương tâm khỏi cắn rứt.
 Chia cho dân nghèo chút ít cũng trấn an được lương tâm, để thấy mình hành hiệp trượng nghĩa. Mấy ông nội này thế mà sướng thật! 
Ăn tiêu vung vít, giết người như ngóe, không quan tâm đến phép nước, luật vua miễn là họ xét thấy những người họ giết xứng đáng với sự trừng trị của họ.
 Chẳng bao giờ thấy các tiểu thuyết gia Tàu bận tâm đến tiền bạc của các hiệp khách.
Thế mà không độc giả nào lưu ý đến vấn đề này, xem như là một tiểu tiết bên cạnh cái hùng của các hành động và cái hiệp tâm của những hiệp khách trong giang hồ.Phải công nhận mấy tiểu thuyết gia Tàu viết truyện võ hiệp thật rành tâm lý của độc giả! 
Tôi nêu lên cái vô lý của họ, cái phịa tung trời của họ khi mô tả những võ công xem như phép thần thông biến hóa của các bậc tiên thánh.
 Tôi vẫn thích thú khi đọc thấy một hiêp sĩ thổi cho một hạt cơm bay xuyên qua bức mành ngăn hai phòng tiệc để tấn công một thực khách ở phòng bên và ông này nhẹ nhàng dùng đủa gắp lấy hạt cơm đã được truyền nội lực vào để biến thành một món ám khí. 
Tôi vẫn mê truyện chưởng như thường, bất chấp những phi lý.Tôi cảm ơn các nhà viết truyện võ hiệp đã cho tôi những giây phút giải trí thoải mái, cho tâm hồn đi hoang theo sự tưởng tượng thật phong phú của họ trên con đường hành hiệp của những hiệp khách giang hồ.
 Tôi vui theo những tưởng tượng hoang đường của các tiểu thuyết gia Trung Hoa và Việt Nam.
 Các bạn có cho tôi là ngu muội, là ấu trỉ, tôi xin tâm lãnh.Tôi vẫn muốn đi trên con đường hành hiệp.

                              ~~~~~Hoàng Đức~~~~~~ 


                   @ woa t/g  :""Mê truyện Tàu và truyện võ hiệp ",Camly  cũng là fan của Kim Dung lúc học lớp 6 ,l.7, thấy mấy anh chị luyện chưởng trong dịp nghỉ hè , Camly cũng mon men xin đọc ké và ghiền  fim Hkong luôn .
 Và  có khi  ghiền quá , Cly lén ba má đọc truyện kiếm hiệp mà làm bộ  như chăm chỉ  học bài , nếu không bị phạt quỳ gối hay ăn bánh tét nhân mây, nay  nhớ lại kỷ niệm lúc nhỏ thật là vui !