Trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

Khi anh yêu người hơn tuổi

Khi anh yêu một người hơn tuổi, anh sẽ không ngại ngùng nói với cả thế giới rằng em chính là người anh yêu.
 Bởi em biết không, với một tình yêu đích thực, mọi khoảng cách về thời gian, không gian và tuổi tác đều trở nên vô nghĩa.
 Và hơn nữa, con người ta chỉ có một cuộc đời để sống. Người hạnh phúc nhất chưa hẳn là người giàu có nhất mà chính là người có thể làm được tất cả những gì mình muốn.
Khi anh yêu một người hơn tuổi, vòng xe chở em qua những con đường quen giữa mùa đông giá rét, anh sẽ không ngại ngùng quàng tay ra sau, nắm lấy tay em, thổi vào đó chút hơi ấm cho bớt lạnh.
 Anh sẽ không ngại ngùng để em ngủ ngoan trên vai anh dưới những cơn gió mát đêm mùa thu và chạy xe thật chậm, dù cho về đến nhà, cổ anh có vô tình "nghẹo một bên" anh cũng tình nguyện ngồi thật yên như thế cho em ngon giấc.
Khi anh yêu một người hơn tuổi, anh sẽ tự cho mình quyền được xưng "anh" với em lúc chỉ có hai đứa mình. Vì anh sẽ là người luôn nhường nhịn trong tất cả mọi phương diện của cuộc sống mỗi khi em giận. Sẽ nhường em ngủ trên giường, anh ngủ dưới đất. 
Sẽ là người rảo quanh hết các quán quen, ngõ ngách tìm em giữa đêm khuya mỗi khi em giận dỗi bỏ đi. Sẽ là người nhường em chọn món ăn tối mà em thích dù thật tâm, anh chẳng hề ăn nổi món đó.
 Sẽ luôn là người ôm em, dỗ dành, xin lỗi em trước dù anh có lỗi hay không. Bao nhiêu đó có xứng đáng được "làm anh" chưa hả em?
Khi anh yêu một người hơn tuổi, có thể em sẽ không lung linh như những cô gái "teen" khác nhưng anh thà chọn yêu những điều giản dị từ sâu trong tâm hồn còn hơn yêu những nàng búp bê tuy lộng lẫy nhưng đầy sáo rỗng. Khi anh yêu một người hơn tuổi, có thể em sẽ không náo nhiệt như những cô gái trạc tuổi anh nhưng anh tình nguyện làm gã hề huyên náo "cánh rừng âm u, tĩnh mịch" trong em. 
Khi anh yêu một người hơn tuổi, có thể ai nấy đều cho rằng người lớn tuổi không thích những trò lãng mạn kiểu trẻ con nhưng anh vẫn sẽ cứ làm đấy. Vì đâu đó, có ai nói với anh, người lớn đôi khi chỉ là con nít sống lâu năm thôi. 
Và hơn nữa, anh biết trái tim người con gái bao giờ cũng mong manh, yếu đuối. Dù là ở độ tuổi nào đi chăng nữa, họ vẫn rất cần sự quan tâm, chút ấm áp từ người mình yêu thương.
 Vì vậy, anh sẽ không ngại ngùng mang đến cho em hết lãng mạn này đến lãng mạn khác. Mỗi ngày sẽ là một ngày mới đầy bất ngờ với em.
Khi anh yêu một người hơn tuổi, đừng xem anh là trẻ con mà giữ những tâm sự sâu kín trong lòng.
 Vì một người sâu sắc, có thể chia sẻ, cảm thông với người khác, đâu hẳn phải là một người đứng tuổi hoặc từng trải.
 Đôi khi trong những điều răn dạy của bố mẹ mình vẫn có những chỗ sai mà phận làm con chỉ biết nghe rồi để đó chứ không dám phản kháng, em có đồng ý một điều là như vậy không?
 Thế nên đừng ôm chặt những sâu kín cho riêng mình, hãy nói với anh những điều dù là nhỏ nhặt, con gái nhất. Anh sẽ ngồi lặng yên lắng nghe em nói, bất kể khi nào, bao lâu. 
 Hoặc nếu em không nói, anh cũng sẽ tìm mọi cách để em nói ra điều đang trăn trở, suy nghĩ. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, hơn nữa, cô gái có đôi mắt và miệng cười đẹp như em sẽ không thể nào giấu đi nỗi buồn mà không ai biết, nhất là anh.
 Bởi ánh mắt em ngay lần gặp đầu tiên đã "đánh gục" anh, một ánh mắt thật buồn khiến anh muốn dang rộng vòng tay yêu thương, che chở cho cô gái đang hướng mắt nhìn xa xăm trước mặt anh.
Khi anh yêu một người hơn tuổi, anh tin rằng em sẽ là hậu phương vững chắc nhất cho anh trong cuộc sống. Mỗi khi anh đi làm về, luôn có món cơm nóng thiết đãi cái bao tử đang rỗng. 
Mỗi khi anh gặp khó khăn hay thất bại trong công việc, luôn có nơi để anh trở về gục đầu, thinh lặng thật lâu tìm lại chút bình yên. 
Khi anh yêu một người hơn tuổi, anh không phải lúc nào cũng nơm nớp lo sợ trước những chàng bạch mã bảnh bao khác. Vì anh tin, em đủ trải nghiệm để không phải choáng ngợp trước những gì hào nhoáng, phù phiếm mà ai đó cố tình mang đến cho em.
 Tình yêu thật muôn màu muôn vẻ em ạ, có những "đôi đũa lệch" đến ngỡ ngàng nhưng vẫn sóng sánh hạnh phúc bên nhau.
 Vì sao một anh chàng đẹp trai thời trai trẻ có thể cặp kè hết "hotgirl" này đến "hotgirl" khác nhưng khi lấy vợ lại chọn một chị kém xinh hơn tất cả? 
Vì sao một nàng kiều xinh như mộng, hết đại gia này đến đại gia khác chen chân, van xin tình yêu của cô nhưng người cô chọn cưới chỉ là một anh kỹ sư quèn, quê mùa, đông đúc anh em. Chỉ có thể là tình yêu thôi em!
Tình yêu thật lung linh và kỳ diệu đến độ biến những chuyện không thể thành có thể.
 Những thứ có thể mua được bằng tiền luôn hữu hạn sử dụng nhưng tình yêu là vô giá và vô hạn. 
Mọi cái giá và hạn định đều trở nên vô tác dụng khi con người ta thật lòng đến với nhau, yêu nhau và cùng hướng đến một tương lai vững bền nào đó.
 Hãy cho anh cơ hội bước đến bù đắp những đau thương mà ai đó đã gây ra cho em. Đừng đẩy anh xa khỏi cuộc đời em nữa được không?
                                         JH 
                           @@ tks JH , agree with JH !

Câu nói của người 90 tuổi ...

Only friends and family will be present in sickness. Stay in touch.
    (Chỉ có gia đình và bạn bè bên cạnh khi đau ốm. Nhớ gần gũi.)

      You don’t need to win every argument. Agree to disagree.
    (Không cần thắng trong mọi cuộc tranh luận. Hãy chấp nhận bất đồng.)

    Crying is good, but it’s more healing crying with friends.
    (Khóc cũng tốt, nhất là khi khóc với bạn bè.)

     Release your children when they become adults, its their life now.
    (Hãy buông con cái ra khi chúng trưởng thành. Bây giờ chúng có cuộc sống riêng.)
   
     Make peace with your past so it won’t screw up the present.
    (Hãy để yên quá khứ để hiện tại không bị xáo trộn.)

     Don’t compare your life to others. They have different journeys.
    (Đừng đem đời mình so với ai đó; đời mỗi người mỗi khác)
   
     Everything can change in the blink of an eye.
    (Mọi chuyện ở đời có thể thay đổi trong chớp mắt)

    . Take a deep breath. It calms the mind.
    (Hít thở sâu giúp tinh thần ổn định)

     Get rid of anything that is neither useful, beautiful, nor joyful.
    (Hãy gạt bỏ những gì vô ích, xấu xa, buồn bã)

     What doesn’t kill you really makes you stronger.
    (Điều gì không giết ta được sẽ giúp ta mạnh hơn)

    Today is special. Enjoy it.
    (Ngày hôm nay là ngày đặc biệt. Phải tận hưởng nó)

    Your belief of your being right doesn’t count. Keep an open mind.
    (Đừng tin rằng mình luôn luôn đúng. Phải có đầu óc cỏ̉i mỏ̉)
   
     Forgive everyone everything.
    (Hãy tha thứ tất cả cho mọi người)

     What other people think of you is none of your business.
    (Đừng bận tâm về nhận xét của ai đó về mình)

     Time heals almost everything. Give time time.
    (Thời gian hàn gắn gần như mọi sự. Hãy để cho thời gian có thì giờ)

     However good or bad a situation is, it will change.
    (Tình thế dù tốt hay xấu, rồi cũng thay đổi)
 Don’t take yourself so seriously. No one else does.
    (Đừng quá nghiêm khắc với bản thân.
 Không ai làm như vậy)

     Believe in miracles.
    (Hãy tin vào phép lạ)
 It’s OK to yield.
    ( Nhường nhịn một chút cũng không sao)

     Friends are the family that we choose.
    (Bạn bè là gia đình do chúng ta chon
From Regina Brett, 90 years old…
 

Lời căn dặn xương máu của người cha

Đây là lá thư của ông Tôn Vận Tuyền, một chính khách nổi tiếng của Đài Loan gởi cho các con của ông lúc còn sống: “Các con thân mến,

Viết những điều căn dặn này, cha dựa trên 3 nguyên tắc như sau:
  1. Đời sống là vô thường, không ai biết trước mình sống được bao lâu, có những việc cần, nếu được nói ra sớm để hiểu thì hay hơn.  
2. Cha là cha của các con, nếu không nói ra thì chắc không ai nói rõ với các con những việc này đâu!
  3. Những điều căn dặn để ghi nhớ này là kết quả của bao kinh nghiệm xương máu, thất bại, đắng cay trong cuộc đời của chính bản thân mà cha ghi nhận được, nó sẽ giúp các con tránh những nhầm lẫn hoang phí trên con đường trưởng thành.
  Dưới đây là những điều nên ghi nhớ trong cuộc đời: 1. Nếu có người đối xử với con không tốt, đừng thèm để tâm cho mất thời giờ. 
Trong cuộc đời này, không ai có bổn phận phải đối xử tốt với con cả, ngoại trừ cha và mẹ của các con.
 Nếu có người đối xử tốt với con, ngoài việc các con phải biết ơn, trân quý, các con cũng nên thận trọng một chút, vì người đời thường làm việc gì cũng có mục đích của nó, chớ có vội vàng cho là bạn tốt của mình ngay.
  2. Không có người nào mà không thể thay thế được cả, không có vật gì mà nhất thiết phải sở hữu, bám chặt lấy nó. 
Nếu hiểu rõ được nguyên lý này, thì sau này, lỡ người bạn đời không còn muốn cùng đi trọn cuộc đời, hay vì lý do gì con bị mất đi những gì trân quý nhất trong đời, thì cũng nên hiểu, đó không phải là chuyện trời sập.
  3. Đời người ngắn ngủi, nếu hôm nay ta để lãng phí thời gian, mai đây hiểu được thì thấy rằng quãng đời đó đã vĩnh viễn mất rồi!
Cho nên, nếu ta biết trân quý sinh mạng của mình càng sớm, thì ta được tận hưởng cuộc đời mình càng nhiều hơn. 
Trông mong được sống trường thọ, chi bằng mình cứ tận hưởng cuộc đời ngay từ bây giờ.
 4. Trên đời này chẳng hề có chuyện yêu thương bất diệt. Ái tình chỉ là một cảm xúc nhất thời.
 Cảm giác này, tuyệt đối sẽ theo thời gian, hoàn cảnh mà biến thiên, thay đổi. 
Nếu người yêu bất diệt rời bỏ con rồi, hãy chịu khó nhẫn nại một chút, để thời gian dần dần trôi qua, để tâm tư mình từ từ lắng đọng, cái đau khổ cũng sẽ từ từ nhạt nhòa đi.
 Không nên cứ ôm áp cái ảo ảnh yêu thương mãi, cũng không nên quá bi lụy vì thất tình!
 5. Tuy có nhiều người trên thế giới này thành công, nổi tiếng mà chẳng có học hành nhiều, có bằng cấp cao, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là không cần học hành nhiều sẽ thành công. 
Kiến thức đạt được do việc học hành, giáo dục là vũ khí trong tay của mình. 
Ta có thể lập nên sự nghiệp với bàn tay trắng, nhưng không thể trong tay không có tấc sắt. Nên nhớ kỹ điều này !
 6. Cha không yêu cầu các con phải phụng dưỡng ba trong nửa quãng đời còn lại của ba sau này.
 Ngược lại, cha cũng không thể bảo bọc nửa quãng đời sau này của các con.
 Lúc các con đã trưởng thành, độc lập, đó cũng là lúc ba đã làm tròn thiên chức của mình.
 Sau này, các con có đi xe bus công cộng hay đi ô tô nhà, các con ăn súp vi cá hay ăn mì gói, đều là trách nhiệm của các con.
7. Các con có thể yêu cầu mình phải giữ chữ tín, nhưng không thể bắt người khác phải giữ chữ tín với mình. 
Các con có thể yêu cầu mình phải đối xử tốt với người khác, nhưng không thể kỳ vọng người khác phải đối xử tốt với mình. 
Mình đối xử người ta thế nào, không có nghĩa là người ta sẽ đối xử lại mình như thế ấy. 
Nếu không hiểu rõ được điều này, sẽ tự chuốc lấy buồn phiền cho mình. 8. Trong hai mươi năm qua, ba tuần nào cũng mua vé số, nhưng vẫn nghèo trắng tay. 
Điều này chứng tỏ, muốn phát đạt, phải siêng năng làm ăn mới khá được. 
Trên thế gian này, không có cái gì miễn phí cả.
- 9. Sum hợp gia đình, thân thích đều là duyên phận, bất luận trong kiếp này chúng ta sống chung với nhau được bao lâu, như thế nào, nên trân quý khoảng thời gian chúng ta được chung sống với nhau. 
Kiếp sau, dù ta có thuơng hay không thương, cũng không có dịp gặp lại nhau đâu”.

                              Tôn Vận Tuyền 
 note :

 Tôn Vận Tuyền (10/11/1913 - 15/2 /2006) là một nhà kinh tế, một chính trị gia Đài Loan. 
Ông làm Bộ trưởng gần 20 năm ở các Bộ Giao thông vận tải, Truyền thông và Kinh tế. Từ năm 1978 đến 1984, ông được bầu làm Thủ tướng Đài Loan. 
Tôn Vận Tuyền được coi là một trong những người tạo ra sự bứt phá về Công nghệ và Kinh tế ở Đài Loan.

Starbucks và văn hoá cà phê

 Từ trước Tết (âm lịch) đến nay, một trong những điều khiến người dân, đặc biệt giới trẻ, ở Sài Gòn chú ý và bàn luận nhiều nhất không chừng là sự xuất hiện của tiệm cà phê Starbucks đầu tiên trong thành phố. Trong bài viết “Đầu xuân, ghé cà phê Starbucks Sài Gòn” đăng trên báo N. Việt tại California, nhà thơ Trần Tiến Dũng kể, để được uống một ly cà phê trên góc đường Nguyễn Thị Nghĩa - Phạm Hồng Thái, quận 1, hàng trăm người phải xếp hàng rồng rắn ngay ngoài đường; lọt được vào trong tiệm rồi, lại phải xếp hàng tiếp để chờ đặt mua và trả tiền; sau đó, lại chờ tiếp để có được ly cà phê. 
Có người ví von việc xếp hàng chờ mua cà phê ở Starbucks cũng giống việc xếp hàng chờ mua gạo thời bao cấp. Từ đầu đến cuối, mất khoảng nửa giờ. Nghe nói, trong mấy ngày Tết, thời gian xếp hàng còn lâu hơn nữa. Mà giá một ly cà phê Starbucks lại rất đắt, khoảng 100.000 đồng Việt Nam (trong khi đó một ly cà phê Trung Nguyên chỉ có 20.000 đông).
 Theo lời Trần Tiến Dũng, để uống được một ly cà phê Starbucks, những người lao động bình thường phải nhịn cà phê (vỉa hè) cả tháng.
Tôi là người nghiện cà phê. Ngày nào tôi cũng uống ba, bốn ly cà phê. Sáng, thức dậy, công việc đầu tiên tôi làm trong ngày là pha cà phê.

 Mấy tiếng sau, vào trường đại học, công việc đầu tiên của tôi là đến thẳng tiệm cà phê để lấy thêm một ly nữa trước khi vào văn phòng làm việc.
 Ngày nào cũng thế. Có cảm tưởng, thiếu cà phê, tôi không tỉnh táo được. Thế nhưng, thú thật, tôi chỉ uống cà phê Starbucks những lúc tôi đi ngoại quốc. Ở Thái Lan. Ở Trung Quốc
 Ở Hàn Quốc. Ở Singapore. Và ở Mỹ. Còn ở Úc: Không. Khi sang Âu châu, đặc biệt ở Anh và Pháp, tôi cũng không hề vào Starbucks. Với tôi, Starbucks bao giờ cũng là một lựa chọn cuối cùng. 
Khi không có cái gì khác. Và trong những trường hợp không có lựa chọn nào khác như thế, mỗi lần thấy Starbucks, tôi mừng vô cùng. Và cám ơn Starbucks vô cùng.
Ở Trung Quốc, nơi người dân chuộng trà hơn cà phê, kiếm được một nơi có cà phê đã mừng húm. Cà phê Starbucks nữa thì có cảm giác như được lên thiên đường. Ngay cả ở Mỹ cũng thế. Nhớ, trong một chuyến đi Mỹ, Hoàng Đình Bình chở tôi và Hoàng Ngọc-Tuấn đi từ Orange County đến Las Vegas. Dọc đường, chúng tôi ghé vào một tiệm “to go” (take away) để mua cà phê.

 Mỗi đứa được “phát’ cho một ly thật bự, có lẽ khoảng gần một lít! Ra ngoài sân, trước khi lên xe, bọn tôi phải đổ bớt gần một nửa, một phần, vì biết không thể uống hết, phần khác, vì sợ đổ trên xe và cũng vì sợ mất công tìm nhà vệ sinh vốn khá hiếm hoi trên con đường cao tốc xuyên qua sa mạc dằng dặc để đến Las Vegas.
 Mà loại cà phê nhạt thếch như thế lại rất phổ biến ở Mỹ. Ngay ở các tiệm ăn lớn, thức ăn có thể rất ngon, nhưng kiếm được nơi có cà phê ngon không phải dễ.
 Phần lớn chỉ có loại cà phê pha chế sẵn, ai muốn lấy bao nhiêu thì lấy. Lấy nhiều chỉ mất công đi tiểu nhiều. 
Ở một nơi như thê' ...
Chả có gì khó hiểu khi Starbucks thành công vang dội tại Mỹ. Ra đời từ năm 1971, đến đầu thập niên 1990, trung bình mỗi ngày Starbucks lại có một tiệm mới.
 Đến nay, riêng ở Mỹ, nó đã có trên 13.000 tiệm. Người ta nói Starbucks có mặt ở từng góc phố. Dĩ nhiên, sự phân bố không đều.
 Ở California, đặc biệt ở các vùng có đông dân cư người Việt, Starbucks vẫn còn thưa thớt.
 Nhưng ở trung tâm New York, chẳng hạn, có khi ở một ngã tư có đến hai tiệm Starbucks: một ở góc này và một ở góc bên kia, để phục vụ cho khách bộ hành đi hai lề đường khác nhau. Mà, thường, tiệm nào cũng đông nghẹt.

Không những thành công ở Mỹ, Starbucks còn lan tràn hầu như khắp nơi trên thế giới. Starbucks có mặt trên hơn 60 quốc gia khác nhau.

 Nhiều nhất là ở Canada: trên 1000 tiệm; kế tiếp là Nhật: gần 1000 tiệm; ở Anh, 800 tiệm; ở Trung Quốc: hơn 700 tiệm (người ta dự đoán con số này sẽ tăng lên thành 1500 tiệm vào năm 2015); ở Hàn Quốc: gần 500 tiệm; ở Mexico: gần 400 tiệm; ở Đài Loan: gần 300 tiệm; ở Philippines: trên 200 tiệm; ở Thái Lan: gần 200 tiệm.
 Ở đâu, Starbucks cũng đều có cách pha chế giống nhau, hương vị giống nhau, cung cách phục vụ giống nhau. Và hầu hết đều thành công giống nhau.
Trừ ở Úc.
-Vâng, ở Úc, nơi, về mọi phương diện, rất gần Mỹ, Starbucks lại thất bại. 

 Ở Úc, năm 2000, tiệm Starbucks đầu tiên được khai trương; năm sau, tăng lên 15 tiệm; năm 2007, 87 tiệm. Nhưng phần lớn đều lỗ lã nặng.
 Từ năm 2008, nhiều tiệm lần lượt đóng cửa. 
Đến nay, cả nước Úc chỉ còn có 22 tiệm.
Nguyên nhân của sự hờ hững ấy không phải vì dân Úc không thích uống cà phê. Ngược lại. Chủ yếu là vì Úc có văn hoá cà phê khá mạnh.

 Họ thích và chỉ quen uống cà phê trong các tiệm quen thuộc, với những hương vị quen thuộc, và nhất là, không khí quen thuộc. Starbucks không thay thế được.
Bản thân tôi, tôi thích cà phê một phần vì cà phê, phần khác, vì không khí của tiệm.

 Nói chung, một khi đã được kỹ nghệ hoá, chất lượng cà phê giữa tiệm này và tiệm khác, nếu có chênh lệch, cũng không chênh lệch quá xa. Phần lớn đều mua cà phê từ một nguồn.

 Đều sử dụng một loại máy pha. Công thức và cách thức pha chế cà phê, từ tỉ lệ nước đến độ nóng của nước cũng như độ nóng của sữa, thường giống nhau. Yếu tố quyết định trong việc thu hút khách ở các tiệm cà phê là ở không khí.
 Với tôi, điều tôi không thích nhất là các tiệm vừa bán cà phê vừa bán thức ăn, nhất là các loại thức ăn có nhiều phô-ma (cheese), như pizza. Mùi cà phê thường nhẹ. 
Nó dễ dàng bị biến mất trước sự tấn công của loại mùi phô-ma trong các lò nướng.
ế, Starbucks là một sự cứu rỗi.Uống cà phê khác uống trà: Uống trà, cần lặng lẽ; uống cà phê, cần bạn để tâm tình.

 Bạn, khi uống cà phê khác với bạn khi uống bia hay uống rượu: Với loại có chất cồn, bạn càng đông càng tốt, chuyện trò càng sôi nổi càng hay; với cà phê, người ta chỉ thích thì thầm.
 Tâm hồn con người, khi uống trà, thường khép lại, quay vào trong; khi uống bia hay rượu thường mở ra, chan hoà với người khác; khi uống cà phê, nửa khép nửa mở.
 Ngay cả khi ngồi uống cà phê một mình, người thường vẫn thích ngồi nhìn ra ngoài.
 Để thấy người khác. Hiểu được điều đó, phần lớn các tiệm cà phê, khi có điều kiện, thường thiết kế theo lối nửa kín nửa hở: nếu bàn ghế không bày lấn ra đường được thì ít nhất các cửa ngỏ đều mở toang, để không gian trong và ngoài tiệm gần như là một.
Tôi không biết về lâu về dài Starbucks có thành công ở Việt Nam hay không. 

Nếu tôi có cơ hội về Việt Nam, không chừng tôi cũng sẽ uống cà phê ở Starbucks.
 Lý do: thấy an tâm hơn: 
Nó có thể không ngon như ý mình muốn nhưng ít nhất là nó không có các loại hoá chất được nhập lậu từ đường biên giới phía Bắc để biến bột bắp hoặc bột đậu nành thành…cà phê giết người.
Giết từ từ.


                                   Nguyễn Hưng Quốc
            @@ tks t/g ,wow ,i like Cappuccino -Starbucks !!

Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2013

Bắc Thang Hỏi Trời

















 Bắc thang lên hỏi ông trời
Ðời con đau khổ đã nhiều ... thấu chăng?
Ông trời cúi mặt than rằng
Ta đây cũng khổ, cắn răng chịu đòn!

Bắc thang lên hỏi ông trời
Vợ con nó quá dữ như bà chằng
Ông Trời ổng trả lời rằng
Vợ ta còn dữ gấp trăm vợ mi


Bắc thang lên hỏi ông trời
Kiếp này con có bỏ nàng được không?
Ông Trời ổng trả lời rằng
Ta còn chưa được xá chi là mi


Bắc thang lên hỏi ông trời
Vợ con dữ quá, con xin bỏ nàng
Ông Trời ngó xuống trả lời
Mi bỏ được nó thì ta con mi ngay
Bắc thang lên hỏi ông trời
Thuốc thang, rượu bổ ... chẳng nào tới đâu
Ông trời vẻ mặt rầu rầu
Thôi mi xuống tóc cạo đầu đi tu!


St 

Hội chứng khoe của

Sài Gòn vừa trải qua những ngày Tết vắng vẻ, đường phố rộng thênh, cây cao bóng mát, con người trở nên thanh thản với những bộ đồ tươm tất trong nắng vàng tưởng như được sống lại một ngày nào “thuở xa xưa”.
 Ngày mùng một tết thanh bình êm ả, ngày mùng hai rộn ràng xuân mới, dường như mọi nhà chỉ có những lời chúc tụng sẵn trên môi, qua những tiếng chuông điện thoại từ trong nước, ngoài nước gọi nhau mừng tuổi í ới. Ngày mùng ba còn nhẩn nha chơi nốt ba ngày Tết.
 Suốt cả năm toàn đi dưới lòng đường, mấy ngày này mới được đi trên lề đường.
Con đường hoa Nguyễn Huệ vẫn tấp nập khách viếng thăm. Hầu hết là những gia đình không đủ điều kiện đi xa, vợ chồng con cái đưa nhau ra đường hoa, gọi là có “đi chơi Tết”.
 Một số khác là những “ông Tây bà Đầm” tò mò nhìn cảnh lạ, chụp hình quay phim lia lịa bên những con rắn giả, cứ như nước họ chưa từng có rắn bao giờ.Những sòng bài mọc lên ngay từ đêm ba mươi trên các hè phố rộng, trong những ngã tư chung cư, đàn ông đàn bà đón Tết trên những chiếu bạc còm. 
Trẻ con chui vào các tiệm internet. Trong các quán cà phê, từ những quán đầu đường ghế thấp đến những quán cà phê “đẳng cấp” đều đông nghẹt khách “hào hoa”. Hầu hết các tiệm ăn đều đóng cửa im lìm.
 Tìm mỏi mặt không ra một quán “bình dân”. Chỉ còn những nhà hàng Pháp mở rộng cửa đón khách du lịch. Muốn có một bữa ăn sang phải đến những quán này.Người dân thành phố kéo nhau về quê ăn Tết, đi du lịch đủ kiểu, tạm rời xa thành phố ít ngày để sống cho riêng mình, cho gia đình mình. Ngay cả các em vũ nữ, các em chuyên mồi chài khách, tóc đỏ môi trầm hạng sang cũng đã tạm ngưng việc kiếm tiền về thăm quê nhà. Con lại, hầu hết là những “hàng quá đát”.
 Sinh viên học sinh nghèo không có tiền về quê, đành ở lại kiếm thêm bằng đủ mọi nghề, miễn là có tiền.Có những bà mẹ, đêm ba mươi, ngày mùng một, thẫn thờ đứng trong một góc khuất nhớ đứa con gái lấy chồng Hàn, chồng Đài năm nay không về được. Giọt nước mắt chảy thầm trong lòng.
 Ngược lại, một vài gia đình có “Việt kiều” về ăn Tết tưng bừng, đi thăm họ hàng làng xóm kể chuyện “bên Tây”. Nhưng thật ra qua những câu chuyện tôi nghe được, bà con cũng bày tỏ ảnh hưởng của kinh tế suy thoái, nhiều người “mất nhà” vì thất nghiệp bị nhà băng “kéo đi”.
 Nhưng năm nay số bà con ở nước ngoài về Sài Gòn không nhiều. Các bạn tôi, hầu như không có ông nào chịu về vào dịp này, ngoại trừ vài ông có chút “vướng víu” về từ trước Tết, ở luôn cho tới bây giờ. 
Hai chữ lương thiện khó tìm được chỗ đứng 
Trong khi đó những năm gần đây lại sinh ra một số nhà giàu mà người ta gọi là “tư bản đỏ” ăn chơi lừng lẫy, tiền xài như lá mùa thu. Tiền đó ở đâu ra, chẳng ai biết được. Các ông làm ra đồng tiền lương thiện có toàn quyền ăn tiêu, chẳng ai cấm đoán được và cũng không nên mỉa mai so bì.
Điều đáng nói ở đây là một số người quá giàu, ăn chơi quá mức sang trọng đến nỗi người VN nghe được đều choáng váng. Tôi nghĩ, quý vị ở nước ngoài cũng khó có thể ngờ rằng bây giờ lại có một số người Việt chơi sang đến thế.
 Những người này có thể là đại gia kinh doanh, cũng có thể là quan chức.
 Tiền tham nhũng bằng cách nào thì khó mà lần ra. Nhiều thứ có thể hái ra tiền đến nỗi có người nói “trong kinh doanh ở đây không có chỗ cho người lương thiện”. Giả dụ anh muốn đầu tư, muốn kinh doanh đàng hoàng, nhưng trước hết anh phải “chạy” mới có được cái giấy phép. Sau đó trước khi anh làm ăn, anh cần có người đỡ đầu, thấp nữa anh phải có “bảo kê”, mới thông suốt. Khi làm ăn, chưa biết anh lời lỗ ra sao, nhưng phải biết ở địa phương này có những ai, từ ông quản lý thị trường, đến Ủy Ban này Ủy Ban kia. Khi anh làm có lời anh sẽ được nhòm ngó kỹ hơn, anh phải “biết điều hơn”. Như thế thì anh có muốn lương thiện cũng chẳng được!

Ngay từ khi ngõ vào sân bay, anh đã phải chi ít là 10 đô, hành lý nhiều là 20 đô để va li, túi xách của anh không bị lục tung giữa sân, không bị hỏi han phiền phức trước khi ra khỏi sân bay. Cái “lệ làng” này đã có từ nhiều năm nay, được báo chí từ trong nước đến ngoài nước tố cáo hà rầm nhưng mọi chuyện đâu vẫn đóng đó. Có cải tổ, cải tiến tí nào đâu.
 Bà con từ nước ngoài về nhắm mắt bước qua “cửa ải” này với một tâm trạng bực bội, coi thường. Ai cũng biết đó là mối nhục quốc thể, chỉ “người có trách nhiệm” là không biết. Vậy thì đừng nói đến hai chữ lương thiện.Trong bài này, nhân dịp đầu năm điểm lại niềm vui nỗi buồn trong những ngày Tết vừa qua, tôi chỉ xin tường thuật lại với bạn đọc một số kiểu chơi sang mới nổi vài năm gần đây, nhất là năm nay của các đại gia đang sống tại VN.
 Chưa thể nói họ có tham nhũng hay không, vì đó là điều chưa thể biết hay không thể biết.
 Cho nên không thể vội vàng kết tội họ. Tôi chỉ điểm qua những nét chính của dân chơi sang, đôi khi là chơi ngang. Chẳng qua đó cũng chỉ là “hội chứng khoe của” đang rất thịnh hành ở VN.
Nhiều ngôi nhà sang trọng như lâu đài đã được các đại gia xây dựng từ vài năm nay, tiện nghi không kém gì các tỷ phú trên thế giới. Có thể tạm kể như lâu đài của các đại gia Trầm Bê, Phó chủ tịch HĐQT Sacombank. Biệt thự của ông Nguyễn Đức Lượng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần Đầu tư Phát triển nhà Trường Linh dát tới 60 cây vàng.
  Biệt thự chục tỷ của đại gia Lâm Ngọc Khuân, chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Phương Nam (Sóc Trăng).
 Biệt thự thiết kế kiểu châu Âu của Johnathan Hạnh Nguyễn tại Quận 2 - TP. Sài Gòn... còn nhiều nữa, tôi không thể kể hết ở đây.
Ngoài những căn nhà sang trọng như cung đình của các đại gia, còn các thú chơi khác cũng rất “quái”. 

Chán săn người, các công tử Hà Thành săn thú lạ 
Tết là dịp mà các đại gia Việt càng có cơ hội thể hiện “đẳng cấp” của mình bằng việc săn lùng các món hàng độc, lạ, có giá trị vô cùng xa xỉ. Tôi bỏ qua những đại gia vung tiền sắm những cành mai, cây đào có giá vài trăm triệu đồng, họ còn “có lý” khi trang hoàng nhà cửa mình theo truyền thống. Hoặc có ông săn lùng cái áo có giá 50 triệu đồng tặng vợ. Lâu lâu đại gia nịnh vợ một tí cũng chẳng sao, nhưng coi chừng “mấy ổng” lại có cái cớ để đi “ăn phở”.
 Cũng là chuyện thường tình ở đời thôi, phải không các cụ?Có ông còn chi hơn 25 triệu đồng mua chai rượu Rémy Martin Louis XIII đem về thưởng thức. Có ông từ Hà Nội còn đặt hàng tận trong TP.Sài Gòn một chai rượu thượng hạng với giá 60 triệu đồng. Thôi thì anh em làm ăn, tiền nhiều, Tết nhất nhậu linh đình với nhau một bữa cũng được.Nhưng bây giờ ở Hà Nội có các cậu công tử lại chứng tỏ “sành điệu thời hiện đại” của mình bằng kiểu chơi... rất lạ
. Chán chơi... người, vì có tiền, săn người dễ dàng lắm có khi còn bị đeo bám lằng nhằng, các cậu quay ra săn lùng chơi thú.Cậu H. con ông Ba T. chi hàng chục triệu đồng “săn” con đại bàng nhỏ về làm cảnh.
 Cậu khác chơi con bồ câu “độc” và con chim biến đổi gien giá 10.000 USD. Có anh chi tiền tỷ chơi cá rồng. Anh C.N. ở Nguyễn Văn Cừ, Long Biên hiện đang là chủ của một bộ sưu tập cá rồng gồm 12 con huyết long giá khoảng 2000 USD/con, 2 con quá bối đầu vàng và 1 con platinum màu thép trắng khi mới mua về đã có giá 10.000 USD.Lạ hơn nữa, có anh chơi con tép cảnh giá ngàn đô. 
Chơi đến con tép thì từ bác nhà quê tới người thành phố cũng hoảng hồn, từ cổ chí kim chưa ai chơi.
 Tưởng là cậu cả khùng. Nhưng cậu không khùng, cậu chơi cho lạ, cho đáng mặt dân chơi. Các anh nuôi hổ trong nhà thì tôi chơi tép.
 Thế mới là “hàng độc”. Năm sau không biết các công tử đại gia còn chơi con gì nữa đây?
Đại gia Sài Gòn du lịch như các đại gia quốc tế
Khách sạn 4 sao Burj al-Arab 

Những năm gần đây, các đại gia Việt thường chọn cách đặt tour du lịch nước ngoài đắt tiền đón Tết. Đầu năm nay, gia đình anh NĐT, ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, chuyên kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản chọn tour Dubai - Abudhabi 6 ngày, giá trọn gói khoảng 50 triệu đồng/người, ở khách sạn 4 sao.
Sau đó, anh T, tách khỏi đoàn 1 ngày để gia đình “nếm mùi đời” tại khách sạn siêu sang 7 sao dát vàng Burj al-Arab với giá 3.500 USD/đêm.Giống gia đình anh T., nhiều đại gia ở TP.Sài Gòn cũng lựa chọn du lịch nước ngoài vào dịp Tết.

 Nhà chị G., ngụ tại quận 1 TP.Sài Gòn, có công ty chuyên kinh doanh hàng mỹ nghệ cũng đi chơi Tết rất sành điệu. Gia đình chị gồm 5 người mua tour du lịch 5 nước Châu Âu (Pháp - Ý - Đức - Bỉ - Hà Lan) có giá khoảng 100 triệu/người cho 13 ngày.
 Người tham gia tour du lịch này sẽ được ở khách sạn 4 sao, đi thăm các thành phố nổi tiếng thế giới như Paris-Roma-Amsterdam-Munich-Bruxelles. 
Cái thú chơi ngông của nữ đại gia
 Đó là một nữ đại gia trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn ở Hà Nội nổi tiếng với kiểu chơi ngông... đốt tiền theo phong bao lì xì.
 Khách đến nhà, chỉ cần là chưa có gia đình thì chắc chắn sẽ nhận được tiền mừng tuổi của bà, số tiền tương ứng với số tuổi, bao nhiêu tuổi là bấy nhiêu triệu.
Ngoài ra, khách còn được nhận thêm rất nhiều đồ hiệu mà bà đã mua sắm để làm quà kèm theo những vé máy bay du lịch ở những điểm nổi tiếng và được sống trong phòng VIP của các khách sạn trong chuỗi khách sạn thuộc quyền quản lý của gia đình bà.
Bà này cũng nổi tiếng với việc thể hiện sự chơi ngông của mình vào dịp Tết.Mỗi Tết là một kiểu chơi ngông. Có năm, bà và gia đình dùng tàu riêng, đón Tết trên biển. Có năm, bà dát vàng toàn bộ biệt thự để đón Tết. Năm con chuột, bà cho đúc hơn một ngàn con chuột bằng vàng để tặng khách đến chúc Tết...
Muôn màu muôn kiểu quà Tết, chơi Tết trong khi nền kinh thế VN đang suy thoái. Hầu như tất cả đang chạy theo hội chứng khoe của. Càng khoe của, xã hội càng thêm loạn bởi khơi gợi sự thèm muốn của người nhẹ dạ, trộm cướp ngày càng nhiều, tuổi trẻ phạm trọng tội càng gia tăng.Số tài sản hoang phí thật khổng lồ, nếu con số đó được sử dụng vào mục đích giúp người nghèo, bệnh nhân neo đơn có thêm điều kiện ăn cái tết đủ đầy thì ý nghĩa biết bao!
                                        Văn Quang 
                                     @@ tks t/g VQ!

Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Bánh ích lá gai

“Phong Thu ! Con có đi Eden thì mua cho má mấy cái bánh ích lá gai nghen. Má thèm ăn bánh ích lá gai”. Má tôi thường dặn dò tôi mỗi khi đi chợ Việt Nam. Bánh ích lá gai ở đây bán chỉ gói một gói vuông rất nhỏ và bán mỗi cái $1.75 cent. Tôi thường mua về cho má tôi ăn cho đở nhớ. 
 Thật ra bánh ích lá gai ở đây không thể nào sánh bằng bánh má tôi làm. Tiếc rằng lá gai không trồng được ở xứ lạnh. Nó chỉ thích hợp khí hậu ở vùng nhiệt đới. Trong tất cả món bánh má tôi làm, bánh ích lá gai là món ăn chị em tôi rất thích.
Món bánh ích lá gai là món ăn cổ truyền của bà cố ngoại tôi truyền lại.
 Tôi nghe mẹ tôi kể rằng ông cố ngoại tôi là một vị quan Tri Phủ dưới triều nhà Nguyễn. Ông rất giàu có và có nhiều vợ. Bà cố ngoại tôi buồn nên thường ra vườn chăm sóc cây kiểng, vườn hoa. 
Trong vườn có một cây lá gai bà thường hái vào nhồi với bột làm bánh ích. 
Trong làng nếu có ai sinh đẻ bị băng huyết bà thường tặng cho họ bánh ích bà tự tay làm, và vạt võ cây lá gai trộn vào thang thuốc cho họ uống vài lần người đó sẽ khoẻ mạnh ngay. 
 Bà ngoại tôi đã học món bánh ích lá gai và truyền cho má tôi. Má tôi chỉ thích ăn bánh ích bà ngoại tôi làm mà không hiểu tác dụng của nó. Mãi đến khi bà ngoại tôi qua đời, má tôi sống một mình với ông ngoại. Cứ mỗi năm Tết đến má tôi làm bánh ích lá gai cúng trong ba ngày Tết và để tưởng nhớ bà cố và bà ngoại tôi. Món bánh ích lá gai đã đi theo má tôi suốt cả cuộc đời.
 Má tôi kể rằng khi sinh ra tôi, má tôi bị băng huyết tưởng đã chết. Ba tôi thì đi đánh trận liên miên không có ở nhà.
 Nhưng má nhớ lời bà ngoại dặn nên đã vạt võ của lá gai bỏ vào thang thuốc để uống. Sau đó má tôi lành bịnh.

Nhà tôi trước 1975, có một miếng vườn nho nhỏ sau nhà. Trước sân nhà có một cây hoa giấy đỏ. Dọc theo hàng rào có hoa trang, hoa nhài, hoa dâm bụt. Sau vườn, có mảnh đất nhỏ sát bờ sông là dừa lửa, mía lau, hai cây ổi xá lị, một cây mận trắng, một cây chôm chôm, ba cây mít tú nữ... 
Má tôi còn trồng thêm một số rau thơm, ngò gai, rau má, rau răm, rau tiá tô... ớt đủ màu. Má tôi còn dành một khoảng đất đủ rộng để trồng hai bụi lá gai. Nếu chăm bón và tưới nước hàng ngày, thân cây sẽ có nhiều nhánh nhỏ, lá to xòe rộng bằng một bàn tay. Thân cây thấp và rất nhiều lá.
 Lá gai trên mặt xanh dưới màu trắng.
 Mỗi khi chị em tôi thèm ăn bánh ích thường năn nỉ má làm bánh ích lá gai.

Hàng năm, cứ vào những ngày Tết cổ truyền, má tôi gói bánh tét đậu xanh, bánh tét nhân chuối, bánh ích đậu xanh và đặc biệt là bánh ích lá gai. Mỗi lần Tết đến má tôi rất vất vả. 
Ba tôi tử trận nên má tôi một mình phải nuôi năm đứa con, bốn gái một trai nhưng không có đứa nào biết làm bánh. Má tôi một mình đi mua nếp từ dưới ghe của những thương thuyền từ Miền Tây chở lên chợ Bình Dương bán.
 Họ bán mắm lóc, mắm sặc, mắm ruốc, mắm nêm, mắm thái... mắm nào cũng ngon, giá cả phải chăng.
 Má tôi lựa nếp tốt, mỗi hạt nếp phải dài, trắng ngần, thơm và dẽo quẹo. Má mua về rồi ngâm nếp và đậu xanh qua đêm. 
Đậu xanh ở Việt Nam luôn có vỏ nên phải đãi trong nước cho đến khi không còn có một cái vỏ nào. Tôi không biết làm bánh nhưng phụ má tôi đem nếp đến nhà cô giáo Ánh Hồng xay ra bột rồi đem về đổ vào một cái tấm vải màng treo trên trần nhà cho nước ráo. Má gói bánh tét trước rồi đến bánh ích ngọt đậu xanh. Sau cùng là làm bánh ích lá gai. Má hái lá gai thật nhiều rồi rửa thật sạch để vào rổ cho lá khô ráo. 
  Nhà không có cối xay nên má phải giã bằng tay. Tôi không biết má giã bao lâu nhưng má nói khi nào lá thật nhuyễn thì mới trộn vào với bột và đường. Má tôi lấy cái cối đá giã lá gai rồi trộn vào bột nhồi trong một giờ đồng hồ. Má lau lá chuối thật sạch và vò từng cục bột rồi bỏ nhân đậu xanh vào gói lại. Má lấy một cái vĩ đặt bên trên nồi bánh tét và xếp bánh ích vào hấp.
Đêm Ba Mươi, trời vào xuân lành  lạnh, chị em tôi không bao giờ đi ngủ sớm. 
Tôi ngồi cạnh má tôi canh lửa nồi bánh tét.
 Dưới ánh lửa bập bùng, lửa reo vui tí tách mừng năm mới. Cả nhà ngồi quây quần bên bếp lửa háo hức chờ nghe tiếng pháo Giao Thừa. Em trai tôi nghịch ngợm nên thích đốt pháo.
 Tôi nhìn những tràng pháo chuột dài thòng từ trên cây hoa giấy xuống gần mặt đất mà hí hửng nhảy tưng tưng. Đốm lửa đầu tiên loé sáng rồi từng tràng pháo nổ tung vang rền mặt đất cũng là lúc tôi nghe trong xóm tiếng pháo nổ rộn rả đầu ngỏ, cuối xóm, dọc theo đường phố. Những ánh hoả châu bắn lên trời cao thành những vệt sáng long lanh trong bầu trời đêm đầy sao và rơi xuống dòng sông những ánh bạc lấp lánh.
  Đêm Giao thừa thiêng liêng đối với chị em tôi và mẹ tôi. Chúng tôi bé nhỏ cô đơn không có bàn tay của cha chăm sóc nên lớn lên sợ hải cuộc sống đầy lo âu trong chiến tranh. Má tôi đặt mâm ngũ quả, hoa thọ trên bàn thờ Phật và các loại bánh trên một cái mâm khác để cúng ông bà. Mùi trầm hương bay nghi ngút tỏa hương thơm ngát.
 Tôi ngóng mắt lên bàn thờ để nhìn cho được những cái bánh ích lá gai má tôi để trong điã cúng ông bà.
 Tôi nghe tiếng má tôi lâm râm khấn vái đất nước thanh bình để chúng tôi được bình yên, khôn lớn, học hành. Cứ mỗi năm đến ngày Giao Thừa, đôi mắt má tôi sáng lên một niềm hy vọng vào năm mới.
 Nhưng năm tháng cứ trôi đi trên mái tóc của Người. Tôi thấy niềm vui cứ vơi dần đi và nỗi lo cho cuộc sống càng oằn xuống đôi vai gầy gò của người goá phụ. Tôi thường suy nghĩ rằng tóc má tôi có bao nhiêu sợi bạc là bấy nhiêu thăng trầm của nhọc nhằn, gian truân mà má tôi phải nếm trãi. Chị em tôi lớn lên cũng không giúp được gì cho má tôi. Chúng tôi cũng chỉ làm cho má tôi lo vì chẳng đứa nào hoàn thành ước nguyện ba tôi để lại.

Có thể lời khấn nguyện của má tôi có hiệu nghiệm nên hoà bình đã trở về. 
Thế nhưng ước mơ của má tôi cũng vỡ tan khi cộng sản đã tràn vào thôn xóm, khói bay, lửa cháy, súng nổ đì đùng và xác người trôi đầy sông.
 Dòng sông quê tôi không còn trong xanh, xinh đẹp đầy hoa lục bình tim tím nở mà dòng sông mang màu sắc chết chóc của những cuộc trả thù. Xác người trôi trên sông nhiều hơn lục bình trôi. Má tôi khóc mấy ngày đêm và buồn rầu không ăn uống gì. Người gầy và già đi rất nhanh. Chị em tôi thơ ngây chẳng biết gì về cộng sản nên thấy hoà bình, cả nhà bình yên thì an tâm rồi. 
 Rồi một ngày kia, căn nhà nhỏ và mảnh vườn con con với bao kỷ niệm đã bị tước đoạt. Gia đình tôi và những người trong làng phải đi kinh tế mới. Má tôi biết chúng tôi lớn lên trong thành phố làm sao biết trồng tỉa để sống nên phải dời nhà đi nơi khác.
 Ngày đi, má bứng theo cây lá gai và đem trồng bên hông căn nhà mới.
 Bao nhiêu nhọc nhằn, đau khổ mà gia đình tôi cũng như bao nhiêu gia đình khác của người Miền Nam phải chịu dựng hết năm nầy sang năm khác dưới chế độ mới. 
Thời thế đã đổi thay, chúng tôi chỉ còn nhìn mùa xuân trôi qua cùng với những chiếc lá me bay trên con đường mỗi ngày tôi đi học, đi bán chợ khuya về.
 Tuổi thanh xuân của tôi cũng theo gió ngàn bay đi và rơi rụng đâu đó ở cuối trời xa. 
Tôi chỉ còn lại những giấc mơ mòn mỏi về dòng sông bình yên của tuổi thơ, giấc mơ về những ngày ngồi vắt vẻo trên vai ba tôi ra ruộng nhìn những cánh đồng luá bạc ngàn.
 Ba tôi đã đi vào lòng đất muôn đời. Nhưng âm vang tiếng cười, giọng nói và tình yêu dành cho ông vẫn còn ầm ĩ trong trái tim nhỏ bé của tôi. Ông như một biểu tượng chói lọi, dũng cảm để tôi phấn đấu đi vào cuộc đời đầy chông gai, nghiệt ngã sau nầy.

Ngày Tết càng ngày càng khó khăn hơn. Bàn thờ không còn mâm ngũ quả, không còn hoa để cắm bàn thờ tổ tiên. Hoa mai chỉ có người nhà giàu mới dám mua về chơi. Tết không bao giờ còn cho phép được đốt pháo. Nhưng nếu nhà nước cho cũng không ai có tiền. Những chiếc áo mới của những năm cũ chị em tôi đem ra mặc lại cho tề chỉnh. Má tôi thì không bao giờ còn muốn may áo mới trong ngày Tết. Bà chỉ mặc độc nhất một cái áo tím sậm từ thời còn son trẻ. Miếng ăn, cái mặc má tôi dành hết cho các con. 
Tết mà phố xá im lìm, buồn hiu hắt. Tôi chỉ nghe tiếng chó sủa đêm và tiếng xe lam, xe bò lọc cọc của những người dân quê buôn bán chợ đêm cuối cùng trong đêm ba mươi.

Nhà tôi bỗng nghèo đến thảm hại. Nhưng ngày Tết má tôi vẫn gói bánh ích, bánh tét và nhất là gói bánh ích lá gai. Má tôi lo rằng chúng tôi lớn lên không còn màng gì đến món bánh cổ truyền của dòng họ tôi để lại.

Gia đình tôi đã rời Việt Nam gần 20 năm. Những ngày Tết Nguyên Đáng chị em tôi đâu còn ngồi bên nồi bánh tét chờ bánh ích lá gai nấu chín. Làm sao tôi còn nghe được tiếng thằng em tôi reo lên như pháo khi nghe tiếng súng Giao Thừa bắn lên trời cao và ánh hỏa châu đủ màu toả ra trên bầu trời trừ tịch.
 Và nó bắt đầu đốt những thanh pháo chuộc mà nó đã chuẩn bị mua từ hơn một tuần trước Tết. Xác pháo rơi đầy sân cạnh những chậu mai vàng nở rực rỡ. Nhang thơm, hoa quả, tiếng cười đã lùi xa, lùi xa... 
 Bây giờ má tôi đã già. Người đã bị thời gian, thời cuộc tước đoạt thú vui làm bánh. Nơi đây, Người làm gì còn có thời gian và hứng thú ngồi gói bánh tét, bánh ích và cũng đâu còn thấy lũ trẻ háo ăn, háo hức ngồi canh bên bếp lửa bập bùng để được thưởng thức cái bánh ích lá gai đen đen, ngọt ngọt, thơm nồng.
 Lũ trẻ như chúng tôi đã bị dòng đời cuốn đi trong cơn bão chiến tranh, ý thức hệ, tham lam, cuồng vọng... 
Và  cuối cùng chúng tôi sống lạc loài trên xứ lạ quê người. Ngày Tết, tôi đi làm vắng nhà và đôi khi không còn nhớ bây giờ Việt Nam đang đón xuân.
 Mùa xuân Việt Nam chỉ có âm hưởng đâu đó trong cộng đồng người Việt khắp thế giới nhưng không bao giờ giống những ngày Tết tuổi thơ trên quê hương Việt Nam.

Mỗi khi gần Tết nếu có dịp trở lại Việt Nam thăm con cháu, má tôi vẫn nói nếu hải quan Mỹ cho mang cây cối sang Mỹ trồng, má tôi sẽ đem cây lá gai trồng trong nhà. Nhưng tiếc rằng giấc mơ  trồng một cây lá gai trên đất Mỹ thật xa vời. 
Má chỉ còn đòi ăn bánh ích lá gai bán trong chợ Eden. Dù hương vị không thơm ngon và đặc biệt như má đã làm nhưng mùi lá gai làm cho má đở nhớ quê hương.
Bánh ích lá gai ăn thơm, dẽo và mềm hơn bánh ích làm bằng bột.
 Mùi lá gai hăng hăng và đậm đà nên ăn rồi nhớ mãi
 Lá gai còn là một vị thuốc rất hữu hiệu cho những sản phụ bị băng huyết.
 Má tôi cứ lập đi lập lại sự thơm ngon của bánh ích và công dụng của cây lá gai đến hàng ngàn lần và lần nào cũng giống như nhau. Món ăn dân giã đó như chứa đựng một mong ước mà má tôi muốn nhắn gởi các con là phải giữ gìn bản sắc quê hương, nguồn cội của gia phả dòng họ tôi.
 Những ao ước lớn nhất của má tôi là tìm thấy lại những ngày hạnh phúc, êm ả của những mùa xuân đã qua mau trên quê hương Việt Nam.
 Những ngày xuân chan chứa tình người, không còn chia cắt, hận thù.Và chúng tôi phải trồng lại cây lá gai, gói lại tấm bánh mà má tôi đã từng gói cho chúng tôi ăn vào dịp Tết.
 Tôi thường nhủ với lòng mình rằng rồi một ngày nào đó tôi sẽ trở về.

Tôi về để trồng thêm những cây lá gai chứa đựng mầm thương yêu
Tôi về để nghe tiếng sóng vỗ bên thềm vắng, nhìn con đò chở khách sang sông.

Về để nhìn lại ánh trăng trong sáng, to và đẹp huyền ảo rơi trên sóng nước sau nhà.

Về để đốt lên những bó nhang thơm nguyện cầu cho lòng người quên đi thù hận.

Và chiếc bánh ích lá gai mãi mãi là một giấc mơ đẹp như một câu chuyện cổ tích của tuổi thơ yêu dấu.

Nguyện cầu cho Má  bình yên! Má ơi! 
Con thương Má lắm!
                                       Phong Thu
                                  @ tks t/g Phong Thu !!