Trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2012

Mùa Thu Lá Bay New England


Sinh ra ở đồng bằng sông Cửu Long, lớn lên, đi học, đi làm, đi lính và đi tù ở miền Nam, cả đời tôi chỉ biết có 2 mùa: mùa mưa dầm và mùa nắng cháy da. Trong 4 mùa Xuân, Hạ, Thu Đông học ở trường, lũ nhỏ chúng tôi chỉ thích có mùa mưa vì được chạy tồng ngồng tắm mưa ngoài trời và mùa hạ để được nghỉ hè 3 tháng rong chơi, bắn bi, đánh đáo và phá xóm làng, còn 2 mùa kia thì chúng tôi chưa bao giờ biết mặt mủi chúng ra sao.
Lớn lên một tí, biết đọc các chuyện, tiểu thuyết phong tình của các nhà văn, nhà thơ Bắc Kỳ, tôi biết thêm là mùa Xuân vui tươi với hoa nở, chim hót véo von, mùa đông lạnh căm căm, riêng cái tình tứ, buồn da diết của mùa Thu miền Bắc được rất nhiều văn sĩ,, thi sĩ, nhạc sĩ ca tụng không tiếc lời qua những tác phẩm, truyện tình lãng mạn, nhất là những ca khúc thưong vay, khóc mướn cho những mối tình dang dở, cay đắng như mùa Thu chết, mùa Thu xa em, buồn Thu, tàn Thu, giọt mưa Thu....Qua văn học tôi cảm thấy thích mùa Thu nhất vì cái buồn không tên của nó.
Đối với trẻ con ở đây, mùa Thu là mùa đi hái táo, hái lê, bí trong vườn, xem các thú nuôi: trừu, heo, gà, vịt,ngỗng, dê trong nông trại mà nhiều trẻ em chỉ thấy trong sách , trên TV và trong ... tủ lạnh, hay mặc đồ ma quỷ đi nhát thiên hạ để đòi bánh, kẹo chocolate .
Riêng với các phó nhòm chuyên nghiệp, và cả tài tử nữa, mùa Thu là mùa họ ưa thích nhất để săn ảnh. Đối với dân không biết bấm nút nào để chụp được một tấm hình ra hồn, thì mùa Thu là mùa để họ đi "dòm trộm lá" (nguyên văn từ "leaf peepers").
Nói chung, mùa Thu ở các xứ lạnh, từ Âu sang Á đều tuyệt vời.Các tiểu bang miền Bắc của Mỹ gần biên giới Canada có những mùa Thu đẹp như nhau, nhưng đặc biệt Thu ở miền Đông Bắc đáng được chiêm ngưỡng nhất, vì hội tụ được nhũng yếu tố khí hậu, thổ nhưỡng, nước mưa , nhiều loại cây thay lá ... nên mùa Thu New England, mặc dù chỉ kéo dài trong 2,3 tuần lễ , đã thu hút hàng triệu du khách khắp thế giới, cả tận Bắc Âu, đến xem mùa Thu gió bay New England và bắt, chộp những giây phút "hoành tráng" của thiên nhiên lên phim ảnh.
Vào cuối tháng 9, ta đã cảm thấy thu chầm chậm, từng ngày, đến với vùng đất thơ mộng này. 
Thiên nhiên trở mình làm thời tiết bỗng lạnh dần, Thu hiện diện qua những đợt gió thổi giật từng hồi trên những cành cây, đưa tiển những lá vàng bay lả tả.
Rừng cây bắt đầu khoác một lớp áo choàng rực rỡ từ đầu tháng 10 ở các bang Vermont, Maine và New Hampshire ở miền Bắc. Massachusetts, Connecticut, Rhode Island vừa tiếp nhận tín hiệu Thu nên lá trên cành chưa đổi màu nhiều:
núi, đồi, thung lũng vẫn còn một màu xanh biếc vào buổi chớm Thu. Điều khá thú vị là màu của lá Thu thay đổi từng năm theo thời tiết, nhiệt độ, nước, sương mù và cả mây nữa.
Đi dòm trộm lá vào lúc cao điểm là một khoảng khắc khó quên những hình ảnh huy hoàng của thiên nhiên tặng cho con người.

 Rời bỏ chốn đô thị ồn ào, đông đúc, tầm nhìn bị đóng khung trong các cao ốc lớn, nhỏ, du khách bỗng thấy mình chơi vơi, lạc lõng, bé nhỏ giữa trời đất bao la, lung linh đầy màu sắc.
Đứng trên đồi cao lộng gió, không gian mát lạnh và tĩnh mịch tạo cho ta một cãm giác lâng lâng, vô cùng thoải mái, hầu như tạm quên hết mọi ưu phiền,lo âu, trên cõi đời ô trọc này. Toàn thung lững bao la dưới kia, rừng đang reo vui thay da ,đổi thịt. 
Từng mãng rừng thay đổi màu theo góc độ của nắng chiều chiếu dọi. Những dốc đồi thoai thoải gợn sóng màu xanh, chấm phá màu vàng của các vạt cỏ, màu xanh lục của các cây thông, màu đỏ hồng của răng núi xa xa , núp sau mặt trời sắp lăn , tạo nên một búc tranh hoành tráng, lộng lẫy. hơn hẳn những gì ta thường thấy trên các bức họa thủy mạc của Tàu hay Nhật . 
 Một bên là vách đá đựng đứng màu ranh rêu, bên kia là vạt rừng "cây thường xanh" (evergreens) cao vút màu lá mạ, giữa là con thác bạc ồ ạt đổ xuống một vũng sâu trong ánh nắng mờ ảo của hơi nước, ánh lên màu xanh dương trong vắt. Cảnh thật tuyệt mỹ với ba màu xanh khác nhau, trộn lẫn nhau và hài hòa nhau.

Cảnh trời đất bao la, đẹp đẽ khiến ta thấy bình dị, nhẹ nhàng và bỗng nhiên ta nghiệm ra rằng cần giãm bớt sân si để cuộc sống thêm tự tại và thong dong hơn, và cần biết rằng " hạnh phúc không ở đâu xa mà chính là sự mãn nguyện trong từng giây phút hiện tại ".
Hàng cây đỏ rực đứng yên bên bờ hồ mênh mông, vắng lặng, mặt hồ phủ đấy lá đủ màu, đỏ hồng, tím đài các, vàng óng ánh và cam tươi tắn, thoảng rung rinh mỗi khi có làn gió nhẹ thổi qua.
 Một cặp ngỗng trời trắng toát, tình tứ bơi bên nhau dưới một tàng cây vàng chói, làm khách ngẩn ngơ.
Trên triền đồi xanh xanh in hình bóng một con đại bàng lẻ loi,, đầu trắng với chiếc mõ quặm, thân xám, và đôi chân vàng, đang sãi cánh lượn trên nền trời xám xịt lãng vãng sương khói, chấm phá thêm cảnh hùng vĩ của đất trời đang vào Thu 
Những hàng cây trong rừng đang đua nhau đổ lá. Hàng vạn chiếc lá sặc sỡ bay trong gió, xoắn tít như những con vụ trong không khí, và lượn lờ rơi, làm du khách tưởng đến cảnh bướm bay đầy trời trên hành tinh Pandora trong bô phim giả tưởng Avatar.
Từng đoàn xe đủ loại, nhiều nhất là xe bus, đua du khách đi thưởng ngoạn cảnh Thu, qua những con đường quê ngoằn nghèo nhỏ hẹp, êm ả và thơ mộng dười tán những cành cây giao nhau ở hai bên đường.
 Xe chạy lào xào trên thảm lá dầy , hất tung từng cơn lá ngủ sắc lên kính xe , lên mui xe ...và cả lên tóc của khách


Thỉnh thoảng, một nông trại cổ kính, cạnh những nhà kho sơn toàn màu đỏ, đặc trưng của vùng này, thách thức thời gian, nằm trơ trọi trên sườn đồi xa
xa hiện ra như trong một bức tranh. Làng nào cũng có một nhà thờ nho nhỏ có nóc nhọn với cây thánh giá, màu trắng toát, rất xinh xắn.
 Quanh nhà thờ là những hàng cây cao, che rợp bóng mát, tăng thêm vẽ trang nghiêm của nơi thờ cúng.
Xe băng qua những con suối nhỏ trên những chiếc cầu có mái che, một nét độc đáo khác của New England.
 Chỉ riêng bang New Hampshire, trước đây có đến 750 chiếc, được xem một trong những chiếc cầu xưa nhất nước Mỹ, xây cất từ năm 1829.
Vật đổi, sao dời, hiện nay chỉ còn lối 54 chiếc, và được xếp vào di tích lịch sữ. 
Nước dưới cầu trong vắt, bốc hơi lạnh, chảy cuồn cuộn, mang theo hàng hàng lớp lớp lá vàng.
 Nhìn dòng nước trôi, người sống tha phương không khỏi chạnh lòng so sánh thân phận mình :
Lá lìa cành, được con suối, dòng sông đưa về biển cả mênh mông. Còn ta, lìa quê cha, đất tổ, ta sẽ về đâu " Nhà thơ Vũ Hối, một bậc thầy của nghệ thuật thư pháp, nhìn lá Thu rơi, chạnh lòng lữ thứ, đã múa bút để bộc bạch niềm thương, nổi nhớ không nguôi bằng hai câu thơ :
Gom lá phong vàng Thu xứ lạ.
Xe đi vào một con đường nhỏ, chạy trên thảm lá dầy kêu loạt xoạt rất êm tai, sâu vào cánh rừng thưa để khách nghỉ ngơi tại một quán ăn.
 Thời gian như ngừng lại với căn nhà khá rộng ghép toàn bằng thân cây, kiểu xây cất của những người khai phá nước Mỹ thời lập quốc.
 Bàn và ghế cũng bằng những khúc gỗ xù xì, để rải rác cạnh một ao lớn, quanh ao là một hàng liễu rũ, soi bóng xuống mặt ao.
Một đàn vịt con mới nở,vàng chóe , kêu chiêm chiếp đang bơi theo mẹ kiếm ăn, làm lay động các chiếc lá vàng, xanh đỏ như "những con thuyền bé tẻo teo" !
Không gian tĩnh mịch và yên ắng, đẹp vô tả khiến tâm hồn khách sảng khoái, im lặng tận hưởng cảnh tuyệt vời của trời, đất ,mây, nước.
Thỉnh thoảng ở bìa rừng xuất hiện vài chú nai tơ, sừng vừa mới nhú, với đôi mắt to, ngây thơ, nhìn người lạ, nhởn nhở nhai lá non, khiến du khách Mỹ (Tho), Đức (Hòa), Tây (Ninh), Thái (Bình)... bỗng dưng thành thi sĩ, ngâm nho nhỏ câu thơ thời tiền chiến của Lựu Trọng Lư:

Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô.

Kông Ly 
 

Thành Phố Mộng Mơ Đà Lạt


..Bên ngoài trời còn hơi sương mờ mờ , khiến mình liên tưởng tới sương mù nơi phố cao đà lạt , thú vị biết bao khi đi bộ từ Dinh hai xuống con  dốc quen  ,nhớ dã quỳ và mimosa thảm hoa vàng rực rỡ trong nắng ban mai nơi phố cao nguyên 
Khi ghé váo quán bún bò huế,mì quảng O Lan  ,tha hồ mà xuýt xoa vì ớt cay ,nhưng trời lạnh cỡ nào , có tô bún bò huế , bánh cam ,rồi ly sữa đậu nành nóng . 
Chao ôi là hạnh phúc , phải  qua trải nghiệm từ cuộc sống thực tế :
Hạnh phúc chẳng cần tìm kiếm chi xa xôi  trong tầm tay mình  .Hãy đón nhận và tận hưởng 
Chúng ta phải có giây phút riêng tư  ,khi ta  bình tâm suy nghĩ , đó chính là  sắc màu cuộc sống , như  bao cung bậc cao thấp trong bài hát .
Sau đó ta  cảm thấy yêu đời hơn & nhìn về tương lai với long`tự tin của chính mình .!!
Cảm ơn một ngày đã trôi qua , mình đã học & nghiệm được bao điều hay làm hành trang cho mình trên đường 
đời !

  Clip video Dalat dấu yêu 

 - Ca sĩ Hoàng Ngọc Thạch 

 Thật Hay Mơ (nhạc và lời Phạm Anh Dũng)

  Bảo Yến hát, Quốc Dũng hòa âm,

 Quý Tiết đạo diễn:

 Camly 
2012


Tiếng Động Saigon


Trở thành người Sài Gòn năm mười lăm, những ấn tượng ban đầu về thành phố trở thành một phần trong những gì nghĩ về Sài Gòn cho mãi đến nay khi năm mươi bốn năm đã đi qua. Khác với Hà Nội lúc ra đi, nơi bầu trời thường gây gây nửa tỉnh nửa thức và là một thành phố của màu sắc và mùi, mùi của len sợi, mùi của những loại bánh ở những phố chuyên về những thứ đó.Và nhất là mùi phở gánh,đêm đêm dưới mưa phùn lất phất trong ánh đèn vàng nhạt, khi chiếc nắp thùng phở được mở ra khói và mùi bay lên, ai không ghiền cái thứ mùi dễ ghiền ấy mới là chuyện lạ!
Nơi đến, Sài Gòn, không phải thành phố của màu sắc và mùi.
Ở thành phố phương Nam rực nắng chói chang này ấn tượng nhất là tiếng động:
Trong những khu lao động tiếng radio mở hết volume; ngoài phố, sáng trưa chiều tối gì cũng ngập tràn tiếng động. Sài Gòn thuở ấy náo nhiệt nhưng chưa mấy ồn ào nên mọi tiếng động đều có chỗ đứng trong lòng người ta.
Gầm rú (và kềnh càng) là những chiếc xích lô máy, “hung thần đường phố” ào ào phóng đi, lạng lách phun khói vào mặt người ta nhưng hồi ấy chưa một ai có khái niệm gì về môi trường, sợ là sợ cái phóng nhanh giành đường của “hung thần”.
Tiếng rao mộc mạc có phần kéo dài một cách đơn điệu của những gánh hàng rong, tiếng lách cách dòn dã đều đặn lang thang từ ngoài đường vào những con hẻm, lên cả những tầng cao của mỳ gõ là một nét rất Sài Gòn.
Có chuyện về mỳ gõ như thế này.
Chú bé từ Quảng Ngãi vào Sài Gòn kiếm cơm từ một xe mỳ gõ vỉa hè. Được bao cơm và một tô sí quách vào đêm cùng với tháng 300 ngàn.

 Là đứa biết tiết kiệm, mỗi tháng chú bé gửi chủ xe 100 ngàn đặng cuối năm có tiền về quê. Tết đến, xin lại tiền nhưng gã chủ có máu bất lương không trả cốt giữ thằng bé lại bán vào dịp tết, thế là với nỗi nhớ nhà, tiếc của, tiếng lách cách vừa đi dài vào vào hẻm vừa khóc.
Một đám choai choai thấy lạ hỏi. Máu giang hồ nổi lên, các đại ca vốn bị mang tiếng quậy phá xách búa ra gặp chủ xe mỳ .Bảo một là trả tiền sòng phẳng cho thằng bé, hai là “nghe tiếng búa này”.
Lấy lại được tiền, xử theo luật giang hồ thằng bé gửi tiền cà phê cho đại ca nhưng đại ca quắc mắt nói “Giang hồ thấy sự bất bằng thì ra tay, nghĩa hiệp không lấy tiền công”.
 Tiếng lách cách nhất là vào đêm khuya lọt vào trái tim bụi đời của anh hai người Sài Gòn như thế.
Thuở ấy, khu gia đình cư ngụ là hai dãy nhà sàn đâu hậu vào nhau trên một con kinh lấp, mọi tiếng động hơi to một tí đều trở thành tiếng động chung, có khó chịu cũng không biết khiếu nại ở đâu, thời ấy những bức xúc như trên thường không có khái niệm thưa gửi.
 Cách nhà mấy căn là một gia đình chuyên mổ chó bỏ mối cho những Cây Còn, Lá Mơ, Nó Đây Rồi, Sống Trên Đời …
Nửa đêm về sáng tiếng những nhát búa đập vào đầu chó gây một ý niệm hãi hùng về sức man rợ của đồng tiền. 

Hàng chục, hàng chục con vật được nhìn nhận là có nghĩa với con người nhất đã ra đi hàng đêm qua những cuộc thảm sát như vậy.
Một buổi sáng ra phía sau nhìn sang phía gầm nhà nơi hành hình ấy thì chẳng thấy Sài Gòn là hợp lưu của dân tứ xứ, hào phóng đón nhận mọi con người ưa phiêu lưu mạo hiểm có ý chí lập thân lập nghiệp và mọi người gặp nhau ở đây cũng nhanh chóng hòa vào nhau thành một cư dân ưa ma sát với nhiều cách tiếp cận và giữ ấn tượng về thành phố.
Độc đáo là tiếng mưa Sài Gòn, gần với tánh người Sài Gòn nhất. Bất ngờ ào đến, trẻ trung bặm trợn, ập xuống đè bẹp những âm thanh không phải là mưa, mưa tối trời đất không rả rích lê thê như mưa nhiều nơi khác,
 Huế chẳng hạn. Những cặp tình nhân Sài Gòn khỏi nôn nóng bồn chồn nơi điểm hẹn vì đang ầm ầm đó, bỗng ào một tiếng dài và nhẹ nhàng mưa cuốn đi lúc nào chẳng hay.
  Hồi ra Huế cưới vợ rơi ngay vào mùa mưa, trong giây phút…chẳng biết khi nào hết mưa, bất giác tiếc là sao ông trời không cho mối duyên với một cô gái Sài Gòn! 
Sài Gòn bây giờ là thành phố của hàng triệu chiếc xe máy, dù không phải ai cũng xoáy nòng nhưng đàn cua bò trên đường phố ấy cũng tạo ra một bức tường âm thanh khiến người ta …
Không còn nhận ra nó nữa! 

Cũng bây giờ, khi Sài Gòn tràn đầy những công ty, cửa hàng, shop và những căn nhà hiện đại rất “hại điện” thì điện lại báo hại người ta cúp liên miên. Không có điện lưới quốc gia thì ta có điện …lưới nhà. Giữa trời trưa nắng lửa những chiếc máy điện trên hè phố thi nhau nổ rầm rầm chát chúa như chạy đua cùng bức tường âm thanh của xe máy, càng làm cho ấn tượng Sài Gòn thành phố của tiếng động trở nên rõ hơn!
Trong dòng âm thanh cocktail ầm ào của Sài Gòn thời đô thị hóa bỗng có thêm tiếng ca Khánh Ly dài theo đường phố.
Từng cặp những cô gái quê cũng áo bỏ trong thùng bảnh bao nhưng mộc mạc, cũng một chút son trên môi như muốn tô thêm màu cho bức tranh mưu sinh thời hiện đại tạo ra một phong cách mới của công việc kiếm miếng cơm.
Đấy là những chiếc xe đạp được chải chuốt tươm tất bắt mắt, có chiếc thùng nhỏ bằng formica phía sau, một góc đựng kẹo kéo, góc kia đựng cái cassette. 

Mỗi xe có hai cô thành một cặp dắt đi rong, thả tiếng nhạc Trịnh Công Sơn lại phía sau, nhẹ nhàng không gắt chói. Một lần làm quen được với chiếc xe vẫn đi qua công viên Tao Đàn và tới nhà theo hẹn của hai cô.
Con hẻm nhỏ cặp nhà thờ Dòng Chúa Cứu thế có nhiều những căn nhà tạm dựng lên khá vội vàng nhưng gọn gàng.
 Đấy là khu kẹo kéo. Nói vậy bởi ở đây có người chủ trung niên từ Quảng Ngãi vào mang theo nghề của quê hương.
 Anh ta sản xuất kẹo, trang bị xe và đồ nghề không quên chiếc cassette với nhạc mà theo anh “Phải nhạc Trịnh mà Khánh Ly hát mới là điệu nghệ”. 


Em cháu từ quê vào được cho ở trọ, cho mướn trọn bộ đồ nghề và kẹo,cứ việc sáng từng cặp đẩy xe đi, bán hết mang xe về trả tiền cho chủ và thảnh thơi hưởng phần lãi sau một ngày đi bộ.
Một cô trạc 20 nói “Tính ra mỗi ký kẹo phải đi 6 cây số”, đường càng dài kẹo bán càng nhiều, ngày mưu sinh tính theo như thế.

Tiếng nhạc đi rong hòa trong tiến động Sài Gòn vậy mà nuôi sống được nhiều cô gái trẻ tha phương cầu thực mong có vốn để một ngày về lại quê mở tiệm may, uốn tóc…
Một cô ở Sơn Mỹ năm nào, cho biết xe của cô chọn lộ trình Nhà thờ-Thủ Đức đi theo hướng cầu Bình Lợi, chiều từ Thủ Đức lộn về thành phố, len lỏi mấy chục khối nhà khu cư xá Thanh Đa.
Nhờ chịu đi mà mỗi ngày bán được 10 kg với con đường nhẩm tính ra khoảng năm chục cây số. Một năm là hết trên dưới một vòng trái đất theo đường xích đạo! 
Trong cái ùng ục của Sài Sòn, tiếng nhạc Trịnh Công Sơn như ru giấc mộng kiếm tiền trở lại quê nhà bắt đầu cuộc sống của những cô gái miền Trung.
Tiếng động Sài Gòn mạnh mẽ, bộc trực như cái tánh người Sài Gòn và thành phố làm nên tính chất cư dân hay chính cái tính chất ấy làm nên một Sài Gòn?
Bao giờ Sài Gòn là đô thị yên tĩnh?
 Không bao giờ, vì đất hẹp người đông lại là thành phố công thương nghiệp đa hình đa dạng, trẻ trung hiếu động thì cứ nên yêu lấy tiếng động ấy thôi !
Bị mất tư cách người Sài Gòn, nhưng vẫn về đó vì sinh kế, vì rong chơi và vì...những tiếng động lớn con của Hòn ngọc Viễn Đông.
 Sống ở tỉnh lẻ, nhiều lúc nhớ da diết, nhớ đắng cay âm thanh non trẻ nóng bỏng rộn rã và tinh khiết của cuộc sống Sài Gòn một thời nuôi lớn lên, đưa vào đời ...rồi không chia tay mà vẫn xa thăm thẳm.

                              Cao Thoại Châu




Cô bắc kỳ nho nhỏ



                            Đôi mắt tròn, đen, như búp bê
                           Cô đã nhìn anh rất... Bắc Kỳ
                          Anh vái trời cho cô dễ dạy
                          Để anh đừng uổng mớ tình si

                       Anh vái trời cho cô thích mộng
                       Để anh ngồi kể chuyện nằm mơ
                      "Đêm qua có một chàng bươm bướm
                       Nguyện chết khô trên giấy học trò"

                      Anh chắc rằng cô sinh trong Nam
                      Cảnh tượng di cư chắc lạ lùng?
                      Khi nghe ai luyến thương Hà Nội
                      Chắc cô nghe bằng tim dửng dưng

                    Anh vái trời cho cô dửng dưng
                    Coi như Hà Nội - xứ hoang đường
                    Để anh còn dắt cô đi dạo
                    Còn rủ cô vào rạp cải lương

                   Anh vái trời cô thích cải lương
                  Thích kẻ anh hùng diệt bạo tàn"
                   Mốt mai thê thảm quanh đời sống
                  Cô sẽ còn đôi chút lạc quan

                 Đôi mắt tròn, đen, như búp bê
                 Cô chớ nhìn thiên hạ lận lường
                 Mà
hãy nhìn anh cây lắm chuyện
                 Nhưng còn con trẻ chuyện yêu đương

                                     Ng.Tất Nhiên
                                            1973


Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2012

Chuyện Phi Trường



Chuyện Phi Trường
Phi trường Houston chiều thứ sáu không mấy tấp nập. Có tới 2 tiếng chờ chuyển máy bay, không có chuyện chi làm, bụng cũng không đói lắm. Hmm… làm cái gì cho hết 2 tiếng bây giờ ta?
Vào mấy sạp báo, cầm lên cầm xuống, coi tới coi lui cũng không có thứ gì mới… Thôi thì vòng trở lại khu bán đồ ăn (Food Court) kiếm một hai thứ gì đó lai rai cho qua thời gian vậy.
Không đói thì dòm gì cũng không thấy ngon, từ McDonald’s cho tới Burger King, Quizno Sandwich… Thôi thì lấy đại 2 cái tacos ròn ròn ăn cho có rau cỏ, dễ nuốt vậy…
Đồ Mễ ở phi trường chán thật! Cái tacos ngoài rau xà lách thái nhỏ, thịt bò, cà chua lại còn nhét thêm cơm và đậu đen vào, cắn một miếng ớn lạnh xương sống lẫn xương sườn.

 Thế là bỏ ngay xuống, ngồi khẩy khẩy mấy cọng rau cho đỡ … buồn đời!
Thế mà cũng gần tới giờ bay rồi. Nhặt mọi thứ bỏ lại vào khay nhựa, đem quăng vào thùng rác.
Xong đá nhẹ cái chân ghế, đẩy cho ghế ngay ngắn lại rồi đang sửa soạn kéo valise đi lại hướng cổng máy bay thì bỗng thấy có ai khều nhẹ:
-”Excuse me young man… ” (Này cậu trai trẻ …)
Quay lại nhìn thì thấy một bà Mỹ lớn tuổi, dáng người petite, nhon nhon, tóc bạch kim trắng xóa, đeo kiếng trông thật lịch sự đứng cười cười thân thiện…
_”Yes mem..?.” (Vâng thưa bà…?)
Vẫn nụ cười thân thiện gắn trên môi, bà nắm lấy tay tôi (từ đây mình sẽ chuyển những câu nói của bà qua tiếng Việt luôn, khỏi Anh rồi Việt lôi thôi nữa):
_ “Cậu có biết tôi để ý cậu từ nãy đến giờ. Cậu là một trong những người trẻ rất hiếm hoi thời nay mà ăn uống thật lịch sự đó … (having good table manner)”
Tôi chưng hửng, ú ớ… Trời đất, chuyện gì thế này?
_ “Uhhh…”
_”Khi ăn, cậu đã trải miếng khăn giấy (napkin) lên đùi này. Lúc rời bàn cậu lại xếp ghế lại cho ngay ngắn này… Thời bây giờ mấy người trẻ tuổi không còn mấy ai làm như thế này nữa!”
Chết cha, tôi đã bị bà ta theo dõi tự hồi nào a? Mà không lẽ bà này xỏ xiên, nói xéo tôi … cổ lổ xỉ ta?
Cám ơn bà ta trong sự ngập ngừng dò hỏi:
_”Uh… thank you!
Thank you very much mem…” (”Uh, cám ơn Cám ơn bà nhiều lắm…”)
_”No, thank you! Và cậu có biết không, cậu làm tôi nhớ tới một người thanh niên…”
Cái gì nữa đây ta? Không lẽ tôi đã làm cho bà nhớ con?
_”Vậy cơ? Thưa bà nhớ đến ai vậy thưa bà?”
Tôi lịch sự hỏi cho qua chuyện.
”Một người bạn thời trẻ của tôi, cậu ấy tên là Bruce Lee (Lý Tiểu Long), thời thập niên 70 thuở ấy chúng tôi đã là bạn với nhau trong một thời gian ngắn khi tôi đi làm việc bên Hong Kong”
_ “Bruce Lee - Hong Kong?
… Không lẽ là … tài tử Bruce Lee người Trung Hoa hả thưa bà?”
_”Đúng cậu ấy đấy. Cậu làm tôi bỗng nhớ bạn tôi quá… “ bà có vẻ như rươm rướm nước mắt.
_”Oh, tôi xin lỗi…”
_ “Oh, không đừng nói thế, tôi mới là người nên xin lỗi cậu…”
.. Chết rồi, chuyện đâu đâu từ trên trời rơi xuốn & không biết sẽ còn đi đến đâu? Tôi đưa mắt lẹ dò xét xem bà có dấu hiệu gì bất bình thường hay không thì nhìn bà cũng … “bình thường” & thành thật lắm.
Tay run run hoặc vì tuổi già hoặc vì xúc động, bà thọc sâu vào trong cái xắc tay, lôi ra cái bóp nhỏ, lật bật lật ra cho tôi xem một tấm hình cũ.
Một người con gái tóc vàng, đẹp như thiên thần đang ngả đầu vào vai một chàng trai Á châu đeo một cặp kiếng đen bản bự, xem ra giống Lý Tiểu Long thật trời ạ! Không biết thật hay giả?
Thời buổi “Photoshop” này ghép hình quá dễ dàng, tôi còn có tấm hình toe toét cười quàng vai tổng thống Mỹ Obama nữa kia mà & dĩ nhiên là hình do tôi tự ghép vào dỡn chơi cho vui.
Và người đàn ông trong hình kia, nếu thật sự là Lý Tiểu Long thì tôi thấy cũng đâu có gì giống tôi đâu ngoài cái khuôn mặt xương xương, dài dài, cái miệng cũng hơi … mom móm…
_” Tôi hân hạnh lắm thưa bà.
Rất muốn đứng tiếp chuyện cùng bà nhưng xin lỗi rất tiếc là chuyến bay của tôi sắp sửa … cất cánh”

Don Ho 



Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

Không phải tơ trời, không phải sương mai


                                                 



















 Mong manh nhất không phải là tơ trời
Không phải nụ hồng
Không phải sương mai
Không phải là cơn mơ vừa chập chờn đã thức
Anh đã biết một điều mong manh nhất
Là tình yêu
Là tình yêu đấy em!

Tình yêu,
Vừa buổi sáng nắng lên,
Đã u ám cơn mưa chiều dữ dội
Ta vừa chạy tìm nhau…
Em vừa ập vào anh…
… Như cơn giông ập tới
Đã như sóng xô bờ, sóng lại ngược ra khơi.
Không phải đâu em – không phải tơ trời
Không phải mây hoàng hôn
Chợt hồng … chợt tím …
Ta cầm tình yêu như đứa trẻ cầm chiếc cốc pha lê
Khẽ vụng dại là… thế thôi … tan biến
Anh cầu mong – không phải bây giờ
Mà khi tóc đã hoa râm
Khi mái đầu đã bạc
Khi ta đã đi qua những giông – bão – biển – bờ
 Còn thấy tựa bên vai mình
Một tình yêu không thất lạc…

  Đỗ Trung Quân

Ngọc Lan Huyền Thọai Và Cuộc Đời


 Tiếng hát trữ tình truyền cảm của Ngọc Lan đã mang đến, để lại trong tâm thức của người thưởng ngoạn những âm điệu ngọt ngào, lôi cuốn
. Tính tình cô nhu mì, điềm đạm với dáng dấp mảnh mai và một ánh mắt u buồn.
Ngần ấy những đức tính và tài năng của cô đã đủ để giới thưởng ngoạn đánh giá cao và sẵn sàng dành cho Ngọc Lan một cảm tình sâu đậm, và một chỗ đứng cao trong lòng giới mộ điệu âm nhạc.
Nhưng không ngờ, định mệnh khắt khe và đầy nghiệt ngã đã cuớp lấy của chúng ta một con người tài hoa nhưng mệnh bạc.
Cô có một đời sống gần như bí ẩn.

 Ngoài thời gian trình diễn, cô ít xuất hiện trong đời thường và cũng không có bạn bè nhiều. Nên đã có không ít những huyền thoại thêu dệt chung quanh cuộc sống của cô.
Bài viết này mong rằng sẽ đánh tan những ngộ nhận vô căn cứ và là điều "unfair" cho người đã khuất.

 Xin hãy trả những sự thật cho cô.
Ngọc Lan tên thật là Lê Thanh Lan, 

 Sinh ngày 28/12/1956 (Bính Thân), lớn lên tại Nha Trang , tỉnh Khánh Hòa.Là người con thứ 4 trong gia đình 11 anh chị em - con ông bà Lê Đ. Mậu - ông đã phục vụ trong ngành Truyền Tin của Sư Đoàn Bộ Binh QLVNCH.Thuở nhỏ cô học trường Trung Học Lý Thường Kiệt tại Quang Trung (Hốc Môn).
Cô có người chị ruột là nhà văn nữ Lê Thao Chuyên mất năm 1993. Từ bé cô đã có khiếu ca hát và ngâm thơ, cô đã hát trong ca đoàn nhà thờ, ở Việt Nam, cô đã từng là học trò của NSLê Hoàng Long (tác giả bài hát nổi tiếng "Gợi Giấc Mơ Xưa").
Năm 1980 cô đã vuợt biên tỵ nạn tại Laemsing (Thái Lan). Thời gian này cô có hoạt đông văn nghệ trong trại tỵ nạn cùng với MC Trần Quốc Bảo. Sau đó định cư tại Hoa Kỳ, thời gian đầu cư ngụ tại Minnesota.
Hai năm sau, Ngọc Lan về California và khởi sự tham gia các hoạt động văn nghệ tại CA
Còn nhớ vào 83-85- các nơi này Ngọc Lan đều góp mặt với giọng hát của mình- và Ngọc Lan đã nhanh chóng trở thành một trong những ca sĩ hàng đầu tại hải ngoại.
Cô đã được ái mộ và tạo đươc sự thương mến của khán thính giả mọi giới.


Cô hát đươc nhiều thể loại nhạc, từ nhạc Việt đến nhạc Pháp, Mỹ. Tiếng hát Ngọc Lan như có một ma lực quyến rũ người nghe, như lời thì thầm kể lể của người tình với người tình.Ngọc Lan đã từng cộng tác với với hầu hết các trung tâm băng nhạc tại hải ngoại, và giữa lúc sự nghiệp ca hát của cô đang lên đến tuyệt dỉnh của danh vọng, thì bổng nhiên Ngọc Lan dần dần ít xuất hiện sau năm 1993 (sau cái chết của nguời chị ruột).
Phải nói Ngọc Lan là một hiện tượng mà ở mỗi nơi cô trình diễn khán giả đã đứng chật sàn nhảy mà không khiêu vũ để theo dõi từng lời ca và lối trình diễn của cô.
Đầu năm 1994, Ngọc Lan trở lại sân khấu vẫn với tiếng hát buồn muôn thuở, nhưng ánh mắt thẫn thờ như không còn thiết tha với cuộc đời.

Và đến tháng 12 /1994 cô quyết định thành hôn với Mai Đăng Khoa (có tên Kelvin Khoa, một nhạc sĩ xử dụng keyboard trong ban nhạc Bolero, ban nhạc này có xuất hiện trong băng Video Thúy Nga Paris số 15 với hai M.C. Kim Anh và Trần Quốc Bảo).
Sau đó Ngọc Lan vắng bóng luôn, vì biết mình đã mang chứng bệnh hiểm nghèo nên cô không muốn có con,.

Vào khoảng năm 1999 tại Việt Nam có tin đồn Ngọc Lan đã qua đời vì chứng bệnh diabetes, nên nghệ sĩ Nam Lộc đã dành một cuộc phỏng vấn cho vợ chồng Ngọc Lan trong chương trình của đài Văn Nghệ VN Television .
 Có nhiều lời đồn về bệnh tình của Ngọc Lan khi thấy mắt cô bị kém thị lực.
Nhưng sự thật cô bị bệnh thuộc dạng "the demyelinating diseases" mà trong danh từ y khoa (medical term) là M.S., có nghĩa là Multiple Sclerosis.
Bệnh này phá hỏng hệ thống thần kinh, làm cho các vỏ bao bọc dăy thần kinh bị hủy hoại.
Đây là một bệnh hiện chưa có thuốc chữa, chỉ dùng thuốc Prednisone để kéo dài thời gian.
Y khoa không biết nguyên nhân từ đâu
. Bệnh này hiếm thấy ở người Á Châu và Phi Châu, và thường có tỉ lệ cao đối với phụ nữ.
Bệnh này được biết xuất phát ở Faroe Island 20 năm sau khi Anh Quốc chiếm đóng hòn đảo này vào thời kỳ đầu của Thế Chiến Thứ Hai (theo tài liệu Textbook of Medicine, trang 2212).
Bệnh này thường thấy ở Bắc Mỹ và Canada, và phía Bắc Âu Châu
—Có khỏang 20 người mắc bệnh này trong số 100,000 dân. Được biết một tỷ phú nổi tiếng trong giới sòng bạc của Hoa Kỳ tạI Atlantic City cũng đang mắc bệnh này.
Triệu chứng mắc bệnh (First symptoms of MS in 937 patients):
-Weakness 48%
-Paresthesias 31% (Giảm cảm giác, tê)
-Visual Loss 25% (Hỏng thị giác)
-Incoordination 15% (không phối hợp, làm tay chân vụng về)
-Vertigo 6% (chóng mặt)
-Sphincter Impairment 6% (Cơ vòng suy yếu không kiểm sóat được)
Cho đến nay giới y khoa vẫn không hiểu vì lý do gì—giống như một lọai virus lạ xâm nhập vào não bộ và phá hủy lớp vỏ ngòai của dây thần kinh làm mất dần thị giác
—Khi Ngọc Lan trở bệnh được đưa vào bệnh viện Vancor, và đột ngột từ trần vào 8 giờ 25 phút sáng thứ ba ngày 6/3/01—hưởng dương 44 tuổi.
Hơn 500 khán thính giả ái mộ và nghệ sĩ thân hữu đã đến làm lễ tiễn đưa Ngọc Lan tại Holy Spirit Church .FV ,CA..US
Ngọc Lan đã được an táng tại nghĩa trang, Huntington Beach vào sáng thứ bảy 10/3/01 trong niềm thưong tiếc của mọi người.
Sự ra đi đột ngột của Ngọc Lan là một mất mát lớn cho nền âm nhạc Việt Nam.
Hôm đến nhà quàn để thăm viếng Ngọc Lan—cô nằm đó, chung quanh là những nụ hoa hồng đỏ thắm—trên đầu là chuỗi ngọc nữ trang màu bạc, che phủ mái tóc đen trên guơng mặt của một tuyệt thế giai nhân. Hai tay chắp lại. Trông như cô đang ngủ.
Tôi đứng lại, bỗng chợt nhìn thấy một cây tùng phía sau mộ có hình dáng như một tàng cây ngả rạp về một phía, giống như một cơn gió mạnh vừa thổi qua—“Gone with the Wind”.

Ngồi viết những giòng này, ngòai trời đêm lấm tấm mưa
. Như trời đất cũng tiếc thưong cho một nguời tài hoa bạc mệnh đã trở về với cát bụi. Lòng tôi ngậm ngùi khi nghĩ đến cô.
“Mỹ nhân tự cổ như danh tuớng
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu
Vĩnh biệt Ngọc Lan
“Một ánh sáng chói lọi nay đã tắt”

Đêm Đông
Đặng Hùng Sơn


( note :Dành Tặng Fans Ca Sĩ Ngọc Lan )
 

Chiều nay ngắm biển .. chợt nhớ một người ...



Vi vút từng đợt gió thỗi lồng lộng, làm dịu mát bờ vai tôi trong một chiều nắng ..........
 Có lẽ là đã lâu lắm rồi tôi mới lại có dịp được ngồi ngắm gió biễn chiều nay thật êm đềm ..
.. Đặt bàn chân lên cát , từng hạt cát mịn màng cứ xoáy nâng nhẹ bước chân tôi , từng cơn gió thoang thoảng nhẹ nhẹ lay động mái tóc phai sương , cãm giác se se lạnh như đang ôm lấy tôi , đễ đưa tôi về lại với miền dĩ vãng năm xưa... Biển chiều nay thật nhẹ nhàng làm sao với từng đợt sóng cứ vỗ về nối tiếp nhau nhè nhẹ dưới làn nắng thu nồng một màu vàng óng làm say mê lòng kẽ viễn xứ ..
. Biển chiều nay thật ềm đềm , thật yên ả nhưng cũng thật buồn .... Từng tiếng sóng cứ vỗ vào nhau như thay lời than thở , biễn nhớ em và tôi lại càng nhớ em ... nhưng không biết ở một nơi nào đó em có nhớ đến tôi không , biết em có còn nhớ biễn chiều ngày nào tôi và em cùng sánh bước ...
. Ngày ấy tôi và em như sóng biển và bờ cát , tôi là bờ và em là sóng . Mỗi ngày trôi qua , sóng của tôi cứ cười đùa bên tôi làm tôi tường như mình là kẽ hanh phúc nhất ....
Mỗi một bước chân trên cát lại là một dấu kỷ niệm cho tình tôi và em . Tôi yêu mái tóc bay bay mỗi chiều trong gió , ánh mắt em làm tim tôi ngừng dập , nụ cười em làm tiếng sóng phải nhún nhường....

Sóng của tôi rất đẹp , sóng đẹp như một đóa hoa Lan dịu nhẹ mà thanh khiết . Sóng của tôi rất đằm thắm , mổi lần sóng của tôi xõa tóc trong nắng thu chiều là lòng tôi lại như chìm vào ão vọng của thần tiên ...
 Sóng bên tôi , tôi bên sóng , hanh phúc cứ ngỡ không có gì chia cách , vậy mà rồi tôi đã không ngờ , một ngày sóng đã xa bờ như tình tôi nghìn trung xa cách em ...




. Sóng ơi , em có biết là anh vẫn luôn giữ lại mùi tóc em trong hơi thở , giữ nụ cười em trong trí nhớ anh và giữ mãi vàng son một thưở yêu em ... trong chính trái tim này ... Vẫn biển chiều , vẫn sóng vỗ nhưng mà sóng cũa riêng tôi nay đã không còn là của tôi nữa ... Cảnh còn đây mà ngưởi nay đã nơi chốn xa ... Biễn vẫn reo rắt từng con sóng như thay cho tiếng nói lòng tôi luôn mong mõi ngày em trở về.....Vẫn biết tình không rõ tiếng ngày mai , nhưng lòng tôi vẫn giữ vẹn tình với em ... 

N-DAT
2010
 note :
 Khi  ngồi đọc lại những dòng tự sự  thật ngậm ngùi , nhớ lại những chiều thứ 6 cuối tuần  lại có dịp 888 thoải mái   , vốn cùng sở thích âm nhạc + nhiều thứ giống nhau nữa , tri âm tri kỷ nên  làm sao mà quên được ,đúng không N. ?
Chỉ mong thời gian quay lại  &  hai ta thực hiện bằng được ước mơ nho nhỏ của chúng ta nha N !
Và... nơi chốn bình yên ấy bạn luôn mĩm cười và tràn ngập niềm tin yêu  !!
8/2012
Cly

Thứ Tư, 15 tháng 8, 2012

An Giang - Bức Họa Đồng Quê Yên Tĩnh


Nếu có một nơi nào đó trên khắp các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mà tôi đã qua, gây cho tôi một thứ cảm xúc thân thuộc hết sức đặc biệt, thì đó ắt hẳn chính là An Giang, vùng đất hồn hậu của những ngọn thốt nốt cao chót vót, của những cánh đồng lúa vàng rực rỡ vào mùa thu hoạch, của những đôi mắt trẻ thơ đen láy những ước mơ, của những tấm lòng bạn bè nhiệt tình và chân thành nồng hậu...
Với hơn 2.2 triệu người (2007), An Giang được xem là tỉnh có dân số đông nhất ĐBSCL hiện nay.
 Là một phần của vùng Tứ giác Long Xuyên, hàng năm An Giang hiển nhiên là một trong những tỉnh miền Tây chịu sự ảnh hưởng rất lớn của nước lũ đổ về.
 Vùng đất hào sảng đặc trưng miền Tây này còn chứa đựng trong lòng nó một nền văn hóa Óc Eo độc đáo, là cơ sở để tìm hiểu về một vương quốc Phù Nam đã từng rực rỡ trong quá khứ.
Tôi đến An Giang vào những ngày mưa tầm tã, vì những lời rủ rê nhiệt tình và chân thành của bạn bè, vì những bức ảnh tuyệt đẹp về những cánh đồng vàng ươm mùa thu hoạch, và vì sự quyến rũ ngọt ngào của hương thốt nốt thơm nồng...
Và An Giang hiện ra, giản dị và rực rỡ, hào sảng và nhiệt thành, hơn cả những gì tôi mong đợi..(t/g laiko)
  Hinh ảnh rừng tràm Trà Sư mùa nước nổi năm nào, cả tấm hình là một màu xanh mát mắt, xanh của bèo, xanh của lá tràm, xanh của bầu trời..
.Vòng quanh An Giang cuối tuần: từ Long Xuyên, đi xuyên tứ giác LX qua tỉnh lộ 941 vàng ươm màu lúa chín, nhộn nhịp ghe thuyền hàng sáo, xôn xao chợ quê Cần Đăng, Vĩnh Bình, Tà Đảnh...
 Ấm áp tô cháo bò Tri Tôn, ngắm Tà Pạ mờ sương sớm, theo dấu chân các sư đi khất thực, nhẹ nhàng lướt trên thảm bèo tấm Trà Sư, trải lòng với cánh đồng thốt lốt để chiều về nhấp nháp ly cà phê bên ngã ba sông Châu Đốc, tối lai rai lẫu trâu Bảo Thu, thưởng thức chè bưởi hồ bơi và cháo lòng khuya.

 theo 2 t/g  viettu,laikoo 

                                Hồ Soài So sau cơn mưa.-rừng tràm Trà Sư mùa nước nổi

 

Bài hát Mùa Thu

 Bài hát Mùa Thu

Hôm nay có phải là thu ?
Mây năm xưa đã phiêu du trở về .
Cảm vì em bước chân đi,
Nước nghiêng mặt ngọc lưu ly phớt buồn.
Ai về xa mãi cô thôn,
Một mình trông khói hoàng hôn nhớ nhà ?
Ngày em mới bước chân ra,
Tuy rằng cách mặt, lòng ta chưa sầu .
Nắng trôi vàng chẩy về đâu ?
Hôm nay mới thực bắt đầu vào thu .
Chiều xanh trắng bóng mây xưa,
Mây năm xưa đã phiêu du trở về .

Rung lòng dưới bước em đi,

Lá vàng lại gợi phân ly mất rồi!
Trời hồng, chắc má em tươi,
Nước trong, chắc miệng em cười thêm xinh.
Em đi hoài cảm một mình.
Hai lòng riêng để mối tình cô đơn.
Hôm nay tưởng mắt em buồn:
Đã trông thấp thoáng ngọn cồn, bóng sương.
Lạnh lùng chăng, gió tha hương?
Em về bên ấy, ai thương em cùng?

Đinh Hùng



 

Bi kịch tình yêu Văn Phụng -Châu Hà & kết cuộc có hậu,

.....Tới bây giờ, tôi vẫn nghĩ, một trong những bí nhiệm đời sống một con người là tình yêu. 
Tình yêu có thể dẫn tới hôn nhân hay không, theo tôi, lại là một bí nhiệm khác của Thượng đế. Nó nằm ngoài ta, như những cõi giới mà chúng ta không hiểu được.
Cuộc tình giữa Văn Phụng / Châu Hà, với tôi, là điển hình. Như một thí dụ cụ thể.Căn cứ theo bài viết của các tác giả như Lê Quốc Thanh, Lê Minh - Vũ Tuấn Bảo cùng một vài bài viết khác thì, trước năm 1954, ở Hà Nội, tình yêu đã sớm đến với họ, khi nhạc sĩ Văn Phụng và ca sĩ Châu Hà còn rất trẻ. 
 Những người biết chuyện cho rằng, đó kết hợp không thể đẹp hơn, của một đôi trai tài và gái sắc.
 Với Châu Hà, ngoài nhan sắc, còn là tiếng hát uy lực nhất để rao giảng những ca khúc viết về tuổi trẻ, tình yêu, quê hương và đất nước của một Văn Phụng, nhạc sĩ.
Nhưng nếu lộ trình nhân gian bằng phẳng y cứ trên những thuận lý, có dễ chúng ta khó hy vọng có được những tác phẩm bất hủ như “Suối tóc, “Tôi đi giữa hoàng hôn,” “Yêu,” hay “Chán nản” hoặc “Em mới biết yêu đã biết sầu” vân vân…
Quan niệm “xứng ca vô loài” của thân phụ nhạc sĩ Văn Phụng thời đó, đã như một nhát chém tàn khốc của định mệnh ố tài! 
 Hiểu rõ, cuộc tình đầu đời mình, đã gặp phải bức tường thành kiến khắc nghiệt, Châu Hà lặng lẽ rời bỏ Hà Nội. Lập gia đình sau đấy. 
(Một hình thức nín lặng. Vùi chôn đời mình.) 
Ở lại Hà Nội, Văn Phụng báo hiếu cha mẹ bằng cách đáp ứng những trông đợi của song thân.
 Như theo học ngành y khoa (dù chỉ được một năm.) Người nhạc sĩ tài hoa của chúng ta, cũng thuận theo chọn lựa của gia đình, kết hôn với một thiếu nữ con nhà gia thế, nổi tiếng xinh đẹp, nết na…
Trên mặt nổi đời thường, cuộc sống người nhạc sĩ trẻ thành danh sớm, êm ả trôi theo dòng chảy của thời thế.
 Một thời thế cuồng xiết, nhiều biến động.
 Hung hiểm: Hiệp định Geneva được ký kết giữa các phe phái ngày 20 tháng 7 năm 1954.
 Là một Ky Tô Hữu, gia đình của tác giả “Ô Mê Ly’ không thể không rời bỏ Hà Nội, di cư vào miền Nam.
 Nhưng, cũng nhờ biến cố đổi đời lớn lao này mà, Văn Phụng được giải thoát khỏi những giam cầm, trói buộc của quan niệm cổ hủ.
 Ở Saigon, vùng đất mới, ông được tự do chọn và, sống với âm nhạc, như một hơi thở khác, sau khi cuộc tình đầu tiên với Châu Hà, bị bức tử.Trong giai đoạn mà tôi muốn gọi là giai đoạn “bản lề”. 

                                  
Trước khi Văn Phụng gặp lại mối tình đầu, Châu Hà của ông ở Saigon, tôi muốn gọi thời gian đó là giai đoạn “bản lề.” Những sáng tác lấp lánh ánh sáng, thơm ngát niềm vui; đồng thời nhập nhòa, nghẹn ngào bóng tối của nỗi buồn mang tên Văn Phụng, ra đời.
 Chúng hiện hữu như một mặt khác: Mặt thăng hoa của bi kịch tình yêu. 
Trong số này, có “Suối Tóc,” “Tôi đi giữa hoàng hôn,” “Tiếng dương cầm,” v.v… 
 “Suối tóc” đến hôm nay vẫn còn (và sẽ mãi còn) là một dòng suối êm đềm trong liên tưởng từ mái tóc của Châu Hà, người yêu của tác giả, tới dòng chảy của tìm kiếm và, niềm tin sẽ gặp. (Như lời dạy của Chúa, trong Kinh Thánh “..hãy gõ, cửa sẽ mở.”) 
“Tìm cho thấy liễu xanh-xanh lả lơi / Hay đi tìm dòng suối tóc trên vai / Ghi trong khóe mắt u hoài hình bóng ai / Tôi với em một đêm thu êm ái / Người em gái đứng im trong hồi lâu / Tôi ngập ngừng lòng muốn nói đôi câu / Xin cho suối nước non ngàn tìm đến nhau / Như chúng ta đôi đầu  hàn gắn thương yêu…” (
Ở phần điệp khúc, Văn Phụng cho thấy thoáng qua độ gập ghềnh hay tính đành hanh của định mệnh, khi ông nhấn mạnh:“Tôi muốn đưa em qua miền rừng núi xanh / Chúng ta cùng thăm con suối dịu êm / Nhưng thiên nhiên không êm như tóc huyền / Nhưng thu qua không trong như đôi mắt em.”

 Tuy nhiên, không vì thế mà ông cho thấy dấu hiệu buông xuôi, đầu hàng số phận. 
Như diễn biến thông thường của một tình khúc, mà người ta thường thấy nơi nhiều ca khúc khác. 
Trước khi bước tới phần coda của ca khúc, tác giả vẫn tiếp tục cho dòng nhạc của mình chảy tới trong ngời ngợi tin tưởng, vàng mười lạc quan qua ca từ: “Lòng tôi muốn viết lên đôi vần thơ / Hay cung đàn cùng nét bút tranh hoa / Xin em biết nhé cho tình hai chúng ta / Trong ý thơ cung đàn và suối tóc mơ



 Tôi không biết có phải vì tính lạc quan hay ca khúc là một hợp lưu của ba dòng chảy: Suối tóc, âm nhạc và thi ca (hoặc cả hai,) đã làm nên gía trị đặc biệt của sáng tác? Trường hợp nào theo tôi, “Suối tóc” cũng đã vượt khỏi ngưỡng cửa lãng quên của thời gian, để trở thành bất tử. 
Cũng trở thành bất tử, một các khúc khác, được Văn Phụng viết trong giai đoạn “bản lề,” là ca khúc “Yêu.”
 Ở ca khúc này, với những định nghĩa đi ra từ cuộc tình thương đau, kinh nghiệm bản thân,  chứ không phải là những cảm xúc vay mượn hay tưởng tượng, hòa hợp với âm điệu như được chắt ra tâm cảnh riêng, như một nhật ký, ghi lại những xung động tình cảm:
 Từ bước khởi đầu rụt rè, tới khi tình yêu dâng cao hiểu theo nghĩa hồi chuông định mệnh đã gióng giả, cách của nó: “Yêu là lòng bâng khuâng / nhớ hay thương một chiều thu vương / gió êm đưa xào xạc tre thưa / lá rơi rơi, rơi tả tơi / Yêu là tình dâng cao / gió lao xao ngả hàng phi lau / phút ái ân đắm say tâm hồn / nhớ mãi đêm nào bên nhau
…” Để rồi khi định mệnh hiện nguyên hình một cơn bão lốc, ông an ủi người yêu và mình rằng:
 “Thôi yêu dấu mà chi / ngày vui xế bóng đôi lòng chia xa / hồn tàn hơi buốt giá / khi mùa xuân qua úa phai ngàn hoa / Nhớ thương bao nhiêu một người thân yêu / đã đi xa về miền hoang liêu / những trang thư là hành trang theo /cố nhân ơi giận hờn chi nhau…”
 Cách đây hơn nửa thế kỷ, khi viết xuống dòng chữ “những trang thư là hành trang theo” cho ca từ của mình, theo tôi là một so sánh lãng mạn, rất mới mẻ. 
Chỉ có nơi những tài hoa ngoại khổ.
 Tương tự, ca khúc “Tôi đi giữa hoàng  hôn” một ca khúc khác của Văn Phụng, cũng từng làm nên tên tuổi cho nhiều ca sĩ thuộc các thế hệ từ Việt Nam, tới hải ngoại. 
Với những người quan tâm hoặc, có đôi chút chú ý về nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ, sẽ nhận ra tính xác quyết của tác giả, khi ông lập lại ba chữ “Nhớ. Nhớ. Nhớ”…
Điệp ngữ này cho người nghe ý niệm dồn dập, xô nhau, đẩy nỗi nhớ tới cực điểm của một trạng thái tình cảm trong phần điệp khúc:“Dù cho mưa gió, bên mái tranh nghèo  /
 Dù cho nắng, dù cho sương khói mịt mù /
 Niềm thương yêu hằng xin mãi mãi không hề phai
Nhớ, nhớ, nhớ đêm nào, trên bến tìm sao
 Hai đứa nhìn nhau, không nói một câu
Như thầm mơ ước, ước mơ dạt dào /
 Như thầm hẹn nhau mùa sau…” 
 Và, ở câu nhạc kế tiếp, tác giả cũng cho thấy nghệ thuật đảo chữ, một cách hoa mỹ, khi ông hoán đổi vị trí hai chữ “mơ ước / ước mơ” để nâng khao khát “dạt dào” của ông, lên một cấp độ cao hơn…
 (Tưởng cũng nên nói thêm rằng, trò chơi chữ nghĩa vừa kể, chỉ có thể làm được với loại ngôn ngữ đơn âm (monosyllable,) cộng thêm năm dấu đặc biệt của tiếng Việt.) 
Cũng trong giai đoạn “bản lề” của cuộc tình đứt đoạn, chưa tìm lại được nhau, di sản âm nhạc của Văn Phụng, còn để lại cho đời ca khúc “Tiếng dương cầm.”Một nhạc sĩ, bạn thân của tác giả, thời Saigon kể, người nghe đừng quên rằng, khi còn rất trẻ, Văn Phụng đã là một dương cầm thủ hữu hạng.
 Chính “tiếng dương cầm” là môi giới, trung gian hình thành cuộc tình Châu Hà / Văn Phụng.
 Chúng ta cũng có thể ví, “tiếng dương cầm” của Văn Phụng là chiếc nôi để Châu Hà gửi tiếng hát, tình yêu trăm năm của mình vào đấy.
 Vì thế, khi sáng tác “Tiếng dương cầm,” ở một mặt nào khác, với Văn Phụng còn là một sống lại.
Cho cả hai:“Trầm trầm êm êm thánh thót /Nhịp nhàng khoan thai thắm thiết / Nhạc lòng đưa câu luyến tiếc / Người ơi còn nhớ Chopin ngày xưa vì ai dệt nên câu nhạc lâm ly / Cho đời say trong tiếng tơ / Cho tình dâng muôn ý thơ / Dù cõi lòng ai mong chờ /Tiếng dương cầm còn vang thiết tha / Riêng mình ta đây với ta / Chìm đắm trong một giấc mơ…”
không biết câu hỏi “người ơi còn nhớ …” được ném vào không gian tâm tưởng và hồi ức của tài hoa âm nhạc Văn Phụng,  bao lâu sau mới có hồi âm? 
Chỉ biết, theo hai tác giả Lê Quốc Thanh và Lê Minh thì, tại Saigon, khi cả Châu Hà và Văn Phụng có lại tự do, thì, cuộc trùng phùng, đã như một phép lạ.
 Họ đoàn tụ. 
Để tái sinh nhau!Từ đó, thêm nhiều, rất nhiều ca khúc rộn rã tiếng cười hạnh phúc, thánh thót tiếng chuông, khánh tin yêu, mang tên Văn Phụng, liên tiếp ra đời…
Tới đây, tôi muốn kết thúc bài viết ngắn của mình, bằng một phát biểu của nhạc sĩ Nguyễn Túc ở Hoa Thịnh Đốn.
 Khi Nguyễn Túc khẳng định: 
Văn Phụng là một trong những thiên tài âm nhạc của Việt Nam. 
Chúng ta biết ơn Văn Phụng. 
Đã đành. Nhưng, có lẽ, chúng ta cũng không nên quên ghi ơn nữ ca sĩ Châu Hà, nguồn cảm hứng lớn và, cũng là người bạn đời, cuối kiếp của tài hoa âm nhạc ngoại khổ này.
                                                        2011
                                                    Du Tử Lê

                                         @@ tks t/g DTL !!