Trong số mấy người bạn của Hoa có chị Nguyệt là sành chuyện ăn diện son
phấn hơn cả. Hoa là gái mới lớn còn Nguyệt đã già dặn chuyện đời, Hoa
chỉ đáng mặt học trò, em út của chị Nguyệt. Hoa có thể ngồi yên hàng giờ
lắng tai nghe Nguyệt thuyết giảng về nghệ thuật trang điểm, để, theo
chị nói một cách không úp mở rằng:“ Làm bọn đàn ông, con trai chết mê
chết mệt! ” Chị Nguyệt có khoa ăn nói, chị nói chuyện rất hấp dẫn và đề
tài hay hơn cả là việc dùng mùi hương quyến rũ kẻ khác phái, cụ thể là
việc sử dụng nước hoa. Theo chị, phụ nữ không thể thiếu nước hoa. Chị
nói : “ Ngòai nhan sắc ra, còn cần phải thơm tho. Khi ngọn đèn ngủ tắt,
ấy là lúc khứu giác làm việc. Mùi hương góp phần lớn trong hạnh phúc lứa
đôi...” Nguyệt là người chuộng thực tế, chị không tin chuyện sách vở
xưa nói, người đàn bà quí tướng thân thể tự phát ra mùi hương thiên phú. Dù có đi nữa, hạng nữ lưu này cũng chỉ muôn người có một. Nguyệt cũng
không là người lãng mạn, chị nghi ngờ cái gọi là “mùi thơm da thịt trinh
nữ” mà các nhà văn, nhà thơ tô vẽ, bày đặt ra, chuyện hão huyền, không
thực tế. Phụ nữ bình thường ba ngày không tắm là có “vấn đề” ngay ! Ngày
nay khoa học làm được nhiều điều kì diệu, hàng trăm, hàng ngàn mùi
thơm, bắt chước thiên nhiên hay nhân tạo, tại sao không dùng nước hoa ?
Trước
tiên Nguyệt dạy cách chọn, mua và dùng nước hoa, dùng sao cho quyến rũ
và có “cá tính”. Chị ta có khoa sư phạm, nói và làm đi đôi. Chị tới bàn
phấn lấy lọ nước hoa hiệu Chanel N’5, một hiệu nước hoa nổi tiếng và rất
đắt tiền. Nguyệt bắt đầu chỉ cách thử: - Cùng một lọai nước hoa
nhưng mỗi người dùng nó tóat lên một mùi thơm khác ấy, bởi nước hoa còn
phản ứng với da người dùng. Vì thế phải chọn lọai nào thích hợp với da
thịt, nhan sắc, vóc dáng, tuổi tác mình. Nguyệt chấm một giọt lên lưng
bàn tay mình, nói : - Phải đợi vài phút cho chất cồn bay hết và nước hoa kịp phản ứng với da mình, sau đó mới ngửi. Nguyệt đưa lên mũi mình rồi đưa cho Hoa ngửi, nói : - Để hơi xa một tí, phảng phất thôi, đó, nghe chưa? Em ghi nhớ mùi hương ấy đi. Rồi chị cũng làm như thế nhưng lần này với bàn tay Hoa. Xong rồi hỏi : - Em có thấy cùng một lọai mà tay chị và tay em có hai mùi khác nhau không ? Hoa chẳng thấy khác gì cả nhưng cũng nói cho chị ta vui lòng: - Vâng, khác hẳn ! Nguyệt sung sướng: - Đó mới là “ Cá tính “! Nguyệt tiếp: -
Còn một điều này nữa, tối ư quan trọng. Người dùng nước hoa giống bọn
sì ke ma túy, nghĩa là ngày càng phải tăng”đô” việc này ít người biết,
thế nên rất nguy hiểm. Mũi mình quen nhưng người khác đâu quen. Nếu dùng
nhiều đến mức mình nhận ra thì “Chết” cái lỗ mũi thiên hạ ! Nhất là mùa
nắng, trong phòng chật chội, đông người. Bởi thế trước sau phải giữ
nguyên một mức, mùi thơm phải thoang thỏang , “sắc sắc không không” mới
tuyệt ! Chị Nguyệt bày cho cô gái mới lớn cách mở lọ nước hoa để
trong tủ áo quần. Đến khi lấy ra dùng, mỗi bước đi quyến theo làn hương
trong tà áo, thực là “Ấn tượng” ! Nguyệt khoe có lần ra phố, một
người đàn ông đã vượt qua còn quay lại sững sờ cảm phục. Chắc lão ta
nghĩ mình vừa được cái diễm phúc động chạm vào làn hương có thực mà như
hư ảo giữa chốn trần ai đầy bụi bặm này ! Càng nói Nguyệt càng say
sưa. Nhìn cảnh thuyết giảng này người ta dễ liên tưởng đến một vị trưởng
lão, võ công cái thế đang truyền lại bí kiếp cho đệ tử mơi nhập môn.
Nguyệt nằm ngửa trên giường, cổ kê gối, dưới có lót tấm nhựa không thấm
nước, tóc chảy dài gần chấm đất. Dưới là một thau nước đầy, bốc khói,
màu nâu nhạt hương bồ kết, có mấy cái vỏ chanh nổi lềnh bềnh. Con Sáu,
người giúp việc, tay cầm gáo, tay kia luồn trong chân tóc chủ. Nó múc
nước xối nhè nhẹ, cào da đầu cho chủ. Nguyệt nằm yên, mắt lim dim khoan
khóai, nói : - Mở ngăn kéo lấy chai Zest cho cô, chai Sunsilk nhạt lắm. Con Sáu đi lấy dầu gội tóc, Nguyệt nằm lơ mơ nghĩ chuyện huê hụi. Sáu trở lại mở chai dầu, Nguyệt dặn : -
Tay chân làm cá xong phải rửa cho kĩ, dùng xà phòng bột, rửa đi rửa lại
hai ba lần, lấy vỏ chanh bóp ra mà chà. Ngày trước làm gì có nhiều chất
tẩy rửa như bây giờ . Mỗi lần làm cá xong cô phải dùng tro bếp rửa tay,
nhất là cá sông, cá dìa, rửa bao nhiêu nước cũng còn tanh. Mình là dàn
bà con gái phải thơm tho, bọn con trai mới thích. Sáu nghe cô chủ
nói, nó chỉ ừ hử cho qua chuyện. Lúc trưa làm cá xong nó đã rửa tay rồi,
rửa bằng xà phòng cục. Nó chẳng hơi sức đâu rửa kỹ như cô nói, nó còn
trăm công ngàn việc. Cô thì sạch sẽ quá mức, áo quần thay ra giặt ngay,
chăn mền mỗi tuần mỗi giặt, nhà quét ngày ba lần. Được cái cô chủ thân
thích gần gũi với nó. Có nhiều buổi trưa Nguyệt mất ngủ, không biết phải
làm gì, hai cô cháu kéo nhau ra hiên ngồi bắt chí cho nhau. Đầu cô sạch
lắm, da trắng bong không một chút gàu, tóc không một cái trứng chí. Hàng tuần cô đi tiệm uốn tóc, đội cái lồng sấy to tướng nóng hổi trên
đầu cả tiếng đồng hồ, chí làm sao sống nổi ? Cô chưa có một sợi tóc bạc,
nhưng cô lại muốn có bàn tay người khác mân mê da đầu. Tới phiên cô bắt
chí cho con Sáu. Buổi chiều, ngòai hiên, gần cây khế ngọt, gió hiu hiu,
hoa khế màu tím li ti rụng tơi bời. Sáu buồn ngủ lắm, nó chỉ muốn chui
tọt vô bếp đánh một giấc. Nó phải ngồi yên, cúi đầu xỏa tóc cho cô bắt
chí. Nó mơ màng nghe cô chủ dạy : - Phải siêng gội đầu. Tóc mầy chua
quá. Lấy chùm kết cô mua hồi tết nấu lên mà gội. Mùa hè ba ngày không
gội, ai chịu nổi ? Đàn ông họ thích hôn hít mái tóc mình. Bọn nhà thơ
gọi lá suối tóc, làn mây…Tóc mày như thế này, thằng nào dám động vào ? Sáu
ừ hử cho qua chuyện, Đến khi cô vào nhà, nó đứng lên, cổ mỏi nhừ. Nó vô
nhà bếp ngủ một giấc, đến bốn giờ chiều cô thức nó dậy mua bún sứa chả
tôm. Có đêm thầy đi đánh bạc khuya không về, cô sợ ma bảo con Sáu lên
nằm chung. Nằm được một lúc Sáu nghe tiếng đồng hồ đỗ mười hai tiếng,
Sáu làm lụng cả ngày mệt lắm, ngã lưng xuống là ngáy. Cô lay nó dậy, nói
: - Làm con gái phải cho “sảy” ngủ. Người khác động đến chân giường
thì biết. Ngủ say như mầy chúng nó tới “mò” cũng không hay. Với lại tao
nghe người mầy đầy mùi hành tiêu ớt tỏi. Phải siêng tắm rửa để cái mùi
nước mắm hành tỏi dao thớt bay đi . Hôi hám như thế này thằng nào dám
xáp lại gần? Lỡ ôm mầy hít phải cái “mùi nhà bếp” chúng nó chạy xa. Tao
có lọ nước hoa cũ, tắm rửa sạch sẽ, tao cho. Sáu không dám đụng đến
nước hoa. Có lần nó về thăm quê, cô cho mượn cái áo cánh màu hoa cà, áo
để mấy năm trong tủ không động đến vẫn ngát thơm. Mấy bà già dưới quê
nói :“ Mới lên thành phố mấy tháng đã học cái thỏi đĩ thõa !” Nguyệt
không con, trong nhà có kẻ ăn người làm nên rỗi nhiều lắm. Chồng Nguyệt
cũng ít có bạn bè tới lui thăm viếng. Chị ở nhà lay hoay mấy việc gội
đầu, tắm rửa, làm móng tay, uốn tóc, son phấn, ra vào.Nguyệt nghĩ ra cho
mình nhiều trò chơi, trong đó có trò trang điểm cô dâu. Nguyệt kêu con
Sáu lên, bắt nó ngồi trước bàn phấn, trang điểm cho nó. Hôm nay chị biến
nó thành cô dâu. Sáu mắc cỡ không dám nhìn bóng mình trong gương. Đang
lúc đó chồng Nguyệt đi làm về. Nguyệt giữ chồng lại , hỏi : - Trông có đẹp không ? - đẹp lắm - Em mở tiệm uốn tóc trang điểm cô dâu được không ? - Được ! Chồng Ngụyệt tính bỏ đi, Nguyệt giữ lại, nói : - Đứng lại đã, mới trang điểm làm tóc chớ chưa mặc xoa-rê. Rồi
Nguyệt tự nhiên cởi áo con Sáu ra, bên trong thấy cái nịt vú màu hồng
nho nhỏ Nguyệt cho nó. Con Sáu mới dậy vú, mà ngực đã to, cái nịt vú của
cô thì nhỏ không ôm trọn bộ ngực đứa con gái nhà quê. Sáu xấu hổ lắm
cựa quậy. Nguyệt gắt :“ Ngồi yên ! rục rịch cái gì ?” Khi Nguyệt đứng
lên mở tủ lấy áo thì con Sáu còn lúng túng hơn, nó thấy thầy đứng sau
lưng nhìn chầm chầm hình nó trong gương. Về sau Nguyệt mới biết trò chơi của mình là vô cùng tai hại. Có lần nửa
khuya Nguyệt khát nước thức dậy, không thấy anh chồng nằm cạnh. Nguyệt
kêu con Sáu rót nước, nó không lên. Nguyệt xuống bếp mở đèn, không thấy
con Sáu nằm trên giường. Nhưng dưới chân giường còn lại hai đôi dép. Của
con Sáu và của chồng .Nguyệt lên nhà cố dỗ giấc ngủ nhưng không làm sao
ngủ lại được. Nguyệt không ghen tuông gì cả, cô chỉ tức bọn đàn ông,
thực là một lũ ngốc. Bao nhiêu hiệu nước hoa thơm lừng không ưa, lại
chui xuống bếp hít cái mùi nước mắm hành, tỏi, ớt, tiêu, gọi chung là
“mùi nhà bếp”. Sau cùng nàng tự nhủ:” Mặc kệ cái lũ ngốc ! Hơi đâu mà
tức …” Nhờ nghĩ thế nàng ngủ lại được. Ngủ một giấc ngon lành !
Sao anh phải đi ?
Anh cần khoảng lặng !
...
Em ...chúc anh bình yên ! Im lặng mãi để chỉ đến khi Phan vào cổng phi
trường chuẩn bị cho hành trình chuyến bay dài 12 tiếng, Giang mới hỏi
được một câu duy nhất đó, hỏi chỉ để có hỏi, để khoảng lặng giữa hai
người tan ra, vì hơn ai hết Giang hiểu chuyến đi của anh là cuộc chạy
trốn, chạy trốn mối tình đầu, chạy trốn lễ cưới ngày mai của Vân. Đứng
giữa cầu trời nhìn chiếc máy bay cất cao đôi cánh, một đường mây trắng
xóa rẽ dài như lối anh đi. Anh đi tìm khoảng lặng cho anh, Giang cũng đi
tìm khoảng bình yên cho mình.
Đón anh ở phi trường, Anh vẫn thế không khác gì
nhiều so với trước kia, vẫn dáng vóc lãng tử, phong trần, vẫn nụ cười
làm chao đảo giấc mơ của biết bao cô gái từ thời còn sinh viên trong đó
có cái tên dễ thương "Trà Giang". Duy chỉ ánh mắt anh vẫn sâu lắng nhưng
nghiền đời và phản phất nét buồn hơn xưa.
Xe đỗ trước quán cà phê bên cạnh bờ hồ quen thuộc. Mùa thu, những chiếc
lá vàng rực bên kia bìa rừng làm cho khung cảnh càng thêm thơ mộng, cơn
gió chiều se lạnh mơn man trên mái tóc dài che nghiêng nửa gương mặt của
Giang, hít thật sâu cái không khí thân quen mà lâu rồi Giang không có
dịp ghé lại, từ khi nào Giang cũng không còn nhớ, có lẽ từ khi Vân lấy
chồng, từ khi anh đi !
Anh vẫn là Phan của ngày nào, vẫn ga lăng và tế nhị, anh kéo ghế về phía
Giang và kêu hai ly cà phê, một cho anh, một cho Giang. Anh hiểu Giang
như Giang hiểu chính mình, anh hiểu sở thích, tính tình, cách sống và
thói quen sinh hoạt của Giang đến có lúc Giang phải sợ, sợ anh đọc được
cả cái ý nghĩ sâu thẳm trong trái tim mình.
Này, sao Giang chưa lấy chồng ?. Anh phá tan khoảng lặng, giọng anh
cười giòn tan , đánh thức những con sóng lăn tăn gợn dưới mặt hồ .
Nhấp ngụm cà phê, Giang cười:
Em cần khoảng bình yên !
Vân ... bây giờ ra sao ?. Giọng anh dứt khoát và
bình thản đến lạ lùng, ánh mắt anh nhìn sâu vào mắt Giang, không còn
những tia nhìn như chạy trốn nữa. Giang xoay ly cà phê lành lạnh giữa
hai bàn tay, nghiêng đầu trả lời anh giọng đầy nghịch ngợm:
Xem ra anh chưa thật tìm được khoảng lặng cho mình.
Phải khi đi rồi anh mới nhận ra mình không cần nhiều khoảng lặng đến thế.
Không cần nhiều mà cũng phải mất những năm năm, nếu ...
Giang bỏ lửng câu nói, ánh mắt anh lại xoáy sâu vào mắt Giang.
Thật ra năm năm để làm nhiều thứ.
Ví dụ như ...?
Chuẩn bị cho tương lai, và sẵn sàng cho một gia đình.
Giang cúi xuống thật nhanh, vị cà phê tan ra đắng tê đầu lưỡi, vị đắng
vẹn nguyên như ngày đầu khi Giang lẳng lặng buông tay cho tình yêu anh
và Vân chắp cánh. Những đám lá vàng bên kia bìa rừng không còn cảm giác
dịu dàng nữa mà kéo lòng Giang lắng lại, mùa thu trong mắt Giang trở về
vẹn nguyên với mùa của u buồn và ủy mị, tiếng sóng rì rào như tiếng tức
tưởi của lòng Giang, Giang muôn đời là Giang khép kín, Giang không khéo
gìn giữ gì, chỉ khéo giữ thật kín tâm sự của lòng mình. Năm năm Giang
tìm khoảng bình yên cho mình, nhưng khoảng bình yên lặng ngắn ấy lại sắp
xa Giang, và ngày mai khi anh đi Giang lại sẽ tìm cho mình những khoảng
bình yên nối tiếp.
Buổi tối xuống dần, hai chiếc bóng bước chồng lên nhau, chùm đèn trên
cao như bông hoa sáu nhánh rọi xuống mặt đường, sáng trên gương mặt
không xinh như hoa khôi nhưng có duyên với cái miệng xinh xinh lúc nào
cũng nở nụ cười thật tươi và hồn nhiên, hồn nhiên để trong mắt anh lúc
nào Giang cũng là cô bé vô tư, không âu lo phiền muộn. Nếu đã vậy thì
tại sao phải khác, cứ đóng trọn vai trò của cô bé ngây thơ ấy mãi đi,
Giang tự nhủ .
Đưa anh về trước cửa nhà, Giang xòe tay đùa:
Đi xa về, quà em đâu ?
Không phải nhắc, sẽ có phần cô nhỏ.
Mở vali, anh chìa giỏ quà trước mặt Giang:
Quà đi xa, quà cảm ơn cô bạn thân lúc nào cũng bên anh những lúc anh cần chia sẻ.
Cảm động ... đậy quá đi mất !
Có món quà cảm động hơn đấy, tấm thiệp cưới anh để cùng trong giỏ, em là người đầu tiên anh gửi thiệp mời, cảm động chưa ?.
Cái vẫy tay anh khuất sau cánh cửa, con đường về dài ra thăm thẳm. Ngồi bó gối nhìn về phía cửa sổ, ngoài kia, đêm
phủ kín bằng màu đen dày đặc. Nếu bây giờ khóc được lòng Giang có lẽ sẽ
nhẹ nhàng hơn. Nhìn giỏ quà xinh xắn, anh mua gì cho Giang ? Giang tò mò
và rất nao nức muốn mở ra xem, nhưng khựng lại khi nhớ trong đó có món
quà Giang không muốn nhận, nhưng cuối cùng tay Giang cũng chạm vào một
vật mềm mại, chiếc khăn len màu tím lục bình, màu hoa Giang thương nhất,
hoa nở trên những giòng sông quê Giang. Và bất chợt như một sự thôi
thúc, Giang ngập ngừng cầm tấm thiệp trên tay, cái màu đỏ "hạnh phúc"
hay màu đỏ ứa từ "nỗi đau" Giang mà mắt Giang nhòa đi, một lúc Giang đặt
về chỗ cũ. Giang không đọc, chiếc khăn len nằm ngoan trên tay Giang,
theo Giang vào giấc ngủ.
Một ngày, hai ngày trôi qua bình lặng, bình lặng xung quanh nhưng trong
lòng đầy sóng. Ngày thứ ba, đêm xuống thật nhanh, Giang lại lặng lẽ ngồi
nhìn khoảng tối, nhìn màu đỏ xoáy vào tim như những đêm trước, chợt
chiếc phone đàn lên giai điệu nhẹ nhàng, đầu dây bên kia là anh, giọng
trầm ấm quen thuộc :
Sáng mai anh đi, Giang đưa anh ra phi trường nhen.
Sao anh lại đi ?
Anh cần khoảng lặng ..... Giọng anh vẫn thản nhiên như lần đi trước, nhưng
giọng Giang bất ngờ, vì câu hỏi lần này cần câu trả lời chứ không phải
hỏi cho có hỏi như lần trước anh đi. Anh cần khoảng lặng ? Ừ, khoảng
lặng !Giang tự hỏi và rồi tự trả lời mình, khoảng lặng của anh bây giờ
có lẽ khác xưa, vì khoảng lặng của anh bây giờ là lặng đôi, lặng của
hạnh phúc, của một mái gia đình, ngày mai đưa anh ra sân bay, Giang sẽ
nói tiếp câu thứ ba cho thật khớp và giống như đối thoại lần tiễn anh đi
trước, dù lần đi này anh đi tìm khoảng lặng khác hơn. Vâng, ngày mai
Giang sẽ lại chúc anh đi bình yên.
Tấm thiệp đỏ còn nằm trong giỏ hôm qua, nay đã được Giang đặt trên bàn,
nó nhìn Giang như mời gọi, cái màu đỏ ấy cám dỗ và quyến dụ Giang như
ánh mắt anh đã cuốn Giang vào ngã rẽ của đời anh. Hít một hơi thật sâu
Giang mở tấm phong bì, cánh thiệp rất xinh chạm hình cô dâu chú rể với ô
lộng võng điều. Lại phải hít một hơi thật sâu nữa Giang mới mở cánh
thiệp và lướt mắt thật nhanh để rồi như dán đinh vào tên chú rể "Lê
Phan" sánh duyên cùng cô dâu "Vũ Thị Trà Giang". Lặng, lặng rất lâu chỉ
đến khi chiếc nơ hồng đính trên cánh thiệp rũ xuống, chiếc nhẫn treo
tòng teng, đong đưa như nhịp tim Giang đánh từng nhịp thật nhẹ, nhẹ đến
gần như yếu đuối, vì Giang không dám thở mạnh sợ một cái động nhỏ sẽ làm
tan đi những gì hiện hữu trước mắt Giang.
Mảnh giấy vuông vuông màu hồng còn nấp mình sau cánh thiệp. Những dòng chữ lướt qua mắt Giang đọng những giọt sương lung linh.
Trà Giang,
Cảm ơn em, người em gái nhỏ, người bạn thân đã đồng hành cùng anh suốt
quãng đường buồn vui của cuộc sống. Em luôn là dòng sông xanh dịu mát vỗ
về anh những lúc anh cần nơi ngồi lại soi mình. Em hiện hữu trong cuộc
sống anh như một nửa cần thiết mà khi đi xa rồi anh mới cảm nhận thì ra
mình không phải cần khoảng lặng, mà cần khoảng bình yên của em.
Em biết địa chỉ email đó chỉ là một địa chỉ tạm trong vô vàn những email
anh đã tạo, nhưng năm năm đều đặn mỗi ngày một dòng email em đã gửi vào
hộp thư đó với không một lần hồi âm từ anh, nhưng em vẫn gửi, ngay từ
cái mail đầu tiên em đã viết, "Một điều nhỏ nhoi em có thể làm cho anh
lúc này là những lời động viên rất xa xôi, nhưng anh hãy vượt qua nỗi
buồn bé nhỏ ấy để thấy chung quanh còn nhiều điều thật đẹp. Có thể anh
không vào email này, nhưng đây là cái duy nhất em có, hi vọng anh có thể
cảm ra và vào trò chuyện cùng em, Trà Giang". Để rồi đến cái mail thứ
100, 200 ... em vẫn không nhận được một lời hồi âm, và em vẫn viết.
Em biết không, chỉ khi hộp thư được báo đầy anh mới nhớ mình có một địa
chỉ email ở đó, và vô cùng bất ngờ khi đọc những dòng em viết, để mỗi
ngày việc đầu tiên cuả anh là mở máy vào check mail của em, những dòng
email của em là niềm vui trong cuộc sống hằng ngày của anh, đôi khi chỉ
một câu chào buổi sáng, một bài nhạc chúc ngủ ngon, một câu thơ em thích
hay một bài thơ em tự viết anh đều thấy ấm áp và bình yên như có em bên
cạnh, như có em luôn đồng hành cùng anh trong cuộc sống, trong từng
niềm vui và nỗi buồn. Trà Giang, cái tên đã mang anh về với cuộc sống
bình yên, hãy cho anh tìm thấy mình trong khoảng bình yên hiền hoà của
em Trà Giang nhé!
Chiếc nhẫn là anh, anh hy vọng mình có thể ở bên em như chiếc nhẫn nằm
ngoan trên ngón tay em ! Đừng hành hạ anh trong niềm hy vọng và chờ đợi
lâu quá nhé Giang, 3 ngày đủ giết anh mòn mỏi đấy. Anh mong tin em !
Yêu em!
Phan, P.S Sẽ không có gì để em phải cảm thấy áy náy,
hãy quyết định thật đúng với lý lẽ của trái tim mình, anh tôn trọng em
tất cả, bên anh luôn còn những khoảng lặng đồng hành. Thương !
Buông mảnh giấy, Giang như kẻ mộng du vừa tỉnh giấc, là thật phải không ? Tất cả là thật phải không ? Gom góm lại tất cả Giang sắp sếp những "món
quà" của anh trước mặt mình. Như chợt nhớ Giang giật mình nhẫm tính,
hôm nay ngày thứ ... 3. Chiếc phone như hiểu lòng dạ rối bời của cô chủ,
thoáng thấy trên bàn đó nhưng chỉ trong tích tắc đã nằm gọn trong tay
Giang. Dứt tiếng reo thứ hai, bên kia Phan, vẫn cái giọng trầm ấm pha
chút buồn:
Sao Giang chưa ngủ ? 2 giờ rồi.
Em gọi để báo với anh ngày mai em không rảnh đưa anh ra phi trường .
..Ừ ...cũng ... không sao, anh nhờ mấy đứa bạn.
Nhưng ngày mai anh cũng không cần phải đi xa.
...? Mười lăm phút trước đây ..em đọc được tấm thiệp cưới có tên "chú rể Lê
Phan sánh duyên cùng cô dâu "Vũ Thị Trà Giang". Em muốn mời anh ở lại ăn
cưới ...rồi chúng mình cùng đi.
...!!! Lặng im, giữa họ còn lại một khoảng lặng im, đêm lặng im, thanh âm lặng im, lặng im đến nghe từng sợi bình yên kết thành một
màn dày hạnh phúc.