Trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2012

CHIỀU CHÚA NHẬT


 Tôi không biết cái ngày cuối tuần này goi là gì, Chúa Nhật hay Chủ Nhật, hay là cả hai chữ đều đúng. Tôi thì từ khuya đến giờ vẫn quen gọi ngày này là Chúa Nhật hàm ý ngày này là ngày của Chúa Giê Su mặc dù tôi không phải là con chiên của Chúa vì không phải tôi không có đức tin mà vì tôi lười biếng, không muốn đi xem lễ ngày cuối tuần.Tôi ngại nhất là đang ngồi lại lật dật đứng dậy, rồi đang đứng lại phải vội vã quỳ xuống. 
Thật là rắc rối cuộc đời!Thú thật cho đến nay, sau bao nhiêu năm học trường của các linh mục Thừa Sai mà dân Việt Nam ta thường có thói quen gọi là “Trường Đạo”, tôi vẫn không biết lúc nào thì được ngồi, khi nào thì phải đứng và khi mô thì phải quỳ.
 Năm thì mười hoạ, vì lễ nghi bắt buộc, tôi vào nhà thờ dự các thánh lễ mà cứ nơm nớp nhìn các tín đồ của Thiên Chúa để ngồi, đứng và quỳ theo họ cho đúng nghi thức.Tôi cũng gần như chẳng bao giờ đi Chùa dù các thiện nam, tín nữ Phật Giáo không bắt buộc phải đi Chùa ngày cuối tuần hay ngày Rằm, Mùng Một.
 Chẳc các độc giả của tôi tưởng tôi là kẻ vô thần. Không, tôi tin Chúa Giê Su và tôn kính Mẹ Maria vì tôi thuộc lòng kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng.
    Thời gian tôi ở trại tỵ nạn Galang bên Nam Dương, đêm nào tôi cũng đứng trước tượng Đức Mẹ trước sân nhà thờ đảo Galang   để đọc kính Kính Mừng, cầu xin Đức Mẹ cho gia đình tôi nhanh chóng được định cư nơi xứ Cờ Hoa.Tôi cũng thờ Phật trong lòng, (Phật tại tâm!) vì tôi thuộc bài chú Lăng Nghiêm và hằng ngày vẫn trì tụng bài chú này.
Tôi lằng nhằng tự giới thiệu “đạo đức” của tôi để nói về ngày Chúa Nhật hay chính xác hơn là chiều Chúa Nhật.
 Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng đã viết một ca khúc mang tên: “Chiều Chủ Nhật buồn” trong lời ca có câu: “Chiều Chủ nhật buồn, nằm trong căn gác đìu hiu…” Không biết tôi trích dẫn có đúng không.
 Mà đúng hay sai thì cũng không thành vấn đề vì tôi có viết ngâm cứu hay khảo cứu về nhạc Trịnh Công Sơn đâu mà phải thận trọng từng chi tiết.
Với lại Trịnh Công Sơn cũng đã có thời gian học cùng trường cùng lớp với tôi, dù là một thời gian rất ngắn thì tôi có trích dẫn sai lời nhạc của anh ta, tôi nghĩ cũng không thể bị “hắn ta” trách móc gì thằng bạn đã thích nhạc của hắn mà không nhớ rõ lời.

 Chẳng phải tôi “thấy sang bắt quàng làm họ” vì chính thực là tôi có biết Trịnh Công Sơn dù không thân thiết gì vì Sơn nổi tiéng như cồn mà tôi thì chẳng ai biết mặt nghe tên.Trịnh Công Sơn không phiền trách gì tôi nếu tôi trích dẫn sai lời ca của Sơn vì Sơn nay đã là người thiên cổ. Nhưng đã có lần Trịnh Công Sơn trách tôi vì đã không “tranh đấu” cho ông em rể của Sơn cùng dạy một trường với tôi tại Huế. 
Ông này được dân Thần Kinh biết tiếng là thiên Cộng. Một hôm ông ta không đến trường và được xem như là mất tích vì chẳng ai biết tin gì về ông ta. Nhà trường nghĩ là ông ta đã đi vào “bưng”.
 Một số người trong đó có Trịnh Công Sơn nghĩ là ông giáo sư N.K. này đã bị công an cảnh sát VNCH thủ tiêu. 
Cho đến nay vẫn chưa thấy tài liệu khả tín nào nói về sự mất tích của N.K!
 Lúc bấy giờ, tình cờ tôi gặp Trịnh Công Sơn đang ngồi xem Tennis tại Câu Lạc Bộ Thể Thao Huế.Tôi còn nhớ rõ Sơn đã nói đại khái: Tụi mầy hèn! Một thằng bạn đồng nghiệp mất tích mà không hề lên tiếng “tranh đấu“để tìm ra sự thật.Tôi mĩm cười bảo thẳng với Sơn:
 Mầy nổi tiếng khắp nước, mầy có một hậu thuẫn văn nghệ sĩ, sao mày không tranh đấu bảo vệ N.K. vừa là một văn nghệ sĩ vừa là em rể của mày. 
Tau chỉ là một công chức quèn, tau làm được gì trong trường hợp này nếu không muốn bị buộc tội thân Cộng như N.K. để rồi mang thân tù tội một cách oan ức vì tau không thân Cộng. 
Từ lần đó nói chuyện với Trịnh Công Sơn tôi không còn gặp lại anh ta cho đến lúc anh ta được nhà cầm quyền ỏ Saigon tổ chức đám tang thật trang trọng, nổi đình, nổi đám.Vừa rồi tôi lại nghe tin  tên Trịnh Công Sơn đặt cho một tên đường ở Huế vùng Gia Hội. Không hiểu nổi!
  Tôi không đồng chính kiến với Trịnh Công Sơn nhưng tôi có một nỗi buồn giống Sơn về ngày Chúa Nhật. Cùng một nỗi buồn nhưng tính chất không giống nhau, nguyên do hoàn toàn khác biệt. 
Trịnh Công Sơn buồn vì cô đơn, nằm trong căn gác đìu hiu, buồn vì thân phận hữu hạn của con người, buồn vì con người sinh ra đã bị chi phối bởi sinh, lão, bệnh, tử. 
Sơn buồn vì thể xác không tráng kiện, “ngón tay gầy guộc nhỏ”, ngày tháng “xanh xao” nên bù lại đầu óc Sơn phong phú lời thơ, tiếng nhạc. Đấy là nỗi buồn lãng mạn, nỗi buồn thường khi vô duyên cớ, nỗi buồn mà văn nghệ sĩ thuộc trường phái lãng mạn thường vương mang, “tôi buồn không biết vì sao tôi buồn” hay nỗi nhớ dịu êm, bỗng dưng mà nhớ mà thương không đối tượng nên: “Tôi gọi tên tôi cho đở nhớ.”vv ...
Riêng tôi, con người trần tục, không thanh cao, không “nghệ sĩ”, không làm dáng trí thức, nên nỗi buồn của tôi vào những buổi chiều Chúa Nhật rất tầm thường: Ngày xa xưa , tôi là học sinh nội trú “trường đạo”.
 Suốt tuần, từ thứ Hai đến chiều thứ Bảy tôi cùng bạn bè vui đùa, ăn, ngủ, học hành trong một kỷ luật khắt khe.
 Đúng giò chơi mới được ra sân chơi đùa với bạn bè, mỗi học sinh nội trú phải biết chơi ít nhất một môn môn thể thao.Nếu vào giờ chơi mà cứ tà tà đi loanh quanh trong sân trường là “có chuyện ngay với giám thị. 
Đến giờ ăn mới được vào phòng ăn. “Nhà bàn” của trường cho ăn món nào thì dù nuốt không trôi cũng phải nhai, phải nuốt. Chưa muốn ngủ nhưng đến giờ ngủ thì cũng phải lên giường dỗ dành giấc ngủ: một con cừu, hai con cừu, ba con cừu… đếm miết cho đến lúc nào mệt thiếp rồi đi vào giấc ngủ. 
Đến giờ vào phòng học là phải vào ngồi học bài hay làm bài (mà ngày nay gọi là homework) dù bài vở đã thuộc lòng như cháo, homework thì đã làm xong đâu vào đấy hẳn hoi.Thế có bực mình không cơ chứ?
 Không có giờ học nào buồn nãn bằng giờ học chiều Chúa Nhật! Học sinh nội trú chúng tôi chỉ được phép về thăm gia đình ngày Chúa Nhật. 
Các học sinh ở ngoại tỉnh muốn ra khỏi trường ngày Chúa Nhật bắt buộc phải có một người bảo lảnh đã ghi danh trong hồ sơ của học sinh mà nhà trường gọi là “Correspondant”.
  Người bảo lãnh này phải ký vào giấy ra trường chứng nhận rằng học sinh mình bảo trợ đã có đến nhà của mình trong ngày Chúa Nhật
. Chỉ là một vấn đề hình thức vì học sinh chỉ cần tạt ngang nhà người “correspondant” nói dăm ba câu để xin chữ ký về trình lại với nhà trường, sau đó thì tha hồ la cà bất cứ nơi đâu. 
Ngày Chúa Nhật, do đó là một ngày thần tiên đối với lũ học sinh nội trú chúng tôi. Về thăm gia đình được Mẹ cho ăn những món ăn khoái khẩu, được cưng chiều, han hỏi công việc học hành trong tuần vừa qua.
 Nếu lại mang về trình cha mẹ một học bạ được lời phê tốt của các giáo sư thì tha hồ mà vòi vĩnh tiền thưởng hay quà cáp. Còn gì vui thú, hạnh phúc bằng một ngày nô đùa tự do, quên bài vở, phấn trắng, bảng đen, quên kỷ luật khắt khe của nhà trường, không có đôi mắt “xoi mói” nghiêm khắc của thầy giám thị trong nội trú! 


Và vì thế mà chiều Chúa Nhật, lục tục kéo nhau về lại trường để sống trong khuôn khổ, kỷ luật, thật không có gì buồn chán bằng! Việc trước tiên là phải vào phòng học để chuẩn bị bài vở cho ngày thứ Hai, bắt đầu một tuần mới, chăm chỉ học hành để khỏi phụ lòng Cha Mẹ đã gửi gắm vào trường nội trú.Ngồi trong phòng học mà tâm trí chỉ nghĩ đến ngày vừa qua đã sống thoải mái trong tình thương yêu của Cha, Mẹ, anh chị em. Thương nhớ đầy vơi!
Tiếp sau buổi học buồn chán là thánh lễ cuối tuần.
 Trong không khí trang nghiêm, trong bóng tối âm u của giáo đường đêm Chúa Nhật, giọng nói trầm trầm của vị linh mục rao giảng lời Chúa đã làm tăng thêm nỗi buồn trong tôi, một nỗi buồn vô duyên cớ có đôi chút hơi hướm lãng mạn.
 Tôi nhớ là chiều Chúa Nhật nào tôi cũng lòng buồn rười rượi, nước mắt chỉ chực tuôn rơi.Nỗi buồn này đến với tôi suốt những tháng năm ở trường nội trú.
 Không biết vì tôi đa cảm, đa sầu hay vì tôi lười biếng học hành hay tại tính tình tôi phóng khoáng, ưa thích tự do bay nhảy theo ý muốn chứ không muốn phải khép mình trong vòng kỷ luật.
Chiều Chúa Nhật đối với tôi là một nỗi buồn triền miên, một “bất hạnh” khó thể nguôi ngoai. Và do đó mà tôi chỉ ở nội trú một vài năm rồi năn nỉ 
Mẹ tôi cho ra khỏi nội trú với lời hứa chắc như đinh đóng cột rằng tuy là học sinh ngoại trú nhưng hàng tháng tôi sẽ mang về “thành tích biểu” với thứ hạng cao trong lớp. .Sau này lúc rời khỏi ghế nhà trường, lao vào trường đời, tôi những tưởng tôi sẽ không còn chịu đựng nỗi buồn chiều Chúa Nhật. Nhưng tính nào vẫn tật nấy, nỗi buồn chiều Chúa Nhật vẫn bám riết tôi.
 Một phần vì đây là một thói quen đã bám rễ trong tôi và một phần khác, tôi phải thú nhận rằng do sự lười biếng của tôi. 
Sau 5 ngày làm việc hay nói một cách bi quan là đi cày để sinh nhai, hai ngày cuối tuần là hai ngày thần tiên để tôi sống thoải mái theo sở thích, không câu thúc, không ràng buộc, sống tự do, tự tại cho riêng mình.

 Tôi vui nhất là ngày thứ Bảy vì ngày Chúa Nhật thực sự bắt đầu từ ngày thứ Bảy và thứ Bảy thì còn cách ngày thứ Hai đầu tuần một ngày Chúa Nhật chứ không như Chúa Nhật là sát nách với ngày thứ Hai, bắt đầu cho 5 ngày cày để kiếm cơm.
 Ôi, hạnh phúc thay ngày thứ Sáu được lãnh lương, ngày thứ Bảy được vui chơi, nghỉ ngơi “thảnh thơi thơ túi rượu bầu” và buồn thay chiều Chúa Nhật chấm dứt những cuộc vui!
 May mắn thay, nỗi buồn chiều Chúa Nhật đã không còn đeo dính theo tôi kể từ lúc tôi quyết định về hưu non.

 Tôi sung sướng, tôi vui vẻ, tôi hạnh phúc một cách ích kỷ khi nhìn “bà chủ nhà tôi”, nhìn các người trẻ hơn tôi đang băn khoăn chuẩn bị cho ngày thứ Hai trong tuần.
 Đôi lúc tôi cười thầm khi nhớ đến một thằng bạn của tôi đã kết thúc bài luận văn bậc tiểu học tả cảnh trời mưa bằng lời tự thú đại khái là: 
“Tôi cảm thấy hạnh phúc khi đứng trong nhà nhìn những người đang dầm mưa, ướt át, lạnh lẽo”
Câu kết luận này đã bị thầy giáo phê: Ích kỷ!
Vâng, tôi ích kỷ thật vì không còn Chiều Chúa Nhật vương mang nỗi buồn!

                                    Hoàng Đức

                        @@ Ah, beautiful sunday ,lalalala!

Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2012

Người Đẹp Và Suối Tóc



Một thương tóc xõa đuôi gà
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên
Ba thương má lúm đồng tiền
Bốn thương đôi mắt như sao hiền mùa thu…

Chúng ta đều biết Đông và Tây ít khi gặp nhau và người Việt mình khác dân Tây phương về nhiều lĩnh vực. Chuyện ấy lý luận cả tháng chắc cũng không hết.

 Trong mục tạp ghi hôm nay, người viết chỉ dám đề cập đến cái rất riêng trong những cái chung của hai thế giới. Cái chung là Đông Tây gì thì cũng yêu cái đẹp và thích ca tụng vẻ đẹp.
 Cái riêng là cách tán tụng vẻ đẹp. Nói cho "huy hoàng" vào ngày cuối năm thì sự dị biệt của người mình và người ngoại quốc chính là "mỹ quan".
 Bảo rằng huy hoàng để cho vui thôi chứ người ta có nhiều cách so sánh chuyện riêng và chung của hai nếp văn hoá, trong khi Quỳnh Giao chỉ dám thu hẹp vào một lĩnh vực nhỏ xíu... bằng sợi tóc.


 Đó là những khúc tình ca viết về mỹ nhân với suối tóc. Ngẫm lại thì nhạc ngoại quốc có lời từ ca tụng nhiều nhất là đôi mắt, ngay sau đó tới… thân hình. 
Còn các nhà thơ và giới sáng tác của chúng ta chỉ cần mê đôi mắt và.. tụng mái tóc thì "cũng đủ lãng quên đời". Hèn chi mà Đinh Hùng viết "một sợi tóc đủ làm nên mê hoặc...."
 Vì vậy, xin nói về mái tóc trong các nhạc khúc xa xưa.Từ thuở phôi thai của nền tân nhạc, 
Thẩm Oánh có bài “Suối Huyền” nhịp Slow, viết theo giai điệu Hạ Uy Di, nghe lả lướt óng chuốt, tiếc là đã lâu không còn ai hát lại nữa. 
Người viết thì còn nhớ hình bìa in ảnh cô Tâm Vấn với mái tóc dài, dợn sóng và khóe mắt hồ thu. Cũng theo lời thân mẫu kể lại thì ông viết để tặng mái tóc nổi tiếng ấy.

Suối huyền, lả buông làn tóc
Thướt tha, óng chuốt uốn lưng ong…

Nhớ lại thì cả Thẩm Oánh và Văn Phụng đều cùng thấy mái tóc óng mượt chảy xuôi như môt dòng suối.

Khi kết duyên cùng Châu Hà, nhạc sĩ Văn Phụng viết bài “Suối Tóc”, với lời của Thy Vân. Ca khúc có nét tân kỳ quý phái với điệu Boston dìu dặt như nhịp bước của đôi tình nhân.
 Không biết tác giả có lời yêu cầu với ông Thy Vân không, mà lời ca thì rõ là để tả mái tóc thời ấy của cô Châu Hà. Buông dài đến tận lưng, mầu nâu nhạt óng ả.
 Cho đến nay, ca khúc này vẫn còn được hát, đơn ca hay song ca, tam ca đều hay.
 Và dĩ nhiên người hát bài này tình tứ nhất là Châu Hà. Chứ còn ai nữa!.. Tìm cho thấy liễu xanh xanh lả lơi
Hay đi tìm dòng suối tóc trên vai…

 Cũng có khi ca dao được dùng làm tựa đề như bài “Tóc Mai Sợi Vắn Sợi Dài” của Phạm Duy một thời được những người con trong gia đình là ban Dreamers hát hằng đêm tại phòng trà Ritz.
 Như các tình ca khác của Phạm Duy, đến nay bài này vẫn thịnh hành. Cách hay nhất là song ca nam nữ. Thuở ấy em vừa thôi kẹp tóc
Thuở ấy anh vừa thôi học xong
Yêu anh yêu anh em làm thơ
Yêu em yêu em anh soạn nhạc…

Nhạc sĩ Nguyển Hiền có nét nhạc bay bướm mềm mại và viết bài “Mái Tóc Dạ Hương” phổ thơ Đinh Hùng rất đạt. Nhịp Boston êm đềm và cung Trưởng trong sáng làm cho ca khúc dễ hát dễ nghe.

 Ngày xưa Thanh Lan hát bài này trong cassette của Phạm Mạnh Cương rất dễ thương.

Từ giã hoàng hôn trong mắt em
Tôi đi tìm những phố không đèn
Gió mùa thu sớm bao dư vị
Của chút ân tình hương tóc quen…

Cũng trong băng nhạc Phạm Mạnh Cương, Thanh Lan có hát bài “ Tóc Em Chưa Úa Nắng Hè”.

 Bài hát có tựa đề giống tên dịch từ một cuốn phim chiếu ở Sài Gòn thời 70. Ca khúc này được Phạm Mạnh Cương viết trên cung Trưởng, nhịp Boston . 
 Em buông lơi tóc thề
Tình mình theo cơn lốc về
Em như mưa nắng hạ
Hôn bờ biển xanh sỏi đá…

Hồi còn làm nhân viên cho phòng kỹ thuật cho đài phát thanh Sài Gòn, nhạc sĩ Hoài Linh có sáng tác bài “Về Đâu Mái Tóc Người Thương”, thường được Thanh Thúy trình bầy và thính giả rất thích vì tưởng tượng ngay ra mái tóc rất đặc biệt của người nữ ca sĩ có nét đẹp rất Liêu Trai...

Hồn lỡ sa vào đôi mắt em
Chiều nao xoã tóc ngồi bên rèm…

Ra hải ngoại, Quỳnh Giao được nghe và thích bài “Tóc Mây”, về sau mới biết là của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ.

 Bài này thường được các nhạc sinh học hát chọn để trình bầy, vì nét nhạc lên bổng xuống trầm thật thướt tha và lả lướt. Nhịp Slow chậm rãi trên cung Trưởng trong sáng. Người viết nghe nhiều version, nhưng thích nhất là giọng Thái Hiền khi diễn tả ca khúc này. Cô diễn tả được nét bơ vơ, phát âm rõ ràng tròn trịa và không cường điệu.

Như cánh hao đêm đong đưa nụ tình
Gọi mời cơn gió hôn lá trên cao
Như cánh chim đêm bơ vơ một mình
Trời bao nhiêu gió tóc bao nhiêu tình…

Cũng ở hải ngoại , Thanh Trang của “Duyên Thề” sáng tác thêm nhiều ca khúc trữ tình đẹp cả từ lẫn nhạc. Bài anh viết về mái tóc phổ thơ Hà Nguyên Dũng có tựa đề rất nên thơ là “Tóc Em Vẫn Là Hương Của Mẹ”. Nét nhạc mang âm hưởng cổ kính của đất Thần Kinh.

Trời đang nắng bỗng mưa nào ai biết
Mưa ướt rồi mái tóc xoã phai hương
Anh yêu lắm mùi hương trên làn tóc
Em đi qua thơm ngát cả con đường…
 

 Nhạc sĩ  Phạm Anh Dũng thường sáng tác tình ca, có bài “Tóc Thề Đi Đâu Mà Vội” phổ thơ Hoàng Lan Chi, nhịp Luân Vũ nhịp nhàng, êm ái. 
Hát lên là nhớ lại thuở mặc áo dài trắng đứng trong sân trường. 
Em đi đâu mà vội
Nắng đã xếp hàng chưa?
Tóc còn bờ vai xõa
Cho ai lời hẹn xưa… 




Chắc là còn nhiều lắm mà khuôn khổ một bài tạp ghi không cho người viết kể lể nhiều hơn.

 Người Tây phương ít khi rưng rưng chỉ vì một sợi tóc, chứ người Việt chúng ta lãng mạn mà kín đáo.
 Thương mái tóc là nhớ cả dáng người. Phải chăng vì mái tóc là biểu tượng của sự dịu dàng thơm tho, và cả nét đẹp của tâm hồn người yêu mái tóc nữa?
 Nghĩ lại thì lối ca tụng cái đẹp tinh khiết và thánh thiện đó là một phong cách văn minh mà mình nên gìn giữ.

                                   Quỳnh Giao 

         @@ ,tks t/g ,woa :"Phải chăng vì mái tóc là biểu tượng của sự dịu dàng thơm tho, và cả nét đẹp của tâm hồn người yêu mái tóc nữa?"!!

Tôi là ....



Tôi là lơ của một chuyến xe đò
Không nhớ mặt những người trên chuyến trước
Đưa và đón bao lộ trình xuôi ngược
Bằng những bài thơ ..

Xe đò theo về, chú bé ngây ngô
Tay nhỏ dại, mía gim là tình ái
Những người khách e dè và ái ngại
Khói xe đen, bụi cát bay mờ

Tôi là người đạp xích lô
Đêm đợi khách, dưới ngọn đèn hiu hắt
Trời đông giá, gió luồn xương lạnh cắt
Vẫn cứ trông chờ...

Trong lòng đêm, kẽo kẹt bánh xe qua
con đường hẽm, từng vủng mưa lầy lội
Tiếng trẻ khóc chợt xé tan màn tối
 
Nghe đời mình, thèm một tiếng ầu ơ

Tôi là người đi bán dạo, hoang sơ
Chân mỏi mệt, và giọng rao khàn đục
Hẽm lầy lội, ngõ quanh đường khuỷu khúc
Nhìn lại hàng, là những vết chai khô

Tôi người ngèo không có một lần mơ
Để làm củi cho mùa đông được ấm
Không có cánh để bay tìm trú ẩn
Đợi mùa xuân...

Tôi là người đi tìm vớt rêu rong
Cơn mộng mị, quê nhà, sâu tiềm thức
Chuyến về đến, như mọi lần, rất thực
Tỉnh dậy, nghe mưa giọt ở sau hè


 Duy Định

Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

Venice “mùa nước nổi”11/2012

Mưa to gió lớn đã gây ngập lụt ở nhiều vùng khắp Italia, lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng tại thành phố du lịch Venice nổi tiếng  ..Nước ngập nhấn chìm gần như toàn bộ thành phố, buộc người dân phải bì bõm trong nước ngập tới đầu gối hoặc đi lại bằng thuyền gỗ.Ngập lụt xảy ra như cơm bữa tại thời điểm này trong năm và nước ngập đỉnh điểm năm nay lên tới 140cm, vẫn thấp hơn mức kỷ lục 160cm trước đó vào năm 1996. Trong suốt nhiều năm qua Venice đã phải vật lộn với hàng loạt vấn đề do nguy cơ nước biển dâng cao gây ra. Thành phố đã tiến hành một kế hoạch đầy tham vọng, xây dựng các đập chắn di động ở các cửa phá để bảo vệ thành phố.Khoảng 3.000 tham gia vào dự án có tên gọi “Moses” này, với chi phí lên tới  $ 5,4 tỉ euro và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2014.

                                  Telegraph ,BBC 

Cathy Ha's Cooking Express




Cắm hoa nghệ thuật


Cắm hoa theo nghệ thuật phương Đông : Nhật Bản -Ikebana  với đặc điểm nổi bật là chọn hoa khá ít, nhấn mạnh tính thẩm mỹ từ những đường nét của hoa, tạo bố cục đơn giản, thanh nhã, thoát tục.
-Còn cắm hoa theo phong cách phương Tây chủ yếu chú trọng sự đối xứng, hoa nhiều và xum xuê, màu sắc sặc sỡ để đạt được hiệu quả muôn màu muôn vẻ.
-Cắm theo phong cách phương Đông đòi hỏi giữa hoa và bình cắm phải có tỉ lệ tương xứng, thông thường độ cao của cành chính bằng 1,5 lần độ cao của bình, còn cắm hoa kiểu phương Tây thường chọn loại bình hoa thông thường, miệng rộng để cắm được nhiều hoa.
-Nơi để hoa cũng phải chọn nơi thích hợp, sau khi cắm hoa xong cần xem xét độ cao của bình hoa để quyết định vị trí đặt.
-Khi cắm hoa cần xác định ý tưởng để chọn hoa và bình thích hợp với chỗ để.
 Màu sắc và hình dạng của hoa với bình cần có sự hài hoà để có sự cân bằng trong kết cấu và hài hoà màu sắc. 
-Hoa lá không thể cao bằng nhau, hoa chính nên hơi cao, hoa phụ nên hơi thấp.
 Khi chọn hoa nên chọn hoa có độ tươi ngang nhau để làm hoa chính và hoa phụ, như vậy độ bền sẽ ngang bằng nhau. Các  hoa phải được phân bố đồng đều, bất kể là hoa chính hay hoa phụ đều phải hoà hợp và cân xứng.
- Sự phối hợp hoa và cành cắm thêm cũng cần thích hợp để tạo thành chính thể.
~~St ~~~

Tôn sư trọng đạo - Nghĩ xưa và nay


Tôn sư trọng đạo là đạo đức của cư dân Việt không phải từ khi có Văn Miếu thờ Thầy Khổng và Thầy Chu Văn An mà xa xưa hơn nữa.
 Thiên Cổ miếu, hay còn gọi là Đền Thầy . Di tích Đền Hùng thờ Thầy Vũ Thế Lang, tương truyền được xây dựng từ thơi Hùng Vương chứng tỏ điều đó.
Lớp lớp các thế hệ Nho sinh trùng tu, tôn tạo hương khói nên đến bây giờ vẫn giữ được nét cổ kính trang nghiêm. 
Thầy Vũ Thế Lang không phải là người bản xứ,  dân đã đón thầy về để dạy đạo làm người cho con em mình. 
Để thầy và gia quyến an cư lạc nghiệp, dân nơi đây đã dựng nhà, cấp ruộng cho vợ con thầy. 
 Ruộng cấp cho thầy được gọi là học điền, được chọn nơi ruộng tốt,dễ canh tác và không phải nộp thuế. 
Thì ra việc toàn dân chăm lo sự nghiệp giáo dục không phải bây giờ mới có.
 Cảm động trước nghĩa tình của người dân, thầy Lang hết lòng chăm sóc cho lớp trẻ nơi đây học chữ, học lễ, học nghĩa. Học trò thầy nhiều người thành danh đỗ đạt.
 Khi thầy mất học trò thầykhắp các nơi kéo nhau về chịu tang.
 Căn nhà thầy, vừa là học đường, vừa là tư thất về sau trở thành Đền Thầy, quanh năm được học trò hương khói. 
Thầy sống thanh bạch nên khi mấtrất linh thiêng, trước khi đi thi sĩ tử khắp nơi đến đây thắp hương lễ thầy đều đỗ đạt cao. 
Mùa thi đến đền Thầy ngào ngạt khói hương là vậy.
Trong xã hội phong kiến, vị thế của người thầy được xếp rất cao. Sau vua chúa, không phải quan lại mà là người Thầy. Công dưỡng dục còn đặt cao hơn cả công sinh thành.
 Cách xếp Quân – Sư ­– Phụ cho thấy vị thế của người thầy trong xã hội được tôn vinh như thế nào. 
Trong dân gian cũng vậy, “Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy” hoặc “ Không thầy đố mày làm nên”Tết nguyên đán hàng năm là dịp để con cháu bày tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ và thầy giáo. 
“Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy”.
Truyền thống tôn sư trọng đạo đó đã được các thế hệ cháu con tiếp thu bồi đắp và trở thành một nét đẹp nhân văn giữa đời thường vừa gần gũi vừa thiêng liêng.
 Chính đây là nguồn khích lệ  để  thầy giáo yêu người và yêu nghề. Dẫu giặc dã triền miên, dẫu đói cơm nhạt muối, chúng ta vẫn cho ra đời nhiều thế hệ nhân tài cho đất nước. 
Càng khó khăn gian khổ tình nghĩa thầy trò càng sâu nặng...Ấy vậy nhưng hai chữ tôn sư thiêng liêng ấy đang bị một số bộ phậnthầy cô biến thành một thứ hàng hóa tầm thường và dung tục.
 Chạy trường, mua điểm, huyên náo trường thi, học giả bằng thật, ăn bớt khẩu phần trẻ nhỏ, mua đầu vào, bán đầu ra, làm nhục nhân phẩm học sinh...đang trở thành một tệ nạn cần  báo động 
  Chất lượng giáo dục ngày càng đáng báo động.
 Có hàng trăm trường Đại học nhưng không có trường nào được nằm trong top 10 hay top  20 trường Đại học danh tiếng của khu vực…
 Nguy hại nhất là nó đang dần làm xói mòn một truyền thống đạo đức nhân văn của dân tộc – truyền thống tôn sư trọng đạo.
Tuy nhiên, “kinh tế tự mở đường mà đi”(Eng-ghen), giáo dục cũng vậy. Sự tốt đẹp và nhân văn, cuối cùng bao giờ cũng chiến thắng.

Lời ru của Thầy

Mỗi nghề có một lời ru
Dở hay thầy cũng chọn ru khúc này
Lời ru của gió màu mây
Con sông của mẹ đường cày của cha

Bắt đầu cái tuổi lên ba
Thầy ru điệp khúc quê nhà cho em
Yêu rồi cũng nhớ yêu thêm
Tình yêu chẳng có bậc thềm cuối đâu!

Thầy không ru đủ nghìn câu
Biết con chữ cũng đứng sau cuộc đời
Tuổi thơ em có một thời
Ước mơ thì rộng như trời, ngàn năm

Như ru ánh lửa trong hồn
Cái hoa trong lá, cái mầm trong cây
Thầy ru hết cả mê say
Mong cho trọn ước mơ đầy của em.

Mẹ ru em ngủ tròn đêm
Thầy ru khi mặt trời lên mỗi ngày
Trong em hạt chữ xếp dày
Đừng quên mẹ vẫn lo gầy hạt cơm

Từ trong vòm mát ngôi trường
Xin lời ru được dẫn đường em đi
(Con đường thầy ngỡ đôi khi
Tuổi thơ lăn một vòng bi tới rồi!)

Hẳn là thầy cũng già thôi
Hóa thân vào mỗi cuộc đời các em
Thì dù phấn trắng bảng đen
Hành trang ấy đủ thầy đem theo mình

Đoàn Vị Thượng

Mai Hồng
 @@ tks t/g 
 

 

Không Đề


...Có một người khách bộ hành đang lang thang trên một thảo nguyên khô cạn .Người khách đã đi rất lâu ,nhưng thảo nguyên vẫn bao la bất tận và con người cảm thấy kiệt sức Mặt trời nóng như thiêu như đốt , con người khát khô cổ họng cứ phải đưa lưỡi ráo hoảnh liếm mãi đôi môi nứt nẻ vì gió .
Bỗng một chấm đen xuất hiện xa xa phía trước .
Có lẽ đó là khu rừng ,tại đó anh ta sẽ tìm thấy bóng mát và có thể được giải cơn khát bằng dòng suối trong lành ?
Nhung không .Đó không phải rừng cây -chỉ có thảo nguyên bất tận vẫn trải dài trước mắt .
Một con chim đại bàng xuất hiện trên bầu trời cao vời vợi .
 
Chim đại bàng nhìn thấy nhìn thấy người khách bộ hành và bình nước đeo trên vai .Chim có lỗ tai rất thính lên nó đã nghe thấy tiếng nước óc ách trong bình
.Chim đại bàng ngạc nhiên hỏi : "Con người ơi ,sao người không giải khát đi ?người đã mệt nhoài và có thể chết khát ,sao người vẫn chưa uống nước ở trong bình ?" người khách bộ hành trả lời :"A, ừ đúng đấy ,ta đang đi bằng sức lực cuối cùng ,nhung nếu ta uống nước trong bình này ,ta sẽ không còn chút hi vọng nào nữa
.Từ lâu ta đã kiệt sức rồi ,chỉ còn niềm hi vọng thúc đẩy ta đi.Gíá như ta uống nước thì ta chẳng còn chút hi vọng nào nữa ,hỡi đại bàng..."
Và không cần phải nói gi thêm ,cả hai cùng im lặng. .

Đôi khi người ta có thể hiểu nhau bằng sự đồng cảm của cả tâm hồn .Mình đã nhớ mãi  câu chuyện kể bữa đó ..
2012 
CLy 


                                                   

DANH NGÔN

. 
 Một trong những hạnh phúc lớn của đời sống là tình bạn và một trong những hạnh phúc lớn của tình bạn là có người để gửi gắm một bí mật, một tâm tư .
(Manzoni)
2. Lòng trung thành là điều tốt đẹp nhất bạn có thể đem trao tặng một người .
 Sự thật ,lòng tin cậy , tình bạn và tình yêu đều tuỳ thuộc vào điều đó cả .
Elviisresley
3. Hãy cho đi cái mà bạn có . Đối với ai đó thì món quà ấy mang một ý nghĩa sâu sắc mà bạn không ngờ .
 (Henry Wadsworth - Longellow)
4. Chân thật và thẳng thắn là bước đầu cần thiết làm nảy nở và củng cố mối quan hệ bạn bè 
-Valadimir Lenine
5. Bạn là người chúng ta tin cậy để ta tự tin.

(F.Perier)
6. Cuộc đời chỉ là một chuỗi những cơ hội ngẫu nhiên . Cái khó là nắm bất cơ hội mà hành động .

 Đừng bao giờ để vuột mất."Không phải ngày nào bạn cũng gặp cơ hội may đâu " .
 (George Besnard-Shaw )
7. Bạn đứng hận thù nếu ta cứ hận thù thì trật tự mới sẽ chỉ là trật tự cũ mà thôi ..
Chúng ta phải đem hận thù gặp gỡ yêu thương , sức mạnh vật chất gặp gỡ sức mạnh tinh thần .
 ( Martin Luther Kinh.JK )
8. Không có gì thiêng liêng hơn tình đồng loại . Bố mẹ yêu con , con yêu bố mẹ .
 Nhưng các bạn ạ , cái đó không có gì lạ , vì ngay con vật cũng biết yêu bố mẹ của nó .
 Nhưng gắn bó với nhau bằng huyết thống thì chỉ có con người mới có khả năng ấy
 (Gogol )
9.    Bao lâu bạn còn tự tin ở bạn  , thì người khác còn tin ở bạn .
( Cynda Willams )
10. Thời gian hay khoảng cách đều không làm giảm được tình bạn . 

 Ghersen
11. Tình bạn đòi hỏi sự thông cảm sâu xa giữa những người bạn .
Nếu không , tình bạn không thể nảy sinh hoặc tồn tại.

 ( Saint Francis De sales )

                                     ~~~St~~~


Niềm Nhớ Không Tên


Bao nhung nhớ như tràn dâng
Nỗi nhớ cuôn cuộn cào xé tim anh
Anh cứ hàng đêm thao thức
  Tim anh chẳng hề thấy bình an
Anh không thể  xoá bóng hình ai kia
Bóng em in dấu ấn khó phai
Dù tháng ngày dẫu có dài thăm thẳm
Bình mình tới hay hoàng hôn thoáng qua
Tình ta  vẫn cứ nồng nàn
Nỗi nhớ dai dẳng theo anh mãi mãi...

Camly
 2011