Trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

Giải mã những cử chỉ thông thường của người Việt



Lỗ Tấn từng viết về những người nhà quê của A.Q thái hành dài bằng đốt ngón tay, trong văn chương Tự lực văn đoàn cũng có những cảnh hài hước khi muốn chế giễu những người được cho là quê mùa nào đó, ví dụ cho một anh nông dân nhảy đầm.
Từ hoang dã đến con người hiện đại là quãng thời gian hàng vạn năm, rất nhiều hành vi đã ngưng đọng lại không bao giờ thay đổi nữa. Đó chính là cử chỉ thông thường của một dân tộc, không bao giờ đánh giá theo thang giá trị đẹp hay xấu.
Cũng giống như tất cả người Việt khác, tôi ít khi để ý đến hành vi thường ngày của mình, nhưng dần dà cũng có những phân biệt nhất định, nhất là khi đi sơ tán, tôi thấy người sống ở nông thôn có những cách hành xử khác với người ở thành thị.

 Tiếp xúc với những người thuộc các sắc tộc khác nhau, lại thấy những hành xử khác nữa, rồi gặp người nước ngoài lại là một cách sống khác.
 Cái gì tạo nên những phong cách sống, như một số người có đầu óc kỳ thị thường phân biệt giữa người nhà quê và người thành phố, giữa người da trắng và người da màu, mà về bản chất nó không phản ánh sự tốt xấu, sang hèn chỉ là hệ quả của cả hành trình dân tộc.
-Bà tôi và những cụ già khác thường nhai trầu bỏm bẻm, khi răng yếu các cụ có chiếc cối nghiền trầu nho nhỏ và ngoáy vào đó suốt ngày. Tôi thấy một cụ già nhờ nhà sư chùa làng nhai trầu hộ, rồi bà ăn sau, một hôm nhà sư bận nên nói bà nhờ cô gái này này.
Bà cụ bảo: “Cô này miệng hôi tôi không ăn được.”
Nhà sư: “Miệng tôi mới hôi, còn miệng các cô ấy thơm lắm.”
Bà cụ nói: “Các thầy là người tu hành nên khí chất thơm tho, còn các cô ấy có tu gì đâu mà thơm hay hôi.”
Như vậy cách quan niệm của các cụ già xưa thật khác thường, đạo đức quyết định tất cả những phẩm chất còn lại, mà thực tế thì không hẳn như vậy.
Dưới cái mũi của con người động vật nói chung rất hôi hám, nhưng chúng không liên quan gì đến giá trị thiện ác cả, và nếu có thì động vật rất thiện so với con người. 

Lỗ Tấn cũng viết một cách hài hước rằng có lẽ mồ hôi của cô tiểu thư thành thị thì thơm hơn mồ hôi của anh công nhân chăng?
-->Hay cười, xỉa răng, ngồi xổm là ba hành vi đặc trưng của người Việt.

  1- Hay cười 
  Dù ngày nay đã thay đổi chút ít. Gặp bất cứ ai, dù không quen biết, người Việt có thói quen hay cười, rồi cả quen nhau rồi, mỗi khi kết thúc công việc gì đó lại cười. 
Bắt tay cười, mua hàng cười, nói chuyện cười, xem đám đông cười, thắng lợi cười, thất bại cũng cười… nghĩa là cười ở bất cứ đâu, với bất cứ ai, trong đó có cả cười một mình và lẩm bẩm một mình.
-Cười trở thành một thói quen bắt đầu cho một giao tiếp, đến nỗi nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cho rằng hay dân tộc mình còn trẻ con.

 Cái cười này không nhất thiết bộc lộ niềm vui, nó giống như lời chào thôi, để kết thúc một việc, nhất là khi gặp gỡ quan lại sai nha xưa để giải quyết hành chính, cười còn có tính nịnh nọt, nhằm lấy lòng cho được việc. Song trong cuộc sống thường nhật, không nhất thiết phải cầu cạnh ai người ta vẫn cười, điều đó cho thấy cười đã trở thành một hành vi vô thức, không nhất thiết phải có việc hay thái độ gì. Cười là sự tự kỷ của người Việt.
  2- Xỉa răng  
- Khi ta xỉa răng chỉ là một việc rất nhỏ sau khi ăn của người Việt, nhưng được người phương Tây nhìn nhận như một đặc trưng tính cách, như trên đã dẫn, họ cho rằng người Việt hay ăn cỗ, và ai ăn xong rồi thì được đánh dấu bằng một cái que cắm vào mồm.
 Hầu hết người Việt lớn lên đôi chút là chân răng thường hở, khiến cho khi ăn thức ăn giắt vào kẽ răng và phải xỉa răng. Tập tục ăn trầu có chất vôi và nhuộm răng đen làm cho răng chắc khỏe, với những ai giữ được thói quen truyền thống này thì có thể giảm xỉa răng.  
Tuy nhiên trong quá khứ, thuốc đánh răng và bàn chải chỉ xuất hiện khi người phương Tây sang, còn người Việt cổ chỉ có xúc miệng bằng nước chè, rượu, đánh rằng bằng than hay múi cau khô. Ngoài bốn mươi, sự lão hóa bắt đầu và răng bắt đầu rụng cũng như doãng ra, người ta buộc phải xỉa răng. Người Việt cổ già tương đối sớm, cũng như lập gia đình sớm. 50 tuổi là ra đình lên lão. 60 tuổi là hết vòng hoa giáp có thể chầu trời. 70 tuổi là rất hiếm.
-Tục xỉa răng không phổ biến ở người phương Tây và ngay cả người Trung Hoa, nên được coi là cử chỉ riêng của người Việt. Xỉa răng sau khi ăn thực ra liên quan đến cách thức nấu nướng hằng ngày.
Chúng ta không rõ thời trung cổ người phương Tây ăn những tảng thịt nướng to tướng thì họ sẽ xử lý răng miệng thế nào, nhưng về sau nhiều các đồ ăn phương Tây chuyển sang hầm nhừ, bộ răng không quá vất vả.
Món ăn Trung Hoa cũng vậy, không nhiều đồ luộc như Việt Nam. Người Việt ăn nhiều chất sơ và đồ luộc, chất sơ từ rau cỏ, lại ăn nhanh và không nhai kỹ, lại luôn mồm nói chuyện trong khi ăn, nên luôn làm cho bộ răng ngứa ngáy. Vả lại đàn ông xỉa răng để nói nốt câu chuyện tào lao rồi uống trà, đàn bà che miệng xỉa răng lộ vẻ kín đáo.

  3- Ngồi xổm  
-Ngồi khoanh chân xếp bằng như tọa Thiền là tính cách riêng của người phương Đông. Đầu gối người phương Tây do quá trình sống riêng rất khó gập được như vậy.
 Nhưng ngay cả người phương Đông hiện đại không phải ai cũng ngồi xếp bằng được, bởi thói quen mới ngồi duỗi chân với bàn ghế cao và bệnh béo phì, còn người xưa ngồi chiếu là phổ biến. Cái chiếu phổ biến đến mức nó trở thành khái niệm tượng trưng, xác định vị thế xã hội của con người.
-Người ta gọi là “hộ tịch,” tức là góc chiếu của gia đình và cá nhân nào đó, trong đó “hộ” là cái cửa nhà, cái nhà, còn “tịch” là cái chiếu. Người đứng đầu gọi là “chủ tịch,” nhưng người khác gọi là “tịch viên.”

 Và người có mặt nhưng không có quyền như những người trong cuộc khác thì gọi là “liệt tịch.”
“Liệt tịch” bao gồm cả con ngựa ta cưỡi đến dự một cuộc khai hội (họp), nghĩa là chúng có đến cùng với chủ nhưng không được quyền phát biểu. Ra đình bạn sẽ được ngồi xếp bằng trên một góc chiếu, đó là vị thế của bạn. 

Có chiếu trên chiếu dưới phân cấp. Chiếu trên thì gần bàn thờ Thánh, càng xa bàn thờ thì càng là chiếu thấp, thấp nữa là chiếu ngoài sân đình.
Riêng những người làm mõ thì ngồi chiếu riêng, ăn mâm riêng được coi là những người hạ đẳng xuất thân từ dân ngụ cư. Chiếu cao hơn thì cỗ cũng to hơn, nhiều món hơn. Kẻ thấp sẽ ghen tức vì mâm kẻ cao thật nhiều sơn hào hải vị.
Mới có câu “Bầu dục không đến bàn thứ tám.” Cái văn hóa góc chiếu giữa đình này chưa hề mất đi, ngày nay nó được thay thế bằng “văn hóa phong bì,” nghĩa là ăn tiệc sẽ như nhau, nhưng tiền thưởng theo đẳng cấp.
Những người tập “yoga” và những bậc Thiền sư dùng ngay thế ngồi xếp bằng đặc trưng làm kỹ thuật tu luyện, hoặc bắt chéo cả hai chân lên nhau (gọi là “kiết già toàn phần”), hoặc bắt một chân (“kiết già bán phần”) và đưa vào đó ý nghĩa mới của sự thanh tĩnh hướng nội. Cái bệ rạc nhất trở thành cái cao khiết nhất trong nháy mắt trong cùng một cử chỉ, và vì thế ngồi xếp bằng được coi là một đặc trưng phương Đông về sự an tĩnh đàng hoàng.

  - Ăn “xổm” là tư thế thông thường trong chiến tranh

  Ở Trung Hoa, phổ biến trong thời Tần Hán là cách ngồi quỳ đầu gối, bàn ghế chưa đóng vai trò nhiều, trừ chiếc bàn thấp để uống rượu đàm đạo.
 Cách ngồi quỳ đã từ lâu lui vào dĩ vãng ở Trung Quốc thì vẫn còn thịnh hành ở Nhật Bản nhiều thế kỷ sau.
Những người du mục Mông Cổ luôn ngồi tư thế thõng chân trên mình ngựa, khi xuống đất hoặc ngồi khoanh chân hoặc ngồi cao thõng chân xuống đất. 

Tất cả những tư thế trên có nguồn gốc sinh hoạt của nó, mà người Việt không có. 
Quỳ lạy được dùng trong tế lễ, yết kiến vua quan, không thật phổ biến trong sinh hoạt. Đại bộ phận nông dân thích ngồi xổm, tức là ngồi gập đầu gối, đít kê hòn gạch hoặc ghế đẩu, hoặc ngồi không, hoặc ngồi bệt.
Ăn và ỉa đều ngồi xổm, riêng ăn thì là tư thế thông thường trong chiến tranh, cái dạ dày luôn bị ép lại, cũng phù hợp với nguồn thức ăn không dồi dào.

 Và ngồi xổm để đại tiểu tiện cũng dễ cho con người. Cho đến ngày nay, nông thôn đã xây nhà vệ sinh hiện đại, nhưng người ta vẫn ngồi chồm hổm trên đó. Mất nhiệt cả ngày vào mùa đông, chịu nóng ẩm vào mùa hè, xương cốt khí chất người Việt ngày càng lỏng lẻo dù mới qua tuổi ba mươi. Họ luôn có tư thế so vai rụt cổ, khi ngồi trên ghế tựa, thỉnh thoảng phải co cả hai chân lên ôm gối. Khoa xem tướng nhận định rằng những người đầu gối quá tai (tư thế ngồi xổm) là tướng bần hàn suốt đời.
Khi viết về người Trung Quốc, người phương Tây nhận xét rằng người Trung Quốc ít khi nhìn thẳng, hay cúi đầu cụp mắt, hệ quả của hàng ngàn năm phong kiến nô dịch. 

Cúi đầu, lom khom, rụt rè… thực ra là hành vi phổ biến ở người phương Đông bình dân xưa. 
Những tư thế ăn vào máu con người, vào thời hiện đại, khi không sợ ông vua nữa, thì họ cũng không tự tin khi đứng trước người phương Tây. 
Thế rồi hình thành một loại người đứng trước người Tây thì như nô lệ, đứng trước người ta lại như thực dân.
-Dáng người thấp nhưng đậm, cơ bắp khỏe, người nông dân xưa đi lại luôn có xu hướng chúi về đằng trước. Dáng đi này chịu ảnh hưởng của việc liên tục gánh gồng. 

Gánh nước, gánh thóc, gánh củi, gánh rau cỏ, gánh phân… từ trẻ con đến người già không ai không phải làm. Đôi vai trở nên vạm vỡ, cơ ngực cũng nở nang, trừ những thời kỳ đói ăn dài, người phụ nữ Việt có bộ ngực nở hơn phụ nữ Hoa. Một số làng thay vì gánh thì đội thúng trên đầu, nhất là các bà đồng nát, nhưng người Việt cũng không thể đội lọ như những người Ấn Độ hay Khmer. 
Người Việt cũng không quen gùi trên lưng như những sắc tộc miền núi, mà sở trường là gánh nặng và đi đường xa. Kéo xe, thồ hàng bằng xe kéo, hoặc bằng xe đạp (thế kỷ 20) cũng là thói quen lao động.
  - Thích ngả ngốn, vừa thừa lại vừa thiếu năng lượng 
  Chân giã gạo, tay xay cối, vai gánh nặng, lội đồng, bơi sông, trèo cây hái củi… những hành vi thường ngày có tác dụng rèn luyện sức khỏe và uốn nắn cơ thể có những thói quen ứng xử nhất định, nên khi không lao động nữa người Việt thích ngả ngốn, tưởng chừng không theo một tư thế nào nhất định, nhưng thực ra vẫn là ngồi xổm, gác chân lên bàn hoặc lên ghế, sờ soạng linh tinh, nghiêng bên nọ, ngả bên kia và thay đổi tư thế liên tục. Họ vừa thiếu lại vừa thừa năng lượng.
Khí hậu nóng ẩm hay thay đổi, nhiều ruồi muỗi, khiến ai nấy luôn tay gãi và quạt. 

Tất cả những điều này cộng lại cho thấy rất ít người Việt có khả năng ngồi yên một chỗ năm sáu tiếng, làm nghiên cứu khoa học kiên trì ngày này qua ngày khác, theo đuổi một mục đích duy lý dài lâu. Trong suốt một ngàn năm phong kiến chỉ có hai người có khả năng ấy mà trở thành nhà nghiên cứu duy nhất, đó là Lê Quý Đôn và một người gần được như thế là Phan Huy Chú.
  4- Một số các cá tính “dân tộc ” khác:
- Vấn đề râu tóc và lông

  Người Việt cổ vốn ít râu và lông trên người, như lông chân, lông tay, còn lông ngực rất hạn hữu. Quá trình lội bùn cày cấy và mò cua bắt ốc, những lỗ chân lông gần như bị bịt hết, lớp da của họ nhẵn thín như tráng lên đó một lớp màng ni lông nâu bóng, do vậy khả năng đổ mồ hôi khi trời mưa nắng và nóng do lao động rất chậm, trừ khu vực đầu.
Đặc điểm này giúp cho cơ thể người nông dân tránh bị cảm nắng khi lội nước dầm dề, nhưng lại thường gây chướng khí trong bụng. 

Người Việt do đó hay bị đầy hơi chướng, hay đánh rắm bừa bãi, hay khó tiêu.
Cho nên theo truyền thống phần lớn thức ăn đem luộc ít xào nướng bằng dầu mỡ và các loại ẩm thực đặc sản rất thanh nhẹ, như bánh gio, bánh cuốn, bánh tẻ.

 Nếu ăn xong bị đầy bụng, người ta nếu là đàn ông thường véo bảy cái vào bụng và mỗi lần véo thì hú lên một hú, còn đàn bà thì véo chín cái.
-Trừ tóc và bộ phận sinh dục, thì bao nhiêu lông sót trên người, người ta có xu hướng vặt bằng sạch, như lông nách.
Bộ tóc được chăm chút hằng ngày, chải bằng lược thưa và lược bí răng dày. Bẩn thì gội bằng bồ kết nướng. Cả đàn ông và đàn bà đều không cắt tóc, cứ để dài, rồi búi tròn trên đỉnh đầu (gọi là “Nhục kháo”). 

Nhưng ông đồ thì chau chuốt hơn, mai tóc vắt lên tai, gọi là mai gọng kính còn móng tay có vài người không bao giờ cắt, để dài tới vài chục phân.
Tất cả tóc rụng, móng tay móng chân đều phải nhặt lại. Móng sừng thì cho vào cái túi nhỏ, tóc lại thường giắt vào liếp, có thể dùng đánh gió khi cảm. Khi nào chết người ta gom tóc và móng sừng để vào áo quan. Đó là một phần của trời đất và mẹ cha cho mình không được phép vứt bỏ.
Người Việt không ưa đàn ông trẻ mà để râu. Râu ria chỉ được phép để khi ngoài 40 tuổi.

 Nghề cạo râu, sửa tóc, lấy ráy tai có khá sớm, riêng môn cắt tóc chỉ thịnh hành khi phong trào Duy tân và Đông kinh nghĩa thục kêu gọi đổi mới. 
Còn nhổ lông trên người và nhổ tóc sâu, bắt chấy người ta thường làm giúp nhau như bầy khỉ.
Dẫu vậy từng người một, người Việt vẫn tự ngó ngoáy vào cơ thể mình cả ngày. 

-Ngoáy mũi, ngoáy lỗ tai, gãi đầu, nhổ lông nách và ngửi nách, quạt phành phạch. 
Nếu có đàn bà con gái đứng quanh thì cũng tròng ghẹo, phát vào mông, véo má, véo tai, nếu là trẻ con người ta hay cắn nhẹ vào tay và má. Tất cả các hành vi này đều mang tính vô thức, giải tỏa năng lượng thừa, tạo niềm vui trong cuộc sống thường nhật và gắn kết cộng đồng. Ai không như vậy lại thường không được ưa lắm.
- Nhẫn nhục, phục tùng là phổ biến trong tính cách bình dân 


  -Ở phương Tây nếu không phải người đồng tính người ta rất kị người cùng giới chung phòng hoặc chạm vào nhau. Số người đồng tính ở Việt Nam trong quá khứ không nhiều, trừ những người có căn đồng mà chúng ta có thể bàn sau, nhưng hiện tượng người cùng giới sống thân mật là phổ biến.

Đây là một tính cách dân tộc và rất lành mạnh không liên quan gì đến đời sống tính dục.
 Khi bạn bè thân nhau, người ta hay thích ngủ chung giường và trò chuyện suốt đêm.
Khi Khổng giáo phát triển, người ta rất kị việc nam nữ chung sống đặc biệt chưa hôn thú. Ngay với trẻ con cũng vậy, nếu đi đâu xa phải ngủ tập thể, thì nam nằm với nam, nữ nằm với nữ.
Trong lối đào tạo Quan họ cổ, trẻ con lên bảy lên tám tuổi, đến nhà ông trùm bà trùm (những bậc thầy hát Quan họ) học hát và ngủ đêm luôn ở đó, gọi là ngủ bọn, các bé trai ngủ ở nhà ông trùm, các bé gái ngủ ở nhà bà trùm.
Tuy vậy trong giao tiếp hằng ngày, người Việt không ôm hôn, không bắt tay, chào nhau thì cúi đầu, ngả mũ hoặc giơ nón mũ lên cao, đi ra xa thì vẫy tay.
-Con cái lớn không đứng gần và đứng trước cha mẹ, học trò luôn đi sau thầy, vợ đi sau chồng, trước mặt người lạ luôn giữ một khoảng cách, khoảng cách đó kể cả với chồng.
Ở nhà thường nhật hai vợ chồng có thể ngồi cùng mâm, nhưng nếu có khách đến chơi, thì vợ và các con xuống bếp ăn, mâm trên nhà chỉ có ông chủ nhà và khách.
Khi chủ nhà đi vắng, người con cả sẽ ngồi tiếp thay bố, chứ mẹ thì không.

 (Lưu ý rằng những tính cách ứng xử này trong thời chưa ảnh hưởng văn minh phương Tây, không phải là hiện nay).
Có lần dẫn một người bạn nước ngoài đi xem bảo tàng, anh ta thắc mắc trong các chạm khắc đình làng luôn có hình ảnh con người ngửa mặt lên trời hoặc cúi gằm xuống đất. 

Tôi đã xem điêu khắc đình làng nhiều lần nhưng chưa bao giờ nảy ra câu hỏi như vậy, bèn trả lời cho qua chuyện, cái này cũng giống như điêu khắc “Gothic” ở phương Tây, con người luôn chỉ có hai tư thế ngửa mặt lên trời cầu Thiên chúa, và cúi mặt xuống đất nhẫn nhục.
Có lẽ hình ảnh con người trong chạm khắc cổ Việt Nam phản chiếu một vấn đề khác không có tính tôn giáo như nghệ thuật “Gothic.” Sự nhẫn nhục, phục tùng là phổ biến trong tính cách bình dân phương Đông cổ, hằng ngày, trong nghệ thuật, và cả ngày nay cũng chưa hết như vậy.
Song ngửa mặt lên trời lại không phải là hành vi phổ biến, trong nghệ thuật nó chỉ là biểu hiện sự vui đùa thôi, nó thể hiện sự không coi cái gì ra gì (nhất thời), sự chế nhạo, tự tâng bốc và thỏa mãn với bản thân mình, sự điên rồ tùy hứng, bởi không mấy khi hào sảng như vậy.
- Nịnh hót, không chấp nhận phê bình, bài học chưa bao giờ được tiếp nhận
Nịnh hót, xun xoe, khúm núm là hành vi hay là phẩm chất, hay đôi khi là cả hai, thì cũng rất thông thường ở người Việt. Mặc dù không ai thích như vậy, nhưng ít ai tránh khỏi vì đó là một tính cách bản năng mất rồi.
Người phương Tây sang Việt Nam thế kỷ 17, 18 nhận xét rằng gặp quan lại Việt Nam không thể không có quà biếu. Trao và nhận quà biếu cũng là một tính cách dân tộc có liên hệ mật thiết với sự nịnh hót, khúm núm nói trên.
Biểu cảm như thế nào còn là tùy hoàn cảnh và con người cụ thể. Hoặc may hai chiếc áo có hai vạt khác nhau như truyện dân gian về một ông quan. 

Lúc gặp quan trên thì mặc áo vạt trước ngắn, vì phải cúi mình, lúc gặp dân đen thì mặc áo vạt sau ngắn vì ưỡn bụng vênh vang.
-Cúi lưng, xoa tay, ngửa mặt đớp lời quan khách, cười nhạt nhưng niềm nở, mắt hấp háy, chân nam đá chân siêu, luống cuống làm việc nọ xọ việc kia, bưng chén hai tay, đuổi ruồi cho ngài, sửa vạt áo cho ngài, xếp lại giày cho ngài, pha trà hảo hạng, mở chai rượu mới nhãn hiệu “Napoleon,” ngọt giọng bảo vợ đun lại nước sôi, gọi con gái xinh đẹp ra chào khách, khen ngài dạo này trẻ khỏe, hơi gầy, nhưng nom tướng rất phát, ta thán về sự bận bịu của ngài lo việc dân việc nước…
Cùng chiều với tính cách nịnh hót là tính cách ưa nịnh nọt, thích quà biếu, thích khen thưởng, thích tâng bốc cũng đồng thời thích được nghe nói dối và o bế những kẻ tâng bốc mình và không bao giờ chấp nhận phê bình. 

Dân tộc đã có nhiều cơ hội phát triển, nhưng rồi lại chậm lại, thậm chí thụt lùi chỉ vì những tính cách này.
 Đó là bài học chưa bao giờ được tiếp nhận.

                                   Phan Cẩm Thượng

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

Thăm Thẳm Núi, Non.

     
                                   
 Mỗi lần đi vào tiệm rượu quen của anh bạn Thuận trên đường Brookhurst, kiểm lại túi tiền, thấy cái túi bớt phần hiu quạnh, lần ấy tôi thường ở lại tiệm Thuận lâu hơn. Đi tà tà một vòng qua những kệ rượu, trên vai kề vai cả ngàn nhãn hiệu danh tiếng của mọi vùng trời Lưu Linh thế giới. Chọn cho mình một chai “xuất sắc” hơn thứ uống khiêm nhượng hàng ngày.
Chọn. Chọn rượu - mấy vị làm thơ tình Nguyên Sa, Du Tử Lê cả đời chanh đường, xá xị chắc ở ngoài vấn nạn văn chương này - là cả một nghệ thuật, không phải chuyện rỡn. Nhất là chọn được rượu hay còn hợp với túi tiền.
 Dễ như anh chàng “Johnny Đi Bộ” ngày trước cả nước Saigòn cùng uống, cũng phải phân biệt.
 Sư phụ Johnny “cổ đen,” nhãn ghi đầy đủ mười hai năm bế môn luyện kiếm, chất men dịu, đằm cùng năm tháng, một vực trời hơn đệ tử Johnny “cổ đỏ” còn trẻ thơ tuổi ngọc tuổi vàng. Đến “Cognac” đã khó hơn một bậc. Có chai trong, có chai mờ. 
Cái nhãn “VS” cấp thấp lên dần tới Tỉnh Ủy “OP,” tới chót vót đỉnh Giải Xanh, Giải Bạc. Rồi tới Chát đỏ, còn phức tạp và kinh điển hơn nữa.
 Rượu chọn theo tuổi rượu, còn trên nơi chốn chào đời, trên mùa rượu xấu, tốt. Cùng một ngọn đồi Côte du Rhône, sườn đồi đông nhiều mặt trời, vị nho đã khác với đồi tây không nắng. Mỗi năm nho cũng một khác. Năm được mùa, nhờ thời tiết và mưa nắng thuận hòa, chưa cần ngon vì nấu, cất, rượu đã ngon từ trên cành ngon đi.
Vắn tắt, phải có thời gian, phải có năm tháng. Chưa tới được trưởng thành những đời người chưa đủ số nếm sinh nhật. Rượu ngon hệt vậy. 
Muốn xuất sắc phải một rừng nến thắp, đừng một ngọn đã cắt liền bánh ăn. Thâm niên, có quá khứ, rượu ngon hơn bội phần nhờ thời gian là người thợ hoàn chỉnh siêu việt, biến được rượu từ trạng thái khởi đầu xóc gắt tới cái trạng thái gấm nhung đậm đà, ông Lý Bạch uống một hớp uống cả nỗi buồn vạn cổ, cụ Tản Đà làm một tợp, thấy cả “nước đi đi mãi không về cùng non!”
 Trong “Chùa Đàn,” Nguyễn Tuân đã dành nhiều trang yêu ngôn để tả cái ngon tuyệt vời của hai nhãn rượu huyền thoại. Một là “Vô Cố Nhân”, một là “Ức Sầu Viên.”
 Rượu do thiên tài Út Lãnh cất riêng cho chủ, đã tới tột đỉnh của bí truyền mà chưa thể uống ngay, trong cánh rừng Mê Thảo còn phải đủ chín tháng mười ngày hạ thổ. Thời gian đất, nước phải tới tuần, trăng phải tới vận mới đúng.
 Nóng là không được. Phải chờ. Phải chờ mới có XO; mới có Giải Bạc, mới có Ức Sầu Viên. 
Là tửu đồ đời sau, tôi yêu lắm hai câu thơ tuyệt tác của Tản Đà, tửu đồ đời trước:
“Trăm năm thơ túi rượu vò
“Ngàn năm thi sĩ tửu đồ là ai.”

Yêu cái nhịp lục bát lồng lộng. Còn yêu cái ý thời gian được nói trong thơ. Trăm năm thơ - ngàn năm rượu. 
Lâu chưa. Ghê chưa. Trăm năm, ngàn năm cả, chốc lát, chỉ là chữ và giấy mất tích, cái chất men làm cho nhức đầu. Suy diễn thêm, thấy đích thực thơ hay và rượu ngon, trong cùng một tiêu chuẩn, rượu và thơ hay từ cùng một chân lý. 
Phải mùa tốt trước đã. Mùa xấu, trái nho gầy, chế biến giỏi mấy cũng chỉ một thứ vin de table. Nho trồng trên ngọn đồi tâm hồn thi sĩ cũng vậy. 
 Xấu từ mùa từ gốc, mỹ viện cho thơ cách nào cũng không hóa trang được cái chất thơ dở thành hàng châu ngọc, đem dự thi Hoa Hậu Long Beach, rớt từ vòng đầu là tự nhiên thôi.
 Quan yếu hơn hết là yếu tố thời gian. Tôi gọi thời gian này là thời gian hạ thổ của thơ, là Cõi Thơ Bên Trong. Thơ trong đầu, trong tâm, thơ chưa thành tiếng thành lời, chính là cái mùa nho xấu hoặc tốt của từng thi sĩ. 
Địa hạt tiểu thuyết gọi đó là khoảng cách. Thiếu khoảng cách, tầm mắt chỉ nhìn thấy một phiến lá không thấy được toàn thể cánh rừng.
 Khoảng cách, trọng lượng, chiều sâu, gọi là gì cũng là thời gian cả. Thiếu thời gian là những cõi thơ thiếu tháng, đủ thời gian thơ là Vô Cố Nhân chín tháng mười ngày. Quy luật ấy của đời sống cũng là quy luật thơ. Từ những mạch nước dồn đẩy mới có con suối thủy tinh.
 Lúa mẩy hạt từ mạ lực lưỡng. Phải cả một mùa nắng mới có kết tinh của đường của mật, và một trăm đêm sương mới có một bình minh hoa nở đầy cành. Đó là vận trình của thơ đi tới thơ hay.
 Vận trình đó bao giờ cũng thấy ở những tài thơ lớn. 
Nhận định về người thơ và tiến trình của thơ hắn với chính hắn, thì thời gian gần đây Du Tử Lê làm thơ hay, có nhiều thơ hay, trong cái nhìn của tôi và như phiếm luận nhỏ về rượu ở trên về rượu, trước hết là bởi trên ngọn đồi Côte du Rhône ở Ranchero Way, nhà thơ vừa có một năm nho, một mùa nho đặc biệt. Rồi cất, nấu cũng tinh xảo hơn. 
Rồi hạ thổ nữa, đầy đủ tháng ngày. Những bài tôi yêu và cho là xuất sắc nhất trong “Love Poems” cho thấy rõ vậy.
 Rằng có thể vẫn trong dòng rung động trữ tình của những bài thơ đã làm trong quá khứ – tính chất đồng nhất của tác phẩm là bản thể bất biến của thi sĩ – nhưng chất thơ của thi sĩ bây giờ mới thật sự và hoàn toàn loại bỏ được cái xóc, cái gắt để chỉ còn cái đằm, cái đằm trong dáng điệu của bài thơ và hình ảnh của lời thơ.
 Rằng hầm rượu dưới đất, bông hồng trong tuyết, cõi thơ bên trong, con tầm và tơ vàng, cái chai mờ trong tiệm rượu của Thuận, một tiến trình đã viên mãn tới bến. Rằng thơ đã có “hương thời gian tím ngát”
 – Thơ còn có “màu thời gian thanh thanh” và thơ hay. 
“tôi ngồi trong cõi tôi, riêng
“bên trong ghế lạnh, ngoài hiên bóng, rời
“phòng tôi trần thiết gương người
“tường sơn kỷ niệm, vách bồi dáng xưa
“tóc người chảy suốt cơn mưa
“ngực thơm hoa bưởi, môi đưa bão, về...”

Thấy chưa, thời gian. Ngồi thiệt lâu đấy. Không đứng ngay lên ngay. Ngồi kỹ. 
Tới ghế lạnh đi, bóng rời đi kia mà. Tới “ngực thơm hoa bưởi, môi đưa bão về” “vưỡn” cứ còn ngồi kia mà.
 Bởi thế thơ có “tháng tám về rất lạ,” có “tháng chín” nắng về còn kỳ lạ hơn nữa. 
Bởi thế có thơ hình người trong gương, dáng người trên tường, lấp lánh thật nhiều hình tượng sinh động trong căn phòng tâm hồn đó mà Du Tử Lê gọi chung là “Cõi Tôi Riêng.” 

“em về thăm thẳm núi, non
“hồn sông, lòng suối, thịt, xương chốn nào
“mai quên nhau, mất lời chào
“hôm nay chăn, gối vẫn ngào ngạt hương...”


Đêm ra mắt “Thơ Tình” ở Lup, tôi cũng có dưới gầm bàn một chai mờ. Bèn cùng Hoàng Anh Tuấn làm một ly cho “thăm thẳm núi, non,” cho “môi đưa bão về.” 
Rồi lên đọc mấy câu thơ trên của “Thơ Tình.”
 Được lắm. Thấy là hồn sông, lòng suối. Thấy là vách bồi dáng xưa. Thấy là tường sơn kỷ niệm. Thấy là thăm thẳm núi, non.

                                      Mai Thảo

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

Bữa nhậu rau càng cua


Anh mới xây căn nhà, nhỏ thôi nhưng cũng gắng dành một chút đất chừng hơn mét vuông ngoài sân làm chỗ trồng cây, coi như có chút thiên nhiên cho mát mẻ căn nhà bê tông dày đặc.
Rồi một hôm anh thấy từ mảnh đất đó bỗng nhú lên một đám cỏ xanh mướt mắt. 

Anh định bụng rảnh sẽ kiếm cái cuốc dọn sạch thì một bữa có người bạn ghé chơi. Vừa nhìn thấy đám cỏ, người bạn reo: “A! Rau càng cua!
 Chiều này mình có bữa nhậu ngon rồi”.
Người bạn nổi tiếng khéo nấu ăn thời đại học với anh chạy vào bếp lấy cái rổ ra hái. 

Chỉ miếng đất chút xíu mà nhiều rau thật. Nhặt kỹ ngọn, rửa sạch rồi hong cho ráo nước, người bạn lục tủ lạnh. Anh ngần ngại: “Vợ chồng mình không thường ăn ở nhà nên tủ lạnh ít trữ đồ lắm”.
 “Không sao. 
Còn 2 quả trứng vịt, quả chanh, đường ớt, như vậy là đủ rồi”.
Quả chanh nặn hết nước ra một cái chén, pha thêm đường, nước mắm. Rau càng cua ráo nước được xếp ra một cái thẩu lớn rồi người bạn rưới đều hỗn hợp nước đã chế biến vào, trộn cho thật đều. Trứng luộc chín, bóc vỏ cắt làm 4 phần, xếp đều đặn lên trên thẩu rau đã trộn.
“Xong rồi

- Người bạn gọi
- Đem rượu ra đây đi”.
 Rau càng cua trộn chanh có vị hơi chua, ngọt thanh và giòn. Thêm miếng trứng bùi bùi ngậy ngậy đệm vào, anh ăn liền mấy miếng rồi thốt: “Tuyệt vời”. 
Người bạn hào hứng khoe kiến thức về rau càng cua, nào là rau này toàn tự nhiên mọc mà chẳng phải gieo trồng chăm sóc gì nên được xếp vào hạng rau siêu sạch, nào là càng cua chỉ làm món trộn mới ngon.
Nghèo thì trộn với trứng, với cá hộp, tôm khô. Cao cấp hơn thì với thịt bò xào tái, trứng cá hồi. 

Không dùng chanh trộn thì dùng dấm, sang hơn thì nước sốt Mayonnaise. Rau càng cua ăn mát, giải nhiệt và chống đau lưng nhức mỏi tay chân.
Rau mọc ở bất cứ chỗ nào, góc sân, mé vườn cho tới một nhúm đất cao trên nhành hoa lan cũng có thể tự nhiên một hôm có vài nhánh rau mọc lên. 

 Bữa nhậu chỉ có thẩu rau làm mồi, thêm mớ kiến thức cũng chỉ về rau nhưng cũng làm cạn hơn nửa bình rượu 3 lít.
 Và từ đó anh đâm mê món rau càng cua- quà tặng đến từ thiên nhiên.
Người bạn anh giờ đã đi xa đến nửa vòng trái đất, ngồi online với nhau luôn nhắc về những kỷ niệm xưa nơi quê nhà.

 Đặc biệt những ngày gần Tết, bạn lại đòi anh kể về không khí đón Tết.
 Hôm rồi đầu xuân, thấy đám rau càng cua bắt đầu nhu nhú, gặp bạn trên mạng anh bảo: “À! Đám đất nhà mình rau càng cua lại mọc rồi đấy. Hy vọng cậu sẽ về để làm món rau trộn”.
Đầu bên kia im lặng. Rồi những dòng chữ nhấp nháy hiện lên: “Trời ơi! Nhớ quê quá!

 Bên này làm sao có món rau càng cua trộn mà ăn bây giờ”. Rồi lại im lặng. Có lẽ bạn đang khóc.

                                            Trọng Thịnh

Những Giấc Mơ




Viết nhân chuyến đi Đài Bắc, một lần được nghe tâm sự của một cô dâu ViệtNam.)Có lúc trăng soi dạng lưỡi liềm, nhọn như dao, không khắc vào tim mà lòng vẫn nhói đau. Cũng có lúc trăng chênh chếch như giọt nước mắt khổng lồ thổn thức giữa bầu trời hiu quạnh đen tuyền màu u uẩn. 
Bao tiếng gió miên man rầm rì giữa hàng cây lá vẫn không làm trăng tươi. 
Trăng ủ rũ, trăng tư lự, trăng ngẩn ngơ buồn, trăng soi rọi tâm tư lũ con gái chúng tôi
.Tôi nằm bên chồng, nghe tiếng ngáy đều của anh mà thấy lẻ loi, cô độc vô cùng. 
Chợt thấy thương má, thương mình. Má đã bao nhiêu năm nằm một mình, hẳn má thấy lạnh lẽo, cô đơn trong đêm về tịch mịch. Nhưng còn tôi, hơi thở của chồng xoắn xít quanh đây mà sao sương đêm vẫn hoang lạnh?
Tôi phải tập yêu chồng tôi, vị cứu tinh cho đời sống chật vật của gia đình tôi. Điều này trên lý thuyết cũng không khó lắm. Nhưng trong trái tim ngoan cố của tôi, cho đến bây giờ sự biết ơn vẫn còn rõ nét hơn nỗi rạo rực yêu thương.
Tôi như hàng vạn người con gái Việt Nam về quê hương chồng Đài Bắc này để tìm một lối thoát cho cuộc sống vô vọng đã đeo đuổi chúng tôi ngay từ thuở lọt lòng. Quê mẹ nghèo quá, bàn tay mẹ gầy guộc quá, vì thế dù lòng mẹ có thật bao la cũng không giữ được lũ con gái chúng tôi ở lại vùng đất quê hương.Tôi ra đời sau thời chinh chiến. Nhưng má luôn đăm chiêu thở dài, hòa bình đã về nhưng sao đất nước lại đìu hiu tiêu điều hơn lúc nào hết. Ánh mắt má ngày càng da diết nỗi sầu muộn. Sau ngày thống nhất là ngày hận thù được thăng hoa, ba phải đi vào tù cải tạo. 
Má là cô giáo một trường tiểu học.
 Đất nước thanh bình, ai cũng nghèo, người ta cần gạo cơm chứ đâu cần chữ nghĩa nữa. Má như một kẻ thua trận, gồng gánh đưa lũ con về quê ngoại.
 Má giã từ Sài Gòn nhốn nháo, giã từ dĩ vãng, giã từ cuộc sống an bình ngày xưa. Má tảo tần nuôi con, nuôi chồng. Rồi ba cũng về sau những tháng ngày lao tù học làm người của xã hội chủ nghĩa. Rồi tôi ra đời. Và rồi ba lại ra đi kiếm tìm tự do trên những con tàu chơi vơi. 
Ba đi tìm tương lai cho cả gia đình, nhưng ba đã không bao giờ trở lại. Ba đã yên nghỉ trong lòng đại dương. Đã không còn phiền não, không còn trầm tư trong đôi mắt ôn nhu ngày nào. 
Chỉ thương cho Ba, ra đi trước khi được về thăm quê nội ở bên kia bờ Bến Hải.
 (Tôi đã được nghe chuyện kể về một dòng sông nhỏ nhưng đã có một thời là lằn ranh ngăn cách lãnh thổ độc tài phía Bắc và vùng đất tự do phương Nam).
 Ba ghé nhân gian ngắn ngủi nhưng để lại nỗi đau dài cho người cô phụ. Nụ cười hiếm hoi trên môi má đã tắt lịm từ ngày ba vĩnh viễn ra đi. Má vượt qua nỗi chết của tâm hồn, gắng gượng sống cho đàn con.
Má tôi vẫn mặc cảm, sợ lũ con thất học, cho nên vẫn cố gắng dạy chúng tôi học. Tựa như trong thời buổi gạo châu, củi quế, má bất lực không tìm được thức ăn đưa vào miệng mồm nên để bù lại má ra sức nhồi chữ nghĩa vào đầu chị em tôi. 
Bây giờ đôi khi nghĩ lại tôi vẫn thầm trách má làm những việc tào lao. 
Chút vốn liếng sách vở đã không đem được sự no ấm cho gia đình chúng tôi, có chăng chỉ rọi sáng tâm tư khắc khoải, nỗi hoài nghi trong một xứ sở đã thống nhất thanh bình. Nỗi bâng khuâng ngày càng lan tỏa, và cái nghèo túng như những mạng lưới chằng chịt, dù đã vùng vẫy chúng tôi vẫn không tài nào thoát khỏi sự bủa vây của túng quẫn, nhọc nhằn. 
Chị em tôi bó gối nhìn nhau, nhìn má ngày càng võ vàng vì những cơn bệnh trầm kha không phương tiện chữa trị. Để rồi một ngày, tôi vùng mình đứng dậy, đốt hết những giấc mơ vốn dĩ rất đơn giản đến tội nghiệp của mình, nhắm mắt, khép lòng đi tìm tương lai trong những nơi chốn lạ lùng.
 Ở đó chúng tôi đã hết là người, đơn thuần là những món hàng, quên hết kiêu hãnh ngượng ngùng, tôi đứng trơ khoe bày tấm thân thể ngà ngọc, danh từ má gọi yêu thương ngày nhỏ. Tại nơi chốn bát nháo đó, nơi mà ranh giới người và vật đã thật mờ nhạt, tôi gặp chồng tôi.
Chồng tôi thoát chết sau một cơn cháy lúc còn bé. Tai nạn này đã để lại những vết tích không xoá được trên gương mặt nhăn nhúm của anh làm cho anh có vẻ dữ dằn, hung tợn.
Cũng may là còn đôi mắt lấp lánh tình người, đôi mắt thật đôn hậu tương phản với nét cau có gây nên bởi những vết sẹo phỏng năm xưa.
 Cũng may là ngày đầu gặp gỡ, giữa chốn chợ người, anh đã không sờ soạng, nắn bóp tôi cho tôi quên đi cái mặc cảm mình là món hàng biết khóc, biết nói, biết đau, biết tủi.Mãi sau này tôi mới biết tại sao chồng tôi đã chọn ngay tôi gìữa bao nhiêu cô gái khác. Tôi đã biết tại sao anh đã chọn tôi mà không cần vạch mắt, căng miệng tôi ra khám xét như những người đàn ông khác.
 Tôi không đẹp nhưng tôi có cái may mắn nhang nhác giống cô láng giềng mà anh thầm yêu trộm nhớ ngày xưa. 
Sau này anh tâm sự, ngay khi chạm mặt tôi lần đầu anh đã giật mình tưởng được tao ngộ cùng cố nhân. Tất nhiên cố nhân đã thật xa ngoài tầm tay với của anh. Tất nhiên, người con gái ngày xưa đã chẳng bao giờ đoái hoài đến cậu thanh niên tật nguyền, dị dạng. 
Và bây giờ chồng tôi tìm niềm an ủi bên tôi. Đã bao nhiêu lần, tôi vẫn cám ơn thượng đế về sự trùng hợp huyền diệu này. Nó đã cho tôi cơm ăn, áo mặc, tiền thuốc men cho má và một mái gia đình với một người chồng dù dị hình, xấu xí, dù không đồng ngôn ngữ, không đồng quá khứ, dù gia đình chồng nhìn tôi bằng những ánh mắt lãnh đạm, đôi khi rõ nét miệt khinh. 
Mà có sao đâu những cuộc hôn nhân lệch lạc, má vẫn nói nghĩa vợ chồng bền chặt hơn tình yêu lãng mạn, mong rằng tôi và chồng tôi vẫn sóng bước đồng hành để trong đời sống của tôi không phải chỉ có những mất mát. 
Tôi nhớ ơn chồng nhưng chưa yêu anh được. Cho đến bây giờ mỗi lần ân ái, tôi vẫn phải nhắm nghiền mắt để che dấu nỗi e dè, ngại ngùng khi khuôn mặt nứt nẻ những vết thẹo dọc ngang của anh thật cận kề. Có lẻ vì chưa yêu nên tôi chẳng hề ghen tuông với người trong mộng của chồng.
 Hay khi người ta đã quá nghèo khổ, quá cơ cực, quá tuyệt vọng thì điều chúng ta băn khoăn nhất không phải là những yêu ghét giận hờn. Vả lại, ở xứ sở này, trong hoàn cảnh chúng tôi, cứ hãy ngu ngơ như cỏ cây, và phẳng lì như phiến đá để tâm hồn được an tịnh hơn là để những suy tư chao động cho lòng thêm chất ngất những niềm đau.
Tuy nhiên cái nghèo đói quá độ cũng có những khuyết điểm của nó. Cái nghèo đã như màn đêm dày dặc chôn kín giấc mơ tươi đẹp thời con gái. Những cánh đóm lập loè trên cánh đồng chết không có đủ sức để thắp sáng những giấc mơ đầu đời. Và những ngọn gió èo uột đã không chở nổi những suy tư của chúng tôi ra khỏi tầm hạn cơm gạo đói no. 
Hình như vì thế tôi đã đánh mất thói quen mơ mộng, có lẽ như thế lại hay.
Có những buổi chiều ra chợ, tôi thoáng gặp những đồng hương. Những cô gái thất thểu, mỏi mệt lạc lõng giữa rừng người. Tim tôi luôn nao nao nỗi xúc cảm, không phải vì đôi khi phát giác ra những vết tím bầm trên mí mắt vành môi của một hai chị bạn mà là nét đặc thù của nhân dáng Việt Nam trên thành phố Đài Bắc này; những chiếc bóng xiêu xiêu chịu đựng, những ánh mắt thảng thốt, hoang mang và buồn vô tận.
 Tôi tưởng tượng trong vô vàn cảnh vật, tôi khó mà lẫn lộn được những hình hài tang thương và lẻ loi đó. Các chị nhìn tôi ước ao thèm muốn: chị may mắn, một chồng một vợ. Còn tụi tui không hơn một món hàng hết qua tay người này lại đến tay người khác. 
Riết rồi không còn biết ai mới thật là chồng…
Hay là: kiếp trước tui ở ác, nên bây giờ phải chịu nghiệp quả. Mà thật, tôi đã quá may mắn, tôi không bị đánh đập, không bị chuyền tay từ người đàn ông này qua người đàn ông khác. Nhưng tim tôi vẫn khắc khoải, hồn tôi vẫn cô đơn, tâm tư tôi vẫn chia sẻ niềm tủi nhục của những chị bạn.
 Có nơi nào trên trái đất tuổi đôi mươi đồng nghĩa với những đường cùng ngõ hẹp như ở quê hương tôi?
 Tất cả chúng tôi đều ôm ấp một niềm đau, chúng tôi đã không bao giờ có tuổi thanh xuân. Hạnh phúc là một từ trừu tượng, tương lai đồng nghĩa với bấp bênh, vực bẫy. Có ai hiểu những khuấy động trong tâm hồn đã chịu nhiều thương tổn của lũ con gái chúng tôi mà xót xa tội nghiệp?
 Chúng tôi thường đọc thấy những nét rẻ khinh trong mắt người bản xứ, tôi thường phân vân tự hỏi mình đã làm gì nên tội ngoài cái tội dám mơ ước thoát cảnh khốn cùng. Chỉ mong sao những người cùng tiếng nói đừng khinh miệt những cánh chim phiêu bạt đáng thương của lũ chúng tôi.Có những chiều nhìn từng đàn chim bay về cuối trời, đôi khi nghe tiếng cánh vỗ chấp chới hai tiếng “về đâu”, “về đâu”; tim tôi rưng rưng khóc. Ở quê nhà tôi cũng nghe tiếng chim kêu trong nắng chiều chập choạng nhưng không thê lương như ở quê chồng. 
Về đâu, biết đâu mà về. Chúng tôi đã nhận nơi này làm quê hương nhưng tại nơi này biết bao nhiêu thân phận đàn bà Việt Nam đã bị vùi dập. Còn quê nhà tuy không xa tít mịt mờ nhưng như đã khép lối.
 Tôi nhớ hoài những ngày tuổi nhỏ, bên thân cầu, nhìn đám lục bình lênh đênh giữa dòng sông, lòng cứ thầm hỏi những cánh hoa tim tím này sẽ trôi về đâu. Bây giờ, bâng khuâng nhớ lại những cánh lục bình ngày xưa, tôi chợt ngậm ngùi, số phận mình đã như đám lục bình nổi trôi. 
Ôi những mảnh đời trôi giạt giữa dòng đời vô tình, biết sẽ ra sao ngày mai.Thật ra tôi vẫn còn quyến luyến quê hương mình. Một quê hương đã không biết nuôi dưỡng, bảo vệ những người con gái yếu đuối, đa cảm. 
Để trong đêm về trên thành phố Đài Bắc, có bao tiếng khóc Việt Nam, tỉ tê nức nở, khóc cho mình, cho những giấc mơ sớm bị tàn lụi. Lỗi về ai, trách nhiệm về ai? 
Trên đất nước với ngọn cờ máu, không ai có can đảm nhận. Và từng đàn thiếu nữ tựa những thiêu thân vẫn cứ ào ạt ra đi như nước tràn thác lũ. 
Có bao nhiêu thiêu thân đã cháy rụi trong ngọn lửa hững hờ, và có bao nhiêu người được sự may mắn tình cờ như tôi.Dẫu nhiều cay đắng, dẫu lắm oan khiên, quê hương ta đó, làm sao quên được.Đến một ngày, tôi không có tháng, người uể oải, chếnh choáng với những cơn nôn mửa bất chợt. Rồi giật mình, mình sắp có con.
 Tôi nhớ mãi cái cảm giác ngất ngây trước những diệu kỳ của đời sống. Lần đầu tiên trong đời, lạc lõng nơi thành phố này, trong tôi có sự kết tạo, có nỗi chờ mong và một tình cảm tuy đang manh nha nhưng đã thật dạt dào, mãnh liệt. 
Đêm đã thôi âm u trầm mặc, ngày đã bớt lê thê muộn phiền. Tiếng khóc chào đời của con chưa rơi xuống trần, nhưng ước mơ hạnh phúc đã vội vã vươn cao. 
Ôi cái sinh linh nhỏ bé đang nhỏ từng giọt hồi sinh nhiệm mầu trên tâm hồn héo úa của tôi. 
Ngọn lửa đã được khơi dậy từ những tàn tro. Tôi đã sống dậy từ bao nỗi chết.
 Trong tôi bao phác họa muôn màu về một ngày mai khi đứa con bé nhỏ của tôi bước những bước thơ ngây vào đời. Tôi lại bắt đầu nuôi dưỡng những giấc mơ. Rồi từng ngày tháng trôi đi trong háo hức lẫn băn khoăn tư lự.
 Con chưa mở mắt, nhưng tim đã ấp ủ bao lời tâm sự của má. Quê hương Việt Nam ngàn trùng xa mà những điệu hò ru con đã rất nồng nàn quanh đây. Con sẽ được nuôi dưỡng bằng dòng sữa mẹ, bằng trái tim tha thiết tình hoài hương. 
Ước ao sao con sẽ yêu thương quê ngoại như má luôn trân trọng nơi chốn má chào đời.Nếu một ngày nào, theo bước của ba, con về quê ngoại tìm người bạn đời. Con hãy nhìn bằng mắt và bằng tim. Đừng sử dụng đôi tay mà gây vỡ vụn những trái tim mảnh khảnh, nhỏ nhít, đáng thương.
 Tội lắm cho người con gái. Con có biết sau những nụ cười gần như vô cảm là những tiếng nỉ non, thút thít đến não nề, ai oán. Con có hay sau những thân thể toàn vẹn là những tâm hồn tơi tả với những đắn đo, sợ hãi, tủi hờn bởi quá nhiều giông bão chung quanh.Má ao ước, một ngày con lớn khôn, má để dành được tiền, ta về quê thăm ngoại. 
Về quê má, con sẽ hỏi tại sao quê ngoại nghèo quá, sao quê ngoại tiêu điều, buồn bã quá. Sao những người quê ngoại mang đôi mắt xa xăm, u hoài, như mắt của má. Má cũng như con đã không bao giờ biết đến một thời trên quê ngoại, mùa giáp hạt cũng là mùa nụ cười nở trên môi mọi người. 
Tiếng sáo diều dập dìu trên khắp nẻo quê hương, tiếng cười đùa trẻ thơ đã gảy nên những tấu khúc tuyệt vời của làng quê năm cũ, những năm quê ta chưa có ngọn cờ đỏ. 
Ta có sẽ bao giờ nghe được giọng hò trong thanh trên những cánh đồng thênh thang trĩu nặng bông lúa vàng của những ngày đất nước thật sự thanh bình. 
Ngày ấy có những thanh niên thiếu nữ sẽ để giấc mơ đầu đời, giấc mộng tình yêu bay bổng vươn cao qua gió ngàn, mênh mang trải trên những cánh đồng bát ngát để thấy tình mình cũng đơm hoa như những cánh đồng ngập lúa. Ôi những giấc mơ no ấm, an hòa bao giờ ta sẽ có…
Lời ngoại kể về quê hương êm đềm của ngày xưa cũ như một chuyện cổ tích. 
Nhưng má vẫn nuôi niềm mơ ước về một ngày mai quê ta hết nghèo đói cho những người đàn bà Việt Nam không phải thân cò lặn lội đường xa, làm dâu xứ lạ với những ê chề như những người trong thế hệ sinh sau ngày chiến thắng của phương Bắc.
Má sẽ đặt tên con là Sinh, sự Hồi Sinh của niềm hy vọng tưởng đã lụn tắt sau bao gió bão.
Má sẽ dạy cho con làm người Việt Nam thật sự, những người sanh ra từ bên này biển Thái Bình với tâm tư chất chứa hồn Quốc Toản, Bắc, Giang.
 Qua bao đói no thăng trầm, qua bao hệ lụy thử thách, xa quê hương, hướng về quê mẹ, má chợt thấy mình chín chắn trưởng thành, lòng yêu mến quê cha đất tổ trỗi dậy thắm thiết.
 Hơn bao giờ hết má thấy mình thật gắn bó với quê nhà lận đận.Việt Nam, Việt Nam, quê hương xa xôi quá, còn có bao giờ nhớ đến chúng tôi ?
 Xin một ngày quê tôi thật sự an bình để những người con Việt Nam có thể trở về nơi đất mẹ.
 Ngày ấy những giấc mơ sẽ thật sự được trổi mầm, cho trái tim Việt Nam được xanh một màu hy vọng, cho con người Việt Nam được kết sáng những giấc mơ kiêu hãnh.
 Ngày ấy đêm Đài Bắc sẽ thôi không còn tiếng khóc của những thiếu nữ lạc loài. Ngày ấy chúng tôi thôi hết kiếp luân lưu nhục nhằn.Xin một ngày, giấc mơ trở thành hiện thực!

                                                  CT B Ngoc

Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2013

Nghe Kenny Rogers & George Michael



Những hàng cây xanh của Sài Gòn




 Những hàng cây xanh của Sài Gòn ngày xưa.
 Làm sao có thể quên được, phải không các bạn?
 Bao nhiêu nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ đã ca tụng.
Con đường Duy Tân cây dài bóng mát
Buổi chiều công viên mây trời xanh ngát 
 Uống ly chanh đường...

 
Mà không cứ gì nhà văn, nhà thơ, mỗi chúng ta đều thấy những hàng cây ấy là đẹp và mỗi người đều có kỷ niệm riêng ở một góc nào đó trên các đường phố của Sài Gòn năm xưa.
 Hãy nhớ lại xem... Đường Tự Do, Duy Tân, Nguyễn Du, Tú Xương, Huyền Trân Công Chúa, Hồng Thập Tự, Phan Đình Phùng, Pasteur, Công Lý, Bùi Thị Xuân, Chu Mạnh Trinh... đã bao lần in bóng anh và em.
 Có phải chúng ta từng nắm tay nhau đi trên những con đường ấy.

 Hay cùng đạp xe song song.
 Hay anh chở em bằng vélo solex... 
Anh bạn của Tim này - nhà báo KTuấn, nay không còn nữa - kể lại rằng những đêm khuya, từ phòng trà Đêm Màu Hồng ra, anh và TCầm thường đi bộ dọc theo đường Tự Do về phía Nhà Thờ Đức Bà, vừa đi vừa hôn nhau.
 Ôi, mê ly! Mà đâu có phải chỉ riêng bạn KTuấn làm cái chuyện cực kỳ lãng mạn ấy.
 Thành thật khai báo đi.
 Nếu có bạn nào từng ở Sài Gòn mà không qua cảnh vừa nói thì cứ đè đầu Tim này xuống mà cạo trọc lóc như ....! 
Riêng Nguyễn, xin thú thiệt cũng đã có đôi lần trên con đường Duy Tân hay ở góc công viên nào đó.
 Bởi vậy cho nên ngồi gõ máy những dòng này mà nhớ những hàng cây của Sài Gòn ơi là nhớ....

Mà hẳn bạn cũng biết những cái cây cho bóng mát lâu năm nhất trên những con đường của Sài Gòn là những cây gì. 
Đó là cây dầu, cây sao, cây me...
 Lác đác có cây cao su ở đường Tú Xương hay xế góc Hồ Con Rùa.
 Ngoài ra còn cây giả tị, lá lớn và xanh ngời, ở đâu đó trên đường Công Lý...
 Nghe nói còn có cây dái ngựa nữa mà Nguyễn không biết hình thù nó ra sao và ở đâu.
 Chắc phải tìm đọc lại cụ Vương Hồng Sển hoặc hỏi vị nữ nhân rành thổ ngơi và thảo mộc của Sài Gòn may ra mới hình dung ra cây dái ngựa. 
May thay, mới đây nói chuyện với Bảo Huân và Bảo Sơn, mới được sáng mắt:
 Gọi là cây dái ngựa vì trái của nó to và dài rất giống với...
 Riêng Tim Nguyễn chỉ biết một điều là cây dầu, cây sao, cây me là loại cây chậm lớn, phải cỡ vài chục năm mới cho bóng mát.
 Quả thật như vậy, nhìn lại những tấm ảnh cũ chụp đường phố Sài Gòn cách đây hơn trăm năm, bạn sẽ thấy những cây dầu, sao, me ở trung tâm thành phố còn thấp lè tè.
 Thế đấy. Để trồng cây mất cỡ chục năm.
 Mà trồng me trồng dầu và sao có khi phải tới năm bảy chục năm. 
Vậy mà các chức sắc CS ở Sài Gòn lại cho đốn đi, không thương tiếc.
 Em ơi, mai này anh và em có dịp trở lại thành phố ấy và đi trên con đường Duy Tân ngày xưa tìm đâu thấy những cánh dầu màu nâu bay bay xoay tròn trong gió để rồi rớt trên vai áo em.
 Những bông dầu khô ngày ấy đã chết tuyệt tích tự bao giờ.
Cũng với lòng hoài vọng lãng mạn, Tim xin mượn lời của nhà báo Nguyên Trang trên báo Trẻ nói thêm đôi điều về cây dầu:
 “Cây Dầu là loại cây rừng cho gỗ, thân có nhựa dùng để trét ghe rất tốt, nên người ta cũng gọi là Dầu rái, hoặc có người gọi là Dầu dù.
 Trái dầu có hai cánh lá, nhưng nói là hai cánh hoa thì đúng hơn. Lúc còn non có màu hồng pha màu càphê sữa, hạt lộ ở cuống hoa.
 Hạt non màu xanh có khía giống như hạt xí muội.
 Đến cuối Tháng Bảy thì trái dầu già khô lại.
 Trái cùng hai cánh hoa ngả sang màu nâu đất sét. 
Chỉ cần một chiều lộng gió, những cánh hoa già rời khỏi cành mẹ bung ra như cơn mưa dù, xoay tít bay bay trong không trung mang theo chiếc hạt, nhẹ nhàng đáp xuống mặt đất.”
Và nhà báo Nguyên Trang trở về với kỷ niệm tuổi học trò. “...
 ba tôi có lần dẫn tôi đi Chợ Cũ Sài Gòn ăn phở.
 Từ nhà, hai cha con đi bằng xe ngựa, rồi lội bộ dọc theo đường Hồng Thập Tự vào vườn Tao Đàn. 
Ba tôi đi trước, tôi theo sau giẫm chân lên những chiếc lá khô xào xạc giống như đang thám hiểm trong một cánh rừng già.
 Bỗng ba tôi cúi xuống nhặt những cái trái có hai cọng lá khô và hỏi tôi biết trái gì không, rồi bảo tôi quăng chúng lên trời.
 Kể từ sau đó những trái Dầu dù theo tôi đến lớp cùng chúng bạn thả từ lầu ba xuống chào đón ngày khai giảng năm học mới, khi mà những cánh phượng hồng đã rời xa mùa hạ.”

              Tim N 
          @@@ tks t/g !