Trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 27 tháng 6, 2013

Có một buổi chiều nào


Rồi ngày mai trong một giấc mơ
Em có gặp lại những gì đã mất
Trường lớp lạ ngày nào ta biết mặt
Bạn bè đông tan học rủ nhau về
Những tên người vô cớ gọi trong mê
Sáng thức dậy thấy lòng vui rộn rã
Những bài thơ chuyền tay nhau vội vã


Bỗng ngày nào anh chợt nhận ra em
Một tên người xa lạ tự nhiên quen
Từ lúc ấy lòng anh như trẻ mãi
Và lòng em cũng vô cùng thơ dại
Ta yêu nhau không có một lí do nào
Khắp đất trời mới mẻ lạ lùng sao
Thế giới đẹp như trang hoàng trở lại
Những chiếc lá rụng trong chiều lộng lẫy
Cũng nghiêng mình thủ thí lúc ta qua
Và một điều huyền bí được sinh ra

Như tất cả, hẳn là em cũng có
Những ngăn kép của lòng mình nho nhỏ
Ngăn giấu ô mai, ngăn giấu vui buồn
Và ngăn nào cất giữ những nụ hôn
Ngăn nào nữa cất những lời hứa hẹn
Dẫu lời hứa không bao giờ đúng hẹn
Những chuyến tàu lỡ bến đã từ lâu
Giữa những mặt người thấp thoáng qua mau
Em có thấy bóng ai đang sững lại
Ấy là anh của một thời trẻ dại

Rồi ngày mai trong một giấc mơ nào
Em có gặp lại những gì đã mất
Những thanh kẹo nguyên màu trong kí ức

Vẫn chưa bong lớp giấy cuối cùng
Một bầu trời lặng lẽ đến bao dung
Tiếng chân bước nôn nao ngoài cửa lớp
Trong ánh mắt bao niềm vui choáng ngợp
Mỗi ngày qua như một chuyến đi dài
Tiếng cuộc đời giục giã ở bên tai

Kỉ niệm cũ xếp đầy trong trí nhớ
Như nét mực thấm qua từng trang vở
Bàn tay em hờ hững lật qua dần
Có lúc nào em dừng lại, bâng khuâng
Như bóng nắng ngoài kia chưa nỡ tắt
Mặt trời xuống sợ ngày vui sẽ hết .
 


Rồi ngày mai trong một buổi chiều nào
Trên con đường bóng tối phủ từ lâu
Em mệt mỏi giữa dòng đời khắc nghiệt
Những lúc ấy có bao giờ em biết
Những tháng ngày tươi đẹp đã trôi qua
Có một phần lầm lỗi của đôi ta ?


 Nguyễn Nhật Ánh

Truyện Ngắn 23 Tầng Người


Tôi, chiếc thang máy hiện hữu trong một tòa nhà văn phòng sang trọng tọa lạc ở trung tâm thành phố - một phương tiện mà hẳn bạn cũng như bao người khác vẫn cho là vô tri vô giác, nhàm chán và tẻ nhạt, chỉ với mỗi việc lên xuống đều đặn như một con thoi, đưa người ta đến những nơi cần đến theo lập trình bấm nút. Nhưng bạn nhầm rồi, tôi đồ rằng cuộc sống của mình thú vị hơn bất kỳ ai. 
Bởi mỗi ngày trôi qua tôi đều có cơ hội tiếp cận biết bao mẫu người thuộc nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội.
 Nhân đó, tôi quan sát, lắng nghe và nhặt nhạnh cho mình khối chuyện hay ho mà không phải ai cũng có cơ hội trải nghiệm.
Từ sáng sớm cho đến tối mịt, tôi dung nạp một lượng thông tin phong phú những gì đang diễn ra ở cuộc sống sôi động bên ngoài nhờ vào những gì người ta trao đổi với nhau khi đứng trong thang máy. 
Từ những tin tức thời sự nóng sốt như giá vàng, chứng khoán, bất động sản, tình hình kinh tế thế giới … cho đến những chuyện “thâm cung bí sử” được rỉ tai lúc thưa người. 
Chuyện cô A vừa được thăng chức vì chịu khó thường xuyên “nghỉ trưa” với sếp, anh B vừa “lên đời” xế hộp vì mang về một hợp đồng béo bở cho công ty... tôi đều được cập nhật mỗi ngày. Niềm vui giản dị của tôi là chứng kiến, lắng nghe, tổng hợp mọi mảnh ghép muôn hình vạn trạng của cuộc sống, chiêm nghiệm nó bằng con mắt thản nhiên cùng với cõi lòng thênh thang nhưng không hề rỗng tuếch.
Hằng ngày cứ vào giờ cao điểm, khoảng tầm 8 giờ sáng , 12 giờ trưa, hoặc 6 giờ chiều nghĩa là giờ bắt đầu làm việc, giờ ăn trưa và giờ ra về, người ta lại vây quanh tôi, chờ chực tôi và lắm khi lẩm bẩm càu nhàu vì mãi mà tôi vẫn chưa xuất hiện. 
Tôi lắng nghe tất cả những âm thanh của sự chờ đợi, đo đếm sự bực dọc trên những gương mặt thiếu kiên nhẫn và thầm kiêu hãnh về giá trị của mình. 
Một khi tôi mở cửa, tất cả họ ùa vào lòng tôi trên những đôi giày bóng lộn, trong những bộ cánh tươm tất kèm theo những túi xách thuộc nhiều nhãn hiệu khác nhau. Mùi nước hoa đủ loại quyện vào nhau nhưng không vì thế khiến người ta khó chịu. Bởi suy cho cùng chúng đều là loại nước hoa nền nã, thanh lịch (tất nhiên với liều lượng vừa đủ thoang thoảng) mà giới văn phòng ưa chuộng.
Sau khi đóng cửa lại, tôi lặng lẽ thực hiện phận sự chuyên chở của mình không quên điểm lại những khuôn mặt vừa quen vừa lạ. Mỗi gương mặt biểu lộ một định nghĩa khác nhau về trạng thái tâm lý. 
Có người tỏ ra rất đăm chiêu với những suy nghĩ riêng (đa phần là cánh đàn ông). 
Có người nom rất bận rộn với việc nhắn tin hoặc lạnh lùng trả lời điện thoại của ai đó (thường là các sếp). Có người lãnh đạm thờ ơ với mọi thứ xung quanh (thường là người nước ngoài).
 Có người kín đáo liếc nhìn một chiếc váy hay một đôi giày xinh xắn không phải của mình và ngấm ngầm định giá (thường là các quý cô).
 Lại có những người, thường còn trẻ, trò chuyện vui vẻ với nhau ồn ào quá mức làm xuất hiện đâu đó một vài cái nhíu mày khó chịu. Song trường hợp đó chỉ là thiểu số vì đa phần những người sử dụng tôi đều có ý thức xã hội cao. Họ luôn sẵn lòng giữ cửa thang chờ những người khác chậm chân hơn, lịch sự nhường lối ưu tiên cho phụ nữ, và mỉm cười thân thiện khi nhận được một lời cảm ơn.
Tuy nhiên bạn đừng vội kết luận rằng trong phạm vi nhỏ hẹp của một chiếc thang máy người ta chỉ biểu lộ một trạng thái cảm xúc duy nhất là mỉm cười.
 Tin tôi đi, mọi cảm xúc buồn vui, hờn giận, yêu thương của con người đều có cơ hội bộc lộ tại đây.
 Điều khác biệt có chăng là những biểu hiện hơi nhạy cảm đôi chút đều diễn ra khi thang máy đã thưa người. Nghĩa là khi thành phố đã lên đèn từ rất lâu, hầu hết nhân viên của các công ty đều đã ra về. 
Trong bối cảnh thời gian và không gian thuận lợi như vậy, tôi nhiều phen là chứng nhân thầm lặng những nụ hôn ngọt ngào của những cặp tình nhân trẻ chớp nhoáng trao nhau. Tất nhiên là sau khi hai “thủ phạm” đã hoàn toàn yên tâm rằng trên đầu tôi không có gắn camera.
Cũng có lần hiếm hoi tôi chứng kiến hành vi không được hay ho lắm của một lão nước ngoài có dáng người thấp đậm – hẳn là sếp, lần tay vào váy của cô thư ký trẻ đẹp đang đứng cạnh một cách khiếm nhã. Và khi cô gái có biểu hiện phản ứng thì từ ngày hôm sau trở đi tôi không bao giờ thấy cô ấy xuất hiện tại tòa nhà này nữa.
 Không ít lần tôi chứng kiến những giọt nước mắt, dĩ nhiên hầu hết là của phụ nữ. 
Có vô vàn lý do để một phụ nữ âm thầm khóc một mình trong thang máy hoặc lặng lẽ cúi mặt giấu đi đôi mắt đã đỏ hoe cùng cánh mũi phập phồng khi ai đó bước vào.
Nhưng ấn tượng sâu sắc nhất mà có lẽ suốt đời này tôi không thể nào quên lại là giọt nước mắt của một người đàn ông. Vào một tối mùa hè khá muộn, tôi đón người đàn ông ấy từ một tầng khá cao của tòa nhà với dáng điệu thiểu não cùng một gương mặt nhợt nhạt đến vô hồn. 
Anh nặng nề lê gót vào thang máy bấm số tầng trệt để ra về. Nhưng khi đến nơi, anh lại đổi ý quay trở vào và bấm số 23 - tầng cao nhất của tòa nhà. Rồi sau đó, một lần nữa anh ta trở vào bấm tầng trệt. Cuối cùng không biết nghĩ sao anh lại đổi ý, quay lên trên. 
Tôi bực mình rồi đấy nhé. Nhưng biết làm sao, tôi vẫn phải thực hiện nhiệm vụ của mình. Thời gian đôi khi thiếu thốn đối với người này nhưng lại quá thừa thãi với kẻ khác, tôi tự an ủi mình như vậy và hơi bất ngờ khi trông thấy một giọt nước mắt rỉ ra từ khóe mắt đầy nỗi tuyệt vọng của anh.
 Lần này, khi đến tầng cao nhất, anh bước ra với dáng vẻ dứt khoát và tôi để ý thấy từ giây phút đó anh không quay trở xuống nữa.
Đêm ấy tôi thức chờ anh đến sáng với những thắc mắc không lời đáp. Nhưng chỉ ngay ngày hôm sau, tôi đã có câu trả lời. 
Từ đầu giờ cho đến tận cuối ngày và cả những ngày hôm sau nữa, người ta không ngớt xôn xao bàn tán về anh.
 Anh là kế toán một công ty lớn và vì một lý do nào đó đã làm thất thoát của công ty một số tiền lớn đến mức không thể chi trả.
 Cùng đường, anh đã chọn cho mình giải pháp trốn chạy cuộc đời bằng cách gieo mình từ sân thượng của tòa nhà xuống đất. Và buồn thay, tôi chính là chứng nhân duy nhất chứng kiến sự dằn vặt tột cùng của người đàn ông tội nghiệp ấy trước khi quyết định chọn cho mình lối thoát nghiệt ngã trên.
 Phát hiện này khiến cõi lòng tôi nặng trĩu suốt một thời gian dài sau đó. Nhiều năm trôi qua nhưng ánh mắt cùng quẫn hôm nào vẫn không nguôi ám ảnh tôi như mới vừa đây thôi.
Cuộc sống ngày càng trở nên khó khăn hơn, tôi chứng kiến sự ra đi của nhiều công ty. Những gương mặt quen thuộc dần biến mất, thay vào đó là những công ty mới, những gương mặt mới, những thái độ mới.
Nếu trước đây tôi chủ yếu phục vụ tầng lớp trí thức thì giờ đây vào mỗi tối tôi phải phục vụ thêm cho một số thành phần trong xã hội khi mà người ta đã chuyển chức năng tầng cao nhất của tòa nhà thành một quán bar. 
Khách hàng về khuya của tôi phần đông là những đại gia lắm tiền thừa của sánh đôi cùng những cô gái trẻ đẹp luôn ăn mặc thiếu trước hụt sau. 
Có một điều lạ lùng là trái ngược với cuộc sống ban ngày khá im ắng vì suy thoái, cuộc sống về đêm vẫn náo nhiệt tưng bừng với những người sẵn sàng vung tiền cho những cuộc vui thâu đêm suốt sáng.
 Và khi họ ra về, mùi rượu ngoại nồng nặc cùng mùi nước hoa đắt tiền quyện vào nhau tạo thành một hỗn hợp mùi xa xỉ tỏa khắp lòng tôi.
 Kèm theo đó là những hành vi không mấy đứng đắn diễn ra như cơm bữa, như chuyện thường ngày ở huyện.
Ngày qua ngày, tôi vẫn thản nhiên làm công việc của mình với đôi mắt vô cảm. Dù muốn dù không, tôi vẫn phải cuốn theo guồng quay của cuộc sống. 
Hết xuống rồi lại lên. Hết thăng lại trầm, không ngừng chuyển động. Vì cuộc sống bên ngòai kia vẫn đang tiếp diễn.

                                         Trần Hoàng Trúc
                                                                            

Con tầu & sân ga




Con tầu sân ga” đặc biệt ghi dấu sự xuất hiện của một thần đồng thi ca: nhà thơ nữ Ngân Giang.
 Những câu thơ người ta ghi nhận được từ đầu đời của “nàng” là về con tầu, về sân ga, và đã khiến hầu như tất cả giật mình: 

Tầu về, rồi tầu lại đi
Khối vô tình ấy nhớ gì sân ga!

Ngân Giang thốt ra hai câu ấy khi cô mới 6 tuổi. Vâng, sáu tuổi.
Ra đời ngày 20 tháng 3, 1916 tại Thường Tín, Hà Ðông với cái tên Ðỗ Thị Quế, cô không được đi học, may nhờ có bà bác gái là một nữ đông y sĩ dạy cho chữ Nho, dạy làm thơ Ðường, nên cô Quế vốn đã thông minh, trở nên văn hay chữ tốt. 

Cô có thơ đăng báo đầu tiên năm 8 tuổi, và đó là một bài thơ Vịnh Kiều, và đăng trên tờ Ðông Pháp năm 1924. 
Cô cũng được tờ báo này mời viết cho mục Những Tư Tưởng Hay, và tới 13 tuổi viết cho Trung Bắc Tân Văn.
 Cô cộng tác với hầu hết báo chí lừng danh hồi ấy, song hai câu thơ sân ga, con tầu lạ thay, chính là cuộc đời của nữ sĩ: ba đời chồng, 10 đứa con, và sống một mình vào những năm tháng dài khi có tuổi.
Tôi đứng bên này cửa khổ đau
Bên kia người dạo, biết chi sầu.
Dọc đời rải rác muôn ga đón,
Khó nỗi ngồi chung một chuyến tầu. 


(Huy Cận, Cách Xa)

Ðó là một tâm sự tác giả Lửa Thiêng nói cho nhiều người.

 Nhà thơ Hồ Dzếnh, tác giả Chuyến Tầu Ðời, cũng nói giùm người ta những tâm sự khác:
Tôi sinh cách mấy nghìn sau
Vẫn bền thiên luật: lên tầu xuống ga.
Ðường đời bóng núi sông qua
Nay đang nắng mới, mai là cảnh xưa.
Có tôi tầu vẫn đông thừa
Không tôi chợ chẳng hề thưa vắng người.
Mất. Còn có nghĩa gì tôi
Tôi là chút ít của đời chút không.
...Từng phen gió lạnh bay vào
Ngẩn ngơ ta xuống ga nào hở em?

Có những người từ thủ đô miền Bắc vào thủ đô miền Nam, tính rời bỏ quê quán để đi lập nghiệp ở xứ khác, như nhà thơ Nguyễn Bính, nhà văn Thanh Nam, thuộc lớp những người chỉ chịu đặt chân xuống ở ga cuối cùng:

Xe lửa qua Gôi, qua Ninh Bình
Lần lần xe lửa tuốt vô Thanh
Quay về đất Bắc, em thầm nhủ
Nơi ấy quê ta, ôi cảm tình.

Một buổi sớm mai đến Sài Gòn
Thân em chẳng khác con chim con
Bơ vơ trong xứ người xa lạ
Rộn những phồn hoa... 


(Nguyễn Bính, Lá thư về Bắc)



Có những nơi chốn không đợi chờ ai, cho dù có biết bao nhiêu chuyến tầu qua lại: “Ngẩn ngơ ta xuống ga nào hở em?” Ngay cả có những chuyến tầu chỉ để độc hành. 
Nhà thơ Hồ Dzếnh đi với bạn, nhưng cả hai không chỗ dừng chân. Huy Cận thì không có cả một người đồng hành: “Dọc đời rải rác muôn ga đón, Khó nỗi ngồi chung một chuyến tầu.” (Bài bên trên) Ðấy là nói về những con tầu, những lữ khách, những kẻ bôn ba lên ngược xuống xuôi. 
Nhà thơ Hoài Khanh trái lại, làm một bài thơ dài cho một kẻ chờ đợi, mong ngóng.
 Tâm sự một nhà ga. Ông coi mình không phải khách giang hồ, mà là kẻ an phận. 
Giống như Ngân Giang coi mình là một sân ga, nên trách con tầu, hay những kẻ trên tầu là “khối vô tình ấy nhớ gì sân ga,” nhà thơ Hoài Khanh đã gửi gấm rất nhiều khi xuất bản thi phẩm Thân Phận (1962).
 Hoài Khanh tên thật là Võ Văn Quế, xuất bản thi phẩm đầu tay mấy năm trước, nhan đề là Dâng Rừng.
 Ðó là năm 1957, đó là Sài Gòn của lớp vừa trên dưới 20 tuổi chúng tôi. 
Tôi chưa tới 20, Hoài Khanh hơn tôi vài tuổi, trầm hơn, nhũn nhặn hơn, và chịu đựng hơn trong nhiều vấn đề.
 Chúng tôi cùng làm thơ, gửi đăng trên hầu hết các báo thời ấy, nay cũng chẳng nhớ là những báo nào, nếu không lục tìm từ những ngăn sách bụi bậm.
 Anh từng làm thư ký tòa soạn tạp chí Giữ Thơm Quê Mẹ của sư ông Nhất Hạnh vào 3 năm sau. 
Tờ báo đã qui tụ những tác giả tên tuổi, và phần lớn là những người muốn đứng ngoài cuộc chiến, không tham dự cuộc chiến. Nhà ga ở đây đóng vai một nạn nhân, một kẻ bị bỏ lại:
Tâm sự một nhà ga

...Chao ôi là heo hút!
Buồn chất nhiều lên mái ngói sân ga
Nghìn ngày đón những tầu qua
Cô đơn dâng những lòng toa mỏi mòn
Tầu đem cho hết muôn trùng
Ga buồn rũ rượi ngày mong tháng chờ.
Biết bao giờ, đến bao giờ
Cố nhân thì chỉ hững hờ mà thôi
Khách qua tầu đã xa rồi
Là thôi còn một góc trời chênh vênh.
Nắng mưa còn thắm ân tình
Dâng đời tất cả, riêng mình héo hon.
Tầu qua tầu lại vẫn còn
Ngói trơ sương nắng dáng mòn cỏ rêu...
Lệ ai nhỏ ướt sân thềm
Tầu qua thì cả ân tình theo qua...

(Hoài Khanh, Thân Phận) 

                                         
                                 St ,unknow author