Trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

Chàng Từ Khi Vào Nơi Gió Cát

 Đà Lạt đó, đất của những rừng thông ngàn năm thì thầm với gió. Đất của suối, của hoa và của những người con gái hai má đỏ hồng. Và ở đó, cũng là nơi xuất thân của những người trai luôn luôn tâm niệm nam nhi chí tại bốn phương, lấy hình ảnh oai hùng của kẻ gác ngang ngọn giáo vào ngàn hang beo làm biểu tượng. Nhắc đến Đà Lạt là có cả ngàn điều để nhớ, trăm điều để thương.

Con đường dốc quanh co, với hai hàng thông trồng dọc hai bên đường, một đầu là khu phố Hoà Bình, trái tim của Đà Lạt, một đầu là quân trường nổi tiếng, trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, nơi đào tạo những người luôn lấy hình ảnh của bốn chữ Tang Bồng Hồ Thỉ làm lý tưởng, cái biểu tượng hào hùng đó cũng là một trong những nghi thức không thể thiếu trong ngày mãn khóa: sinh viên thủ khoa của khóa, trước lễ đài, một chân quỳ gối, một tay cầm cung, một tay giương tên, bắn đi bốn hướng. Những mũi tên bắn đi từ những người trai Võ Bị đó, đã có nhiều mũi bắn vào tim giai nhân bốn phương.


 Gần nhất là những người con gái đôi má đỏ hồng của Đà Lạt. Người đến, đến từ muôn phương, người đi, đi về vạn nẻo, để lại nhiều thiên tình sử trong cái thành phố nhỏ bé này... Con đường từ phố Hoà Bình, một khu phố nhỏ, dễ thương, lúc nào cũng có hình ảnh của những đôi tình nhân khắp nơi đến. Đến tìm cái lạnh co ro, tìm sự gần gũi nhau hơn trong bầu trời sương mù của Đà Lạt. Con đường đổ xuống bên dưới chân phố, bọc theo hồ Xuân Hương, với cà phê Thủy Tạ, với những chiếc Pédalo lượn lờ trên mặt nước, đưa đôi tình nhân vào cõi mộng mơ. Qua khỏi hồ Xuân Hương, con đường bắt đầu có độ dốc cao dần, rồi đến nhà ga, cũng là Trạm Hàng Không Dân Sự. 
Qua khỏi nhà ga, một đường rẽ lên Trại Hầm, vùng đất của những trái mận no tròn, chỉ nhìn qua là muốn cắn ngay. Một đường cứ đi tiếp, sau chừng bốn, năm cây số đã vào địa phận của trường Võ Bị Đà Lạt.
 Quanh co qua những khu trồng rau xanh mướt, bên phải là hồ Than Thở. Chỉ nghe tên thôi cũng đủ tưởng tượng được cảnh hồ đẹp và buồn đến đâu.
 Qua khỏi hồ Than Thở, với những khúc lượn vòng trên những đồi thông là đến cổng trường. Một mối tình nào đó, bắt đầu sự gặp gỡ có thể trong quán cà phê, hay tại một gian hàng hoa trong chợ Hoà Bình, hoặc ngay trên những con đường phố Đà Lạt, để hẹn hò bên hồ Xuân Hương, đưa nhau đến đổ lệ bên hồ Than Thở, rồi chia tay nhau tại nhà ga, và biệt ly, nhớ nhung từ đây...

 Tất cả diễn ra trên con đường đó, và con đường có thể giản dị mà đặt tên: Con Đường Tình Sử. Đoạn đường từ hồ Than Thở đến cổng chính của trường là một đoạn đường rất đẹp. 
Đường tráng nhựa êm ái, chạy quanh co trong những đồi thông thật thơ mộng. Một trạm kiểm soát trước khi vào cổng chính mang tên cổng Thái Phiên. Cổng chính của trường nhìn ra đồi núi chập chùng. Cổng sau của trường, cổng Lý Thường Kiệt, ngõ ra khu phố Catina, một khu phố nhỏ mang tên một khách sạn lớn ở đây, khách sạn có từ thời Pháp thuộc. Một cổng phụ nối liền với trại gia binh của trường là cổng Mê Linh. 
Trường Võ Bị nằm trên một khuôn viên rất rộng. Từ cổng Thái Phiên đi vòng qua cổng Lý Thường Kiệt cũng phải mất gần mười lăm phút lái xe. Ngoài ba cổng chính trường còn có nhiều cổng không tên khác mà chỉ có sinh viên sĩ quan và Quân Cảnh 302 của trường biết mà thôi. Từ những cổng không tên đó, trong một đêm sương mù phủ xuống dày đặc, có những sinh viên sĩ quan đa tình, liều lĩnh lén rời trường để đến một nơi nào dưới phố, dưới một mái nhà, có người con gái đang ngồi trong khung cửa chờ mong.
 Những sinh viên sĩ quan dám đi qua những cổng không tên đó, thường thường đã là niên trưởng. Chứ các Cùi mới năm thứ nhất thì còn 'cùi' lắm, khó lọt mắt xanh của người đẹp. Mà không có người đẹp chờ mong, thì chẳng lẽ liều lĩnh trốn ra khỏi trường chỉ đến dốc Duy Tân uống một ly sữa đậunành nóng rồi lại trở vào hay sao? 
Và để tiếp nối truyền thống đó, khi các niên trưởng gần đến ngày ra trường, cũng vui vẻ bàn giao lại cho đàn em những cổng không tên này, để rồi bao nhiêu mối tình đã nở và biết bao con tim đã héo mòn.
 Một người con gái kể cho tôi nghe chuyện tình của nàng, một Chinh Phụ Ngâm Khúc của người con gái mới hai mươi hai tuổi tròn. Buổi chiều từ trường về, Quyên nhận được thư Nguyên. Phong bì đóng dấu Bưu Điện Nha Trang, chứ không gửi qua Quân Bưu.
 Anh chàng lại trốn ra phố Nha Trang chơi rồi, Quyên nhủ thầm.

“Quyên của anh,
 

 Ngày mai, thứ hai, anh làm lễ mãn khóa ở trường Dù. Đúng ra còn nợ trường này một saut nữa, nhưng saut cuối cùng để dành nhảy về trường mẹ. Sáng thứ ba, lúc 10 giờ, em đến ngoài cổng Mê Linh, nhớ mang theo ống dòm. Người nhảy xuống đầu tiên là Trung Tướng Chỉ Huy Trưởng. Người thứ nhì là anh: Thủ Khoa Khóa Dù. Em đứng chỗ nào cho dễ thấy, anh sẽ đáp ngay trước mặt em. Gặp nhau sau. Thương nhiều.” 
Thư Nguyên lúc nào cũng vậy, ngắn gọn và đùa cợt. Thủ khoa của khóa Dù! Thật là cứng đầu, nói mãi không chịu nghe. Ba mẹ đã hăm rồi, ra trường mà chọn mấy cái binh chủng đồ bông, đồ rằn để miệt mài ngoài chiến trận là đừng hòng gả con gái cho. 
Ba đã có lần nói thẳng với Nguyên: 'Sống ở đời, khôn ngoan là ai sao mình vậy. Học đủ để ra trường là được rồi. Ra trường sẽ gửi gắm về làm ở thành phố cho an nhàn tấm thân, lại có thì giờ lo cho vợ con sau này'. Nguyên cười, dạ dạ, rồi những lời khuyên bảo cũng như nước chảy qua đá trên thác Cam Ly. Nhớ lần đầu tiên gặp Nguyên, Quyên không hiểu tại sao sau này mình lại thương được người đã làm mình tức đến khóc được. Buổi sáng thứ bảy đó, Quyên và em trai đi phố mua sắm mấy thứ lặt vặt, rồi hai chị em vào Mê Kông uống nước. Buổi sáng cuối tuần nào khu phố Hoà Bình cũng đầy bóng dáng những sinh viên sĩ quan Võ Bị trong bộ đại lễ bốn túi mùa đông, dáng người thẳng, bước chân vững chải, nụ cười, ánh mắt tự tin.
  Buổi sáng hôm nay trời Đà Lạt thật đẹp, nắng rực rỡ trên những cành Mimosa đang bắt đầu nở hoa vàng. Khu phố nhỏ bé này có vẻ ồn ào hơn, vì hôm nay là ngày được ra phép đầu tiên của một khóa Võ Bị vừa xong thời gian huấn nhục, mới làm lễ gắn Alpha tối hôm qua. 
Lần ra phép đầu tiên cứ như là cọp sút chuồng, mấy anh chàng sinh viên sĩ quan vừa hung hăng, phá phách, vừa mang cái nét thật ngố trong bộ đại lễ mặc lần đầu. Tóc của mấy chàng còn ngắn đúng kiểu mẫu, cử chỉ cứng nhắc, nét mặt nửa ba gai, nửa còn khớp vì bị hành tận mạng trong những ngày huấn nhục vừa qua. Họ phá phách như là một truyền thống. 
Trường dễ dãi cho lần ra phép đầu tiên sau ngày lễ gắn Alpha, miễn là không quá trớn. Nguyên ngồi bàn kế bàn Quyên, cùng với mấy người bạn đồng khóa. 
Họ ăn uống, cười nói có vẻ thỏa thích với những giây phút tự do ngắn ngủi, rồi bắt đầu tìm những mục tiêu để phá. Mục tiêu của họ là những chàng trai híp-py, tóc để dài như con gái. Thanh niên Đà Lạt đã quen với truyền thống này rồi. Hễ cuối tuần mà có khóa Võ Bị nào vừa làm lễ gắn Alpha, ngày mai được ra phép là họ tránh không xuống phố, để 'văn' và 'võ' khỏi đụng nhau lôi thôi. Hoàng kẹt đi với chị nên đành chịu trận. Quyên ngồi im không nói gì, cho đến khi một người trong bàn của Nguyên đòi qua cắt tóc Hoàng thì Quyên phản ứng ngay. Quyên lấy bút, nhìn bảng tên trên ngực áo của anh chàng này, giọng thách thức: - Anh dám làm không? Nguyên nảy giờ chưa dự phần, vội đứng lên ngăn lại: - Thôi thôi, mình đi phố chơi, đừng chọc bà chằng này nữa.
 Quyên tức muốn phát khóc, trợn mắt nhìn thẳng mặt người vừa gọi mình là bà chằng. Vầng trán rộng, nét mặt cương nghị lẫn chút bướng bỉnh, dáng người dong dỏng cao và thẳng. Vài tuần nữa bớt cái nét ngố của một anh Cùi vừa mới gắn Alpha thì coi cũng được, Quyên nhủ thầm, nguýt dài một cái, đuôi mắt quét rụng cả mấy búp hoa của cành Mimosa chưng trên quầy. Làm như có duyên có nợ gì đó, những tuần kế tiếp họ lại đụng đầu nhau trong phở Tùng, trong cà phê Thủy Tạ... Và một buổi sáng thứ Bảy, mẹ bảo Quyên ra chợ mua vài ký mận để về Sài Gòn biếu bà con. Lựa mận xong, Quyên đang loay hoay không biết thế nào để bê mấy bao mận nặng chĩu này ra xe lam, thì một bàn tay đỡ nhẹ:
 - Tôi mang dùm cô về tận nhà. Và không cần biết Quyên có đồng ý hay không, Nguyên vẫy taxi. Quyên cũng không hiểu sao lúc đó mình lại thụ động như vậy. Riu ríu lên xe và để cho Nguyên mang mấy bao mận vào tận nhà, chào bác trai, chào bác gái, tự nhiên như quen biết đã lâu ngày.
 Bốn năm trôi qua. Đối với những người con gái đã yêu người trai Võ Bị, bốn năm, mỗi ngày tính bằng một tuần. Như vậy, bốn năm rút lại còn được bao nhiêu ngày? Và mỗi ngày gặp nhau được bao nhiêu giờ? Rồi Nguyên làm lễ mãn khóa.
 Chàng vẫn là thủ khoa của khóa. Vẫn giữ truyền thống của người theo nghiệp võ tự ngàn xưa. Trong lễ mãn khóa, chàng đã giương cây cung bắn bốn mũi tên ra bốn hướng, để biểu tượng chí tang bồng hồ thỉ của kẻ nam nhi. Rồi chàng rời Đà Lạt như một mũi tên rời dây cung, để lại cho Quyên khắp mọi nơi, mọi nẻo trong cái thành phố nhỏ bé lạnh lẽo đầy sương mù này, đâu đâu cũng là kỷ niệm... Những gì Quyên mong đợi bây giờ là những bức thư ngắn ngủi, từ những địa danh xa lạ gửi về. Thư mới nhận hôm qua cũng ngắn như một bức điện tín:

“Quyên của anh,
Vừa chiếm lại Quảng Trị. Trận đánh thật khốc liệt, dành nhau từng tấc đất. Xong rồi. Ngày mai xin 12 giờ phép, phóng xe vào Huế ăn tô bún bò cho biết cay đến đâu và nhìn xem nữ sinh Đồng Khánh đi học qua cầu Trường Tiền đẹp như thế nào. Mong em luôn luôn vui vẻ. Thương nhiều.” Nguyên đi biền biệt.

 Gót giày hành quân của chàng dẫm qua không biết bao nhiêu là địa danh. Mỗi năm được về phép mấy ngày, chia ra cho gia đình ở Sài Gòn vài ngày, cho Quyên ở Đà Lạt vài ngày, còn lại cho bạn bè. Nguyên được thăng cấp rất nhanh bởi những chiến công vẻ vang. Những hoa mai trên cổ áo của Nguyên là do chính tay Quyên thêu trong những lần Nguyên về phép. 
Cứ mỗi lần thêu thêm một hoa mai cho Nguyên là lòng Quyên lại trỉu nặng thêm một ít.
 Một câu nói nửa đùa nửa thật của người bạn học cùng lớp, mà mỗi lần nhớ đến, đã làm cho Quyên cảm thấy chới với như người mất đà vì bắt hụt vào chiếc bóng: - Lấy chồng Võ Bị thì chớ có lấy thủ khoa. 
Thủ khoa nào của Võ Bị cũng sớm được tổ quốc ghi ơn... Bước vào Võ Bị là Nguyên đã chọn con đường binh nghiệp. Suốt bốn năm miệt mài rèn luyện cả văn lẫn võ. Nguyên hãnh diện với sáu chữ: Sinh Viên Võ Bị Đà Lạt.
 Nguyên muốn mình xứng đáng với niềm hãnh diện đó, trong trường, ngoài quân sự và văn hoá, Nguyên học quyền thuật, kiếm thuật, học cỡi ngựa, chơi đàn, nhảy đầm rất đẹp, pha coctail rất ngon.
 Ra trận, Nguyên đánh giặc rất gan lì.
 Tất cả để giữ cái truyền thống của hai chữ 'Đa Hiệu' mang trên vai. Và luật của tạo hoá là như vậy: truyền thống càng hào hùng, định mệnh càng khắc nghiệt.
 Quyên biết mình chỉ là sợi tơ, không thể nào buộc nổi một cánh chim bằng với hào khí đang còn ngất trời. 
Chỉ còn biết chờ, chỉ còn biết đợi. Đợi chờ cho đến ngày chim bằng mỏi cánh, hoặc là... Quyên không dám nghĩ đến. Không dám ích kỷ mong muốn Nguyên dừng chân bằng một sự hy sinh quá lớn. Mà thật sự thì Nguyên đã hy sinh, hy sinh cả một tuổi thanh xuân của chàng cho chiến trận, hy sinh cả một tình yêu như mật ngọt trong khung trời Đà Lạt mộng mơ này, để lăn mình vào nơi gió cát...

                                  
Kiều Mỹ Duyên  
                                       

Thứ Năm, 11 tháng 10, 2012

Sài Gòn - Hòn Ngọc Viễn Đông

 Hồi còn nhỏ khi còn học tiểu học, tôi vẫn còn nhớ những lời kể của ngoại tôi về Sài Gòn - Hòn Ngọc Viễn Đông, đó là lần đầu tiên trong đời nghe tên thành phố này mặc dù không hiểu chữ Hòn Ngọc Viễn Đông là gì.
 Hôm nay sống và học tập tại Sài Gòn tôi dần hiểu hơn về một Sài Gòn – Hòn Ngọc Viễn Đông.
Thành phố Sài Gòn trong trí óc của cậu học trò bé nhỏ là nơi đúng nghĩa của chữ thành phố với nhà cửa to lớn, với đèn điện sáng choang, với xe cộ dập dìu, với những cửa hiệu đầy những hàng hóa sản xuất tại đây hoặc nhập cảng từ ngoại quốc. Sài Gòn có nhiều cái mới lạ, người đông đúc và đi hoài không hết.
 Lớn lên vào học ở Sài Gòn, tôi đã hiểu thêm một chút về thành phố hơn 300 tuổi, từng là thủ đô của Miền Nam khi đất nước chia cắt.
 Nhà thơ Chế Lan Viên viết về Sài Gòn trong nhưng năm thập niên 40, ông có nhắc đến những bài ca vọng cổ văng vẳng khắp phố, nghe rất lạ đối với dân miền Trung như ông, và đó là nét đặc biệt nhất mà tác giả ghi nhận.
Có lẽ thời cách đây mấy chục năm và trước đó, đa số dân cư Sài Gòn nói giọng gần giống dân miền Tây Nam Ky`.
 Có hai chữ của người con gái Sài Gòn nói làm tôi nhớ nhất là “chời ơi” (trời ơi) và “phải hôn” (phải không), nghe rất ngộ, dễ thương. 
Cái chữ “ hôn” lại càng hấp dẫn được thốt ra từ miệng người đẹp.
 Khi nền tân nhạc du nhập và phát triển vào Việt Nam, sau thời kỳ đất nước chia cắt năm 1954 thành hai miền Nam - Bắc thì Sài Gòn trở thành nơi quy tụ của biết bao nhân tài từ nhiều nơi.
 Sài Gòn là niềm cảm hứng cho biết bao nhạc sĩ viết nên các ca khúc về Sài Gòn.
 Sau này tôi chỉ nghe lại các ca khúc này qua băng, đĩa nhưng tôi rất ấn tượng với các ca khúc. Đầu tiên phải nói tới bản Sài Gòn Đẹp Lắm Sài Gòn Ơi của nhạc sĩ Y Vân, gọi tắt là Sài Gòn có câu kết: “Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi”.
 Điệu Chacha nhún nhẩy, âm thể trưởng vui tươi, âm điệu dễ nghe dễ hát dễ nhớ làm trở thành bài hát biểu tượng của thành phố. Nó đã ăn sâu vào tiềm thức của bao thế hệ người Sài Gòn.
 Ngày nay tôi rất thích khiêu vũ Chachacha với bài này.Nhạc sĩ Anh Bằng cũng có bài Sài Gòn Thứ Bảy diễn tả nỗi buồn của một người lính trẻ về thăm kinh đô nhưng sao “Sài Gòn thứ bảy mà nghe cô đơn”.
 Rất nhiều ca khúc tuy không có tựa đề Sài Gòn nhưng người nghe cảm thấy chất thành phố này bàng bạc trong đó.
 Chẳng hạn như bản Nhớ Thành Đô của Hoàng Thi Thơ : “ Tôi xa đô thành một đêm không trăng sao. 
Thành đô còn nhớ mãi, nhớ mãi, chiều mưa trên công viên, giờ chia ly sân ga và khi gặp nhau trên lề đường hẹn hò”. 
Một bản mà thập niên 60 rất phổ biến là Bước Chân Chiều Chủ Nhật của Đỗ Kim Bảng với câu hát: “tôi thích lang thang trong chiều chủ nhật, mây tím giăng ngang trên trời Sài Gòn”.
 Riêng cái âm điệu của câu đầu: si đố si si sol mi sì sì để lại ấn tượng mà sau này bài hát Diễm Xưa của Trịnh Công Sơn cũng có câu mở đầu giống 90% và lấy câu này làm nét nhạc chủ yếu của ca khúc.
 Tại sao bước chân chiều chủ nhật lại được ưa thích? Chợt nghĩ là thời đó ở Việt Nam làm việc 6 ngày chỉ nghĩ ngày chủ nhật, có chỗ nghỉ chiều thứ bảy. Vì thế ngày chủ nhật bà con đi dạo phố Sài Gòn ăn kem, uống cà phê, mua sắm và ngắm phố phường.
 Không khí rất thanh bình, không có đông đúc chen chúc hỗn lọan, bụi đường khói xe dày đặc như thành phố bây giờ. Sài Gòn cũng là nơi tập trung các đại học nổi tiếng của miền Nam từ xưa cho đến nay và bài hát Trả Lại Em Yêu của Phạm Duy đã đưa những nét của khung trời đại học với trường Luật thơ mộng : “ Trả lại em yêu khung trời đại học , con đường Duy Tân cây dài bóng mát”.
 Nhưng cũng có những bài hát tả những cảnh phố phường Sài Gòn hoa lệ hay những xóm lao động nghèo khổ như bản Xóm Đêm của Phạm Đình Chương, bản Kiếp Nghèo của Lam Phương sáng tác trong một đêm mưa bước về ngang con hẻm nhỏ nghe tiếng ru con. 
Hay bản Nữa Đêm Ngòai Phố của Trúc Phương, khi cất tiếng hát lên là biết tác giả tả cảnh lang thang ở Sài Gòn lúc về khuya. Sau này những người đi hát dạo, khảy cây đàn guitar thùng, ngân nga những bài hát điệu Bolero tương tự như bản Phố Đêm của Tâm Anh, là cả một bầu trời Sài Gòn hiện ra.
 Sài Gòn là chủ đề lớn, là nguồn cảm hứng phong phú cho nhiều bài hát.
 Cái tên Sài Gòn, đã gắn liền với cái tên Việt Nam. Hòn Ngọc Viễn Đông. 
                                         St  ( t/g TTD?)

Thứ Tư, 10 tháng 10, 2012

Don Hồ & Âm Nhạc

 Cuộc hành trình tìm kiếm trong thế giới ca nhạc của Don Ho khởi sự với những bước chân rụt rè cách đây cũng đã ngoài 20 năm, khi anh còn trong lứa tuổi “teenager”
. Năm, sáu năm đầu trong cuộc đời ca hát của Don thu hẹp trong phạm vi địa phương miền nam California.
Phải đợi đến đầu thập niên 90, tên tuổi Don Ho mới được biết đến qua những chương trình video Paris By Night để từ đó trở thành một thần tượng của giới trẻ yêu nhạc.
Có thể coi Don Ho như một trong vài nam ca sĩ nổi tiếng nhất sau năm 75 tại hải ngoại. Ít ra từng có một thời gian dài, anh liên tục làm mưa làm gió trên các “live shows” khắp nơi. Ở đâu có người Việt, ở đó từng có mặt Don Ho.
Cùng một lúc, sự xuất hiện của anh trên những chương trình video đã là một yếu tố thu hút khán thính giả rất mạnh.
.. Don Ho không những nổi tiếng về giọng hát đặc biệt, anh còn nhận được lòng cảm mến của khán giả về kỹ thuật vững vàng, phong cách trình diễn và những sáng kiến mới lạ của anh
Được như vậy là do đầu óc sáng tạo cộng với việc để tâm khai thác những kinh nghiệm đã trải qua trong những năm hoạt động ca nhạc trước đó của anh.
Ngoài những thành công đó, không mấy ai biết về thời kỳ niên thiếu của Don Ho cùng những bước đầu trong cuộc hành trình ca nhạc.
Don rất ít nói, ngại nói về mình, dù anh là một thanh niên có tính tình dễ mến và cởi mở.
Do đó, cho đến nay vẫn chưa có nhiều chi tiết về đời sống hay những hoạt động ca nhạc của anh được phổ biến đến những người yêu nhạc.
.. Don sinh ở Sài Gòn, nhưng chỉ vài năm sau anh đã được bố mẹ đưa qua Thái Lan sống cùng với một người chị và người em trai út khi hai ông bà nhận nhiệm sở tại Tòa Đại Sứ VNCH ở đây.

Trong khi đó, hai người anh lớn trong gia đình có 5 người con này vẫn ở lại Sài Gòn tiếp tục đi học.
Don sống ở Thái Lan, từ That Phanom qua Bangkok đến năm 1972, gia đình anh quay trở lại Sài Gòn.
Sau một thời gian, bố anh lại xin phục vụ thêm một thời gian nữa tại toà đại sứ VNCH ở Thái Lan với ý định sau đó sẽ cùng cả gia đình sang Pháp sinh sống.
Nhưng ông chưa kịp thực hiện điều này thì xẩy ra biến cố tháng 4 năm 75 khiến gia đình Don Ho kẹt lại.
Sau khi từ Thái Lan quay lại Sài Gòn, chú bé Hồ Mạnh Dũng tức Don Ho sau này, bắt đầu cắp sách đến trường Rạng Đông (tức Aurore).
Gia đình Don Ho vượt biên tới khánh tận không xong. Don và người anh kế đi được vào năm 1980. Đến Mỹ cùng năm. Don chưa bao giờ nuôi ý tưởng đi hát, nhưng sau 3 tháng ở St Louis, anh dời sang nam California.
Chật chội, thiếu thốn nhưng Don Ho cảm thấy rất vui trong một môi trường mới, với những bạn bè mới trong lớp tuổi thiếu niên mang đầu óc phiêu lưu mạo hiểm.
Do sự thay đổi chỗ ở liên miên, nên việc học vấn của Don Ho trong những ngày đầu ở nam California không được liên tục.
Anh theo học 3 năm tại trường Santa Ana High School. Thời gian này cũng là thời gian Hồ Mạnh Dũng đổi tên thành Don Ho
. Khi đổi tên mình thành Don Ho,
Hồ Mạnh Dũng không biết về một nam ca sĩ rất nổi tiếng ở Hawaii.Mọi việc đều trở nên suôn sẻ với Don khi anh học thuộc lòng nhạc phẩm “The Tiny Bubble” của nam danh ca Don Ho và hát lên để lấy cảm tình của mọi người trong trường, trong lớp.Đời sống Don Ho kể từ khi bố anh qua sống chung bắt đầu được ổn định hơn trước rất nhiều, do bầu không khí gia đình đầm ấm mang lại
Bắt đầu bước chân vào College - đầu thập niên 80, con đường ca nhạc của Don Ho hé mở khi anh cảm thấy thích thú với những giờ học nhạc tại Orange Coast College (OCC). Sau khi ra khỏi trường Don Ho vẫn tỏ ra say mê với những sinh hoạt văn nghệ. Nhờ quen với anh của nhạc sĩ Duy Hạnh, khi nhạc sĩ này thành lập ban nhạc để chơi trong những chương trình ca nhạc, dạ vũ tại các trường đại học cộng đồng như UCI hoặc UCLA.
Cuối cùng Don Ho đã được ban nhạc này rủ vào hát trong thời kỳ mà những tên tuổi như Ngọc Lan, Kiều Nga, Lynda Trang Đài... mới được biết tới.
Dù được hát với một ban nhạc, nhưng Don Ho nhận thấy giọng hát của mình còn kém cỏi nên đã ghi tên theo học những lớp luyện giọng, đặc biệt là lớp huấn luyện ca sĩ hát nhạc thính phòng trong khi kiến thức về Anh Văn của anh chưa được gọi là khá.
Và Don Ho cũng không phủ nhận thời gian cộng tác với ban nhạc của Duy Hạnh đã mang lại cho anh nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp của mình trong cuộc hành trình ca nhạc...
Từ ban nhạc Boléro của nhạc sĩ Duy Hạnh, Don Ho có được cơ hội tiến xa hơn vào đầu thập niên 90 khi Boléro được trung tâm Thuý Nga mời xuất hiện trên chương trình Paris By Night 12 với những liên khúc nhạc trẻ.
Don Ho đã trình bầy 2 ca khúc “Em Đẹp Như Mơ” và “Black Magic Woman”.
Sau lần xuất hiện đầu tiên trên video đó, Don Ho được trung tâm Thuý Nga để ý. Kể từ chương trình Paris By Night 15, Don Ho bắt đầu chính thức hợp tác với trung tâm Thuý Nga.
Với nhạc phẩm “Diana”, anh đã tạo được tên tuổi cho mình với kỹ thuật hát vững vàng nhờ ở lớp luyện giọng, sự dạn dĩ sân khấu nhờ ở thời gian hát trong ban nhạc
Tất cả đã đúc kết thành một kinh nghiệm quí giá cho anh khi bước vào con đường chuyên nghiệp...Trong những chương trình video thời đóDon Ho chỉ chuyên trình bầy những nhạc phẩm ngoại quốc, trước khi trình bầy nhạc phẩm Việt Nam đầu tiên là “Tình Khúc Buồn” của Ngô Thụy Miên một thời gian sau.
Và nhạc phẩm này cũng là nhạc phẩm mang đến cho anh nhiều thành công.

 Khởi đầu với vũ trường Saigon Cabaret. Tuy anh chỉ nhận được số tiền thù lao ít ỏi là 20 mỹ kim một đêm, nhưng đi hát đối với Don Ho đã là một điều may mắn lúc ấy.
Don hát với ban nhạc “The Keys” tại Saigon Cabaret cho đến khi ban nhạc “The Dreamers” và Tuấn Ngọc được mời cộng tác.
Cũng may, anh và ban nhạc The Keys sau đó được mời về cộng tác với vũ trường Nuit D’Orient với Zsa Zsa Minh Thảo, Minh Xuân-Minh Phúc, DuyQuang, Thái Thảo, Thái Hiền, Trọng Nghĩa.
Sau khi vũ trường Nuit D’Orient ngưng hoạt động, Don Ho được nhạc sĩ Ngọc Chánh mời về hát cho vũ trường Ritz của ông sau một lần ông nghe Don Ho hát trong một tiệc cưới..

Don Ho chưa nổi tiếng, nhưng đã cho là mình có được may mắn..Don tự ví mình như một viên bi quay tròn, có thể lăn xả vào bất cứ chỗ nào sau khi đã dày dạn kinh nghiệm trong việc hợp tác với ban nhạc, phòng trà, vũ trường.
.. Thêm vào đó, Don Ho có nhiều điều anh gọi là “kinh nghiệm chiến trường” nhờ từng theo học những lớp về luyện hát phổ thông mà theo anh nếu trải qua được sẽ có thể thích ứng với bất kỳ hoàn cảnh nào.

Cũng nhờ những lớp luyện hát đó, Don Ho đã tạo cho mình được một chất giọng vững vàng nhờ kỹ thuật lấy hơi từ bụng đẩy lên.
Khi mới tập, anh làm không được và từng bị bà giáo sư phụ trách bắt thực tập trước mặt những học sinh khác.
Sau đó, Don Ho ở nhà tập luyện cho tới khi thực hành được mới trở lại lớp học tiếp trước những lời khen ngợi của giáo sư hướng dẫn.
Sau khoảng 15 năm cộng tác với trung tâm Thuý Nga, Don Ho từ cuối năm 2004 đã sang cộng tác với trung tâm Asia và đã góp mặt trên hàng chục chương trình video của trung tâm này.
Trong thời gian hợp tác với Thuý Nga, Don Ho rất chú trọng đến những tiết mục trình diễn của mình để thường bỏ cả công sức và tiền bạc vào việc hoàn chỉnh
Điều này khiến nhiều người tưởng rằng anh được hưởng một sự ưu đãi đặc biệt.

Don Ho cũng thỉnh thoảng góp ý với trung tâm anh hợp tác về phông cảnh, dàn dựng cho những tiết mục của mình để sau đó có những lần tự tay mình cùng các bạn đứng ra lo những việc này.
Có lần anh đã bỏ tiền ra mướn xe chở các “phông” từ quận Cam qua Las Vegas tốn cả bạc ngàn để dàn dựng cho tiết mục trình bày nhạc phẩm “Tình Nhạt Phai” cho Paris By Night. Và nhạc phẩm này đã gây được rất nhiều chú ý.


.. Sau khi không còn cộng tác với Thuý Nga, Don Ho vẫn tự thực hiện CD “Còn Nghe Tiếng Gọi” của riêng mình qua sự phát hành của trung tâm đã tạo dựng tên tuổi cho mình.
Cũng như trước đó anh là ca sĩ độc quyền đầu tiên của Thuý Nga đã thực hiện khoảng 10 CD của mình do trung tâm này phát hành. Từ năm 2006 đến nay,
Don Ho Production của riêng anh đã thực hiện được một số CD, trong số có “Vì Đó Là Em” gồm những nhạc phẩm tiêu biểu của nữ nhạc sĩ Diệu Hương là những nhạc phẩm rất thích hợp với giọng hát của anh

Ngoài ra còn có CD mang tựa đề “Mãi Đi Tìm” (tức Love 2) với một số nhạc phẩm tình cảm được hòa âm trẻ trung và một vài CD khác.
20 năm đã qua hành trình ca nhạc của Don Ho.
Với một đầu óc sáng tạo cùng với những kinh nghiệm gặt hái được sau một chặng đường dài thăng trầm, vui buồn trong nghề nghiệp,
Don Ho vẫn giữ cho mình một vị thế đặc biệt trong sinh hoạt ca nhạc Việt Nam hải ngoại.
Không những vị thế của anh càng ngày càng tỏ ra vững chãi hơn, già dặn hơn để tiếp tục cuộc hành trình còn lại mà điểm đến còn ở rất xa..

                                     Trường Kỳ .

                                   ******************
                 @@Cly  thích nghe anh Don hát live & đọc blog của Don với giọng văn dí dỏm ,hài hước ,rất có duyên viết lách .tkssss!

Rất Thu













 Anh ơi, có phải em đang là mùa Thu
Không! em đã rất Đông
Nhưng, em không cảm thấy như thế
Anh nhìn kìa bầu trời của mùa Thu
Trông rất giống em
Có những khoảng rất xanh
Như lòng em rất xanh
Có những khoảng hực hở
Như con người em hực hở

Mầu vàng trong vắt
Mầu đỏ trong vắt
Mầu cam trong vắt
Mầu nâu bóng loáng
Mầu tím bóng loáng
Từng ấy mầu trộn lẫn với nắng

Khiến Thu càng rực rỡ
Nếu có là họa chăng
Mây muôn đời vẫn trắng
Như tóc em đã trắng
Hay anh lại đúng
Em đã là mùa Đông!

Hoàng Dung

50 năm « Love me do », bài hát đầu tiên của Beatles

 
Hôm  05/10/2012 đã đánh dấu một sự kiện quan trọng trong lịch sử âm nhạc thế giới, đó là kỷ niệm 50 năm bài hát « Love me do », bài hát đầu tiên của Beatles ra mắt khán giả dưới dạng single, khởi đầu cho thành công của họ cho đến khi các thành viên của nhóm nhạc đầy huyền thoại này chia tay nhau vào năm 1970.
 
 « Love me do » do John Lennon và Paul McCartney đồng sáng tác và thâu thanh vào tháng 9 năm 1962 tại studio Abbey Road ở Luân Đôn.
 Đây không chỉ là bản nhạc đầu tiên được ghi dĩa, mà quan trọng hơn, đó là « Love me do » khẳng định quyết tâm của các thành viên Beatles là chỉ ra mắt khán giả những ca khúc do chính họ viết nên.
Khi vừa trình làng, « Love me do” đã được xếp hạng 17 trong danh sách các bản nhạc ăn khách nhất ở Anh thời đó.
 Nhưng thật ra, đến bài hát thứ hai « Please please me », nhóm Beatles mới thật sự giành thứ hạng đầu trong danh sách top hit và từ đó mới có thể ghi cuốn album đầu tiên của họ, trong đó bao gồm cả bài « Love me do ».
Cuốn album đầu tiên này khi được tung ra thị trường ngày 22/03/1963 đã nhanh chóng đứng đầu bảng số bán cao nhất trong 7 tháng liên tiếp, khởi đầu cơn sốt Beatles ở Anh quốc.Năm sau đó, cơn sốt Beatles dần dần lan ra toàn châu Âu và ra toàn thế giới, sau khi ngày 07/02/1964, bốn chàng trai Liverpool tham gia chương trình Ed Sullivan Show trên đài truyền hình Mỹ.
 Với 73 triệu khán giả, tức là gần 40% dân số Hoa Kỳ lúc đó, chương trình của nhóm Beatles đã vượt qua cả số khán giả của giải vô địch bóng đá Mỹ Super Bowl và vẫn là một trong những chương trình được nhiều người xem nhất trong toàn bộ lịch sử Hoa Kỳ. Sau chương trình Ed Sullivan Show, « Love me do » đã đứng đầu số bán dĩa single tại Mỹ ngày 30/05/1964.
 Từ đó, Beatles bước lên tột đỉnh vinh quang toàn cầu, liên tục lưu diễn khắp thế giới, đồng thời viết và ghi dĩa đến 5 album chỉ trong vòng hai năm.
 Nhưng đến năm 1966, Beatles không còn trình diễn trên sân khấu nữa, mà chỉ lo thâu nhạc trong studio. Đến tháng 4 năm 1970, bốn chàng trai một thời làm đảo điên biết bao khán giả, chia tay nhau.
Để kỷ niệm 50 năm bản nhạc « Love me do », thành phố Liverpool, quê hương của Beatles, tổ chức trong những ngày cuối tuần này nhiều sinh hoạt, đặc biệt là họ hy vọng sẽ được ghi vào sách kỷ lục Guinness, với việc huy động 897 người đồng thanh trình diễn bài hát này.
 Đài BBC4 cũng sẽ chiếu vào ngày mai một phim tài liệu về ca khúc « Love me do », trong đó có lời kể của một nhân chứng khẳng định rằng chính ông bầu của nhóm Beatles lúc đã bỏ tiền ra mua 10 ngàn dĩa để cho số bán được xôm tụ !
Theo thống kê của trang web staticticbrain.com, nhóm Beatles đã bán hơn 2,3 tỷ album trên toàn thế giới, dựa trên con số được cập nhật vào tháng 7/2012, với những dữ liệu của các nhà sản xuất dĩa. Riêng ca khúc “Yesterday” do Paul McCarney sáng tác và ra mắt công chúng lần đầu tiên trong album “Help” ngày 06/08/1965 ở Anh quốc, đã được Sách kỷ lục Guinness ghi nhận là sáng tác được hát lại, tức là được những ca sĩ, nhóm nhạc khác ngoài Beatles hát lại, nhiều nhất trong lịch sử âm nhạc thế giới.
 Chỉ riêng trong thế kỷ 20 vừa qua bài hát này đã được hát lại 3.000 lần. Đây cũng là một trong những bài hát được phát nhiều nhất trên các đài phát thanh toàn cầu với tổng cộng 7 triệu lần phát trên đài.
Theo lời Paul McCartney, anh đã “sáng tác » bài Yesterday trong lúc nằm mơ và ngay khi thức dậy, anh đã ngồi ngay vào chiếc đàn piano và chơi giai điệu này từ đầu đến cuối, như thể nó đã in sâu vào trong đầu của anh.
 Nhưng mãi đến nhiều tháng sau, tháng 5/1965, Paul McCartney mới viết xong lời của bài Yesterday bất hủ này.
                                      Thanh Phuong ( RFI )
                    @@ Yeah ,Cly - fan  trung thành của The Beatles , nghe bao năm không chán !!

Thứ Ba, 9 tháng 10, 2012

Dạo chợ Việt ở Berlin -Praha


Đức và Cộng hoà Czech có chợ Đồng Xuân và chợ Sapa không chỉ in dấu ấn của cộng đồng người Việt, nhưng đều là điểm đến trên bản đồ du lịch của hai thủ đô Berlin và Praha.

 Hai tên chợ này cũng nằm sâu trong tâm tưởng của người Việt đã từng sống hoặc đến thăm hai nước châu Âu này.
Nằm tại phía bắc Berlin, chợ Đồng Xuân lọt thỏm giữa vài toà nhà cao tầng.
 Bất chợt gặp những biển hiệu bằng tiếng Việt, tôi quên hẳn cái cảm giác đang ở một cường quốc châu Âu.
 Chợ có nhiều dãy dài, dưới mái, các cửa hàng đâu lưng vào nhau, hàng hoá xếp ngăn nắp.
 Các cửa hàng được phân khu theo chủng loại hàng, từ đồ khô đến đồ tươi, vải vóc quần áo cho đến đồ gia dụng và không khí buôn bán chẳng khác gì các khu chợ tại Việt Nam.
 Những câu chào mời, hỏi thăm, trả giá bằng tiếng Việt không hề pha trộn khiến anh bạn người Đức của tôi phải thốt lên:
 “Tôi là khách du lịch tại đây, ngay trên chính quê hương mình.
 Kiểu kinh doanh buôn bán tại đây thật khác!”
Ấn tượng nhất với tôi là cửa hàng bán sách, báo, tạp chí và văn phòng phẩm.
 Ngoài các loại CD,DVD , sách truyện tiếng Việt, nhiều thứ không thể kiếm được ở quê nhà; đáng chú ý hơn là có mặt những tờ báo tin tức hàng ngày của Việt Nam.

 Bà Hạnh, quê Sài Gòn, chủ quầy sách báo cho hay: “Bà con ở đây rất quan tâm tin tức trong nước, người trẻ thích lên mạng(net ) xem nhưng người lớn vẫn chọn đọc sách báo dù tin tức đã trễ một vài hôm”. 
 Đôi mắt tò mò của tôi khiến chị Nhung, chủ cửa hàng quần áo nhận ra tôi là khách du lịch. Chị kể những câu chuyện của bà con buôn bán quanh chợ với nhiều người là dân từ miền Nam Việt Nam.
 Bà con tại chợ mua sỉ đủ các loại hàng hoá từ Việt Nam và các nước châu Á sang bán lại cho những tiểu thương khác.

 60% khách hàng đến chợ này là những người Việt có cửa hàng ăn uống, tạp hoá… tại Berlin và các thành phố lân cận.
  Khách hàng còn lại là người Đức và người dân thu nhập thấp từ một số nước giáp phía đông và đông bắc nước Đức.
 “Nói chung bà con Vnam  tại đây làm ăn tốt. Ai chăm chỉ đều thành công.
 Người biết tiếng Đức và tiếng Anh thì lợi thế hơn nhiều”, chị Nhung nói.
Anh Liệu và anh Tuấn bán hàng ăn và tiệm tạp hoá ở tây Berlin cũng thường đến Đồng Xuân lấy hàng về bán.
 “Hàng Việt nam  và hàng châu Á ở đây phong phú, chất lượng, muốn cỡ nào cũng có”, anh Liệu nói. 
  Thế nhưng, nhiều bà con gắn bó với trung tâm buôn bán này hàng chục năm nay lại đang băn khoăn, lo ngại chất Việt của chợ Đồng Xuân sẽ không còn, vì nhiều người Việt đã chuyển lên khu chợ Thái Bình Dương mới mở cách đó khoảng 2km. 
Những cửa hàng tại đây đang cho người Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Trung Đông thuê lại.
Nhờ chị Nhung giới thiệu, tôi sang chợ Sapa ở Cộng hoà Czech bằng xe hơi của một người Việt từ Đức sang Praha giao hàng, với giá tiền bằng một nửa giá đi xe  hoả.

 Đến cổng chợ, tôi được nhắc chuẩn bị hộ chiếu trong trường hợp bị kiểm tra vì tình hình an ninh tại chợ Sapa được thắt chặt, do nhiều người châu Á không có giấy tờ hay lẩn trốn tại chợ này.
Chợ gồm những dãy nhà không lầu nằm giữa khoảng đất trên một ngọn đồi ở Praha 4, phía nam thủ đô Praha.
 Một số bờ tường của những gian nhà cũ bị trận hoả hoạn lớn năm 2008 vẫn còn sót lại.
 Bà Hương, bán phở tại chợ cho hay, “dù chợ đã được xây dựng lại nhưng nó không khang trang bằng ngày xưa”. 
Ngoài những mặt hàng thường có của một khu chợ mở, còn có những dịch vụ từ phòng vé máy bay đến nơi đăng ký tour du lịch, thậm chí là nhà cái cá độ đá banh cũng phục vụ ngay trong khuôn viên chợ. 
Một “China town” nhỏ nằm ngay trong chợ Sapa với những món ăn đặc trưng của người Hoa.
Chợ Sapa giống như một nơi thông tin cộng đồng chung của người Việt. 
 Giữa chợ có một khu vực gắn bảng thông báo, đầy ắp các thông tin, từ cáo phó về người thân của một tiểu thương trong chợ, thông báo về một sự kiện, hoạt động trong cộng đồng cho đến các thông tin về việc làm, thuê người giúp, dạy tiếng Anh, tiếng Czech.
 Sách báo tại đây không phong phú như tại Đồng Xuân nhưng đặc biệt có nhiều tờ báo tiếng Việt do cộng đồng người Việt tại Czech phát hành.
Người Việt tại chợ Sapa kín đáo và dè dặt, ánh mắt rất chăm chú đối với bất cứ người khách lạ nào mỗi khi đi qua các cửa hàng của họ.
 Bà con tại đây hầu hết là người miền Bắc Việt Nam. Bà con luôn cảnh giác với người lạ do nhiều chuyện không tốt xảy ra tại chợ, khiến chính quyền kiểm tra liên tục, ảnh hưởng đến việc kinh doanh buôn bán.
 Thậm chí, chợ Sapa đã từng được nhiều nghị sĩ nước này đòi đưa lên bàn quốc hội để bàn thảo. “Một số người Czech gốc Việt đã mua nguyên khu đồi có chợ, kế hoạch xây dựng khu thương mại có khu dân cư bao bọc. 
  Hy vọng ý tưởng này sẽ cải thiện nơi làm ăn sinh sống của người Việt tại Praha”, bà Hương cười khi chia tay tôi.
                                                                                                                                          
                       Kim Dung                                          ~~~~~~~~~~~~                             

Giá trị của đồng tiền lẻ.

 Mỗi lần đi chợ về tôi lại có thói quen gom hết tiền lẻ bỏ vào ngăn kéo nơi bàn làm việc của mình. 
Tôi không có chỗ nào khác để cất những đồng tiền lẻ ấy mà để vào ngăn kéo để có thể nhìn ngắm chúng vì đó là thói quen mà khi ba tôi còn sống ông ấy thường làm.
Tôi thấy và bắt chước ông tự lúc nào không hay nhưng cho mãi tới ngày hôm nay tôi vẫn tự tin rằng thói quen nhìn những đồng tiền lẻ giúp tôi bình thản rất nhiều trong cái tranh đua thường nhật với đời sống kinh tế cùng những chật chội oi bức về xã hội của thành phố.
Bắt đầu là những tờ bạc 200 đồng. Tôi tin rằng đây là tờ bạc khiêm nhượng nhất còn lưu hành ngoài chợ tuy ngày càng hiếm đi. 200 là đơn vị tính không hề nhỏ, nhưng khi con số đó nằm trên tờ giấy được gọi là tiền đồng Việt Nam thì nó trở nên lẻ loi đến thảm hại. 

Không một món hàng nào ngoài chợ có cái giá 200 đồng bạc.
Nó chỉ dành để thối lại mà phải nhiều tờ nhập lại mới đủ làm cái công việc thối cho khách hàng. 5 tờ thì thành 1.000 và 10 tờ thì thành 2.000…
Cứ thế, những tờ bạc 200 đồng chỉ sống sót khi được nằm chung với nhau, chúng ký sinh lẫn nhau và sống đời sống tầm gửi chờ ngày biến mất.
Mỗi lần nhìn những tờ bạc nhỏ nhoi ấy tôi lại thấy thấm thía thân phận của chính mình.

  Ba tôi thường nói tờ bạc lẻ nói lên cả một quá trình của một chế độ với biến thiên lịch sử lẫn kinh tế xã hội của nó
  Trị giá đồng tiền lẻ càng lớn thì đời sống của xã hội càng vững vàng vì nền kinh tế tận dụng từng chút giá trị của đồng bạc lẻ nói lên sự ổn định của xã hội và đôi khi cả chính trị nữa.Sau hai đợt đổi tiền với ý đồ ngây thơ là nâng giá trị của đồng tiền lên nên ban đầu những tờ bạc mệnh giá từ 200 lên tới 2.000 tự nhiên được nâng cao giá trị.
Thế nhưng giá trị thật của tờ bạc không nằm ở con số mà ở tình trạng GDP của quốc gia. 

Việt Nam có lẽ là một trong những nước có những đồng bạc lẻ vô giá trị trên bàn làm việc của ngân hàng tuy chúng vẫn được những chị hàng rong vui vẻ chấp nhận.
Thân phận của những đồng tiền lẻ ấy vẫn còn một chút an ủi vì ít ra chúng còn được những bàn tay kham khổ của giai cấp thấp nhất xã hội vuốt ve mỗi buổi tối khi trở về từ mọi hóc hẻm của thành phố.
Người ta không chú ý đến những đồng tiền lẻ nhưng nếu được tống khứ nó đi bằng một nắm tiền để đổi lấy một tờ vé số chẳng hạn thì lại cảm thấy hân hoan hạnh phúc
  Tâm lý vứt bỏ một vật kém giá trị bằng cách đổi lấy một vật có giá trị ngang với một tờ giấy lộn làm cho không ít người sung sướng
     Tâm lý thắng lợi tinh thần này không những gắn liền với cách ứng xử của nhiều người mà nó còn thể hiện trong không ít chính sách hiện nay mà xã hội đang kêu rêu chống đối.Chính sách xuất khẩu lao động có thể là một ví dụ tốt cho hình thái này.

 Người nghèo khó và không còn cơ hội nào nữa mới chấp nhận làm thân phận đi làm thuê ở nước ngoài.
Họ như những đồng tiền lẻ mà giá trị được các công ty kinh doanh đem ra trao đổi để thu về những gói lợi nhuận nhưng không hề để ý đến quyền lợi của người làm thuê.
Bao nhiêu cũng tốt và bao nhiêu cũng bán. 

Các công ty xuất khẩu lao động không hề bị theo dõi xem việc làm của họ có phù hợp với lợi ích của người lao động hay không bởi chính sách tận bán không cần hậu mãi của nhà nước đã và đang khuyến khích cho không ít kẻ trục lợi trên những con người nghèo khổ này.
Chính sách này cho thấy tư duy của nhà nước luôn nghĩ rằng những con người không nghề nghiệp kia được làm việc, được hưởng lương là một điều may mắn và vì vậy cho dù quyền lợi của họ có bị xem thường một chút thì cũng không đáng quan tâm.

 Họ giống như những đồng tiền lẻ được mang đi đổi lấy một lợi nhuận nào đó và điều này được xem là thắng lợi, thắng lợi tinh thần.
Ngược lại với những đồng tiền lẻ là những loại tiền mệnh giá tối đa. $ 500 ngàn là tờ bạc của người giàu hay ít ra cũng là niềm mơ ước của người nghèo.
 Báo chí hồ hởi viết những bài phóng sự ca tụng mức độ ăn chơi trác táng của những kẻ mới giàu làm cho người nghèo vừa nhục lại vừa đau.
Họ ngồi đếm những đồng tiền lẻ và ngạc nhiên tự hỏi tại sao mình có thể sống sót qua bao nhiêu năm trời dưới cái nghèo đói triền miên như vậy?

Trong khi đó những khuôn mặt được gọi là đại gia với những thước tiền không đếm xuể không hề có một chút ấn tượng nào về loại tiền khó đếm chỉ dành cho người nghèo này. 
Họ chỉ có ấn tượng với những chiếc xe ngoại quốc sang trọng cực kỳ.Họ ấn tượng với những thứ sản phẩm kỳ cục được thổi lên và tán tụng lẫn nhau trong cùng giới.
 Những cây cảnh tầm thường được chăm chút rồi thổi phồng qua phương tiện báo chí để giá cả trở thành hàng trăm tỷ chỉ có thể lừa gạt trong giới của họ.
Họ phù phiếm ngồi trong những phòng lạnh sang trọng nói về thế giới chung quanh với tâm thức và tư duy của những bác nông dân được mùa.

 Giọng điệu của họ dễ làm cho người có học tởm lợm nhưng lại được những người chuyên sài tiền lẻ ngưỡng phục.
Sự ngưỡng phục không phải từ ý thức muốn làm giàu mà từ tâm lý trống rỗng của chiếc bao tử.
ia tình cờ cầm tờ giấy bạc 200 đồng lên và thấm thía từng giọt mồ hôi vẫn còn phảng phất trên ấy thì có lẽ việc vung tiền của họ sẽ giảm bớt.

 Những tờ giấy bạc nhỏ nhoi ấy có thể như một trang kinh thánh bị rơi ra nhưng có khả năng nhắc nhở cho người ta rằng tiền có thể mua mọi thứ nhưng không thể mua được bình an trong tâm hồn.
-Đừng tưởng là đại gia thì không có điều gì làm họ sợ hãi.
-Đồng tiền của họ chỉ có thể thu phục bọn giá áo túi cơm, sống bám vào hành vi bất chính và do đó khi một luồng sóng cách mạng tràn về thổi bay những rác rến ấy thì không ít đại gia sẽ lộ mặt với những thước tội không thể đếm hết mà trong đó tội móc nối với quyền lực để làm giàu trên những người sài bạc lẻ là một.
Người làm giàu bất chính lo sợ rất nhiều thứ nhưng điều họ sợ nhất là một ngày nào đó họ phải tiêu những đồng tiền lẻ mà bấy lâu nay họ không bao giờ để ý.

                                     Cánh Cò,rfa

                        @@tks:  bài học giá trị của cuộc sống cần biết áp dụng vào thực tế.

Thứ Hai, 8 tháng 10, 2012

Nguyễn Ánh 9 và mối tình không phai dấu

 Không giống Trịnh Công Sơn, tình khúc của Nguyễn Ánh 9 dường như chỉ gắn với hình ảnh một người con gái đi qua đời ông và để lại vết thương lòng không phai dấu.
 Những tình khúc buồn bất hủ như "Không", "Buồn ơi chào mi", "Kỷ niệm"... là những hoài niệm, khắc khoải và day dứt của ông về một thời đã xa.
Những tên tuổi của âm nhạc Sài Gòn trước năm 1975, sống trong ký ức của công chúng ngày hôm nay ngoài Trịnh Công Sơn chỉ còn Phạm Duy, Ngô Vũ Thuỵ Miên, Vũ Thành An và Nguyễn Ánh 9…
 Đó là người nghệ sĩ dành cả đời mình để đắm đuối, tụng ca tình yêu, dù trong niềm hân hoan hay nỗi đau đớn tột cùng. Nguyễn Ánh 9 nổi tiếng với những tình khúc buồn, ông còn là danh cầm có thể đẩy các giọng ca thăng hoa. 
Khánh Ly, Thái Thanh, Thanh Thúy..., ở thời đỉnh cao đã luôn tin tưởng cậy nhờ ngón đàn của ông dìu dắt cho tiếng hát của mình. 
 Chỉ nghe các tác phẩm cũng có thể thấy Nguyễn Ánh 9 là một người luỵ tình, mang phẩm chất lãng mạn đặc biệt. Tâm hồn người nghệ sĩ này như những dây tơ mỏng, có thể rung lên vì bất cứ "cú chạm" nào của số phận.
 Mà số phận thường đặt ông vào những nỗi đau, bởi vậy nhạc của Nguyễn Ánh 9 như được dành riêng cho những mất mát, tan vỡ và chia xa.
Ngoài đời, nhạc sĩ là một người đàn ông nhỏ nhắn và hiền lành. Ông lúc nào cũng rụt rè và vụng về. 
Chỉ khi ngồi vào đàn, lướt tay trên những phím đen trắng, gương mặt mệt mỏi của ông mới thoắt rạng rỡ, tự do và vồ vập hơn bất cứ lúc nào.
 Dường như chỉ trong tiếng đàn, nhạc sĩ mới tìm thấy tự tin và nguồn sống mãnh liệt cho mình.

.
Ca khúc Không đã đưa Elvis Phương "lên sao" ở thập kỷ 70, sau đó nổi tiếng đến mức công chúng gọi Nguyễn Ánh 9 là ông Không. Và rồi cuộc sống vẫn trôi, bất chấp mọi nỗi đau. Nguyễn Ánh 9 tìm thấy bình yên ở người phụ nữ khác. 
 Năm 1965, nhạc sĩ lập gia đình và tin tưởng những dông bão của mối tình đầu sẽ ngủ yên.
 Chăm chút, trách nhiệm hết mực với vợ con, nhưng ông không giấu lòng mình: "Vợ tôi là một người phụ nữ dịu hiền nhân hậu, có lẽ chẳng người phụ nữ nào đủ vị tha và hy sinh cho chồng mình như cô ấy. 
Tôi mắc nợ trọn kiếp với người bạn đời, bởi tình yêu đã vĩnh viễn câm lặng, trái tim tôi không còn cảm giác sau hình ảnh của mối tình đầu".
Năm 1974, ông gặp lại người tình xưa khi cô về Sài Gòn, cô vẫn một mình, vẫn yêu ông và chẳng oán trách gì.
 Đã lỡ làng, có xót xa thì cũng đành sống cho hết bi kịch một kiếp người.
 Họ lại xa nhau, lần này là mãi mãi, để vùi chôn những dấu yêu xưa cũ vào đáy lòng mình, nhức buốt, cho tới hơi thở cuối cùng.
Tình đầu là mật ngọt, là rượu say, là trọn vẹn nồng nàn, đắng nghét.
 Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã viết tất cả các tình khúc trong đời mình từ dư âm ấy. 
Giờ đây, đã gần ở tuổi "cổ lai hy", nhạc sĩ vẫn còn choáng váng: "Vết bỏng của tình đầu vĩnh viễn không nguôi dịu. Đôi khi tôi cứ nghĩ đó là nỗi đau trời cho.
 Nếu thành vợchồng chắc gì tình yêu sống mãi. Vì không có nhau trọn vẹn nên cô ấy mãi trẻ trung, nhẹ nhàng và thanh cao, lúc nào cũng là thiếu nữ đôi mươi trong tâm hồn tôi. Ký ức về cô ấy là điểm tựa để tôi nương vào, giữ gìn những gì trong lành nhất cho âm nhạc và đời sống của mình".
 Người vợ hiền của nhạc sĩ quả là đáng trân trọng bởi sự nhẫn nại, bao dung và tình yêu quá lớn bà dành cho ông. Gần 40 năm kết tóc xe tơ, bà chưa từng dằn vặt chồng, luôn câm lặng chịu đựng, và chỉ nén khóc khi còn một mình ngồi nghe lại những bản tình ca ông viết cho người phụ nữ kia. 
Trong bi kịch này, bà mới thực sự là người bị tổn thương. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 coi vợ như là ân nhân của đời mình, ông nói: "Càng về già, càng thương bà ấy hơn. 
Tôi "gác kiếm" còn vì muốn có thời gian chăm sóc và bù đắp cho vợ. 
Tôi coi việc ấy là hệ trọng với những năm còn lại của đời mình".Vì thế, ông chẳng lỡ đi đâu xa sợ bà một mình sẽ buồn, làm một việc nhỏ ông cũng tâm niệm dành thành quả và niềm vui ấy cho vợ. 
Ở tuổi xế chiều, ông đã thấy quý giá vì được sống trọn đời bên một người phụ nữ, chẳng vì lửa nồng tình yêu mà vì hơi ấm bền bỉ, yên lặng và thiêng liêng của nghĩa nhân duyên. Thứ tình không ồn ào ấy đã cưu mang những lỗi lầm ông vung vãi suốt thời trai trẻ.

                                 TG.  Điện Ảnh