Trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

Dạo bước qua những hẻm phố đẹp như tranh

                                                                       Anthy 
                                            The world geography

Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

Ui Da --Nguyễn ngọc Tư




Nhiều khi ớn chữ, tôi mua mấy tạp chí phụ nữ, thời trang về để… coi hình.
Hững hờ để từng trang trôi qua tay mình, khuây khỏa được chút kia thì thương vương nỗi nọ.
Mình không thể có trang sức này, quần áo này, bộ mỹ phẩm này hay cái túi xách, đôi giày này.
Hoặc chúng quá hào nhoáng chỉ để trình diễn hoặc quá sang trọng, quý phái hoặc chúng quá đắt tiền
  Giống như một mối tình không mơ mộng và hy vọng.
Tôi nhớ tới má cùng chị, nghĩ, nếu cố gắng, mình cũng mua được một vài thứ bày biện trong tạp chí này để tặng hai người phụ nữ mình thương.
Và má tôi sẽ xòe bàn tay chai sần quắt queo của mình, để quy đổi giá tiền cái túi xách ra… lúa, ra mấy giồng cải, bàng hoàng biết nó giá trị hơn cả một vụ mùa.
Chị tôi chắc cũng bẽ bàng, chẳng có đôi giày nào hợp với đôi chân héo thường xuyên dầm trong nước, chẳng có bộ trang phục nào chị mặc để bưng bê trong cái quán giải khát nhỏ xập xệ bên đường.
Chưa kể nội dung, chỉ giá bìa thôi, tạp chí đã là một thứ xa xỉ, với đám đông kiếm sống vất vả, tảo tần như má, chị tôi.
Nhưng những tạp chí đó vẫn được người ta yêu thích.
Những món hàng tinh tế, sang trọng, đắt đỏ và xa hoa vẫn được người ta mua.
Cuộc sắm sửa của họ bình thản và nhàn tản như trẻ con mua viên kẹo, như tôi mua tờ báo, không một chút thắt lòng nào.
Họ ít, nhưng là số - ít – gì – cũng – có.
Vài lần trong đời, tôi cũng đứng về phía số ít đó, nên sau này không còn cực đoan quay quắt khi nhìn những cái sân tennis của huyện lỵ nghèo.
Tập thở đều khi qua những cao ốc sang trọng những resort thơ mộng, giữ nhịp tim không đổi khi đứng trước miên man cỏ mượt sân golf.
Tự nhủ, mình chẳng có lỗi gì.
Tôi thật chẳng lỗi gì với bầy trẻ xóm chài kia, dù chúng không được vào cái bãi cát tuyệt đẹp mà tôi đứng ngắm biển chiều.
Chỗ này ngày xưa, trước khi trở thành nơi nghỉ dưỡng cao cấp, đám trẻ đó đã từng chạy chơi.
Và đứng ngoài rào, dì tôi sẽ không oán giận nếu tình cờ nhìn thấy đứa cháu ruột mình xênh xang trong một sân golf, nơi chỉ vài năm trước là mảnh ruộng của dì, cho đến một ngày dì bị bứt lìa đi, cỏ thay màu xanh của lúa.
Không vì những điều như thế này mà người ta thôi sống và tận hưởng cuộc sống
Sáng nay tôi vẫn phải la cà quán xá dù ở miền quê xa xôi, bà ngoại tôi lụm cụm xách vài con tôm sú ra chợ xã bán, đổi chút tiền còm.
Cũng đành, tôi đang cố rời đi nhưng những người thân tôi vẫn ở lại giữa đám – đông – nhỏ – bé.
Cố cân nhắc trong mớ vốn liếng tiếng Việt của mình, tôi tìm được một cụm từ vụng về, cũng giống như mọi người vẫn đang xốc xáo từ điển để chọn những chữ thật dịu dàng cho số đông thương khó này, để lẩn tránh không phải dùng hai từ “tầng lớp…”.
Những chuyên san phụ nữ và thời trang, chiếc Rolls-Royce, hay những sân golf là thí dụ.
Chúng hiện diện, phát triển để chờ đợi người ta gọi đúng tên những khoảng cách đang ngày càng xa biệt.
Chỉ là đôi lần chạnh nghĩ, một người viết ít nhiều đa cảm như mình mà giờ giả vờ thản nhiên rời bỏ đám đông nhỏ bé, thì những người mang chức phận, thường rất lạnh lùng và tỉnh táo, họ đứng về phía số - ít – gì – cũng – có, cũng là lẽ đương nhiên.
Và đương nhiên, đám đông bị quên lãng, bị đẩy dạt đến những bìa trời. Tan tác.
Họ có làm sao thì cũng không phải lỗi của tôi.

Ừ, nào phải lỗi của tôi. Không phải đâu…

                Nguyễn Ngọc Tư

Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Tạp ghi một chuyến đi

Chú hai.
- Gì?
- Chú hai, mua dùm con tờ báo đi chú.
Phạm nhìn mấy tờ tạp chí hình mầu loè loẹt trong tay thằng bé. Thực tình thì anh chả muốn mua, nhưng thấy thằng bé lễ phép, cũng tội. Cầm một quyển, nhìn sơ tấm hình cô gái ở trang bìa.
- Bao nhiêu một tờ?
- Dạ ba chục ngàn, chú hai.
Phạm đưa trả thằng bé tờ tạp chí và tờ hai mươi ngàn.
- Đắt quá! chú trả tiền tấm hình cô ca sĩ.
- ...?
- Thì chú coi rồi, không cần nữa, cháu đem bán cho người khác.
- Dạ, cám ơn chú hai.
- Sao cháu biết chú thứ hai?
- Cháu đâu biết đâu, kiêu đại dậy thôi chú, dậy chú thứ mấy?
- Cứ gọi là chú được rồi, không cần chữ hai. Ở nhà, chú áp út, chả nhẽ...
- Dạ, chú.
- Cháu uống gì không?
- Dạ thôi, khỏi đi chú.
- Ngồi xuống uống ly nước đi cháu, tí nữa bán tiếp.
- Dạ
Phạm nhìn thằng bé, thầm đoán “Thằng bé này chắc cũng quãng 10, 11 gì đó...”.. Chuyện 28 năm trước thoáng qua đầu Phạm như tia chớp, anh lầm bầm. “Ừ, hồi đó mình cũng chỉ lớn hơn thằng nhóc này 1, 2 tuổi chứ mấy. Đày thân kinh tế mới, khổ thật!”. Những kỷ niệm xiêu vẹo, lộn xộn quay lại. Anh còn nhớ một ngày mưa bão, mưa to lắm! một mình ngồi trong căn nhà tranh, nhìn dòng nước hung tợn từ trên cao đổ xuống, cuốn phăng đất, đá, cuốn phăng những luống khoai lang... trong lòng anh lúc ấy chỉ sợ duy nhất một điều. “Nếu mưa to hơn nữa, coi chừng nước cuốn mình và cả căn nhà tranh đi luôn...”.

 Hớp một ngụm nước mía, anh lan man. “Mình và thằng bé này hai nỗi khổ khác nhau, thời gian và không gian cũng khác, chỉ giống được một điểm...”
- Chừng nào chú dề bển chú?
Phạm cố tình trêu thằng bé
- Về bên nào? Nhà chú ở đây.
- Thôi đi chú, chú là Việt kiều, mới nhìn con biết liền.
Phạm cười xoà
- Ừ, hai tuần nữa chú về.
- Chú tên gì dậy chú?
- Phạm
- Không, cháu hỏi tên chú. Phạm là họ mà.
Phạm cười
- Thằng này lắm chuyện thật, mày muốn hỏi tên hay muốn...đặt tên cho chú? Ai cấm chú lấy tên Phạm?
- Dạ, nhưng mà...
- Đừng ấm ức. Tên tuổi là do cha mẹ đặt cho, cố gắng giữ gìn.

 Ừ, thật ra cũng có rất nhiều người tự đặt tên cho mình.
 Tên của loài người thường quá, họ chọn hoa cỏ, chọn cả tên chim chóc và loài vật để nghe cho lạ tai.
 Quyền tự do mà cháu. Sau này lớn lên, tiếp xúc nhiều cháu còn sẽ gặp nhiều cái tên kỳ lạ nữa.
- Tên thôi, cũng rắc rối wá há chú. 

Dậy ở bển chắc chú là kỹ sư hả chú?
- Sao cháu nghĩ chú là kỹ sư?

  Chú nói với cháu, chú là kỹ sư hồi nào?
- Dạ...
- Cháu đang sống với ai?
Thằng bé liếng thoắng, trả lời như trả bài
- Dạ, cháu ở nhà với má, với hai đứa em nhỏ. Ba cháu bỏ má cháu đi theo dợ bé hồi lúc cháu còn nhỏ, cháu chưa biết mặt ba, má cháu nói lúc đó cháu được mới có...chưa được một tuổi. Cả nhà cháu khổ lắm, có nhiều bữa không có cơm ăn...
Phạm cắt ngang
- Hai đứa em có phải cũng cùng cha với cháu?
- Dạ phải
- Vậy là cháu nói dối. Ba cháu bỏ nhà đi mất, vậy sao còn có hai đứa em?
- Dạ...
- Đừng nói dối, đừng nói xấu cha mẹ mình. Nghèo không phải là lỗi của ba cháu. Bây giờ nói lại từ đầu xem.
Thấy thằng bé có vẻ ngại ngùng, Phạm trấn an
- Chú thấy cháu ngoan lắm, cứ nói thật đi
- Dạ, cháu hổng có ba. Má cháu hổng biết ba cháu là ai hết
- Vậy mẹ cháu làm gì để nuôi ba đứa?
- Dạ, mẹ cháu yếu lắm chỉ ở nhà. Cháu bán báo, hai đứa em cháu bán vé số. Chiều tối tụi cháu đưa tiền dề
- Vậy có đủ tiền mua gạo không?
- Dạ, gạo thì đủ, nhưng mà có nhiều bữa hổng có đồ ăn
Nhìn Phạm một lúc, thằng bé nói giọng thành thật
- Hay là chú nhận con làm con nuôi đi, hả chú?
- Bậy, chú làm con chưa nên thân nữa là, làm cha ai được.

 Nhưng mà thế này, bốn ngày nữa chú sẽ đi du lịch ra Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long, Sapa các thứ, sau đó về Mỹ luôn. 
Chú còn ở đây ba ngày, muốn gặp chú cứ đến khách sạn Tân Hải Long, muốn ăn uống gì nói chú, chịu chưa?
- Dạ chịu
Cả hai trầm ngâm một lúc
- Ủa, mấy giờ rồi chú?
- Ba giờ chiều
- Chời! Nãy giờ ngồi đây gần hai tiếng. Thôi cháu phải đi bán tiếp chú ơi
Phạm móc vội trong túi một nắm tiền chẵn lẻ lẫn lộn
- Cháu cầm lấy, chiều về đưa cho mẹ, tiện thể cho chú gửi lời chào mẹ cháu
- Dạ, cám ơn chú, cháu đi há chú
- Ừ
Phạm đang ngồi nhìn theo thằng bé dần khuất bóng thì cô chủ quán bước đến gần
- Anh đừng tin lời mấy đứa quỉ này, anh cho nó tiền phải hông?
- Đâu có gì, toàn tiền lẻ
- Tụi nó chuyên môn nói dóc không hà, kể toàn chuyện đáng thương để xin tiền
- Theo chị thì nó không đáng thương?
- Dóc không mà đáng thương gì? Anh mới là đáng thương á!
- Hà hà...Nếu không đáng thương thì đáng...thưởng, thằng bé đóng kịch hay quá!
Cô chủ quán nhìn anh, lắc đầu bỏ đi. Cô không hiểu được đâu. Thật ra, anh đâu có cần biết thằng bé nói dối hay nói thật.

 Anh đâu có cho thằng bé tiền, anh cho chính anh đấy chứ, một anh nhỏ bé, khốn khổ của 28 năm trước.
                                                  T.Sinh

Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

Linh tinh lang tang by Donho


Ghé nhà người bạn cho tí công chuyện trong một buổi chiều mùa hè Cali hơi lành lạnh.
Người bạn chưa ăn cơm tối, trên bàn ăn thấy có để phần tô bí hầm dừa trong tô thủy tinh đậy nắp nhìn thật ngon lành và vài món khác…
“Bí hầm dừa”, cái món mà hơn 30 năm quên mất tiêu, cho tới giờ mới gặp lại.
Bỗng dưng nhớ lại cái dạo sau cái biến cố 75, ăn uống tằn tiện, mẹ học được ở đâu cái món canh rặc Nam bộ vừa ngon & vừa rẻ nấu cho cả nhà ăn.
   Cái món bí đỏ nấu với nước cốt dừa mà nếu cho muối, hành lá và nước mắm vào thì thành canh, mà cho đường vào thì sẽ thành chè.
Cơm độn bo bo hay bắp còn nong nóng, chan vào miếng canh bí béo ngậy, cắn thêm với miếng cà muối mằn mặn, hay sang hơn, miếng cá kho khô, ăn nó mới ngon làm sao!
Qua tới Mỹ, mẹ đã quên hẳn món này…
Tên bạn thấy mình chăm chăm ngó vào tô canh, tưởng mình đói bụng hỏi mình muốn ăn không?
Không đói, nhưng vì muốn nếm lại cái vị xa xưa nên gật đầu ưng thuận ngay, không khách sáo.
Thế là 2 chiếc chén & 2 đôi đũa tre được bầy ra.
Ngồi vào bàn. Hai bác trong nhà đã dùng cơm từ sớm hơn. Bác gái đang ngồi coi … đá banh World Cup 2010 một mình, với chiếc TV trong phòng khách ngay đó.
-”Cháu mời bác xơi cơm ạ!”
Bắc kỳ mà, trước khi ăn cơm là đảo mắt một vòng mời theo thứ tự từ lớn đến nhỏ những người đang ngồi chung bàn hoặc đang ở quanh đó. Quen thói rồi!
Mắt không rời màn hình vì đang đến lúc gây cấn, banh đang được sút vào gôn, bác gái đánh tay vào đùi cái “chét”, nhảy nhỏm trên ghế:
-”Dzô…!
Ờ ờ, ăn với T. đi cháu, bác dùng rồi…”
Bác gái người miền Tây, rất thật tình, lẹ làng và dễ thương…
Và miếng canh ấm vào miệng.
Ngậm cho cái vị của canh nó thấm qua lưỡi, vừa béo, vứa mặn lại vừa ngọt…
Lâu quá rồi quên mất luôn cái mùi vị này rồi, bây giờ cảm thấy lạ miêng…
Bác trai bỗng từ trên lầu đi xuống tay cầm tờ báo. Nuốt vội:
-”Cháu chào bác ạ!
Thưa cháu mời bác xơi cơm bác…”
Bác trai cười hiền lành:
“Ờ tự nhiên đi cháu, bác ăn rồi…”
Bác gái ngồi ngoài nói vọng vào giọng vui vẻ, có lẽ vì đội bác thích mới được bàn:
-”Ăng đi mà cháuuuuuu, hai bác “ăng” rồi mà!
Thằng nào sao khách sáo quá, làm sao hai bác ăn được nữa mà mời hoài?”


 Tại Sao Ca Sĩ Hay Đeo Kiếng Đen Khi Ra Đường?
 

Nhiều người thường hay thắc mắc không hiểu tại sao hay thấy hình ảnh của những người ca, nghệ sĩ trong đời sống hàng ngày thường giáng lên mặt cặp kiếng đen to tướng.
Dưới đây là vài nguyên nhân cho cái cặp kiếng đen to đùng đó:
VỚI CÁC NỮ CA SĨ:
1/ Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn. Phần lớn đôi cánh “cửa sổ” này được “siêu” mơ màng hơn trên hình ảnh hoặc màn hình nhờ một tí phụ tùng vớ vẩn:
Một tí chì kẻ mắt cho mắt rõ ràng hơn.
Một tí eye shadow cho sâu đậm hơn, hoặc thêm một tí cho hàng lông mi thêm dài thơ mộng.
Lúc nào không có đủ giờ rỗi để chăm chú cho “cửa sổ”, đôi kiếng đen dương lên làm thành trì che đôi cửa sổ để đối phương khỏi so sánh được sao mắt “em” bây giờ sao chả … long lanh như trên video hoặc sân khấu.
VỚI CẢ NỮ LẪN NAM CA SĨ:
1/ Thường xuyên bay shows đây đó, thiếu ngủ là chuyện thường tình xảy ra.
Một cặp kiếng đen bự là một cách lẹ & hữu hiệu nhất để che đôi mắt đo đỏ, sưng sưng hậu quả của đêm qua không ngủ đủ tám tiếng.
2/ Mắt kiếng là một thứ trang sức nên có.
Nếu kiếm ra được một cặp kiếng hợp với khuôn mặt thì người đeo kiếng trông sẽ “cool” hơn, “sắc đẹp” sẽ được tôn vinh hơn.
Khi đeo một cặp mắt kiếng hợp thời trang & mắc tiền, được thiên hạ trầm trồ, khen lấy khen để sẽ khiến người đeo cũng cảm thấy sung sướng & tự mình cảm thấy… sang hơn.
3/ Cặp mắt kiếng to & đen sẽ che bớt khuôn mặt đang bị mệt mỏi (nếu có)…
4/ Lỡ có “được” hoặc “bị” chụp hình bất tử thì nhan sắc không đến nỗi sẽ bị “tệ” lắm nhờ cặp kiếng… đẹp.
5/ Ca sĩ đôi khi cũng bị … đau mắt như ai, ehehe…
6/ Cặp mắt kiếng mới mua nên phải đeo để … khoe chứ, heheh
7/ Hôm nay tự cảm thấy sắc diện không mấy ổn, đeo để hy vọng không có người nhận ra và cũng để khỏi bị hỏi … vì cớ làm sao không còn đẹp “lung linh, huyền ảo” như mọi ngày? Ha ha…
8/ Trong một vài trường hợp, cặp mắt kiếng với bộ quần áo nào đó thành một bộ phải đi chung với nhau
… Không đeo kiếng nó sẽ thấy thiêu thiếu như thế nào ấy…
9/ Theo thói quen, trời nắng thì đeo kiếng
TRỜI TỐI MÀ VẪN ĐEO MẮT KIẾNG ĐEN:
1/ Do tất cả những lý do ở trên cộng lại.
2/ Vì lịch sự, đeo để đi đâu lỡ có nhắm mắt ngủ gật, sẽ không ai biết (hy vọng sẽ không ai biết…)
3/ Vì thức dậy trễ, “quên” mất là trời đã tối rồi, hahaha…
Đây là mình chỉ theo kinh nghiệm cá nhân mà đoán lý do chung chung cho vui thôi nhé.
    Sự “Đúng-Sai”, ” Sai-Đúng”, đúng vào mình thì nhiều, còn với ca sĩ khác thì còn tùy vào trường hợp của từng người à nha…


                                                 Donho,fb