Trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 25 tháng 10, 2012

Hỏi hay Ngã

 Những ai trong chúng ta hiện đang đi trên đại lộ me mé bên cạnh hoàng hôn của cuộc đời, tức là gần cuối con đường số 5, nghĩa là đã sống hơn ½ cái kiếp người, chắc thế nào cũng còn nhớ kỷ niệm lần đầu tiên khăn gói lều chõng lên đường ứng thí kỳ thi mở màn cho sự nghiệp đèn sách của mình. 
 Tôi muốn nhắc đến kỳ thi Tiểu Học, kỳ thi mà chúng ta thường gọi là “Ri-Me” (để tỏ ra là chúng ta cũng biết nói tiếng Tây, tuy chỉ là thứ tiếng Tây thuộc loại : Tiếng Tây tôi để trong mo,
đến khi Tây hỏi, tôi mò không ra Trong kỳ thi này có một bài Chính tả mà có người còn gọi là Ám tả, có lẽ vì bài viết này quá u ám đối với các sĩ tử tí hon như chúng ta thời đó chăng? Bài chính tả được chấm 10 điểm, nếu chúng ta không viết sai lỗi nào. Và cứ mỗi lỗi là bị trừ mất một điểm. Các lỗi HỎI và NGÃ vì không quan trọng nên chỉ bị trừ ½ điểm.
Tôi là dân Huế chính gốc 100% tức là dân Huế “chay”, Huế rất chi là Huế, Huế từ đầu đến chân, Huế từ trong ra ngoài nên phát âm các chữ có dấu HỎI-NGÃ rất tùy tiện, phóng túng, hoàn toàn không giống người dân ở miền Bắc của Cố Đô Thăng Long, mặc dù Huế của chúng tôi cũng là Cố Đô Ngàn Năm Văn Vật.

 Do đó dân Huế chúng tôi sợ nhất là những chữ có dấu HỎI-NGÃ lúc viết bài thi chính tả, dù đã học thật kỹ cuốn sách viết về luật HỎI, NGÃ của Thầy Lê Hiếu Kính. Tôi thường nghĩ thầm là : HỎI hay NGÃ thì cũng “mắm sốt”. Đọc lên dù phát âm đúng hay sai, người dân Việt Nam vẫn hiểu được như thường, vậy thì hơi đâu mà phải bận tâm ... Ví dụ như:
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi

Dù ta có viết chữ “hỡi” với dấu HỎI thì ai mà lại chẳng biết chữ “hởi” có nghĩa là “ơi” là “ới” là “này”. 

Thế thì chữ “hỡi” viết đúng hay sai cũng không có gì là quan trọng. Chẳng lẽ viết đúng thì có tính cách thân mật hơn, lịch sự hơn, âu yếm hơn, dễ thương hơn là viết sai hay sao? Cũng như chữ “đổ”, nếu có viết sai với dấu NGÃ thì cũng không ai lại nghĩ lầm là hạt «đậu» được. Luận điệu này của tôi đã bị người yêu của tôi chê sát ván và bảo tôi là gàn bướng quá thể (?).
 Nàng răn đe, phụng phiụ :
- «Cái kho tàng chữ nghĩa tuyệt vời của tiếng Việt sẽ bị những người ngoan cố như anh làm thui chột mất thôi. Viết mà đúng thì thứ nhất, chẳng ai bắt bẻ gì được mình.

 Nêú không á hả, có khi lại còn bị người ta cười là mình dốt nữa đâý. 
Thứ nhì, mỗi chữ có cái nghĩa riêng của nó, xập xí xập ngâù thế nào được. Này nhé, em BỎ công ra (dâú HỎI đây nhé) lý luận, dẫn giải lung tung như thế này, mệt lử cò bợ chứ có phải đùa đâu, thế mà anh chẳng chịu hiểu cho, vẫn cứ khăng khăng cho là mình có lý. 
Thật là chả BÕ cái công (dâú NGÃ đây nhé) em nói ra rả bâý lâu. Vậy thì ... em BỎ anh (hứ!!). Anh í à, chẳng BÕ để .. em .. để em .. gì nhỉ ..? Đâý, anh thâý chưa, anh đã thâý tiếng Việt của mình phong phú, biến hóa tài tình như thế nào chưa? Thế mà anh nỡ lòng nào nói cùng một giọng, viết cùng một kiểu, thế thì hỏng bét !
Giời ơi là giời !! Anh gàn lắm !! Anh cãi châỳ cãi cối !! Anh...bướng !! .. 
«. Các bạn có biết những cái v(ân) v(ân) chấm chấm đó, hồi mới quen Nàng, tôi đã nhặt không kịp, tôi đã hẩy đi không kịp sau những lá thư tỏ tình với Nàng không? 
 Người tôi yêu là dân Bắc Kỳ rau muống, các bạn ạ, chính hiệu con nai vàng. Nàng rất chi ly khi viết tiếng Việt Nam, cũng chi ly như lúc ăn bún riêu nấu với cua đồng, mà dân Huế chúng tôi gọi là con «rạm». Cọng rau muống dù nhỏ bé đến đâu cũng bị Nàng chẻ ra làm tư.
 Vì thế mỗi lần viết thư cho Nàng, tôi phải dùng từ điển Việt-Pháp của cụ Đào đăng Vỹ để tra cứu các dấu HỎI-NGÃ, mà nếu có ai nhìn thấy tôi dùng từ điển Việt Pháp để viết thư chắc lại nghĩ là tôi đang viết thư cho một cô đầm nào đó, và chắc là phải phục tài ngoại ngữ của tôi ghê lắm. Kể ra thì đó cũng là một cái lợi khi bị hiểu lầm như thế.
 Nhưng lại là một nỗi khổ cho riêng tôi. Đã qua được kỳ thi “Ri-Me” đầu đời rồi mà vẫn phải học lại cách viết chính tả với dấu HỎI-NGÃ nhiêu khê phiền toái.
 Muốn tránh nỗi khổ này, tôi thường tránh né dùng những chữ có dấu HỎI-NGÃ và tìm những chữ đồng nghĩa thay thế vào. Ví dụ, thay vì viết : «Anh nhớ Em kinh khủng» thì tôi viết «Anh nhớ Em ghê gớm».
 Nàng có chê là tôi viết không văn chương chữ nghĩa thì tôi cũng đành chịu và Nàng cũng ráng chịu, cho bõ ghét cái thói chi ly ưa vạch lá tìm sâu, sửa chữa những lỗi lầm HỎI-NGÃ. Thật ra thì tôi cũng phải cảm ơn Nàng, vì nhờ Nàng mà tôi biết viết đúng rất nhiều chữ có dấu HỎI-NGÃ (tuy là vẫn còn sai khá nhiều)...
 Nhưng nếu bây giờ mà cho tôi đi thi lại Ri-Me thì bài chính tả của tôi chắc chắn là xuýt nữa thì được 10 điểm, nhờ có người yêu là dân Bắc Kỳ đâý (biết rôi, khổ lắm, khoe mãi!). Lại nữa, nhờ chịu khó tìm kiếm những chữ đồng nghĩa không có dấu HỎI-NGÃ mà tôi đâm ra hoạt bát hẳn lên và rất giâù ngữ vựng. Chẳng hạn như câu ca dao dẫn chứng trên kia tôi có thể viết như thế này: Cô kia tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng quăng đi.

Hay là: Này cô tát nước bên đàng
Răng cô múc ánh trăng vàng dzụt đi Các bạn có thấy tôi biết dùng cả chữ Huế và chữ miền Nam không? Như thế này thì người yêu của tôi làm sao mà có thể chỉ trích tôi viết sai HỎI-NGÃ được nữa chứ, hử ?
Bây giờ nhé, các bạn thử xem tài biến chế của tôi để tránh dấu HỎI-NGÃ, khỏi phải sợ người yêu bắt bẻ. Thì đây, thay vì viết :
« Ngủ dậy nửa đêm, lặng lẽ, mò mẫm, mở tủ lạnh, kiếm hũ sữa bò, tìm một cái ly mủ, đổ vào lưng lửng ly, hỉ hả ngủm từng giọt nhỏ, không có gì khỏe bằng... « 

 Các bạn có thấy cái câu này gồm không biết bao nhiêu là dấu HỎI-NGÃ làm điên đầu những người dân miền Trung và miền Nam không?
 Nếu không tin tôi, các bạn (tôi không thách đố dân Bắc kỳ như người yêu của tôi) thử viết mà không được dùng từ điển như tôi, xem thử các bạn viết đúng được bao nhiêu chữ. Nhưng đừng lo, dễ lắm! Hãy bắt chước tôi tránh né: 
 « Thức giấc lúc 12 giờ khuya, nhẹ nhàng, rờ mò cạy frigidaire, kiếm lon nước vắt từ vú con bò cái, tìm cái ly nhựa rót vào lưng chừng ly, cười một mình, uống từng ngụm in ít một, không có gì khoái chí bằng... «
Sao, các bạn có thâý tôi tránh né thần tình chưa? Đọc lên, nghe cũng xuôi tai lắm chứ bộ? Nhưng cũng chả xong với cái tính chi ly ưa bắt bẻ của người tôi yêu, các bạn ạ .
Mỗi chữ mà tôi viết sai, Nàng thâý liền tức khắc. «Nom ngứa mắt lắm!», Nàng nói rứa.
Thế là có ngay một màn giảng nghĩa a, dẫn chứng a, lôi các câu của những danh nhân kim cổ ra mà kể lể a, tranh luận a.... thôi thì đủ điêù, đủ kiểu. Nàng có cái esprit critique mà ly., tôi đã bảo. Mà không những thế, lại kiêm luôn cái esprit analytique nữa, giời ạ, thế thì có khổ cho cái thân tôi không cơ chứ !
Nàng thường thỏ thẻ (nguyên văn) :
- «Anh cứ thử tưởng tượng như thế này này, trước khi viết. Cứ thử tưởng tượng xem em sẽ nói cái chữ đó với cái giọng như thế nào, lên giọng hay xuống giọng, là anh biết sẽ phải viết với HỎI hay NGÃ ngay thôi.

 Ví dụ cụ thể đây nhé, cho mà thích mê tơi nhé, cho mà nhớ đời nhé, nghe đây này : anh cởi ..., xuống giọng (vì nằm xuống?) dâú HỎI, đã nhớ chưa? Và rồi thì ... em cỡi ..., lên giọng (vì leo lên?) dâú NGÃ, nhớ chưa nào? « Gì chứ, ma bùn như tôi, cái ví dụ này là tôi khoái nhất, nhớ nhất, nhớ chết đi được, nhớ đời ! 
Giọng nói của Nàng, ôi sao mà nó ỏn thót đến thế không biết, du dương mê ly lắm cơ, nghe mà cứ chết lịm cả người đi mất thôi, đứ đừ đừ (Dạ Lan của đài Tiếng Nói Quân Đội ngày xưa mà lỡ có dại dột đòi so tài «rù rì, dú dí» với Nàng là thua bét tỹ ngay), thế thì bảo sao mà tôi không tăm tắp tuân theo lời dạy bảo của Nàng cho được ?
 Và kỳ lạ chưa, sao dạo này tôi không thâý Nàng đả động gì tới hai cái dâú quái ác HỎI và NGÃ nữa thế nhỉ ?
Đã lâu lắm rồi nên tôi cũng quên mất cái cảm giác «ngẩn tò te» mỗi lần gửi thư cho Nàng xong, mong mong ngóng ngóng sốt cả ruột cú phone của Nàng, để chắc mẩm sẽ được nghe những lời lẽ cứ gọi là mềm nhũn ra vì vừa thấm đẫm những tình tự tôi trao. Nhưng không các bạn ạ, giời ạ, thay vào đó, tôi chỉ nghe những nào là :
- «Chết chửa, cái chữ «xxxx» này mỗi ngày nghe cả chục lần, nói cả trăm lần, đọc cả nghìn lần, thông thường như vậy mà anh cũng viết sai cho được thì ... phục anh thật cơ ! Lại còn chữ «yyyy» nữa, anh viết như thế này thì em hiểu thế nào bây giờ đây, hở giời ? 

Viết cái gì mà chữ nghĩa ý tứ lộn cứ tùng phèo hết cả, em chả hiểu gì sất !!! ...»
Tôi ngẩn tò te là phải. Đực người ra là phải.
Nhưng may quá, đó là cái lúc ban đâù thôi, cái thuở ban đâù lưu luyến âý mà.

 Qua lâu rồi. Cái thuở mà tôi, vì ngẩn tò te nhiêù quá nên đâm ra tức khí, bèn lôi một lô mâý bộ từ điển (vẫn nằm mốc meo ở ngăn tít cao trên cùng của kệ sách) để tra tra cứu cứu mỗi khi gặp phải một chữ oái oăm nào đó. Nêú có tả oán cái nỗi khổ cực của tôi vì phải đánh vật với mâý quyển từ điển những lúc viết thư tình cho Nàng, chỉ nghe Nàng phì cười, khuyến khích :
- «Càng giỏi chứ sao. Người Việt mà không viết rành tiếng Việt, xâú hổ lắm, nhé «.
Có rất nhiêù lần, sau khi xem xong thư của tôi, Nàng gọi, chỉ để bảo:
-»Anh viết chữ «zzzz» này sai rồi nhé. Dâú HỎI (hay NGÃ) đâý, chứ không phải dâú NGÃ (hay HỎI) đâu.

 Nhé, anh nhé.»
Tôi cãi, hùng hồn cãi, vì chữ này thông thường quá mà, dễ ợt, nên tôi nhất định cho rằng tôi viết như thế là đúng rồi, đúng quá xá đúng rồi, phải là dâú NGÃ (hay HỎI) chứ, chắc chắn một triệu phần trăm.

 Nàng cười xòa, tự tin, rồi thách tôi tra hai cuốn từ điển khác nhau để kiểm chứng lại.
 Chục lần như một, chỉ vài phút sau, tiếng tôi dzọ dzẹ hẳn, âu yếm:
- Em là quyển từ điển vivant của anh. Anh viết nhầm thật. Phục thâỳ, «chịu» thâỳ..quá..a..á!
Tôi «thâý», bên kia đâù dây, Nàng cười tủm tỉm, mắt long lanh, sung sướng .... và hình như mát (lắm) cái ruột nữa thì phải ....
.... Gần đèn thì sáng, các bạn ạ. Nhờ quen với Nàng, nhờ sự chăn dắt của Nàng, tôi sắp có thể trở thành văn sĩ đến nơi. 

Một điêù tất nhiên thôi. 
 Viết nhiêù, viết lắm như thế này, để ca tụng Nàng í mà, thì rồi một ngày đẹp trời nào đó cũng sẽ ... bất đắc dĩ trở thành văn sĩ nổi tiếng chứ chả chơi đâu, nhỉ ?
Thế đâý, cái mối tình văn chương chữ nghĩa của tôi với Nàng, kết chằng kết chịt bằng những dâú HỎI + NGÃ . Và rồi khó gỡ. 

Nàng đã nhập hẳn vào tim, vào óc, vào ... người tôi. Nàng ám ảnh tôi cả ngày lẫn đêm. Tôi đang dần dần biến thành Bắc kỳ giống Nàng.
 Chắc có lẽ giống y hệt rồi, giời ơi là giời, thế này thì có «sướng» cho cái thân tôi không cưa chứ !!!
Bà Già Trâù bắc kỳ nho nhỏ của tui ơi,
Rứa chừ em ở chỗ mô ?
Răng anh không thâý em mò vô meo ?
Nhớ em, héo úa eo xèo
Lỡ thương nên quyết đèo queo trọn đời
Tụi mình xa cách biển trời
Ngày mô cũng viết ít lời thăm nhau
Khi mô Trời khiến đụng đâù
Mời em xơi một miếng trâù cho vui
Bữa tê trời nắng ui ui
Nhớ em chi lạ, anh ngồi buồn xo 


Thương nhau em cứ đắn đo
Bực mình em thiệt, em lo lo hoài
Nhiêù khi anh cũng muốn đoài
Hun em một miếng bên ngoài mà thôi
Giỡn chơi một tí đừng cười
Mà anh ốt dzột suốt đời em ơi !


Thương em, anh cứ câù Trời
Xin cho anh gặp được Người anh mê
Ngày dài tháng lụn lê thê
Biết chừng mô đó mình kề bên nhau
Mình ngồi hai đứa chụm đâù
Cầm lòng không đậu, hun đâù em thương ...

BÍCH VÂN
(để tặng những người khổ sở vì HỎI, NGÃ ) 

tks,tks t/g !

PHỐ CŨ TỰ TÌNH

Thế là người dứt áo ra đi, còn tôi thì ở lại. Dường như định mệnh đã sắp xếp cho tôi luôn luôn là kẻ ở lại, như bến ga quạnh quẽ chờ những chuyến tàu xuôi ngược, mà nhìn những buổi phân ly, kẻ ở lại bao giờ cũng ôm mang kỷ niệm, khi người đi có biết bao niềm vui mới.
 Tôi nghĩ như vậy biết có đúng không, nhưng sao lần này người đi, dẫu không biết thở dài, tôi vẫn thấy lòng mình trống trải, buồn mênh mang.
Đã có bao nhiêu người đến đây, sống trong căn phố này, từ lúc tôi còn trẻ lắm. Khác với loài người, tôi sinh ra đã đẹp, óng ả ngay từ lúc vào đời. Thời gian trôi đi, tuổi đời chồng chất lên, tôi cứ theo đó mà cũ kỹ .
Tôi không biết đọc biết viết đâu, thậm chí cũng không biết thay đổi thế đứng thế nằm cho thoải mái, nhưng tôi chuyên chở trong lòng bao nỗi buồn vui, từ ngày này qua ngày nọ, năm này qua năm khác.

 Tôi biết được sự vui buồn qua tiếng cười lúc đời vui, tiếng khóc lúc đời buồn, và tôi đã chứng kiến cái mà người ta gọi là “thế thái nhân tình” nơi những con người từng đến đây với tôi, vì tôi là một căn phố cũ.
Năm nay tôi đã ba mươi tuổi, tuổi thành đạt của người đàn ông và chín mùi của người đàn bà, riêng tôi với tuổi đời ấy, tôi già đi và cũ kỹ trông thấy, đời chất chồng bao nhiêu kỷ niệm. Có những người đến, có những người đi, có người đối đãi với tôi bằng sự trân trọng, có kẻ cũng cư xử chẳng ra gì. Điều ấy tôi biết được qua cách sống của họ, gặp người có tư cách thì dẫu tôi không là của họ, họ vẫn trang trọng khi trang điểm cho tôi vài bức tranh tươi mát, còn kẻ thô bỉ thì họ xem tôi như kẻ ăn sương, gắn vào mình đủ thứ bẩn thỉu, diêm dúa. 

Thỉnh thoảng, khi có người bỏ đi, ông chủ như thương cho sự tàn tạ, buồn bã của tôi, ông quét cho tôi lớp sơn mới. Như người đàn bà nhan sắc đã tàn phai, được phết lên mấy lượt phấn, da thịt bỗng nõn nà hẳn ra, ngó không kỹ, tưởng vẫn còn xuân sắc lắm.
Dạo tôi vừa sinh ra, hàng cây xồi ven đường cũng còn bé xíu, chân cẳng chúng mốc cời và khẳng khiu như ống chân trẻ đói ăn. Vậy mà thời gian qua, chúng lớn nhanh như thổi, nhờ mưa nắng của trời. Có những điều lạ lùng và nghịch lý không hiểu nổi, cũng nắng mưa ấy chúng nó càng ngày càng xum xuê, tươi tốt, còn tôi lại càng cũ kỹ.

          Lũ cây sồi càng lớn thì tôi càng nhỏ bé lại, hèn gì tôi thấy người càng già họ cũng từ từ nhỏ đi, tính tình cũng bất thường như trẻ con, những xốc nổi háo thắng tuổi trẻ cũng cứ thế mà tiêu ma, cho nên khi thấy ai già mà tính tình còn hung hăng, tôi ngạc nhiên lắm. Lúc đã bước qua tuổi “tri thiên mệnh”, càng sống càng thấy đời chẳng giữ lại được gì, đôi khi nhìn thấy những chuyến xe tang bật đèn đi hàng dài trên con đường dẫn ra nghĩa địa, người ta bỗng ít nói hẳn đi, có một điều gì suy nghĩ làm cho người ta thường thích nghe nhiều hơn nói, và chỉ tủm tỉm cười khi thấy đời có nhiều điều trái tai gai mắt.
Dưới những tàn lá xanh của rặng xồi ven đường, ngọn đèn đường vàng vọt, hắt hiu đã làm cho căn phố cũ lúc nào cũng buồn buồn, rất thích hợp cho những tâm hồn yên tĩnh pha một chút lãng mạn, khi nghe tiếng mưa tí tách rơi xuống khoảng sân lát gạch màu đỏ. Ngày xưa, những viên gạch ấy có màu đỏ thẫm, và hàng hiên cũng sơn một lớp sơn thẫm như màu gạch. Bây giờ cả hai cùng nhạt phấn phai son, xậm xuống vì mưa nắng. Chúng cũng giống như tôi, đứng lại một chỗ trong khi bao thứ khác tiến lên, bởi vậy tôi mới được gọi là căn phố cũ.
Những năm tôi còn trẻ, dạo ấy là thời mà thành phố còn đầy những rừng cây, con người còn hiền lành như chim, tôi cũng khá là xinh đẹp và đã có không ít người phải chật vật lắm mới được sống với tôi. Đất nước này rất lạ, họ có một nền văn minh du mục, giống như ø những người Bô Hê Miên, thường thay đổi chỗ ở luôn luôn.

 Tính họ ít gắn bó với cái gì lâu dài, bởi họ rất thực tế, khi kinh tế phát triển nơi nào là chỉ một sáng một chiều họ đã cuốn gói ra đi, cho nên với họ tôi chả có kỷ niệm gì ráo.
 Người ta đến vì nhu cầu cần một chỗ ở, người ta đi vì đến lúc phải đi. 
Bỏ một số tiền thuê mướn, họ có thể hành hạ tôi như ngày xưa, ông nhà giàu có tiền mua hầu thiếp, chuyện tình cảm ái ân cũng chỉ là để thỏa mãn cho món tiền họ bỏ ra, cho nên với những hạng đó, tôi không nhớ nổi, và cũng chẳng nhớ làm gì.Với thứ tình nghĩa bạc bẽo đó, tôi dửng dưng nhìn họ đến họ đi, chẳng giữ lại chút kỷ niệm nào. Tuy nhiên, dù không phải là người, tôi vẫn rất cần sự trân trọng của những con người có văn hóa. 
Chuyện tôi kể ra đây chỉ vì có một lần, tôi bị một lũ người chẳng ra người, ngợm chẳng ra ngợm, những chân cẳng ấy mỗi lần nhảy nhót lên theo điệu nhạc, tất cả người tôi như bị rung rinh và tức thở, mấy vách tường đã cũ dường như muốn nứt ra vì tiếng nhạc rậm rật.
 Đến bây giờ tôi vẫn còn ê ẩm vì những dấu đinh họ đóng vào người tôi, để treo lên những bức tranh hở hang, quần áo nghèo nàn và bảo đó là nghệ thuật thứ bảy. Xấu hổ chết đi được, bởi vậy khi phải nhìn những con mắt hau háu ấy dán vào những bức tranh nghệ thuật bẩn thỉu, tôi cứ rợn cả người. Sau này, lớp người ấy ra đi, những bức tranh tục tĩu được xé bỏ, tôi mới thấy mình nhẹ nhõm một chút. Có lẽ tôi đã già, lại hơi bảo thủ, cho nên vẫn thích sống im lặng với những tâm hồn yên tĩnh, để nghe trong không gian bàng bạc một nỗi buồn riêng, thú vị lắm.
Sau những tháng năm dài phục vụ con người, lại thêm kinh tế ngày một khó khăn, biết tôi ốm đau, tàn tạ nhưng ông chủ tôi là người thuộc giống dân cũng rất thực tế, tính toán là đến lúc nào đó phải thay đổi, phải bỏ đi là họ bỏ, không ngậm ngùi nuối tiếc.

 Đấy là bản sắc của một dân tộc có một lịch sử rất mới mẻ, cho nên họ luôn luôn hướng về phía trước, và những gì họ có, nếu cần phải quên, họ không nắm nuối. May mắn thay, phải nói là may mắn cho nên tôi còn tồn tại đến bây giờ, chứ không giờ này cũng đã trở thành tro bụi cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Dạo ấy có một đám di dân từ phương xa đến, chả biết họ ở đâu, nghe nói tận bên kia bờ Đại dương, mà nhìn trên bản đồ, tôi thấy nó cong cong một hình vẽ dài và hẹp.

 Đất này là miền đất hứa của dân tứ xứ, tôi biết thế là vì từng này tuổi, tiếp cận gần gũi với đủ thứ loại người, tôi công nhận chưa nơi nào con người có nhiều tự do bằng ở đây, có nhiều cơ hội bằng ở đây. Nếu cứ chịu khó thì đúng nơi này mang cơ hội đến cho mọi người, nếu họ biết mở cửa mà bước vào.
Ông chủ tôi gặp dịp may, tống khứ những thứ cũ kỹ cho đám di dân mới với một giá rẻ mạt. Khởi đầu thì cũng trong bọn họ, có những người đi trước rất hiểu bản chất người phương Nam, quan niệm rằng “có an cư mới lạc nghiệp”, cho nên họ đánh trúng tâm lý của người mới tới, thế là bao nhiêu căn phố cũ kỹ chúng tôi, được sơn phết sửa chữa vội vàng, nhìn hào nhoáng mới mẻ khi tôi và chúng bạn được khoác vào mình bộ xiêm y mới. 

Với những cái lưỡi không xương nhiều đường lắc léo, trong giây phút chúng tôi biến thành những lâu đài thần tiên của đám dân nghèo.
 Tôi lại một lần nữa có cơ hội được sống thêm, mang hạnh phúc đến cho những con người, mà sức chịu đựng và lòng kiên nhẫn của họ, cũng như thứ tình cảm gắn bó với “cái nhà là nhà của ta”,     đã làm tôi thổn thức mãi khi phải chia ly 
Bây giờ cũng cần phải kể lại câu chuyện cũ, vì rõ ràng không thể tách rời khỏi quá khứ, nếu tôi muốn bày tỏ cho mọi người hiểu tại sao tôi lại yêu mến người chủ mới. Thời gian ấy tôi tang thương như một nàng ca kỹ hết thời, son phấn đã nhạt màu thời gian, trên mặt chỉ còn là những dấu đinh lỗ chỗ và chiếc cửa kính thì mỗi lần kéo, lại rít lên những tiếng ken két ghê tai. 
Thế giới tôi đang sống lúc ấy, con người xung quanh tôi lại không muốn gắn bó một điều gì lâu dài, nếu là người thì tôi đã có một nơi chốn để đến, đó là “nursing home” hay là nhà chờ chết, nhưng vì là nhà cho nên tôi cứ tự nhiên xụm xuống như mọi thứ mà thôi.
Đám người cũ ở đất này, hầu như chỉ thích khai phá những gì mới mẻ, thay đổi luôn luôn, cho nên họ tiến bộ phía bên ngoài mà lại đánh mất cái bên trong.

 Còn đám người mới đến lại là những con người khá lãng mạn, họ sống bằng tình cảm, gắn bó với cái cũ mà nếu phải tách rời dĩ vãng, họ như đánh mất một nửa tâm hồn. Điều này không biết sai hay đúng, riêng tôi có lẽ vì cũng mang mặc cảm già nua tuổi tác, tôi vẫn thích thú sự trân trọng cái cũ, nếu đó là những điều đẹp đẽ.
Người chủ mới đến với tôi đơn giản chỉ vì tôi vừa vặn trong tầm tay của họ, và hình như họ có sẵn quan niệm thích làm chủ hẳn cái gì mà họ nắm bắt được.
 Dẫu rằng ngó quanh thì xứ sở này không phải của họ, đất nước này dù là xứ sở của mật và sữa, cũng không làm họ quên đi nỗi nhớ quê hương.
 Tôi cũ kỹ thật nhưng qua những tay chuyên nghiệp về sửa sang nhà cửa, đối với người chủ mới kể cũng khá là tiện nghi. Rồi khi tôi thuộc hẳn về họ, tôi mới thấy còn nhiều thứ tình gắn bó với họ mạnh mẽ lắm, bởi nền tảng là sau những cam khổ của nơi họ sinh ra, họ tự nhiên có cái tính toán phải đề phòng những bất trắc.
 Nhờ vậy, từ những cơ cực ban đầu, họ đã có nền tảng để đầu tư những cái lớn trong tương lai.
Trước tiên, bộ mặt tôi được đổi sắc theo cách nhìn của họ, nhờ vậy tôi mang dáng dấp một tiểu thư phương Đông, màu sắc mùi vị phương Đông.

 Mỗi lần ngày giỗ ngày Tết, người tôi thơm lừng mùi trầm nhang, những bức sơn mài cẩn ốc treo trên tường như óng ánh thêm khi ánh đèn bật sáng, khắp người tôi bàng bạc một thứ không khí thơm tho và ấm áp, tôi chưa bao giờ có cảm giác dễ chịu như thế. Có một điều kỳ diệu giữa con người và những vật vô tri giác, như đồng loạt khoác vào nhau cái quấn quýt của một thế giới có linh hồn, và tôi đã chìm ngập trong niềm rạo rực êm ái đó. 
         Ba mươi tuổi tôi đã trải qua lắm dãi dầu mưa nắng. Mùa Xuân, đất trời còn mát mẻ và cây cỏ xanh tươi, tôi còn cảm thấy dễ chịu đôi chút. 
Qua đến mùa hè mới thật kinh khủng, nắng gì mà nóng dễ sợ, cứ phơi người ra với cái nóng hằng trăm độ của mùa hè ròng rã suốt mấy tháng trời, nếu da thịt mềm mại như con người tôi đã chết từ lâu. 
Rồi tiếp theo những mùa Đông giá lạnh, các khung gỗ trong người tôi co mình lại vì lạnh. 
Tôi thấu hiểu cảnh cơ hàn của những kẻ không nhà, vì thế cho nên khi người chủ mới tới, tôi cũng lờ mờ hiểu thế nào, tại sao mà có những người vào mùa đông lại có thể thốt lên những điều áo não: “... có ai thấu tình cô lữ đêm đông không nhà...”.
Suốt một đời làm nhà, tôi đã nhìn biết bao khuôn mặt đến rồi đi, mỗi người, mỗi dân tộc có một bản sắc riêng.

 Họ lãnh đạm thì tôi cũng nhìn lại bằng cái nhìn lạt lẽo, là vì không có tình trong đó thì làm sao yêu mến nhau được.
 Có nhiều người đến, họï không cho tôi cái cảm giác là một nơi chốn thân quen của họ, vì tôi chỉ là một phương tiện đáp ứng một nhu cầu, sau đó thì họ quên, quên phứt.
 Ở đời, những tấm lòng bạc bẽo ấy khá nhiều, thật xấu hổ khi họ được sinh ra làm người, tôi tưởng là họ có trí óc, có tâm hồn thì chắc hẳn phần sâu sắc phải hơn hẳn bọn tôi, hóa ra không phải vậy.
Những tháng ngày sau đó, hình như sự truyền đạt của một tấm lòng cho một tấm lòng, của con tim cho một con tim, tôi dần dần cũng biết chiêm ngưỡng những hạnh phúc đơn sơ mà mình gặp, mình thấy.

 Xuyên qua lớp cửa kính trong suốt, tôi nhìn thấy đôi chim sáo ríu rít vào ra chiếc tổ ấm trên mái hiên, cây thông xòe ra những tán lá xanh biếc, và cây kim quất nở những chiếc hoa trắng muốt, tỏa mùi thơm bát ngát.
Đôi chim sáo trên mái hiên, cây thông thẳng người với dáng đứng quân tử, cây quất nở hoa mỗi độ xuân về, dường như tất cả những thứ ấy hòa hợp vào nhau để trở thành một luồng sinh khí thổi hơi vào căn phố cũ, và cả con người nữa. Đó là cái hồn của nơi chốn, nó làm tôi sung sướng ngập tràn hạnh phúc.

 Đâu phải tất cả những căn phố như tôi đều được hưởng niềm vui êm ái đó. Tôi biết có nhiều lâu đài tráng lệ, được tô điểm và trang hoàng bằng những thứ quý nhất của trần gian, vậy mà sao nó vẫn lạnh lẽo? Có phải chăng nó không có trái tim, vì không tìm đâu ra sợi giây cảm thông giữa con người và nơi chốn.
        Càng sống lâu với những con người này, tôi càng cảm mến họ, vì họ là những người ít thích thay đổi, bởi vì họ thích gắn bó với quá khứ và kỷ niệm, cho nên tôi cũng thật tiếc khi họ bỏ lỡ nhiều cơ hội để tiến thân. 
Sống nhiều cho dĩ vãng, đắm chìm trong những ảo ảnh mù xa cho nên có lúc quên, hay cố tình không nắm bắt lấy cái mới mẻ trong hiện tại. 
Tôi đi đến kết luận này, và thực sự tiếc vì sao mà dân tộc họ không tiến mạnh lên được, nhưng vốn bản chất dân tộc họ đã có một nền văn minh định cư, sống có làng có xóm, có sự gắn bó với quá khứ, dẫu đôi khi quá khứ chỉ là những điều buồn rầu, mà họ cũng khó rứt ra được.
Cũng từ một góc trong căn phố cũ, tôi nhìn thấy những giọt mưa rớt xuống sân nhà, gõ những phím đàn trầm buồn trên mái tôn cũ kỹ.

 Những chiếc bong bóng nước phập phồng rồi vỡ ra như vỡ một nỗi buồn, tôi đọc được trong lòng người nỗi u uẩn đó. 
Ở đây những đêm mưa, ánh đèn rờn rợn xanh xao dưới hàng cây sồi tối thẫm, tôi nghe như âm vang một bài thơ, một đoản khúc, một giai điệu trầm lắng của tiếng nhạc trời mà chắc là chưa có một thi sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ nào ghi hết được. Tôi đã có sẵn một nỗi buồn già nua, cơn mưa đêm trong đôi mắt u uẩn chất chứa những nhớ nhung xa vời ấy càng làm tôi rùng mình vì cô đơn. 
Sự cô đơn thật kỳ quặc, như người ngồi một mình trong đêm khuya ngó bóng mình trên vách, lại tưởng rằng đã gặp bạn tri âm:“Chập chờn giữa những tỉnh mê,
Bóng mình trên vách, bốn bề quạnh hiu.”
Từ ngày ấy đến nay, tôi bị ảnh hưởng chút lãng mạn phương Đông, để tưởng tượng ra rằng dẫu là hoa cỏ cũng có linh hồn. Nghe qua thì họ bảo tôi bịa đặt, nhưng sự thật vẫn là sự thật, cây cỏ cũng buồn tủi như người, cũng biết đau khổ khi nghĩ đến lúc bị bỏ rơi, và cây kim quất đã thì thào bảo nhau cố đơm hoa khi mùa Xuân tới, khiến mùa Xuân năm đó khoảng không gian quanh chúng tôi như có hơi thở thơm tho của hoa cỏ, và vì thế mà mùa Xuân óng ả hơn.
Nếu bảo rằng qua một thời gian dài chung sống với những người ấy, để đánh giá cả một dân tộc thì e rằng tôi có cái nhìn quá rộng, nhưng thật ra họ cũng không hoàn toàn là những người chỉ sống cho dĩ vãng mà quên nhìn đến tương lai.

 Bằng chứng là họ vẫn khuyến khích lớp người trẻ vươn lên, gặt hái những thành quả tốt đẹp như người bản xứ, nhưng cái tinh hoa của nền đạo đức và văn hóa phương Đông, thì họ cương quyết gìn giữ, gìn giữ đến độ khe khắt.
 Điều ấy khiến đám trẻ bực mình, và cho họ là kẻ chậm tiến, bảo thủ. Giữa những khác biệt đó, tôi chỉ khách quan cho rằng phải dung hòa với nhau, như cô gái đẹp biết lúc nào nên mặc quần áo màu gì, cho hợp với tính cách của mình, thì sự khác biệt này cũng đơn giản vậy thôi.
Phần tinh thần thì đã vậy, còn ngoại cảnh thì sao? 

Dường như ở quê hương họ, nơi chốn họ sinh ra bao phủ một màu xanh của cây cỏ, cho nên nơi họ sống, họ cũng muốn tất cả đều mang một màu xanh, như mang phần đời của họ nơi quê nhà.
 Xung quanh căn phố cũ chỉ có những khoảng đất nho nhỏ, một hôm tôi ngạc nhiên nhìn thấy cây ớt đỏ, nhúm rau xanh, một cây chanh, vài bụi hành và những cây cải non mươn mướt. 
Họ trồng cho vui chứ không phải vì nhu cầu ăn uống, nhưng dùng nó để chia xẻ với những người quen biết, và sự cho đi là dường như có nhận lại niềm vui, có lẽ là bản chất của dân tộc họ.
Tôi đã ngạc nhiên khi một sớm mai trời còn đầy sương muối, bỗng tiếng gà gáy ở đâu vẳng lại đã làm họ xúc động, bên ly trà nóng sáng hôm đó, họ lại khoan khoái và thú vị hơn mọi ngày.

 Tôi thấy họ lắng nghe, đôi mắt long lanh. Tiếng gà gáy như sống dậy cả một trời quá khứ, làm đậm đà thêm chén trà trong sương sớm, và ngoài sân cây mẫu đơn cũng đang khoe những nụ hoa xinh.
 Một người nói: “Lâu lắm không nghe tiếng gà gáy...”
           Đúng là một dân tộc lãng mạn, nhiều tình cảm, khó hiểu và kỳ bí. Tiếng gà gáy, bông hoa mẫu đơn nở trong chiếc chậu sứ, những con chim sẻ nhảy nhót tìm mồi trên khoảng sân cỏ ướt, chắc chắn đã gói ghém hồn quê trong đó. Tôi chia xẻ và trân trọng nỗi ngậm ngùi của họ, những kẻ xa quê, và hiểu sao khi họ ngồi bên nhau, nhắc nhau nhớ, miệng họ cười mà mắt họ lại ướt.

             Vậy mà có một ngày người cũng bỏ tôi ra đi, mang theo tất cả hồn của căn phố cũ, tôi buồn biết bao nhiêu.
 Từ đây, những sáng sớm mù sương.
 Những hoàng hôn cơn gió chiều thổi những chiếc lá sồi khô lăn xuống cuối dốc. 
 Những đêm mưa trong căn phòng ấm nhìn ra mặt đường khuya ướt át, những giọt mưa vẽ nhòe nhoẹt trên mặt cửa kính và hàng cây rũ rượi ven đường, có tiếng đàn trầm réo rắt thở dài từ nhà hàng xóm bay sang, lòng tôi chùng xuống một nỗi nhớ không nguôi.
 Hơn tám năm dài tôi đã quen hơi người như quen hơi tình nhân. Tôi rộn rã khi người vui, tôi ủ rủ khi người buồn. Chưa bao giờ tôi lại có cảm nhận sâu sắc như thế, khi thật sự hiểu rằng tại sao người ta lại phải biết trân quý một tâm hồn, một trái tim.
Người đi thật rồi sao? Tôi nghe lòng trống rỗng khi còn trơ lại một mình với những bức tường trắng toát, và nỗi cô đơn của một căn phố cũ.

                                ~~~~~Nguyên Nhung.~~~~~

                                     @  tks t/g .
         Camly cùng tâm trạng - đồng cảm với t/g Ng.Nhung 

The Best of Richard Clayderman


                                          




Thứ Tư, 24 tháng 10, 2012

Tổng thư ký Liên hiệp quốc 'ghen tỵ' với Psy

Ông Ban Ki Moon cho rằng mình đã để mất danh hiệu "người Hàn Quốc nổi tiếng nhất thế giới" vào tay chàng béo "Gangnam Style". Ngày hôm qua, 23/10, Psy đã có buổi gặp mặt ông Ban Ki Moon tại trụ sở Liên hiệp quốc ở New York (Mỹ) trong chương trình mừng thành công của chiến dịch từ thiện Asiana Airline's Coins of love với số tiền quyên góp lên tới hơn  $ 7 tỷ won (khoảng $ 6,3 triệu USD).

Khi gặp "chàng béo" Gangnam Style, Tổng thư ký liên hiệp quốc làm cả khán phòng bật cười với lời nói đùa: "Tôi có một chút ghen tỵ với anh.
 Cách đây 2 ngày, có người nhận xét rằng tôi là người Hàn Quốc nổi tiếng nhất thế giới. Nhưng bây giờ tôi phải từ bỏ danh hiệu đó. Dẫu vậy, tôi cũng không hối tiếc".
Đáp lại lời khen của của ông Ban Ki Moon, Psy cũng đã dành những lời tốt đẹp để nói về người Hàn Quốc nổi tiếng này: "Vị Tổng thư ký liên hiệp quốc của chúng ta luôn nằm trong trái tim của mỗi người dân Hàn Quốc, là người xuất sắc nhất trong những người xuất sắc.
 Có mặt ở đây và biết rằng ông ấy cũng biết tôi khiến tôi vô cùng xúc động.
 Ông ấy đã nói có xem video của tôi. Điều này còn tuyệt vời hơn cảm giác khi Gangnam Style lên vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng âm nhạc Billboard".
 Tại sự kiện ngày 23/10, ông BankiMoon cũng đã vui vẻ nhảy điệu cưỡi ngựa cùng với Psy trước đông đảo phóng viên.
Hiện tại, Psy vẫn đang bận rộn với kế hoạch quảng bá tại Mỹ. Tháng 11 tới, nam ca sĩ xứ Hàn sẽ ra mắt album đầu tay ở đất nước cờ hoa.
Ngoài ra, ngày 7/11, Psy sẽ có bài phát biểu trước 12.000 sinh viên của trường đại học danh tiếng Oxford của Anh. Nam ca sĩ xứ Hàn sẽ nói về "bí quyết" đằng sau thành công của Gangnamstyle
 Toàn bộ bài thuyết giảng sẽ được nói bằng tiếng Anh. Trước Psy rất nhiều nhân vật nổi tiếng từng diễn thuyết ở Oxford như Jimmy Carter, Bill Clinton, Mother Theresa, Dalai Lama, Michael Jackson và Billy Joel.
                                       Reuter,news

Chụp ảnh cưới

 Măng bảo lúc rày người ta đang rủ nhau chụp ảnh cưới lạ. Là báo viết vậy, sợ anh không tin, Măng nói thêm, nó tưởng báo nói là thánh nói.

Báo kể người ta mặc đồ bộ đội áo dài trắng, nước ảnh ố vàng y như hồi chiến. Người ta ra ruộng lùi sình, kẻ cày cấy kẻ cưỡi trâu. Người ta đóng vai nàng gánh nước ngang qua chàng vá xe trên vỉa hè tơi tả bụi. 
Có đôi còn kéo nhau ra làm duyên ở bãi rác thành phố, ngó bộ ảnh cũng ngộ lắm. 
Một cô người mẫu vừa làm bộ ảnh cưới mười hai tấm kể lại mối tình của cô, từ lúc quen nhau làm sao, sóng gió thế nào, coi vui như phim vậy.
Anh nhìn mưa và mấy con cá chốt nằm nghiêng ngửa trong rổ trước mặt Măng, lướt qua những ngón tay nó héo xanh đi vì dầm trong nước, lơ đãng bảo, “hay bữa nào nắng mình chụp hình cưới đi. Em muốn mình cũng làm kiểu vậy ?”. Mặt Măng bơ bơ tê dại vì bất ngờ, vui sướng. Nó mong mỏi nghe câu ấy đã lâu rồi.
 Măng mường tượng nếu bắt chước phong cách ảnh cưới của cô người mẫu nọ, chắc nó phải nằm xãi lai trên mặt đường để diễn lại vụ va quẹt làm nó té chỏng gọng, tay rách toạc mấy mảng da, năm trứng vịt bể be bét. 

Măng sẽ bôi nước sốt cà vào người giả làm máu, và anh thì lóng ngóng đỡ nó mà mắt cứ ngó chiếc xe máy của anh đang chảy xăng lênh láng, hỏi có sao không có sao không.
 Sau đó sẽ là cảnh anh đến căn phòng Măng đang trọ, mang trả lại chiếc xe đạp đã sửa xong, cùng với bông băng thuốc đỏ. Phòng trọ đó chắc giờ người khác ở, nhưng sẽ tìm được bối cảnh tương tự ở bất cứ đâu, những căn phòng nóng nực thấp và hẹp như một hộp diêm, đủ để kê cái giường ngủ và bếp ăn nhỏ.
 Bộ ảnh cưới cũng không thể thiếu hình ảnh hai đứa ngồi quán cà phê nhai nước đá viên, đi đạp vịt ở công viên nước. Cảnh anh sấn sổ vội vàng đè Măng vào giường cái hôm nó đến nhà anh chơi cũng quan trọng, vì sau đó khi mặc lại áo, anh nói em dọn qua ở chung đi cho đỡ tốn tiền thuê nhà. Cuối cùng, trong một đợt mưa dầm do áp thấp gần bờ, Măng làm cá chốt kho sả ớt thì anh rủ chụp ảnh cưới em ơi.
Sự có mặt của những con cá chốt, cùng với trứng vịt, thằn lằn… trong suốt những sự kiện quan trọng của hai đứa sẽ làm bộ ảnh bớt tẻ nhạt.
 Chúng sẽ cứu vãn vẻ mặt lạnh lẽo của chú rễ, vì mắt anh cũng lạnh, cả khi cười cũng là cái cười nhếch lạt nhách. Và Măng gánh sứ mệnh phùng mang trợn mắt cười toe suốt cả bộ ảnh cưới để cho người ta thấy đây là ảnh cưới, không phải ảnh họp.
- Quan trọng là nó có chịu cưới mầy không?Mẹ Măng hỏi, cố kéo nó trở về mặt đất, chấm dứt những ngày tháng mơ màng. Từ dọn qua sống chung với anh, cha mẹ coi Măng là đứa con gái bỏ đi.
 Đã đứt đoạn giờ càng thêm đứt đoạn, Măng gần như không qua lại. Những lần trải tóc nằm cạnh anh, nó kể bằng cái giọng hững hờ như đang nói về gia đình nào khác, “cái nhà đó lúc nào cũng sùng sục như nước sôi…”.
 Giờ Măng ló mặt về vì muốn khoe chuyện chụp ảnh cưới, nó muốn chia sẻ với ai đó nỗi vui đã dâng lên đầy ứ này.
 Cha Măng đón tin trọng đại ấy bằng cái bĩu môi, đổi củ khoai lấy mấy cái ảnh sến rện đó tao cũng không thèm. 
Măng không khó chịu, chỉ nhoẻn cười, nói miễn là có chụp hình, không đám cưới cũng được. 
Đám cưới sẽ trôi tuột đi trong ký ức những người tham dự, hình ảnh thì treo hoài trên vách, ghi nhận thời khắc hai người từng vui vẻ mắt chìm trong mắt.
 Con cháu Măng sau này phải được nhìn thấy điều đó, điều mà Măng chưa từng nhìn thấy ở cha mẹ mình.
Hồi Măng sáu tuổi, một bà già bán bánh bông lan mà nó hay gọi là ngoại Tám chỉ vào cái ảnh cưới trên lịch, nói cha mẹ mày nè Măng. 
Nó tưởng thật, suốt ngày mê mẩn ngó Lý Hùng Diễm Hương đang cọ má cười lúng liếng với nhau. 
Măng tin rằng ai chụp ảnh cưới đều đẹp hơn ngoài đời, đẹp khác xa hai người lớn nhà nó đang ó ré vác củi liệng nhau ngoài bến.
  Mười ba tuổi, Măng nghĩ nhà mình nát bét vì không có cái ảnh cưới treo trên vách. 
Một cái ảnh cưới ấm áp tới mức khi người ta có đánh chửi nhau thì cũng thấy ngượng ngùng, chúng hiện diện như nhắc lại một lời thề, một ký ức đã bị thời gian mài mòn mất. 
“Hình cưới mất hết hồi đận cháy nhà…”, mẹ Măng lượng sượng trả lời cho xong, cho khỏi bị gạn hỏi nữa. 
 Hèn gì cái sự thương nhau cũng rụi thành tro, Măng gật gù, mặt trầm ngâm như người ngộ đạo.
 Đời con phải khác, nó tuyên bố vậy, khi đứng bán hàng cho một tiệm điện máy, thôi không bưng bê cà phê giúp mẹ. Măng mướn nhà ở riêng làm một cuộc ly khai triệt để. Nó chạy khỏi cha mẹ mình một quãng xa, họ không cách nào đuổi kịp. 
Cũng có thể vì quá mệt mỏi với việc kiếm sống và cãi nhau, họ không muốn đuổi theo. Măng sống chung với anh hơn tháng mẹ nó mới hay, mới dậm cẳng đấm ngực nói đời mày rồi cũng như tao thôi, khác cái cứt khô gì.
Khác chớ. Anh của Măng đi về đúng giờ, chẳng hút thuốc phì phèo, ghét nhậu và không mê gái. Anh chỉ thích rúc trong nhà không thích giang hồ đầu sông cuối bãi. 
Anh khô khan, ù lì, hơi tẻ nhạt, tháng Năm nói một tiếng tháng Mười một câu, nhưng chẳng sao, lời nói là thứ sắc nhọn, nói ít người khác đỡ chảy máu.
Khác nữa, là bọn Măng sắp chụp ảnh cưới. Độc và lạ. Ở bến tàu. Chỗ cha mẹ Măng hay cầm chổi lông gà hay chổi cỏ, nắp xoong hay ghế nhựa để phang nhau. Anh ngại ngần bảo đông người lắm.
 Nhưng sau bốn giờ chiều thì vắng thênh thang, Măng bảo, em lớn lên ở đó mà.
Nó lớn lên ở đó. Nó quen tất cả người bán bưng bán gánh, thuộc lòng từng bậc thang lên xuống bến, buổi nào thì nước ròng, nước lớn. 
Trên bến có năm cây bàng và hai cội me, xưa nó hay trèo cây ngồi suốt vì không thích ở nhà - một cái quán nước xốc xếch nằm giữa dãy mười hai hàng quán. 
Nó còn biết giờ nào thì tàu đi U Minh ra bến, và cha nó đứng đằng mũi gác sào lên mui tàu, vươn vai khoan khoái nghĩ đến người đàn bà miền rừng nào đó đang chờ ông ở cuối cuộc hành trình kia.
 Nó cũng thuộc khoảnh khắc chuyến tàu Rạch Gốc cuối ngày về bến, một thằng con trai cao lòng khòng sẽ cầm cái dây thừng nhảy phóc lên bờ, buộc chặt vào cột, miệng la ơi ới tới chợ rồi bớ bà con ơi.
 Mũi Măng thuộc mùi mồ hôi của thằng đó, những ngón tay Măng thuộc từng sợi tóc cháy nắng kia, mắt Măng thuộc từng cái mụn cơm trên gương mặt đen thui, từng vết sẹo trên người. 
Măng định học thuộc cả da thịt thằng nhỏ nữa, nếu một bữa nó không trốn nhà đi đến một bến tàu ở miệt biển xa xôi, và nhìn thấy thằng kia tay bẹo má chân quắp hông một con nhỏ khác. Măng bỏ đi.
Hôm Măng kéo cái đuôi váy cưới trắng tinh về đứng chênh vênh trên bến, chuyến tàu Rạch Gốc cuối ngày đó cũng vừa xuống khách xong. 
Măng bận cười toe tạo dáng, bận biết ơn anh vì chiều nó mà phải chịu sượng sùng…
 Nó không biết trong mắt thằng con trai đó còn chút tha thiết, nuối tiếc nào không.
 Nhưng chắc chắn thằng kia sẽ nhìn nó giống như người của cả bến tàu đang xúm xít trầm trồ, ngó cái cảnh lãng mạn dị thường ở nơi lúc nào cũng chụp giựt bán mua, nháo nhác đi về. Nắm chặt lấy tay anh đến nỗi anh cũng thấy đau và giữ cái chân váy chực xòe bay lên bởi gió sông lồng lộng, Măng bỗng nhớ một lần cả xóm cũng túa ra nhìn nó, khi đó đang trèo cột điện, miệng nó hét cha mẹ đánh chửi nhau nữa là tui nắm dây điện đòng đưa chơi.
 Và cha mẹ nó, đầu bù tóc rối sau một trận cãi vã đã đời, ra đứng cạnh nhau thẩn thờ, bối rối.
 Trận đòn sau khi Măng tụt xuống, nó vẫn còn nhớ, hồi đầu thì cha đánh mẹ rầy, sau đó thì đổi tay, cha rầy mẹ đánh, lần đầu tiên hai người cùng dạy dỗ đứa con gái gan góc ngỗ ngược.
Đau, mà nó thấy vui.
Giờ thì họ đang ngồi lặng lẽ trong cái quán chắp vá xốc xếch. Một bộ ngồi vừa mỏi mệt vừa thanh thản, êm đềm như cây sau hồi giông bão.

 Từ đằng xa ngó lại, Măng thấy hình như mẹ nó ho khúc khắc, tay kéo chéo áo lau nước mắt. Và cha nó vừa dụi đi điếu thuốc đang hút dở, tay khỏa đuổi khói đi chỗ khác.
Cái ảnh cưới có cái nền hai người đã chớm già nua ngồi trầm ngâm xa xa đó, Măng bảo anh thợ ảnh đừng có xóa phông. Cứ để vậy, cho lạ.


  Nguyễn Ngọc Tư    

@ tks ss NNT nha,!

Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

“Cần nhận nuôi ông bà ngoại”

 Cô Agat Czemierys, sống ở Bialystok, Ba Lan vừa tung lên lưới Internet... một lời rao để tìm một ông hay bà ngoại cho các con của mình như sau: “Chúng tôi muốn nhận nuôi một ông hay bà, người sẽ sống, tận hưởng các kỳ nghỉ Hè và đi mua sắm cùng chúng tôi suốt đời. Không ràng buộc về tiền bạc, mà chỉ có tình thương.”
 Cô đã được đáp ứng bởi hàng nghìn thư của các ông bà già trên đất Ba Lan hồi âm, sẵn sàng làm ứng viên ông bà ngoại theo lời rao này.
Sau khi chế độ Cộng Sản Ðông Âu sụp đổ, các nước hậu Cộng Sản đã đổ xô về các nước Tây Phương để kiếm việc làm sinh sống, để lại những ông bà cô đơn hiu quạnh.

Cái tội nghiệp của người thiếu phụ Ba Lan Agata Czemierys này là tấm lòng xót xa của cô khi cô nói: “Tôi có một trái tim lớn nhưng không thể nhận nuôi tất cả các cụ già neo đơn trên toàn nước Ba Lan”.Thế giới càng văn minh, tuổi thọ của quý cụ càng dài. Tuổi thọ càng dài sự cách biệt với con cháu càng xa.
Chúng ta cũng biết đây những vị cao niên cô đơn là những người không có con cháu hay gia đình quây quần bên cạnh. Trong thế kỷ này, người ta không còn sum họp qua nhiều thế hệ dưới bóng mát của một mái nhà đại gia tộc như ngày xưa nữa.
 Con cái tự lập, không gần gũi cha mẹ, vì công ăn việc làm thường bỏ đi xa, không thể đem cha mẹ già đi theo.
 Cha mẹ già trở nên vô dụng, không đỡ đần gì cho con cái trong cuộc sống văn minh tất bật, ông bà nội, ngoại trở thành lạc hậu, không theo dõi kịp bài vở ở trường, không giỏi computer, đôi khi không biết cả lái xe để đưa cháu đi đá banh, họp bạn hay học nhạc.
 Ở những nước chậm tiến, người già không được chính phủ trợ giúp sinh sống, đã trở thành một gánh nặng cho con cái, và họ cảm thấy cuộc sống dư thừa trong gia đình.Về phía những vị cao niên, họ cũng rất cần gần gũi với con cháu. Chính sự hồn nhiên của tuổi thơ đã mang lại sự ấm áp và là một liều thuốc để giảm căng thẳng và xóa phiền muộn. 
Thử nghĩ chúng ta đang bực bội, buồn phiền về một chuyện gì đó, được một đứa cháu sà vào lòng ông bà, bi bô những câu ngây thơ, làm những cử chỉ có thể làm mềm lòng người. 
Cầm bàn tay mủm mỉm, hôn lên mái tóc mịn màng như tơ óng của đứa cháu rồi thì ông bà làm sao có thể còn cau có, bực dọc hay thốt ra những lời giận dỗi được, và bao nhiêu nỗi buồn phiền đều được trút nhẹ.
 Bạn có để ý là các bà ngày xưa thời trẻ thường kể chuyện con, bây giờ gặp bạn bè vẫn thường muốn san sẻ niềm vui với bạn về những lời nói, cử chỉ của những đứa cháu của mình.
 Các ông bà trong tuổi về già, đi đâu xa thì nhớ cháu chứ không bao giờ nhớ đến con.Ngạn ngữ Pháp có câu: “Chỗ ngồi êm ái nhất của một đứa trẻ là trên đùi của bà ngoại” (hay bà nội). 
Vì sao không là mẹ, không là cha, hay cô dì chú bác. Nhiều gia đình có ông bà thì những đứa cháu lại gần gũi với ông bà hơn.Những lúc buồn phiền, giận hờn hay khóc lóc thì bà ngoại là chỗ dựa tin cậy nhất.
 Ðến đây, chúng ta lại đi vào chỗ phân biệt giữa bà ngoại và nội.Trong cuộc đời thì người ta thường nói đến bà ngoại mà ít ai nhắc đến bà nội, vì người đời phần lớn ai cũng yêu bà ngoại hơn.
 Chúng ta ít khi thấy một bài thơ, một áng văn hay một bài hát nào ca tụng bà nội mà chỉ toàn là nói đến bà ngoại, quê ngoại. Phần quý bà cũng thường dành tình thương của mình hầu hết cho những đứa cháu ngoại, có lẽ vì bà thương con gái dứt ruột ra hơn là thương dâu ở đâu đem về. 
Ðứa cháu thích và gần gũi với bà ngoại hơn là vì lúc nào mẹ cũng nhắc đến bà, trang trải tấm lòng yêu thương bà, chứ không mấy khi thấy mẹ nhắc đến bà nội, vì : “thương chồng mà khóc mụ gia (nhạc mẫu), nghĩ tôi với mụ có bà con chi!” Phần lớn ông bà thích sống với con gái hơn là con trai, vui buồn trong gia đình phần lớn do ở người đàn bà, con gái đương nhiên phải đậm đà ruột thịt thân ái hơn nàng dâu. Vả chăng đàn ông thường không chấp chuyện nhỏ, sống với rể hẳn phải dễ chịu hơn là sống trong một gia đình có sự quán xuyến của một bà dâu!
Ngày xưa khi người con gái lấy chồng sinh con, thông thường để cho người con gái về nhà mẹ, vì cảnh làm dâu không sao êm ấm sung sướng bằng ở bên mẹ. Bà ngoại thường khổ vì con, nay lại khuya sớm khổ vì cháu, những đứa cháu mang họ nội nhưng vất vả về phía ngoại, đúng là “cháu bên nội, tội bên ngoại”.
 Nhiều bà ngoại nuôi con rồi lại nuôi cháu, khi con gái dở dang tình duyên, chấp nhận nuôi cháu cho con đi làm lại cuộc đời.
 Hai tiếng “quê ngoại” dịu dàng, thân yêu biết bao nhiêu.Nhưng dù ngoại hay nội, điều hạnh phúc của những đứa trẻ trong tuổi ấu thơ là có được ông bà.
 Ngày nay ở hải ngoại, khi thấy một đứa trẻ lên ba ngoan ngoãn, nói sành sỏi tiếng Việt, có khi thuộc lòng cả ca dao, biết hát những bài hát phổ thông, người ta có thể nghĩ ngay đó là những đứa trẻ may mắn có được một bà ngoại hay bà nội cùng sống chung dưới một mái gia đình. 
Ở Mỹ, suốt ngày cha mẹ phải đi làm tất bật, con cái sau giờ học phải gởi ở lại trường hoặc phải nhờ người đưa rước, chăm sóc cho tới lúc cha mẹ về.
 Ðối với những gia đình có làm thương mãi, mở quán xá hay dịch vụ, thì chiều tối mỗi ngày hay Thứ Bảy Chủ Nhật, cha hay mẹ đều ít có thời gian chăm sóc con cái, một bà nội hay bà ngoại trong trường hợp này là một món quà quý giá trời cho. Việc săn sóc của nhà giữ trẻ, dù tiện nghi đến đâu, chuyên viên có thể có đầy đủ licence đến mấy cũng không đủ tấm lòng yêu thương che chở của người bà ngoại hay bà nội trong tổ ấm gia đình.
Mà không phải cho đến thời nay, trẻ con mới cần đến bà khi cha mẹ suốt ngày vất vả theo công việc sinh nhai.

 Những người hôm nay đang bước vào tuổi già, còn nhớ chăng những câu học thuộc lòng thời sơ học và những câu ru mà chúng ta đã thuộc nằm lòng:
“Trưa Mùa Hè, trời nắng chang chang, gió im phăng phắc.Trong nhà ngoài ngõ vắng vẻ tĩnh mịch. Ở một chái bên, bà ôm cháu vào lòng. Hai bà cháu nằm trên cái võng, đưa đi đưa lại, tiếng kêu kẽo cà kẽo kẹt theo một điệu.
Bà cất tiếng hát, bà ru:
“Cái ngủ mày ngủ cho lâu,
Mẹ mày đi cấy ruộng sâu chưa về...”
Cháu nghe êm tai, ra chừng thiu thiu ngủ, mà bà cũng ra dáng lim dim hai con mắt:
“Cái ngủ mày ngủ cho say
Mẹ mày vất vả chân tay tối ngày.”
 

                                            
                                                                         HUY PHƯƠNG