Trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 20 tháng 11, 2012

Nhật ký người chồng new version


    Em !

Anh viết thư này cho em để kỷ niệm một năm ngày chúng ta chung sống. 
Với tất cả lòng chân thành và biết ơn sâu sắc, em hãy tin rằng đó là quãng thời gian hạnh phúc nhất của đời anh.
Thế nhưng ai cũng biết, cuộc đời có nhiều khía cạnh và nói được đầy đủ các khía cạnh đó là điều tuyệt vọng.
Vậy nên anh chỉ nhấn mạnh đến lĩnh vực mà anh thích nhất, thành thạo nhất và em giỏi nhất: 

Chế tạo các món ăn!
Anh thấy mình phải có trách nhiệm, có vinh dự phát biểu rằng trong lĩnh vực nấu ăn, em là một nghệ sỹ thực sự.
 Khả năng cao nhất của nghệ sỹ là sáng tạo và tìm tòi, mà em thì có nhiều sáng kiến + tối kiến , pha trộn và ngẫu hứng tới vô địch thiên hạ - thần sầu quỷ khốc tới ông chef cook Martin Yang cũng chào thua
Ngay buổi sáng đầu tiên sau đêm tân hôn, anh được hiểu rằng cháo và cơm thực ra không có ranh giới.
Món, hay còn gọi "cái em múc ra từ nồi" là cháo, cơm hay súp đều được cả.
Nó đều có độ hạt, độ nhão và độ dính giống như nhau.
Để ăn với thứ dinh dưỡng "lai " ấy, em đưa ra một đĩa thịt kho mà màu sắc làm cho đêm đen cũng phải ghen tỵ. 

 So ra  đá tảng cũng còn chào thua, về độ cứng, gạch còn kém xa. Và đặc biệt là độ mặn, cứ cắn một miếng thịt cần uống 3 gallon nước.
Món thịt kho đó bùng nổ đến nỗi nếu bọn khủng bố mang được lên máy bay, anh tin hành khách sẽ lâm nguy & gọi 911 gấp vì cả 100 hành khách té xỉu ...

Em iu dấu

Anh đã biết trước là khi chung sống với em, cái nỗi ngạc nhiên sẽ kéo dài vô tận. Quả không sai!
Sau thịt, món canh của em cũng vượt lên chính mình.

 Đấy là lần đầu tiên trong đời anh ăn canh ruột cá nấu với nấm, với thịt băm, với rau muống. 
Đó là ba thứ anh nhận ra được, nhưng còn ba mươi thứ khác có hình thức và hương vị bí ẩn đến nỗi anh  vừa tự hỏi rằng đâu là giới hạn chịu đựng của con người và đâu là khái niệm về dinh dưỡng tổng hợp.
Anh chỉ muốn nhấn mạnh, sau khi dùng hết một bát canh như thế, từ nay anh không còn sợ bất cứ kẻ thù nào.
Thế nhưng, hạnh phúc rõ ràng mới chỉ bắt đầu.
 

Bữa trưa là một cuộc du lịch thực sự vào thế giới ẩm thực, giúp anh phát hiện đó vẫn còn hoang dã và du lịch ấy có tên "Du lịch mạo hiểm".
Em đã luộc một đĩa rau cải xanh mướt, mướt đến cả con sâu vẫn nằm im trên lá như ngủ ngoan mùa đông
Em đưa ra món thịt gà xé phay của một cụ gà đã hưởng thọ chừng 100 tuổi, khiến thịt dai như cục chemingum

 Cụ gà này ngày trước nhất định có tập thể thao nên 2  đùi sắt lại như que.Sau một bữa trưa chói lọi như thế, anh vui mừng kiệt sức nằm vật ra giường để đến tối được em sốc dậy, dìu tới mâm cỗ thịnh soạn mà em đã chuẩn bị suốt cả buổi chiều.
Trong cơn mê, anh chỉ còn nhớ nó gồm một đĩa cà-ri, phần "cà" ở đáy nồi, phần "ri" ở trên vung, cùng một đĩa heo quay quay nóng giòn nếu chưa cất 3  ngày trong tủ lạnh.
Ngoài ra, trên bàn còn có một chậu xà lách to như chậu tắm và một con tôm nướng tẩm mật ong nửa sống, nửa tái, nửa cứng, 1/2  mềm, 1/2  xanh, nửa đỏ, nửa chua. nửa cay, nửa gầy, nửa béo.
Sau một bữa tối như thế em yêu ạ, anh ko hiểu tại sao mình còn sống đến hôm sau. 

Nói chung, anh chả hiểu làm sao mình còn tồn tại tới bây giờ.
Sống với em, ăn những món em nấu khiến anh trở thành người đàn ông dũng cảm nhất hành tinh , có hàm răng chắc khỏe, dạ dày mạnh mẽ.

Em iu thương

Em là một bằng chứng hùng hồn về khiếu hài hước, về lòng ngây thơ thời @@@
Em, những cô gái như em, chẳng những biết chinh phục các đỉnh núi của nghệ thuật nấu ăn mà còn biết san bằng chúng.
Mãi mãi iu em & thề ăn hết những món chưa ngon em nấu

 Anh
người chồng ngoan nhất thế kỷ 21

 St 

Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012

Ông giáo sư dạy Sử

Một chiều cuối năm 1998 tôi vào Trường University of Washington (UW) để đón đứa con gái áp út tan giờ học.Tình cờ tôi nhìn thấy một ông già đứng chờ xe bên bến Bus. Có lẽ ông cụ lớn tuổi hơn tôi nhiều. Hỏi chuyện, tôi mới hay, ông cụ đã qua tuổi bảy mươi, ăn tiền hưu, và đang học môn Truyền Thông (Communication) năm Senior.
 Tôi chợt nghĩ, thời gian này mình cũng không bận lắm, tại sao không trở lại trường? Ít ra cũng học thêm được vài điều hay. Thế là, hôm sau tôi nộp đơn xin trắc nghiệm trình độ Toán và Anh Văn để xếp lớp tại Shoreline Community College (Shoreline C. C.).
So với các trường đại học cộng đồng quanh vùng, thì học phí của Shoreline C. C. tương đối nhẹ.Thật là, không có gì diễn tả nổi niềm vui sướng tột cùng của tôi buổi đầu được cắp cặp trở lại trường làm học trò. Ba mươi lăm năm sau khi rời ghế nhà trường (1963) để tình nguyện vào quân ngũ, tôi đâu ngờ còn có ngày được ngồi dưới lớp nghe lời thầy giáo giảng?
 Xung quanh tôi là những người trẻ tuổi vừa qua bậc trung học.Tôi làm việc mười tiếng đồng hồ một ngày, bốn ngày một tuần lễ. 
Ngày, ngày, vừa tan sở, tôi lại vội lái xe tới lớp. Từ ấy, tôi làm việc full-time, đi học full-time, bận bịu vô cùng. Học kỳ (quater) đầu tiên, tôi ghi danh một lớp Toán, và hai lớp Anh Văn, mỗi lớp 5 tín chỉ (credit).
 Tôi miệt mài trong công việc suốt ngày, và chuyên cần trong học tập mỗi đêm.
 Vào mùa thi, tôi thức trắng hai, ba đêm là thường. Tôi ghi danh full-time để thúc đít thằng con út. Thằng nhỏ sợ ông bố theo kịp, nên phải gắng chạy có cờ để thoát lên đại học bốn năm.
Một niên khóa trôi qua. Con đường học hành của tôi đang có vẻ rộng mở thênh thang, thì bỗng dưng lại quẹo vào một khúc quanh, chỉ vì mùa Fall 2000 tôi đã ghi danh lớp History 274 “U.S. and Vietnam”.
Tôi “lấy” lớp Sử Ký này với mục đích tìm hiểu xem cuộc chiến tranh vừa qua đã được các sử gia Mỹ ghi chép lại như thế nào? Từ đó, hy vọng biết được phần nào, nguyên nhân vì sao, giữa đường, Mỹ đã bỏ rơi Việt-Nam, vì sao chúng ta đã thua trận.
Người từ lâu độc quyền phụ trách lớp Sử 274 là thầy Dan. Trong thời gian dài cả chục năm qua, ông giáo kỳ cựu này đã đào tạo hàng ngàn môn sinh. Những học trò của ông sau khi chuyển tiếp lên trường đại học bốn năm, đã trở thành những Thạc Sĩ, Tiến Sĩ. Lâu lâu họ lại ghé về trường xưa, thăm ông thầy cũ.

Lớp “U.S. and Vietnam” mùa Fall 2000 có chừng hơn hai chục học viên, trong đó da trắng chiếm đa số. Có bốn học trò gốc Châu Á, gồm hai anh Tàu lục địa, một cậu bé H’Mong và tôi. Bạn đồng lớp với tôi còn nhỏ lắm. Họ trẻ hơn mấy đứa con tôi nhiều.
Tôi cứ tưởng rằng những tài liệu lịch sử mà các thầy giáo đem truyền bá, phải nằm trong chương trình đã kiểm duyệt và cho phép của Bộ Giáo-Dục Hoa-Kỳ. Nhưng thực tế không phải vậy. Nền giáo dục của Mỹ đã đi vào tự trị từ lâu. Thầy giáo có toàn quyền lèo lái, hướng dẫn con thuyền học vấn chở học trò mình tới bất kỳ bến bờ nào mà thày đã chọn. 
 Thầy giáo chỉ định sách giáo khoa nào thầy sẽ dạy để chúng tôi mua. Thầy phổ biến những tài liệu nào mà thầy ưng ý. Trong hai phần ba thời gian đầu của học kỳ Fall 2000, mỗi khi nói tới phong trào Việt-Minh, ông giáo sư dạy Sử không ngớt ca tụng HCM như một lãnh tụ tài ba, và vô cùng sáng suốt đã khôn khéo hướng dẫn dân tộc Việt -Nam tới chiến thắng thoát ách đô hộ của Đế-Quốc Pháp.Thầy khẳng định rằng, chính phủ Hoa-Kỳ là nguyên nhân cuộc chiến tranh Đông-Dưong lần thứ hai (1954-1975). Vì theo lời thầy, thì HCM đã năm lần gửi mật thư cho Tổng Thống Harry Truman để xin thần phục và hợp tác, nhưng Tổng Thống Harry Truman đã từ chối. Thầy cho rằng người Mỹ đã lầm lẫn trợ giúp quân Pháp trở lại tái chiếm Đông-Dương trong khi cao trào dân chủ, đấu tranh giành độc lập đang lan tràn trên toàn thế giới, và chủ nghĩa thực dân đã lỗi thời.
Chúng tôi đã được cho xem những đoạn phim cũ về trận Điện-Biên Phủ, về Hiệp- Định Geneve, và về cuộc di cư năm 1954.
 Với những trận có âm vang quốc tế như Plei-Me, Khe- Sanh, Kontum, Bình-Long, Long-Khánh vân vân... chúng tôi chỉ được thấy những cảnh thương vong của quân đội Đồng-Minh và Việt-Nam-Cộng-Hòa. Trận Mậu-Thân, chỉ là cảnh... nhà cháy, dân chạy loạn. Tất cả những “tư liệu” này đều có thực, nhưng thầy Dan chỉ trưng bày những phần có lợi cho Việt-Cộng.
 Tôi chưa nghe được từ miệng thầy một lời nói tốt nào cho phía Việt-Nam Cộng-Hòa. Thầy mô tả Quân- Lực Việt-Nam Cộng-Hòa như một đội quân kém cỏi về cả tổ chức lẫn khả năng tác chiến.
 Với thầy Dan, chiến tranh Việt-Nam chỉ là một gánh nặng cho ngân sách Quốc-Phòng Hoa-Kỳ, một sự phí phạm công quỹ. Đã có đôi lần tôi dơ tay nêu ý kiến bênh vực quân đội ta, chính quyền ta, thì ông chỉ cười, chỉ tay vào quyển Sử dày cộm,
“Book said!”
Cứ cái điệp khúc “Sách dạy!” đó, ông thầy phản chiến đã lịch sự gián tiếp nhắc nhở cho tôi hay rằng, tôi là một học trò, còn ông là một vị giáo sư nói có sách, mách có chứng.
Thầy hùng hồn thuật lại những lần thầy tham gia biểu tình chống chiến tranh thời 1960s và nặng lời đả kích lệnh động viên ngày đó, đã đưa hàng trăm ngàn thanh niên Hoa-Kỳ vào chỗ chết.
Kết quả hai lần khảo hạch giữa học kỳ (Mid-Term) tôi đều lãnh điểm (F) bởi vì tôi chỉ làm trót lọt phần A, B, C khoanh, còn về bài tiểu luận (essay) thì tôi bị loại thẳng tay.Cả hai bài đều lãnh điểm KHÔNG (0) chỉ vì tôi đã viết không hợp ý ông thày.
 Ngặt một điều là, lớp History 274 này bị tính điểm đem lên trường đại học bốn năm. Bị đánh rớt lớp này thì giấc mơ chuyển tiếp lên University of Washington của tôi sẽ thành mây khói.
Tôi theo học lớp này đúng vào lúc nhà trường đang sôi sục với cuộc vận động bầu cử Tổng Thống.
 Ông thầy dạy Sử không phải là người độc nhất có ác cảm với chiến tranh, mà Tiểu-Bang Washington tôi đang cư ngụ cũng là thành trì của Đảng Dân-Chủ.
Tâm sự này kiếm cả trường chắc cũng chẳng có ai thông cảm!Thời gian này lòng tôi thật muộn phiền.
 Tôi tự trách rằng, mùa Fall 2000 có thiếu gì lớp tương đương với History 274 mà sao tôi lại nộp mạng vào cái lớp chết tiệt này? 
Đúng là bỏ tiền ra ghi danh để ngồi nghe người ta chửi mình, chửi quân đội mình. Càng nghĩ tôi càng thấy tức! Thằng con trai thấy ông bố rầu rầu bèn lân la hỏi chuyện. Khi hiểu nguồn cơn nỗi buồn của tôi, nó mới cho tôi hay, năm ngoái nó cũng ghi danh học lớp này, và đã bị một “vố” đau. Để thoát thân, từ bài thi thứ nhì nó phải viết theo ý ông giáo. Vất vả lắm nó mới kiếm được đủ điểm.
Sau ngày có kết quả khảo hạch kỳ thứ nhì, tôi bỏ công xuống thư viện nghiên cứu, sao chép những tài liệu sử liên quan tới chiến tranh Việt-Nam.
 Tôi không màng đến vấn đề chuyển tiếp lên University of Washington nữa.
 Tôi chờ, nếu có cơ hội là tôi sẽ “choảng nhau” với ông giáo phản chiến này một trận, rồi muốn ra sao thì ra.
Tôi lục lạo kệ sách loại chọn lọc (preference) và tìm được một quyển Sử-Ký, trong đó, chứa đựng nhiều tài liệu ghi chép rõ ràng những thành quả mà Việt-Nam Cộng-Hòa đã thực hiện được.
 Trong số những tài liệu quý giá đó, có cả một bài đề cập tới đơn vị tôi, Liên Đoàn 2 Biệt-Động-Quân.
Tôi vui mừng và cẩn thận photo copy những gi thu nhận được để dùng làm bằng chứng khi cãi lý với ông giáo sư dạy Sử. Tôi cũng tận dụng thời gian rảnh cuối tuần để sắp xếp cho có thứ tự những điều cần tranh luận. 

Tôi ghi sẵn những câu phê bình, những câu chất vấn thẳng thắn với thầy Dan về cung cách giáo dục học trò của ông, và về những tài liệu mà ông đã dùng để trợ huấn.
Buổi học áp chót của mùa Fall chúng tôi có một giờ đầu thi A, B, C khoanh. 
Sau đó thày giáo phát đề bài làm ở nhà. 
Thời gian còn lại, thày sẽ giảng gợi ý cho bài tiểu luận. Bài tiểu luận sẽ phải giao nộp vào đầu giờ buổi học cuối cùng.Vừa nghe chuông giải lao, tôi tiến tới bàn ông giáo Sử. Dù trong bụng đã chuẩn bị sẵn một mớ ngôn từ đao to búa lớn cho một cuộc đấu khẩu sống mái, nhưng tôi vẫn dằn lòng, nhỏ nhẹ,
- Thưa giáo sư. Xin giáo sư vui lòng cho phép tôi được trình bày với ông đôi điều liên quan tới sự giảng dạy của ông trong thời gian vừa qua. Tôi có thể làm phiền ông vài phút được không?
Thầy Dan niềm nở,
- Dĩ nhiên là được. Ông có điều gì cần cứ nói.

Thấy câu chuyện đã mở đầu trót lọt, tôi mạnh miệng,
- Thưa giáo sư, tôi là một người Việt-Nam tị nạn. Tôi là một cựu sĩ quan của Quân-Đội Việt-Nam Cộng-Hòa. Tôi còn nhớ trong bài giảng đầu tiên, thầy có nhắc đi, nhắc lại rằng, phi vụ đầu tiên của pháo đài bay B 52 trên Cao Nguyên Việt-Nam là vụ oanh tạc Thung Lũng Ia-Drang.Thầy có biết không? Cũng vào ngày hôm đó, tôi đang tập dượt lễ mãn khóa sĩ quan Trường Võ-Bị Quốc-Gia Việt-Nam. Và mười năm sau, trước khi tàn cuộc chiến, vùng đất mà tôi chịu trách nhiệm trấn giữ cũng bao gổm cả cái Thung Lũng Ia-Drang đó.

Thầy chỉ biết tới những trận đụng độ đẫm máu trong thung lũng Ia-Drang qua báo chí, truyền thanh, và truyền hình.Còn tôi là người đã lặn lội mười năm ở đó, đã nhiều lần bị thương đổ máu ở đó, đã rơi lệ vuốt mắt cho nhiều đồng đội nằm xuống ở đó. Trong số những người nằm xuống ấy, không thiếu những thanh niên Mỹ đồng trang lứa với thầy. Nơi đó chúng tôi chiến đấu quên mình từng ngày, vì nền độc lập của đất nước tôi, và vì quyền lợi của nước Mỹ.Thầy chưa từng khoác áo nhà binh, chưa một lần có mặt trên chiến trường. Suốt đời thầy không hiểu nổi thế nào là niềm kiêu hãnh của một người lính chiến, thế nào là lòng khát khao chiến thắng, thế nào là tình huynh đệ chi binh.
Suốt đời thầy không hiểu được vì sao hơn hai chục thương binh què quặt của một đơn vị Biệt Động Quân Việt-Nam Cộng- Hòa phải mở đường máu rút lui mà vẫn cưu mang theo ba người lính Mỹ, trong đó có hai người bị trọng thương; và vì sao một đại tá Hoa-Kỳ đã đưa thân che chở cho một thương binh Việt-Nam để rồi ông bị mảnh đạn vỡ đầu.Mạng lưới truyền thông thiên Cộng khổng lồ của Hoa-Kỳ đã tiếp tay với bộ máy tuyên truyền của Cộng-Sản Quốc-Tế cố tình xuyên tạc, bóp méo tất cả những c liên quan tới nguyên nhân, diễn tiến, và hậu quả của cuộc Chiến-Tranh Việt-Nam. Từ đó, tên Việt-Cộng khát máu HCM đã được tô vẽ, đánh bóng thành một vị lãnh tụ đức độ anh minh.
Chính tên sát nhân này và đảng Cộng-Sản Việt-Nam đã giết oan không biết bao nhiêu đồng bào vô tội của tôi trong suốt thời gian ba mươi năm chiến tranh.
 Nằm trong số hàng trăm ngàn nạn nhân bị giết, tù đầy, thủ tiêu, cha tôi và chú tôi cũng bị chặt đầu trôi sông trong thời gian đó. Nếu chế độ Cộng-Sản là tốt đẹp, thì đã không có một triệu dân miền Bắc di cư vào Nam sau Hiệp-Định Geneve năm 1954, và sẽ chẳng có những cuộc vượt biên bi thảm của hàng triệu thuyền nhân trên biển bỏ quê hương sau khi Miền Nam rơi vào tay Cộng-Sản năm 1975. Thầy chỉ mới thấy hình bé gái Kim Phúc trần truồng, vừa khóc vừa chạy, thân mình phỏng cháy vì bom Napalm của quân Đồng-Minh đánh lầm vào nhà dân, mà thầy đã thấy xót xa, cho rằng quân Đồng-Minh tàn ác.
Nếu thầy ở vào vị trí của tôi, không hiểu thầy sẽ nghĩ sao? Ngày 18 tháng Tư năm 1974, sau khi tái chiếm Căn Cứ Hỏa-Lực 711, Pleiku, tôi đã tận mắt chứng kiến một cảnh dã man chưa từng thấy
 Trong một căn hầm trú ẩn đầy ruồi nhặng, trên chiếc giường tre là cái xác trần truồng của một người vợ lính. Chị bị Việt-Cộng lột hết quần áo, bị hãm hiếp, rồi bị đâm chết bởi nhiều nhát lưỡi lê, ruột gan lòi lòng thòng. Trên nền đất, máu đọng thành vũng.
 Trong góc hầm là xác đứa con trai hai tuổi của nạn nhân. Cháu bé bị trói hai tay, hai chân bằng dây dù và cũng bị hàng chục nhát lưỡi lê đâm vào bụng, vào ngực. Hai người này vừa theo chuyến xe tiếp tế của đơn vị lên thăm chồng và cha của họ được vài ngày. Họ đã không kịp chạy khi Việt-Cộng tràn ngập căn cứ trưa 15 tháng Tư năm 1974.
Câu chuyện vừa tới đây thì hết giờ giải lao, học trò trở lại lớp. Ông giáo vỗ vai tôi,
- Ông cứ ngồi đây, ta sẽ tiếp tục.

Rồi ông lớn tiếng cho phép lớp nghỉ sớm, để học trò có thời gian chuẩn bị bài thi viết. Chờ cho người học trò sau cùng ra khỏi cửa, thầy Dan nói nhỏ với tôi,
- Ông hãy tiếp tục câu chuyện của một nhân chứng sống. Tôi mong được nghe thêm. Tôi không ngần ngại, tiếp lời,
- Cám ơn giáo sư. Tôi chỉ nói những gì thấy tận mắt, nghe tận tai, và những gì xảy ra cho chính bản thân và gia đình tôi để thầy có một nhận định chính xác về cuộc chiến tranh Việt-Nam đã ảnh hưởng như thế nào đối với người dân Việt. Tôi tâm sự với thầy Dan rằng, tôi là một học trò tốt nghiệp trung học vào đúng thời điểm đất nước lâm nguy nên tôi đã tình nguyện vào quân ngũ để cứu nước. Tôi tóm lược cuộc đời chinh chiến của mình cho ông giáo nghe. Tôi thấy thầy Dan đặc biệt lưu tâm tới những chiến dịch xảy ra trên Tây-Nguyên, và ông có vẻ rất quen thuộc với những địa danh Ban-Mê-Thuột, Pleiku, Plei-Me, Đức-Cơ, Kontum. Nghe tôi nói ở Tây-Nguyên chiến trận, chết chóc xảy ra hàng ngày, ông vội hỏi,
 -  Mỗi lần ra trận, ông có sợ không?
Tôi cứ tình thực trả lời,
-  Sợ chứ! Vào chỗ chết, ai mà không sợ? Nhưng tinh thần trách nhiệm đã làm cho tôi quên cái sợ.Thấy ông giáo sư có vẻ muốn nghe truyện chiến trường, muốn hiểu tâm tư người đi trận ra sao, tôi đã không ngần ngại thuật lại hoàn cảnh của tôi trong trận Dak-Tô năm 1969. Cuối trận này tôi đã phải mở khói đỏ yêu cầu máy bay đánh ngay trên đầu mình để cùng chết với quân thù. Vào giờ phút tuyệt vọng nhứt của trận đánh đó, tôi đã nghĩ gì, tôi cũng thổ lộ cho ông giáo biết. 

Ông giáo sư đã từng nghe nói tới cái tên “Đường Mòn HCM” nhưng chưa bao giờ ông ngờ rằng đó là cả một hệ thống đường giao thông chằng chịt che dấu dưới rừng già dọc Trường-Sơn.
 Tôi đã chia sẻ với ông những cảm giác hồi hộp, căng thẳng của người có cái kinh nghiệm đi toán Viễn-Thám săn tin dọc biên giới Việt-Miên-Lào từ Khâm-Đức tới Bu-Prang vào những năm 1972-1973.
 Ông cũng rất hứng thú khi nghe tôi thuyết trình về kỹ thuật bắn xe tank mà Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân đã áp dụng trong trận Xuân-Lộc tháng Tư năm 1975. Trận Xuân-Lộc này ông có nghe qua, nhưng ông không ngờ, một trong những cấp chỉ huy trực tiếp của trận đánh lừng lẫy ấy đang ngồi trước mặt ông. Tôi không quên nói tới những lần dừng quân bên xóm làng quê nghèo nàn, nhận những bát nước chè xanh, những củ khoai luộc của đồng bào tôi đem ra mời mọc.
 Tình quân dân cá nước ấy đã là những liều thuốc bổ giúp tinh thần chúng tôi mạnh mẽ hơn khi đối mặt với quân thù.Tôi thuật lại cho thầy nghe, trong tình thế hoàn toàn tuyệt vọng, chúng tôi đã chiến đấu kiên cường như thế nào.
Và sau khi biết rằng chỉ trong vòng một tháng cuối cùng, chín mươi phần trăm của quân số hơn năm trăm người thuộc Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân đã chết vì tổ quốc, thì ông giáo đã giơ hai tay lên trời, lắc đầu thốt ra hai tiếng,
Thầy Dan la lên :
-  Trời ơi!

Thầy Dan cũng muốn tìm hiểu xem, sau khi mất nước thì số phận của tôi và gần một triệu quân nhân, công chức chính quyền Việt-Nam Cộng-Hòa ra sao.
 Ông đã trố mắt ngạc nhiên khi biết ra rằng, từ sau tháng Tư năm 1975, khắp đất nước tôi, “Trại Cải Tạo” đã mọc lên như nấm.
 Cái tên “Re-Education Camp” mà ông đã nghe qua, trên thực tế chỉ là những trại tù khổ sai. 
Những “học viên” trong các trại đó sống không khác gì những con vật, quằn quại với cái đói. Họ bị ép buộc làm việc tới kiệt lực. Tinh thần bị khủng bố, căng thẳng liên miên bởi những buổi ngồi đồng học tập, phê bình, bầu bán. Tôi thú thật với ông giáo rằng, trong thời gian đó, tôi chỉ nghĩ tới tự do; làm sao để tìm lại được tự do, dù có chết cũng cam lòng.
 Ông giáo đã tỏ ra say mê theo dõi truyện hai lần tôi trốn trại thất bại, cùng những cực hình mà tôi phải gánh chịu. Tôi cũng không ngần ngại thuật lại hoàn cảnh của vợ tôi ngày đó, một nách bốn đứa con thơ dại, vất vả, tảo tần nuôi con, chờ chồng trong 13 năm tôi bị giam giữ, tù đầy.
Tôi cho ông giáo biết tôi là người sinh ra tại Miền Bắc Việt-Nam. Tháng 7 năm 1954 gia đình tôi đã cùng gần một triệu người khác di cư vào Nam để trốn lánh Cộng-Sản. Tôi cặn kẽ phân tích cho thầy rõ, sau Hiệp-Định Geneve năm đó, hai miền Nam, Bắc Việt-Nam đã thành hai quốc gia, độc lập và có chủ quyền, có biên giới. Chính HCM và đảng Cộng-Sản Việt-Nam đã chủ trương, phát động và điên rồ theo đuổi một cuộc chiến tranh tiến chiếm Miền Nam . Quân đội và nhân dân Việt-Nam Cộng-Hòa chỉ làm nhiệm vụ tự vệ. Quân Mỹ và Đồng-Minh vào Việt - Nam là để phụ giúp chúng tôi chống lại một cuộc xâm lược từ phương Bắc. Chúng tôi thất trận không phải vì chúng tôi kém khả năng, thiếu tinh thần chiến đấu, mà vì người Mỹ đã phản bội, nửa đường rút quân, cắt viện trợ. Từ khi người Mỹ rút lui, chúng tôi bị bó chân bó tay, bụng đói mà vẫn phải chiến đấu.
 Trong khi đó, Miền Bắc lại tràn ngập lương thực, quân dụng, quân nhu, và vũ khí viện trợ từ khối Cộng. Thời gian khởi đầu chương trình Việt-Nam- Hóa chiến tranh, còn được cung ứng vũ khí, lương thực dồi dào, chúng tôi đã chứng tỏ khả năng có thể cáng đáng bất cứ nhiệm vụ nào của quân đội Đồng-Minh bàn giao lại.
Để chứng minh điều này, tôi mở tờ copy từ quyển History của thư viện, trong đó có sơ đồ các cánh quân Việt-Nam Cộng-Hòa vượt biên tiến chiếm miền Bắc Cam-Bốt trong chiến dịch Bình Tây 1, 2, 3 cuối năm 1970 của Quân Đoàn II.
 Tôi chỉ cho ông cái dấu hiệu quân sự hình tam giác có chữ R ở giữa, cạnh trên có ba cọng râu, bên trái là con số 2,
-  Đây! Thưa thầy, cuối năm 1970, tại vùng 2 Chiến Thuật, chúng tôi đã đánh đuổi quân Bắc Việt tới bờ đông của sông Mê-Kông trên đất Miên.
 Ngày đó tôi là người chỉ huy một đơn vị trực thuộc Liên-Đoàn 2 Biệt-Động-Quân. 
Tôi đã đánh chiếm thành phố Ba-Kev, và đóng quân tại nơi này một thời gian.
 Chúng tôi đã chứng tỏ rằng khả năng chiến đấu của chúng tôi đã hơn hẳn quân đội Bắc Việt.
Nhưng những năm sau, viện trợ cắt giảm dần. Mặc dầu tinh thần của chúng tôi không suy giảm, nhưng chiến đấu trong cảnh thiếu thốn thường xuyên, chúng tôi vất vả lắm. Tôi xin đan cử ra đây một so sánh để thầy thấy rõ sự khác biệt.
Trước khi Mỹ rút, tháng 6 năm 1968, có một lần tôi đang dàn quân tiến chiếm một ngọn đồi thì Bộ Chỉ Huy Task Force South của Mỹ ở Đà -Lạt đã bắt tôi ngừng lại để chờ pháo binh và không quân yểm trợ.
 Tôi đã nhận được một phi tuần hai phi xuất F4C và sau đó là một hỏa tập tám trăm quả đạn đại bác 105 ly trên mục tiêu trước khi xung phong. Mục tiêu đó chỉ rộng bằng diện tích khuôn viên trường Shoreline C. C. này.
 Chỉ hơn một năm sau khi Mỹ rút, tháng 8 năm 1974, tiền đồn Plei-Me do tôi trấn giữ đã bị một lực lượng địch đông gấp chín lần vây hãm 34 ngày đêm. Plei-Me cũng chỉ rộng bằng trường Shoreline C.C. thôi. 
Vậy mà mỗi ngày chúng tôi đã hứng chịu từ một ngàn tới hai ngàn viên đạn pháo cối của địch. 
Để chống lạkhan hiếm, tôi chỉ được phép bắn theo cấp số đạn giới hạn là bốn viên cho mỗi khẩu súng một ngày. Chiến đấu trong tình trạng thiếu thốn như thế, chúng tôi vẫn chiến thắng. Thầy nghĩ sao về chuyện này?
Chúng tôi đã chiến đấu cho chính nghĩa như thế đấy, chúng tôi đã hy sinh như thế đấy, và chúng tôi đã bị bỏ rơi như thế đấy.
 Tôi cũng không hiểu vì sao người Mỹ phản chiến, trong đó có thầy, lại xuống đường tranh đấu, cổ vũ cho kẻ thù của chúng tôi, và ngược đãi chiến binh của chính nước Hoa-Kỳ?
Thầy ơi! Sao thầy lại nỡ nhẫn tâm như thế!
 Thầy đã tiếp tay với kẻ thù, đâm sau lưng thân nhân và bạn bè đồng minh của thầy. Nhân dịp này, tôi cũng chuyển lại cho thầy nghe tâm sự của anh Bill, một bạn cựu quân nhân Mỹ trở về từ Việt-Nam năm 1973. Anh Bill hiện nay (2000) là Supervisor của hãng mà tôi đang làm việc. Đây là lời của anh ấy,
“Bạn có cảm thông nỗi đau đớn của chúng tôi ngày đó không? Hôm chúng tôi cặp bờ Everett , Washington, dân chúng Mỹ, kể cả những người thân, tiếp đón chúng tôi bằng cách dơ cao ngoắc ngoắc ngón tay giữa! Đi đâu chúng tôi cũng bị nhìn với đôi mắt khinh khi. Bao nhiêu ê chề nhục nhã đổ lên đầu người thua trận. Thua trận đâu phải lỗi của chúng tôi? Có bạn tôi đã buồn mà tự tử. Rồi tôi bị giải ngũ.
 Thời gian ấy kiếm được một việc làm là điều khó khăn trần ai. 
Hãng xưởng nào cũng không mặn mà với những hồ sơ xin việc của những cựu chiến binh. Cũng may, có người bạn học thời Mẫu Giáo đã giới thiệu tôi vào làm việc cho hãng này. Lương hướng thời ấy chỉ có 3 USD một giờ cũng đã khiến tôi mừng quá lắm rồi.”
Sau câu chuyện này, tôi chuyển sang phê bình cách giảng dạy của ông thầy, tôi nói thẳng với ông giáo sư rằng, bao năm nay ông đã bóp méo lịch sử của cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam và Bắc Việt-Nam, làm như thế ông đã phạm tội đối với lịch sử. 
Cách giảng dạy của ông đã gieo vào trí óc học trò những thành kiến sai lầm đối với Việt-Nam Cộng-Hòa, làm giảm giá trị sự trợ giúp của chính phủ và nhân dân Hoa-Kỳ đối với nước tôi.Cuối cùng, tôi hỏi ông giáo,
- Thầy còn nhớ, năm ngoái, có một cậu bé Việt-Nam, mặt mày sáng sủa, lông mày rậm, tóc hớt kiểu nhà binh theo học lớp Sử 274 này không?
-  Cậu bé Việt-Nam đó chính là thằng con út của tôi! Năm ngoái, bài tiểu luận đầu của nó bị điểm KHÔNG (0) vì nó viết theo quan điểm của một người dân Miền Nam.
 Những bài sau nó phải đổi cách viết, để thầy cho điểm khá hơn. Tôi là cha nó; tôi là một trong những người chứng kiến, tham gia và trực tiếp gánh chịu hậu quả của cuộc chiến tranh vừa qua;tôi không thể làm như con tôi được. Tôi đã nói hết những đều cần nói với giáo sư, và tôi sẵn sàng chấp nhận hậu quả.
Ông thầy dạy Sử như bừng tỉnh cơn mơ,
-  Tôi tin lời ông, vì chẳng có lý do gì để ông nói dối.
 Có điều là, từ đó tới nay, hơn hai mươi năm dài, kể từ ngày những gia đình Việt-Nam đầu tiên tới định cư ở Hoa-Kỳ, chưa ai nói cho tôi nghe những điều này.
 Có thể, người ta muốn quên đi quá khứ, hoặc là người ta không có can đảm nói ra. Tôi đã hiểu, và tôi phải cám ơn ông. Ông quả là một chiến binh thực thụ.
Nghe được những lời nói chân tình từ miệng ông giáo sư, lòng tôi cảm thấy ấm áp lạ lùng.
 Trước mắt tôi, ông đã thành một người bạn đồng minh, ông đưa bàn tay hộ pháp ra cho tôi bắt,
-  Thưa người chiến binh.
 Ông vừa lập một chiến công!
Đêm ấy trên đường về nhà, lòng tôi rộn ràng như thuở nào giữa sân vận động Pleiku, sau chiến thắng Plei-Me, tôi đã đứng trước một đoàn hùng binh, quần áo hoa rừng, nhận những vòng hoa rực rỡ, tai nghe bản nhạc “Bài Ca Chiến Thắng” do ban quân nhạc Quân-Đoàn II hòa tấu.
Ngày chấm dứt mùa Fall năm 2000 ông thầy dạy Sử tươi cười trao cho tôi bản tổng kết cuối khóa, trên đó điểm trung bình (GPA) lớp History 274 của tôi ghi 4 chấm (4.00).Cuối mùa Spring 2001 tôi dự lễ cấp văn bằng tốt nghiệp A. A. nơi vận động trường có mái che của Shoreline Community College.
 Khán đài đông nghẹt thân nhân. Vợ tôi và bốn đứa con tôi cũng có mặt ngày hôm ấy. Khi người điều hành gọi tên tôi lên bục để nhận văn bằng, cả hội trường đều ngạc nhiên vì thấy nơi hàng ghế giữa của khu giáo sư có tiếng ai gào lên như tiếng sấm,
“Long! I’m proud of you!”
Đến lúc bà Hiệu Trưởng bắt tay tôi thì ông giáo Dan đứng dậy, bắc lo
Ông là một người cao lớn. Trong chiếc áo thụng đen, trông ông dềnh dàng như nhân vật chính trong phim “Người Dơi”.
Những người có mặt trong hội trường buổi ấy đều quay mặt nhìn về hướng ông giáo, ai cũng ngạc nhiên vì hành động phá lệ của một ông thầy xưa nay nổi tiếng là mô phạm. 
Thấy ông giáo Dan réo tên tôi ầm ầm, vợ con tôi và những khán giả ngồi trên khán đài cũng vỗ tay, reo hò, la hét theo.
 Hai năm sau, khi tốt nghiệp B.A. từ University of Washington, tôi về thăm và báo cho ông biết, ông vui lắm.
Từ đó cho tới khi tôi ngồi viết lại những giòng này (2011) hàng chục ngàn học trò đã tới, rồi giã từ Shoreline Community College.
 Và chắc chắn, hàng trăm lượt người trẻ tuổi đã đi qua lớp History 274.
 Mười một năm qua, tôi vẫn nhớ buổi tối năm nào, tôi với ông giáo sư dạy Sử đã ngồi tâm sự với nhau.
 Lời khen của ông, mà tôi quý như một tấm huy chương, vẫn còn văng vẳng,
“Thưa người chiến binh. Ông vừa lập một chiến công!”
Seattle 07/2011
                              Vương Mộng Long


Chợ “Lộp”


Ở Na Uy có một thói quen mà dần dà đã trở thành một nét văn hóa rất dễ thương và cũng rất có lợi cho mọi người, đó là “loppemarked”, mà người Việt Nam hay gọi là chợ “lộp”.
 Nếu giải thích thêm thì nó không khác gì một loại chợ trời. Tuy nhiên nó không giống như chợ trời mà chúng ta vẫn thường gặp.
 Chợ trời này không phải ở ngoài trời, và thường được tổ chức vào mùa Thu và mùa Xuân, khi thời tiết vẫn còn lành lạnh.
 Mỗi năm, chúng ta có hai mùa để viếng thăm chợ “lộp”. Có những buổi chợ rất lớn, đủ thứ hàng hóa để mua, nhưng cũng có những buổi chỉ nho nhỏ thôi. 
Nói đến đây, chắc các bạn cũng thắc mắc chợ này là chợ gì, và bán những thứ gì phải không? 
Đến với chợ “lộp”, các bạn có thể tìm thấy những món đồ mình cần với chỉ năm ba krone. 
Tất cả những hàng hóa được bày bán đều do bà con xung quanh biếu tặng, hay phải gọi là cho mới đúng, vì đây là những món hàng đã xài rồi.
 Có nhiều món vẫn còn rất mới và xài cũng vẫn còn ngon, thay vì vứt vào thùng rác, thì họ cho những hội đoàn để dành bán loppemarked. 
Tuy nhiên, chợ “lộp” này không phải để cho một cá nhân nào đó “làm giàu” bằng những món hàng không vốn, nhưng chỉ dành riêng cho các nhóm sinh hoạt và các hội đoàn. 
Có lúc là hội bóng tròn, có khi là hội bóng rổ, hoặc hội bơi, hội múa. Đoàn thể nào cũng muốn tổ chức mỗi năm một lần để gây quỹ sinh hoạt cho con em của mình.
 Tuy nhiên không phải hội nào cũng làm được, vì mỗi lần tổ chức rất ư là vất vả.
 Trong một thời gian khá dài, có khi cả năm, hễ ai có đồ cho là phải có người chạy đi lấy. Đó là chưa kể phải mướn một cái kho nào đó để cất giữ. 
Rồi đến gần ngày bán, họ phải mướn một hội trường thật lớn, thật rộng, thường là một sân vận động thì mới có sức chứa tất cả những hàng hóa.
 Từ những thứ nhỏ nhất như cái muỗng, cho tới những thứ cồng kềnh như tủ hoặc giường cũng được bày ra bán.
 
 Ở một xã hội quá dư thừa vật chất, chưa xài xong thứ này đã sắm sửa thứ kia, thì việc có một phiên chợ “lộp” như thế này rất cần thiết.
 Đôi khi phải công nhận rằng mình cần mua một cái gì đó, dù rất ít xài tới, nhưng phải có. 
Thay vì mua mới tốn hết vài ngàn thì ở chợ “lộp” chỉ cần tốn vài chục mà thôi. 
Hằng năm, cứ hễ tới mùa Thu là tôi lại đi “lùng” mua cho lũ nhỏ một bộ ski.
 Sống trên xứ tuyết, không biết trượt ski thì cũng kỳ, mà trượt nhiều thì chúng cũng không thích. 
Bàn chân con nít mau lớn, mỗi năm lên ít nhất là hai số, nên mua một đôi ski đôi khi chỉ dùng có một lần là chật.
 Một bộ ski như thế nếu mua mới cũng vài ngàn bạc, nhưng ở chợ “lộp” thì chỉ tốn vài chục mà thôi. Bán buôn như thế vừa lợi cho người mua vừa lợi cho người bán phải không bạn?
Không những chỉ chờ tới mùa Thu để đi mua hàng “lộp”, nhưng mùa Thu cũng là mùa mà chúng tôi phải bán hàng.
Chiều Thứ Sáu, sau khi cơm nước xong xuôi, mẹ con chúng tôi dắt nhau ra hội trường.
 Những chiếc xe lớn bắt đầu chở hàng từ kho quy về đây hết.Người thì mang, người thì vác những hàng ấy, bày ra trên mặt bàn.
 Quần áo giày dép một nơi, bàn ghế tủ giường một nơi, nồi niêu soong chảo một nơi, vân vân và vân vân.
 Không những chỉ tất cả các phụ huynh mỗi người một tay, tất cả các em trong hội cũng phải ra công góp sức.
 Khi tham gia những công tác như thế, các em sẽ có cơ hội hiểu rằng ở đời không có cái gì là miễn phí cả, tuy hàng hóa là do bà con cho không biếu không, nhưng nếu mỗi người không tình nguyện góp một bàn tay để gom về từng đồng từng cắc, thì những cơn gió kia sẽ không bao giờ có cơ hội trở thành bão lớn.
 Cũng như bao nhiêu trẻ em khác trong ngày hôm nay, thằng bé cũng đeo cái giỏ ngang vai, trong ấy có một ít tiền lẻ để thối cho khách hàng.
 Trông như một “thương gia” chỉnh tề, nghiêm nghị! Tuy tôi cũng bận tay buôn bán, nhưng lâu lâu cũng ngó chừng nó đứng kế bên và hỏi:
 

 Có bán được không con?
 Nó dạ nhỏ. Tôi lại nói thêm:- Cười lên đi chứ, bán hàng là phải cười lên, phải vui vẻ thì người ta mới mua.
 Nó biện minh một cách yếu ớt:
- Hồi nãy con cười rồi.Đối với nó thì hình như chỉ cần cười một lần là đủ?!
  Mỗi phiên chợ “lộp” chỉ được gói gọn trong vòng hai ngày cuối tuần. 
  Thứ Sáu chuẩn bị, Thứ Bảy và Chủ Nhật mở cửa mỗi ngày vài tiếng, và chiều Chủ Nhật thì phải thu dọn “chiến trường”.
 Thân thể ai cũng rã rời sau mỗi phiên chợ, nhưng phải có thế thì mình mới biết được giá trị của mỗi món hàng, dù là hàng không vốn.
 Có nhiều người cho rằng xài hàng “second hand” sẽ làm giảm giá trị của mình, nên họ không bao giờ xài hàng cũ. Mỗi người một ý và một lối suy nghĩ về cuộc sống khác nhau, nhưng riêng tôi, tôi vẫn cho rằng giá trị của con người không bao giờ nên đo bằng những món hàng họ mang trên người.
                             
                                 Thi Hạnh
                                   @@ tks t/g !!                                         

Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

Lễ Tạ Ơn tại Hoa Kỳ


 Lễ Tạ Ơn đầu tiên trên tại Hoa Kỳ đã được tổ chức vào Tháng Mười Một năm 1621 tại Plymouth, Massachusetts nhằm tỏ lòng biết ơn nhóm thổ dân da đỏ Tisquanto. Câu truyện như sau: một nhóm 102 người Anh di cư vượt 3000 dặm Đại Tây Dương trên con tầu Mayflower hướng về Tân Thế Giới tìm tự do tín ngưỡng. 

Mới đầu tầu Mayflower định đi tới Jamestown, Virginia, nơi định cư đầu tiên vào năm1607. Nhưng vì bão tố liên tục, họ đành phải đổ bộ tại Cape Cod Bay và quyết định lập nghiệp tại Plymouth, Massachusetts. Ngày 21 tháng 11 năm 1620, trước khi lên bờ, 41 trong số này đã ký Bản Kết Ước Mayflower thành lập một tổ chức chính trị dân đưa ra những nguyên tắc luật lệ công bằng và bình đẳng. Đoàn người này đã phải chịu đựng một mùa đông trong đói lạnh và phân nữa đã chết. 
Trong tình trạng khốn cùng đó, như một phép lạ, một số thổ dân da đỏ nói thông thạo tiếng Anh đã mang bí ngô và thịt gà tây tới giúp nhóm này và đồng thời cũng chỉ cho di dân cách trồng trọt và bắt cá. Đó là lịch sử tiên khởi của lễ Tạ Ơn. Năm 1789, Tổng Thống George Washington đã chọn ngày 26 tháng 11, là ngày Lễ Tạ Ơn chung cho toàn quốc. Đến năm 1863, TT. Lincoln chọn ngày Thứ Năm chót của tháng 11 là ngày Lễ Tạ Ơn chung cho toàn quốc.

Hình ảnh Lễ Tạ Ơn nhắc nhở hoàn cảnh chung của người Viet ly hương đặc biệt của chúng ta. Nó gợi nhớ một nhóm người đi tìm tự do tín ngưỡng đã trải qua những ngày khốn khó tại một miền đất thật xa lạ, nhưng cũng nhắc nhớ chúng ta về những người bạn luôn có mặt giúp đỡ chúng ta, và nhất là bàn tay quan phòng của Thiên Chúa luôn phù trợ cuộc sống của mỗi người chúng ta.

Tại nhiều thành phố lớn trên đất Hoa Kỳ, trong ngày lễ Tạ Ơn thường các tổ chức Bác Ái Xã Hội làm bữa an truyền thống có gà tây và các món ăn như khoai tây nhuyễn, bắp, bí ngô, trái dâu... để thiết đãi những người vô gia cư trong dịp này. Tỉ dụ như tại thành phố Los Angeles, trung bình vào ngày này có tới 5000 người vô gia cư được đại bữa ăn Tạ Ơn ở Los Angeles Mission, ngôi nhà gần vương cung thánh đường cũ của Los Angeles.Tại các giáo xứ Công giáo và Tin Lành thường ban sáng có Thánh Lễ Tạ Ơn. Giáo xứ Công giáo nào có người Mễ và Việt Nam thì cũng tổ chức Thánh lễ Tạ Ơn bằng 3 ngôn ngữ: Anh, Việt và Tây Ban Nha, và sau thánh lễ, vào khoảng ban trưa, thường cũng tổ chức bữa ăn Tạ Ơn cho những người già, người sống cô đơn một mình (không ai nấu nướng cho) hoặc những người nghèo để họ có bữa ăn truyền thống và ngon miệng. Cách bầy biện rất lịch thiệp và đẹp đẽ để mọi người tham dự cảm thấy ấm cúng như cùng thuộc về một gia đình.
 Dịp này các em thanh niên thiếu nữ thường đóng vai những người hầu bàn đễ phục vụ chu đáo cho tất cả những ai đã ghi tên trước muốn tham gia bữa tiệc. Đôi khi các em diện bộ đồ mọi da đỏ và sắc phục của những người Thanh giáo đầu tiên trên con thuyền Mayflower cấp bến tại Plymouth ở Massachussetts để gợi nhớ lại Ngày Lễ Tạ Ơn đầu tiên tại Hoa Kỳ.

 from LM Trần Công Nghị


Mùa lễ Tạ Ơn năm nay số người Hoa Kỳ sẽ về gia đình mừng lễ được dự đoán là 38.3 triệu người. Đây chỉ là tính những người di chuyển ít nhất là trên 50 dặm đường. Các phi trường, các ga xe lửa, các trạm xe bus và trên các xa lộ đầy ắp xe và người di chuyển. Đây là lễ đoàn tụ gia đình lớn nhất trong năm của người Hoa Kỳ: sinh viên đi học xa về nhà, con cái ông bà cha mẹ đoàn tụ.

Người Hoa Kỳ mừng lễ Tạ Ơn Thiên Chúa và tạ ơn nhau vì họ cảm nhận được rằng trong năm họ nhận được biết bao ơn thiêng mà Chúa đã ban cho họ. Đây cũng là dịp để hồi tưởng lại những người Thanh Giáo di dân đầu tiên đến Hoa Kỳ và được sự giúp đỡ của người Da Đỏ, được biết cách trồng cấy và được mùa màng sung túc, được đất nước mầu mỡ và được sống tự do trên miền đất mới. 

Riêng đối với người Việt nam di dân và di cư chúng ta, Mùa Lễ Tạ Ơn cũng mang một ý nghĩa rất gần gũi với động lực mà người Hoa kỳ tổ chức Lễ Tạ Ơn.Nhân dịp này, chúng ta thử tìm hiểu qua về Lễ Tạ Ơn trên thế giới mang những sắc thái và hoàn cảnh ra sao?
Nếu ta nhìn vào lịch sử của các dân tộc trên thế giới thì có thể thấy ngay là hầu như khắp nơi, từ các bộ lạc sơ khai tới các dân tộc văn minh, nơi đâu cũng có một hình thức nào đó cử hành những nghi lễ tạ ơn vì được “Trời” hay Thượng Đế ban cho được mùa tốt tươi, gặt hái thành công và lợi tức hoa quả trù phú.
Trước khi thiết lập một hình thức tôn giáo về những nghi lễ này, thì thường người nông dân xổ xưa tin rằng mùa màng ruộng nương của họ đều có “thần linh” hiện diện hoặc là làm cho được mùa tốt tươi hoặc là làm cho hạn hán mất mùa. 
Do vậy phát sinh các lễ “cầu mùa”, cung tế thần linh để cho được mùa, xua đuổi tà khí. Lại cũng có khi dân chúng cử hành nghi lễ để đánh bại “thần dữ” trong mùa gặt.
Các lễ nghi liên hệ tới mùa gặt hái nông sản, lúa mì, hoa quả, sản phẩn đồng nội được các dân tộc để ý cử hành và có nơi trở thành một nghi lễ chính thức bắt buộc. Chúng ta hãy đan cử ra một số tập tục của các dân như Hy Lạp, Roma, Do Thái, Ai Cập, Trung Hoa và Việt Nam.
     Người Hy Lạp:Đọc lịch sử Hy Lạp, chúng ta nhận thấy dân tộc này thờ rất nhiều thần linh nam nữ. đối với họ thần linh cũng có cuộc sống giống như các sắc thái của con người, và chính người Hy lạp cũng đã thần linh hóa các bậc anh hùng vĩ nhân của mình.
Thần của mùa mang (hay chính thức hơn của lúa mì) là nữ thần Demeter. Vị nữ thần này được sung bái trong lệ hội gọi là Thesmosphoria được cử hành hằng năm vào Mùa Thu.

Trong ngày đầu của Lễ Hội này, các phụ nữ có chồng (có thể là ý niệm các phụ nữ này được gắn liền với việc sinh con và lo chăm sóc mùa màng) làm những túp lều bằng lá và cũng dùng những thân cây gỗ làm thành những chiếc chõng.
 Đến ngày thứ hai, họ sẽ ăn chay. Rồi tới ngày thứ ba là ngày lễ chính, thì họ sẽ dâng cho nữ thần Demeter các đồ cung lễ gồm có: hạt ngô, bánh ngọt, hoa trái và các con heo. Người Hy Lạp tin tưởng rằng để đáp lại thì nữ thần sẽ ban cho họ được mùa gặt sung túc.-
Người Roma-Ngưởi Roma có Lễ Hội gặt hái gọi là Cerelia để kính thần Ceres, vị nữ thần ngô bắp 
(do vậy mà đồ ăn sáng của người Hoa Kỳ cereal cũng do nguyên gốc này mà ra).
 Lễ Hội này được cử hành vào ngày 4 tháng 10 mỗi năm, và các đồ lễ cung thường là hoa quả đủ thứ và cũng có thịt heo.
 Trong lễ hội dân chúng vui chơi, có đàn hát, diễn hành, có trò chơi và thể thao và đặc biệt là nghi lễ Tạ Ơn Thần.-Người Do Thái-Lễ hội Mùa Gặt có tên là Sukkoth đườc các gia đình Do Thái cử hành hằng năm vào mỗi mùa Thu, và lễ hội này đã được cử hành từ 3000 năm qua. 
Nguyên ngữ Sukkoth gồm 2 danh từ là Hag ha và Succot - đó là Lễ Nhà Tạm tức là Hag ha Asif - Lễ Tụ Hội. Sukkoth bắt đầu vào ngày 15 trong tháng Tishri của người Do Thái, cũng là 5 ngày sau nghi lễ chính thức và quan trọng nhất của người Do Thái là Yom KipporSukkoth có nghĩa là cái lều mà ông Moisen và người Do Thái đã sống trong sa mạc trên hành trình về Đất Hứa trong vòng 40 năm sau khi đã được giải thoát khỏi ách nô lệ cho người Ai Cập.
 Các chiếc lều này được làm bằng vải và lấy cành cây khô mà chống dựng lên, nên rất dễ gấp lại để thường xuyên di chuyển.Lễ Sukkoth kéo dài trong 8 ngày.
 Dịp này, người Do Thái dựng lên chiế lều nhỏ bằng cách cành lá, gợi lại các “mái nhà tạm” của tổ tiên họ. 
Mái che cũng bằng lá cây và không làm kín hẳn để ánh sáng mặt trời có thể chiếu dọi vào được. 
Trong các ngôi nhà tạm này, người ta treo hoa quả gồm có táo, nho, bắp ngô và các thứ rau. Hai đềm hôm đầu của mùa lễ, các gia đình ăn bữa tối chung với nhau trong ngôi nhà tạm và dưới bầu trời chiếu soi ban chiều, để tạ ơn Thiên Chúa luôn ban ơn phước và dưỡng nuôi họ qua suốt cuộc hành trình về Đất Hứa. 
Người Ai Cập 
Lễ mùa gặt hái và tạ ơn của người Ai Cập gọi là Min, một vị thần của hoa trái và sản sinh. Lễ này được cử hành trong Mùa Xuân cũng là mùa mà người Ai Cập gặt hái.Trong lễ Hội kính thần Min có cuộc diễn hành và chính Pharaoh (vua của Ai Cập) cũng tham dự và góp phần. Cuộc diễn hành và lệ hội gồm có ca nhạc, nhảy múa, và có các môn chơi thi đấu thể thao.
Khi người nông dân Ai Cập gặt hái ngũ cốc và bắp ngô, họ thường than khóc và làm ra điệu bộ ủ não sầu bi.
 Cử chỉ này cốt ý đánh lừa thần linh vì họ tin rằng thần sống trong ngũ cốc và ngô bắp của họ.
 Họ sợ rằng thần sẽ “nổi giận” khi nông dân hái bắp ngô khỏi thân cây hoặc là gặt hái ngũ cốc đi, nơi mà thần sống trong đó. 
          Happy Thank's Giving 2012  to all  netter -blogger!