Trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012

Ga Đà Lạt


Đa số người ta biết đến Đà Lạt có một nhà ga xe lửa Đà Lạt đẹp vào bậc nhất Đông Nam Á, đặc sắc với kiến trúcvà xây cất theo kiểu Art-Deco, một kiểu kiến trúc được ưa chuộng và thịnh hành ở Âu Châu và cả thế giới vào đầu thế kỷ thứ 20 từ 1925 đến 1939.
 Nhưng không mấy ai chú ý đến một điều, đường xe lửa lên Đà Lạt là một đường xe lửa răng cưa (cog railroad), độc đáo và hiếm có trên thế giới.Bạn sẽ ngạc nhiên và kỳ thú khi nói đến đường xe lửa răng cưa!
Đúng vậy, hệ thống đường rầy xe lửa loại này có thêm một đường rầy ở chính giữa có răng móc như lưỡi cưa, ăn khớp với bánh xe của đầu tầu kéo cũng có răng, được chế tạo đặc biệt không có ở các đầu tàu xe lửa loại thường, để kéo đoàn tàu lên dốc và để giữ cho đoàn tàu không bị tuột nhanh khi xuống dốc.
Chúng ta hãy khảo sát qua để biết công trình khó khăn và làm thế nào để người Pháp đã thiết lập được hệ thống đường xe lửa lên Đà Lạt vào đầu thế kỷ thứ 20.
Năm 1903, người Pháp bắt đầu kiến tạo đường xe lửa nối liền thành phố Đà Lạt mát mẻ trên cao nguyên và thành phố Phan Rang nóng nực nằm ven duyên hải với mục đích tạo điều kiện giao thông thuận tiện cho các kiều dân Pháp lên sinh sống, làm việc hoặc nghỉ ngơi trên thành phố Đà Lạt có khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm.



Đoạn đường xe lửa Đà Lạt-Tháp Chàm chỉ có 84 cây số. 41 cây số từ Tháp Chàm đến Sông Pha (Krong Pha) được hoàn tất và xử dụng từ năm 1919 còn 43 cây số từ Sông Pha lên Đà Lạt phải mãi đến năm 1932, 13 năm sau mới hoàn tất và xử dụng được, 43 cây số cuối cùng này là núi đồi dốc, 3 nơi phải làm hệ thống đường rày có móc răng cưa và 5 chỗ phải làm đường hầm xuyên qua núi. 

Tổng cộng công trình kiến tạo là 30 năm để hoàn tất 84 cây số đường xe lửa Phan Rang-Đà Lạt.
Sau khi đường Hỏa Xa Lâm Viên với đường xe lửa có răng cưa (Cog railway) hoàn tất.

 Công ty Hỏa Xa "Chemin De Fer" (CFI) của Pháp nhập cảng đầu máy xe lửa chạy được trên đường xe lửa răng cưa vào Việt Nam làm hai đợt.
- Đợt đầu 7 đầu máy. 5 đầu tầu kiểu HG 4/4 của công ty Thụy sĩ SLM Winterthurand (Schweizerische Lokomotiv- und Maschinenfabrik Esslingen) và 2 đầu tầu cũng kiểu HG 4/4 do Công Ty của Đức (German MFE - Maschinenfabrik Esslingen) sản xuất.


Đợt hai, giữa năm 1930 - 1947 công ty CFI mua được 6 đầu máy cũ (used locomotives) của công ty Swiss FO (Furka-Oberwald), 2 loại HG 4/4 (serial number CFI 40-308 và 40-309) năm 1930 và 4 kiểu HG 3/4 (serial number CFI 31-201 đến 31-204 ) năm 1947.
Với kỹ thuật cổ xưa, đầu máy kéo chạy bằng hơi nước, nấu bằng than, có công xuất từ 600 đến 820 Mã Lực (CV - Chevaux Vapeur). Vì chiến tranh nên cố gắng lắm hỏa xa Việt Nam mới duy trì được những chuyến xe lửa chạy trên tuyến đường Đà Lạt-Phan Rang cho đến năm 1968, sau đó đành phải ngưng hoạt động. 


Phải mất đến một khoảng thời gian dài 30 năm, với nỗ lực cố gắng lớn lao của người Pháp trong thời kỳ Đông Dương mới kiến tạo được một tuyến đường xe lửa có răng cưa kỳ diệu này (extraordinary cog railway). 

 Nhưng sau hòa bình chỉ có vài năm đã "dọn sạch" dấu vết của con đường xe lửa tuyệt đẹp này,
                                  Lê Tần Đức

TÌNH CA VIỆT NAM MỘT THỜI HẠNH PHÚC


Tình ca- những tiếng nói thiết tha và tuyệt vời nhất của một đời người - bao giờ cũng bắt đầu từ một nơi chốn nào đó, một quê hương, một thành phố, nơi người ta đã yêu nhau...
 Tất cả mùa màng, thời tiết, hoa lá, cỏ cây của cái vùng đất thần tiên đó, kết hợp lại, làm nên hạnh phúc, làm nên nỗi tiếc thương của chúng ta”...
 “Em đâu ngờ anh còn nghe vang tiếng em trong tất cả những tiếng động ngù ngờ nhất của cái ngày sung sướng đó: Tiếng gió may thổi trên những cành liễu nhỏ, tiếng những giọt sương rơi trên mặt hồ, tiếng guốc khua trên hè phố..
. Ngần ấy thứ tiếng động ngân nga trong trí tưởng anh một thuở thanh bình nào, bây giờ đã gần im hơi, nhưng một đôi khi vẫn còn đủ sức làm ran lên trong ký ức một mùa hè háo hức, một đêm mưa bỗng trở về, gió cuốn từng cơn nhớ...
 Anh bỗng nhận ra anh vẫn còn yêu em, dù chúng ta đã xa nhau như hai thành phố”...


 Ðó là những lời mở đầu một chương trình “Nhạc Chủ Ðề” trên làn sóng điện của Ðài Phát Thanh Sài Gòn, một buổi tối thứ năm nào đó của thập niên 60.
 Nguyễn Ðình Toàn đọc những lời giới thiệu ấy sau phần nhạc hiệu của chương trình, và tiếp theo là những giọng hát và những ca khúc chọn lọc đến với thính giả - giọng hát Duy Trác và “Hướng Về Hà Nội” của Hoàng Dương, giọng hát Thái Thanh và “Giáo Ðường Im Bóng” của Nguyễn Thiện Tơ, giọng hát Sĩ Phú và “Trở Về Dĩ Vãng” của Lâm Tuyền, giọng hát Lệ Thu và “Bóng Chiều Tà” của Nhật Bằng, giọng hát Khánh Ly và “Mùa Thu Chết” của Phạm Duy.....



Những lời giới thiệu ấy, những lời ca tiếng hát ấy dội vào tâm tư của cả một thế hệ Việt Nam, một thế hệ lớn lên trong bối cảnh của những cơn binh lửa nối tiếp nhau trên quê hương.
Và kỳ lạ thay, đến bây giờ những ca khúc ấy vẫn ở lại trong ký ức họ, cho dù nhiều năm tháng đã trôi đi, bao nhiêu khuôn mặt đã xa khuất, một cuộc chiến đầy cay đắng đã tàn để nhường chỗ cho một thảm kịch khởi đầu, một thế hệ đang lùi dần vào quá khứ trong khi nhân loại đón chào một thiên niên kỷ mới



 Nếu như đối với các thính giả ái mộ “Nhạc Chủ Ðề” của thập niên 60, chương trình phát thanh ấy là một thư viện cất giữ giùm cho họ những trang sách kỷ niệm vô giá của tuổi thanh xuân hay một thời yêu đương, thì đối với sinh hoạt văn nghệ nói chung, “Nhạc Chủ Ðề” là nhịp cầu tiếp nối giữa dòng nhạc tiền chiến và dòng nhạc sau cùng của miền Nam tự do.
Chất nối kết hai dòng nhạc ấy là tình yêu, cho nên cuộc hành của “Nhạc Chủ Ðề” chính là cuộc hành trình của tình ca Việt Nam, dọc theo những năm tháng oan trái nhất của lịch sử...
“Tình Ca Việt Nam” là tựa đề của băng nhạc đầu tiên và duy nhất do người khai sinh chương trình “Nhạc Chủ Ðề” - nhà văn Nguyễn Ðình Toàn - thực hiện vào năm 1970.
 Ngày đó trên quê hương chúng ta, compact disc và video chưa xuất hiện, mới chỉ có hình thức“bande magnetique”, và các phòng thâu băng cũng chưa có những thiết bị kỹ thuật tối tân để lọc âm thanh, ghép tiếng hát...
 Nhưng ngày đó cơn lốc chiến tranh đã cuốn hàng triệu người tuổi trẻ tù thành phố ra sa trường và đưa lửa đạn mịt mù từ sa trường về thành phố.
Giữa giông bão chiến tranh, trong nỗi mong manh bọt bèo của thân phận con người và số phận đất nước, những ca khúc bất hủ của kho tàng tình ca Việt Nam được ghi lại và cất lên qua những giai điệu tuyệt vời nhất, vào giai đoạn thăng hoa nhất của những tiếng hát Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu, Duy Trác, Sĩ Phú, Võ Anh Tuấn, tiếng dương cầm của Nghiêm Phú Phi và Lê Vũ Lê Văn Chấn, tiếng vĩ cầm của Ðan Thọ, Tuấn Khanh, Phạm Văn Phúc, Ðào Duy... tiếng clarinette của Ðỗ Thiều và Lê Ðô, tiếng đại hồ cầm của Nhật Bằng, nhịp trống của Trần Quang Mây...


Hơn ba mươi năm sau, khi khối người Việt Nam lưu lạc nơi hải ngoại đã chuyển tiếp từ thế hệ thứ nhất qua thế hệ thứ hai, rồi thế hệ thứ ba, “Tình Ca Việt Nam” mới được in và phát hành lần đầu tiên dưới hình thức CD.
Nguyễn Ðình Toàn gửi đến thính giả mười lăm bài hát cũ của chương trình “Nhạc Chủ Ðề” trên làn sóng điện của Ðài Phát Thanh Sài Gòn, cùng lúc với tuyển tập ca khúc thứ hai do ông sáng tác “Tôi Muốn Nói Với Em”. Và như thế, phải chăng một nhịp cầu đã được nối trở lại? 

Nhưng câu hỏi ấy đặt ra để làm gì nhỉ?
Ba mươi quá đủ dài để dập vùi bao nhiêu cuộc đời, xé nát bao nhiêu giấc mơ, cuốn phăng bao nhiêu ân tình, nhưng vẫn chưa và có lẽ chẳng bao giờ xóa sạch được dấu vết kỷ niệm trên ký ức của những người đã lạc nhau trong một cuộc bể dâu.
Ba mươi năm trước, khi viết lời giới thiệu “Hướng Về Hà Nội”, Nguyễn Ðình Toàn nhắn nhủ rằng sự chia lìa hai thành phố trên cùng một đất nước cũng đớn đau y như cuộc phân ly giữa những cặp tình nhân sinh ra đời để yêu nhau.Bây giờ đây, có những người mở mắt chào đời ở Hà Nội và trưởng thành ở Sài Gòn nhưng chẳng biết có còn được một ngày trở về để nhìn lại hai thành phố thân yêu ấy lần nữa hay không.

 

 Sự chia lìa giữa người và người đã trộn lẫn trong cuộc phân ly giữa người và quê hương, cũng như những con sông đều trở thành dòng vĩnh biệt để chảy vào biển cả câm lặng.
“Ta đã xa nhau như đời xa cõi chết
Có bao giờ
Còn có bao giờ ta thấy lại nhau không?”

Ðó là lời hát của “Em Còn Yêu Anh”, một trong những ca khúc Nguyễn Ðình Toàn viết khi ông sống sót trở về từ lao tù và ngơ ngác giữa một thành phố đã bị đổi tên, trên một quê hương nơi mà “sông chia dòng vĩnh biệt” và “người với người đã trở thành thiên tai”. 
Mỗi ca khúc ấy là hóa thân của một bài thơ, được viết trong đầu rồi hát trong tim, như sự mài dũa trí nhớ để chống chọi với một cơn mộng dữ.
 Nhưng dẫu cho đau buồn bao nhiêu và cay đắng chừng nào, những bài thơ ấy vẫn còn nguyên vẹn sự óng chuốt và mềm mại, cũng giống như những lời giới thiệu “NhạcChủ Ðề” của thập niên 60.

 

 Thật là kỳ lạ khi mỗi câu thơ và lời hát này, sau bao nhiêu đợt sóng quay cuồng của định mệnh, vẫn có thể mang người ta trở lại với một ngày nắng vui hay một chiều mưa buồn, một buổi sớm mai trong mảnh vườn nhỏ của Hà Nội hay một đêm khuya hiu hắt trên đường phố Sài Gòn.
Nếu người ta tái ngộ với chính mình qua những dòng thơ “Em Ðến Thăm Anh Ðêm Ba Mươi” thì người ta cũng cảm thấy lòng trẻ lại với “Căn Nhà Xưa”.
 Cái rung cảm của năm nào “Tay em lạnh để cho tình mình ấm, môi em mềm cho giấc ngủ anh thơm, sao giao thừa xanh trong đôi mắt ngoan, trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết” - vẫn trở lại đầy ắp trong lời thầm thì của mấy chục năm sau: “Em có nhớ căn nhà xưa bên khu vườn cải, nơi những sớm mai nằm nghe nắng ròn trên mái... Có những sớm em tìm đến, với những đóa hồng khép nép giữa vòng tay ôm... Nghe sau lưng em có chiếc lá mừng, đã đổi màu xanh lấy hương nồng...”




Những ca khúc ấy khiến người ta bâng khuâng tự hỏi: “Biết đâu có một ngày ở hai phương trời cách biệt mà cũng đều là đất khách quê người, có đôi tình nhân cũ tuy xa nhau hàng ngàn dặm nhưng đang cùng chia xẻ với nhau một thanh âm quen thuộc, để nhắn nhủ nhau rằng “ tình ca - những tiếng nói thiết tha nhất của một đời người - bao giờ cũng bắt đầu từ một nơi chốn nào đó, một quê hương, một thành phố, nơi người ta đã yêu nhau...”
“Tôi Muốn Nói Với Em” (2001) là tuyển tập ca khúc thứ hai của Nguyễn Ðình Toàn, sau tuyển tập “Hiên Cúc Vàng” [1999] với 10 ca khúc đánh dấu những ngày đầu tiên khi tác giả đặt chân tới nước Mỹ.

 Và tiếp theo đó là tuyển tập thứ ba: “Mưa Trên Cây Hoàng Lan” 2002
 Một trong những ca khúc của tuyển tập này, được trình bày qua giọng hát Khánh Ly, mang tên “Nước Mắt Cho Sài Gòn”, với những lời hát mà ngay từ đầu năm 1976 đã trở thành rất quen thuộc với thính giả hải ngoại, nhưng dường như chỉ được biết đến dưới tựa đề bài hát “Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên” của một tác giả khuyết danh.



 “Sài Gòn ơi, ta mất người như người đã mất tên - như dòng sông nước quẩn quanh buồn - như người đi cách mặt xa lòng - ta hỏi thầm em có nhớ không... Sài Gòn ơi, đến những ngày ôi thành phố xôn xao - trong niềm vui tiếng hỏi câu chào - sáng đời tươi thắm vạn sắc màu - còn gì đâu...”
Cũng như Hà Nội, Sài Gòn trong lời giới thiệu “Nhạc Chủ Ðề” có thể chỉ là một nơi chốn kỷ niệm nào đó - “một thành phố nơi người ta đã yêu nhau”.
 Nhưng đối với tác giả bài hát, và đối với cả một thế hệ những người yêu quý ông, Sài Gòn giống như một chiếc hộp thần bí mà Pandora đã vô tình mở ra, và những oan khiên thống khổ tràn ngập không gian là cái giá phải trả cho những hạnh phúc tuyệt vời mà người ta nhận từ thế giới huyễn hoặc của một thời tuổi trẻ Sài Gòn là nơi từ đó, suốt thập niên 60, qua làn sóng điện giữa đêm khuya thanh vắng, chương trình “Nhạc Chủ Ðề” đã gửi đến thính giả những viên ngọc trác tuyệt nhất của kho tàng tình ca Việt Nam, những sáng tác bất hủ của Ðoàn Chuẩn, Ðặng Thế Phong, Nguyễn Thiện Tơ, Dương Thiệu Tước, Nguyễn Văn Khánh, Ngọc Bích, Lâm Tuyền, Phạm Duy, Hoàng Trọng, Nhật Bằng... mỗi bài hát là tặng vật vô giá mà chỉ riêng các cặp tình nhân Việt Nam mới có thể chia sẻ cùng nhau.




Sài Gòn cũng là nơi mà Nguyễn Ðình Toàn đã viết lên những ca khúc của chính ông, đầy chất thơ và miên man tình tự, ghi lại dấu vết những cuộc tình không may, nổi trôi giữa cơn gió định mệnh khắc nghiệt, trên một quê hương tan nát vì khói lửa đạn bom.

“Một Ngày Sau Chiến Tranh” là một trong những ca khúc ấy, vẽ lên hình ảnh quê hương như trong giấc mơ, những người trai trẻ ra đi ngày nào khi trở lại thấy mình già, nhưng “dẫu sao lòng anh vẫn đầy bao nỗi vui, đóa xương rồng sắc tươi hồng trong bó gai, ôi gió mát trời xanh ơi, sông sâu chôn những hồn ai, cây cao đã héo bao nhiêu nụ đời...”  Tiếc thay chiến tranh không tàn như trong một giấc mơ.

 Chiến tranh đã kết thúc bằng một cơn ác mộng, và ngay cả những viễn ảnh đen tối nhất vẽ nên bởi một đầu óc bi quan nhất cũng không thể so sánh nổi với thực tại về mức độ kinh hoàng.
Cuộc chiến nửa thế kỷ chỉ kết thúc để mở đầu cho một thảm kịch mới, để biển Ðông trở thành mồ chôn cả triệu xác người, mảnh đất quê hương biến thành trại tù vĩ đại, và người ta bám víu vào mỗi cuộc chia ly như một niềm hy vọng đau xót. 
Trong những năm tháng nhọc nhằn cùng khổ, đầy bất trắc ấy, giữa một thành phố yêu dấu đã bị mất tên, có những người bạn thầm thì với nhau “Nước Mắt Cho Sài Gòn”, để nhớ...


 Rồi cơn sóng thời gian lại cuốn đi, hết thập niên 70, rồi hết thập niên 80, cuộc bể dâu tiếp tục vùi dập từng mảnh đời, chia xa những thân tình, thử thách những số mệnh, như âm vang của một lời tiên tri nhẹ nhàng nhưng đau đớn:“Này đường xưa tôi đi
Khóm cây bao lần thay lá nhớ
Dòng đời trôi quanh co
Có khi xui người lỗi hẹn hò...”

Dường như mỗi bài hát mà Nguyễn Ðình Toàn đã viết và mang theo khi ông rời xa quê hương là dấu vết còn sót lại của một thời mà người ta cùng nghe với nhau và hát cho nhau nghe những bản tình ca.
 Những bài hát ấy rất buồn, mỗi lời hát có thể như một tiếng thở dài chua xót, nhưng đó là ngôn ngữ của tình ca, của hạnh phúc và khổ ải quyện lẫn với nhau thành tặng phẩm của trần gian.
Như ai đã nói: “Chẳng có gì khác biệt giữa những giọt lệ khóc thương và những giọt lệ mừng vui”, biết đâu mỗi kỷ niệm đắng cay âm thầm chứa đựng một phút giây hạnh phúc?


 Và nếu Sài Gòn - như lời hát viết cho một người tình đã mất tên - chính là chiếc hộp oan nghiệt mà Pandora đã mở ra, thì người ta cũng có thể nhắc nhở nhau rằng chiếc hộp ấy đã được đóng lại sau khi tất cả những thống khổ và bất hạnh đã tràn ngập không gian, và nơi đáy hộp vẫn còn sót lại một tặng vật cuối cùng, mang tên hy vọng, để Sài Gòn sẽ không mãi mãi chỉ là một “Quê Hương Thu Nhỏ” trong lòng người viễn xứ.

                              Đào Trường Phúc 

                         ********************* 
            @ tks t/g , đọc bài viết của t/g lại thấy ngậm ngùi lẫn tiếc nuối cho thời hoàng kim của dòng nhạc tình ca trên làng sóng điện của Sgon thập niên 60 ,70
 melody và lyric của những bản tình ca của Phạm Duy , Ngô Thụy Miên ,Nguyễn Đình Toàn ,hay tiền chiến của Đoàn Chuẩn -Từ Linh ,Đặng Thế Phong 
Nhật Bằng ,Văn Phụng .... thật tuyệt vời +được  khắc ghi+  nhớ mãi trong lòng công chúng yêu nhạc ngày xưa và ngày nay

Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2012

LTQ -Loving Tender Quang


Từng là một photographer chuyên nghiệp, tôi có cái nhìn méo mó về sắc đẹp.  Cái đẹp với tôi được đo lường từ một góc nhìn sau ống kính. Trong mắt tôi, một người chỉ thật sự đẹp nếu người đó ăn ảnh, có nghĩa là chụp lên hình đẹp.  Còn nếu ở ngoài trông cao ráo, trắng trẻo, xinh xắn nhưng lên hình thì... nói theo danh từ chuyên môn là “bị đơ,” đối với tôi kể như vứt đi.


Chả thế mà bạn bè nhiều lần ngạc nhiên khi thấy tôi rối rít khen một người mà đối với họ nhìn đen đuổi, “gầy như con mắm,” mặt mày xương xẩu, đôi khi lại còn mắt hí nữa chứ!  Ngược lại tôi cũng làm họ thất vọng không ít khi khoe những tấm hình thật đẹp của anh bạn trai nào đó mới quen.
  Nhìn hình cứ như Alain Delon nhưng gặp ở ngoài thì hóa ra Alain “Nhiều Lông.” Kệ!  Tôi mê hình hơn yêu người thật!Chính vì cái tật “mê hình” đó mà lần đầu tiên coi chàng trên TV tôi đã ngẩn người… và hình như quên thở vài giây.  Tôi bật đi bật lại bài hát nhưng chẳng để ý gì đến lời ca, giọng hát.  Tôi nghiền ngẩm từng góc cạnh trên khuôn mặt chàng.  Vừng tráng cao, mắt to sâu, mũi thẳng, môi đầy đặn, và cái quan trọng, cái cần thiết nhất phải có ở người đàn ông để chụp hình đẹp, là quai hàm vuông (nhưng phải vuông thanh chứ không được bạnh ra sẽ làm mặt thô). 
 Bao nhiêu máy hình xoay chuyển 360 độ quanh chàng vẫn không kiếm được một nét sơ xuất nào của tạo hóa.  Khuôn mặt chàng dưới ống kính có thể gọi là toàn hảo.  Tôi thở nhẹ lẩm bẩm hát “Trong đôi mắt em, anh ‘được’ tất cả...


”Tôi thấy hãnh diện chung cho đàn ông Việt Nam vì trước đây tôi chụp rất nhiều hình cho những người mẫu ở Hollywood.  Trong thế giới người mẫu quốc tế, đây là tiêu chuẩn bình thường nhưng với đàn ông Việt Nam thì tôi chưa thấy, nhất là đàn ông Việt Nam “nguyên chất” không lai và...ahem…không sửa? 
 Tôi xin nhấn mạnh ở chữ “chưa thấy” chứ không phải là không có. 
 Chỉ vì tôi chưa may mắn được thấy thôi. Có lẽ kiếp trước tôi vụng tu.  Nói vậy để các anh đừng nỗi máu tự ái dân tộc lên án em nhé…hehehe!Và quả nhiên, với khuôn mặt và giọng hát đó, chàng đã nổi bật trong hàng ngũ những ca sĩ mới lên. 
 Chỉ một thời gian ngắn sau chàng được Trung Tâm Thúy Nga mời về cộng tác ký độc quyền. 
 Lần đầu tiên quay video có chàng tôi hồi hợp chờ đón “xem mặt.” Kinh nghiệm chiến trường cho thấy hình đẹp chưa chắc ở ngoài đã đẹp.
Tôi nhớ rõ tôi đang ngồi trên ghế làm mặt khi chàng bước vào phòng makeup. 
 Tôi len lén liếc chàng trong gương và quả nhiên chàng không làm tôi thất vọng… không thất vọng tí nào
 Có chăng  là ở ngoài trông chàng trẻ và thư sinh hơn trên video nhiều.  Chàng bỗng nhìn lên và bắt gặp ánh mắt tôi.  Tôi vội vàng giả lơ nhìn đi nơi khác. 
 Muộn rồi, chàng mỉm cười tiến về phía tôi.
  Càng đến gần nụ cười chàng càng nở to thân thiện để lộ hàm răng trắng đều.  Nhìn gần mắt chàng  màu nâu nhạt chìm sâu dưới hàng mi dài. 
 Tôi chỉ còn kịp nghĩ, “Con trai mà sao lông mi dài thế?” chàng đã đến bên tôi và lễ phép thưa “Chào chị Kỳ Duyên, em là Lương Tùng Quang, em đã coi chị từ hồi em còn nhỏ xíu! Không ngờ hôm nay em được làm việc với chị. 
 Chị cho em xin chụp chung một tấm hình để em gởi cho ba, mẹ em vì ba mẹ em mê chị lắm đó!”  Tôi….
Cuộc tình chúng tôi bắt đầu từ đó - tình chị em.  Gặp nhiều, nhìn quen mắt cái đẹp bên ngoài của Quang cũng giảm dần và không còn hớp hồn tôi như lúc đầu. 
 Nhưng càng quen lâu càng biết nhiều thì cái đẹp bên trong của Quang lại càng tăng trưởng.  Quang là người ca sĩ dễ thương nhất mà tôi biết trong giới nghệ sĩ.  Thường khi làm emcee trong một chương trình nhiều ca sĩ, tôi cẩn trọng từng lời nói. 
 Để giữ tế nhị giữa các ca sĩ tôi không bao giới thiệu ai là nhất cái gì cả.
  Không có “ca sĩ nỗi tiếng nhất” chỉ có “một trong những ca sĩ nổi tiếng.” Không có “ca sĩ được yêu chuộng nhất,” mà là “một trong những ca sĩ được yêu chuông nhất.” 
 Muốn cho cho chắc ăn và không làm mất lòng ai, cái gì tôi cũng rào trước bằng hai chữ “một trong.”
 Nhưng khi nói về Quang, tôi có thể khẳng định luôn là “Ca sĩ dễ thương nhất!”  Tôi nói vậy mà không sợ các ca sĩ khác buồn vì tôi chắc họ cũng đồng ý với tôi. 
Quang là người ca sĩ dễ thương và dễ chịu.  Quang không cành kẹ với những ca sĩ khác.
  Quang không đòi hỏi làm khó bầu. 
 Quang làm việc có trách nhiệm và uy tín.  Trong show Quang không đòi ra trước hay ra sau, hát nhiều hay hát ít.  Chúng tôi thường cười và bảo với nhau Quang là con trai ngoan, cha mẹ đặt đâu ngồi đó, “nhét” chỗ nào trong show cũng được.
  Quang không lấn sân diễn của ca sĩ khác.  Khi chương trình quá giờ Quang sẵn sàng cắt bớt bài mình.  Khi thiếu ca sĩ Quang hy sinh gánh liên tục mười mấy bài. 
 Là một ca sĩ tên tuổi lớn theo thông lệ Quang không phải mở đầu chương trình nhưng nhiều khi ca sĩ local đến muộn, Quang vẫn vui vẻ lên hát trước.

Quang không những đem lại niềm vui cho khán giả mà còn cho chính nghệ sĩ.  Nếu Hoài Linh là danh hài trên sân khấu thì Quang là danh hài phía sau hội trường.  Từ kể chuyện vui, đến hát cải lương, nhái giọng, đóng kịch…v.v trò gì Quang cũng đảm hết.  
Cứ chỗ nào hoạt náo mà thấy một nhóm nghệ sĩ bu quanh cười hô hố thì y rằng có Quang đang ở giữa điều khiển chương trình. 
Những buổi quay Paris by Night thường rất căng thẳng và mệt nhọc, nhưng có Quang ở trong phòng ăn hoặc phòng makeup phá trò cho mọi người cười hả hê là một yếu tố nâng đỡ tinh thần rất lớn.
Quang còn có tấm lòng nhân ái và sẵn sàng giúp đỡ trong những công cuộc từ thiện. 
 Tôi nhớ năm ngoái vào dịp Tết, tôi nhận lời của một người bạn làm trong viện dưỡng lão, để vào thăm viếng, ca hát và giúp vui cho các cụ.
   Chương trình không màu mè, làm trong phòng ăn và show bắt đầu từ 9:30 sáng (tôi cứ quen miệng nói “xin chúc quý vị một đêm văn nghệ vui vẻ.”) vì 11:00 các cụ đã nghỉ để ăn cơm trưa.   
Tôi chẳng sửa soạn gì cả chỉ với hai ca sĩ quen là Hương ThủyThủy Tiên.
  Ban nhạc nổi tiếng “one woman band” của cô bạn thân Thương Uyển.  Show này không diễn cho cả ngàn người coi như thường lệ, chỉ khoảng 40 người nhưng số tuổi cộng lại cũng trên vài ngàn năm.
  Tuy vậy show cũng đầy đủ nhạc quê hương, nhạc trẻ, có cải lương và có MC.  It’s show time baby!Đêm trước khi show Hương Thủy bỗng gọi khoe với tôi “Chị ơi ngày mai có Lương Tùng Quang đi với mình nữa đó!”  
Tôi ngạc nhiên hỏi làm sao Quang biết chuyện này vì tôi đâu có rủ Quang?  Hương Thủy nói tuần trước đi show với Quang, khi ngồi nói chuyện phone với tôi về show từ thiện này thì Quang ngồi bên cạnh nghe được.


  Quang hỏi thăm thêm chi tiết và nói uổng quá Quang có show ngày đó không thì Quang sẽ cùng đi.  Nhưng có thể vì bắt đầu từ sáng sớm, nếu Quang đổi vé máy báy lại trể hơn được thì Quang sẽ đến. 
 Và quả nhiên trời không phụ lòng người, đêm đó Quang đã gọi cho Hương Thủy và báo là đổi được chuyến bay.  Quang hỏi địa chỉ của viện dưỡng lão, nhưng chỉ xin được hát trước để còn chạy ngay ra phi trường.
 Tôi cảm phục vì Quang đã làm theo đúng định nghĩa của chữ “volunteer.” Tự nguyện tìm hiểu, tự nguyện đến mà không cần ai mời mộc nhắc nhở.
  Từ cảm phục đi đến cảm mến, nhưng cho tới khi nghe Quang tâm sự tôi mới thật sự cảm động.
  Trước khi hát Quang nói “Quang phải sắp xếp thì giờ cho bằng được để đến đây hát cho các cụ, các bác nghe, vì bố, mẹ Quang ở Perth cũng đang sống trong viện dưỡng lão.  Tết này Quang không về thăm bố, mẹ được nên hôm nay đứng trước mặt quý vị Quang cảm thấy như gần gủi bố, mẹ hơn.  Quang cũng hy vọng rằng nếu Quang có thể mang lại cho các bác một niềm vui nho nhỏ nào thì bên Perth cũng có những nhóm thiện nguyện viên vào viện dưỡng lão giúp vui và an ủi ba, mẹ Quang.” 
Năm nay chúng tôi trở lại AltaMed Center để trình diễn nhưng không có Quang vì bố Quang mới vừa mất hai ngày trước đó…
Tôi xin chia buồn cùng Quang và gia đình.  Tôi chưa có dịp gặp Bác và cũng không biết gì về cuộc đời của Bác nhưng tôi chắc chắn Bác phải là một người cha vĩ đại.
  Tình thương là một sự cho đi và đón nhận rất công bằng, nên phải có một người cha đầy tình thương mới có một người con hiếu thảo. 
 Hơn thế nửa Bác đã thành công vì Bác đã để lại cho đời một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời.
  Tác phẩm đó tên Lương Tùng Quang.

                                 Nguyễn Cao Kỳ Duyên

Chuyện Tình Internet :Chú Rể Mỹ & Cô Dâu Khiếm Thị


Nếu bạn tình cờ gặp một người đàn ông nước ngoài cùng một cô gái vừa mù, vừa mất một cánh tay dìu nhau đi trên đường phố Sài Gòn, có thể đó là Donald Lee Jones và Trần Thị Minh Tuyết. 
Tình yêu của đôi uyên ương ấy đã vượt qua nửa vòng trái đất, ngôn ngữ và bất hạnh.
Đoạn kết của mối tình vượt qua nửa vòng trái đất, ngôn ngữ và bất hạnh.
Tin Minh Tuyết có chồng làm ấm áp cả thôn nhỏ Xuân Sơn, xã Xuân Trường, ngoại ô TP Đà Lạt.
Những người từng hoài nghi về một kết thúc có hậu cho cô "lọ lem" bị mù hai mắt và cụt một cánh tay ấy cũng an lòng cầm trong tay tấm thiệp hồng.

 Kỳ diệu hơn, chú rể là một người bình thường đã đi tìm cô dâu qua nửa vòng trái đất.
Đám cưới xa
Người mẹ dìu con gái xúng xính trong chiếc áo cưới đi về phía bàn thờ gia tiên. 

Đôi mắt cô dâu được gắn mi giả cong vút như những người sáng mắt, nhưng cô phải lần dò từng bước. Một cùi tay cô buông hững hờ trong tay áo chiếc áo dài màu hồng của hoa tường vi.Nhìn cảnh ấy, chú rể bật khóc. "Cô ấy đẹp quá !"
- Anh nói khẽ với giọng tiếng Việt lơ lớ. Dù anh là người Mỹ nhưng lễ cưới vẫn diễn ra theo phong tục VN. Khi nhìn 4 ngón tay còn lại của cô dâu lần tìm ngón áp út của chú rể để đeo nhẫn, mắt nhiều vị khách cũng đỏ hoe.

Đó là cảnh của lễ cưới diễn ra sáng 10/05 tại một ngôi nhà gỗ nhỏ nằm cuối một con dốc ở ngoại ô TP Đà Lạt.
 Tại nơi này 22 năm trước, một tiếng nổ kinh hoàng của quả mìn đã cướp đi ánh sáng và một cánh tay của Trần Thị Minh Tuyết. Khi ấy Tuyết là một cô bé 7 tuổi, hồn nhiên, thông minh và có giọng hát trong veo như tiếng suối.
Tai nạn xảy ra, ai cũng nghĩ Tuyết sẽ chôn vùi cuộc đời mình trong góc nhà.
Thế nhưng... Khóc. Tuyệt vọng. Rồi gượng đứng dậy. 

Cô bé ấy đã miệt mài học chữ nổi, là học sinh giỏi nhiều năm liền. Như bao người bình thường khác, cô thi vào Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn ngành tiếng Anh.
Một lần nữa, không ai tin cô gái ấy có thể học một ngành học gai góc vốn không ưu ái cho người không nhìn thấy ánh sáng. Và một lần nữa, sau khi cầm tấm bằng cử nhân ngoại ngữ, sau khi nhận nhiều cái lắc đầu, Tuyết cũng tìm được cho mình một chỗ làm : tư vấn viên về bảo hiểm xe hơi cho một công ty tư vấn bảo hiểm của Pháp..
Cuộc gặp gỡ kỳ lạ
Một ngày tháng 05/2007, trong dịp đi du lịch, người đàn ông vừa bay từ nửa vòng trái đất tìm đến công ty tư vấn bảo hiểm xin gặp Minh Tuyết.

 Anh mang theo 2 thanh sôcôla. Anh định dành cho người bạn quen qua mạng Internet ấy sự bất ngờ.
Thế nhưng nhìn cô gái nhỏ bé lần dò đến trước mặt mình, anh bật khóc. Chính người đàn ông ấy bị bất ngờ ! Mặc dù đã nghe cô bạn mới kể về bản thân nhưng anh vẫn không tin vào mắt mình.
Đặc biệt là nụ cười. Sao cô ấy có thể cười trong khi cô đã gặp nhiều bất hạnh như thế ?
Đó là ấn tượng không thể phai trong lòng người đàn ông ngoại quốc.
Anh mang theo nụ cười ấy về Mỹ. Anh kể thật nhiều với bạn bè, với họ hàng về cô gái kỳ lạ mà anh đã gặp ở VN.

 Ban đầu, anh chỉ nghĩ quen và xem Tuyết như em gái nhưng qua lời kể, ai cũng bảo anh đã yêu rồi.
Người đàn ông đã bước qua tuổi 60 chợt nhận ra những mầm xanh của niềm yêu đời đang bén rễ trong tâm hồn từ lâu chai lì cảm xúc. Anh cũng nhận ra mình đã yêu.
Người đàn ông ấy thường xuyên lên mạng nhờ Tuyết dạy tiếng Việt. Và 7 tháng sau, anh quyết định sang lại công ty đang làm về sửa chữa xây dựng, cho thuê căn nhà để xách vali sang VN.
Anh thuê một căn nhà trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q 1, Sài Gòn. Mỗi ngày bốn buổi, anh tình nguyện đưa đón Tuyết đi làm. Lúc mới sang VN, chưa rành đường đi, chưa có bằng lái xe máy nên anh dắt cô đi bộ hoặc đi xe buýt.
Thời gian còn lại anh học tiếng Việt và hạ quyết tâm "chinh phục" ba mẹ Tuyết.
Ba thở dài. Mẹ lắc đầu khi nghe tới Lee. Vừa mừng cho con có được nơi nương tựa nhưng vừa lo vì Lee lớn hơn Tuyết nhiều tuổi, bất đồng ngôn ngữ, bất đồng văn hoá.

 Vậy là anh chàng ngoại quốc bắt đầu học phong tục VN, học nấu ăn kiểu VN, kể cả tập ăn mắm tôm, mắm tép. Ngày tết, Lee xách giỏ lên nhà Tuyết ăn tết VN.
 Lúc ba mẹ Tuyết ra rẫy, anh cũng vác cuốc cùng trồng sú, trồng hoa. Khi sửa nhà, anh cũng sửa điện, trộn hồ … Và cuối cùng, tiếng gọi "ba, má" của chàng trai ngoại quốc đã được chấp nhận.
Sang VN để cưới vợ !

Bây giờ ai hỏi Lee sang VN làm gì, anh đều trả lời bằng một câu tiếng Việt giản dị : "Qua đây lấy vợ !".
Nhìn cảnh anh đi chọn từng hạt pha lê, từng hoa thêu đính trên chiếc áo dài cưới, chải từng lọn tóc cho vợ, có lẽ không còn ai nghi ngại về tình yêu ấy.
"Không mắt, không tay không quan trọng, quan trọng là chúng tôi yêu nhau" - chàng rể Tây trả lời trong đôi mắt long lanh.
Rời ngôi nhà gỗ ở cuối con dốc nhỏ dài hun hút, tôi nhớ bàn tay của chú rể luôn nắm chặt cùi tay không ngón của cô dâu.
Anh kể : "Khi đi trên đường, tôi thấy nhiều người có vẻ sợ cô ấy. Tôi không hiểu. Họ không biết rằng giá trị con người không ở cánh tay hay đôi mắt mà nằm ở khối óc và trái tim.
Tôi yêu những suy nghĩ và cuộc sống của cô ấy.

 Chúng tôi sẽ ở lại VN và muốn giúp đỡ những người khuyết tật".Và tôi nhớ đến tâm nguyện của anh khi nhìn những vườn trà và hoa trải ngút ngàn.
Đó là : "Tôi sẽ kể cho cô ấy những gì tôi thấy. Cô ấy chưa bao giờ dám chạy. 

 Tôi sẽ nắm tay cô ấy chạy trên bãi biển và những cánh đồng ..". 

                                  Yến Trinh

                              @ ,tks t/g ,happy couple !
                                                  

Anh Do :" The Happiest Refugee"


Anh Do (tên Việt Nam là Đỗ Anh) là tác giả của “The Happiest Refugee”, một tác phẩm đã đoạt nhiều giải văn học giá trị: Overall Winner, Indle Book of The Year Award 2011, Winner Non-fiction Indle Book of the Year 2011, Shortlisted 2011 NSW Premier's literary Award, Community Relations Commission Award.
Anh Do, sinh năm 1977 ở Việt Nam, là một diễn viên hài hước người Úc gốc Việt được biết nhiều đến trong vai trò diễn viên chính của phim “Footy Legends” do người em trai của anh là Đỗ Khoa làm đạo diễn.

 Và anh cũng đã xuất hiện trong nhiều chương trình truyền hình như The NRL, Footy Show, The Matty Johns Show và Pizza TV Series.

Gia đình của Anh Do đến Úc tị nạn vào năm 1980 lúc anh mới vừa 3 tuổi. Trong thiên hồi ký tự thuật The Happiest Refugee, anh đã kể lại cả gia đình anh đã vượt biển đi tìm tự do trong 5 ngày với một chiếc thuyền nhỏ tồi tàn chỉ dài có 9 mét rưỡi và chiều ngang 2 mét mà chứa tới 47 người. Họ vượt qua Đông Hải với một hành trình cam go đầy nguy hiểm
. Anh Do đã kể lại là chiếc thuyền anh đi y hệt như một hộp cá mòi chất chồng đầy người. Rồi năm lần bị hải tặc Thái Lan cướp, rồi bịnh hoạn vì khát nước.
Ngay ngày hải hành thứ hai đã có người chết bởi vì ở ngày đầu con thuyền đã bị mất tất cả đồ ăn và nước uống vì bão tố.Mặc dù những khó khăn từ bước khởi đầu để tạo dựng cuộc sống mới, trải qua hơn ba chục năm phấn đấu
Anh Do tốt nghiệp cử nhân về thương mại cùng với cử nhân luật và đã được trúng giải ”Comedian of the Year”.

 Với công việc của một tác giả viết văn, một diễn viên hài hước có chương trình thường xuyên trên truyền hình và một đạo diễn sản xuất phim ảnh anh đoạt giải NSW Triple J Raw Comedy Champion và nhận Winner Thank God You're here Trophy sau khi viết The Happiest Refugee.
Anh Do đã trải qua thăng trầm trong đời, đã được nhận định để vinh danh, đã từng có những khó khăn trở ngại cũng như có những tiến triển vượt bực của một người tị nạn trải qua ba thập niên đã tạo thành một chuyện kể kỳ thú đầy bất ngờ khiến người đọc cảm thấy bị lôi cuốn chen lẫn xúc cảm với nét u mặc để tạo thành một nụ cười.
Từ những bi kịch hóa giải để thành một hài kịch, có phải?
Hồi ký của anh như của những thuyền nhân khác đầy những phấn đấu, với trở ngại ngôn ngữ nơi một xứ sở xa lạ, trở ngại gia đình vì cha mẹ ly dị lúc anh mới hơn mười tuổi và người mẹ đóng vai chủ gia đình nuôi con khôn lớn.
Cuộc đời cũng thay đổi từ đổ vỡ chán chường ra thành công tuyệt hảo, từ cực độ này sang tuyệt đối kia.
Có ai nghĩ đáng lẽ anh sẽ thành một luật sư đúng với sở học của mình của công ty danh tiếng Anderson Consulting mà lại trở thành một diễn viên hài nổi tiếng của màn ảnh truyền hình đoạt giải Comedian of the Year.

 Hình như Anh Do đã mang xử dụng tất cà những kinh nghiệm trải qua của đời mình cho nghệ thuật giải trí với sự sáng tạo.
Sau khi Anh Do và gia đình đến định cư ở Sydney, anh đã có một mục tiêu cho cuộc đời mình.
Đã trải qua những lần bị hải tặc tấn công con thuyền vượt biển từ Việt Nam đến khi trải qua những tháng ở trại tị nạn Malaysia, anh đã xác nhận được một mục đích là giúp gia đình vượt qua được sự bần hàn.
“Đã từ lâu lắm rồi, tôi mong muốn làm việc để có tiền mua cho mẹ tôi một ngôi nhà.”

 Anh đã nói như vậy khi 33 tuổi và đang là một diễn viên hài hước nổi tiếng. 
Người cha của anh đã rời khỏi gia đình lúc anh vừa mười ba tuổi và người mẹ quán xuyến gia đình với công việc nặng nhọc mà số lương chỉ có 6 đồng 80 cents một giờ trong một tiệm quần áo
. Từ tuổi mười bốn, Anh Do đã bắt đầu làm thương mại với công việc nuôi và bán các loại cá cảnh nhiệt đới sau khi biết được rằng chỉ với số vốn 15 đồng nuôi một con cá lớn có thể sinh sản ra hơn 500 chú cá con.
Vào năm thứ nhất đại học University Technology, Sidney, Anh đã điều hành một quán bán những vật dụng của thổ dân Indian và đã khuếch trương thành hệ thống “Dances with Wolves” và sau này đã có 4 chi nhánh làm franchised.từ chối công việc của luật sư đã được nhận để chú tâm vào công việc của một diễn viên hài hước vì nghĩ rằng với công việc này sẽ kiếm tiền nhanh hơn.
“Với công việc chỉ đứng bốn giờ một tuần và lương thì khá hơn đôi chút khi tôi nhận công việc luật sư mà phải làm tới 65 giờ một tuần. 

Tôi chọn một phương cách hơi lười biếng một chút.”
Để mua nhà cho mẹ, Anh Do đã mang hết khả năng ra làm việc để kiếm tiền bất kể công việc nặng nhọc thế nào chăng nữa và đã có được $  40 ngàn đô la để làm tiền deposit.
Giáng sinh năm 2000, Anh Do đã mua được nhà cho mẹ vào tuổi 23.
Anh Do nhận thấy rằng mình có cơ may khá hơn trong tương lai khi làm diễn viên hài vào năm cuối của đại học khi các sinh viên luật tập sự những kỹ thuật sẽ phải áp dụng tại tòa án... sẽ phải áp dụng tại tòa án.
“Họa hoằn hơn khi tôi phải đối diện với những trường hợp liên quan đến luật pháp, tôi đến những lớp để học về nghệ thuật chọc cười thiên hạ và tôi đã thắng trong cuộc tranh giải vì những khán thính giả đã bầu phiếu cho tôi.”Mặc dù đã trải qua hơn một thập kỷ lăn lộn cố gắng trong nghề nghiệp của một diễn viên hài hước và một người viết văn,

 Anh Do vẫn có ấn tượng mình là một người ít có tính hài hước nhất trong gia đình.
Đó có lẽ vì ảnh hưởng của những phiên bản ghê rợn của chuyến tàu vượt biển mà tất cả mọi người phải chịu đựng bằng cách thay đổi từ “horror” ra “humour”.
Chuyến vượt biển vào năm 1980
Con thuyền nhỏ chất đầy người ra khơi và từ ngày thứ hai đã mất hết cả lương thực và nước uống vì bão tố trên biển. Hải tặc đã lấy tất cả vật dụng trên thuyền kể cả máy tàu, nhưng một hải tặc trẻ tuổi ném lại cho một bình nước uống khi tàu của hắn bỏ đi.
Và đó chính là nguồn sống lây lất cho cả mọi người trong năm ngày trước khi được một tàu chở hàng của Đức cứu giúp.Lúc đó Anh Do còn nhỏ tuổi chưa biết gì nhưng về sau câu chuyện kể ấy ảnh hưởng đến cuộc đời anh rất nhiều và đã thành một châm ngôn cho cuộc sống của anh:
“Giàu có thì đương nhiên là phải thắng nghèo hèn nhưng gia đình là yếu tố quan trọng nhất của đời sống hơn bất cứ một thứ gì hiện hữu.”


Trả lời những câu hỏi về cá nhân mình thì Anh Do cho rằng thành công lớn nhất của mình là mua cho mẹ ngôi nhà đầu tiên.Sau khi đã di chuyển tới 17 lần, Anh Do mới thực sự hiểu được ý nghĩ của bà mẹ về điều đã đạt được.

 Đó là nơi chốn yên ổn và không có những người chủ nhà sẵn sàng tống cổ cả gia đình ra khỏi căn nhà mướn.
Điều mà anh hối tiếc là đã thích một cô gái ở năm đầu tiên của đại học và không dám ngỏ lời trong 5 năm học kế tiếp. “Chúng tôi chỉ là bạn với ranh giới của nó.
Nhưng sau cùng tôi đánh bạo hỏi nàng về tình yêu và may mắn nàng cũng trả lời: ‘Em cũng yêu anh như thế’, và chúng tôi làm lễ hứa hôn sau đó 3 tuần. 

Đúng là tôi đã chờ đợi quá lâu tới 5 năm để có một ngày hứa hẹn.”
Khi đến Úc, cả gia đình sống bằng nghề may và sau đó lập một trại chăn nuôi
. Họ làm việc siêng năng nhưng đến khi mức tiền lời của tiền đi vay tăng cao của
Đúng sáu tháng từ khi tốt nghiệp chương trình đại học 5 năm, Anh Do đã thập niên 80 khiến các nhà đầu tư phải rút lui và không chịu bỏ vốn ra để giúp khi có những cơn dịch bệnh của gia súc. Và như thế là cả gia đình lại phải trở về nghề may lại.
Thời gian này, vì công việc thất bại, người cha nghiện ruơụ để quên đi những khó khăn của cuộc sống.
Gia đình bị tan vỡ và gánh nặng đè trên vai người mẹ. Dù vậy bà cũng cố gắng chu toàn nhiệm vụ và đã cho con đi học ở những trường học tư và phải trả học phí cao.
Anh Do muốn nhắc đến những hình tượng anh hùng của chính cha mẹ mình. 

Đó là những mẫu người thực. Là cha của anh thời trước và mẹ của anh lúc người cha bỏ phế gia đình.
Tính nhân ái tự nhiên của người mẹ thật là không kể xiết dù có khi suýt làm tan vỡ cả gia đình.

 Nhưng kết cuộc vẫn là sự toàn vẹn của một gia đình theo truyền thống Việt Nam.
Anh Do là một người siêng năng nhưng vui tính, biểu tượng của một thiếu thời đầy gian nguy gần với cái chết và vòng quay nhọc nhằn phân hai giữa đói nghèo cực độ và cuộc sống dễ thở hợp lý.
Dù có nhiều khả năng, anh đã chọn lựa một nghề chuyên môn thật nhiều may rủi và bất trắc nhất là đối với một người Á Châu: làm diễn viên hài hước. 



Và là một người rất can đảm, dám chọn lựa và dám sống chết với chọn lựa của mình.
Thiên hồi ký sau khi kể lại những ngày ở Việt Nam được nối kết với đời sống mới ở tiểu bang New South Wales nước Úc.
Gia đình Anh Do đã làm việc từ một xưởng may ở vùng ngoại ô của Newtown, đến trang trại ở Swan Bay rồi đến vùng Yagoona.
Khi viết hồi ký, Anh Do rất thành thật và những nhận xét về mình về người khá chính xác.
Những kỷ niệm ấu thơ lúc vừa bước chân vào trường học ở Úc đến lúc thành một cậu bé lo lắng giúp đỡ gia đình, dù hoàn cảnh nào cũng kèm theo nụ cười của lạc quan và tin tưởng.Hình như, sự thư giãn đời sống làm con người dễ đạt được mục đích hơn dù có nhiều trở ngại.
David Koch trong “The Kochie Blog” đã viết về Anh Do và “The Happiest Refugee”: “Tôi đã đọc xong tác phẩm “The Happiest Refugee”.

 Tôi đã cười to sảng khoái khi đọc nhưng cũng đã bật khóc vì cảm động với câu chuyện kể bất ngờ kỳ thú.
Và tôi đã chọn cuốn sách này để làm tặng phẩm trong dịp lễ giáng sinh hoặc ngày từ phụ.

 Tại sao tôi lại có lựa chọn để quyết định như thế?
 Bởi vì, tác phẩm đã mở rộng ra tầm mắt (và cả tấm lòng nữa) về những gì liên quan đến người tị nạn.
Đừng nói rằng tất cả sự khởi đầu một chu kỳ trở lại từ người tị nạn.

 Bộ mặt của nước Úc bây giờ đã thay đổi.
Đúng như khi những người Anglo Saxon bắt đầu đến châu lục này và cứ thế tiếp diễn sau thế giới chiến tranh lần thứ hai khi đất nước này đã tiếp nhận những người đến định cư từ những nước Nam Âu Châu


Tôi đã đọc The Happiest Refugee với nụ cười nhưng tôi nghĩ sự ấm áp sẽ ôm choàng bạn.

 Sẽ làm cho tôi thấy mình có lỗi khi tôi đến xứ Úc như một ban tặng.
Tôi yêu đất nước này nhưng ở trong một sự so sánh tôi vẫn chưa hiểu biết hết tận tường ân sủng này như thế nào.

 Cảm xúc, tạ ơn, tình yêu của gia đình người tị nạn này (và độ chừng của phần đông những người tị nạn khác) về đất nước mới sẽ chân thành biết bao, trung tín biết bao.”
Anh Do, người tị nạn Việt Nam hạnh phúc nhất, có phải vì đã vượt qua tất cả các bi kịch để diễn một vai hài kịch cho đời? 


                                Nguyễn Mạnh Trinh
                        
@ Bravo Anh Do ,tks t/g NMTrinh

Tìm Hiểu Sự Ra Đời Của Chợ Lớn


Đúng là luôn luôn trong óc tôi thưở ấu thơ, Chợ Lớn là một phố khách. Người Tầu sống trong đó là những người khách, nhiều người Việt thích gọi họ là “khách trú” hơn “các chú”. Gần sát nách đó, nhưng vẫn là khách.
Một thế giới hoàn toàn khác biệt. Những bảng hiệu người Việt đọc không hiểu, cách ăn mặc (áo xẩm, áo xường xám …) khác biệt. Ngôn ngữ khác biệt, nếu họ muốn nói tiếng Tầu với nhau, người Việt không hiểu, nhưng người Việt nói gì, phần đông họ hiểu.
Những ngõ ngách trong Sàigòn thân quen với tôi bao nhiêu, thì trong Chợ Lớn lại kỳ bí, đáng ngại bấy nhiêu.
Có lần đi xe Honda tìm nhà trong vài xóm tại Chợ Lớn, tôi có cảm giác có hàng chục con mắt theo dõi mình ngay từ đầu xóm, dù rằng phần đông đều là những ánh mắt hiền lành, nhưng cảm giác mình là kẻ xa lạ rất rõ rệt. Cảm giác thực của sư “tha hương trên chính quê hương”.
Ngay cả cách thờ phượng cũng khác người Việt. Những bức tượng Quan Công, Châu Xương, Quan Bình đặt ở đâu là tờ giấy khai nguyên quán của chủ nhà gần như trúng trên 90%.
Người Việt ít ai thờ Quan Công lắm, có thể nói là người Việt gốc thì hoàn toàn không .
Kiến trúc nhà cửa tại Chợ Lớn giống những Phố Tầu trên khắp thế giới nhiều hơn là giống kiến trúc người Việt.Nhất là từ sau khi người Pháp đặt sự cai trị tại Miền Nam, thì Sài Gòn có nhiều khu nhà kiến trúc theo kiểu thực dân Pháp, dần dần được Việt Nam hóa, phân biệt rạch ròi hai lối ở khác hẳn nhau.
“Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá”. Giới anh chị Chợ Lớn cũng có trùm riêng cai trị, tên là Mã Thầu Dậu
Chợ Lớn đã có những trường Tầu, mà vài người bạn Tầu hồi nhỏ trong xóm tôi, phải về đó “du học”. Trường nổi tiếng nhất là trường Bác Ái.
Với nhiều tiệm ăn Trung Hoa, Chợ Lớn đương nhiên là nơi ăn uống rất ngon, và với tài năng buôn bán của cộng đồng Hoa Kiều, cộng với hệ thống mạng lưới kinh doanh chằng chịt trong nước, lẫn Đông Nam Á. Chợ Lớn đương nhiên có những chi phối nhất định trên nền kinh tế cả nước Việt Nam.
Trên lãnh vực chính trị, Chợ Lớn hồi đó, nghiễm nhiên được đa số người dân Việt Nam, hiểu ngầm là có những quan hệ sâu xa với Hồng Kông, Đài Loan và Trung Hoa Lục Địa.
Không rõ 10 bang người Hoa sinh sống tại Chợ Lớn vào giai đoạn ông Mã Tuyên làm tổng bang trưởng, là gì, nhưng 5 bang chính gọi là “ngũ bang” gồm Quảng Đông, Tiều (Triều Châu), Hẹ, Hải Nam, và Phước Kiến.Nhiều người Hoa (Tầu) đến từ những tỉnh miền duyên hải phía Nam Trung Hoa (từ sông Dương Tử trở xuống) định cư tại Chợ Lớn. Họ họp nhau, sống chung với nhiều phân khu từng bang hội, tùy theo gốc tích cố hương, vừa vui sống mà vừa dễ sống.
Trong giai đoạn phát triển Chợ Lớn, dưới thời Pháp thuộc, họ được người Pháp cho nhiều dễ dãi, thoải mái, điển hình là việc xây dựng nhà cửa, phố xá, quy hoạch những khu dân cư, cho phù hợp với lối sống truyền thống của họ, miễn là hòa nhập vào môi trường địa lý, sinh hoạt mới .
Do đó, những tên hẻm được đặt với những từ cuối như Lý, Hạng, Phường đã được thấy, như hẻm Tuệ Huê Lý (làng Tuệ Huê) ở bên hông hội quán Tuệ Thành của bang Quảng Đông, còn sót lại cho đến năm nay (2012), sau nhiều biến cố đổi thay “thương hải biến vi tang điền”.
Lý như trong “lý trưởng” có nghĩa tương đương với làng, hoặc thôn. Đó là một quần thể tập hợp khoảng vài chục nóc nhà, họp thành một đơn vị cư trú.
Hạng như trong câu thơ “Từ Ô Y Hạng rủ rê sang” của nhà thơ Quách Tấn, có thể dịch là xóm, qui tụ khoảng mươi nóc nhà cận kề nhau.

 Thường ra, một ông đại gia nào đó, mua một khoảng đất lớn sát một con lộ lớn.
Trên miếng đất đó ông cho xây ngoài mặt tiền những cửa hàng xoay cửa chính ra ngoài lộ.
Giữa những cửa hàng đó, có một con hẻm dẫn vào một khu xóm nhỏ, được lập ở phần sau khu đất, khoảng 7-8 căn nhà, cho họ hàng, con cháu của chủ nhân ở.
Đầu con hẻm thường đắp chữ nổi, hay có bảng gỗ nói lên nơi chốn cố hương của chủ nhân, chẳng hạn “Thái Hồ Hạng”, “Xóm Thái Hồ” vì quê cũ của ông ta ở Hàng Châu Còn Phường lại là nơi qui tụ những người cùng chung một nghề với nhau.

 Thường là một hẻm cụt, gồm vài chục căn nhà mà những người làm cùng nghề, hoặc chung một ông chủ, chung tiền ra mua, hoặc được chủ cho ở.
Thí dụ như hẻm “Hào Sỹ Phường” là nơi có 34 căn nhà của những công nhân làm nghề chế tạo xà phòng (xà bông) , chà gạo cho một ông tên là Hào Sỹ.
Phố Tầu tại Nhật không nằm ngay thủ đô Edo (Tokyo), mà nằm tại thị trấn cảng Yokohama. Phố Tàu tại Pháp nằm tại quận số 13, bao bởi 3 con đường rue de Tolbiac, avenue de Choisy và boulevard Masséna.
Cả hai khu Phố Tầu này không lớn, không được nằm ở khu trung tâm thành phố, nhưng cũng như hầu hết mọi khu Phố Tầu nào khác trên thế giới, đều phải có một cái đền, mà nhiều người gọi là chùa Tầu. Thiếu đền Tầu, chùa Tầu thì không thể gọi là Phố Tầu.
Đương nhiên là Phố Tầu lớn hạng nhất trên thế giới như tầm cỡ Chợ Lớn phải có một cái đền, đó là Đình Minh Hương. Chữ “hương” mới đầu viết Hán tự theo nghĩa là “hương hỏa” tức “cúng kiếng”, sau viết theo nghĩa “làng” từ năm 1827. (1).
Đền này với cái tên không, cũng đủ cho thấy sự khác biệt với các đền Phố Tầu khác.
Đình chứ không phải là đền. Đình trong văn hóa Việt Nam là đơn vị quan trọng dính liền với làng.
Đình Minh Hương được dựng cho làng Minh Hương, chứ không phải cho một phố buôn bán, như những Phố Tầu mà ta thấy tại khắp nơi trên thế giới.
Người Tầu qua Chợ Lớn (Việt Nam) sinh sống không phải vì sinh kế như tại Úc, hoặc Mỹ (phong trào đổ xô kiếm vàng), hay vì lý do thương mại như tại Nhật…
Họ qua vì lý do chính trị (như họ đến Canada, Vancouver sau này, khi Hương Cảng phải trả lại cho Trung Hoa Lục Địa).
Chợ Lớn dã được xây dựng bởi những con người tỵ nạn chính trị. Minh Hương có nghĩa là những người dân Tầu đi theo những di thần-di tướng, dưới triều Minh (1368-1644), vì không chấp nhận nhà Thanh toàn chiếm nước họ (1662), nên đã phải bỏ qua Việt Nam, sau cái chết của vua Vĩnh Lịch Chu Do Lang.
Qua tới Việt Nam, bất kể nguồn gốc cố hương, Quảng Đông, Hải Nam, Triều Châu, Hẹ, hay Phước Kiến…, nói phương ngữ khác nhau, các di dân nhà Minh cũng quây quần sống chung với nhau, tổ chức thành làng xã, theo kiểu Việt Nam, và cũng xây cái đình như người Việt Nam.
Trong đình, thay vì họ thờ Phật, Thánh hay Quan Công như mọi Đền Tầu nơi khác, mà thờ Thành Hoàng, các bậc tiên hiền, hậu chủ, và các danh nhân gốc Minh Hương, như vị võ tướng Trần Thượng Xuyên, một trong những di tướng nhà Minh, sau thành doanh nhân, khai phá Cù Lao Phố.Hay một ông tướng học trò của Võ Trường Toản, mà ông nội đã có mặt trong nhóm 3000 người tỵ nạn tại Đàng Trong, tên là Trịnh Hoài Đức (1765-1825), người đã có công lớn phò tá vua Gia Long,Trịnh Hoài Đức lại là tác giả những bộ sách địa dư chí nói về vùng đất Gia Định (sáng tác bộ Gia Định Thành Thông Chí, đồng sáng tác Gia Định Tam Gia Thi).
Nhưng đặc biệt nhất là Đình Minh Hương có thờ Vị Thống Suất VN là Nguyễn Hữn Cảnh
Tóm lại, vào mùa xuân năm 1679, tức là năm mà các tướng quân thuộc lực lượng “Kháng Thanh Phục Minh” của Trịnh Thành Công (Hán tự Giản thể:郑成功, Phồn thể: 鄭成功, bính âm: Zhèng Chénggōng) trước đây, từ Trung Hoa mang 3000 di thần, di dân nhà Minh di tản trên 50-60 chiến thuyền tới các cửa tại Thuận An, Đà Nẵng xin tị nạn, thì ông phó vương Miên trấn thủ vùng Thủy Chân Lạp là Nặc Ông Nộn, đang có kinh thành tại Prei Nokor (Sài Gòn), lại là con ruột của công chúa Ngọc Vạn, và là anh em họ với Chúa Hiền (cháu gọi Sải Vương là ông nội).
Chúa Hiền liền viết thư cho Nặc Ông Nộn, yêu cầu Nặc Ông Nộn chia cấp đất cho 3000 di dân Minh Hương làm ăn sinh sống quanh vùng Prei Nokor, nhân thể trở thành lực lượng bảo vệ cho triều đình phó vương Chân Lạp lai Việt này. Phó vương Nặc Ông Nộn đồng ý.
Có lẽ, Chúa Hiền lúc đó đang ngần ngại về việc phải đưa quân đi xa mang tiếng. “Ngặt cái, nếu không đỡ đần người anh em họ, thì chắc Nặc Ông Nộn sẽ khó mà trụ lâu.
Nay nhân gặp chuyện khó xử, chuyển xui thành hên, phân nhóm 3000 người tỵ nạn ra làm hai, cho họ tới khai khẩn đất, tự sống, không tốn tiền ai cả”.
Hơn nữa, với võ công đã có, hai nhóm người này dư sức tự bảo vệ, và bảo vệ cho cả triều đình phó vương Nặc Ông Nộn.
Nhưng, Chúa Hiền cũng ngại, nếu cho họp hết 3000 người vào một nơi, họ có thể tạo thành thế lực lớn, gây nguy hiểm cho phó vương.Do đó, giải pháp tốt đẹp nhất là phân ra làm hai nhóm, cho người hướng dẫn đưa họ tới hai miền đã có người Việt sinh sống, hơi xa khu triều đình tại Prei Nokor, tránh được nguy cơ chính trị, nhưng lại là hai cửa chắn tầm mức chiến lược quân sự quan trọng để bảo vệ Đàng Thổ.
Còn những toan tính “xâm thực” dần dần, có thể có hay không, trong lòng Chúa Hiền, và các đại quan người Việt…, lại là một chuyện khác, thật khó có bằng cớ để luận bàn những “toan tính lịch sử”.
Như vậy, coi như đã sáng tỏ việc tại sao, viên cựu tổng binh nhà Minh ở thành Long Môn, Quảng Tây, Dương Ngạn Địch (楊彥迪,-1688), đã được phép triều đình Huế đem thuyền chở người đến vùng đất Peam Mesar (Mỹ Tho) tiến vào cửa Lồi Lạp, theo cửa Đại, cửa Tiểu, qua Xoài Rạp để khai khẩn, sinh sống. và viên cựu tổng binh ba châu Cao, Lôi, Liêm, Quảng Đông, Trần Thượng Xuyên ((陳上川, 1655–1720)) đem thuyền chở người vào cửa Cần Giờ, đến ở vùng Kâmpéâp Srêkatrey (Biên Hòa) định cư tại Bàn Lân.
Ba ngàn người Minh Hương, coi như những người “Việt vừa nhập tịch”, đã được triều đình Chân Lạp, đại diện là một vị Phó Vương, đầu tiên chính thức cấp đất, làm chủ tại Miền Nam.
Khác với đoàn thuyền của cựu tổng binh Zhèng Chénggong (hay Yang Andi hay Dương Ngạn Địch) đi tới một nơi không có đồn lũy của nhà Nguyễn được ghi rõ lại trong sử (dù rằng người Việt đã tới sinh sống tại đây từ trước, do đó triều đình Huế mới chỉ định chỗ đến).
Đoàn thuyền của cựu tổng binh Chen Shang Chuan (Trần Thượng Xuyên) đi qua cửa Cần Giờ, vào đến Bến Nghé, không thể nào không tiếp xúc với người Việt đang sinh sống ở đó, nơi có hai cơ sở hành chánh là hai trạm thu thuế đã được Chúa Sải lập từ năm 1623, một ở Bến Nghé
(Quận I vào năm 2012, hồi đó có tên là Kas Krabei, sau là Bến Nghé), và một ở Phiên Trấn (Quận 5 vào năm 2012 hồi đó có tên là Prei Nokor, sau là Sài Gòn rồi Chợ Lớn).
Người Việt sống tại đây được một đồn dinh bảo vệ, được lập cùng năm, tên là đồn binh Tân Mỹ, gần chợ Thái Bình ngày nay.
. Khu vực giữa Kas Krobei và Prei Nokor là nơi các thương nhân Việt Nam sinh sống, khi họ đi làm ăn với các nước Xiêm, Chân Lạp…
Mười chín năm sau đó, tức vào năm 1698, ngay tại vùng Phiên Trấn này, đã thấy hình thành làng Minh Hương đầu tiên tại Việt Nam. Đến đây, ta có thể đặt ra câu hỏi: “Tại sao làng Minh Hương đầu tiên không được thành lập tại Cù Lao Phố (Biên Hòa), một nơi cưc kỳ phồn hoa đô hội, hay vùng Mỹ Tho là nơi dân Minh Hương đang canh tác, và phát triển nông- công-ngư nghiệp ?”.


Câu trả lời có thể, đây là đầu cầu liên lạc chính thức giữa những người Minh Hương và người Việt.
Đó là nơi mà người Minh Hương đã gặp quan Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700) vào Nam lập phủ Gia Định (1698), xác nhận quyền sở hữu chính trị của người Việt, để xin thành lập làng Minh Hương ngay trên vùng lãnh thổ mới khai sinh.
Những nhân vật đại diện người Minh Hương tại đây phải là những người cự phách, được sự tin cẩn của mọi bang hội người Minh Hương, không những từ trong trăm lúc trước& ( theo Gia Định thành thông chí)
Những người Minh Hương còn sống sót bồng bế nhau lánh nạn về Bến Nghé, và Phiên Trấn.
Họ hợp với nhóm người Hoa Kiều tỵ nạn họa Tây Sơn từ Mỹ Tho, và những vùng khác, thành đợt di cư lớn năm 1788, tới vùng mà sau này gọi là Chợ Lớn (trước 30/04/1975; quận 5, quận 6 sau 1975).
Họ lập chợ, biến vùng này thành trung tâm thương mại lớn nhất Miền Nam sau này, khi Cù Lao Phố tàn tạ, còn Mỹ Tho dần bị Việt hóa, dù nền sản xuất nông - ngư sản và kinh doanh hàng hóa địa phương ở thời điểm đó đã có những bước phát triển ngoạn mục, đặc biệt là ngành buôn bán, giao thông đường thủy.
Người Việt đánh nhau là một chuyện, việc mua bán với nước ngoài, và bên trong nước vẫn tiếp diễn.
Về chuyện Chợ Quách Đàm( theo lời kể Vương Hồng Sển ) ngày 12-4-1961, ông Bác sĩ Diên Hương, về ẩn trên Đà Lạt (nay đã từ trần), có viết cho tác giả một bức thơ, nay xin đăng nguyên văn để công lãm: "
... Lúc đó Chánh Tham Biện Chợ Lớn thấy Chợ Cũ (ở chỗ nền nhà Bưu Điện Chợ Lớn hiện thời) nhỏ hẹp, không đủ cho bạn hàng nhóm chợ, và cũng muốn mở mang châu thành, mới kiếm đất xa Chợ Cũ cất một cái chợ mới cho rộng cho lớn.
Ông biết có một ông điền chủ ở châu thành, người Việt Nam dân Pháp, có đất rộng lớn, mới mời đến hỏi mua.
Ông điền chủ nầy không thấy rộng nghe xa, tưởng là gặp cơ hội, liền ưng thuận mà với một giá mắc quá tưởng tượng.
Ông Quách Đàm nghe chuyện đó, liền cho người đến dâng một miếng đất rộng hơn (chỗ chợ ngày nay) không đòi tiền, chỉ đòi được phép cất phố và sập chung quanh chợ, để sau này cho mướn... ông Chánh lẽ tất nhiên chịu liền..."


Chợ Bình Tây được khởi công từ năm 1928 và hoàn thành năm 1930, do ông Quách Đàm - quê quán ở Triều Châu, Trung Quốc - bỏ tiền xây dựng.
Chợ được xây cất bằng xi-măng cốt thép theo kỹ thuật phương Tây nhưng lại mang đậm nét kiến trúc Trung Quốc.
Tháp giữa vươn cao có 4 mặt đồng hồ, có “lưỡng long chầu châu”, 4 góc có 4 chòi nhỏ, toàn bộ mái chợ lợp bằng ngói âm dương theo kiểu chồng lớp để tạo sự thông thoáng. Riêng mái ở các góc có nét uốn lượn theo kiểu chùa chiền phương Đông.
Chính giữa chợ có khoảng sân trời rộng rãi, thoáng mát.
Tại đây ông Quách Đàm cho đặt một bệ đá ghi ngày xây chợ cùng bức tượng đồng đen của mình.
Bốn xung quanh bệ đá có 4 con sư tử ngậm châu và 4 con rồng (đều bằng đồng) đang phun nước, hai phía có hồ nước nuôi cá, thả sen…
Lúc sinh thời ông là một doanh nhân làm ăn phát đạt.
Ông đã từng được chính phủ Pháp tặng Bắc đẩu bội tinh vì đã mua đứt một nhà máy đường của Pháp đang làm ăn thua lỗ.Chợ hoạt động suốt từ 2 - 3 giờ sáng đến 9-10 giờ đêm..

             Bùi Thụy Đào Nguyên, tổng hợp tư liệu .
             Diên Hương+Vương Hồng Sển