Trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2012

Các bạn còn nhớ gì Ðàlạt không ?


Tự nhiên, khi nghe nhạc Lê Uyên Phương, tôi lại nhớ về Đà lạt. Thành phố ấy, những giấc mơ thanh xuân, những ước vọng tuổi trẻ.
 Tôi tưởng tượng như khi mình đang sống giữa thành phố sương mù.
 Con đường rào rạt tiếng thông reo của những bình minh vừa ửng hồng.
 Giữa cái trong veo của thiên nhiên, thấy lòng trải ra những kỷ niệm. Xuống con dốc, qua chợ Hòa Bình, đến thung lũng thấp hơn, khu Hồ Xuân Hương, bến xe. Leo lên con dốc nữa, Nhà thờ Con Gà. Những cảnh gợi nhớ đến người, có lẽ hoài hoài trong trí nhớ…
Thành phố ấy, là nơi Lê Uyên Phương viết những bản nhạc đều tiên” Khi loài thú xa nhau”. Lúc tuổi trẻ, nhạc có nét hoang sơ của những lũng vắng, của mùi mật cỏ, của vị da thịt người tình.

 Bằng âm nhạc, bằng ngôn ngữ, là những bước chân khám phá giây phút linh thiêng lạ lùng của bà Evà cắn miếng táo cấm đầu tiên. Nhiều người phê phán sự ví von. Tại sao lại hạ thấp vị trí của con người như vậy. 

Nhưng phần đông, nhất là giới trẻ, lại ưa thích nồng nhiệt những bài hát mang cái tâm tư khắc khoải cùng những ước vọng, những đam mê rất thường, rất người.
 Những bài hát có một lúc đã thành một hiện tượng âm nhạc… Nghe nhạc Lê Uyên Phương, những lúc buồn hay những khi vui, vẫn là một nhịp của trái tim hối hả. Tình yêu, khó mường tượng.
 Có lúc, là mượt mà da thịt của người nữ, gợi cảm, mời gọi.
 Nó gợi nhớ đến những giọt mồ hôi lóng lánh trên làn da mướt lông măng. 
Nhưng, cũng có lúc, là những cánh chim đơn lẻ chíu chít trên con phố sương mù, của bâng khuâng thoảng đến trong tâm thức.
 Khi yêu nhau, bóng với hình lẫn lộn, thực lẫn mộng chỉ có tấc gang và bất hạnh cùng hạnh phúc kề cận nhau trong niềm nhòa nhạt của cuộc sống.
 Nghe nhạc Lê Uyên Phương, trái tim trẻ hoài, trẻ mãi… Khi tuổi đã lớn, ngẫm nghĩ từ ca từ, lắng nghe từng nốt nhạc, vẫn tìm thấy nhiều điều kỳ thú, mới lạ. Nhịp đập trái tim có khác với suy tư của lý trí? 
Hay xúc cảm có nhiều ngã rẽ, nhiều bước ngoặt. Từ trước, có nhiều người tìm hiểu và định nghĩa tình yêu. Và, hình như, đều có chung những kết luận không đầy đủ. Một sự bất lực của lý trí để giải nghĩa cho cảm xúc của con tim.
 Cách nay hơn ba chục năm, năm 1973 ở Đà lạt, Lê Uyên Phương đã viết những lời nhạc trong “Cất Tiếng Hát Giữa Đời” : “Hãy thử hỏi lại, ta còn lại gì
Trong trí nhớ nhỏ nhoi
Là một bầu trời xanh
Là mối tình lành
Hay nhẹ nhàng nuối tiếc
Hãy thử hỏi lại
Ta còn lại gì
Trong trí nhớ nhỏ nhoi
Là cơn mưa đầu mùa 


Là câu hát vu vơ Trong tập nhạc thưở ấy, “Con người, Một sinh vật nhân tạo”, nhạc sĩ đặt nhiều câu hỏi. Tùy mỗi người, câu trả lời sẽ dễ dàng hay khó khăn theo từng cá nhân cảm nhận.
 Với mọi người, câu trả lời đi gần với lý lẽ tự nhiên, kiểu như “cuộc đời nó như thế, như vậy”.
  Nhưng, nếu ở người mà xúc cảm căng lên cao độ, như nhạc sĩ Lê Uyên Phương mà những nốt nhạc thăng hoa thành cao ngất cảm giác, thì khác.
 Bầu trời xanh, cơn mưa đầu mùa, những lời ngỏ của bài hát tình, những câu đối thoại vu vơ ngơ ngẩn, những chiều mưa một mình con dốc,… tất cả thành khuôn cửa mở ra một lãnh thổ của tưởng tượng.
 Ở đó, ngôn ngữ văn chương và cung bậc âm nhạc giao hòa, tưởng như ngàn xa vọng về. 
 Hạt mưa, sợi nắng, chiếc lá, ngọn gió,… không đơn thuần là vật chất, mà, còn là tượng hình của cảm giác nào xa xôi lắm nhưng lại thân gần.
 Như hạt mưa, không chỉ là thuần túy hạt nước rơi xuống từ trời cao, mà, nó gợi lại những nhịp điệu của âm vọng tiếng mưa trên mái tôn thuở thơ ấu nào.
 Hay giọt nắng, không phải chỉ là mầu vàng phai lóng lánh, mà còn gợi nhớ đến buổi sáng nào dìu em trên ngọn dốc, nghe mùi nhựa thông thoang thoảng giữa đất trời…
 Lê Uyên Phương đã viết về ngày xưa, lúc anh vừa viết những bản tình ca cho tuổi trẻ muôn năm. Không phải là không khí của những phòng trà thời thượng nồng nặc mùi khói thuốc của những trang sách hiện sinh vẽ ra. 
Mà, lúc ấy, còn có bóng dáng của chiến tranh, của những nỗi niềm tuổi trẻ.
 (”Nhạc trẻ”, tôi vẫn không thích cái từ ngữ gộp chung cho các loại nhạc thật sự cho tuổi trẻ mà giành riêng cho những bài hát lai căng hát để phục vụ cho nhu cầu đầu tiên của các sân khấu dành cho quân nhân ngoại quốc phục vụ ở Việt Nam ?…) Viết về Đà Lạt, nhạc sĩ như người trở về thánh địa xưa của mình, của hồi ức mang mang, của những phút giây chẳng thể nào quên được: ...
 Không thể nào quên được những đêm thật tuyệt vời của Đà Lạt vào những năm của thập niên 60. chúng tôi, như phần đông những người trẻ lúc đó, thường hay la cà khắp các quán cà phê ở Đà Lạt, nhất là cà phê Tùng gần chợ Hòa Bình.

Cái phòng vuông vức với những hàng ghế liền bọc plastic đỏ, những chiếc bàn thật thấp, trên tường có một bức tranh lớn vẽ một người chơi guitar theo lối nửa lập thể, nửa ấn tượng, và cái không gian đầy khói thuốc trộn lẫn với âm nhạc nhẹ phát ra từ chiếc loa không lớn lắm đặt trên cao, tất cả đã trở thành một thứ ma túy đối với chúng tôi…   … Một bài hát mà lúc bấy giờ chúng tôi ai cũng ưa thích, bài “J’ Entend Soufflet le Train”, tôi không nhớ ai đã hát bài hát đó, nhưng cái âm hưởng vừa gần gũi vừa xa vắng của bài hát – như một tiếng còi tàu- đã thể hiện đúng tâm trạng của chúng tôi lúc bấy giờ.
 Phải chăng trong sự thôi thúc của đời sống, trái tim ta đôi lúc cũng bắt gặp được cái nhịp đập bất thường rất kỳ diệu của cuộc đời và trong mỗi khối óc của chúng ta, một số những tế bào não bộ đã hiểu biết được đôi điều về cái đẹp vô cùng của sự não nề trong kiếp sống. 
Trong cái bấp bênh của cuộc sống lúc bấy giờ và trong cái xao xuyến không cùng của trí óc, âm nhạc đã tự nhiên có sức quyến rũ đặc biệt đối với chúng tôi. 
Không có thời kỳ nào mà âm nhạc lại đóng vai trò tuyệt vời đến như thế, nó thâm nhập vào con tim chúng ta và biến mọi lo âu của cuộc đời thành một niềm hoan lạc mới 
… Hãy ngồi xuống đây vai kề sát vai
Cho da thịt này đốt cháy thương đau
Cho cơn buồn này rót nóng truy hoan
Cho thiên đường này
Đốt cháy trong cơn chia phôi
Chia phôi tràn trề
Hãy ngồi xuống đây bên con vực này
Ngó xuống thương đau..” .

 Những quán cà phê lúc bấy giờ đã thực sự trở thành cái nhà của chúng tôi, ngoài giờ đi làm, đi học ra, quán cà phê là nơi chúng tôi thường xuyên có mặt, bất kể ngày đêm, ở đó chúng tôi có thể tìm gặp những người hiểu được mình và có thể thổ lộ mọi điều riêng tư mà 
 Bây giờ, tôi đang nằm nghe nhạc Lê Uyên Phương. Một người bạn, rất yêu nhạc của anh đã thu tất cả những bản nhạc anh thành một bộ tặng tôi. 

Nghe nhạc một mình cũng có cái thú nhất là vào những ngày lạnh chớm đông như hôm nay. Trong căn nhà vắng lặng, qua cửa kính nhìn thấy trời và biển, dõi những con chim chao lượn, thấy nhạc và lời như có ý vị hơn. Con tim như có khi xao xuyến. Một thưở nào, như sống lại, thoảng khi… Tự nhiên, nhớ lại lúc còn trẻ, lúc mà các quán cà phê hầu như ở toàn miền Nam đều mở nhạc Lê Uyên Phương. Những năm của thập niên 70.
 Những tối mưa dầm ở Pleiku, tôi đã nghe “Khi loài thú xa nhau”, đã nghe “Yêu nhau khi còn thơ”. Mưa sùi sụt nỉ non làm ẩm ướt cả ngày cái phố núi lạnh căm. Cả bọn ghé vào quán cà phê. Thật kỳ lạ, dường như nhạc của Phương phải để cho Lê Uyên hát. 
Giọng hát hơi khàn có pha ma túy của mê đắm tình yêu, khiến sự giao cảm thành giác quan rung động.
 Những nốt láy, những dấu nhấn, những lên cao và xuống thấp thành òa vỡ cảm nhận đến độ rợn người lúc ấy. Bên ngoài trời mưa, gió ào ào qua khuôn cửa, ngồi chung với mấy đứa bạn, thấy cuộc sống như có chút gì tạm bợ, chút gì bâng khuâng. 
Ngày mai, có đứa ở trại Biệt Động Quân Biên Phòng phải trở về đơn vị vào trong tôi ngủ nhờ. 
Nó vừa cười vừa hỏi “Đêm nay có mục gì không? Hay là gọi một em cho vui … ”.
 Câu thơ Nguyễn Bắc Sơn lại trở về với tôi trong trí nhớ. Lúc ấy, thời buổi chiến tranh, nào biết được đứa nào còn đứa nào mất.
 Chuyện hiện tại, chỉ biết được đến ngày hôm nay. Đời sống ngắn ngủi nên tình yêu cũng vội vàng.
 Nghe nhạc L.U.P, như nghe một thông điệp nào mà mọi người đồng vọng. Cất tiếng hát, dù chỉ trong một sát na, mà, sao vang vọng vô tận muôn năm.
 Bài “Cất tiếng hát giữa đời”: “Tôi đang làm một con chim giữa đời
cất tiếng hát để đánh thức bình minh
những tiếng hát ngắn một giây đồng hồ
nhưng dài bằng thế kỷ
Tôi đang làm một con chim giữa đời
Cất tiếng hát để đánh thức con tim
Những tiếng hát ngắn một giây đồng hồ
Nhưng cả bằng cả cuộc đời.”

Ngồi trong quán, đếm những hạt mưa, nhìn thời gian nhẹ rớt trong phin cà phê đen, nghe lời nhạc thì thầm, bạn bè dăm ba đứa thú vị và cảm khái nào hơn.

 Mãi sau này, làm sao tìm lại được những giây phút bốc đồng bất cần đời ấy được. Tuổi thanh xuân, nhìn đời thẳng tắp, không khuất khúc.
 Tâm ý lúc nào cũng trong veo chân thật dù buồn hay vui. Tình yêu, thì, như đốt lửa bằng nhiệt huyết tuổi trẻ. Ngày mai, có khi chỉ là một chuỗi cười dài vô tư. Y hệt như bài hát “Dạ Khúc cho Tình nhân” “Ngày em thắp sao trời
chờ trăng gió lên khơi
mà mưa bão tơi bời
một ngày mưa bão không rời
trên đôi môi thanh xuân
ướp hôn nồng trên gối đắm say

.............



Nghe nhạc LUP, sao nhớ lại ngày tuổi trẻ đầy mơ mộng. Lãng mạn của tầm mắt làm rộn rã nhịp đập của trái tim.
  Người nhạc sĩ, hơn ai hết là người làm mơ mộng thăng hoa, làm người thắp sao trời, đem tinh tú trang trí cho bầu trời đêm, như ánh trăng làm mượt làn da, làm huyền chân tóc.
 LUP đã viết về những giấc mơ của mình trong ”Không có mây trên thành phố Los Angeles”: “… Tôi đã mơ đến một chân trời mở ra bất tận, tôi đã mơ đến những hải đảo, đến những dòng sông, đến những thành phố lạ tràn ngập ánh đèn, tôi đã mơ đến những bài hát sẽ được bay xa, bay xa mãi. 

Tôi đã mơ đến những nụ cười thân ái không xen lẫn một chút nghi kỵ sợ hãi nào ; tôi đã mơ đến một tình người thật ấm áp không pha trộn những tranh chấp hèn mọn nào của cuộc sống; tôi đã mơ đến một cuộc sống không bị khô héo vì những độc dược của chủ nghĩa, vì những đeo đuổi mỏi mòn theo cơm áo.
 Chúng tôi đã mơ, đã mơ... Chúng tôi đã hát, đã hát… những điều gì đang vọng lại từ những ốc đảo chơ vơ, giữa một sa mạc mênh mông, giữa một biển cả không đâu là bờ bến? Một sự thờ ơ, một niềm im lặng. Chúng ta đã thật quá bé nhỏ giữa cái thế giới rộng lớn này.
 Chúng ta lại càng bé nhỏ hơn giữa dòng thời gian tạo nên lịch sử nhân loại…” 
Lúc sau này, ngoài những tập nhạc đã hoàn thành như “Yêu nhau khi còn thơ”, ”Khi loài thú xa nhau”, “Uyên ương trong lồng”, “Bầu trời vẫn còn xanh”, “Con người, một sinh vật nhân tạo”, “Biển, kẻ phán xét cuối cùng”, “Trái tim kẻ lạ”, ‘Lục diệp tố”, anh còn phổ nhạc nhiều bài thơ của các thi sĩ đương thời như Nguyễn xuân Thiệp, Phạm Công Thiện, Thái Tú Hạp, Kim Tuấn, Hoàng Khởi Phong, Huy Tưởng … 

Đến lúc nhắm mắt lìa đời, dường như LUP vẫn còn mải mê với nhiều cơn mộng. 
Dù một thời kỳ đã qua, một đời người đã xong, nhưng vẫn còn đó những bài hát, còn đó những phím đàn. Vẫn còn những ca khúc cất lên trong sôi nổi hào hứng của tuổi trẻ. Như khi tóc còn mướt xanh và mắt còn biếc thắm. 
Anh Lộc, bây giờ chắc anh gần gũi lắm với suối nhạc của Bach, của Strauss, của Schuberg, của Beethoven,…
 Có khi nào anh trở về, ngồi lại và ghé thăm ngọn đồi thấp gần trường tiểu học thị xã “trước mặt là con đường dốc dẫn xuống Hồ Xuân Hương, dọc hai bên đường những cây mai hồng đang nở rộ, trông như những khóm bông gòn màu hồng nhạt lúc nào cũng tưởng chừng như sắp rời ra từng mảnh nhỏ dưới cơn gió chiều hiu hiu của Đà Lạt..”?

                                 Nguyễn Mạnh Trinh 

                    @ dòng nhạc tình Lê Uyên Phương càng nghe càng thấm bởi những ca từ hay và đẹp ,trữ tình , tks t/g Nguyễn Mạnh Trinh

Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2012

Thái Thanh -Tiếng Hát Vượt Thời Gian



Người ta nói nhiều đến sự nhạy cảm của phụ nữ, đến một thứ giác quan nào đó ngoại tầm nam giới.
Những người đàn bà phi thường như Callas, Piaf, Thái Thanh,... đã tận dụng đến cùng cảm quan bén nhạy của mình để sai khiến, xao động, chuyển hóa ngôn ngữ, âm thanh của bài hát thành nội cảm cầm ca, cấu tạo nên một vũ trụ thứ hai, đắm đuối, cuồng say, trong lòng người:
Trời trong em, đồi choáng váng
Rồi run lên cùng gió bốn miền
Câu này, trái với vài truyền thuyết, không nhắm vào một danh ca nào nhất định, chỉ gợi lên không khí các phòng trà ca nhạc Sàigòn khoảng 1960.
Nhưng tiếng hát lên trời là một hình ảnh có lẽ hợp với giọng ca Thái Thanh nhất, giữa những tiếng hát thời qua và thời na...Trong một buổi tối thứ Bảy cuối năm 1996, Thái Thanh kỷ niệm 50 năm trình diễn âm nhạc, cô đã để lộ tài năng “tung hứng” các con trước khán giả trong buổi trình diễn của toàn thể gia đình cô tại rạp Ritz.

Con người luôn luôn sống với những chùm ánh sáng của danh vọng sân khấu đó đã thể hiện những khôn khéo của một “bà bầu” trong con người hiền mẫu.

 Thái Thanh đã làm nhiều khán thính giả trung thành của cô phải ngạc nhiên khi cô giới thiệu một cách khéo léo các tiết mục trình diễn của Ý Lan, Quỳnh Hương và Lê Đại trong đêm đó.Lập gia đình với tài tử điện ảnh Lê Quỳnh (vai chính trong phim Chúng Tôi Muốn Sống) năm 1956, Thái Thanh liên tiếp “sản xuất” 5 người con: 3 gái, 2 trai.
Đó là: Ý Lan sanh năm 1957, Lê Việt 1958, Quỳnh Dao tức Quỳnh Hương 1960, Thanh Loan 1962 và Lê Đại 1964.
Cậu út Lê Đại nhiều lần “chê” mẹ là sanh đẻ nhiều quá, “y như gái Tầu” vậy. Lê Đại cũng là người kém may mắn nhất trong 5 chị em:
Khi ra đời khỏe mạnh, nhưng Lê Đại bị bệnh sốt tê liệt (Polyo) cấp tính từ lúc 8 tháng.
Tuy sống sót nhưng Lê Đại bị liệt nửa thân dưới, xương sống cũng bị sụm.
Năm 4 tuổi, chú bé được tổ chức Terre Des Hommes mang qua nước Ý chữa trị 3 năm liền và năm 1971,
Đại trở về Việt Nam (7 tuổi), em bắt đầu học vần quốc ngữ với mẹ và các anh chị tại nhà.
Sau tháng 4/1975, tuy bị kẹt lại Saigon nhưng bà mẹ Thái Thanh cũng tìm đường đưa được Lê Đại và Quỳnh Hương qua Pháp ( 1980).

 Sau đó hai chị em được bố bảo lãnh sang Hoa Kỳ ..
Năm 1985, Thái Thanh rời Saigon qua tới California. Mười năm im lặng không hề cất tiếng hát trước công chúng, cô lại bắt đầu tập dượt và trình diễn trên sân khấu khắp nơi trên thế giới.Đồng thời, cô đảm đương trách nhiệm làm mẹ với rất nhiều nghị lực. 

Thái Thanh tập lái xe dù cô không thích chút nào, nhưng “phải tập ngay để có thể hàng ngày đưa đón Lê Đại đi học”.
Sự kiên trì và nhẫn nại của bà mẹ Thái Thanh đã giúp Lê Đại (nay là Michael Đại Lê) tự tin hơn, yêu đời hơn và em tốt nghiệp Bachelor tại UC. Long Beach.
Ngày nay, Lê Đại đang đi làm Webmaster trong một phân bộ về giáo dục và nghiên cứu của đại học UCI Long Beach
Cậu đi làm bằng xe bus, mỗi cuối tuần bà mẹ Thái Thanh đều tới thăm nom, mang thêm vài món ăn Việt Nam bà nấu “theo order” cho cậu út.

Ắt hẳn trái tim của bà mẹ Thái Thanh đã nhiều lần rướm máu khi cất tiếng hát lên những lời nhạc trái hẳn với sự thực phũ phàng của khúc đời cực nhọc mà cô phải hứng chịu trong thời gian Lê Đại mới bị tê liệt: 
“Ru con rằng đời muôn lối
Cho mây kết hợp rồi tan
Thân con là trời cao với
Tim con là cõi địa đàng.....”

Cũng như khi cô bé Thanh Loan sang tới Hoa Kỳ (1985), bắt đầu bị bệnh phiền muộn (depression) nặng hơn, Thái Thanh một lần nữa lại khổ đau cùng cực trước số phận khắt khe.
Trong thời gian tìm hiểu về bệnh trạng của Thanh Loan, biết con không học hành bình thường như các anh chị em được, cô đã cố gắng dìu dắt con gái, cùng đi làm những việc thiện nguyện, mong con tìm được niềm vui sống..
.Nhưng bệnh tình Thanh Loan cứ nặng dần, sau cùng Thái Thanh đành phải nghe lời bác sĩ và các bạn đồng cảnh ngộ, đưa con vào một bệnh viện chữa trị.
Nhưng cô vẫn kiên trì phấn đấu với phương tiện và hoàn cảnh của mình để giúp đỡ con yêu và một lần nữa Thái Thanh đã thắng được định mệnh: 

Sau hơn mười năm chữa trị, Thanh Loan ngày nay đang tập trở lại sống bình thường trong xã hội. Cô bé đã có bằng về cắm hoa và rất mong muốn sống tự lập được sau khi đi làm.
Yếu tố thành công của Thái Thanh
Ở địa vị “tiếng hát vượt thời gian”, Thái Thanh suốt mấy chục năm qua đã sinh hoạt với một thứ kỷ luật nghiêm ngặt trong công việc.

 Vai trò làm mẹ của hai con bị bệnh nặng cũng lại đòi hỏi ở Thái Thanh một thứ nghị lực bằng “thép cứng” cùng sự kiên trì lớn lao.
Với hoàn cảnh như vậy, những đức tính phi thường nơi người mẹ được tôi luyện hàng ngày trong Thái Thanh.
Phạm Duy cho là bà mẹ và người vợ của ông (là Thái Hằng) đã cho ông cảm hứng để sáng tác ra trường ca bất hủ Mẹ Việt Nam.
Nhưng nhiều người cũng thấy sự hiện diện rất rõ nét của Thái Thanh trong đó.
Những khó khăn đau khổ cũng như những thành công tốt đẹp trong đời sống Thái Thanh có lẽ đã được thể hiện trong một số lời hát của turờng ca Mẹ Việt Nam như:
“Đêm qua chớp bể mưa nguồn
Để người trong nước hết buồn lại vui
Vui buồn chút lệ rơi
Vui buồn khóc lại cười
Mẹ cười mẹ bốc thành hơi

Mây từ biển lớn lên ngôi trời 

Trước giờ hạ huyệt hồi tháng 8/1999 , Thái Hằng đã được các con và Thái Thanh, Mai Hương hát tiễn đưa bằng bài Mẹ Trùng Dương:
“Sóng vỗ miên man như câu ru êm của mẹ dịu dàng
Nước biếc mênh mông như đôi tay ôm của mẹ trùng dương...”
Tấm lòng người mẹ nào cũng lớn như trời biển. Mẹ nào mà không dùng hết cả tâm hồn và thể lực của mình để ôm lấy các con...


. Càng gặp nhiều ngang trái, lòng mẹ lại càng mênh mông. Bà mẹ Thái Thanh “khi còn là thiếu phụ - thơm như nhành ngọc lan”, nàng yêu con hết mực và yêu hết mọi người: “trên đỉnh mùa xuân mẹ ta, yêu cả rừng hoa lá” (của Phạm Thiên Thư).
Bà mẹ Thái Thanh cũng như bất kỳ bà mẹ nào, đã có bao ước mơ đẹp đẽ về các con, như Phạm Thiên Thư đã diễn tả trong một bài thơ (Phạm Duy phổ nhạc), mà chính cô đã hát lên nhiều lần, làm cho bản nhạc trở thành bất tử.
Nhiều bà mẹ trẻ Việt Nam thời đó đã ru con đầu lòng bằng bài ca này, thay cho những câu “ví dầu, ầu ơ...”:

“Ru con bằng bài ca mới
Cho con mến nhạc và thơ
Ru con còn nhờ mây gió
Tim con chẳng có vực bờ....”

Tuy không bị khổ đau nhiều như những bà mẹ mất con trên biển cả vì sóng dữ hay vì hải tặc, nhưng lòng thương con của Thái Thanh cũng chẳng khác gì các bà mẹ hiền của thế gian. Khán thính giả hầu như rất ít người biết rằng trong đời sống thường nhật, ngoài việc tập dượt và trình diễn


                                  
Thái Thanh danh ca vẫn làm tất cả mọi việc của một bà mẹ Việt Nam bình thường: đi chợ, nấu ăn khi thiếu người giúp việc, chăm sóc từ manh quần tấm áo cho các con tới chuyện kiểm bài vở, dạy con học...
Sống xa Lê Quỳnh từ năm 1965, Thái Thanh một mình đóng trọn vai trò vừa là mẹ vừa thay cha trong việc nuôi dạy con cái.Khi dịu dàng, lúc nghiêm khắc, cô mong các con cô có được căn bản vững chắc về văn hóa và đạo đức, để mai sau trở nên những Con Người có thể viết hoa.
Dù các con cô đều có giọng ca thiên phú, nhất là Ý Lan và Quỳnh Hương, nhưng khi trẻ còn nhỏ, Thái Thanh nhất quyết không cho con bước vào nghề ca hát.
Trong một lúc tâm tình với nhà báo từ năm 1974, Thái Thanh nói: “Cái nghề ca hát này không dễ dàng.
Dù ở địa vị số một cũng có rất nhiều khó khăn phải đương đầu, nên tôi không muốn các con tôi theo chân mình.”
Nhưng riêng cô thì không bao giờ Thái Thanh chán ca hát. Có thể nói Thái Thanh “sống” một cách mãnh liệt nhất là khi cô hát:
“Dù cho đang bối rối vì chuyện gì chăng nữa thì khi nghe tiếng đàn dạo lên mở đầu bài hát là Thái thanh “nhập” liền, tất cả mờ nhạt hết, chỉ còn nét nhạc và lời ca là đang Sống trong con người mình.”

   Nghe và nhìn Thái Thanh hát với ngọn lửa nồng nàn trong con tim cô, khán giả hiểu được điều này, và những người yêu cô thông cảm được, chấp nhận được vì sao có khi cô “lắc lư” nhiều quá trong một số bài bản....
Thái Thanh giữ địa vị của một đệ nhất danh ca trong nhiều năm, kể cả thời gian 5 con còn nhỏ.
Chính tinh thần tự kỷ, có trách nhiệm và luôn luôn coi trọng nghề nghiệp đã khiến Thái Thanh đảm đương hai vai trò rất nặng nề đó một cách hoàn hảo.


Cô thường nhắc tới hình ảnh một người lực sĩ điền kinh quần áo trắng tinh khiết, cầm bó đuốc thế vận, kiên trì và đều đặn chạy đường trường, hướng về đài lễ.
Thái Thanh yêu cái hình ảnh đẹp đẽ ấy vô cùng. Người lực sĩ đó biểu hiện cho cái tâm bất biến, trong sạch, luôn luôn tiến về phía trước với sự cố gắng bền bỉ không có gì lay chuyển nổi
. Giống như cái tâm của người nghệ sĩ hướng về những cái đẹp chân chính của nghệ thuật.
Cô đã âm thầm và kiên định sống xứng đáng với vai trò làm mẹ và danh hiệu “tiếng hát vượt thời gian”.
Cô đã nhẹ nhàng luớt qua những năm tháng của rất nhiều bổn phận trong gia đình, rất nhiều phiền nhiễu trong xã hội, gây ra do sự nổi danh nghề nghiệp của cô.
Ngày nay, tuy rời xa ánh đèn sân khấu, Thái Thanh đôi khi có chút nhớ nhung, nhưng việc làm mẹ của cô đã và còn đang đem lại nhiều niềm vui lớn.


  
                 
                        Thái Thanh cho là nàng rất may mắn vì đã hỗ trợ được hai người con gặp cảnh khó khăn để họ trở nên những con người bình thường, tự lập được trong xã hội Bắc Mỹ.
Những khó khăn lùi dần vào dĩ vãng, chỉ để lại vài nét nhăn nho nhỏ trên khôn mặt vẫn rất tươi thắm của bà mẹ danh ca. Thái Thanh tự lấy làm hài lòng về những thành quả của các con, 

và ngày nay bà nội bà ngoại Thái Thanh cũng đang được hưởng tình thương và sự thành công của thế hệ thứ ba nữa.
Các con Ý Lan đều học giỏi, ba cô lớn đã xong đại học và Mai Linh, cô cháu lớn nhất của Thái Thanh,  Mai Linh cũng có cái (gene)” “mê” hát như mẹ và bà ngoại, Thái Thanh và nhạc Phạm Duy
Ngay từ những ngày đầu tiên cất tiếng hát ( 13- 14 tuổi) trong vùng hậu phương của thời toàn dân kháng chiến chống Pháp, Thái Thanh cũng đã hát nhiều nhất là nhạc của Phạm Duy.Sau khi hồi cư về Hà Nội rồi di cư vào Sài Gòn (khoảng giữa năm 1950) cùng đại gia đình,
Thái Thanh bắt đầu nổi tiếng như cồn khắp Trung Nam Bắc ,qua những sáng tác của người nhạc sĩ đa tài này, cũng là chồng của bà chị Thái Hằng.
Nhạc sĩ Phạm Duy cùng Phạm Đình Chương lập ban hợp ca Thăng Long, và Thái Thanh liên tục “lăng-xê” nhạc Phạm Duy từ 1950 cho tới 80-90.



Với giọng trong thanh, cao vút nhưng chuyên chở thật đầy đủ những rung cảm của người viết nhạc tài hoa, tiếng hát Thái Thanh đã đi vào tâm tư thính giả, khơi động những cảm xúc mãnh liệt trong tâm hồn người nghe nhạc.

Theo nhạc sĩ Phạm Duy:
“Nếu không có Thái Thanh thì nhạc Phạm Duy cũng không được hay và nổi lên được như vậy”.
Phạm Duy quan niệm một bài hát được thành công phải nhờ 3 yếu tố: nhạc sĩ viết được bài hay, người hát diễn tả được đầy đủ nét nhạc đó, và quần chúng phải biết nghe!
“Thái Thanh là giọng ca duy nhất hát nổi hai cao độ chạy dài tới 2 bát âm trong nhạc của tôi.



  Cũng như Khánh Ly làm nổi bật tên tuổi Trịnh Công Sơn, Thái Thanh đã đóng góp rất nhiều trong việc đưa nhạc Phạm Duy lên ngôi vị cao nhất Việt Nam trong các thập niên 1950, 1960, 1970 và 1980....
Cho tới nay, mỗi khi nghe những bản nhạc do Thái Thanh trình bày, nhiều người vẫn được sống lại thuở thanh xuân thơ mộng qua những bản tình ca, hoặc “sởn gai ốc” vì không khí chiến tranh của bài “Kỷ vật cho em, Màu tím hoa sim...”, ứa lệ với bài “Nước mắt rơi” ...Phạm Duy qua tiếng hát Thái Thanh đã biểu tỏ được tâm hồn phong phú và đa dạng nơi con người nghệ sĩ đó.


Hầu như viết xong bài bản nào ông cũng đều đưa cho Thái Thanh hát thử trước hết.
Với vốn liếng về ký âm và thiên khiếu thông minh, Thái Thanh chỉ cần nhìn vào nhạc chừng dăm mười phút là cô cất tiếng hát được liền.
Cô cho biết:
“Tôi thường đọc bản nhạc mới như đọc một truyện ngắn để cảm được ý tác giả trước khi thẩm âm các nốt cho đúng cao độ rồi mới hát.”

                          TrườngKỳ & T.Quyên

                              @ tks 2 t/g TK & TQ 

Câu Chuyện Về NS Châu Đình An :


Đối với một người bình thường thì câu chuyện tương tự được thuật trong bài viết này đã là một câu chuyện hấp dẫn.
Đằng này, Châu Đình An là một nhạc sĩ có tiếng thì tính cách hấp dẫn của câu chuyện lại càng tăng thêm rất nhiều.
Tất cả câu chuyện được gói ghém trong ba từ : "Tả Tơi", "Vực Thẳm", "Ánh Sáng".
Châu Đình An đã ghi lại cuộc đời mình suốt 55 năm qua bằng 3 từ đó. Không phải dưới hình thức hồi ký mà bằng âm nhạc, chứa đựng trong tập nhạc mang tựa đề "Tình Ca Châu Đình An :Tả Tơi, Vực Thẳm, Ánh Sáng" gồm 100 ca khúc chọn lọc của tác giả Đêm Chôn Dầu Vượt Biển.
Cùng một lúc, Châu Đình An cũng đã cho phát hành CD mới nhất của anh gồm 10 bài tình ca dưới tựa đề "Em Ở Lại, Sóng Trôi Đời Tôi" với chính giọng hát của mình...
Châu Đình An chào đời tại Quảng Bình năm 1950. Do những hoạt động chính trị dưới thời Đệ Nhất Cộng Hoà, thân phụ anh - người miền Trung - đã bị ám sát bởi phe đối lập khi anh mới lên 9.
Bốn năm sau, thân mẫu anh - - cũng qua đời để lại chú bé họ Châu côi cút bên cạnh bầy em 4 đứa.
Người bác anh, cũng là nạn nhân của những tranh chấp chính trị, bị lâm vào tình trạng khó khăn khi phải tìm cách mưu sinh với công việc đồng áng.
Tuy nhiên ông cũng cố gắng nuôi anh em Châu Đình An trong một hoàn cảnh rất khốn khó và cơ cực ở Cam Ranh.
Đầu óc non nớt của một cậu bé 13 tuổi đã ghi đậm tình trạng này để hàng chục năm sau vẫn nhớ rõ mồn một, như lời anh kể"... nhà bác thì nghèo, ở nhà quê làm ruộng cực lắm.
Bác có 9 người con lại phải nuôi thêm 5 anh em mồ côi của mình là 14 người. Ông bà nữa là 16
. Rồi lại thêm ông bà nội nữa là 18! Nên mỗi lần đến mùa chuối là những buồng chuối được giú vào thùng phuy gạo
. Đến khi ăn uống xong, nguyên một bầy con, bầy cháu mỗi người chỉ được 1 khoanh chuối nhỏ bằng cái lóng tay gọi là ăn tráng miệng... "
Mặc dù còn nhỏ nhưng đã sớm có ý thức tự lập,
Châu Đình An muốn cất bớt đi một gánh nặng cho gia đình người bác nên đã quyết định đi bụi đời một thời gian sau đó.
Hơn nữa quyết định đó cũng đến từ tâm hồn nghệ sĩ phóng khoáng, nơi anh.
Thế là chàng thiếu niên lãng tử khởi đầu những bước giang hồ khi mới được 14 tuổi, bỏ lại bầy em để đứt ruột ra đi.
Với một ý chí xây dựng được một cuộc sống ổn định sau này trở về lo cho tương lai những đứa em mồ côi đáng thương..
Những bước chân non nớt của Châu Đình An đi vào đời bằng những nghề vất vả nhất  : anh  bán báo và  anh đánh giầy ngoài Nha Trang
Trong một dịp tình cờ, Châu Đình An gặp một người bạn của thân phụ anh làm Trưởng Ty Y Tế Cam Ranh nên được ông nuôi cho ăn học vì biết rõ thân thế gia đình anh.
Đến năm đệ Nhị, anh được gửi lên Đà Lạt học tại trường Minh Đức.
Chính tại thành phố sương mù đầy lãng mạn này, tâm hồn nghệ sĩ của Châu Đình An đã có cơ hội phát triển để bắt đầu tham gia vào những hoạt động văn nghệ, trong thời kỳ phong trào nhạc trẻ đang phát triển mạnh. ...
Vào tháng 5 năm 1979, sau khi đã nếm mùi thất bại 5 lần.
 Chiếc tầu mong manh có Châu Đình An trên đó đã được một tầu của Tây Đức cứu và đưa vào Hồng Kông làm thủ tục định cư ở một quốc gia thứ ba, nếu không muốn cư ngụ tại Đức.
....Sau hơn 3 tháng ở trại tỵ nạn Hồng Kông, Châu Đình An đặt chân tới tiểu bang Wisconsin.
Khoảng một năm sau, bước chân tang bồng hồ hải của chàng thanh niên tên Châu Đình An, lúc đó mới ngoài 30 bắt đầu vẫy vùng, để như một bánh xe lãng tử lăn qua rất nhiều nơi trên đất Mỹ trong suốt 7 năm trời 
 
Trong thời gian này anh không hề có một công viec nao`.Nhưng rồi cũng đến lúc những bước chân giang hồ của Châu Đình An thấm mệt khi sắp sửa bước vào lớp tuổi bốn mươi sau khi tích tụ được một số sáng tác trong 7 năm trời ròng rã.
Anh đã chọn miền nắng ấm California để dừng chân. Và cũng chính tại đây cuộc sống tình cảm của anh đã có một chuyển biến lớn khi gặp "một mối tình để đưa đến một mái ấm gia đình cho đến ngày hôm nay".
Mối tình đó là Duyên Hằng. lúc đó đã gây dựng được một cơ sở thương mại vững vàng ở Hungtinton Beach.
Còn Châu đình An sau một thời gian ngắn về đây cũng đã gầy dựng được một cơ sở ấn loát có uy tín cùng một cơ sở sản xuất những sản phẩm về mỹ phẩm.
Ngoài ra anh còn sáng tác nhạc, phụ giúp phần thu thanh với Tùng Giang và làm chủ trương biên tập hay bỉnh bút cho nhiều tờ báo ở nam California vào những năm cuối thập niên 80..
Riêng về lãnh vực âm nhạc, ngay sau khi đặt chân lên Mỹ, Châu Đình An đã có nhiều hoạt động với những sáng tác và giọng hát của mình.
 

Tưởng rằng cuộc sống ở California cứ thế trôi qua với đà đi lên về phương diện sáng tác cũng như làm ăn, nhưng sau khi lập gia đình với Duyên Hằng vào năm 92, hai vợ chồng anh quyết định về Orlando sinh sống để "hồn say nắng và lòng nở hoa", được anh diễn tả trong một ca khúc của mình.
Có thể nói từ đó, Châu Đình An đi lại từ đầu trong niềm phấn khởi và sự binh` an trong tâm hồn để chú tâm vào việc sáng tác cũng như say mê theo học ngành thu thanh cho đến khi tốt nghiệp trường Fullsail vào năm 98.
 Nếu trước kia sống về tình bằng hữu, "ra khỏi nhà nhờ bạn" thì nay ":ở nhà nhờ vợ".
Châu Đình An đã tâm sự như vậy khi cho biết Duyên Hằng là người luôn khuyến khích anh đi theo những gì anh say mê, trong đó có âm nhạc và làm báo.

Do đó ngay từ khi về Orlando anh đã chủ trường nguyệt san Sài Gòn Mới. Cách đây hơn 3 năm anh lại cho ra đời một nguyệt san khác lấy tên là Văn Nghệ Thời Báo.
Về âm nhạc, sau một thời gian dài vắng tiếng, Châu Đình An đã có thêm được nhiều tự tin để quyết định tung ra một số ca khúc của anh, được đưa vào 4 CD thực hiện vào những năm 2002, 2003.
 

Cũng trong thời gian đó, vợ chồng Châu Đình An-Duyên Hằng đã trở thành những nhà tổ chức show nhiều uy tín tại những thành phố lớn ở Florida.
Sau khi đã trải qua những tình trạng tả tơi, đã vùi đầu trrong vực thẳm, thời gian sau này trong cuộc đời Châu Đình An là thời gian anh đã ngoi lên tới vùng ánh sáng với những thành công đáng kể.

 
 

Châu Đình An đã rất thành thật khi tâm sự chính nhờ ở những khó khăn, nhọc nhằn anh đã trải qua trong thời niên thiếu mà anh đã cố gắng vươn lên để thấy được ánh sáng của cuộc đời
Hiện được coi là một người thành công, với một cuộc sống ổn định, nhưng Châu Đình An không bao giờ quên đươc Ơn Trên cũng như tin tưởng nơi sự phù hộ của song thân, đã vĩnh viễn ra đi khi anh còn là một cậu bé con.
Tuy Châu Đình An đã mãn nguyện về cuộc sống hiện tại với những tả tơi đã được vá lại, với một vực thẳm chỉ còn trong quá khứ.

Nhưng anh cho rằng không có điều mãn nguyện nào bằng tập nhạc anh mới phát hành, trong đó là những mảnh đời thật của anh được diễn tả bằng những dòng nhạc trải dài qua nhiều năm tháng để có thể nói âm nhạc là cuộc đời anh, đã theo anh từ hố sâu tăm tối đến ánh sáng chói loà..
-Và Châu Đình An
.....cho biết nếu anh có thu được lợi nhuận từ tập nhạc và CD mới phát hành, anh sẽ dùng vào những công tác từ thiện đối với những trẻ em mồ côi, mang một thân phận như anh nhưng không được may mắn...
Câu chuyện về Châu Đình An quả là thú vị và hấp dẫn. Chắc bạn đọc cũng mang cùng nhận xét như vậy?

Trường Kỳ
**********************
 @@ Ngồi nhớ lại đêm ra mắt CD nhạc của anh Châu Đình An tại Majestic năm nào -có đông đủ người thân bên chị Duyên Hằng và cả nhóm anh chị Long-Hạnh , được thưởng thức 1 tối âm nhạc thật hay và khó quên
Giọng chị Duyên Hằng chẳng hề thua kém ca sĩ pro của cả 2 tt Thúy Nga - tt Asia, tks anh  An +  chị  D.Hằng - anh Long -K.Hạnh!!


Tình ca Từ Công Phụng -Nhạc phổ thơ Du-Tử Lê




Phố Tàu, phố Việt ở Toronto

Giữa hai cuộc thế chiến, Toronto là một thành phố buồn, chẳng có gì để hấp dẫn du khách!
 Ngay thời thập niên 1950, người dân Toronto mỗi khi muốn du hí còn phải lái xe qua Detroit cách Toronto 4 giờ lái xe ở về hướng Tây Nam hay Buffalo, 90 phút xe chạy về hướng Nam qua thác Niagara.
 Ngày nay tình thế đã đổi chiều, Toronto là địa điểm du lịch hấp dẫn trên thế giới vì tính cách đa sắc tộc, tập trung nhiều nền văn hóa màu sắc khác nhau.
Toronto không phải là thủ đô của Canada nhưng là vùng đô thị quy tụ đến 5 triệu rưỡi dân mà hai phần ba là dân từ các nơi khác đổ về.

 Ngoài dân da trắng nói tiếng Anh, các cộng đồng thiểu số gồm có dân da đen và người Á Châu.
Nhóm da đen ở đây nguồn gốc của họ không phải từ Phi Châu như ở Hoa Kỳ mà lại đến từ đảo Jamaica hiền hòa (cựu Ngoại Trưởng Mỹ Colin Powell cũng là người Jamaica). Cộng đồng lớn thứ ba người ta nhìn thấy là cộng đồng người Hoa đến từ Hồng Kông.

 Làn sóng di dân này đã một thời dâng cao trước khi Hồng Kông giao trả về Trung Hoa lục địa năm 1997.
 Nhóm thiểu số kế đến là người Ấn Ðộ, họ có bằng cấp nhưng không có việc làm ở xứ họ nên tìm cách di dân qua Canada.
Nét đa văn hóa ở đây thấy rõ hơn hết khi một buổi sáng tôi ra China Town Mississauga thì thấy nhiều gia đình người Ấn Ðộ đi mua thức ăn ở chợ Tàu! 



Ðàn bà vận quốc phục bằng tơ lụa nhiều màu sắc và đội khăn mỏng như ở miền Nam Cali ta thấy họ đi mua sắm ở Little India đường Pioneer thành phố Norwalk. Ðàn ông người Ấn ở đây ngoài hai nghề kỹ sư và bác sĩ như ở Cali, họ còn đi làm những nghề khác như lái taxi hay bán xăng.
Vật giá nói chung ở Toronto đắt đỏ hơn Cali như giá xăng cũng cao hơn và được tính bằng lít chứ không là gallon. Chợ thực phẩm Canada thì giống như chợ Mỹ nhưng mọi thứ đều đắt hơn.

 Sữa tươi thì không có thùng một gallon mà phải mua từng hộp nhỏ bằng giấy hay bịch nylon. Khi lấy xe đẩy trong chợ thì phải bỏ đồng 25 xu vào ổ khóa thì mới lấy xe ra được và khi trả xe thì lấy 25 xu trở lại.
Mục đích là tránh người đi chợ bỏ xe bừa bãi, tiết kiệm tiền mướn người đi thu nhặt. Ðồng kim loại 25 xu Mỹ cũng xài được ở Canada. 

Tiền 1 đồng, 2 đồng Canada được đúc bằng kim loại, chỉ 5 đồng trở lên mới được in bằng tiền giấy và tất cả tiền đều có in hình nữ hoàng Anh vì Canada nằm trong Liên Hiệp Anh.
Chợ Tàu Toronto trở thành phố Việt
-Ðến ngã tư Queen và Spadina Ave. du khách bỗng giật mình tưởng đã lạc qua Hồng Kông hay Chợ Lớn vì con đường Spadina từ Queen ở hướng Nam lên đến College St. ở hướng Bắc là trung tâm của khu phố Tàu.

 China Town Toronto là khu phố Tàu lớn nhất ở Bắc Mỹ vì có hơn 150 ngàn người Hoa sinh sống tại Toronto. 
Trên đường Spadina này có những siêu thị Tàu 4, 5 tầng lầu, những thương xá đồ sộ hơn cả Phước Lộc Thọ của Little Saigon ở California, lớn nhất là 2 thương xá Dragon City và Chinatown
Centre với các cửa hàng của người Hoa, Việt Nam và Thái Lan. Trái cây vùng nhiệt đới như vải, nhãn, măng cục, sầu riêng, mãng cầu, chôm chôm được bày bán khắp hè phố. Những món trang trí, đồ kỷ niệm Ðông phương, chén bát, đồ cổ, tượng thờ tràn ngập trong các cửa hàng.

 Giống như China Town Los Angeles, người Việt cũng xâm nhập được vào China Town Toronto, có khoảng phân nửa cửa hiệu ở đây do người Việt hay người Việt gốc Hoa làm chủ.

Họ làm đủ mọi ngành nghề như nhà hàng ăn uống, video, dĩa nhạc, sách báo, cà phê, kim hoàn, thẩm mỹ, du lịch, luật sư, bác sĩ...

 Vùng phía Bắc Toronto như các thành phố Weston, North York là khu kỹ nghệ, người Việt Nam còn làm nghề sơn sửa xe hơi với máy móc tối tân hiện đại được các hãng bảo hiểm, các dealer xe mới công nhận và ký hợp đồng sửa chữa cho xe khách hàng của họ.
Theo ước lượng Toronto và vùng phụ cận có khoảng 50,000 người Việt sinh sống, họ là những người vượt biên bằng thuyền trong khoảng năm 1978 đến 1985 phần nhiều là người Việt gốc Hoa đến từ các trại tỵ nạn Hồng Kông.
Về lịch sử khu Phố Tàu Toronto, người ta công nhận ông Sam Ching chủ nhân của tiệm giặt ủi trên đường Adelaide là thương gia đầu tiên có tên trong sổ niên giám thương mại vào năm 1878.

 Người Trung Hoa sau đó bị đạo luật di trú năm 1885 cấm việc di dân vào Canada vì bên miền Tây Canada có nhiều cuộc biểu tình chống người Hoa.
Tuy nhiên hai thập niên sau đó dọc theo đường Bay và Elizabeth Street là khu phố với hàng trăm người Hoa sinh sống, họ đến từ vùng Vancouver ở phía Tây Canada sau khi hoàn thành việc xây dựng đường xe lửa cho hãng Canadian Pacific Railway họ bị chống đối kỳ thị nên di chuyển qua miền Ðông.

 Năm 1910 khi cuộc cách mạng Tân Hợi ở Trung Hoa lật đổ nhà Mãn Thanh, dân số người Hoa lên hơn 1,000 người, hàng trăm người mở cơ sở thương mại phần đông là nhà hàng ăn, tạp hóa và tiệm giặt.
 Ðến thập niên 1930 khu China Town đã thành hình dọc trên con đường Bay Street khoảng giữa Dundas và Queen Street.
Trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng Great Depression cũng như trên toàn quốc, khu China Town cũng bị ảnh hưởng với hơn 116 tiệm giặt và hàng trăm cửa hàng khác phải đóng cửa.

   

Khu Phố Tàu phục hồi nhịp sống sau Thế Chiến Thứ Hai cùng lúc với nền kinh tế Canada vững mạnh trở lại và dân số người Hoa tăng cao trong khoảng 1947 đến 1960 với các sinh viên và thợ chuyên môn đến từ Hồng Kông, Quảng Ðông và các nước Ðông Nam Á.
Ðến thập niên 1990 khu China Town lâm vào tình trạng đi xuống, thuế đóng cho thành phố giảm sút vì khó phát triển với phố xá cổ xưa chật hẹp và nhất là thiếu chỗ đậu xe.
 Du khách vắng đi và cư dân người Hoa còn lại ở đây là người già cả, lớp trẻ thế hệ sau đã dọn ra ngoại ô sinh sống.
Trong lúc các chợ thực phẩm và các nhà hàng nhỏ vẫn hoạt động bình thường, nhiều cửa tiệm lớn về điện tử, thương xá thời trang, mỹ phẩm phải đóng cửa nhất là các hiệu vịt heo quay, BBQ ở dưới tầng hầm đóng cửa từ năm 2000.

Ðó là cơ hội cho người Việt xâm nhập, chiếm lĩnh thị trường với những tiệm ăn, cửa hàng nhỏ sinh hoạt với tính cách gia đình biến nơi đây thành Little Saigon. 
Ngày nay đến đây không thiếu một món ăn thuần túy nào của người Việt Nam, từ bò bảy món đến phở, bánh cuốn, chả cá, bún thang ngay cả bún ốc là món đặc biệt rất nổi tiếng ở đây do một bà chính gốc Hà Nội 54 từ Sài Gòn đứng nấu.
Tiệm sách báo có tiệm sách “Việt Nam” tập trung rất nhiều sách tiếng Việt xuất bản ở hải ngoại, vào tiệm điều khiến tôi lấy làm ngạc nhiên thích thú là có bày bán những sách du lịch của tôi nữa!
 

Ngày nay khu Phố Tàu, chợ Việt Toronto vẫn là một địa điểm du lịch hấp dẫn du khách phương xa mỗi khi viếng Toronto. Với những hàng phố cũ tường gạch đỏ, bảng hiệu màu sắc tươi vui ngôn ngữ Anh, Hoa, Việt và rau trái bày biện trên vỉa hè là hình ảnh thân quen với người Việt ly hương nhưng sắc thái lạ với người bản xứ.
Dân Việt ta từ Mỹ sang chơi hãy cẩn thận với những bảng hiệu lưu thông và coi chừng cảnh sát hay mai phục ở đây. Không được quẹo trái ở ngã tư Dundas và Spadina và luật Canada không cho quẹo phải khi đèn đỏ!
Chợ trời Kensington
-Ngay cạnh Phố Tàu nơi góc Tây Bắc đường Spadina và Dundas có khu chợ trời họp ngoài đường có tên là Kensington Market mà dân ta quen gọi là Chợ Do Thái giống như khu Chợ Cũ Hàm Nghi Sài Gòn nghĩa là bán thực phẩm tươi sống như rau cải, cá tôm, sò ốc, gà vịt, phó mát, gia vị của đủ mọi nước trên thế giới và những tiệm bán quần áo cũ của những hiệu danh tiếng.
Khu này đông vui rất hấp dẫn du khách ngoại quốc muốn tìm cảnh lạ vì nó có đủ màu sắc, âm thanh, chủng tộc, mùi vị hỗn hợp khó tìm thấy ở những nơi khác.
Du khách ba lô cũng tìm đến đây mua những quần áo “Hippy” bụi đời, vật dụng hiếm quý và món ăn, gia vị của xứ họ.
Con đường Kensington không cho xe cộ lưu thông để họp chợ trời còn hai dãy nhà hai bên là khu phố cổ màu sắc “Hippy” bán quần áo bụi đời cho dân chơi tứ xứ.
Trong khu này ngạc nhiên hơn hết là có một tấm phông lớn vẽ cảnh Chợ Bến Thành Sài Gòn, có lẽ chính quyền Toronto muốn nhắc khéo du khách đến đây phải cẩn thận coi chừng bị... móc túi, giật bóp như ở khu quanh Chợ Bến Thành vì nơi này tập trung nhiều thành phần phức tạp. Tuy nhiên nói chung ở Canada, an ninh tốt hơn ở Mỹ và Âu Châu vì tội ác rất thấp và ít thấy bóng dáng của cảnh sát.
East China Town
 

-Vì khu Chợ Tàu cũ ở downtown Toronto quá chật hẹp khó đậu xe, nhà cửa cũ kỹ gần cả trăm năm, khó phát triển theo đà gia tăng dân số người gốc Hồng Kông, Trung Hoa.
 Thêm vào đó những người Á Châu trẻ, học thức họ thường chuộng những thành phố mới ở ngoại ô như Mississauga ở phía Tây và Markham ở hướng Ðông với những khu nhà mới rộng rãi, trường học, công viên, hạ tầng kiến trúc hiện đại nên vào năm 1997 người ta khai trương khu thương xá Á Châu mới có tên là Pacific Mall được gọi nôm na là East China Town vì ở ngoại ô phía Ðông của Toronto.

Pacific Mall ở thành phố Markham cũng thuộc tỉnh bang Ontario, tọa lạc trong khu Ðông Bắc góc đường Steeles Avenue và Kennedy Road bên kia đường là biên giới thành phố Toronto cách trung tâm Toronto khoảng 10 miles.Market Village nên Pacific Mall hiện nay có tới 500 cửa hàng bán lẻ và bãi đậu xe vừa dưới hầm vừa lộ thiên rộng đến 1,500 chỗ đậu nhưng những ngày cuối tuần nhiều lúc còn thiếu nơi đậu. 
Thương xá Pacific Mall có hai tầng lầu và tầng hầm làm nơi đậu xe và chủ nhân là công ty Pacific Place ở Hồng Kông có nhiều cơ sở ở miền Tây Bắc Hoa Kỳ, thương xá Pacific Mall Toronto được xây dựng bởi 2 công ty Canada là Sam Cohen và Eli Swirsky.
Pacific Mall là thương xá Á Châu rộng lớn nhất trên lục địa Bắc Mỹ cũng là địa điểm du lịch được Sở Du Lịch Canada quảng cáo, hiện có 450 cửa hàng nhỏ bán đủ thứ mặt hàng như quần áo thời trang, đồ da, mỹ phẩm, trang sức vàng bạc, đồ điện tử, CD, DVD, điện thoại di động, kính mát, đồ chơi, bàn ghế vật dung trang bị trong nhà, bông hoa, vườn cảnh, đồ chơi và cả nhân sâm, dược thảo v.v...
Ở tầng hai có bệnh xá (medical clinic), phòng nha khoa, khu ẩm thực (Food Court) với nhiều nhà hàng, quán giải khát của nhiều nước Á Châu với các món ăn Tàu, Nhật, Ðại Hàn, Ấn Ðộ, Thái Lan, Việt Nam ...
 Những lối đi trong thương xá đều lấy tên những con đường ở Hồng Kông. Tầng dưới hầm cũng có các cửa hàng, khu đậu xe và nhà vệ sinh.
 Thương xá mở cửa suốt năm và đông vui nhộn nhịp nhất là mùa lễ cuối năm như Giáng Sinh, Tết Dương Lịch và Tết Nguyên Ðán. Thương xá cũng thường làm nơi tổ chức những lễ hội của người địa phương như Trung Thu, Haloween, lễ của người da đỏ ..

Trịnh Hảo Tâm
@@ tks t/g THT