Trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2013

CHỈ LÀ MỘT NỬA



Thơ tôi viết cho em chỉ một nửa
Bằng nỗi buồn trống vắng đêm lẻ loi
Nhìn đèn vàng leo bám vách tường vôi
Gió khuya lạnh se lòng người thêm lạnh

Là một nửa nên hồn thơ quanh quẩn
Hình ảnh nàng trong nét bút liêu trai
Áo dài xanh nghiêng nón tóc thả dài
Ôi ánh mắt sao mà tha thiết quá

Một chút hồng nhẹ tô trên đôi má
Dáng yêu kiều em là cả ước mơ
Chẳng thành lời vỏn vẹn nửa bài thơ
Lòng ôm ấp bóng trăng mờ trước ngõ

Hình ảnh em trong bài thơ tôi đó
Lúc nhạt nhòa khi ẩn hiện trong đêm
Nghe lá rơi xào xạc ở bên thềm
Tôi chỉ biết nhớ em trong ảo tưởng

Nửa bài thơ xót xa niềm hy vọng
Đâu con thuyền mà bến đợi chờ mong
Giấc mơ kia như nước chảy ngược dòng
Em có biết....bài thơ còn dang dở

Tôi ước mơ cùng em hòa nhịp thở
Nụ hôn đầu e ấp đọng trên môi
Nhưng hai ta vẫn mãi hai cuộc đời
Tôi ôm ấp bài thơ buồn muôn thuở


                     LVH  

Thư gửi con gái




Con gái bé bỏng của mẹ,

Không lâu nữa con sẽ lấy chồng, trở thành vợ người ta. Rồi con sẽ được hưởng hạnh phúc ngọt ngào nhưng cũng sẽ nếm trải cả nỗi đau sinh nở và những thăng trầm trong cuộc sống gia đình. Lòng mẹ giờ không biết vui hay buồn, nhưng mẹ vẫn luôn mong mỏi:
Con sẽ lấy người mình yêu và yêu mình
Có người nói: “Con gái hạnh phúc khi gặp được cả hai người đàn ông - người mình yêu và người yêu mình”. 

Nhưng mẹ muốn con gặp chỉ một người, yêu con và được con yêu. Vì chúng ta hạnh phúc khi nắm tay người đàn ông của mình đi trọn quãng đời.
Con yêu bằng cả trái tim và lý trí
Con gái ơi, tình yêu không đơn giản chỉ là “nếu mắt không nhìn thấy thì tim không đau”. Mẹ muốn con có một trái tim dũng cảm để nhìn và một trái tim biết rung động để yêu.
Thành công của hôn nhân, một nửa là do sự lựa chọn trước hôn nhân, một nửa là sự nuôi dưỡng sau hôn nhân. Vì vậy mẹ cũng muốn con nhất định phải mở to hai mắt, phải tin ở mắt mình chứ không phải ở tai mình.
Mẹ còn muốn con cảm nhận bằng trái tim, vì tình yêu là đích thực khi trái tim con rung động, thổn thức trước người đó chứ không phải trước tiền bạc, của cải của người đó. Tiền có thể mua cho con một ngôi nhà nhưng không mua cho con tổ ấm. Và hơn hết mọi điều, mẹ muốn con đến được bến bờ hạnh phúc.
Không được làm người thứ 3 vì đó là một vai diễn lúng túng và ngượng ngùng
Con có thể dùng mọi nỗ lực, vẻ đẹp, sự tài hoa, quyến rũ của mình để giành lấy tình yêu, vì cạnh tranh trong tình yêu là điều chính đáng. Mong con bằng sự tự tin và sức quyến rũ của mình chiến thắng những cô gái khác để đến với người con yêu. Nhưng con hãy ghi nhớ: Không thể làm người thứ ba.
Bất kể anh ta ưu tú thế nào, tuyệt vời thế nào và tình yêu của con có mãnh liệt thế nào, anh ta cũng đã thuộc về một người khác. Chiếm đoạt cái thuộc về người khác, dẫu con có chiến thắng, điều đó cũng không vẻ vang và đáng tự hào, bởi có khác nào con vừa đánh cắp trái tim và tình yêu của kẻ khác.
  Con gái ơi, một trái tim bị đánh cắp sẽ chẳng bao giờ còn nguyên vẹn. Nó như một viên pha lê đã tỳ vết. Mà con xứng đáng nhận được viêc pha lê hoàn hảo. Và nếu con là một cô gái lương thiện, đau khổ, dằn vặt rồi sẽ như ngọn lửa thiêu cháy tâm hồn con, tình yêu trong con.
 Mẹ muốn tình yêu của con dù chỉ là một ngọn lửa nhỏ nhưng sẽ bền bỉ và mãnh liệt. Bởi nếu tình yêu đó mạnh mẽ và bừng sáng như sao băng thì nó sẽ sớm làm con kiệt sức.
Cuối cùng, mẹ chúc con gái sắp lấy chồng của mẹ sẽ gặp những điều hạnh phúc nhất.
Yêu con nhiều, thiếu nữ của mẹ.

                                                   St

Tgif -Funny picture


The best songs ever


Ngày hôm nay tôi sẽ


Ngày hôm nay, tôi sẽ tin rằng mình là người đặc biệt, một người quan trọng. Tôi sẽ yêu quý bản thân tôi với chính những gì tôi có và không so sánh mình với những người khác
Ngày hôm nay, tôi sẽ tự lắng lòng mình và cố gắng trầm tĩnh hơn. Tôi sẽ học cách kiểm soát những cảm xúc và suy nghĩ của mình.
Ngày hôm nay, tôi sẽ học cách tha thứ những gì người khác đã gây ra cho tôi, bởi tôi luôn nhìn vào hướng tốt và tin vào sự công bằng của cuộc sống.
Ngày hôm nay, tôi sẽ cẩn trọng hơn với từng lời nói của mình. Tôi sẽ lựa chọn ngôn từ và diễn đạt chúng một cách có suy nghĩ và chân thành nhất.
Ngày hôm nay, tôi sẽ tìm cách sẻ chia với những người bạn quanh tôi khi cần thiết, bởi tôi biết điều quý nhất đối với con người là sự quan tâm lẫn nhau.
Ngày hôm nay, trong cách ứng xử, tôi sẽ đặt mình vào vị trí của người đối diện để lắng nghe những cảm xúc của họ, để hiểu rằng những điều làm tôi tổn thương cũng có thể làm tổn thương đến họ.
Ngày hôm nay, tôi sẽ an ủi và động viên những ai đang nản lòng. Một cái siết tay, một nụ cười, một lời nói của tôi có thể tiếp thêm sức mạnh để họ vững tin bước tiếp.
Ngày hôm nay, tôi sẽ dành một chút thời gian để quan tâm đến bản thân mình. Tôi sẽ làm tâm hồn và trí óc mình phong phú, mạnh mẽ hơn bằng cách học một cái gì đó có ích, đọc một cuốn sách hay, vận động cơ thể và ăn mặc ưa nhìn hơn.
Ngày hôm nay, tôi sẽ có một danh sách những việc cần làm. Tôi sẽ nỗ lực nhất để thực hiện chúng và tránh đưa ra những quyết định vội vã hay thiếu kiên quyết
Ngày hôm nay, tôi sẽ bỏ lại phía sau mọi lo âu, cay đắng và thất bại, khởi đầu một ngày mới với một trái tim yêu thương và hồn nhiên nhất. Tôi sẽ sống với những khát khao, mơ ước mà mình luôn ấp ủ.
Ngày hôm nay, tôi sẽ thách thức mọi trở ngại trên con đường mà tôi lựa chọn và đặt niềm tin. Tôi hiểu rằng, khó khăn là một phần của cuộc sống và chúng tồn tại là để tôi chinh phục và vượt qua
Ngày hôm nay, tôi sẽ sống hạnh phúc.

 Tôi sẽ trải rộng lòng để cảm nhận cái đẹp trong cuộc sống, để yêu thương và tin tưởng những người tôi yêu quý, và những người thương yêu tôi.
 Tôi sẽ làm những việc khiến tôi cảm thấy hạnh phúc: xem một bộ phim hài, làm một việc tử tế, giúp đỡ một ai đó, gửi một chiếc thiệp điện tử, nghe một bản nhạc yêu thích...
Và hôm nay, ngay bây giờ, tôi cảm nhận được hạnh phúc và sức sống mới để bắt đầu một ngày mới thật có ích - bất kể ngày hôm qua như thế nào.
               Bạn cũng vậy nhé! 

                                                    St

Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

Mùa xoài



Mùa xoài năm nay, bỗng thấy ở chợ có một loại xoài trái nhỏ xíu nhưng ngọt vô cùng và giá rẻ như cho: ba, bốn ngàn đồng một ký. 
Trái xoài nhỏ đến nỗi có cảm giác như nó là xoài rụng hay xoài chưa lớn bị người ta hái dú ép.
Vậy mà ngon! Không phải kiểu ngon của loại xoài cát Hòa Lộc dai dai, vị ngọt thanh sang trọng; mà là cái ngon của loại xoài mềm, ứ nước, đậm chất nhà quê. 

Vị ngọt lự từ đầu đến cuối nhưng không gắt cổ, ăn đã miệng vô cùng. Bởi, có chút vị chua như thảng hoặc qua đầu lưỡi.
Hỏi người bán là xoài gì, thì được biết là xoài ở quê tôi, mới trồng mấy năm sau này. 

Vài lứa đầu nên trái còn nhỏ. “Xoài ngày trước chua quá, người ta chặt bỏ hết rồi để trồng xoài mới! Nếu không phá bỏ thì người ta ghép cây tạo giống ngọt”.
Tôi chợt nhớ trái xoài ngày xưa chua ơi là chua.

 Xoài xanh ăn sống với nước mắm đường mới… ngọt, cho chấm muối ớt ê răng lắm! Xoài chín dù có dú cách nào cũng vẫn chua.
 Hồi ấy chẳng có quà bánh gì nhiều, xoài chua cỡ nào lũ chúng tôi cũng ăn được, xoài chín thì có thể xơi cả rổ!
 Khi đời sống ngày càng khá lên với đủ thứ bánh trái đắt tiền, sang trọng, trái xoài bỗng trở nên quê mùa; và phải chăng, muốn lấy lòng thượng đế, nhà vườn cũng phải thay đổi cây trồng, tạo giống xoài ngọt?
Ngày xưa vườn nhà ngoại tôi nhiều xoài lắm. Có loại xoài tượng, chuyên ăn sống với mắm đường.

 Rót chút nước mắm vào chén và bỏ đường cho đặc sệt, rồi dằm thêm mấy trái ớt xiêm.
 Xoài xanh xắt mỏng, xúc đường trong chén nước mắm, ăn xong uống nước no căng bụng, bỏ cơm luôn!
 Mùa hè, mâm cơm lúc nào cũng có món cá chiên, nước mắm ớt tỏi và xoài bằm. 
Chu cha, sao mà tuyệt diệu!
Ông bà ngoại tôi có ba người con gái. Dì Hai số phận hẩm hiu, năm hai mươi tuổi dì lấy chồng, chưa kịp có con thì dượng mất.

 Dì ở vậy chăm sóc ông bà ngoại và các cháu. Đứa cháu nào cũng một tay dì ẵm bồng, tã, sữa…
 Ông rồi bà ngoại tôi mất, dì Hai lãnh phần trông giữ từ đường, với hơn chục đám giỗ mỗi năm.
Những cây xoài ngày một già cỗi, dì thuê người chặt bớt chỉ giữ lại một ít cho mát vườn.

 Lũ cháu lớn lên, như chim lần lượt rời khỏi tổ, bay về thành phố thành thân, lập nghiệp; ngôi nhà từ đường có dì Hai ngày càng lùi lại phía ký ức xa, thậm chí đám giỗ cuõng viện cớ bận bịu cũng không chịu về.
   Thảng hoặc có đứa nào đó đi công tác về qua, ghé thăm và ăn với dì bữa cơm; có đứa tạt qua rồi đi nhanh như cơn gió, không kịp cho dì có thì giờ pha ấm nước, có đứa vô tình cả năm không léo hánh về!
Hồi chưa có điện thoại, đến mùa xoài suốt ngày dì cứ trông ngóng có đứa cháu nào về để dì hái xoài cho chúng mang đi. Sau này có điện thoại, xoài rộ mùa dì réo hết đứa này đến đứa khác về lấy xoài.
Loại xoài chua vào mùa bán ở chợ thành phố năm trăm, một ngàn đồng một trái, rẻ rề, mua mấy ngàn ăn ê răng! 

Bận công việc chẳng ai muốn về, bảo dì thôi cứ bán hết cho người ta mà không để ý giọng dì nghèn nghẹn qua điện thoại: “Dì chừa lại một cây, mấy đứa rảnh dắt tụi nhỏ về hái xoài cho vui”.
Năm nay, nghe dì Hai kể qua điện thoại rằng xoài ra bông trắng vườn, mới chớm bông bạn hàng đã đến đặt tiền. 

Dù biết các cháu lười về, nhưng như mọi năm dì cũng chừa lại một cây: “Lỡ có đứa nào về, hái cho nó ít xoài. Bán hết cho người ta chẳng có gì làm quà cho cháu”.
Đám giỗ vào ngày Chủ nhật, bọn cháu thành phố tự nhiên phấn khởi hẹn nhau về nhà dì. Điện thoại, hẹn hò. Nhắc dì nấu ít thôi, tụi cháu đem các thứ về. 

Giọng dì vui lắm qua điện thoại: “Có gì nhiều đâu, mấy món nhà quê ấy mà!”.
Lâu không về, mới thấy nhiều thứ khác. Ngôi nhà từ đường ngày xưa “hoành tráng” thế mà giờ cũng đã xuống cấp nhiều, mái ngói rêu phong bàng bạc một màu thời gian buồn buồn. 

Cái giếng sâu vẫn còn chiếc cần dọt kéo nước lên, đồ đạc trong nhà cũng cũ kỹ và chẳng có giá trị gì so với bây giờ.
Chỉ có bàn thờ ông bà, mọi thứ lên nước bóng loáng bởi có dì chăm sóc mỗi ngày. 

Dở chiếc rương gỗ dì vẫn thường đựng gạo hay các loại lương thực khô.
 Một chồng bánh tráng xoài được dì bỏ trong từng bịch nylon, sạch sẽ. 
Mùi thơm ngào ngạt bay lên, cái mùi của tuổi thơ, cái “mùi nhà quê” một thời chẳng thể nào quên dù có đi đến đâu, ăn đến trăm thứ ngon vật lạ.
Thấy cả đám cháu xúm lại trầm trồ, dì nói: “Bán cây cho người ta rồi nhưng loại xoài chua này giờ không “ăn” nữa, giá rẻ rề, lỗ công hái, công chuyên chở nên bạn hàng không đến hái.

 Năm nay không hiểu sao xoài rụng nhiều quá, sáng nào ra vườn, nhìn xoài trải thảm dưới đất, dì xót quá lượm cả thúng, chẳng lẽ đem bỏ, mà cũng không biết bỏ đi đâu, dì làm bánh tráng xoài để dành cho mấy đứa”.
Lũ cháu ngó nhau nghẹn ngào, lặng ngắt.
 Nhìn mái tóc dì bạc trắng, lưng mỗi ngày như còng thêm; nghĩ đến cái dáng gaày gò ngày nào cũng cắp rổ ra vườn, một mình lụm cụm lượm từng trái xoài rồi lụi hụi chà xoài cho ra nước, rồi khuấy, rồi cán, rồi phơi, như dồn hết cả tình thương cho các cháu vào trong từng cái bánh tráng mà muốn ứa nước mắt.
Dì ơi, dì có biết rằng giờ chẳng còn đứa nào thích ăn bánh tráng xoài vừa chua mà lại dính răng? 

Nhưng nghĩ lại, dì biết làm gì với những rổ xoài rụng, ngoại trừ làm bánh tráng để dành cho các cháu?
Mới thấy, núi bao giờ cũng đứng lại và nhìn sông chảy đi với biết bao tình thương mến, và sông ơi, sao muôn đời sông cứ chảy một cách vô tình như thế !
                                           Đào t.Thanh Tuyền

Ti-vi, Tủ Lạnh Hay Cát-xét?


Lần đầu tiên trong đời, tôi mua một tấm vé số. Tôi liền đem khoe với vợ tôi. Nhưng tôi thất vọng ngay. Cô ta liếc tấm vé số trên tay tôi bằng nửa con mắt:
- Anh toàn là mơ với mộng. Dễ gì trúng số mà ham!
- Biết đâu!
- Hừ - vợ tôi khoát tay - Đừng có mà nhảm nhí ! Bộ hết thứ mua rồi hay sao mà mua vé số?
Tôi cười cầu tài:
- Em đừng có nói vậy chớ. Kỳ này mà trúng mười ngàn là anh mua một cái cát-xét liền.
Vợ tôi trợn mắt:
- Cái gì ? Cát-xét hả ? Anh có điên không?
- Sao lại điên! Có cát-xét, tối nằm nghe nhạc cũng khoái lắm chớ bộ!
- Nhạc với lại họa! - Vợ tôi xì một tiếng - Anh toàn là sống trên mây! Thịt thiu đến nơi rồi kia kìa!
Tôi ngơ ngác:
- Thịt thiu thì có dính gì đến cát-xét?
- Sao lại không dính dáng? Thịt thiu thì có nghĩa là dẹp cái cát-xét của anh qua một bên, để tiền mua một cái tủ lạnh.
Tôi vò đầu:
- Trời ơi, em thì suốt ngày cứ tủ lạnh với tủ liếc! Con người ta sống đâu chỉ toàn vật chất!
- Xí! vậy chứ anh sống bằng cái gì?
Tôi tặc lưỡi:
- Thì tất nhiên là sống bằng vật chất rồi. Nhưng con người ta cũng cần phải nghe nhạc nữa chớ!
Vợ tôi vừa nói vừa ngoe nguẩy đi xuống bếp:
- Được rồi, anh cứ ở đó mà nghe nhạc! Chiều nay tôi cho anh ăn thịt thiu cho biết tay!
- Nè, nè! Đừng có mà chơi ác như thế! - Tôi chồm người về phía vợ tôi - Con người ta cũng cần phải ăn uống cho đàng hoàng chớ!
Vợ tôi cười đắc thắng, bộ mặt nom gian ác dễ sợ:
- Vậy thì dẹp cái cát-xét của anh đi!
Bị vợ gây sức ép, tôi nổi khùng:
- Anh mà không mua cát-xét thì em cũng đừng hòng sắm tủ lạnh!
- À, à, anh doạ nạt tôi phải không? Trời ơi là trời! Bà con coi chồng với con kìa! - Vợ tôi ôm mặt tru tréo.
- Thôi đừng có mà om sòm lên như thế!
- Anh có bao giờ xuống bếp đâu mà biết cảnh cá ươn, thịt thiu. Anh toàn là ngồi mát ăn bát vàng không hà. 

- Vợ tôi chi chiết.
- Này, này - Tôi xoay người trên ghế

 - Đừng có mà vu khống nghe cha! Còn cô, cô là nội trợ mà cô không có khoa học gì hết. Nếu mỗi ngày đi chợ một lần thì làm sao thịt thiu được.
 Cô cứ chơi cái kiểu một ngày đi chợ bảy ngày ăn thì thứ gì mà không thiu không hỏng.
- À, à - Vợ tôi nắm hai tay lại

 - Bây giờ anh định hành hạ tôi cho đến chết phải không?
 Anh muốn tôi đi tới đi lui cho mau già mau xấu phải không? Anh hết thương tôi rồi chứ gì! Tôi biết mà! Tôi biết thân phận tôi không bì được với người ta mà! 
Trời ơi là trời, sao tôi không chết đi cho rảnh nợ nè trời!
Vợ tôi khóc ấm a ấm ức. Tôi nhấp nhổm trên ghế như bị kiến đốt:
- Thôi, thôi, anh van em! 

Đừng có suy diễn bậy bạ. Anh mà có tình ý gì với ai thì anh chết liền tại chỗ cho em coi.
- Anh không có tình ý gì với ai thì tại sao anh không cho em mua tủ lạnh? - Vợ tôi sụt sịt hỏi.
Tôi gãi đầu:
- Anh không cho em mua hồi nào. Anh chỉ nói là mua cát-xét thì thích hơn thôi!
- Vậy là anh coi trọng cát-xét của anh hơn em chớ gì? Bậy nào...
Tôi đang lúng túng chưa biết giải thích làm sao thì thằng con tôi ở đâu ngoài sân chạy xộc vào. Tôi liền chộp ngay nó.
- Bây giờ vậy nè 

- Tôi nói với vợ - Để khỏi lôi thôi, mình hỏi thằng con, hễ nó thích thứ gì thì mình mua thứ đó, em chịu không? Vợ tôi gật đầu và quay sang đứa con:
- Con nghe má hỏi nè, giữa cát-xét và tủ lạnh con thích mua thứ nào?
Thằng con tôi bặm môi suy nghĩ. Vợ chồng tôi hồi hộp muốn đứng tim, ai cũng hy vọng phần thắng về mình. Một lát sau, con tôi trả lời:
- Con muốn mua tivi
Tôi trợn mắt:
- Tivi? Có ai hỏi tivi đâu!
- Nhưng mà con khoái coi tivi hơn.
Thằng con tôi đúng là thứ cứng đầu. Tôi đang tính quạt cho nó một trận thì vợ tôi lên tiếng:
- Nó nói vậy mà có lý. Dù sao mua tivi còn hơn là mua cát-xét.
Con tôi sáng mắt lên:
- Bộ ba tính mua tivi thiệt hả ba?
Tôi chỉ tấm vé số trên bàn:
- Hễ chiều nay trúng mười ngàn là ba mua tivi cho con liền.
Thằng con tôi chộp lấy tấm vé số. Nó chạy ra cửa:
- Ra-đi-ô mới xổ số nè ba! Để con ra đầu đường dò số dùm ba nghen!
Tôi liếc vợ tôi:
- Nhà mình chật cứng, mua tivi về để đâu bây giờ?
- Thì để trên bàn của anh chớ đâu!
- Trời ơi, bộ em tính giỡn chơi hả?

 - Tôi la lên - Chổ người ta ngồi làm việc mà để cái tivi lên thì làm sao?
Vợ tôi nhún vai:
- Chớ không lẽ để tivi dưới đất?
- Thì để trên tủ vậy! - Tôi hiến kế.
- Để trên tủ thì có trời mới coi được.
Tôi dang hai tay thở dài:
- Chớ nhà mình còn chỗ nào nữa đâu!
- Thì cứ để trên bàn của anh - Vợ tôi nói, giọng không đùa chút nào.
- Này, em đừng có mà chơi xỏ anh. Đó là chỗ anh làm việc, không ai được để thứ gì lên đó. 

- Tôi nghiến răng.
- Làm việc, làm việc! Lúc nào cũng làm việc! Quan trọng gớm!
- Quan trọng chớ sao không! Anh làm việc tối ngày chớ đâu có phải như...
Đang nói, tôi nhanh trí tốp ngay lại.

 Nhưng vợ tôi đâu có chịu bỏ qua, cô ta gầm lên:
- Như ai? Anh nói gì, anh nói lại coi!
Tôi cười giả lả:
- Anh có nói gì đâu!
- Anh đừng có chối! Tôi biết mà, tôi biết anh coi thường tôi mà! Anh thì làm việc, còn tôi thì chỉ là đồ ăn bám chứ gì! Hu hu...
Vợ tôi chạy lại nằm vật lên giường, vừa khóc vừa than thân trách phận.
Tôi bước lại giường, định cúi xuống dỗ dành thì vợ.

Tôi thở dài chạy ra thì đụng thằng con tôi chạy vào. Nó vừa chạy vừa la:
- Trúng số rồi ba ơi!
Tôi nghe như có một luồng điện chạy qua người:
- Trúng mời ngàn hả?
- Trúng có hai chục đồng à ba!
Tôi rơi phịch xuống ghế:
- Trúng có hai chục mà la lối om sòm lên! Thôi, ba cho con toàn bộ số tiền đó, con mua cái tivi nhựa về chơi. Còn lát tối con cứ qua nhà bên cạnh coi ké tivi như từ trước tới giờ, đợi khi nào ba trúng...
Tôi khụt khịt mũi, không buồn nói tiếp. Trước cặp mắt ngơ ngác của thằng con, tôi bỏ đi tắm, trong đầu loay hoay nghĩ cách làm lành với vợ.
                                        Nguyễn Nhật Ánh

Chưa chắc đã buồn




Một năm có 365 ngày, trừ những ngày đi show, sáng nào tôi cũng thức dậy trong sự im lặng lạ thường. 
Sự trống vắng không còn là tưởng tượng mà " nó" quạnh quẽ, cô đơn, sừng sững trước mắt, chỉ khẽ nhấc tay, coi có thể chạm vào nó… 
  Tôi chỉ còn nghe tiếng những chiếc vòng lách cách chạm vào nhau và trong cái giây phút đó, tôi thấy quanh tôi nhiều khuôn mặt quen thuộc, tôi mừng rỡ muốn cất tiếng gọi nhưng rất nhanh tôi khựng lại...  đó là những khuôn mặt của những người đã không còn cùng tôi bước đi trong đời sống này.
Tôi luôn nghĩ đến những người đã khuất. Tôi gần như sống với họ, có nghĩa là sống với những người đã chết. Chính điều này không làm tôi đau đớn. Nó cho tôi sự bình an với cảm nghĩ tôi sẽ không bao giờ mất đi những điều đẹp đẽ. Sự tử tế sẽ ở với tôi mãi mãi. 

Cái chết cũng như sự nghèo khổ, xấu xí, chẳng ai tránh làm gì. Tôi yên tâm sống và trân trọng từng kỷ niệm có vui, có buồn, có cay đắng oan trái. Người chết bao giờ cũng thủy chung.
Mẹ tôi nằm đó, lúc tỉnh lúc mê. Tôi ôm bà... Mẹ ơi.. Mai đây này, Mai đen của mẹ đây này... Mẹ có nhận ra con thì mẹ nắm tay con đi, nắm chặt đi... 

Mẹ tôi khẽ mở mắt nhưng bà không thể quay đầu qua nhìn tôi, bằng cánh tay còn cử động được dù rất yếu, bà sờ lên những chiếc vòng của tôi rồi lần xuống nắm tay tôi bóp chặt. Tôi nói to vào tai bà...
 Mẹ ơi.. Mai đây... Mai đây... Tay mẹ tôi lại nhích lên sờ những chiếc vòng của tôi rồi nhích thêm lên chút nữa, cánh tay còn lại của bà vòng ôm lấy tôi...
 Ôi! Lần đầu tiên mẹ tôi ôm tôi và cũng là lần đầu tiên tôi khóc trên vai bà. Loan, em tôi bảo... Bao nhiêu người vào, mẹ chỉ ôm có mình chị...
 Tôi im lặng nhìn mẹ nằm bất động thở bằng đường khí gắn vào mũi, bình sữa treo lủng lẳng chuyền thức ăn qua một đường rạch trên bụng vào thẳng bao tử. Tôi chưa bao giờ thấy mẹ tôi " ngoan hiền" như vậy.
 Người ta cho bà ăn, Loan lau, tắm cho bà, bé Dung vợ Khanh bóp chân cho bà.
 Lan Vy, con của Loan, bằng tuổi thằng Hố Nai nhà tôi, ôm theo cuốn sách, ngày ngày hai mẹ con thay phiên nhau vào trông chừng cho bà và bà chẳng biết gì. Họa hoằn lắm mới có lúc bà nghe và nhận ra các con cháu.
Từ phi trường, tôi lại chạy thẳng vào nhà thương. Bố tôi - tôi đã quen gọi ông bằng bố - và cũng không còn giận hờn ông như ngày còn nhỏ.

 Ngay cả chúng tôi, 8 người con của mẹ cũng không hề có một phân biệt nào. Ông bảo tôi ngồi trông chừng mẹ cho ông đi ăn trưa. 
Lần này mẹ tôi yếu hơn, chỉ cách có mấy ngày mà bà đã không nhận ra tôi. Những bình hoa trưng trên đầu giường mẹ tôi nằm hôm nay trông vô duyên tệ. 
Mấy chai nước hoa và cả mấy băng nhạc của tôi nhìn có vẻ làm sao ấy, trong cái mùi lạ lẫm, cái không khí phòng bệnh. Ðó là những thứ mẹ tôi thích, nhưng hôm nay nó được để, được xài không đúng chỗ, không đúng lúc.
Tôi và Hoàng chào bố tôi... Con phải ngủ một chút để tối nay hát, ngày mai con vào... Tôi cần ngủ thật nhưng tôi cũng muốn chạy trốn không khí nặng nề của bệnh viện và nhất là hình ảnh mẹ tôi.

 Ôi! Mẹ, người đàn bà đẹp nức tiếng một thời Hà Nội.
 Người đàn bà lúc nào cũng phấn son, quần áo tươm tất trước khi ra khỏi phòng.
 Người đàn bà luôn luôn kiêu hãnh với nhan sắc, sự thông minh và duyên dáng của mình. Người đàn bà đã làm điêu đứng Bố tôi ngày xưa và Bố tôi bây giờ. Tôi biết có nhiều điều bà muốn nói, cần nói, mà không thể nói được.
 Nỗi buồn trong đôi mắt mẹ có lúc chợt lóe lên. Buồn nhưng không tuyệt vọng. Mẹ tôi vốn là người can đảm.
Tôi đã ngã xỉu trong phòng ngủ, lúc đó không có bạn của Hoàng, không biết tôi đã ra sao nếu tôi ngã ra phía sau và đập đầu vào cái bàn ủi mà không ai hay biết gì. Mẹ tôi cũng không hay biết gì. 

Cũng vui thôi bởi nhìn mẹ, tôi chợt muốn đọc cho mẹ hai câu thơ - Mẹ tôi gần như chẳng hề quan tâm đến văn thơ - " Mỹ nhân tự cổ như danh tướng. Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu" - Hai câu này tôi muốn dành cho mẹ tôi, chứ còn tôi thì... chết lúc nào cũng được, bất quá như con chó tiễn ruồi thôi, chứ báu ngọc gì...
 Người ta lúc cùng đường phải xẻ núi lấp sông mà thoát hoặc " kệ mẹ nó" tới đâu thì tới. Công hầu, khanh tướng thì cũng đến một lúc phải... xuôi tay thôi.
 Ấy cứ sống theo cái chủ nghĩa... kệ mẹ nó... của tôi, may ra thì sống, cho dầu không, mình cũng có mất gì đâu, nhiều lắm là... không sống nữa. Xem chừng... chết khó hơn sống. Sống khó hơn nhiều với trăm ngàn phiền toái, từ tình đến tiền, từ v.v... đến v.v...
 Ai bảo sống là sướng, tôi sợ rằng chính người đó đã dối lòng. Ai hát rằng... Sống trên đời này người giàu sang sướng hơn người nghèo khó...
 Tôi cũng cho là không thật?
Tôi hay giỡn chơi với nhiều điều là bởi vì nói cho cùng, lòng tôi có những lúc quá buồn. Tôi có thể biết vì sao tôi khóc nhưng lại không thể hiểu được vì sao tôi cười. Không có gì để cười mà lại phải cười thì thật không có gì mỉa mai hơn, không có gì đau đớn hơn và không có gì vô duyên hơn. Mà hình như đời tôi là những năm, tháng, ngày, giờ, phút, giây lúc nào cũng buồn. 
Tất cả đến dồn dập, chồng chất lên nhau đến nỗi không biết vì sao, bắt đầu từ đâu. Tôi nhổ những sợi tóc bạc bỏ trong cái phong bì... để dành, rồi một lúc nào đó, tôi sẽ gửi về một địa chỉ ở Việt Nam - Một địa chỉ không có thật trên bất cứ con phố xưa nào.
Giỡn chơi với cái chết cũng là một điều thú vị, bởi muốn xem cái chết mặt mũi ra sao, có gì ghê gớm không mà nó làm nhiều người sợ đến như vậy. Không. Chẳng có gì ghê gớm đáng sợ cả. Nó chỉ là một giấc ngủ dài hơn bình thường, dài thiên thu. Nó quay lưng lại với tất cả phiền toái của cuộc đời. 

Nó giúp mình nhẹ nhõm hơn, tử tế hơn, đẹp đẽ hơn và trẻ mãi không già… Ðấy, cứ nhìn hình Bố tôi, ông vẫn trẻ như lúc 33 tuổi với nụ cười rất tươi. Miệng cười, mắt cũng cười, tinh nghịch và yêu đời với một chút mỉa mai... Bố tôi là một người thông minh. Ông không để lại một sợi tóc bạc nào. Tôi thì không.
Tôi cứ khóc mãi, những giọt nước mắt cay đắng mà không một ai hay. Tôi cứ cười mãi, những nụ cười vô nghĩa mà không ai ngờ. Ðời mà. Còn nơi nào diễn ra nhiều tuồng tích hơn nơi này.

 Ðời mà. Như những buổi sáng tôi thức dậy trong sự im lặng gần như tuyệt đối. Một mình. Luôn luôn một mình. Cô độc nhưng không cô đơn với người thân đã xa, nhưng lại rất gần gũi của riêng tôi, lúc nào cũng chuyện trò cùng tôi, lúc nào cũng vui tươi rực rỡ nhìn tôi như để an ủi, tiếp sức cho tôi, nâng đỡ tôi không vấp ngã. Hãy đứng vững và đi tới, chưa tới lúc đâu.
Vài năm trước, khi tôi nói với các bạn tôi rằng... các bạn đã già hết rồi... lúc đó, anh nào cũng gân cổ lên cãi rằng... chưa, lại còn cười tôi ở tuổi này mà đi trồng mít. Có nghĩa là các anh ấy còn trẻ mà tôi mới già. 

Tôi chỉ cười, không cãi. Tôi trồng cây là bởi tôi thích trồng cây, coi việc trồng trọt là một cái thú chứ không trồng để chờ ăn quả.
 Thí dụ khi bạn giúp một người nào đó là do cái Tâm bạn muốn giúp, chứ nếu nghĩ giúp người để người giúp lại mình thì chẳng thà đừng giúp.
 Vì đâu có gì bảo đảm người ta sẽ đền trả lại mình. Tôi trồng cây trong tâm trạng đó. Bây giờ mít tôi đã có trái. Bây giờ có người tôi yêu quí đã đi xa. 
Nhìn cây là nhớ người, nhìn người lại thương cây, thương mình... Tôi không kẻ thù nên đầu tự do, tóc úa là nhớ những tháng âu lo...
 Ai tôi cũng quý, không hạp thì đành xa. Buồn thì có bởi tôi không phải là thánh, nhưng giận thì không.
 Thế cho nên người nào cười với cái chết, tôi đều thương tiếc, nỗi tiếc thương tôi mang theo đến cuối đời, gặp lại nhau ở một nơi bình an hơn, ở một mảnh đất chỉ có người không có ma. 
Và lại như mọi ngày, tôi ra sau nhà ngồi với ly cà phê và điếu thuốc lá... Này đừng hút nữa, nguy hiểm lắm, chết như không..
. Vẽ chuyện, đến tuổi này " hẹn hò với trời mây" là chuyện bình thường. Hết duyên hết nợ thì... đi chứ có gì quan trọng. Số mà thoát được sao? 
Tôi thuộc loại... no water to talk... xin cứ để tôi được yên là tôi cám ơn, chứ đừng như những lọ hoa trên đầu giường của Mẹ tôi, hay những vòng hoa thật lộng lẫy muôn màu nằm khô héo ngổn ngang bên cạnh ngôi mộ vừa lấp đất, và mọi người cười nói kéo nhau ra tiệm ăn nhậu nhẹt, tán gẫu. Ðó là hình ảnh có vẻ khôi hài, một sự khôi hài thảm hại đã quá quen thuộc.
Chết là hết, cha Nam Hải bảo thế. Chỉ còn cái xác nằm đó mà thôi. Có thương tiếc thì cầu nguyện cho linh hồn mau về nơi an bình. Cha nói: cái quan trọng là lúc sống kìa. Vâng, Cha nói đúng, những việc sống tôi xem như đã làm xong, giờ phải tính cái vụ ai đi trước ai.

 Tôi mong là tôi, và tôi biết trước, tôi sẽ đi rất êm, như lúc hát xuống một nốt trầm. Êm và nhẹ. Tôi không có gì luyến tiếc cả. 
Tôi cũng không dám hy vọng ở một sự tiếc thương nào. Sẽ chỉ như một show dài hơn bình thường.
Sẽ có người bảo tôi xạo. Làm gì mà không sợ chết. Thật ra tôi cũng có sợ một tí, sợ... ngộp thở lúc đóng quan tài, sợ... nóng lúc đốt xác, chôn xuống đất thì sợ... giun.

    Sợ bao nhiêu đó thôi, chứ chết thì tôi đã thấy nhiều và lại cũng nên làm quen với nó cho khỏi “ngẩn ngơ sầu” lúc chạm mặt. 
Nói mãi về nó, nghĩ mãi về nó, bỗng dưng thấy thoải mái. 
Không dám mơ ước chốn Thiên đường nhưng cũng không hề muốn trở thành " ma chảo dầu" hay những " âm hồn bất tán" Sao bỗng dưng tôi lại thích nói về cái chết. Bởi đã có những cái chết.
 Bởi chuyện người sống ở đây chán lắm rồi. Nói ra thì sẽ... lại... khổ lắm, biết rồi, nói mãi.
  Nói chuyện người dưng để mang họa, vậy thì, chỉ nên nói về mình, nói về một " cái tôi" không giống ai và đang ở cuối đường. Nước mắt thật quý và hiếm hoi. 
 Tôi đã khóc cho nhiều người, giờ đã đến lúc tôi phải để dành nước mắt để khóc... tôi.

                                   Khánh Ly 


 

Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

Viện Dưỡng Lão Mekong




Viện dưỡng lão. Nursing home. Có thể nói đây là hai từ mà chúng ta sau này rất thường nghe trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Hay nói chính xác hơn là trong các mục tấu hài của Quang Minh/Hồng Đào hoặc Lê Tín/Kiều Oanh mà phần lớn đều nhắc đến những khía cạnh tiêu cực trong cuộc sống của những người lớn tuổi ở hải ngoại. 
Nursing home đã nghiễm nhiên trở thành một biểu tượng cho sự cô đơn, lạc lõng của các bậc cha mẹ nay đã già và không còn ai trong gia đình sẵn lòng chăm sóc. Để cuối cùng đành phải vào nursing home sống nốt cuộc đời còn lại trong buồn tủi.
Hôm tôi vào thăm khu Viện dưỡng lão Mekong ở Melbourne, có thể nói phảng phất quanh tôi và trên một phương diện nào đó, nó cũng làm cho tôi có suy nghĩ này. Nhất là khi tôi phải chạm mặt với thực tế, thấy hàng chục cụ già, người ngồi ngủ gật trên xe lăn, ông đăm chiêu suy nghĩ, bà không còn biết tự ăn, tự uống cho mình. Nó thật sự là một bức tranh ảm đạm về sự sống và cái chết.

 Về tuổi già và những hệ lụy mà ai rồi cũng sẽ phải trải qua. Có khác chăng chỉ ở mức độ, hoặc sớm hay muộn. Chứ chẳng ai sẽ thoát khỏi cảnh “sinh, lão, bệnh, tử”.
Ít khi tôi vào nhà thương. Và cũng lâu lắm rồi tôi mới có dịp trở lại thăm một khu viện dưỡng lão. Thế nhưng không lần nào nó không làm cho tôi suy nghĩ về sự hiện hữu của chúng ta trên cõi đời này.

 Và tự hỏi trong tương lai, chính tôi có sẵn sàng vui vẻ vào đây để sống nốt cuộc đời còn lại hay không?
Không như những khu viện dưỡng lão khác ở Mỹ mà tôi đã từng có dịp ghé qua, Viện dưỡng lão Mekong là nursing home đầu tiên và duy nhất ở Úc (và nghe đâu cũng là duy nhất trên toàn thế giới) dành cho người Việt và được điều hành bởi chính người Việt.

 Hôm sáng tôi vào thăm, ngoài các nhân viên văn phòng, y tá đều là người Việt, tôi còn được cho thấy những menu ăn sáng, trưa, tối đều có các món ăn Việt nam chính cống.Chỉ riêng menu breakfast của ngày 4 tháng 3 hôm tôi vào thăm đã có đến 5 món đó là: bánh mì chả trứng, oats hoặc xôi, cháo, hủ tiếu và mì hoặc miến.
 Nước uống thì có thêm sữa, hoặc sữa đậu nành, hoặc cà phê sữa. Thú thật chưa chắc là ở nhà có con cháu đầy đàn mà các cụ sẽ được chăm sóc kỹ đến độ này.
 Đấy là tôi chưa nói đến những kỹ năng chuyên môn cần thiết hay các phương tiện chăm sóc y tế hiện đại sẵn sàng 24 tiếng mỗi ngày dành cho các cụ hiện không còn thể tự chăm sóc cho mình mà ở nhà không bao giờ có được.
 Nhất là đối với những người nay đã bị tật nguyền, tàn phế, hoặc có thể dễ dàng bị té, bị thương.
Thế thì tại sao tôi lại có thể nghĩ vẫn nghĩ vơ, nghĩ một cách tiêu cực về nursing home và quãng đời còn lại của những người già mà không sớm thì muộn tôi cũng sẽ trở thành một thành viên bất đắc dĩ?
Tôi nghĩ thứ nhất đơn giản bởi vì nó liên quan đến tuổi già. Mà đã nói đến tuổi già là phải nhắc đến bệnh tật. Không chỉ ở nursing home, tôi nghĩ ít có ai vào nhà thương mà không cảm thấy chạnh lòng cho người thân của mình, cho những bệnh nhân đang nằm bên cạnh. Họ rên khi bị đau. Mỗi hơi thở đều nặng nhọc. Tất cả đem lại cho chúng ta một cảm giác không thoải mái và thể như chúng ta không còn một sự lựa chọn nào khác ngoại trừ phải chấp nhận thực tế trước mắt.
Thứ hai, tôi nghĩ đó là vì chúng ta thấy cùng một lúc nhiều cụ già khác nhau với biết bao bệnh tật, đau đớn của mỗi người. Khác với ở Việt Nam nơi phần lớn người già chung sống với con cháu nên ít khi chúng ta thấy được cảnh người nào cũng cần giúp đở, ai cũng có bệnh. Nếu có thống kê về tình trạng chăm sóc người già ở Việt Nam, tôi e rằng chưa chắc mức độ chịu đựng hay “suffering” của các cụ sẽ ít hơn ở Úc. Hay ở các nước Âu, Mỹ.
Nhưng thứ ba và tôi nghĩ đây cũng là điều quan trọng nhất đó là: tâm lý. Và đã nói đến tâm lý thì cho dù bạn có hàng trăm, hàng ngàn dữ kiện chứng minh là cuộc sống ở nursing home sẽ tốt hơn, hơn hẳn ở nhà với con cháu thì nó cũng sẽ không thể nào làm vơi đi cảm giác tủi thân của các cụ.

 Không như văn hóa và tư tưởng tự lập, tự cường từ lúc còn nhỏ của những người lớn lên ở các nước Tây phương, tôi nhận thấy ít có người Việt lớn tuổi nào thích sống riêng biệt, tự lo cho mình và hoàn toàn cảm thấy thỏa mãn, hãnh diện là mình được sống tự do, thoải mái trong đơn độc.
Và đó cũng là lý do tại sao cho đến bây giờ tâm lý của chính tôi vẫn còn dùng dằng, lấn cấn. Chính tôi cũng chẳng biết nếu được hỏi, tôi sẽ vui lòng tự vào viện dưỡng lão, hay hoàn toàn thỏa mãn cho người thân của mình vào hay không.

Thế còn bạn thì sao?

                                                                                                                  Trịnh Hội
                                                                      

Kỷ Niệm Buồn

Kỷ Niệm Buồn

Chúa-nhật tuần nào anh cũng đợi
Âm-thầm như những tháng năm dài
Chờ em nhiều lúc anh thầm hỏi
Mình đứng hoài công để đón ai ?
Ngày trước yêu vì…. duyên số định
Cho nên ngang trái vẫn thương nhau

Bởi say mê quá em liều-lĩnh
Ai biết yêu rồi… sẽ khổ đâu !
Từng chiều chúa-nhật dặn nhau chờ
Chỗ hẹn, người ta… đứng ngẩn ngơ
Hồi hộp đón nghe từng tiếng máy
Nắng hồng làm thắm má ngây thơ
Hai đứa sánh vai đi bẽn lẽn
Người xoăn tay, kẻ cắn khăn thêu
Sợ thiên hạ thấy nên thèn thẹn
Ngớ ngẩn làm sao lúc mới yêu
Nhớ những ngày vui xem chiếu bóng

Họ thì mê mải với phim hay
Chúng mình mắt khẽ nhìn nhau trộm
Rồi đánh liều tay đan lấy tay
Khung cảnh thần tiên anh nhớ mãi
Chiều mưa hai đứa rủ đi xa
Đến gian phố nhỏ dìu nhau lại
Trời đất này riêng một chúng ta
Hoa bướm ngày xưa vỡ mộng rồi
Lòng anh mãi mãi vẫn đơn côi
Những chiều chúa chật em không đến
Lạc-lõng mình anh bốn hướng trời
Hờn giận mà chi Anh biết lắm
Yêu cuồng dại chỉ để mau quên
Hôm nay chép nốt bài thơ cuối
Như kỷ-niệm-buồn gửi tặng em

Nhất Tuấn 
 
 

Vẫn Chưa Biết Bơi




.. Sinh ra và lớn lên trong thành phố đất hẹp, người đông nên khí hậu nhiệt đới oi bức luôn là hung thần đeo đuổi dân thành phố. Giấc mơ tìm đến biển để nhảy ùm xuống nước , bơi tới bơi lui, và bơi đủ kiểu: bơi ngửa, bơi xấp, bơi bướm, bơi chó, lủm bủm lỏm bỏm cho nước văng tung tóe đã in sâu trong tâm trí .
.... Gia đình chúng tôi sống trong nghịch cảnh. Bố tôi, thư sinh nghèo ( ông bà nội cũng nghèo, mù chữ, làm việc cho Sở Công Chánh : nghề quét đường!). Mẹ tôi con gái nhà quyền quý giàu có ( Ông ngọai khó tính :thầu khóan) .

 Khi biết bố mẹ tôi thương nhau và quyết định xin làm lễ kết hôn, ông ngọai không chấp nhận và từ mẹ tôi luôn, với 2 lý do: nghèo và ngọai đạo.
 Mẹ tôi theo tiếng gọi con tim nên từ tiểu thơ đài các đã trở thành cô gái nghèo khổ, tần tảo bán buôn ngòai chợ, biết gánh, biết bưng và biết cắn răng chịu đựng tiếng bấc, tiếng chì từ bên ngọai. Tôi thằng con sinh ra đời đứng ở ngả ba đường, dưới căn nhà lá lụp xụp không đủ che nắng che mưa .
 Còn nhớ những đếm mưa lớn, tôi ngồi trên chiếc giường gỗ, nhe răng cười nhìn bố mẹ chạy tới, chạy lui, lấy thau, lấy tô, chén để hứng nước mưa . 
Diện tích khiêm nhượng của căn nhà chỉ bằng 2 chiếc giường gỗ cộng lại mà sao bố mẹ tôi lại khổ như thế ! Vừa bước vào nhà là hàng gánh của mẹ tôi: cây đòn gánh và 3 cái thúng (basket). 
Tại sao lại tới 3 cái thúng?
 Vâng, mẹ tôi 2, bố tôi 1. Sau những giờ học, bố tôi cũng hào hùng bưng thúng bánh ú đi bán. Vốn nghèo nên có tính cần kiệm, tiết kiệm dầu hôi, nên khi đi bán, bố đem theo sách để ngồi đọc dưới ánh đèn vĩa hè. Có lần thấy vui, tôi hỏi xin đi bán. 
Bố chỉ nói một tiếng nhỏ, chỉ vừa đủ cho tôi nghe: 
Không con ! ... Lớn lên tôi mới hiểu ý nghĩa của câu trả lời ngắn gọn nhưng bao gồm cả bầu trời to lớn ấy. Lúc ấy tôi chỉ nghĩ rằng bố không cho đi bán chỉ vì sợ bưng thúng nặng. Tôi định nói: "Con sẽ đội trên đầu" nhưng không dám vì mắt bố đang nhìn đâu xa xăm...
...Còn nhớ có lần người giúp việc trong nhà ngoại đem đưa cho mẹ tôi miếng thịt quay. Trời ơi, thịt quay! Món ăn mà tôi chỉ thấy và chưa từng được ăn qua lần nào.

 Tôi háo hức hỏi tới hỏi lui ở đâu mà có. Mẹ tôi chỉ trả lời một câu: trên ngoại. Sau này tôi biết là cậu Út thương hoàn cảnh nghèo khó của gia đình tôi nên lén sai người đem xuống cho nhân dịp lễ lộc gì đó. Mẹ cẩn thận cắt ra từng miếng nhỏ. Nhìn miếng thịt thịt ít mở nhiều làm tôi chảy nước miếng.
 Mẹ tôi bảo hãy chờ bố về. Sao hôm đó bố tôi lâu về thế ! Rồi bố cũng về. Bố bỏ thúng bánh ú còn dăm ba cái xuống rồi nhìn vào mâm cơm dọn sẵn trên giường gỗ. Bên đĩa rau luộc như mọi ngày là đĩa thịt heo quay béo bở.
 Bố hỏi nhỏ: Ở đâu vậy em? Mẹ cũng nhỏ nhẹ trả lời: trên ngoại. Tôi thấy mặt bố buồn. Bố không ăn vì bố nói mới ăn cái bánh ú nên còn no. 
Mẹ cũng không ăn và theo chân bố bước ra ngoài. Còn tôi, vô tư, một mình một cỏi...
Thế là tôi cũng có dịp lên ngoại. Lần đầu tiên mẹ sai tôi đem nải chuối với mấy trái mận đem cho bà ngoại vì bà bị bệnh. Trước khi đi, mẹ tôi dặn dò đủ thứ. Nào phải thưa phải trình và chỉ đường chỉ lối tôi đi. 

Tôi đâu có lạ gì nhà ngoại. Nhà thằng bạn tôi cũng gần đó mà. Mẹ chải tóc tai và bắt tôi phải mặc cái áo tươm tất nhất. Tươm tất có nghĩa là chỉ vá víu vài chỗ nơi cùi chỏ. Đứng trước nhà ngoại tôi lúng túng vì chưa biết mặt ai và chẳng biết phải làm sao. Có tiếng con nhỏ ( sau này tôi biết là con một bà dì ) kêu lên:
- Ê, mày đi đâu đó mậy ?
Tôi càng thêm lúng túng. Chúng nó năm ba đưa chạy ùa ra để xem.
Tôi nói lí nhí trong miệng:
- Mẹ kêu đem chuối cho ngoại.
Con chó lớn ở đâu không biết cũng chạy đến nhe răng nhảy chồm lên sau cánh cửa sắt để hâm dọa. Bọn con dì con cậu cười rần lên không biết vì tại tôi sợ con chó hay tại tiếng ”ngoại” phát ra từ cửa miệng thằng nhỏ bẩn thỉu, nghèo hèn như tôi. Tôi cóc cần. Mẹ sai tôi đi tôi phải đúng như lời mẹ dặn. Có tiếng người lớn tuổi kêu tên một đứa trong bọn. 

Cả bọn chạy theo vào. Tôi vẫn đứng bên ngoài cánh cửa sắt với giỏ xách đựng nải chuối và mấy trái mận nhìn con chó vẫn nhe răng tỏ vẻ thiếu thiện cảm. Rồi chúng nó chạy ra bảo tôi đưa chuối cho chúng. Hai đứa xách nải chuối và mận chạy vào nhà. Mấy đứa còn lại chia nhau nắm bạc cắc quăng ra ngoài, chỗ tôi đứng. 
Tôi không mặc cảm, khom lưng xuống lượm từng xu từng cắc do chúng quăng ra. Tội gì không lấy. Tôi đem về đưa cho mẹ và kể rõ mọi chuyện. 
Mẹ ôm tôi khóc. Tôi chẳng biết ất giáp gì cũng khóc theo. Những giọt nước mắt ấy đến ngày khôn lớn tôi mới hiểu...Lần đầu tiên tôi biết bên ngoại: một căn nhà to lớn, sân rộng có cả ghế đá, có chiếc xe hơi màu đen đậu phía bên trái, có con chó dữ to lớn, có những đứa nhỏ trạc tuổi hay lớn hơn tôi quần áo bảnh bao.
 Còn người lớn tôi chưa thấy. 
Bên nội? Quen quá. Cũng nhà lá. Ông bà nội xách chổi đi làm từ sáng sớm đến khuya, đến tối mới về. Thỉnh thoảng ông bà cũng ghé qua nhà, đưa cho tôi mấy món đò chơi lật càng gãy gọng mà ông bà đã lượm hay trái mãng cầu vỏ đã thâm đen...
Lần thứ hai lên nhà ngoại thật đột ngột. Cậu Út sai người đến bảo tôi phải lên ngoại gấp. Mẹ mắc bán ngoài chợ. Bố không có nhà. Tôi theo lên liền. Không biết là ngày gì mà nhà ngoại đông người quá. Nhìn kỹ, tôi biết tiệc tùng. Tôi cũng lúng túng theo chân người làm bước qua cổng.
 Tôi lựa chỗ gần sát bên đường để ngồi. Tôi đâu có biết ai là ai. Cậu, dì, dượng, ông ngoại hay bà ngoại hay cậu Út tôi chưa từng nhìn thấy làm sao biết ! Tôi chỉ biết có đám con nít quăng tiền cho tôi lượm hôm nọ. 
 Chúng nó vẫn quần áo bảnh bao, thắt nơ, mang bí-tất trắng, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn tôi. Tôi không dám nhìn ai. Chỉ nhìn bâng quơ ra đường hay nhìn xuống đôi dép nhật màu trắng nay đã ngã sang màu cháo lòng, mòn gót, có cọng kẽm xỏ ngang để giữ vì bị đứt. Đôi dép to lớn hơn bàn chân đen đúa, mốc cời tới 2 phân.
 Chỗ tôi ngồi không có ai chung quanh nên tôi thấy bớt lúng túng. Tôi ngồi như thế cũng lâu lắm và không biết cậu Út kêu tôi lên làm gì. Mọi người vẫn ăn uống, nói cười... Tôi nghĩ tới đĩa rau muống luộc, tới mấy quả cà pháo bày trên cái giường gỗ mà phát thèm...Con chó hôm nào chạy đâu mất tiêu. Hay là nó đã xem tôi như ”người nhà” nên không sủa nữa ?
...Tiệc tàn, mọi người kéo nhau ra về. Chỉ còn lại đám con dì con cậu. Chúng nó bày trò chơi. Tôi vẫn dững dưng. Cũng giọng con nhỏ hôm nào:
- Ê, mày muốn chơi không mậy ?
Tôi thấy buồn nên gật đầu. Chúng bắt tôi phải làm trâu, làm ngựa cho chúng cỡi mới được chơi. 

Nhà giàu đặt ra nhiều luật lệ quá. Mặc kệ, ỷ sức mạnh tôi cõng chúng nó chạy vòng vòng quanh sân. Chúng nó reo hò khoái chí và thay phiên nhau leo lên lưng cho tôi cỡi. Chưa được chơi, nhưng trò chơi quái ác được kết thúc một cách đột ngột mà nay tôi vẫn còn nhớ rõ. Một đứa thấy áo tôi rách một lỗ sau lưng bèn đưa tay móc và xé toang. Trời ơi, chiếc áo tôi mặc đi học hằng ngày, gia tài của tôi ! 
 Tôi nắm cổ nó xô xuống đất. Cả đám ùa vào đánh tôi túi bụi. Tôi vùng dậy té ngồi đè lên mình một thằng. Bỗng tôi nghe sau lưng đau nhói. Tôi quay lại nhìn thấy một người cao lớn, đầu đội nón nĩ, tay cầm cây ba-tong đang chỉ vào mặt tôi:
- Cút ngay!
”Nội nội, ngoại ngoại nó đánh con !!!” ... những lời vu khống của những đứa bảnh bao con cậu con dì. Tôi lủi thủi bước ra khỏi sân nhà ngoại. Ngoại ơi, chắc khi xưa ngoại cũng nói thế khi từ và đuổi mẹ con ra khỏi nhà?

 Ngoại đánh con hay ngoại gián tiếp đánh bố mẹ con ? Chắc ngoại sẽ sung sướng lắm khi ngoại đánh con chăng ? Áo đã rách sờn vai, rách thêm một mảng nữa cũng đâu sao....
" Cha đời cái áo nhà mày. 

Mất chúng mất bạn vì mày áo ơi.."
 Dịp biết về biển và mộng mơ trở thành tay bơi lội tài ba của tôi cũng đến rất tình cờ. Cô giáo mới vừa đổi về dân gốc Vũng Tàu. Cô gieo vào đầu óc tôi những hình ảnh đẹp nhất thế gian: biển xanh, cát trắng, có hàng phi lao, có những ngọn sóng bạc đầu kéo nhau chạy xô vào bờ…
Bố mẹ tôi nghèo nên tôi chỉ biết ao ước, mơ mộng viễn vông đến nỗi nó thấm vào người tôi, kể cả trong giấc ngủ. Tôi lần mò làm quen với thằng Khải, hỏi cách bơi. Thằng này láu cá. Nó bắt tôi phải làm toán dùm cho nó suốt hơn 2 tuần mới chịu nhận làm đệ tử. Lần nào tôi hỏi nó, nó cứ nói ” Để coi !”. ” Để coi” hoài hủy tôi đâm nản. 

Nó chẳng cần gì đến tôi giúp toán vì nhà nó giàu nên có tiền đi học kèm. Tôi chuyển hướng sang con Tú. Con nhỏ này hung dữ hơn thằng Khải nên chỉ nhìn tôi bỉ thử, chẳng thèm trả lời. Tôi trở về xóm nghèo hỏi thăm sư phụ Cu Lỏi (bố mẹ tôi nghiêm cấm không cho tôi chơi với thằng này). Cu Lỏi nhà cũng nghèo như nhà tôi và chuyên hành nghề móc túi.
 Có lần tôi nghe kể là khi bị người ta rượt, bí lối, nó nhảy ùm xuống nước để bơi qua bên kia bờ. Sư phụ tận tình dạy tôi cách nín thở, quơ chân, quơ tay. Hể tay này vói tới thì chân kia cũng ”thọt” mạnh. Tôi ”thọt” mạnh thật nên bố mẹ tôi cũng phải giật mình tỉnh giấc trong đêm khuya ! 
Có đứa khi nghe thằng Lỏi chỉ dạy cũng chỏ mồm vào bảo tôi bắt chuồn chuồn cho cắn rốn. Tôi đâu có ngu. Cho nó cắn rốn chỉ có nước đau té đ…chứ sướng ích gì ! 
Tôi vẫn thường xuyên ”thao dượt” trên chiếc giường gỗ và tự cho mình đã ”thi đậu” phần lý thuyết.
 Chỉ chờ có dịp thực hành. Biển vẫn xanh, cát vẫn trắng trong lòng thơ dại của tôi…
Một sự kiện to lớn xảy ra đã làm thay đổi cuốc sống hàng ngày của chúng tôi. Bố tôi được cấp học bổng và được đi học bên Mỹ với diện nhà nghèo hiếu học gì đó tôi chẳng còn nhớ. Trời, Mỹ xa lạ và to lớn quá …

 Sau ngày bố đi, tôi năn nỉ ỉ ôi mới được mẹ cho phép thử đi bán bánh ú thay cha tôi vào buổi chiều. Tôi bưng thúng bánh ú đi bán vòng vòng trong xóm, chẳng ma nào mua. 
Tôi bưng tới chỗ mấy đứa bạn học kèm, chẳng đứa nào hưởng ứng. Ai nói nắng chiều nhè nhẹ là người đó nói dóc hay chỉ có trong lời thơ ý nhạc.
 Nắng chiều, nắng trưa, nắng sớm với tôi vẫn chỉ là hung thần làm bánh tôi mau thiêu, làm mẹ con tôi ăn bánh ú trừ cơm.
Tôi vẫn chưa biết bơi.
Dịp để thực hành bộ môn tôi sẽ đứng vào hàng số một trong tương lai cũng đã từ trên trời rớt xuống. Cậu Út (cũng cậu Út) cho người kêu tôi đi theo cậu ra nhà mát Vũng Tàu để thăm ngoại đang dưỡng bệnh và tắm biển.

 Tôi mừng quá, ba chân bốn cẳng, quên sập cửa nhà lại chạy ra chợ nói cho mẹ hay. Mẹ tôi cũng mừng, gửi gánh hàng cho mấy bà bên cạnh giữ. Hai mẹ con tất tả đi về nhà. Trên đường về, mẹ căn dặn tôi đủ điều. Nào là phải nhớ ngâm chân dưới nước cho ghẻ mau lành, dầu xanh, dầu gió…Tôi chỉ dạ dạ vâng vâng qua loa cho qua chuyện.
 Mẹ vội vàng bới cho tôi một ngăn ”gào mên” cơm, vét hết mấy con tép kho còn lại nằm trong xoong, ba bốn củ sắn, mở tủ lấy cho tôi cái quần ”xà lỏn” bông hoa đỏ chói, dúi vào giỏ xách đi chợ của mẹ.
 Tôi thưa mẹ rồi vội vã đi lên ngoại. Vừa bước vào, tôi đã thấy cậu Út ( lúc này tôi mới biết mặt, rất giống mẹ tôi, chỉ chừng mới 17, 18 tuổi gì đó). 
Cậu đang đứng trước sân. Chiếc xe ”Trắc Xông” đang nổ máy. Người tài xế đang lúi cúi làm gì phía đầu xe tôi không rõ. Cậu chỉ chiếc xe và bảo tôi lên. Trời ơi, hồi nào tới giờ tôi có đi xe hơi lần nào đâu.
 Tôi leo lên xe như một cái máy. Trên xe có 3 đứa con cậu con dì ngồi sẵn. 
Chúng nó vì thi cử nên phải ra Vũng Tàu sau. Mấy đứa kia đã ra trước từ tối hôm qua. Tụi nó không vì thi cử chắc đến Tết Ma Rốc tôi mới được đi Vũng Tàu! Chúng nó lên trước nên giành chỗ sát bên cửa kính. 
Tôi ngồi giữa, bên cạnh một con nhỏ và một thằng mặt mày sáng sủa đeo kính cận. Cậu Út ngồi phía trước. Xe chạy một hồi tôi thấy chóng mặt khó chịu, nhưng phải cắn răng chịu đựng vì chắc gì sẽ có lần thứ hai.
 Mấy đứa ngồi trong xe cứ lom lom nhìn giỏ xách đi chợ của tôi rồi nói một tràng tiếng Tây tiếng u gì đó rồi cười. Tôi đoán biết chúng nó cười gì rồi mà. Tôi nghèo nhưng đâu có ngu đần độn như chúng tưởng. Mặc kệ chúng. Tôi đưa chân kẹp sát giỏ xách lại…
Cậu Út quay mặt trừng chúng nó. Chúng nó im, nhưng rồi chứng nào tật nấy chúng nói với nhau ”cưng chòi nó ghe lẩy” bằng thứ tiếng mà tôi đứng vào hàng số một. Tiếng lái. Dĩ nhiên tôi có ghẻ, nhưng ghẻ của tôi thuộc vào ghẻ hạng sang nên đâu thèm qua ở đợ chúng nó bao giờ. 
Tôi cắn răng chịu đựng, mắt cố nhìn cảnh vật chung quanh để nuốt cái lạ mắt hai bên đường.
 Bọn trẻ đi ra Cấp thường quá nên chúng rành rỏi đến nỗi tôi phải phục. Chúng biết chỗ này bán thứ này, chỗ kia có thứ nọ, sắp sữa lên dốc, quẹo trái quẹo phải. Tôi mù mù mờ mờ, teo ruột mỗi khi xe đỗ dốc. Xe dừng lại ở Long Thành cho các cô, các cậu ăn hàng. Tôi vẫn ngồi yên trên xe.
 Cậu Út ngoắc tay bảo tôi xuống. Tôi lẽo đẽo theo sau. Chôm chôm, sầu riêng nhiều quá cở. Mấy cô mấy cậu kéo nhau đi hết chỗ này đến chỗ nọ, miếng liếng thoắng.
 Tôi vẫn lẽo đẽo theo sau. Đến trước chỗ người ta treo lủng lẳng nào nem, nào bánh, con nhỏ ngồi cạnh tôi khi nảy chỉ vào xâu bánh ú nói bằng giọng Bắc Kỳ nhão nhẹt: ”Ăn thứ này vào chỉ có ngu!”. Trời ơi, nó đã đâm trúng tim tôi bằng con dao lục nhách tẩm muối ớt ngàn năm.
 Không biết vì say xe hay hờn tủi tôi ngồi bẹp xuống đất, mặc cho chúng nó đi đâu thì đi…
 Lên xe, cậu Út đưa tôi một xâu chôm chôm. Tôi không ăn, chỉ cẩn thận bỏ vào giỏ xách…
Gần đến Vũng Tàu, tôi đã ngửi được mùi nồng nồng ngay ngáy của biển. Tôi bừng tỉnh, mắt nhìn quanh. Nhưng làm gì thấy biển. Xe chạy một hồi rồi đậu trước một căn biệt thự sang trọng, cũng có một chiếc xe hơi giống hệt chiếc xe tôi đã đi đâu trước cổng .
 Đám con cậu con dì chen nhau chạy vào nhà. Những đứa đến từ hôm trước cũng chạy ra. 
Chúng tíu tít trò chuyện. Tôi, con quạ đen xấu số đứng sớ rớ nhìn đàn công họp bạn. Cậu Út cũng bỏ đi vào nhà mất tiêu. Tôi lặng lẻ tới ngồi trên ghế đá ở góc sân chờ đợi. Một lúc sau, đám con nhà cậu nhà dì kéo nhau ra xe.
Chúng mang theo đủ thứ. Chúng tôi đi tắm biển. Tôi biết sẽ được gặp biển và được thực hành môn bơi lội. Hết đứa này đến đứa nọ leo lên cả 2 xe. 
Tôi bước đến sau nên không còn chỗ. Lúc này thiên thần Cậu Út của tôi xuất hiện. 
Cậu đến bên tôi bảo: ”Mày ở nhà !”. Thiên thần không có quyền năng nên thiên thần gãy cánh, nên thiên thần chỉ biết tuân theo lời của ông ngoại.
 Tôi rảo bước tới ngồi lại trên ghế đá, mặt buồn so nhìn lên cây đu đủ đực chẳng có hoa có trái chán phèo…
…- Tao chở mày đi tắm biển. Mày đừng nói cho ai biết nha.
- Dạ.
Tôi mừng khấp khởi và tức cười cho cậu. Tôi biết ai mà mét. Tôi hỏi nhỏ:
- Con đem theo giỏ xách được không cậu ?
- Đừng, mày có đồ tắm không ?
- Dạ có.
Tôi rút cái quần xà lỏn màu mè trong gỏ xách ra đi theo cậu. Bụng tôi đói meo nhưng không dám nói. 

Cậu đẩy chiếc xe ”mô by lét” ra khỏi nhà thật xa rồi đạp xe bảo tôi leo lên. Cậu chạy lòng vòng. Mắt tôi hoa lên. Trước mặt tôi là biển xanh ngát. Biển ơi giờ mới thấy, mới biết. Người đông nghẹt. Cậu không đi gửi xe mà lấy cái cái vòng khóa xỏ quần áo của cậu và của tôi vào rồi khóa lại, dính vô chiếc xe.
 Tôi định thay quần thì cậu đổi ý bảo tôi tắm ở truồng vì sợ người nhà thấy quần tôi ướt sinh nghi. Tôi chết điếng. Thây kệ. Ai biết tôi mà hổ thẹn. 
Cậu mở dây khóa và cho 2 cái quần tôi vào rồi khóa lại. Tôi chạy thật nhanh như gió xuống biển để nhờ biển che chở. Nước mát lạnh. 
Sóng nhẹ đánh làm tôi đứng không vững, nghiêng tới nghiêng lui.
 Tôi ôn lại bài học của Cu Lỏi. Nín hơi, nằm xuống, tay quơ, chân ”thọt” mạnh. 
Nước văng tung tóe, lủm bủm lỏm bỏm và chìm lĩm. Người chung quanh chắc không biết tôi bơi kiểu quái dị gì. Vừa ngóc đầu lên, tôi bị một ngọn sóng nhỏ ập tới. Tôi chới với, uống một ngụm nước mặn chát rát cả ngực. Cậu tôi vội chay tới kéo tôi lên …
Bỗng cậu nói hớt hải:
- Chết, mất xe rồi!
Tôi cuống quít. Cậu tôi cũng thế. Chiếc xe ”mô by lét” không cánh mà bay, đem theo quần áo của tôi luôn…
…Tôi đứng dưới nước thật lâu vì e ngại trần truồng. Nhưng rồi cũng phải lên để về nhà. 

Giấc mộng trở thành tay bơi nổi tiếng chết sớm. Hồn vía đâu mà nghĩ tới chuyện đó trong lúc này.
 Tôi chạy lửng tửng theo sau chân ”thiên thần” cậu Út không chút thẹn thùng qua bao nhiêu con đường, ngỏ nghách. 
Thiên thần mình trần trùng trục, chỉ có mỗi cái quần tắm đi trước. Lần này thiên thần không những chỉ bị gãy cánh …
Từ đó tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện bơi và vẫn chưa biết bơi …

                                                     QBD

Thứ Hai, 1 tháng 7, 2013

Khi người về -DTL




Người về đâu? - không người không về đâu
chiều chưa mưa nên chiều chưa thay màu
tôi cây me đứng rung từng lá
lá vàng rồi tôi cũng vàng theo


tình người say? - không tình người không say
đêm sắp sang nên đêm sắp ùa đầy
hồn tôi ngủ sớm trong tay áo
tay áo người bay hương ngất ngây


người yêu ai không người không yêu ai
lời tôi van xin lời tôi trải dài
trên trang nhật ký tôi than trách
tôi trách than người? - không tôi trách than ai!


khi người về tôi không nhìn không trông
lòng tôi sông nước đủ trăm dòng
quanh co một nỗi buồn vô hạn
qua suốt một đời vẫn nhớ nhung


người không về nên lòng người dửng dưng
tình tôi mong nên tình tôi khôn cùng
xế trưa sân nắng sầu con gió
tôi gió may nhiều tôi tủi thân


người thương người?
- không người không thương
tôi xa xôi nên tôi chả được gần
người kiêu sa thế tôi đành ước
vôi vữa cho người lát tuổi xuân


người không về nên tôi cũng chả buồn đi
bao nhiêu dự tính có ra gì
bèo trôi từng lớp trên lưng sóng
tôi quá chân rồi tôi giết tôi
người phương nào người có nghe nôn nao
tôi ở đây nghe lòng tôi rì rào
lá me vàng rụng con đường nhớ
tôi nghĩ về người đêm ngày tôi xanh xao


                                               1965
                                          Du Tử Lê