Trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

Tôi đi Koh Samui - Thái Lan


 Koh Samui là hòn đảo lớn thứ ba của Thái nằm trong vịnh Thailand thuộc tỉnh Surat Thani, địa danh này tôi đã list vào danh sách "must go" từ lâu nhưng cứ chần chừ mãi không thực hiện được bởi đi bằng máy bay thì quá mắc mà đi xe/ tàu rồi đi phà ra thì quá mất thời gian..

Vậy nhưng đã thích rồi mà không đi thì tôi thấy khó chịu lắm! bởi tính tôi ham đi chơi & nói thẳng ra là bị nghiền đi chơi nhác đi làm..
Từ Saigon, tôi bay đến Bangkok lúc nửa đêm... giờ đó không còn tàu về nữa nên tôi phải xếp hàng rồng rắn để chờ public taxi để về khách sạn.

 Đi chơi tiết kiệm là mệt lắm vì chỉ có những chuyến bay đêm mới thường hay có giá rẻ. Cũng vì ham đi mà ít tiền nên tôi lúc nào cũng bay giờ hắc ám là vậy.
 Đến khách sạn check in xong lên phòng tắm rửa là đã 3h sáng. Không cảm thấy mệt vì trên máy bay tôi có tranh thủ chợp mắt & giờ đó đã sắp đến giờ tôi thức dậy rồi nên tôi quyết định không ngủ nữa mà bât tivi coi phim đến sáng hôm sau dậy sớm đi ăn sáng xong dzọt lên phòng lại ngủ đến trưa trả phòng gởi hành lý lang thang đi tìm quán cafe ngồi chờ đến giờ lên tàu ra sân bay đi Samui.
    Từ Bangkok muốn đi Koh Samui chỉ có 2 đường: một là đi máy bay của hãng duy nhất đến Samui là Bangkok Airways với giá khá mắc & chỉ có những chuyến bay ban đêm là giá rẻ hơn đôi chút còn không là bay của hãng khác hay đi tàu lửa, xe bus đến Surat Thani từ đó bắt xe đến bến tàu rồi từ bến tàu đi phà ra đảo Samui mất chừng 2.5h đồng hồ hoặc hơn tùy loại tàu & tùy thời tiết...

.....Khách sạn ở Samui khá mắc. Tùy theo khu vực & tên tuổi, cấp hạng của chúng cũng mắc theo. Koh Samui có nhiều vùng khác nhau. Hòn đảo rộng trên 200km vuông này tôi đã chạy xe máy cả ngày xung quanh đảo cảm nhận nó rộng lắm. 
Tuy nhiên du khách hay tập trung nhất là khu Chaweng, Lamai & Bophut. Chaweng thì y như Kuta ở Bali hay Patong bên Phuket vậy, đó là nơi tập trung nhiều resort, khách sạn & bar pub... nhất, buổi tối thì vui hết cỡ & bãi biển cũng đẹp lắm.
 Khu Lamai có view đẹp hơn cũng là nơi có nhiều resort vách núi hơn & Bophut thì yên bình hơn chút nhưng khu Fisherman's Village của nó về đêm cũng rần rần không kém chi Chaweng cả.
Đến Samui, tôi mướn xe máy theo ngày để chạy. Xe cho mướn ở Thái bây giờ tòan xe đời mới tay ga chứ không còn nhiều xe số nữa. Từ airblade, click đến scoopy hay pcx... xe nào cũng mới toanh & cho mướn giá mỗi ngày là 250-300 baht.
 Đường sá ở Samui tôi thấy không dốc như Phuket hay Bali & chạy đã hơn nhiều vì đường khá tốt. Nếu biết lái xe hơi, tôi nghĩ mướn xe jeep chạy cũng hay nhưng cái khó là phải nhớ chạy bên trái. 
Tôi chạy xe máy lâu lâu quên chạy sang bên phải rồi giật mình khi thấy xe chạy ngược lại mới hết hồn chuyển sang phía kia.
 Mà phải nói người Thái không có thói quan bóp còi inh ỏi nên khi quên chạy ngược bên hay khi dừng lại để lật bản đồ coi đường có đứng chặn đường chạy của người ta nhưng không bị nghe tiếng còi điếc tai mà họ ra dấu chỉ mình chạy sang bên kia cho phải thôi hay tránh vào chút cho họ đi qua thôi!
Tính ra mỗi ngày tôi chạy cũng gần cả trăm cây số, cứ chạy lanh quanh mải miết, trước tiên là chạy đến những nơi tôi search trước trên mạng được cho là những điểm “must see” của Samui như Fisherman’s Village, ngôi chùa có tượng Phật ngồi to cao, ngôi chùa có tượng Phật ngàn tay hay khu bãi đá Hin Ta Hin Yai… rồi sau đó là thích đâu đi đó tùy ý… đường sá dễ chạy, bản đồ có in rõ ràng & nếu có không biết bị lạc gì thì hỏi rồi đi tiếp.

 Cứ vậy mà tôi chạy long vòng, mà ở Samui cũng hay lắm, chạy chút là có những town nhỏ có café, quán ăn, tiệm massage… nên dễ lắm!
 Dọc đường có những nơi cảnh rất đẹp & bãi biển vắng vẻ rất nên thơ. Đi trời nắng nóng nực, gặp biển đẹp nhảy xuống tắm mát xong lên đi tiếp, cứ vậy mà ngày dài qua rất nhanh.Samui là đảo nhưng du khách đến đây họ cũng mua tour đi đảo nữa đó, đó là đi qua Koh Tao nơi biển trong vắt rất đẹp cách Samui gần 2h đi canoe hay đi Koh Phangan cách Samui hơn nữa giờ canoe.
 Koh Phangan là nơi có lễ hội Full Moon nổi tiếng, nếu đến đây vào dịp Full Moon chẳng ai bỏ qua lễ hội náo nhiệt vui nhộn này.
 Koh Phangan cũng có resort khách sạn đủ thứ nhưng bên đảo ấy khá buồn ngoại trừ dịp Full Moon nên hầu như khách ở bên Samui là chính & đi tàu qua Phangan chơi xong quay về.Nghĩ ra tôi cũng rảnh… vì muốn biết tất cả những khu vực chính của Samui nên book khách sạn ở 3 nơi: Bophut, Lamai & Chaweng cho gần một tuần ở đây. Bophut phải nói là yên bình hơn hẳn Chaweng. Buổi tối đường sá vắng hoe, biển thì lúc nào cũng ít người & biển ở đây không đẹp như khu Chaweng nhưng rất lặng & cảnh đẹp. Buổi tối ở khu này tôi chạy ra khu Fisher’s Man Village để ăn tối & xem night life của khu phố nổi tiếng này.
 Chỉ một đoạn đường không dài lắm, đoạn đường bê tong nhỏ như con hẻm bên Vietnam mình nhưng hàng quán hai bên khá nhộn nhịp, 1 bên có view nhìn ra biển, gió thổi mát rượi, ghế bàn xếp dài ra bãi biển cho du khách ngồi vừa nghe nhạc, nghe tiếng song vỗ rì rào vừa ăn uống xôn xao & đặc biệt khu này hay có vụ ngắm hoàng hôn mà du khách rất khoái.
 Tôi có hai đêm ở Bo Phut sau đó dời qua Jungle Club thuộc Chaweng nhưng trên núi cao & cách Lamai cũng không mấy xa.
 Tôi biết đến Jungle Club qua một vài người bạn nước ngoài họ rất thích Jungle Club & giới thiệu tôi nếu đi Samui thì nên ở. Tôi đón xe từ Bo Phut sang Chaweng rồi từ đó đón xe tiếp đi đến ngay đầu đường đoạn rẽ vào Jungle Club gọi điện thoại cho người của Jungle Club chạy xe chuyên dụng của họ ra đón tôi vào.
 Jungle Club là khu nghỉ nhỏ, nói là resort thì chẳng phải vì nó chẳng có facility gì ngoài phòng ngủ & cái hồ bơi. Nằm cheo leo trên núi, xa cách với tất cả những gì ồn ào phía dưới nơi đây giống như cái Whale Island tôi đi hồi năm ngoái vậy. Jungle Club có chừng hơn chục phòng ngủ, nằm trên núi nhìn ra biển Chaweng xa xa.
 Đường lên dốc cao chót vót nên các loại xe thông thường không thể lên được. Trời Samui nắng chang chang, dù có gió biển nhưng vẫn nóng vậy nhưng lên đến đây rồi thì trời mát mẻ hẳn. Tôi khoái nhứt ở đây là không khí yên ả, trong lành, view nhìn ra biển ngoài xa kia xanh ngắt.
 Hồ bơi tuy nhỏ nhưng nằm ở vị trí tuyệt vời nên nó trở nên tài sản vô giá của Jungle. Nhà hàng cũng là bar, café & là quầy tiếp tân là nơi có view đẹp ngất ngây mà tôi phải thốt lên khi vừa đến. 
Những chiếc ghế màu sắc rực rỡ, những chỗ ngồi làm theo kiểu Thái thấp thấp cho du khách ngồi đó ngắm trời ngắm biển bao la yên bình khác hẳn vùng Chaweng ồn ào náo nhiệt. Tuy nhiên chỉ có những ai thích yên tĩnh thì có lẽ mới khoái nơi đây bởi nơi đây chẳng có gì cả… tivi cũng không có, internet cũng hạn chế… buổi tối vắng ngắt lặng yên như tề, muốn đi đâu phải book xe chuyên dụng đưa đi trả tiền chứ không có taxi nào tới đây được.
 Tôi không thích Chaweng vì nó ồn ào quá nhưng biển ở đây phải nói là đẹp, nước trong xanh, cát trắng phau & vô số nhà hàng, bar, resort cũng như hàng rong, cho thuê jetski dày kín khu này.
 Ở khu này du khách đông nghịt, ngày đêm gì ngừơi cũng ngập người khắp nơi & đặc biệt là khi đêm xuống là hàng quán lại lên đèn sang rực, nhạc ầm ầm từ các quán bar, club, pub vang ra… người dày như kiến trên con đường Chaweng nhộn nhịp, các tiệm ăn chưng cá tôm đầy ra thu hút du khách, vô số các tiệm massage đầy nhân viên ngồi phía trước chào mời khách vào thư giãn sau một ngày tắm biển rong chơi…
 Chưa kể là hàng loạt xe quảng cáo cho các show diễn, quán bar, club hay boxing gắn loa, chơi nhạc, panô hai bên chạy lên chạy xuống trên đường làm cho con phố them ngộp thở.
 Nhưng tôi tin là những người trẻ, những ai khoái các hoạt động về đêm sẽ mê mẩn khu này bởi họ có thể ăn chơi suốt đêm đến mãi sang sớm hôm sau. Ăn uống ở đây thì cũng dễ lắm, món Thái, món Tây Tàu fastfood gì cũng có hết… từ rẻ đến mắc giá cả có sẵn hết nên chẳng lo chém chặt gì, cứ liệu túi tiền mình mà vào nhà hàng thích hợp & gọi những món ăn thích hợp.
 Khoái nhất người Thái ở chỗ buôn bán luôn than thiện, không có chém chặt cũng chẳng mặt nặng mặt nhẹ khi mình vào quán sang mà chỉ ăn vài món bình dân rẻ tiền thôi.Samui rộng lớn, Samui náo nhiệt… cái gì cũng có & với tôi thì Samui là đẹp, là thân thiện là đầy quyến rũ & có lắm thứ để thăm chơi.
 Dĩ nhiên là tôi rất hài long với chuyến đi của mình nhưng nếu so với Boracay, Bali thì tôi có vẻ lại thiên vị cho Boracay & Bali hơn hòn đảo rộng lớn của Thái này có lẽ bởi vì Samui nặng về “du lịch” quá & Samui cứ na ná như Phuket chứ không có nét riêng để nhớ về nó như Boracay, Bali hay hòn đảo nhỏ Koh Samed… cũng có khi rằng phải chăng Samui quá ồn ào & xô bồ đối với một người già như tôi?
                                  hangnt
                           @@ tks for sharing !

Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

Một thời Velosolex


  Trong những hình ảnh được lưu lại của Sài Gòn năm xưa, hình ảnh một thiếu nữ mặc áo dài trắng đi chiếc Velosolex màu đen chạy trên đường phố, có lẽ là hình ảnh đem lại cho tôi nhiều kỷ niệm nhất, nhắc nhở lại một quãng thời gian dài đã xa, mà chính mình cũng đã gắn bó với chiếc xe này.
Sản phẩm Velosolex do hai nhà sản xuất Pháp là Maurice Goudard và Marcel Mennesson cho ra đời tại Paris năm 1946, sau khi Thế Chiến Thứ II chấm dứt.

 Velosolex đơn giản là một chiếc xe đạp với một động cơ treo trên tay lái.
Ðộng cơ có một khối kim loại cứng, hình ống, nhám để cọ xát vào lốp bánh xe trước để đẩy bánh xe đi, do vậy bánh xe trước phải luôn luôn bơm hơi căng cứng.

 Người sử dụng khởi động bằng cách đạp xe cho có trớn vài mét, xong đẩy bộ máy rời “ghi đông” để khối kim loại tròn ép sát với bánh xe.
Xe chỉ chạy với tốc độ từ 15 mph đến 20 mph, và cũng tùy thuộc mặt đường. Xe không thể lên dốc, người sử dụng phải đạp phụ.
Mỗi lần trời mưa, bánh xe bám bùn đất, Velosolex trở nên trơn trượt, rất khó khởi động, mặt khác, ổ gắn bu-gi của xe phơi ra ngoài, gặp trời mưa bị ẩm cũng khó nổ máy, do đó Velosolex chỉ dễ sử dụng trên những con đường khô ráo, bằng phẳng.
Bộ máy xe cho phép người lái treo lên tay lái, để bỏ động cơ và đạp Velo giống như bất kỳ chiếc xe đạp nào khác, trong trường hợp xe hết xăng hay máy trục trặc không nổ.
Khi một chiếc Velosolex hết thời, máy móc rệu rã, nó sẵn sàng vứt bỏ cái đầu máy thường ngày vẫn treo trước “ghi-đông” để gia nhập với hàng ngũ xe đạp “bình dân”.
Velosolex dầu sao cũng vang bóng một thời, ra đời từ năm 1946 và chính thức giã từ thế giới, tạm ngừng sản xuất tại Pháp vào năm 1988, chuyển qua Tàu và Hungary nhưng rồi cũng đi vào quá khứ, sau khi đã bán được hơn 7 triệu chiếc.
Chiếc xe Velosolex đầu tiên tôi có, mua năm 1960, sau khi ra đời, đi dạy học vài năm và chuẩn bị lập gia đình, tại một đại lý ở Huế, xe được chở từ Sài Gòn ra.
Ở Việt Nam trong thời đó thì những ai có tiền, lương cao mới có thể mua Lambretta hay Vespa, còn khả năng chỉ có khá hơn xe đạp một bậc, thì sử dụng chiếc Velosolex.

Thời giá của chiếc xe này vào năm 1960 là $8,500 trong khi lương độc thân của một công chức hạng trung khoảng $6,000.

  Ở Huế những lúc trời mưa to gió lớn, với những con đường bùn đất, đi xe Velosolex thật ra chẳng sung sướng gì, mà đôi khi còn là một cực hình khi bắt đầu khởi động cho máy nổ.
Khác hẳn với các thành phố lớn như Sài Gòn, Ðà Nẵng, đối với các tỉnh thuộc địa đầu giới tuyến sau khi chia cắt đất nước, hình ảnh chiếc Velosolex vẫn còn là cái gì rất mới lạ, nên khi bạn cỡi xe vào đường làng, phun khói trắng, có thể có những đứa trẻ tò mò chạy theo xem chiếc xe lạ lùng này.
Ba năm sau, nhận tờ giấy động viên trong tay, chiếc Velosolex chung nỗi buồn vui trong ba năm tròn phải từ giã tôi ra đi, để giúp chủ trang trải một số nợ nần.

Năm 1964, sau khi ở quân trường ra, được bổ nhiệm về một đơn vị ở Sài Gòn, thuê nhà ở khu Bình Hòa, trên chuyến xe buýt khởi hành từ rạp hát Thanh Vân-Gia Ðịnh đến Sở Thú - Sài Gòn mỗi ngày, bây giờ lại có thêm một ông chuẩn úy với bộ quân phục làm việc kaki vàng số 2, đội nón “casquette” mới tinh đi về.

Ông thiếu tá chỉ huy đơn vị thương tình anh chuẩn úy mới ra trường, phải leo xe buýt mỗi ngày, nên cho mượn tiền, để lại mua một chiếc Velosolex!
Chỉ trong vòng bốn năm, vật giá leo thang, năm 1964, cũng chiếc xe ấy đã tăng giá khoảng 30%.

Chiếc xe Velo thứ hai này cuối cùng bị đào thải trước đợt xe Honda Dame cũ, đồ thải của Nhật, được nhập vào Việt Nam, ưu tiên cho lính tráng dưới thời ông Không Quân Trần Ðỗ Cung làm tổng cục tiếp tế.
 

 Có thể nói Velosolex thuộc loại xe bình dân, không bì được với các ông bạn người Ðức mạnh mẽ như Goebel, Sachs, hay hai ông bạn người Ý hào hoa và sang trọng hơn, có mặt đồng thời là Lambretta và Vespa.
Lambretta được phổ biến đi khắp thế giới qua Pháp, Ðức, Tây Ban Nha, Ấn Ðộ, Ðài Loan, Brazil, Columbia... và có tuổi thọ khá dài.

  Vespa trông thanh lịch và dễ thương hơn, nên trong bốn năm từ 1947 đến 1950, hãng Piaggio đã bán được hơn 90 nghìn chiếc, nhưng phải chờ khi Audrey Hepburn ôm eo Gregory Peck's trên chiếc Vespa lạng lách trong thành phố Roma, trong phim Vacances Romaines (Roman Holiday,) ra đời năm 1953, thì chiếc Vespa đã trở thành nổi tiếng, bán hơn 100 nghìn chiếc ngay trong năm đó.
Dáng mảnh khảnh của những chiếc Velosolex màu đen thong dong trên đường phố với cô thiếu nữ mang đôi găng tay trắng, đội nón lá, để tà áo bay bay là hình ảnh dễ thương của Sài Gòn, của một thời sinh viên đẹp đẽ. 

 Những năm về sau khi chiến tranh càng khốc liệt, các loại xe phân khối lớn ồ ạt nhập cảng vào càng nhiều, những xa lộ được mở ra, khi ai cũng mê tốc độ, Velosolex đành chấp nhận số phận bị bỏ lại đằng sau.
 Bây giờ người ta đang muốn phục chế lại những chiếc Velosolex, Vespa của ngày xưa không phải để dùng trên đường phố mà như là một vật kỷ niệm ghi dấu một thời
Cô thiếu nữ với chiếc Velosolex trên đường phố Sài Gòn trong bức ảnh này, được chụp vào năm 1961.
Tôi đoán chừng tuổi cô ngày đó khoảng chừng 20 đến 25. Bây giờ đã trên nửa thế kỷ trôi qua, nếu còn đâu trên cõi đời này, cô đã ngoại tuổi thất tuần.
Chiếc Velosolex ngày đó chắc không còn tồn tại, nó chỉ là một bóng mờ dĩ vãng như những gì chỉ hiện diện một thời, nhưng có thể còn lưu lại trong trí nhớ của chúng ta mãi mãi.
Tục ngữ Việt Nam có câu: “Một đời ta, ba đời nó” để nói rằng đời người dài nhưng những vật sở hữu thì dễ mất mát hay hư hao.

Từ ấu thơ cho đến hôm nay, chúng ta đã dùng bao nhiêu chiếc xe, ở bao nhiêu ngôi nhà, dùng bao nhiêu đôi giày hay bộ quần áo.

Nhưng cũng có đôi khi, ngôi nhà, con đường, tấm ảnh hay trang sách còn đó, nhưng “những người muôn năm cũ” đã không còn nữa!
Không thấy thi sĩ nào đem chiếc Velosolex vào thơ, tôi đành mượn đôi lời của nhạc sĩ Ngọc Lễ viết về xe đạp, để tạm thương nhớ một thời Velosolex:

“Quay đều, quay đều, quay đều, mối tình ngày xưa yêu dấu
Quay đều, quay đều, quay đều, thương hoài những vòng xe...”


                                  
Huy Phương

                                  @@ tks t.g !!

Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

Bánh ngọt của người Nhật


Trong những năm 1930, kỹ thuật làm bánh ngọt của người Nhật đã phát triển mạnh mẽ.
 Từ những loại bánh ngọt mang đậm chất phương Tây, người Nhật đã sáng tạo những nét riêng từ nguyên liệu chế biến đến cách trình bày để cho ra đời loại bánh mới mà họ gọi là bánh ngọt Nhật Bản theo kiểu phương Tây.
Bánh Baumkuchen có nguồn gốc từ Đức, nó được làm từ bơ, trứng, đường, vani, muối và bột mì.
 Trong tiếng Đức, Baumkuchen có nghĩa là bánh khúc gỗ. 
Người Nhật rất thích loại bánh này vì nó mềm và thơm ngon.Người mang bánh Baumkuchen đến Nhật Bản lần đầu tiên là Karl Juchheim, một công dân Đức.
 Juchheim là nhà làm bánh kẹo, vào đầu những năm 1910, chàng thanh niên ngoài 20 tuổi này cùng vợ đến thành phố Thanh Đảo của Trung Quốc để kinh doanh.
Vào năm 1914, đó cũng là giai đoạn xảy ra Chiến tranh Thế giới Thứ 1, quân đội Nhật Bản và Anh đã chiếm được căn cứ hải quân ở Thanh Đảo của Đức.
 Gia đình Juchheim được đưa đến Nhật Bản như là tù nhân chiến tranh.
Sau khi chiến tranh kết thúc, Juchheim quyết định cùng gia đình định cư tại Nhật.
 Năm 1921, ông mở cửa hàng bánh ngọt ở thành phố Yokohama.
Juchheim trong vai trò là thợ làm bánh chính của cửa hàng, trong khi nhân viên giúp việc hầu hết là người Nhật.Tại cửa hàng mới này, Juchheim bắt tay vào làm bánh Baumkuchen, vốn được mệnh danh là vua của các loại bánh.
 Theo cách làm truyền thống, bột bánh được phết đều lên thanh kim loại dài đang quay liên tục trên lò nướng, lớp bột này chín thì lớp bột tiếp theo lại được quét đều lên. Cứ như thế đến khi lớp bánh cuối cùng bên ngoài chính vàng. Nhiều lớp bột bánh nối tiếp nhau tạo thành những vân hình tròn như vân gỗ nên bánh Baumkuchen được gọi là bánh khúc gỗ.
Khi công việc kinh doanh của cửa hàng thuận lợi, thì cũng là lúc xảy ra biến cố.
 Vào ngày 1/9/1923, trận động đất lịch sử có tên gọi Đại Kanto mạnh 7,9 độ richter đã phá hủy nhiều phần của thủ đô Tokyo và thành phố cảng Yokohama. 
Cửa hàng bánh của gia đình Juchheim cũng chịu chung số phận.Sau thảm họa đau buồn đó, vợ chồng Juchheim dời đến thành phố Kobe, họ mượn một số tiền lớn từ bạn bè và người thân để mở cửa hàng bánh ngọt mới.
Cửa hàng mới rất thành công, nó được nhiều người biết đến chỉ sau 1 thời gian ngắn hoạt động.
  Bánh ngọt khúc gỗ Baumkuchen tiếp tục là mặt hàng chủ lực của cửa hàng.
Khi nhu cầu thị trường quá lớn, cửa hàng buộc phải tăng sản lượng và do bánh được làm theo cách thủ công truyền thống nên thợ làm bánh phải làm việc cật lực.
Việc đánh hỗn hợp bột mì cùng các nguyên liệu khác đều làm bằng tay, người thợ phải buộc chặt tay vào cây chổi đánh bột để tạo ra một thứ bột mịn theo yêu cầu khắt khe của ông chủ cửa hàng.
 Juchheim quan niệm rằng chỉ khi nào khâu chuẩn bị nguyên liệu được thực hiện một cách nghiêm túc thì sản phẩm cuối cùng làm ra mới đạt chất lượng.
Với tâm huyết của một người làm bánh chuyên nghiệp là luôn tạo ra những chiếc bánh ngon nhất, hoàn hảo nhất, chẳng bao lâu sau, cửa hàng của gia đình Juchheim trở thành địa chỉ kinh doanh bánh ngọt danh tiếng nhất Kobe.
Khi công việc làm ăn của cửa hàng đang hanh thông thì Chiến tranh Thế giới thứ 2 nổ ra, Nhật Bản là một trong những quốc gia chủ chốt trong cuộc chiến này.
 Những năm đầu chiến tranh, cửa hàng bánh của ông Juchheim vẫn hoạt động nhưng nhiều nhân viên của cửa hàng bị buộc phải nhập ngũ.
Đến năm 1944, cuộc chiến lên đến cao trào, thành phố Kobe là mục tiêu của các vụ tấn công. Cửa hàng bánh của Juchheim ngưng hoạt động và đóng cửa do không còn khả năng sản xuất.
 Karl Juchheim mất vào ngày 14 tháng 8 năm 1945, chỉ 1 ngày trước khi Nhật Bản đầu hàng quân đồng minh, đánh dấu thời điểm kết thúc chiến tranh.
Cuộc chiến đã đi qua, là một quốc gia bại trận, nước Nhật bị tổn thất nặng nề. 
Vượt qua khó khăn, người Nhật từng bước khôi phục đất nước của họ. Sau một thời gian quay về Đức, vào những năm 1950, vợ của nhà kinh doanh bánh ngọt quá cố Juchheim trở lại Nhật Bản để mở rộng thương hiệu của chồng. Bà thành lập công ty bánh ngọt Juchheim ở Kobe.
Hơn nửa thế kỷ qua, công ty vẫn tuân thủ những quy tắc làm bánh Baumkuchen truyền thống của Đức.
 Hiện nay, bánh Baumkuchen của công ty này nằm trong số các loại bánh ngọt được ưa chuộng nhất tại Nhật.
 Sự nghiêm khắc và tâm huyết của Karl Juchheim đã giúp thực khách Nhật Bản được thưởng thức những tinh túy của Baumkuchen, vốn được mệnh danh là vua của các loại bánh. Doanh thu hàng năm hiện nay của bánh Baumkuchen tại Nhật khoảng $  345 triệu đôla Mỹ.
Khi nhu cầu của con người không dừng lại ở ăn ngon nữa mà hướng tới yếu tố thẩm mỹ thì thế giới của những chiếc bánh ngọt cũng biến tấu không ngừng. 
Với những thành phần chính là đường, chocolat  và trứng, những chiếc bánh đã và đang góp phần giúp cho cuộc sống chúng ta trở nên ngọt ngào hơn.

                                    Thanh Tâm

Thời của… Siêu @



Trước hết, con xin Cụ Trương Hán Siêu đại xá vì tội rất nhiều lần sử dụng tên của Cụ trong bài viết này.
Là hậu sinh cách thời của Cụ hơn những 650 năm nhưng con biết Cụ là bậc kỳ tài đã từng hai lần tham dự vào cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông dưới thời  cụ Trần Hưng Đạo.
 Công lao của Cụ đã được sử sách ghi tạc và rất nhiều con phố cũng được mang tên Cụ.
  Sinh thời, chắc Cụ cũng không thể nào nghĩ rằng lại có ngày lũ chắt chiu hậu thế láo lếu suốt ngày ra rả tên mình như thế.
Con cũng xin lỗi Cụ vì cái tiêu đề của bài viết này có thể làm nhiều người hiểu nhầm rằng bây giờ mới đến thời của Cụ.
 Chuyện là thế này, thưa Cụ:Cứ sáng sáng, con có thói quen vào mạng đọc báo và cứ y như rằng thế nào cũng bắt gặp tên Cụ nhan nhản trên các trang viết, nào là Siêu mẫu, Siêu sao, Siêu xe, Siêu hoa hậu ,Siêu nhẹ ,Siêu đại gia ...Khi đun nước pha trà, lại vớ ngay phải cái ấm Siêu tốc.

 Ngồi uống trà tán phét với đồng nghiệp, chúng nó lại cứ réo tên Cụ ra, thằng thì bàn tán về trận Siêu cúp bóng đá tận bên Tây Ban Nha, thằng thì kể chuyện đưa vợ đi Siêu thị, có đứa còn phấn khích lên kể cả chuyện đi massage vào hẳn phòng Siêu VIP (supervip).
 Đến giờ làm việc, lại ngồi bần thần trước cái màn hình LCD Siêu mỏng, &  gõ cái Siêu dự án mà sếp vừa tin tưởng giao cho...
 Nghĩ lại mấy cái ý tưởng trong cuộc họp giao ban sáng thứ hai đầu tuần, con phải công nhận là sếp con có những ý tưởng Siêu táo bạo và một tầm nhìn Siêu đẳng.
-Rồi chăm chú xem cuộc thi Siêu mẫu bikini ,xem show hoành tráng của Siêu sao ca nhạc Ho gà -mợ Đàm chanh chua
Tối qua, ăn cơm xong, con đang thiu thiu ngủ thì bỗng giật mình vì tiếng cô phát thanh viên nói về cái dự án Siêu... bảo tàng có dự toán lên đến $11,000 tỷ, tức tương đương với...2.200.000 con trâu, Cụ Siêu ạ!
Như thế thì đúng là quá Siêu, Cụ nhỉ?
Chỉ có điều, không biết khi xây xong, cái Siêu bảo tàng đó dùng để trưng bày cái gì, hay là để trưng bày các..
-Siêu hiện vật! 

Con thấp cổ bé họng, chẳng biết làm thế nào để cho đám hậu nhân lếu láo kia bớt réo tên Cụ.
 Thôi thì, chỉ biết cầu mong cho linh hồn Cụ Siêu thoát lên cõi Niết bàn và chẳng chấp gì cái đám hậu duệ có mắt như mù, có tai như điếc kia làm gì.

 Cứ để cho chúng tận hưởng cái thời của Siêu đi, Cụ nhỉ?

Khờ như Khạo
ký tên

                      St 

                  @@ hahaha, tks !

Ba chuyện tình


Tình Bạn : Tại sao anh khóc?
 
Một anh nọ đến gõ cửa nhà anh bạn Bedouin để nhờ vả:
“Tôi muốn anh cho tôi mượn bốn ngàn dinar vì tôi phải trả nợ. Anh giúp tôi được không?”
Anh bạn bảo vợ gom hết mọi thứ giá trị họ đang có, nhưng cũng không đủ.

 Hai vợ chồng phải đi mượn hàng xóm cho tới khi gom đủ số tiền.
Khi anh nọ đi rồi, vợ thấy chồng mình khóc.
“Sao anh lại buồn?


Giờ đến lượt hai vợ chồng mình lại nợ hàng xóm, có phải anh sợ mình không trả nợ nổi?”
“Chẳng phải vậy đâu! Anh khóc vì anh ấy là người anh rất quý mến, vậy mà anh chẳng hề biết anh ấy gặp hoạn nạn. Anh chỉ nhớ tới anh ấy khi anh ấy đến gõ cửa hỏi mượn tiền.”

Tình Mẹ : Không chịu buông tay!
    Vài năm về trước, vào một ngày mùa hè , một cậu bé quyết định đi bơi ở con sông gần nhà. 
Trời thì nóng mà nước sông thì mát, cậu mừng rỡ nhảy ào xuống, bơi ra giữa sông mà không để ý rằng một con cá sấu đang bơi lại phía sau!
Cùng lúc đó, mẹ cậu bé đang ở trong nhà và khi nhìn ra cửa sổ, bà hoảng hốt khi thấy con cá sấu tiến ngày càng gần cậu con trai hơn! 

Hoảng sợ tột độ, bà mẹ lao ra, nhanh gấp nhiều lần cậu bé khi cậu chạy đi bơi, vừa chạy, vừa hét gọi con trai.
 Nghe tiếng mẹ gọi, cậu phát hiện ra con cá sấu và bơi ngược trở lại về phía bờ. 
Nhưng quá muộn, đúng khi cậu bơi tới bờ thì cũng là lúc con cá sấu đớp được chân cậu!
 Từ trên bờ, người mẹ chậm một giây, chộp lấy cánh tay cậu. Và bắt đầu một trận kéo co không cân sức.
 Con cá sấu khoẻ hơn người mẹ rất nhiều, nhưng người mẹ còn quá nhiều tình thương và không thể buông tay.Lúc đó, một bác nông dân đi qua, nghe tiếng kêu cứu của người mẹ nên đã vội vã lấy một chiếc gậy to ra cùng chiến đấu với con cá sấu! 
Con cá sấu đành thả chân cậu bé ra .Sau hàng tuần, hàng tuần trong bệnh viện, cậu bé đã được cứu sống. 
Nhưng chân cậu có một vết sẹo rất to, trông rất khủng khiếp – bằng chứng của lần bị cá sấu tấn công.
Một phóng viên tới gặp cậu bé khi cậu đã hoàn toàn bình phục. Phóng viên này hỏi cậu bé có thể cho xem vết sẹo được không.
 Cậu bé kéo ống quần lên, để lộ vết sẹo cho phóng viên chụp ảnh.
 Và phóng viên nọ đã nói rằng vết sẹo này cậu bé sẽ không thể nào quên!- Không đâu, hãy nhìn tay cháu đã! – cậu bé nói rồi kéo tay áo lên. 
Trên tay áo của cậu là một vết sẹo to, thậm chí còn sâu hơn cùng với những vết cào xước rất đậm và kéo dài do móng tay của mẹ cậu – khi người mẹ dồn tất cả sức lực và yêu thương đễ giữ lại đứa con trai yêu quý. Cậu bé nói với phóng viên:
- Chính vết sẹo này cháu mới không bao giờ quên được! Và cháu tự hào về nó, tự hào vì mẹ cháu đã không chịu buông tay.
Trong cuộc sống những người cha – người mẹ luôn như thế đấy, họ yêu đứa con của mình bằng cả trái tim và chấp nhận hy sinh, chấp nhận đau đớn và níu giữ lấy ngay cả những hy vọng nhỏ nhoi, mong manh nhất chỉ cần đứa con mình được sống, được no đủ và êm ấm.
Bất cứ người cha, người mẹ nào cũng sẽ không bao giờ buông tay khi con mình đang ở trong tận cùng hiểm nguy. Nơi bình yên nhất, chính là trong vòng tay gia đình thân yêu!Gia đình chính là nơi bình yên và luôn dang tay che chở ta. Là nơi ta tìm về khi mệt nhòai trên con đường đời đầy rẫy chông gai.

Tình Người :
 Tiếng đóng cửa Tôi mới chuyển đến nơi ở mới, cứ gần nửa đêm đang lúc ngủ ngon, tôi bị thức giấc vì tiếng đóng cửa rất mạnh ở lầu trên và tiếng chân lộp cộp rất khó chịu.
Nhiều ngày kế tiếp nhau, vẫn tiếng đóng cửa và tiếng dép vào đúng giờ ấy khiến tôi không sao chịu nổi.
Mẹ tôi khuyên: "Thôi con à, chúng ta mới đến, con đừng vội, kẻo làm mất lòng hàng xóm".
Tôi đem chuyện ra than thở với mấy người trong xóm. Có người khuyên: "Bà và chị cố gắng chịu đựng tiếng đóng cửa đó một thời gian. Chắc sẽ không lâu đâu..."
Rồi người ấy nói tiếp: "... Nửa năm trước, người cha bị tai nạn xe qua đời; người mẹ bị ung thư, liệt giường, không đi lại được.

 Tiếng đóng cửa đó là của người con. Hoàn cảnh khá đáng thương, xin bà và chị thông cảm!
Cậu thanh niên này mới chỉ độ 16 tuổi. 

Tôi tự nhủ: "Trẻ người non dạ, cố chịu đựng thôi".
Thế nhưng, tiếng đóng cửa vẫn tiếp tục xảy ra. Tôi quyết định lên lầu nhắc nhở.
Cậu bé mở cửa, hốt hoảng xin lỗi: "Dì thứ lỗi, cháu sẽ cố gắng cẩn thận hơn..."
Thế nhưng, cứ khi tôi vừa thiu thiu giấc ngủ, tiếng đóng cửa quen thuộc lại vang lên đập vào tai tôi như thách thức.Mẹ tôi an ủi: "Ráng đi con, có lẽ nó quen rồi! Từ từ mới sửa được..."
Rồi khoảng một tháng sau, đúng như lời mẹ nói, tiếng đóng cửa đột nhiên biến mất.
Tôi nằm trên giường nín thở lắng tai nghe, tiếng khép cửa thật nhỏ, và bước chân nhẹ nhàng cẩn thận.
Tôi nói với mẹ: "Mẹ nói đúng thật!"
Nhưng tôi bỗng bất ngờ… khi thấy hai mắt mẹ tôi ngấn lệ.
Mẹ tôi nghẹn ngào nói: "Mẹ thằng bé trên lầu đã ra đi rồi, tội nghiệp thằng bé, ban ngày đi học, đêm đến quán chạy bàn.Nó cố gắng đi làm thêm để kiếm tiền chạy chữa cho mẹ, nhưng rồi bà ấy vẫn không qua khỏi

Trong tình hàng xóm, tôi sắp xếp thời gian viếng xác người phụ nữ ấy.
Cậu bé cúi thấp đầu, tiến đến gần tôi và nói: "Dì! Nhiều lần cháu làm Dì mất ngủ, cháu xin Dì tha lỗi".
Rồi cậu nói trong tiếng nấc: "Mẹ cháu mỗi ngày một yếu, nói không được, nghe không rõ, cháu đóng cửa mạnh để mẹ biết cháu đã về, có thế bà mới an tâm ngủ, Nay mẹ cháu không còn nữa, Dì ạ..."
Nghe câu chuyện, tôi bỗng cảm thấy như bị ù tai, lệ từ hai khóe mắt tôi bỗng tuôn trào ra...

Tôi thấy mình quả là vô tâm, thiếu cảm thông với hoàn cảnh của người khác.
Cảm thông là tối cần trong các mối quan hệ và lòng khoan dung là quà tặng đáng giá nhất trên đời.
Xin Bạn đừng bao giờ khép lại lòng mình,
Cầu mong cho con người chúng ta luôn hướng đến một nhịp đập trái tim quảng đại, tấm lòng vị tha, nhân ái, vượt qua những suy nghĩ tầm thường, để mặc lấy tâm tình yêu thương.
Tạo Hóa ban tặng riêng chỉ có ở "Con Người"...


                                       đhab 


                                   

Thứ Tư, 28 tháng 11, 2012

Bức tranh Úc: Đất nước

Một lần, một người cháu của tôi ở Mỹ hỏi tôi: “Ở Úc, người ta nói tiếng gì hả bác?” Mà không phải chỉ người Việt Nam. 
Một sinh viên của tôi, người Úc, sau khi tốt nghiệp, sang Mỹ làm việc một năm; về, anh kể: một số đồng nghiệp của anh, người Mỹ, ngạc nhiên hỏi: “Mày học tiếng Anh từ bao giờ mà nói tiếng Anh giỏi quá vậy?”.
Nhân dịp chính phủ Úc vừa công bố kết quả cuộc điều tra dân số toàn quốc được thực hiện vào năm 2011, tôi nghĩ cũng nên giới thiệu với bạn đọc xa gần ít nét về quê hương thứ hai của 250.000 đồng bào người Việt.Úc, Australia, xuất phát từ từ australis trong tiếng Latin, nghĩa là phía nam.
 Trước, người Tây phương xem Úc như một vùng đất vô danh ở phía nam (Terra Australis Incognita); sau, từ đầu thế kỷ 19, khi người Anh phát hiện ra Úc, họ mới bỏ chữ “vô danh” ấy đi, chỉ còn lại vùng đất phương nam (Terra Australis); và, cuối cùng, nó thành Australia.Úc, thật ra, là cả một lục địa. 
Với diện tích 7.617.930 cây số vuông, đó là lục địa nhỏ nhất trên thế giới.
 Nhưng nếu xem nó chỉ là một hòn đảo thì đó lại là hòn đảo lớn nhất trên thế giới. Các nhà nghiên cứu thường gọi Úc là một lục địa – đảo (island continent).
 Với tư cách một nước, Úc có diện tích lớn đứng hàng thứ sáu, chỉ sau Nga (16.995.800 cây số vuông), Trung Quốc (9.326.410 cây số vuông), Mỹ (9.161.923 cây số vuông), Canada (9.093.507 cây số vuông) và Brazil (8.514.215 cây số vuông).Dân số Úc, tính vào cuối tháng 3 năm 2012, có 22.596.500 người. Ở Úc có sáu tiểu bang và hai vùng lãnh thổ. Dân số ở từng nơi như sau:New South Wales     7 272.800
Victoria     5 603.100
Queensland     4 537.700
South Australia     1 650.600
Western Australia     2 410.600
Tasmania     512.100
Northern Territory     233.300
Australian Capital Territory     373.100
Australia (tổng cộng)     22 596.500

Mật độ dân cư trung bình trên mỗi cây số vuông, như vậy, là 2.9. Nhìn chung, Úc là nơi có mật độ dân cư thấp đứng hàng thứ hai trên thế giới (chỉ trên Mông Cổ và Western Sahara: cả hai đều có 2 người/km2). (Trong bảng xếp hạng mật độ dân số, Việt Nam được xếp vào hạng thứ 36, nơi có 268 người/km2.)

Tuy nhiên, phần lớn người Úc sinh sống ngoài rìa lục địa (chính giữa là sa mạc, khí hậu oi bức, hiếm khi có mưa, rất ít người ở; có nơi, như ở Northern Territory chỉ có 0.2 người/km2) nên mật độ dân số ở các thành phố cũng khá cao. Ví dụ, ở Canberra, thủ đô Úc, mật độ dân số vào năm 2008 là 147 người/cây số vuông.
 Ở Sydney, thành phố lớn nhất nước Úc, mật độ dân số, ở miền đông, lên đến 8.800 người/km2; ở miền tây, 7.900 người/km2, tức là cao hơn cả Paris (3.550 người/km2), London (5.100) và Los Angeles (2.750).
Nhìn vào các yếu tố vừa nhắc, chúng ta thấy ngay Úc có khá nhiều nghịch lý:
Thứ nhất, đất rộng nhưng người thì ít.
Thứ hai, trên diện tích mênh mông như vậy, người Úc lại thích sống chen chúc vào nhau trong các thành phố lớn khiến, một, mức độ đô thị hóa ở Úc rất cao (khoảng 90% dân số sống ở thành phố); và hai, mật độ dân cư trong các thành phố ấy cũng thuộc loại cao nhất thế giới.
Thứ ba, tuy dân số ít (đứng hàng thứ 52 trên thế giới), nhưng kinh tế của Úc lại khá mạnh (được xếp hàng thứ 13 trên thế giới, tính theo chỉ số GDP); chỉ số phát triển con người (human development index) lại càng cao (đứng hàng thứ 2 trên tổng số 187 quốc gia được tính trên thế giới; chỉ sau Đan Mạch).


Suốt cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới trong suốt gần một thập niên vừa qua, Úc là quốc gia ổn định nhất: tỉ lệ thất nghiệp vẫn ở mức khoảng 5%, tốc độ phát triển trung bình trong suốt cả 21 năm vừa qua là trên 3% (cao nhất trong tất cả các nước phát triển).Thứ tư, kinh tế của nước Úc khá cao nhưng đời sống của dân chúng thì cũng khá chật vật.
 Theo sự xếp hạng của Economist Intelligence Unit vào đầu năm 2012, hai thành phố lớn nhất của Úc, Sydney và Melbourne đều nằm trong danh sách các thành phố đắt đỏ nhất thế giới (Sydney hạng 7 và Melbourne hạng 8), chỉ sau Zurich (Thụy Sĩ), Tokyo (Nhật), Geneva (Thụy Sĩ), Osaka Kobe (Nhật), Oslo (Na Uy) và Paris (Pháp). 
 Trong vòng 10 năm qua, giá một ổ bánh mì ở Sydney tăng gần gấp đôi, giá xăng tăng gấp ba, và giá gạo tăng gấp bốn lần. Vật giá ở Sydney, nói chung, cao hơn ở thành phố New York 50% (cách đây 10 năm, nó chỉ bằng 25% ở New York!)
 Các thành phố lớn khác ở Úc, tuy không đắt đỏ bằng Sydney và Melbourne nhưng cũng nằm ở những hạng rất cao trên thế giới, ví dụ, Perth: thứ 12, Brisbane: thứ 13; và Adelaide: 17.
Tiền điện các gia đình Úc trả hàng tháng trong năm 2011 cao hơn hẳn ở Nhật, Cộng đồng Âu châu, Mỹ và Canada. Ở Úc, giá điện mỗi tiểu bang mỗi khác.
 Ở tiểu bang Nam Úc, giá mỗi kilowatt điện là 28.6 cents, mắc hàng thứ ba trên thế giới, chỉ sau Đan Mạch (31.4 cents) và Đức (28.7 cents).
 Đứng ngay sau Nam Úc là các tiểu bang New South Wales (thứ 4), Victoria (thứ 5) và Tây Úc (thứ 6):Các nhu yếu phẩm khác cũng vậy.
 Úc trồng thật nhiều chuối nhưng giá chuối ở Úc lại mắc hơn ở New Zealand, Anh, Pháp, Mỹ và ngay cả Đức, nơi không hề có kỹ nghệ trồng chuối.
 Giá một chiếc Mercedes loại sang ở Úc là$  360.000 đô la trong khi cũng chiếc xe ấy, ở Anh chỉ có  $110.000 đô la. Với số tiền mua một căn hộ (apartment) nhỏ ở Sydney hay Melbourne, người ta có thể mua một ngôi nhà khang trang ở Berlin, Houston hay Barcelona. 
Giá một cuốn Harry Potter (tập 7) bìa mềm ở Úc là $21.95 đô la; ở Canada chỉ có  $ 6.95 đô la.
Điều may mắn, như một đền bù cho chuyện đặt đỏ ấy, là, theo cuộc điều tra về sự sinh động toàn cầu (Global Liveability Survey) cũng do Economist Intelligence Unit thực hiện, trong số 10 thành phố được xem là sinh động nhất thế giới (most liveable cities), có đến bốn thành phố thuộc nước Úc:

1. Melbourne, Úc.
2. Vienna, Áo.
3. Vancouver, Canada.
4. Toronto, Canada.
5. Calgary, Canada.
5. (đồng hạng) Adelaide, Úc.
7. Sydney, Úc.ac
8. Helsinki, Phần Lan.
9. Perth, Úc.
10. Auckland, New Zealand.

Bảng xếp hạng được dựa trên cơ sở đối chiếu 140 thành phố trên thế giới theo 30 tiêu chuẩn thuộc năm hạng mục: sự ổn định (về chính trị và xã hội), sức khỏe, văn hóa và môi trường, giáo dục và cơ sở hạ tầng.

 Điểm được cho từ 1 đến 100.
 Melbourne đạt số điểm gần như tuyệt đối: 97.5. Bạn đọc có thể thắc mắc:
 Tại sao những thành phố lớn và đầy những nơi giải trí thú vị như New York, Paris hay London…không có trong bảng danh sách trên? Ban tổ chức trả lời: 
Những thành phố ấy lớn thì có lớn, vui thì có vui, nhưng lại rất khó khăn trong vấn đề di chuyển và đặc biệt, thiếu an toàn! 
                             ~~~ Nguyễn Hưng Quốc ~~
            @@  we love  Melbourne -Sidney  ,see u again !

Khi Sinh viên Sài Gòn bôn ba kiếm sống


Sinh viên tại các trường cao đẳng-đại học, ngoại trừ ngành sư phạm nhẹ nhàng hơn, phải đóng học phí hàng năm cùng các phí tổn khác do nhà trường yêu cầu khá cao; sinh viên từ các tỉnh theo học tại Sài Gòn lại còn lo phí tổn cho việc ăn ở.
   Nhiều học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học đã trúng tuyển vào các trường cao đẳng-đại học, việc theo học tại các trường này cũng còn là một vấn đề phải tiếp tục lo toan.
Chúng tôi biết không ít trường hợp học sinh giỏi, thi đậu vào trường đại học khó khăn như Ðại Học Y Dược; nhưng vì hoàn cảnh gia đình, đã không thể theo học.
Việc kiếm sống đối với sinh viên không dễ dàng; phải phù hợp, vì sinh viên còn dành thì giờ cho việc học tập.
 Chúng tôi thường gặp những sinh viên làm công việc chạy bàn trong các quán tiệm cà phê và nhà hàng lớn; số tiền kiếm được từ công việc ấy khá khiêm nhượng.
 Ðặc biệt từ khoảng nửa năm trở lại đây, tại Sài Gòn xuất hiện nhiều xe tủ kính đặt trên các lề đường của các sinh viên, để bán cà phê hoặc bánh mì.
 Các xe bán cà phê của sinh viên đều ghi bảng hiệu cà phê “Take Away”; xe bánh mì ghi hàng chữ “Hương Vị Thổ Nhĩ Kỳ.”
Hàng ngày đi ngang qua đường Bình Thới-quận 11, chúng tôi thường dừng lại chỗ đặt xe bán cà phê Take Away, phía trước một căn nhà đang mở rộng cửa. 
Tuấn, sinh viên trường Cao Ðẳng Hàng Hải và một bạn cùng trường đứng bán mỗi sáng sớm. “Chúng cháu may mắn quen biết gia đình này; nhà không buôn bán gì, nên chúng cháu có thể đặt xe bán cà phê ở trước cửa bất cứ lúc nào...” Tuấn nói.
Cái xe bày hàng chế biến “cà phê mang đi” do Tuấn và mấy bạn sinh viên cùng trường hùn hạp nhau đặt đóng xinh xắn, ghi chữ vẽ hình trang nhã; thêm tấm bảng hiệu đặt gần bên, ghi giá biểu cà phê: cà phê đá 8 ngàn đồng - cà phê sữa 10 ngàn đồng...
 Giá cả cà phê như vậy cũng rẻ như vô số hàng cà phê vỉa hè ở Sài Gòn. “Với giá như vầy, làm sao các cháu có thể bán cà phê thứ thiệt?” 
Tuấn cười nhẹ nhàng, trả lời: 

“Cà phê chúng cháu lấy mối của người quen, thứ cà phê Di Linh chánh gốc chú ạ.
 Bán cà phê như vậy chúng cháu cũng có lời chớ chẳng không, tuy chẳng lời nhiều bằng bán cà phê dỏm.”
Những buổi sáng sớm, người người đi làm, ngang qua xe bán cà phê “Take Away” của Tuấn và các bạn, dừng lại mua ly “cà phê mang đi” không ít.
 Như Tuấn cho biết, chiếc xe bán cà phê Take Away đặt trước cửa nhà của người thân quen, nên có nhiều thuận lợi. Khách uống cà phê ở Sài Gòn nhìn nhận, gần như hầu hết các điểm bán cà phê vỉa hè hiện nay đều bán một thứ gọi-là-cà-phê, nghĩa là có rất ít cà phê thứ thật, hoặc hoàn toàn không có cà phê gì cả; có lẽ chỉ là đậu nành trộn với bắp rang và cau khô tán nhuyễn.
Mới đây ngành chức năng kiểm tra chất lượng sản phẩm thành phố đã phát hiện một cơ sở tại Hóc Môn, chuyên sản xuất chế biến cà phê giả mạo với quy mô lớn, bằng một công thức độc hại: đậu nành + 15 thứ hóa chất của Trung Quốc!??
Tuấn ngao ngán cho biết, các bạn sinh viên bán cà phê Take Away hoặc bánh mì Hương Vị Thổ Nhĩ Kỳ ở các nơi trong thành phố, có thể đều phải dẹp xe nghỉ bán, hoặc dời chuyển chỗ mỗi lần có đợt dọn dẹp lòng lề đường; đặc biệt trong năm 2012, gọi là năm an toàn trật tự giao thông, họ tổ chức kiểm tra thường xuyên, gắt gao hơn nữa.


Chúng tôi hỏi thăm: “Thế lúc đi dọn dẹp lòng lề đường, họ không thông cảm, du di chút nào đối với các sinh viên?” Tuấn chỉ cười trừ, lắc đầu.
 Chúng tôi từng chứng kiến, những người có chức năng kiểm tra dọn dẹp lòng lề đường đã thẳng tay quyết liệt; họ không ngần ngại tịch thu cả xe trái cây của những người bán rong nghèo khổ, tịch thu bàn ghế của những hàng cà phê vỉa hè...
Ghé một xe bán bánh mì Hương Vị Thổ Nhĩ Kỳ, cũng trên đường Bình Thới-quận 11, thấy người mua khá đông.
 Hai sinh viên, một nam một nữ, học tại trường Cao Ðẳng Công Nghệ Phú Lâm, vừa dán tấm giấy in chữ “Cần Tuyển Nhân Viên Bán Hàng” lên trên mặt kính của xe. 
Từ lâu, bánh mì Hương Vị Thổ Nhĩ Kỳ đã có bán tại cửa hàng Như Lan, một trong những cửa hàng chế biến thực phẩm lớn bậc nhất tại Sài Gòn.
 Cô sinh viên trường cao đẳng công nghệ cắt những lát thịt nướng từ xiên thịt gắn đứng trong khung kính, sát bên vỉ nướng đỏ rực.
Hơi nóng tỏa ra từ những lát thịt nướng chín thơm; cô sinh viên đang xếp những lát thịt nướng ấy vào trong ruột ổ bánh mì.
 Với giá bán: 12-15 ngàn đồng/ổ, và với chất lượng bánh mì Hương Vị Thổ Nhĩ Kỳ do các sinh viên đứng bán, nói chung rẻ hơn giá cả tại các xe bánh mì khác, trên những vỉa hè khắp thành phố.
Anh sinh viên dán tấm giấy xong, nói với chúng tôi: “Tụi cháu còn phải dành thời gian học để thi tốt nghiệp, nên phải tuyển thêm người đứng bán hàng; chớ không phải ăn nên làm ra, buôn bán lớn lao gì đâu!”
Tháng trước, trên đường Sài Gòn lên Bảo Lộc, chúng tôi gặp anh sinh viên mãn khóa sư phạm đi bán dạo đồ gốm sứ cùng bạn.
 Mỗi người một xe gắn máy “Honda Trung Quốc nhái xe Nhật Bản,” mỗi xe buộc ràng kỹ lưỡng 3 chiếc độc bình có chiều cao gần một mét, nặng khoảng 5-6 chục kí-lô/chiếc.
Lúc dừng nghỉ giải khát, chúng tôi hỏi thăm, được biết anh sinh viên đã từng thi đậu vào hai trường đại học:
 Y Dược và Sư Phạm.
 Nhà nghèo, anh không thể theo học tại trường Ðại Học Y Dược, nên đã vào học tại trường Ðại Học Sư Phạm. Nhưng từ khi tốt nghiệp Ðại Học Sư Phạm tới nay, đã gần một năm vẫn chưa được bổ nhiệm về dạy học tại một trường nào, kể cả trường học ở vùng sâu vùng xa.
“Con biết làm gì để sinh sống bây giờ.
 Ðành dốc sức lao động, chở những chiếc độc bình này, mua được với ‘giá hữu nghị’ tại cơ sở sản xuất đồ gốm sứ của người bà con tại Bình Dương, đi bán dạo. Bán được một chiếc độc bình cỡ này, tụi con cũng có thể lời vài trăm ngàn đồng.”

                                   Nguyễn Ðạt-NV

Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012

Từ Bi Với Mình

 Ngậm ngùi bởi tiếc nuối tuổi trẻ đã trôi qua lúc nào không hay ! Ngậm ngùi phải chi hồi đó thế này thế khác… Hình như ta chẳng bao giờ thực sống.
 Lúc còn trẻ, ta mơ ước tương lai, sống cho tương lai. 
Nghĩ rằng phải đạt cái này cái nọ, có được cái kia cái khác mới là sống.
 Khi có tuổi, khi đã có được cái này cái nọ, cái kia cái khác thì ta lại sống cho quá khứ ! Nhỏ mong cho mau lớn, lớn mong cho nhỏ lại.
 Quả là lý thú ! Tóm lại, ta chẳng biết quý những giây phút hiện tại.
Từ ngày “thế giới phẳng”, ta còn sống với đời sống ảo. Ta ngồi đây với bạn nhưng chuyện trò với một người nào khác, cười đùa, nhăn nhó, giận dữ, âu yếm với một người nào khác ở nơi xa.

 Khi bắt lại câu chuyện thì nhiều khi đã lỡ nhịp !
 Hiểu ra những điều tầm thường đó, tôi biết quý thời gian hơn, quý phút giây hiện tại, ở đây và bây giờ hơn.
 Nhờ vậy mà không có thì giờ cho già nữa !
 Hiện tại thì không có già, không có trẻ, không có quá khứ vị lai.
 Dĩ nhiên, không phải trốn chạy già mà hiểu nó, chấp nhận nó, thưởng thức nó.
 Khi biết “enjoy” nó thì quả có nhiều điều thú vị để phát hiện, để khám phá.
Một người 60, tiếc mãi tuổi 45 của mình, thì khi 75, họ sẽ tiếc mãi tuổi 60, rồi khi 80, họ sẽ càng tiếc 75 !

 Vậy sao ta đang ở cái tuổi tuyệt vời nhất của mình lại không yêu thích nó đi, sao cứ phải….nguyền rủa, bất mãn với nó.
 Có phải tội nghiệp nó không ?
 Ta đang ở cái tuổi nào thì nhất định tuổi đó phải là tuổi đẹp nhất rồi, không thể có tuổi nào đẹp hơn nữa!

                         
Ta cũng có thể gạt gẫm mình chút đỉnh như đi giải phẫu thẩm mỹ chẳng hạn. Xóa chỗ này, bơm chỗ nọ, lóc chỗ kia. Nhưng nhức mỏi vẫn cứ nhức mỏi, loãng xương vẫn cứ loãng xương, tim mạch vẫn cứ tim mạch… 
Cơ thể ta cứ tiến triển theo một “lộ trình” đã được vạch sãn của nó, không cần biết có ta !
 Mà hình như, càng nguyền rủa, càng bất mãn với nó, nó càng làm dữ. Trái lại nếu biết thương yêu nó, chiều chuộng nó một chút, biết cách cho nó ăn, cho nó nghỉ, biết cách làm cho xương nó cứng cáp, làm cho mạch máu nó thông thoáng, làm cho các khớp nó trơn tru thì nó cũng sẽ tử tế với ta hơn. 
Anh chàng Alexis Zorba nói: “Cũng phải chăm nom đến thân thể nữa chứ, hãy thương nó một chút. Cho nó ăn với. Cho nó nghỉ với. Đó là con lừa kéo xe của ta, nếu không cho nó ăn, nó nghỉ, nó sẽ bỏ rơi mình ngang xương giữa đường cho mà coi” 
 (Nikos Kazantzaki).
Từ ngày biết thương “con lừa” của mình hơn, tử tế với nó hơn, thì có vẻ tôi… cũng khác tôi xưa.

 Tôi biết cho con lừa của mình ăn khi đói, không ép nó ăn lúc đang no, không cần phải cười cười nói nói trong lúc ăn. Món gì khoái khẩu thì ăn, chay mặn gì cũng tốt
 Cá khô, mắm ruốc gì cũng được, miễn là đừng nhiều muối quá !
 Một người cô tôi mắc bệnh “ăn không được”, “ăn không biết ngon” vậy mà vẫn béo phì, đi không nổi, là bởi vì các con thương bà quá, mua toàn sữa Mỹ mắc tiền cho uống! Sữa giàu năng lượng, nhiều chất béo bổ quá, làm sao còn có thể ăn ngon, làm sao không béo phì cho được? Giá nghèo một chút còn hay hơn! 
Cá kho quẹt, rau muống mà tốt, miễn bà ăn thấy ngon, thấy sướng! 
Tôi cũng biết cho con lừa của mình ngủ hơn. Ngủ đầy giấc, đủ giấc. Ngủ đủ giấc là cơ hội tốt nhất cho các tế bào não phục hồi, như sạc pin vậy. Sạc không đủ mà đòi pin ngon lành sao được!
Bảy trăm năm trước, Trần Nhân Tông viết: 

Cơ tắc xan hề khốn tắc miên!
 (Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền!)
 trong bài Cư trần lạc đạo, (ở đời mà vui đạo)!
 Ông là vị vua nhà Trần sớm nhường ngôi cho con, lên tu ở núi Yên Tử, Tổ sư thiền phái Trúc Lâm.
 Tu hành như vậy mà khi quân Nguyên xâm lấn nước ta, ông liền xuống núi, ra tay dẹp giặc, xong, phủi tay lên núi tu tiếp!
Mỗi người có đồng hồ sinh học của riêng mình, không ai giống ai, như vân tay vậy, cho nên không cần bắt chước, chỉ cần lắng nghe mình.
 Phương pháp này, phương pháp nọ của người này người kia bày vẽ chẳng qua cũng chỉ để tham khảo, nắm lấy nguyên tắc chung thôi, rồi áp dụng vào hoàn cảnh riêng cụCũng nhớ rằng tới tuổi nào đó, tai ta sẽ bắt đầu kém nhạy, mắt bắt đầu kém tinh, đấu óc bắt đầu kém sắc sảo. Tai kém nhạy để bớt nghe những điều chướng tai.
 Mắt kém tinh để bớt thấy những điều gai mắt. Đầu óc cứ sắc sảo hoài ai chịu cho nổi!
 Tuy vậy, tai kém mà muốn nghe gì thì nghe, không thì đóng lại; mắt kém mà muốn thấy gì thì thấy, không thì khép lại. 
Thế là “căn” hết tiếp xúc được với “trần”.
 Tự dưng không tu hành gì cả mà cũng như tu, cũng thực tập ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm!
Rồi một hôm đẹp trời nào đó ta còn có thể phát hiện mắt mình chẳng những nhìn kém mà còn thấy những ngôi sao lấm chấm, những lốm đốm hoa trên bầu trời trong xanh vời vợi kia.

 Nếu không phải do một thứ bệnh mắt nào đó thì đây hẳn là hiện tượng thoái hóa của tuổi già, nói nôm na là xài lâu quá, hết thời hạn bảo hành.
 Cái mà người xưa gọi là “hoa đốm hư không” chính là nó. Tưởng hoa đốm của trời, ai dè trong mắt mình!
 Chỉnh cái “tưởng” của ta nhiều khi làm hại ta.
 Biết vậy ta bớt mất thì giờ cho những cuộc tranh tụng, bớt tiêu hao năng lượng vào những chuyện hơn thua.
 Dĩ nhiên có những chuyện phải ra ngô ra khoai, nhưng cái cách cũng đã khác, cái nhìn đã khác, biết tôn trọng ý kiến người khác, biết chấp nhận và nhìn lại mình.
Khi 20 tuổi người ta băn khoăn lo lắng không biết người khác nghĩ gì về mình.

 Đến 40 thì ai nghĩ gì mặc họ. Đến 60 mới biết chả có ai nghĩ gì về mình cả! 
Tóm lại, chấp nhận mình là mình và từ bi với mình một chút. Nhưng muốn vậy, phải… chuyển đổi cách thở.
 Thở ư? Đúng vậy! Một bác sĩ có thể biết rất nhiều về bộ máy hô hấp, về cơ thể học, sinh lý học, bệnh lý học của bộ máy hô hấp nhưng chưa chắc đã biết thở!
                          Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc
                         @@,tks t/g  !