Thỉnh thoảng, vài ngày lại nghe tiếng còi hụ của cảnh sát inh ỏi đến nơi để giải quyết các vụ xô xát, cãi cọ, tai nạn...
Hoàng làm đêm, ban ngày cần ngủ để lấy sức đi làm mà cứ bị thức giấc hoài khiến lúc nào chàng cũng cau có, gắt gỏng....
Hôm nay, tiếng còi hụ khiến Hoàng lại tựa cửa nhìn sang nhà bên cạnh: hai vợ chồng người Mỹ đen đánh nhau... Hoàng đứng nhìn cho tới khi người chồng bị còng tay đẩy lên xe mới định vào dỗ tiếp giấc ngủ.
Bỗng bên kia đường, một chiếc xe vận tải đổ lại, một người đàn ông trung niên gốc Á đông bước xuống, kế bên là hai người Mỹ trắng....
Hoàng cố nhìn kỹ và đoán thầm người đàn ông Á đông kia không là Việt Nam cũng là người Hoa. Họ đến mở cửa sau ra, và từ từ hạ những thùng lớn trên xe xuống. Lúc ấy Hoàng mới vỡ lẽ ra họ sắp sửa dọn vào căn nhà mà từ mấy tháng nay chàng thấy họ treo bảng bán. Hoàng ngáp dài, quyết định vào phòng tìm lại giấc ngủ..
Chừng hai tuần lễ sau, khi chàng vừa ra xe chuẩn bị đi làm thì gặp bà Lâm cạnh nhà cho biết căn nhà treo bảng bán có người Việt Nam ở rồi. Hoàng hỏi bà Lâm cho có chuyện:.
- Ổng ở một mình hay có ai nữa?.
- Ủ, ổng nói có người con gái mới theo chồng đi xa, ổng ở miền Bắc một mình buồn quá nên bán nhà tìm về đây cho ấm. Ổng mua trả dứt đó cậu, thiệt, họ sao mà giàu quá....
Hoàng cười:
- Bán nhà miền Bắc cả trăm ngàn, về đây chi vài chục trong cái xóm cà tàng này đâu có khó gì thím!. Bỗng ông Lâm từ xa đi lại, thấy vợ và Hoàng đứng nói chuyện, ông bắt tay Hoàng và nói với vợ: - Gì nữa đó? Chắc bà lại kể chuyện ông Việt Nam mới tới mua nhà trả hết tiền nhà một lúc chứ gì? Tôi đã nói kệ người ta; bà đi đâu cũng kể hết! Hoàng cười trấn an ông Lâm: - Đâu có chú, tôi với thím nói chuyện tầm phào cho vui mà! Thôi xin lỗi chú thím, hôm nào rãnh gặp nhau sau, giờ tôi phải đi làm đã!.
Hai ông bà từ giã Hoàng rồi bước đi. Hôm sau, có lẽ bà Lâm canh Hoàng hay sao mà Hoàng vừa ra xe đi làm thì bà Lâm từ xa bước nhanh đến, vừa thở vừa kể:
- Cậu Hoàng ơi! Cậu Hoàng, cái ông Việt Nam mới dọn tới, hình như ổng "bị mát dây" thì phải..
Hoàng vừa mở cửa xe vừa hỏi: - Sao thím biết?.
- Trời ơi! Đâu phải một mình tui. Hôm qua cả ba, bốn người đều nói ổng như vậy hết..
- Bộ thím có tiếp xúc với ổng rồi sao?
- Ủ! Hôm qua đám tụi tôi mấy người kéo tới thăm ổng, nói là hàng xóm. Ổng mời vô nhà chơi, rót nước mời uống đàng hoàng mà ngộ lắm. Ổng nói chuyện thì bình thường, nhưng có điều lạ lùng là ổng để cái tủ kính thật đẹp, ở trong chỉ treo chiếc áo đàn ông, đặt chình ình nơi phòng khách. Tụi tui lấy làm lạ mà không ai dám hỏi hết. Rồi thấy ổng vui vẻ, thím Việt mới hỏi. Ai ngờ ổng nổi quạu lên, đuổi khéo tụi tui đi hết....
Thấy bà Lâm dài dòng quá, Hoàng phải cắt ngang: - Thôi tôi đi làm kẻo trễ, bữa khác gặp thím sau..
Trên đường đến sở, Hoàng cũng không tránh khỏi thắc mắc với câu chuyện bà Lâm kể. Chàng lắc đầu, thầm nhủ: - Mình là đàn ông con trai còn lấy làm lạ huống gì mấy bà!
Cũng có thể ông ta sưu tầm được chiếc áo... cổ hay của một tài tử hay danh ca nào đó.. Đã ba tháng trôi đi, Hoàng cũng chưa có dịp để gặp người đàn ông mới đến. Hôm nay, ngày nghỉ, chàng định bụng sẽ sang thăm ông ta một lần.
Nhưng chưa kịp đi thì điện thoại của cô em gái họ nhắc chàng qua Canada dự đám hỏi cô ta. Chàng lại phải đi phố sắm sửa quần áo mới và mua đôi giày mới để chuẩn bị cho tuần sau đi Canada. Vậy là Hoàng cũng chưa đi thăm được người hàng xóm mới..
Một tuần lễ ở Canada, Hoàng có dịp gặp lại cô em gái họ để nhắc nhở đến những người thân yêu ở Việt Nam một cách thoải mái... Ở đây cảnh vật đẹp đẽ, sang trọng nhưng sao Hoàng cứ nghĩ ngợi đến cái "xóm nghèo" ở Mỹ của mình..
Ngày từ giã cô em họ, chàng bùi ngùi xúc động; chàng thành thật mong cô em có dịp sang Mỹ đến nhà chàng ở lại. Hoàng trở về "xóm nghèo" của mình với lòng rộn rã, và chàng cảm nhận được chàng nhớ "nó" vô cùng.
Khi chàng vừa về tới, chỉ thoáng chốc là thấy vợ chồng thím Lâm, vợ chồng chú thím Việt và hai người Mỹ cạnh nhà sang thăm hỏi. Chàng lấy mấy cái bánh su- xê của cô em gửi cho để làm quà cho họ....
Sau vài câu thăm hỏi thông thường, mọi người kéo nhau ra về. Chàng tắm rửa vội vàng, nằm xem ti vi một cách thoải mái, định bụng chốc nữa sang thăm ông Việt Nam mới tới. Đang theo dõi cốt truyện hấp dẫn trong ti vi, bỗng có tiếng chuông vang lên trước cửa. Hoàng vội xỏ đội dép ra mở cửa thì thấy một người đàn ông trung niên, tóc hoa râm, nhìn chàng cười thân thiện:.
- Xin lỗi đã làm phiền cậu, tôi là Bằng ở bên kia đường, mới dọn tới. Hôm nay, không hiểu sao cái điện thoại của tôi từ hồi trưa đến giờ không dùng được. Nhờ cậu xem giùm điện thoại nhà cậu có bị vậy không?.Hoàng mở rộng cửa và bảo: - Mời chú vô nhà ngồi chơi một chút, để tôi xem sao. Tôi cũng mới đi xa về chưa dùng tới nên không biết..
Rồi chàng đến bàn cầm điện thoại lên nghe ngóng. Đặt máy xuống, chàng lắc đầu:.
- Cũng im re! Chắc cả xóm đều bị như vậy. Chú ngồi chờ tôi chạy sang bên cạnh hỏi thăm thử xem nghe..
Ông Bằng đưa tay cản lại:
- Thôi khỏi! Nếu vậy chắc là cả khu vực này rồi..
Và không đợi Hoàng mời, ông bằng ngồi xuống ghế bảo:.
- Cậu tới ở đây lâu chưa? - Dạ, khoảng 5 năm ạ! Còn chú dọn đến một mình hay còn ai nữa?
- Tôi tới một mình thôi. Vợ tôi mất 4 năm hơn rồi. Có đứa con gái vừa gả chồng xong; ở một mình miền Bắc buồn quá, khí hậu lại lạnh nên tìm về đây cho ấm. À, tôi ngồi nãy giờ hơi lâu có làm phiền cậu không?
Hoàng vội xua tay và thay đổi cách xưng hô:
- Dạ không, không đâu! Mấy tháng nay chú tới ở xóm này, cháu định qua chào hỏi mà chưa có dịp nay, chú tới trước cháu mừng lắm.
Hoàng định nói qua chuyện bàn tán ở trong xóm về cái áo gì đó nhưng ngăn lại vì cảm thấy bất tiện.
Nói vu vơ một lúc thì Hoàng biết ông Bằng về đây an hưởng tuổi già với cái job dạy học cho những người ngoại quốc yếu sinh ngữ với đồng lương rất thấp. Cuối cùng, ông Bằng kết luận:
- Già rồi! Sống tạm qua ngày thôi, sự thật tôi cũng chẳng thiết tha gì nữa cậu ạ...
Rồi bắt tay Hoàng để về. Ông trao số điện thoại và xin lại số của Hoàng để ai dùng điện thoại được thì báo cho người kia. Và ông cũng mời Hoàng hôm nào rảnh sang chơi. Hoàng mừng lắm vì ý định chưa thực hiện nay sắp được toại nguyện.
Cuối tuần ấy, Hoàng được ông Bằng mời sang dùng cơm tối. Hoàng vui vẻ nhận lời. Mới 3 giờ chiều Hoàng đã quần áo chỉnh tề, ghé chợ Việt Nam mua một con vịt quay và một xách bia ghé nhà ông Bằng. Ông vui vẻ mời Hoàng vào nhà, vừa ngồi xuống ghế, sau khi trao hộp thịt vịt và xách bia cho ông Bằng, Hoàng đã đưa mắt nhìn bao quát nhưng thật sự chàng nhìn hơi lâu vào tủ kính đặt giữa nhà. Ông Bằng cười, dợm bước vào trong rồi bảo:
- Cậu bày đặt quá đi! Có điều tôi cũng bỏ ra một dĩa nhỏ cho vui, còn bao nhiêu cậu cầm về ngày mai mà ăn. Tôi nấu nồi cà ri vịt ngon lắm, cậu muốn ăn bún hay bánh mì đều có hết.
Thôi, cậu ngồi nghỉ đó một chút; tôi vào dọn liền ăn nóng cho ngon.
Rồi ông khuất vào trong không đợi Hoàng trả lời. Hoàng tự do nhìn cái tủ kính. Chàng ngạc nhiên vì cái áo chemise xanh nhạt tầm thường, cổ hơi sờn và hai vạt áo phía trước nửa thẳng, nửa nhăn; chiếc áo được gắn bằng kim găm bên trong vào mặt gỗ.
Chàng cố gắng tìm tòi có gì lạ nơi chiếc áo này và chàng cũng không khỏi nhủ thầm: “Thảo nào mấy bà trong xóm thắc mắc cũng phải!".
Tiếng chân ông Bằng rõ dần, ông cười hỉ hả:
- Thôi, cậu vô làm đại kẻo đói. Tôi cũng đói lắm rồi, buổi sáng chỉ uống ly cà phê và ăn cái bánh ngọt tới giờ này đó thôi!
Hoàng theo ông vào bếp. Chiếc bàn chữ nhật đã được bày biện rất khéo léo, trông thật ngon lành. Buổi ăn xong, Hoàng thành thật:
- Chú nấu cà ri ngon quá! - Con gái tôi nó ghi lại cách thức cho tôi đó. Nó chỉ cho tôi đủ món cả. Nó nói mấy món ruột của tôi nó hết nấu cho tôi được rồi nên ghi lại lúc nào thèm thì tự nấu mà ăn...
Thấy Hoàng thu dọn chén bát, ông Bằng vội bảo:
- Để đó tôi, mai còn nghỉ lo gì! Lâu lâu cậu qua chơi, mình nói chuyện cho vui.
Rồi ông cầm tay Hoàng kéo lên phòng khách. Ngồi lọt lõm trong ghế sofa, Hoàng giả vờ như vừa khám phá ra điều gì, hỏi ngay:
- Ủa! Chú treo cái áo gì trong tủ vậy?
Chú sưu tầm đồ cổ hả? Ông Bằng cười giòn: - Cổ khỉ khô gì dâu! Cái áo của tôi đó!
Hoàng ngạc nhiên: - Áo chú? Vậy chú treo áo chú ở đó làm gì?
Ông Bằng thở dài: - Hôm nọ, mấy bà trong xóm kéo nhau đến thăm tôi cũng có thắc mắc nhưng đang có chuyện bực mình nên tôi không nói gì hết. Nay cậu tới chơi, thôi thì tôi cũng kể sơ cho cậu nghe.
Rồi ông lui cui vô bếp, đem bình trà nóng và hai cái tách lên, rót cho Hoàng một ly rồi hỏi:
- Cậu muốn nghe không? Hay thôi, về nghỉ kẻo khuya rồi. Bữa nào sang chơi tôi kể cũng được.
Hoàng càng lúc càng to mò nên nói ngay:
- Ngày mai cháu còn nghỉ, chú kể cho cháu nghe đi!
Ông Bằng ngồi xuống cạnh Hoàng, hớp một hớp trà lấy giọng, ông cất tiếng lên với giọng trầm ấm, thu hút, Hoàng lắng nghe với tất cả chăm chú:
- Đây là cái áo của tôi, do vợ tôi mua cho tôi nhân dịp Giáng Sinh đầu tiên trên đất Mỹ với những đồng tiền bà đã chắt chiu dành dụm khi vừa đến Mỹ.
Bà đã đi xúc tuyết cho mấy nhà kế cạnh thuê để lấy tiền. Về sau, tôi một thời gian nhờ có chút vốn liếng Anh Văn nên đi dạy giúp cho những người kém sinh ngữ, bả mới nhàn nhã được một chút. Nuôi đứa con gái cho học ra 4 năm cũng khổ lắm, may mà nó lấy được thằng chồng đàng hoàng nên tôi mới yên lòng bán căn nhà ở miền Bắc về đây đó chứ...
-Ủa! Sao tôi lại đi lạc đề rồi. Trở lại cái áo thì lúc đó vì tôi đi dạy học nên quần áo lúc nào cũng ủi rất thẳng thớm cho tôi. Bả đảm đang, vén khéo nhà cửa lúc nào cũng tươm tất hết.
Có một thời gian bả cứ than mệt, tôi cứ nghĩ vì làm việc nhiều nên mệt, khuyên bả nghỉ ngơi bớt.
Rồi một buổi tối, tôi đang ngồi soạn bài cho học sinh, nghe bà xã tôi thét lên một tiếng ở phòng ngủ.
Tôi vội vứt viết, chạy vào thì thấy bả đang nằm ụp người xuống đất. Bà đang ủi quần áo, đèn bàn ủi còn đỏ, tôi vội rút điện ra vì nghĩ bả bị điện giật, gọi ngay 911. Khi xe cứu thương vừa tới thì bả đã tắt thở vì bịnh tim, cứu không được.
Chôn cất bà xã tôi xong, tôi mới nhìn lại căn phòng ngủ bừa bộn của tôi.
Lúc ấy tôi mới thấy cái bàn để ủi đồ còn cái áo chemise này đang ủi dở dang nằm vắt vẻo nửa trên nửa dưới.
Tôi òa lên khóc tức tưởi vì nhớ tới bả. Tôi khóc mấy năm nay rồi, và cái áo này tôi đã thuê thợ làm cho tôi cái tủ kính, suốt đời không bao giờ lấy áo ra được vì thợ đã hàn kín cái tủ rồi!
Tôi tin chắc tới chết tôi cũng không bao giờ có ai yêu thương tôi như bả...
Đời tôi đã thực sự mất đi ánh sáng rồi cậu ạ! Và tôi tự nguyện với lòng mãi mãi không bao giờ yêu ai để giữ tròn lời hứa khi chúng tôi vừa yêu nhau...
Ông Bằng nói một mạch và giọng ông mỗi lúc mỗi khàn đi, mái tóc hoa râm của ông rung lên, ông lại khóc...
Bỗng dưng Hoàng nghe tay mình nóng hổi. Thì ra nước mắt của chàng cũng rơi tự bao giờ. Hoàng xích sát lại gần ông Bằng đặt tay lên vai ông an ủi:
- Thưa chú, chú đừng buồn nữa.
Cháu rất tiếc là cháu không phải văn sĩ để viết thay cho chú mà ca tụng mối tình tuyệt đẹp này!
Ông không đáp lời Hoàng, tiếng khóc càng lúc càng nghẹn lại.
Chờ ông khóc một hồi cho khuây khỏa, chàng mới lên tiếng từ giã.
Lúc ấy ông mới nén tiếng khóc, đưa tay quệt nước mắt, gượng cười đi xuống bếp lấy hộp thịt vịt còn lại trao cho Hoàng. Bắt tay từ giã, ông đi trước mở cửa cho chàng.
Một luồng gió lạnh tạt ngang, trời đen như mực. Ông Bằng thốt lên: - Trời ơi! Lạnh quá!
Hoàng thấu hiểu cái lạnh buốt tim của ông lúc này. Hoàng bước vội đi, quay nhìn lại vẫn còn thấy ông đứng sững nơi cửa.
Hoàng nói thật lớn:
- Chú vô kẻo lạnh! Chú bệnh không ai chăm sóc chú đâu, mà bên kia thế giới thím cũng buồn nữa đó! Vô đi!
Không biết ông có nghe Hoàng nói gì không nhưng Hoàng cũng thấy cửa từ từ khép lại.
Ánh sáng đã thực sự mất hẳn nơi hành lang...
Ái Khanh