Trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013

Làm Rể Xứ Huế





Ngày tôi quen O Điểm thì O mới học xong lớp 10.
Năm đó, chị của O có cái quán cà phê Thượng Uyển trong Đà Nẵng nên mùa hè O vào giúp chị.

 Tôi xăng xái xin làm gia sư. Mới được hơn một tháng thì O Điểm "bỏ bùa" cho tôi. Hết hè, O trở lại Huế đi học thì rời trường Thành Nội mà qua Đồng Khánh.
 Tôi xin biệt phái đi theo trực thăng tản thương đêm trong Mang Cá (Tổng Y Viện Nguyễn Tri Phương) và ban ngày đi học nơi trường Luật, học cho vui và để lấy le thôi, chứ tôi học dốt lắm.
Những lần rủ O trốn học đi chơi ở đồi Thiên An, hay lên các lăng tẩm là những ngày vui không bao giờ chúng tôi quên được. 
Hai đứa cũng tránh không lên chùa Thiên Mụ vì nghe nói cặp nào đưa nhau lên nơi linh thiêng đó thì thế nào cuộc tình cũng tan vỡ.
Chuyện tình Romeo và Juliet (hay Rô bi nê và Toa lét) của O và tôi lắm nỗi thăng trầm là vì O bên Lương, còn tôi bên Đạo.Ông Nhạc gia tôi hồi đó không chịu gả O là vì tôi khác đạo, con nhà làm ruộng, lại nữa ông có thành kiến với người Bắc, chắc ông nghe người ta nói nhiều về con trai Bắc Kỳ thường đểu.
Nhưng tôi biết lý do chính là vì ông không muốn con gái út lấy chồng phương xa, tuốt mãi trong Rạch Giá.

"Có con mà gả chồng gần,

 có bát canh cần nó cũng bưng cho!
Có con mà gả chồng xa,

 trước là mất họ sau là mất con!"

Nhưng Cậu ruột của O lại là một Linh Mục đang ở Nha Trang nên hết lòng hỗ trợ cho chúng tôi lấy nhau. Nhớ hồi sau 1975, chúng tôi nghèo quá, đám cưới chỉ có một con heo 50 ký do anh cả tôi cho; hai cái nhẫn vàng mỏng dính như sợi chỉ; chiếc áo cưới chỉ là áo trắng như hồi còn đi học.Năm 1981, chúng tôi đến Mỹ, trong tay có 5 đồng bạc. Vất vả cũng lắm, mà hạnh phúc cũng nhiều.

 Gia đình Mẹ và các anh chị em tôi, nhất là mấy bà chị dâu thường nói:"Chú lấy được O Điểm là phúc đức ông bà để lại."Quả thực có thế, O đã sanh cho tôi 3 đứa con trai cao ráo và một đứa con gái út rất đẹp.
 Chắc đẹp cỡ như tôi. (Just kidding - đùa thôi.)Cách dậy dỗ con cái, tôi phú hết cho O nên đứa nào cũng ngoan ngoãn. Nay, hai đứa đã ra trường còn hai đứa cũng sắp xong.Đúng là phúc đức ông bà, chứ tánh tôi cục cằn, thô lỗ, dạy con chắc không xong, mà còn bị "ép phe" (effet) ngược là đằng khác.
      Qua xứ người, tôi còn có thời giờ cắp sách đến trường để học thêm chút đỉnh, chứ O rời sở làm là lao đầu vào bếp, lau nhà, giặt quần áo, trồng rau thơm, rau cải sau vườn.

Bây giờ, tôi ra kinh doanh ở ngoài, đâu có bảo hiểm sức khỏe gì! May có hãng của O nên cả gia đình không phải lo tới vấn đề chi phí cho khám bịnh, nhà thương gì hết. Thật là quá mừng.Không nhắc đến tài nấu ăn, nhất là những món Huế của O quả là một điều thiếu sót. 
Bạn bè xa gần thường nhắc nhớ đến Bún Bò O Điểm, mà hầu hết tháng nào cũng có nấu một lần trong cái nồi lớn chừng 30 lít. Người trong nhà, con cháu và bạn tới chơi, thường ăn hai tô, một tô lúc mới tới và một tô trước khi ra về.
Những món như bánh nậm, bánh bột lọc, bánh ít... tôi không thích mấy, chỉ khoái những món chè của O mà thôi. Chắc ai cũng biết rằng Chợ Dinh nơi O ở có cả làng bán chè rất nổi tiếng.

 Qua đến Mỹ, món chè của O đã được "thăng hoa" lên hàng thượng thừa vì vật phẩm dùng để nấu có thêm nhiều thứ như rong biển, nấm trắng, táo tàu nhỏ, hoài sơn, ý dĩ v v.. nên chè đã ngon, lại càng thêm ngon.
Thành phố chúng tôi đang định cư là Little SG ở Nam Cali, có thể gọi là Thủ Phủ của người VN ở Hải Ngoại, cách bờ biển chừng 10 phút lái xe.
 Dọc bờ biển, có những chiếc cầu bắt nhoài ra biển cả gần nửa cây số cho dân chúng đứng câu; nơi đây có rất nhiều cá nục chuối và cá trích. Những mùa khác thì cá ít hơn, nhưng mùa hè đến thì cá nhiều vô số, một dây câu cột mấy lưỡi là dính bằng ấy cá, có khi cả chục con nhưng vì cầu khá cao, mà cá giãy dữ quá nên rơi rớt hết phân nửa.

Người Nam và Bắc khi kho cá, nhứt là cá biển thì thường kho khô và bỏ nhiều tiêu, khi họ thấy mình kho cá nục lõng bõng nước thì sợ nó sẽ tanh. Nhưng khi O Điểm kho cá nục tươi rói mới đi câu về với mấy trái ớt xanh bẻ đôi, tỏi đập dập, vắt chút chanh, ăn với bún thì ôi thôi ai nấy nuốt vội, nuốt vàng, có khi nuốt luôn cả lưỡi.
Tôi thường ăn kèm với món này một ít rau thơm và giá; nhưng O nói ăn như vậy không thưởng thức hết mùi vị của con cá nục.
Đó, nhờ được O "chăm bẵm" như vậy nên tôi không còn ốm nhách, cao kều như cây tre miễu nữa, mà nay trông rất "sổ sữa", cắt tóc cạo râu, cho diện đồ mới, chân mang dép, mang giầy vô coi cũng ra dáng con người lắm, chứ không giống con đười ươi! Nếu có ai hỏi tôi yêu O ở điểm nào thì tôi tình thực trả lời rằng đó là nụ cười vui với hàm răng trắng bóng như bắp cồn Hến và nhất là... bàn chân nhỏ nhắn, có cái gót hồng hào, người ta nói là "Vượng phu ích tử" gì gì đó.
 Bạn bè tôi thường ganh tị rằng họ đã lỡ lấy vợ miền khác, chứ không may mắn lấy được vợ Huế như tôi. Họ hỏi bí quyết nào mà có được nhà cửa êm ấm làm vậy, tôi thường trả lời rằng lấy vợ Huế, khi cô ấy cằn nhằn mình nghe không hiểu gì hết, nên có cãi lại vợ bao giờ mà thành lớn chuyện, lục đục trong nhà.Nếu ''kiếp sau'' được làm người, nhất là được làm đàn ông, thì tôi sẽ nhất quyết lấy vợ Huế nữa, cho dù mấy cô kia có là Hoa Hậu, Hoa Khôi đi nữa.... tôi cũng chẳng màng.
                                   Diệm Tần 
                            @@ Cly tks t.g nha!!
                                                                 

Dâu Việt Xứ Đài


Hơn 40.000 cô dâu Việt đang sinh sống tại Đài Loan với rất nhiều cảnh ngộ khác nhau. Một số tạm hài lòng với cuộc sống ổn định, êm đềm, nhưng cũng không ít người vẫn phải sống trong nước mắt.
Ước mơ của mẹ và con
 “Em rất mong được giữ lại quốc tịch Việt Nam, vì nếu có chuyện gì xảy ra, em vẫn có thể quay về quê hương để sinh sống và làm việc, được hưởng mọi chế độ bảo hiểm chăm sóc”, cô dâu Phan Ngọc Huyền 36 tuổi, người Vĩnh Long, tâm sự.
 Nhiều cô dâu khác cũng cho biết có một số cô dâu sau khi được cấp chứng minh thư và cư trú hợp pháp tại Đài Loan, bị bệnh, nhưng nhà chồng không quan tâm, một mình trên đất khách rất khổ sở, muốn về quê hương để được gia đình mình chăm sóc thì phải xin visa và gia hạn theo định kỳ, vừa tốn kém, sơ sẩy quên không đăng ký gia hạn thì bị phạt.
 Vì vậy không ít cô dâu Việt có cảm giác tủi hổ vì mình bị quê hương chối từ.
  Có cô dâu đã được cấp chứng minh thư Đài Loan (xin giấu tên) cho biết, do sơ suất khi mang con về Việt Nam, cô quên không đăng ký khai báo tạm trú cho con, tới khi về lại Đài Loan, phía  Việt Nam nhất định không cho xuất cảnh, cô đành phải nhờ Phòng Văn hóa và Kinh tế Đài Bắc can thiệp mới đưa được con về.
 Rất nhiều cô dâu Việt sống tại Đài Loan tới hơn 10 năm mới chịu xin cấp chứng minh thư Đài Loan, phần lớn đều cho biết không muốn từ bỏ quốc tịch Việt Nam. 
 

Rất nhiều đứa trẻ lai Việt - Đài đều ngơ ngác khi tôi nói chuyện với chúng bằng tiếng Việt, dù chỉ là những từ xã giao đơn giản nhất. Đây cũng chính là điểm chung và rõ nét nhất trong thế hệ trẻ lai Việt - Đài. Em nào giỏi lắm chỉ biết 1 - 2 câu đơn giản, như: xin chào, đói quá...
 Bé Hoàng Gia Dư, 12 tuổi, và em trai là Hoàng Vũ Sinh, 4 tuổi, cũng không biết một câu tiếng Việt, dù từng về Việt Nam 2 lần.
 Hỏi mẹ hai bé là chị H.T.M.Linh, 30 tuổi, người Đồng Tháp, đã làm dâu tại TP.Đào Viên 10 năm qua, chị cho biết do lịch học của các bé đã quá nặng, thêm cả học tiếng Anh nên chị chủ trương không dạy con tiếng Việt. “Giờ bắt các con học cả tiếng Việt thì chúng sao học nổi.
 Sau này lớn hẵng hay”, chị thẳng thắn nói. Bé Trương Gia Trân, 8 tuổi, hiện đang học lớp 2 rất tinh nghịch và lanh lẹ.
 Hai cháu cũng được cùng mẹ đại diện cho di dân mới chụp hình cùng lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu tại một điểm vận động bầu cử ở TP.Đài Bắc vào ngày 19.11 vừa qua.
 Gia Trân khoe cháu biết đếm từ 1-10 bằng tiếng Việt, đã về Việt Nam chơi 5 lần nhưng khi không có mẹ, bé đành chịu, không thể trò chuyện với ông bà ngoại hoặc các bác. “Những lúc đó, cháu toàn im lặng, chả biết làm sao.
 Mẹ quá bận, không có thời gian dạy tiếng Việt cho chúng cháu”, Gia Trân thổ lộ. Tuy nhiên, Gia Trân và em trai thường được nghe mẹ kể những câu chuyện cổ tích Việt Nam bằng tiếng Hoa. Hai con của chị Nhã Tú (người Đồng Nai, 32 tuổi) cũng không hề biết tiếng Việt, dù đứa nhỏ hiện đang học lớp 5.
  3 đứa con của chị Đặng Thị Xuân Diễm, người Đồng Tháp, đang sống tại Vùng đô thị mới Đài Bắc cũng không biết một chữ tiếng Việt.
    Các bà mẹ quá bận mưu sinh, không còn thời gian dạy con học tiếng Việt, chứ chưa nói tới việc dạy lịch sử, những phong tục tập quán, văn hóa... của người Việt.
 Mặt khác, phần lớn những người chồng Đài Loan lấy cô dâu Việt đều xuất thân từ tầng lớp lao động, thu nhập thấp, đời sống còn nhiều khó khăn, nên nhiều người trong số họ còn không đủ trình độ và thời gian dạy dỗ con cái, nói gì cho con biết thêm văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ... của quê ngoại. 
                                                
Nguyễn Lệ Chi ( Taiwan)
@@ tks t/g LChi)

Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

ThaiNguyen Weekly Style


Tình người ở Lubbock

Tôi ở Lubbock chỉ có mấy ngày, ngày nào cũng miệt mài trong thư viện từ sáng đến tối nên không có dịp đi chơi đây đó, không biết gì về các vẻ đẹp trong thiên nhiên hay trong kiến trúc của thành phố. Nhưng tôi cảm nhận được một vẻ đẹp rất hiếm thấy ở những nơi khác: vẻ đẹp trong quan hệ giữa người và người.
  Tìm trên internet, biết từ khách sạn Lubbock Holiday-Inn, nơi tôi ở, đến Texas Tech University khá gần nên tôi quyết định đi bộ. Buổi sáng, trời đẹp và đầy nắng ấm. Có điều, không hiểu sao, tôi lại đi nhầm đường. Nhìn đồng hồ, thấy đã hơn 15 phút, vẫn không thấy trường đại học ở đâu cả. 

Thấy một tiệm sửa xe dọc đường có người, tôi ghé vào hỏi. Người chủ tiệm, dáng dấp Á châu, sốt sắng chỉ đường: Đi thẳng, đến chiếc cầu trước mặt rồi quẹo trái, sau đó, quẹo phải. Chợt nhìn bảng tên trên bộ đồng phục lao động của anh, thấy chữ “Anh”, tôi đoán anh là người Việt, nên nói “cám ơn”. Anh ngạc nhiên hỏi: “Anh cũng là người Việt hả? Anh muốn đến chỗ nào ở đại học Texas Tech Uni?”. Tôi đáp: “Vietnam Center.” Anh nói: “Ồ, vậy thì nó nằm xa lắm. Trường Texas Tech Uni rộng vô cùng. Anh đi bộ không nổi đâu. Mất cả nửa giờ chứ không ít. Anh lên xe tôi chở đến đó cho.”
 Tôi từ chối: “Không sao. Tôi có nhiều thì giờ. Đi bộ cho khoẻ.” Anh khăng khăng mời tôi lên xe để chở đi. Anh quay sang bảo một người Mỹ đang làm việc trong garage coi tiệm, rồi kéo tôi lên xe. Trên đường đi, anh kể chuyện cuộc đời anh: lúc nhỏ sống ở Đà Nẵng, sau, vào Sài Gòn học Nông lâm; khi miền Nam sụp đổ, chịu đựng không nổi những áp bức dưới chế độ mới, anh vượt biên. Sang Mỹ, học và làm về kỹ thuật.
 Lúc công ty nơi anh làm việc đóng cửa, anh quyết định mở tiệm sửa xe để sống một cách độc lập, tự mình làm chủ công việc của mình, không phải lo lắng chuyện mất việc. Rồi anh đọc cho tôi nghe một số bài thơ anh làm. 
 Những bài thơ đau đáu về tình hình chính trị của đất nước. Đến nơi, anh chạy vòng vòng trong bãi đậu xe để đọc cho hết bài thơ anh tâm đắc.
 Có lẽ ngại tôi sốt ruột nên anh cố đọc thật nhanh. Nhanh, nhưng giọng vẫn đầy sôi nổi và tha thiết. Sau đó, anh cho tôi số điện thoại, cả số điện thoại ở tiệm lẫn số di động của anh, bảo bất cứ khi nào tôi cần đi đâu, cứ gọi anh một tiếng, anh sẽ chở đi. Thú thực, trong đời, tôi gặp được rất nhiều người tốt, nhưng hiếm khi nào gặp được ai nhiệt tình đến như vậy. Nhiệt tình với một kẻ hoàn toàn xa lạ. Mới gặp lần đầu.
 Đến Vietnam Center, tôi cũng rất ngạc nhiên về sự tiếp đón của họ. Tôi đã giao thiệp và làm việc với khá nhiều trung tâm nghiên cứu trên thế giới nhưng chưa thấy nơi nào có cách tiếp đón các học giả từ nơi khác đến một cách dễ thương như ở đây.
 Trước, từ Úc, tôi đã liên lạc qua email với anh Lê Công Khanh, phó giám đốc Center và chị Sheon Montgomery, người phụ trách thư khố. Cả hai đều sốt sắng hứa giúp.
 Trên đường bay từ Úc sang Texas, tôi nhận được email của Tiến sĩ Steve Maxner (giám đốc Center), bảo ông rất vui khi biết tôi đến Vietnam Center để nghiên cứu. Rồi cô Amy Kathleen Mondt, một nhân viên trong thư khố cũng email cho biết sẵn sàng chỉ dẫn tôi trong việc tìm kiếm các tài liệu tôi cần.
 Tôi ngạc nhiên và cảm động vô cùng: cả Steve lẫn Amy đều chủ động email cho tôi trước khi tôi liên lạc với họ.
  Đến nơi, anh Lê Công Khanh tiếp tôi. Đó là một người đàn ông đã lớn tuổi, ngót 70, hiền lành và lịch lãm. Trước, ở Việt Nam, anh là luật sư và có thời từng làm chủ tịch đoàn Thanh Niên Thiện Chí; sau, sang Mỹ, anh làm nhiều nghề để sống trước khi đến làm việc cho Vietnam Center. 

 Anh có kiến thức và kinh nghiệm rộng rãi về Việt Nam trước cũng như sau năm 1975. Nhưng điều tôi thích nhất ở anh là tính cách: khiêm tốn, thành thực, cởi mở và ăm ắp tâm huyết đối với việc bảo quản các tài liệu lịch sử về chiến tranh Việt Nam.
  Đang ngồi nói chuyện với Lê Công Khanh, Steven đến. Còn trẻ, có bằng tiến sĩ về sử học, đã từng đi Việt Nam hơn cả hai chục lần, Steven hiểu biết sâu sắc về chính trị, xã hội và văn hoá Việt Nam. Anh hỏi tôi về các dự án nghiên cứu mà tôi theo đuổi và những gì tôi cần ở Việt Nam Center. 

Tôi trình bày một số ý định của mình. Anh bảo cô thư ký ngồi bên cạnh gọi điện thoại qua bộ phận thư khố yêu cầu cử người giúp đỡ tôi trong việc tìm kiếm tư liệu trong những ngày tôi ở Lubbock. Sau này, Lê Công Khanh kể với tôi là Steven yêu Việt Nam vô cùng. 

Mỗi lần đi Việt Nam, anh thấy vui như về lại nhà mình. Đến độ có lần anh tâm sự không chừng kiếp trước anh là người Việt Nam.
 Ở Việt Nam, anh ăn thử mọi món, từ mắm nêm đến mắm tôm, từ thịt chuột đến thịt rắn và cả thịt chó, từ bún ốc đến sầu riêng. Cái gì anh cũng thích.Anh Lê Công Khanh dẫn tôi qua khu vực thư khố. Amy, cô nhân viên ở đó, dẫn tôi đi vòng quanh thư khố. 
Đó là mấy căn phòng rất rộng, chứa hàng triệu tài liệu, từ sách đến tạp chí, bào hàng ngày đến các tài liệu tịch thu được từ các bộ đội miền Bắc thời chiến tranh. 
Amy mở hết thùng tài liệu này đến thùng tài liệu khác cho tôi xem.
 Chưa có thì giờ đọc, chỉ liếc qua cho biết tình hình mà đã mất hết gần hai tiếng đồng hồ. Anh Lê Công Khanh bỏ hết công việc để theo tôi.
  Mấy ngày sau đó, khi tôi vào phòng đọc để đọc các tài liệu mình chọn, lâu lâu Sheon và Amy lại chạy sang hỏi thăm. Bất cứ thứ gì tôi cần, họ cũng đều giúp. Tôi cần nhìn qua bản gốc cuốn nhật ký của Đặng Thuỳ Trâm ư? Họ nhấc phone lên gọi, chưa tới năm phút sau, một nhân viên cầm hộp bản thảo mang đến.

 Tôi muốn xem các thư từ, nhật ký hay các ghi chép khác tịch thu được từ bộ đội ư? Mười, mười lăm phút sau, hai nhân viên đẩy hai chiếc xe đẩy trên mỗi chiếc xe có sáu thùng tài liệu đầy nghẹt đến phòng đọc.
  Buổi sáng thứ hai ở Lubbock, rút kinh nghiệm từ lần đầu đi lạc được anh Anh chở, tôi nhờ tiếp viên khách sạn gọi giùm tắc xi để đến trường đại học. Tôi rất bất ngờ khi người nhân viên đề nghị để anh bảo tài xế khách sạn chở tôi đến. 

Trên tắc xi, tôi nói chuyện với tài xế về việc tôi đến Vietnam Center để tìm tài liệu cho một cuốn sách mới. Anh tài xế, người da đen, không biết gì về Việt Nam cũng như về chiến tranh Việt Nam nhưng tỏ vẻ rất thích thú khi nghe tôi khen Vietnam Center có một bộ tài liệu về chiến tranh Việt Nam phong phú nhất thế giới. Anh hỏi khi nào tôi làm việc xong, tôi bảo 6 giờ chiều.
 Anh dặn: đúng 6 giờ chiều, đứng trước cửa Center, anh sẽ đến đón. 
 Tôi lại từ chối. Anh không đáp; chỉ nói như ra lệnh: Đúng 6 giờ chiều ở đây nhé! Rồi phóng xe đi.
  Những ngày sau đó, trừ những lần có bạn bè đến đón, còn lại, tất cả tôi đều đến trường đại học bằng xe của khách sạn.

  Cứ thấy tôi xuống, đi ngang qua phòng tiếp tân, nhân viên khách sạn lại gọi tài xế chở tôi đi. Lần nào cũng thế.
  Tôi đi nhiều, ở khách sạn nhiều, nhưng trừ một số nơi, với mục đích quảng cáo và tiếp thị, người ta bao cả chi phí đón và đưa khách ở phi trường hoặc một số địa điểm nào đó, chưa bao giờ thấy một khách sạn nào tử tế đến như vậy.

Không thể nói người ở vùng này tốt hơn ở vùng khác. Nhưng dường như ở các thành phố nhỏ, quan hệ giữa người và người còn gần gũi và ấm áp hơn ở những thành phố quá lớn và quá rộng. Nhớ, lâu rồi, trước năm 1975, ở Sài Gòn, Võ Phiến đã có một bài tuỳ bút rất hay, nhan đề “Cái rét đô thị”: Đô thị càng lớn và càng đông lại càng lạnh.
  Mấy ngày sau cùng ở Lubbock, trời gió nhiều và trở lạnh, nhất là buổi tối. Mặc áo ấm đến mấy, gió cũng chui vào người, qua ống tay áo và ống quần. Nhưng nhớ Lubbock, điều tôi nhớ đầu tiên vẫn là về cái ấm của tình người.
  Nhà thơ Văn Cầm Hải, hiện đang học PhD tại trường Texas Tech Uni, trong buổi gặp gỡ tình cờ vào ngày cuối cùng của tôi ở Lubbock, cũng đồng ý như vậy. Anh cho biết có hai lý do chính khiến anh quyết định ở lại Lubbock: kho tư liệu ở Vietnam Center và quan hệ giữa người và người ở cái thành phố nhỏ bé và heo hút này.


                             Nguyễn Hưng Quốcblg
                                                                                                                              @@ tks t/g NHQ !!

Weekend nghe audio truyện


Cuộc sống hóa ra thật đơn giản


1. Một người đi tìm việc làm, đi trên hành lang thuận tay
nhặt mấy tờ giấy rác dưới đất và bỏ vào thùng.
Vị phụ trách tuyển người vô tình nhìn thấy, thế là anh được nhận vào làm việc.->Hóa ra để được tưởng thưởng thật là đơn giản, chỉ cần tập tành thói quen tốt là được.

2. Có một cậu bé tập việc trong tiệm sửa xe,
một người khách đem đến chiếc xe đạp hư,
cậu bé không những sửa xe, lại lau chùi xe đẹp như mới,
bạn bè cười nhạo cậu đã làm một việc thừa.
Hai ngày sau, khách đến lấy xe đạp, liền đón cậu về làm việc trong hãng của ông ta.

_>Hóa ra để thành công cũng đơn giản, hãy chứng tỏ mình thích làm nhiều hơn điều phải làm.

3. Một đứa bé nói với mẹ: “Mẹ, hôm nay mẹ rất đẹp.”
Bà mẹ hỏi : “Tại sao ?”
Bé trả lời: “Bởi vì hôm nay mẹ không nổi giận.”->Hóa ra sắc đẹp trong mắt người khác cũng đơn giản, chỉ cần không nổi giận là được.

4. Có ông chủ bắt con trai làm việc vất vả ngoài đồng.
Bạn bè nói với ông ta: - “Ông không cần phải bắt con trai
khó nhọc như thế, giống cây này tự nhiên cũng phát triển.
”Ông chủ nói: “ Tôi dạy dỗ con cái chứ đâu phải tôi chăm cây công nghiệp.”->Hóa ra răn dạy con cái rất đơn giản, để chúng nó chịu khổ chút xíu là có thể được.

5. Một huấn luyện viên quần vợt nói với học sinh :
“Làm thế nào tìm được quả bóng rơi vào đám cỏ ?
Một người nói: “Bắt đầu tìm từ trung tâm đám cỏ.”
Người khác nói: “Bắt đầu tìm từ nơi chỗ trũng nhất.”
Kẻ khác lại nói : “Bắt đầu tìm từ điểm cao nhất.”
Đáp án huấn luyện viên đưa ra là : “Làm từng bước, từ đám cỏ đầu này đến đầu kia.”->Hóa ra phương pháp để tìm thành công thật đơn giản,6. Có một cửa hàng đèn thường sáng trưng,
có người hỏi: “Tiệm của anh dùng loại đèn nào vậy, dùng rất bền.”
Chủ cửa hàng nói: “Đèn bị hư hoài đấy chứ, nhưng tôi thay ngay khi nó bị hư thôi.”

->Hóa ra để duy trì ánh sáng thật đơn giản, chỉ cần dám thay đổi thôi.

7. Con nhái ở bên ruộng nói với con nhái ở bên vệ đường:
“Anh ở đây quá nguy hiểm, dọn qua chỗ tôi mà ở.”
Con nhái ở bên đường trả lời: “Tôi quen rồi, dọn nhà làm chi cho vất vả.”
Mấy ngày sau nhái ở bên ruộng đi thăm nhái bên đường,
nó đã bị xe cán chết, xác nằm bẹp dí.->Hóa ra phương pháp an toàn thật đơn giản, tránh xa lười biếng thì có thể được.

8. Có một con gà nhỏ khi phá vỏ trứng để chui ra,
Thấy con rùa đi ngang gánh chiếc mu nặng nề.
Con gà nhỏ quyết định rời bỏ cái vỏ trứng.->Hóa ra muốn thoát ly gánh nặng thật đơn giản, dẹp bỏ cố chấp thành kiến là có thể được.

9. Có mấy em bé rất muốn làm thiên thần,
thượng đế cho chúng mỗi đứa một chân đèn,
và dặn lau chùi chúng cho thật bóng sáng,
Một hai ngày trôi qua thượng đế không đến, tất cả các bé đều bỏ cuộc.
Chỉ có một em bé vẫn lau chùi chân đèn sáng bóng
dù cho thượng đế không đến, dù mọi người chê nó dại,
kết quả chỉ có em được trở thành thiên thần.Hóa ra làm thiên thần thật đơn giản, chỉ cần đem tấm lòng thật thà ra làm là được.

10. Một thanh niên đến xin làm môn đệ một vị thần.
Bỗng có con trâu nghé chui lên từ vũng lầy, toàn thân lấm đầy bùn dơ bẩn
Vị thần nói : “Con tắm rửa cho nó dùm ta.”
Cậu kinh ngạc : “Con đi học chứ đâu đi chăn trâu ?”
Vị thần nói : “Con không chăm chỉ vâng lời, thì làm môn đệ của ta thế nào được.”->Hóa ra biến thành thần thật đơn giản, chỉ cần đem lòng thành thật ra thì có thể được.”
từ số 1 đến số 10 không nhảy vọt là có thể được.

 11. Có một đoàn người đãi vàng đi trong sa mạc,
ai nấy bước đi nặng nhọc, chỉ có một người bước đi cách vui vẻ, người khác hỏi: “Làm sao anh có thể vui vẻ được chứ ?”
Người ấy trả lời: “Bởi vì tôi mang đồ rất ít.”->Hóa ra vui vẻ thật đơn giản, thiếu chút ít thì có thể được.

12. Màu sắc của cuộc sống ở đâu ?
Buổi sáng thức dậy, màu sắc ánh sáng trên mặt, đón tiếp tương lai bằng vẻ mặt tươi cười rạng rỡ.
Đến buổi trưa, màu sắc ánh sáng trên eo lưng, thẳng lưng để sống hiện tại.
Đến buổi tối, ánh sáng màu sắc trên chân, chân đạp đất làm tốt chính mình.->Hóa ra cuộc sống cũng rất đơn giản, chỉ cần có thể hiểu được “trân quý, biết đủ, cám ơn”, thì anh có đầy đủ màu sắc của cuộc sống.Chúc bạn luôn nhìn mọi sự thật giản đơn.

                                   St-CdCk ,
                                     @@tks ,tks !

Hẹn Ước Mùa Xuân

                                              
Thởi gian cứ vô tình trôi nhanh
Dường như nàng Xuân đã quay gót về
Mùa xuân hoa khoe muôn sắc thắm
Muôn chim tưng bừng ca hát líu lo
Như cùng đón chào  xuân sang
Anh  còn nhớ chăng hỡi anh?

Lời hẹn của đôi ta năm xưa
Cùng dạo phố ngắm hoa xuân
Rồi đi hái lộc đón giao thừa
Em mòn mỏi chờ đợi bóng anh
Bóng anh  xa vời vợi chốn nảo
Chẳng biết  bao giờ anh quay lại
Hay anh đã quên  lời anh hứa
Giờ đây  mình em cô quạnh
Lòng em bỗng  trống vắng không nguôi
Lời hẹn ước đã trôi vào dĩ vãng xa xăm..!

Camly

Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Khánh Ly và Trịnh Công Sơn



......Nếu Trịnh Công Sơn được ví là Bob Dylan Việt Nam, thì Khánh Ly có thể là Joan Baez được chăng, nhất là xét về giọng hát, phong cách có rất nhiều tương đồng: cũng giọng alto khàn đục nhừa nhựa, tinh thần folk và du ca đậm đà trong từng câu hát, tác phong giản dị và lối trình diễn hết mình trong cùng một trào lưu phản chiến.
 Đó là hình ảnh ở thời đỉnh cao của Khánh Ly. Nói như thế bỗng nhiên lại thấy tiếc ngơ tiếc ngẩn không có cơ hội nào được nghe Khánh Ly hát những bài ngoại quốc như là Crazy Love, Put Your Hand On My Shoulder, Only You, Unchained Melody, Non je Ne Regrette Rien… mà cô kể là đã hát ở nơi đầu tiên đánh dấu sự kiện cô trở thành ca sĩ (phòng trà Anh Vũ, Sài Gòn…
Khánh Ly đã hát, như một ca sĩ vô danh, suốt 5 năm trong một vũ trường ở Đà Lạt. Cô gắn bó với Đà Lạt và yên phận với cuộc sống rất đỗi bình thường ấy, cho nên phải 3 năm sau ngày gặp Trịnh Công Sơn lần đầu (1964) Khánh Ly mới quyết định trở lại Sài Gòn song hành cùng người nhạc sĩ tài ba để từ đó bắt đầu một hành trình âm nhạc tuyệt vời. Dù Khánh Ly có trả lời phỏng vấn nhà báo Trường Kỳ một cách khiêm tốn: “Nếu không có ông Trịnh Công Sơn thì sẽ không có tôi. Có thể tôi vẫn chỉ là một cái bóng mờ nào đó hoặc là tôi sẽ có một cái đường đi nó chật hẹp hơn” thì cũng khó mà phủ nhận sự thực rằng chính sự có mặt đúng lúc của cô - như một định mệnh, vì họ tình cờ gặp lại nhau trên đường phố Sài Gòn chứ không hề chủ định đi tìm nhau - vào thời điểm thăng hoa trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn đã góp phần quyết định tạo nên tầm vóc Trịnh nhạc sĩ


Trong những băng nhạc thời ấy còn lại tới giờ, nhất là bộ Hát cho quê hương Việt Nam và những cuốn băng kiểu bootleg (thu trực tiếp một cách ngẫu hứng) tại Quán Văn có thể thấy Khánh Ly đã từ một ca sĩ phòng trà bình thường, an phận, trở thành biểu tượng một thời như thế nào. Những uẩn ức, dồn nén từ tuổi thơ không bình yên làm nên tính cách cô, và nay tính cách ấy tìm được không gian thích hợp nhất để thể hiện.
Khánh Ly không giật đùng đùng như các nữ hoàng kích động nhạc khi ấy, không sướt mướt ỷ ôi như ca sĩ dòng sến, không ra vẻ mệnh phụ như ca sĩ dòng “sang”.

 Cô hát theo cách mà chúng ta nói thời nay là bằng “cái đầu lạnh và trái tim nóng”.
 Cách hát nghe rất “tỉnh” ấy đi thẳng tới trái tim người nghe, không qua nhào nắn uốn lượn bằng những tiểu xảo đặc trưng của nghề hát. 
Khi cần truyền đạt thông điệp - như với các bài ca phản chiến - thì không gì thích hợp bằng kiểu hát ấy.
 Tỉnh nhưng mà gần gũi, chia sẻ thông điệp phản chiến trong tư thế tâm tình, là ngôi sao lớn nhưng vẫn giữ hình tượng “nữ hoàng chân đất”.
 Người ta yêu Khánh Ly chính vì điều đó. Và càng yêu hơn khi nghe cô chia sẻ: “Không mê hát thì tôi không có đủ can đảm để đi hát với anh Sơn 10 năm mà không có đồng xu, cắc bạc nào”.
 Khi đã rất nổi tiếng, Khánh Ly mở phòng trà mang tên mình, mở rộng danh mục biểu diễn tới nhiều nhạc sĩ khác, và cũng rất thành công, đặc biệt với dòng nhạc tiền chiến nhưng đỉnh cao sự nghiệp của cô vẫn là với nhạc Trịnh Công Sơn, nhất là trong cuốn băng nhạc được ca ngợi là “bất hủ” - Sơn Ca 7. 
 Cũng với nhạc Trịnh, Khánh Ly có một sự nghiệp vượt ra khỏi biên giới, trở thành giọng hát được yêu thích tại thị trường Nhật Bản trong những năm 1970. 
Tới năm 1997, cô còn được một đoàn phim Nhật Bản mời đi cùng về Việt Nam quay hình cho một bộ phim tài liệu về một nhà báo Nhật chết trên chiến trường Việt Nam, trong túi còn cuốn băng Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn.
 Tới nay, một số khách du lịch người Nhật lớn tuổi qua Sài Gòn vẫn tìm hỏi mua đĩa nhạc Khánh Ly (có bài Diễm xưa hát bằng tiếng Nhật).

Nghe Khánh Ly hát "Diễm xưa"
Nguyen.Minh  ttvh
@@ Cly tks t/g !!

Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

Cuộc Sống Người Việt Tại Brazil


Nhịp nối cuộc đời

Hồi còn nhỏ, tôi thường say mê nghe các chị lớn trong họ tả về mẹ tôi thời còn con gái.“Cô đẹp lắm, cả dáng đi cũng đẹp. Chiều chiều tụi chị hay ra trước cửa để chờ cô đi dạy về. Cô mặc áo dài, đi nhẹ nhàng từ đầu ngõ vào… Cả ngõ ai cũng nhìn …”Dĩ nhiên trong mắt tôi thì mẹ tôi lúc nào cũng đẹp, ngay cả khi Mẹ đã có sáu đứa con. Nhưng tôi vẫn mê nhất là những câu chuyện về Mẹ thời mới di cư vào Nam, ở chung với đại gia đình ở Xóm Lách. Hình ảnh mẹ tôi đeo găng tay lái xe Solex, vạt áo dài gài ở yên sau bay phồng lên như một cụm mây hay hình ảnh mẹ đi khoan thai uyển chuyển trong con ngõ nhỏ đã thành những “huyền thoại” trong lòng tôi.Chị em tôi có nét pha trộn giữa Bố và Mẹ… 
Các cô, các bác hay ngắm nghía chúng tôi rồi nói nét này cuả Bố, nét kia của Mẹ. Có điều… đôi khi người lớn không đồng ý với nhau nên thời nhỏ có vài nét tôi cũng chẳng biết tôi đã nhận từ ai. Nhưng, có một điều tôi luôn biết chắc – đó là tôi thừa hưởng từ Bố tôi lòng yêu thơ.Bố tôi yêu thơ lắm. Ông nhớ rất nhiều bài, nhất là của các thi sĩ nổi tiếng trước thời chia cắt đất nước 1954.
 Ông sưu tầm nhiều sách thơ, ông hay ngâm thơ ru chúng tôi ngủ. Ngoài những bài ca dao như “Con cò mà đi ăn đêm, Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao …”, Bố còn ngâm các bài rất dài như Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị do Phan Huy Vịnh dịch... 
Kỷ niệm dễ thương nhất là em út tôi, mới có hơn một tuổi, nằm trên xích đu vưà mút tay vưà lim dim nghe thơ rồi ngọng nghịu nói vuốt theo “áo xăng“ khi bố đọc tới “Lệ ai chan chứa hơn người, Giang Châu Tư Mã ngậm ngùi áo xanh…”Để dạy chúng tôi tập đọc, tập viết, Bố không mua sách in sẵn mà ông viết những bài thơ vào vở cho chúng tôi tô lên. 
Tô xong rồi đọc, học thuộc, và trả bài.Mẹ tôi không đồng ý lắm với các lớp vỡ lòng lạ lùng này, nhưng bà cũng quá bận rộn nên không phản đối nhiều.
 Mẹ còn mỉm cười trong những khoảnh khắc ngộ nghĩnh như khi con bé bốn tuổi – tôi - trả làu làu bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu bằng tiếng Hán. Dĩ nhiên là Bố tôi có giảng nghĩa, nhưng nếu không tôi cũng chẳng thấy phiền khi không hiểu rõ mhữnng câu “Trình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ, Phương thảo thê thê Anh Vũ châu”. Tôi thấy âm điệu nó hào sảng, nhịp nhàng; vậy là đủ cho tôi thích thú.Tuy vậy, cũng có lần Mẹ tôi cằn nhằn.
 Đó là lần Bố dạy tôi bài Mưa Cẩm Giang của Trường Anh với những câu

“Thăm thẳm đường trường tôi người cô độc
Mòn gót giầy trong quán trọ đêm nay
Mưa Cẩm Giang như niềm đau ai khóc
Đường xụt xùi qua mấy nẻo truông lầy…”Mẹ nói “Sao Bố chọn bài thơ gì nghe thảm vậy? Thơ buồn quá, ảnh hưởng tâm hồn trẻ con, không tốt đâu!”

Bố tôi chắc không tin điều đó và tôi cũng… theo bố. Bởi vì thơ buồn chỉ là một phần nhỏ những gì Bố dạy, ngoài ra chúng tôi còn học được rất nhiều thứ. 

Qua những bài thơ, chị em tôi - sinh ra ở miền Nam và lớn lên nhờ nước máy Sài Gòn bỗng hiểu những danh từ xưa của miền Bắc, bỗng như quen với những địa danh xa tít, thấp thoáng trong thời thanh niên bôn ba cuả Bố, chẳng hạn như “đất tề”, “sông Đáy”.

“Rét mướt muà sau chừng sắp ngự
Kinh thành em có nhớ thương ta?
Giăng giăng mưa bụi quanh phòng tuyến
Hiu hắt chiều Xuân lạnh đất tề

Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa
Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ
Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mơ” (1)

Bố còn dạy tôi học Sử bằng thơ. Thời đó, tới lớp Năm thì chương trình Việt Sử mới dạy tới “Vua Quang Trung Đại Phá Quân Thanh”. Tôi thấy học sử thật là dễ, vì những trang sử oai hùng đó tôi đã thuộc làu từ thời còn … nói ngọng

Đang lúc đoàn binh tướng Mãn Thanh
Vui cùng rượu ngọt, gái xuân xanh
Thì muôn pháo lệnh tưng bừng nổ
Và tiếng quân reo dậy khắp thành

Quân ải Phú Xuyên vội lạy hàng
Hà Hồi tiếp vỡ, Ngọc Hồi tan
Và quân tướng Việt cùng hăm hở
Tràn đến Thăng Long tựa thác ngàn

Sĩ Nghị đang đêm trốn khỏi thành
Sông Hồng cuốn xác vạn binh Thanh
Chiến bào đẫm máu, Ngô Văn Sở
Truyền lệnh bêu đầu Hứa Thế Hanh!

Dưới nắng hồng quân sĩ ngất ngây
Tung hô chủ tướng tiếng vang dày
Quang Trung vui vẻ nhìn trong gió
Cờ Việt huy hoàng, phất phới bay.

Sau khi chúng tôi đi học, Bố ít còn dịp dạy thơ. Khi rảnh rỗi, chị em tôi tự lục sách đọc và thưởng thức. Tôi thích nhất quyển Thi Nhân Việt Nam với bià sách màu xanh nhạt, với lời bình của hai nhà sưu tầm Hoài Thanh- Hoài Chân cho mỗi bài thơ.

Tôi yêu nước Việt vì văn hoá Việt, và tôi yêu văn hoá Việt qua những tác phẩm văn thơ.
 Tôi chưa kịp trưởng thành thì cuộc đổi đời năm 1975 xảy ra. Cuộc đổi đời khốc liệt đã dập vùi bao cuộc đời, xé tan bao hy vọng, cuốn phăng bao ân tình, và làm băng hoại bao nhiêu giá trị xã hội, nhưng vẫn không xoá được tấm tình của tôi cho Việt Nam. Tấm tình bắt đầu từ những bài thơ thưở vỡ lòng.Cuộc đổi đời cũng làm những ước mơ của Bố cho chúng tôi đi vào những ngả rẽ bất ngờ. Biết tôi thích văn học, Bố đã từng mơ cho tôi sau này được đi du học để được mở tầm nhìn ra văn chương thế giới.
 Sau năm 1975, giấc mộng thành xa vời, nhưng tôi lại làm quen với thơ tiếng Anh một cách không ngờ.
Ngày đó, bạn bè tôi hay chia sẻ với nhau những lá thư từ những người đã vượt biên. Những lá thư thơm phức trên giấy trắng tinh như mở ra một kẽ nhỏ xíu cho chúng tôi nhớ rằng ngoài kia có một thế giới không bị thống trị bằng tàn nhẫn, nghi ngờ và đói khổ. Bài thơ tiếng Anh đầu tiên tôi đọc là trong một tấm thiệp gởi về cho cô bạn cùng lớp
“Roses are red
Violets are blue
Sugar is sweet
And so are you!
Roses are red
Violets are blue
I am so happy
That I love you!”

Bài thơ mộc mạc mà thật dễ thương.

 Tôi thích lắm và đó là lần đầu tiên tôi dịch thơ tiếng Anh ra tiếng Việt

“Hồng đỏ thắm
Bích hoa xanh
Đường dịu ngọt
Giống như anh!
Hồng đỏ thắm
Bích hoa xanh
Lòng rộn rã
Vì  thương anh!”

Sau đó, tôi cũng vượt biển sang Mỹ. Tôi đã được đọc nhiều bài thơ tiếng Anh và tôi thấy rõ rằng thưởng thức thơ cần một cái gì sâu xa hơn là chỉ hiểu ngôn từ.

 Có những bài thơ rất nổi tiếng nhưng tôi đọc qua và không rung động.
 Khi thì tôi không đồng cảm với ý thơ, lần thì không thấu hiểu được cái hay của cách dùng chữ, đặt câu quá cao siêu, có lúc lại vì âm điệu không nhịp nhàng giống như những thanh âm mà tâm hồn tôi yêu thích.
Tuy vậy cũng có khi tôi gặp được những bài thơ tiếng Anh gần gũi như bài Chain of Pearls của Tagore, nhà thơ Ấn độ từng đoạt giải Nobel văn chương 1913.

Chain Of Pearls
By: Rabindranath Tagore

Mother, I shall weave a chain of pearls for thy neck with my tears of sorrow.The stars have wrought their anklets of light to deck thy feet, but mine will hang upon thy breast.Wealth and fame come from thee and it is for thee to give or to withhold them.
But this my sorrow is absolutely mine own, and when I bring it to thee as my offeringthou rewardest me with thy grace.
Chuỗi Ngọc
Người dịch: Khôi An

Thưa mẹ, con xin dâng chuỗi ngọc
Kết bằng bao nước mắt ăn năn
Thiên thu sao sáng vòng chân mẹ
Bầu sữa con xin bé dại nằm

Tiền của, hào quang có ở đời
Đều từ tay mẹ rộng ban thôi
Món quà duy nhất đem về mẹ
Mảnh hồn con cô đơn tả tơi

…Thương con lòng mẹ vẫn mời
Lời ru vẫn ngọt như thời ấu thơ

Thơ cho tôi nhiều kỷ niệm. Thích nhất là những khi thơ nối liền biên giới ngôn ngữ.

Có lần một người bạn trong nhóm Việt Bút (nhóm của một số tác giả Viết Về Nước Mỹ) gởi một bài thơ tiếng Anh của Donna Hoover, tôi đọc và bồi hồi muốn rơi nước mắt. 
Tôi ước là bài thơ được dịch sang điệu lục bát để đem về ngâm nga dạy con cháu, nhưng việc làm lúc đó đang bận nên tôi đành bó tay.
Tiếc rẻ, tôi viết thư “òn ỉ” xem trong nhóm có ai cao hứng dịch dùm.Thật là vui và ngạc nhiên khi chiều hôm đó tôi nhận được bản dịch của Donna Nguyễn.
 Cô Donna người Việt dịch bài thơ cuả cô Donna người Mỹ một cách “thần sầu”, vừa gần gũi tiếng Việt vừa chuyên chở được hết ý thơ và cái ngây thơ đến đau lòng của đứa bé trong tác phẩm.

Is Heaven In The Yellow Pages?
By: Donna Hoover

Mommy went to Heaven, but I need her here today,
My tummy hurts and I fell down, I need her right away.
Operator can you tell me how to find her in this book?
Is heaven in the yellow part, I don't know where to look.
I think my daddy needs her too, at night I hear him cry.
I hear him call her name sometimes, but I really don't know why.
Maybe if I call her, she will hurry home to me.
Is Heaven very far away, is it across the sea?
She's been gone a long, long time she needs to come home now!
I really need to reach her, but I simply don't know how.
Help me find the number please, is it listed under "Heaven"?
I can't read these big words, I am only seven.
I'm sorry operator, I didn't mean to make you cry,
Is your tummy hurting too, or is there something in your eye?

If I call my church maybe they will know.
Mommy said when we need help that's where we should go.
I found the number to my church tacked up on the wall.
Thank you operator, I'll give them a call.

Thiên Đàng Số Mấy
Người dịch: Donna Nguyễn

Mẹ con đã dọn về trời
Nhưng con cần mẹ bên đời hôm nay
Bụng đau, con lại té trầy
Con cần mẹ với bàn tay dịu hiền

Tổng đài: xin hãy cảm phiền
Cho con xin số mẹ hiền, được không?
Thiên Đàng số mấy hả ông?
Sao con tìm mãi mà không được nào

Cha con buồn bã làm sao
Trong đêm gọi mẹ, nghẹn ngào tiếc thương
Ước gì số mẹ tỏ tường
Con gọi, mẹ sẽ lên đường về thăm

Thiên Đàng một cõi xa xăm
Cách bao nhiêu biển? Bao năm xa rồi
Về mau hỡi mẹ yêu ơi
Con tìm số mẹ, giữa đời bơ vơ

Con đang tìm mẹ ngẩn ngơ
Con đang cần mẹ từng giờ, mẹ ơi
Thiên đàng số mấy? hỡi đời
Con mới lên bảy, chữ thời quá to

Tổng đài xin hãy cùng lo
Giúp cho con nhé, gọi cho mẹ về
Hay ông cũng thấy ê chề?
Ruột gan đau thắt, não nề, chơ vơ?

Hay con phải gọi nhà thờ
Như lời mẹ dặn, Chúa chờ giang tay?
Ô hay! số ấy đây này
Cám ơn ông nhé, con đây gọi liền

Thiên đàng, với bóng mẹ hiền
Xin mau bôi xóa ưu phiền con mang 


Bài thơ trong điệu lục bát nghe thân thương như một bài hát ru, mang đầy hồn thơ Việt.Tôi rất thích hai chữ “hồn thơ”. Theo tôi, mỗi bài thơ đều có hồn và người cảm được cái hồn thì mới thích bài thơ đó.
 Có lẽ vì thế mà thưởng thức thơ bằng ngoại ngữ bao giờ cũng khó hơn. 
Vậy mà gần đây nhóm Việt Bút vừa đón nhận một thành viên mới, một người Mỹ làm thơ tiếng Việt.Tôi gọi ông là chú Sáu  thay vì Mr. Steve Brown.
 Chú Sáu đã từng đóng quân ở Việt Nam, nơi đó chú đã gặp thím Sáu.
 Vài ngày sau khi gia nhập nhóm, chú Sáu ra mắt mọi người bằng một bài thơ lục bát. Thơ chú Sáu đặc biệt với cách dùng chữ là lạ của một người rất giỏi tiếng Việt nhưng không phải là người Việt, nghe vưà độc đáo vưà ngộ nghĩnh. Chẳng hạn như trong bài thơ tả cảnh của chú:

Hoa màu đỏ nở trước nhà
Nhưng nàng hay ngắm đi xa vắng rồi
Đi qua một chỗ xa xôi
Màu hoa thật đẹp trên đồi chung quanh
Em ơi, hãy đến cùng anh
Đôi ta thưởng thức gió hanh một hồi
Những điều giản dị mà thôi
Thỏa lòng cuộc sống, lôi thôi khỏi cần

Tôi đã cười vì thấm ý với hai câu kết, nhất là khi tưởng tượng chú Sáu nói “lôi thôi khỏi cần” bằng giọng Bình Định của quê thím Sáu...

Sau đó, anh TQ Sỹ chỉ cho nhóm Việt Bút làm thơ Đường. Anh tóm tắt niêm, luật bằng những câu vè ngắn, dễ nhớ làm cho mọi người thích thú. Người thích nhất có lẽ là chú Sáu. 
Chú áp dụng những quy luật một cách thật chính xác và hăng hái tập luyện. Đối với chú Sáu, việc theo sát niêm luật như theo công thức toán có vẻ không khó lắm, nhưng chú khá chật vật trong việc tìm ý đối cho các câu thực (câu 3,4) và câu luận (câu 5,6). 
Cũng là chuyện tự nhiên thôi, ngay cả chúng tôi - những người nằm mơ bằng tiếng Việt - mà còn phải vò đầu với phần đối khi làm thơ Đường.
 Tuy vậy, với lòng yêu tiếng Việt thật đậm đà và óc cầu tiến, chú Sáu đã kiên nhẫn trau giồi và tiến bộ rất nhanh.Bài thơ Đường mới nhất của chú vừa đúng niêm luật, vưà chỉnh ý mà vẫn có những câu mộc mạc, dễ thương.

Muôn màu tàn hết có ngờ đâu
Đến cuối mùa Thu cảnh nhuốm sầu
Hãy chớ nản lòng, đừng tuyệt vọng
Không cần đổ lệ, khỏi cần lau
Cứ xem lúc đó như thời vận
Hãy thấy mùa qua tựa chiếc cầu
Để chở mình qua mùa quá đẹp
Khi đôi ta dạo chơi cùng nhau

Người Mỹ mà thích làm thơ Việt và làm giỏi như chú Sáu thật là hiếm có. Đôi khi tôi có ý nghĩ dí dỏm rằng không biết chú Sáu có duyên với thím Sáu nên yêu thơ Việt, hay vì chú có duyên “tiền định” với thơ Việt nên ông Tơ Hồng cho chú gặp vợ Việt Nam…

Ngày trước, khi có giờ rảnh, Bố tôi ngâm một vài bài thơ và ghi âm vào băng nhưạ. Cái máy thâu âm lúc đó có hai băng nhựa to như hai cái điã, và tôi đã nhiều lần ngồi bên Bố, chăm chú nhìn những vòng băng nâu nhạt quay quay, nín thở giữ im lặng cho Bố ghi lại những bài thơ ông thích nhất.
Ngày đi Mỹ, Bố Mẹ tôi không đem theo cái máy cũ kỹ, nặng nề đó.Bố tôi bây giờ đã lẫn rồi. Ngay cả tôi ông cũng ít nhận ra, nói gì tới nhớ được thơ.
 Những bài thơ đã phai ở trên băng nhựa, đã nhoà ở trong óc Bố nhưng may thay chúng vẫn còn ở trong tôi.
 Những bài thơ vẫn dẫn đường cho tôi về thăm lại miền tuổi thơ, có Mẹ tôi ngồi mỉm cười nghe Bố tôi ngâm thơ ru chị em tôi ngủ.Con gái cuả tôi bây giờ cũng thích thơ và làm thơ giỏi lắm.
 Thơ của cháu đăng trên các diễn đàn từ lúc mười tuổi được nhiều người khen. Ngược lại với tôi, cháu rành thơ tiếng Anh và chỉ biết chút ít thơ tiếng Việt. Nhưng, theo những gì tôi thấy chung quanh, thế hệ sinh ra ở Mỹ thường trở về gần gũi với nguồn Việt Nam khi các cháu trưởng thành.
Ngạn ngữ Mỹ có câu “Quả táo chẳng thể nào rơi xa gốc cây” (The apple never falls far from the tree), cho nên dù diễn tả bằng tiếng Việt hay tiếng Anh, thơ đã được nối từ tôi qua con gái. 
Cây táo được nuôi lớn bằng những lời ru của Bố tôi, của bà nội tôi, và những đời xa hơn nữa, đang kết trái đơm hoa trên xứ Mỹ.
 Tôi hy vọng cây luôn luôn mạnh mẽ, tươi tốt để một ngày mang trái ngọt về bồi lại làng quê nơi Bố đã ra đời. Tôi tin là chuyện đó sẽ xảy ra.
 Sẽ xảy ra nếu tôi chăm chỉ tưới cây bằng những câu ca dao, những bài thơ, bài văn, âm nhạc, và những trang sử Việt… Và các con tôi cũng làm như thế.
                                      Khôi An 
                                @@ tks t.g !!

Duy Quang-Người nghệ sĩ tài hoa... bạc mệnh

 Duy Quang sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc với cha mẹ là nhạc sĩ Phạm Duy, ca sĩ Thái Hằng, dì là ca sĩ Thái Thanh và cậu là nhạc sĩ Phạm Đình Chương, hẳn nhiên gen âm nhạc bộc lộ rất sớm trong ông là điều không quá lạ.
Duy Quang chính thức khởi nghiệp ca hát năm 17 tuổi, nhưng thực sự dòng máu nghệ thuật đã đến với ông từ khi mới lên 5; 10 tuổi ông đã rành rẽ nhạc lý, ông có thể chơi nhiều nhạc cụ từ mandolin, trống, guitar cho tới cả dương cầm.
Cùng với các em, đầu những thập niên 70 của thế kỷ trước, người anh cả Duy Quang thành lập ban nhạc gia đình The Dreamers, với Duy Minh chơi trống, Duy Hùng chơi guitar, Duy Cường chơi organ, hai cô em gái là Thái Hiền và Thái Thảo trong vai trò ca sĩ.
Mặc dù ông lớn lên trong thời chiến, vậy nhưng âm nhạc ông hát lại chịu sự ảnh hưởng của dòng nhạc nước ngoài, từ những chất nhạc dễ nghe, êm tai như pop, ballad cho tới rock and roll, có lẽ vì thế mà các bản nhạc mà The Dreamers chọn trình diễn thường là của The Rolling Stones, Carpenter, The Beatles hay The Shadows. The Dreamers trở thành một trong những ban nhạc tiên phong chơi các ca khúc quốc tế thịnh hành hồi đó.
Ngoài khả năng hát và chơi nhạc nước ngoài, Duy Quang còn được cha là nhạc sĩ Phạm Duy dành “độc quyền” cho nhiều bài hát tiếng Việt do ông sáng tác, cho đến giờ những ca khúc như Còn Một Chút Gì Để Nhớ, Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng, Chỉ Chừng Đó Thôi, Em Hiền Như Masoeur hay Thà Như Giọt Mưa…vẫn là những đỉnh cao mà khó ca sĩ nào vượt qua được giọng hát Duy Quang.
 Nghiệp hát của Duy Quang êm ả, ông chọn cho mình dòng nhạc trữ tình sang trọng, không bị cuốn vào trào lưu hát nhạc lính thời đó.
 Ông được người nghe yêu mến bởi chất giọng truyền cảm, trong và ấm, với hơn 400 ca khúc kể từ khi còn trong nước cho đến khi sang Hoa Kỳ định cư năm 1979.
Người nghe nhạc Việt Nam hẳn vẫn nhớ những phút giây thăng hoa của Duy Quang và Julie trên sân khấu, khi 2 người trong ban nhạc The Dreamers, họ là cặp đôi đẹp dưới cả ánh đèn màu và cả dưới ánh mắt của những người hâm mộ tiếng hát họ.
Sự nghiệp cầm ca êm đềm bao nhiêu thì con đường tình cảm của ông lại chông gai bấy nhiêu.
 Ông trời chẳng cho ai sự trọn vẹn!Được xem là cặp song ca đẹp nhất một thời, nhưng Duy Quang và Julie cuối cùng mỗi người mỗi ngả, ông từng tâm sự rằng mối tình đầu đó mau tan vì khi đó ông còn quá trẻ, chẳng có kinh nghiệm trong đời.
Ông lập gia đình lần đầu tiên năm 1984 với cô Mỹ Hà, vốn là Hoa khôi người Việt tại thủ đô Washington, Duy Quang sau đó, có 2 người con gái.
 Cuộc hôn nhân kéo dài 18 năm, nhưng lại đong đầy phiền muộn, có lần khi nói với báo chí trong nước, ông từng chia sẻ “lấy nhau không phải vì tiền mà lại xa nhau vì đồng tiền đỏ đen.”
 Trong mười năm trời ông đã từng phải bán ba căn nhà để trả nợ cho vợ, nhiều lúc muốn buông xuôi vì hôn nhân đổ vỡ. Hai năm sau, năm 2004, ông quyết định về lại Việt Nam sinh sống. 
Trên mảnh đất quê nhà, niềm vui trong âm nhạc đã trở lại với ông, ông mở phòng trà, ra album và đi hát nhiều show lớn.
 Năm 2007, ông bước tiếp lần nữa với ca sĩ Yến Xuân, thế nhưng, đường tình duyên vẫn lận đận, ông chia tay 2 năm sau đó.
Duy Quang được biết đến hầu như với vai trò là ca sĩ, thế nhưng ông cũng có viết một số bài nhạc, mà trong đó Kiếp Đam Mê là tác phẩm được công chúng biết đến hơn cả. Nhân vật trong Kiếp Đam Mê của Duy Quang chưa bao giờ được tiết lộ, nhưng ông từng nói rằng cô ấy rất đẹp và cô cũng xuất hiện trong một ca khúc khác của ông là Vì Yêu Em.
… Nếm trải vị ngọt đắng ở đời, tôi biết mỗi ngày đang qua là mỗi ngày đáng sống…
Mỗi ngày sắp đến là một ngày vui của tôi. 
Có lẽ trong mỗi giai đoạn, con người có những ý thích khác nhau. Bây giờ, tôi chỉ mong muốn cuộc sống thanh thản, hạnh phúc…
Lời tâm sự ấy của ông khi một thời trẻ đã qua đi, những ham muốn vật chất không còn ý nghĩa, ông chỉ cầu mong sự bình yên của một chốn đi về sau những đêm diễn.
Khi cuộc sống trở lại phẳng lặng, ông sống độc thân khép kín, thì cũng là lúc căn bệnh ung thư gan ác tính ập đến. Sau nhiều ngày chống chọi, ông trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay bè bạn và gia đình vào lúc 11h30 trưa ngày 19/12 tại California.về cõi vĩnh hằng, ông Kỳ Phát một người bạn thân với ca sĩ Duy Quang hơn 40 năm ngậm ngùi chia sẻ:
Khi anh bị bệnh, tôi được báo là 7/11 vừa qua anh Duy Quang về lại Mỹ để chữa bệnh.
 Anh đến bác sĩ Michael Đào, đến đó để bác sĩ Đào lo đưa anh vào bệnh viện Orange Coast Hospital, anh ở đó 3 ngày thì bác sĩ cho biết là anh bị ung thư gan thời kỳ cuối cùng, thì bệnh viện cho anh về, không có chemo, cũng như không mổ nữa. Mỗi ngày tôi đều đến thăm anh.
Cũng có một số người chỉ cho Duy Quang uống loại thuốc của anh Từ Công Phụng đã uống mà anh Từ Công Phụng đang bình phục.
 Anh Duy Quang đã theo phương pháp đó để mà chữa trị, vài ngày sau thì anh Duy Quang có vẻ ăn được, anh Duy Quang mỗi lần đi đâu ăn, cũng có rủ tôi và một số người bạn, thì thấy anh Duy Quang ăn được. 
Nhưng khoảng chừng 1 tuần nay, anh Duy Quang có vẻ yếu đi, tức là thứ 7 vừa rồi, anh mệt và được đưa vào bệnh viện Fountain Valley, cho đến ngày qua đời, thì anh nằm trong đó, phòng săn sóc đặc biệt.
  Khi anh Duy Quang ra đi có tất cả 3 người con của Duy Quang là 3 cô con gáiPhạm Mỹ An, Phạm Mỹ Kim, LyLan ( con chung Julie + Duy Quang ),.. và các em ở bên khi anh Duy Quang ra đi.
Mặc dù giờ phút sau cuối, không được các bác sĩ cho phép vào phòng gặp ca sĩ Duy Quang, nhưng ông Kỳ Phát cũng có mặt trong bệnh viện, khi ông vừa rời khỏi đó 10 phút thì ca sĩ Duy Quang ra đi.
 Ông Kỳ Phát nói rằng tuần trước, một số anh chị em nghệ sĩ cũng như người hâm mộ tại California đã tổ chức 2 đêm nhạc để gây quỹ cũng như để tri ân với người nghệ sĩ tài hoa nhưng sớm bạc mệnh.
Qua làn sóng của đài ACTD, thay mặt anh chị em ban Việt Ngữ, Vũ Hoàng xin gửi lời thành kính phân ưu đến gia quyến, cầu chúc ông yên giấc ngàn thu.

                                Vũ Hoàng 
                             RFA ,@@tks PV VH!