Trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2013

Đi chợ nổi Thái Lan, ăn trái cây tươi ngon

Chợ Damnoen Saduak nằm cách Bangkok khoảng một tiếng rưỡi đi ôtô. Có nhiều cách để bạn đến chợ:
- Nếu bạn là người lần đầu du lịch Thái Lan hoặc không đủ tự tin để xoay sở, bạn có thể kiếm một tour trọn gói, khá phổ biến ở các khu phố Tây hoặc chính khách sạn nơi bạn ở. 
Tour đến chợ nổi thường đã bao gồm vé thuyền trên sông.
- Còn nếu bạn tự tin với tiếng Anh của mình và có nhiều kinh nghiệm, bạn có thể tự ra bến xe thành phố.
 Hãy hỏi người dân tuyến xe buýt đi chợ nổi Dumnoen Saduak thuộc tỉnh Ratchaburi, cách Bangkok chừng 100 km. Bangkok có 3 trạm xe buýt đường dài: trạm xe Đông – Ekamai, nằm ngay bên cạnh Ekamai BTS. Trạm xe buýt Bắc và Đông Bắc – Mohchit là trạm xe buýt đông đúc, lớn và hiện đại nhất Bangkok.
 Trạm xe buýt Nam Saitaimai cũ hơn, phục vụ các điểm đến phía Tây, Nam và một số điểm nằm ở phía ngược bờ sông.
Chợ Damnoen Saduak là một trong những chợ nổi lâu đời nhất tại Thái Lan. 
Phục vụ khách du lịch là ưu tiên hàng đầu, việc buôn bán của người dân chủ yếu diễn ra vào buổi sáng sớm, khoảng từ 6h với những nông sản và các vật phẩm thiết yếu hằng ngày của người dân.
 Quãng 8h là thời gian dành cho những gian hàng phục vụ cho khách du lịch đến tham quan.
 Vé du lịch thường kèm theo phí đi thuyền máy trên sông. Nhưng để đi dọc con kênh phải mất phí một lần nữa, khoảng 150 baht (khoảng hơn $ 100.000 đồng).
 Bạn có thể ngồi thuyền đi dọc con sông hay đi hai bên bờ để ngắm nhìn cảnh nhộn nhịp dưới sông tùy theo ý thích của mình.
Vô số các loại hoa quả nhiệt đới tươi rói, màu sắc bắt mắt ngon lành khiến bạn không thể không gọi với sang mua và ăn ngay. 
Trái ổi xanh mướt, xoài vàng ươm được cắt nhỏ ăn kèm với xôi trắng, roi chín đỏ ngọt mát, dừa nguyên trái, có những loại đã được gọt sẵn sạch sẽ. 
Ngoài hoa quả, các con thuyền bập bềnh neo đậu hai bên sông còn bán nhiều hàng thủ công mỹ nghệ được làm từ dừa, những bức phù điêu mang đậm màu sắc dân tộc, ngay cả những chiếc túi cói, đôi dép hay những chiếc mũ cũng thật đặc biệt.
 Thi thoảng bắt gặp một vài ghe thuyền bán những bông hoa lan, hoa súng. Những con thuyền nhỏ và thuôn dài ăm ắp hàng hóa và những ghe du lịch ngược xuôi, con kênh gần như tắc nghẽn.
 Người ta có thể mua đủ thứ hàng hóa từ trên bờ và phía dưới thuyền chỉ bằng một cái sào đưa lên nhận tiền và chuyển thứ hàng cần mua cho khách.
 Những tay chèo khéo léo khiến cho những con thuyền luồn lách qua nhau nhanh chóng . Chỉ trong một quãng kênh ngắn ngủi, nhưng việc thông thương buôn bán diễn ra sôi động và nhộn nhịp.
Trên hai bờ kênh cũng là chợ, náo nhiệt và tấp nập đủ màu sắc mùi vị. Bạn sẽ bị ấn tượng bởi những gian hàng bán gia vị và hương liệu. 
Tại đây, bạn có thể mua từ hành, tỏi, ớt, gừng, lạc, vừng… cho đến quế, hồi, hoa hòe, thảo quả… Hương liệu được gói bọc đẹp đẽ trong những túi nilon nhỏ với giá cả phải chăng.
 Chợ nổi Thái Lan có rất đông khách nước ngoài đến háo hức tìm hiểu và thích thú khi đi thêm vài vòng qua những làng nổi ven sông.
 Khi con thuyền bập bềnh thoát hẳn con kênh nhỏ để nhập vào con sông lớn và len lỏi qua những ngôi làng xinh xắn hai bên sông, phong cảnh hiện ra thật thanh bình. Nhà nào cũng nở hoa rực rỡ.
 Những bồn hoa được đặt bên các bậu cửa, treo lúc lỉu ngay trên những chân cầu lên nhà hay nở rộ trên nắp hòm thư. Người dân sinh hoạt và làm mọi việc từ nước sông, ngoại trừ việc nấu ăn.
 Những ngôi nhà đều khang trang và đầy đủ tiện nghi. Du lịch đã góp phần nuôi sống và làm giàu cho nhiều hộ gia đình. 

                                       Lam Linh 
                          @@ woaaa, tks Lam Linh hah!

Sửa soạn cho 3 ngày Tết ( t.theo)

Ngày Tết phải có hoa, cây, nhà trông mới vui mắt . Bàn thờ Phật thường có bình hoa Huệ, bàn thờ ông bà là hoa glaieulhoa lai Ơn đỏ), ngoài hiên nhà được trang hoàng với cặp cúc đại đóa, cây kim quất, trái vàng nho nhỏ thật xinh, trên bàn ăn là hoa thủy tiên cánh trắng, nhụy vàng, hương tỏa nhẹ nhàng, hay cây lan hồ điệp tím trang nhã.
Nơi huy hoàng đẹp đẽ nhất của căn phòng khách phải được ngự trị bởi chậu mai vàng rực rỡ, hay cây đào màu hồng phấn nhẹ nhàng
Tôi nhớ có năm ba tôi được ông bạn biếu một cành đào từ Đà Lạt về, cành cây dáng thật thanh nhã, màu hồng phơn phớt.
Từ dạo đó tôi yêu dáng dấp cây đào, tuy hoa anh đào không rực rỡ bằng hoa mai nhưng lại mang vẻ đẹp đẹp nhè nhẹ, tựa như dáng tố nữ mảnh khảnh, thanh tú, sang cả.
Chợ hoa cũng là một nơi được nhiều viếng nhất, các bác bỏ rất nhiều thời giờ để lựa một cành mai, cành đào về chưng diện nhà cửa, còn các cô các cậu chỉ có việc đi lo ngắm hoa và ngắm nhau. 

Không nơi nào rực rỡ nhiều màu sắc bằng chợ hoa.
Dưa món
-Dưa món phải được sửa soạn từ cả tháng trước. Làm một phẩu dưa món ngon rất tốn công và cần sự khéo léo của người nội trợ. Nấu nước mắm ngâm dưa là một công trình!
Nước mắm không được sánh, đặc quá, mà cũng không được lỏng, dưa món mới để lâu được. Ngoài ra người nội trợ còn phải canh ánh nắng mặt trời.
Vào tháng chạp ta, trời hay âm u, xam xám, ít nắng, mà dưa món cần phải được phơi nắng, khô queo mới dễ thấm, thành ra mọi thứ phải được cắt, tỉa sơm sớm, để còn phơi cho kịp chàng nắng.
Phẩu dưa món thường có cà-rốt, củ cải trắng, su hào xanh, vỏ dưa leo với một tí thịt trắng, ớt đỏ, củ kiệu ...
Tất cả được cắt lát mỏng, nhưng không được quá mỏng, tỉa hoa cho đẹp, cũng là để dễ thấm nước mắm, sau đó trải ra phơi nắng trên những cái mẹt hay mâm.
Có khi phải phơi hai ngày để nó thật teo khô, rồi mới đổ nước mắm nấu vào.
Các thứ dưa từ từ nở dần ra, chen chúc trong một cái phẩu. Một phẩu dưa món ngon, nhìn là đã thấy ngon mắt rồi.Nước mắm trong vắt, chen lẫn với nhau nào là củ cải trắng, cà rốt đỏ, dưa xanh, mấy quả ớt nho nhỏ, đỏ xanh, cắn vào một miếng tận hưởng chất dòn dòn, mằn mặn, ngọt ngọt. Dưa món dùng để ăn với bánh chưng, bánh tét.
Các bà nội trợ còn làm các món dưa chua khác, như cải bẹ xanh chua, củ kiệu, hành hương.
Ôi nhớ làm sao thẩu hành hương màu hồng, ngâm dấm, qua bàn tay khéo léo của mẹ, ăn mới dòn, chua chua, ngọt ngọt, ngon biết bao ...
Cái vị đặc biệt đó mấy chục năm về trước, nằm trong trí nhớ, trên đầu lưỡi, mà tới bây giờ người viết chưa được thưởng thức lại ...
Báo Xuân
À, à, báo xuân ...

 Không phải tục lệ từ ngàn năm, nhưng cũng là một dấu hiệu của xuân sang, thời miền Nam rộn ràng với muôn hoa đua nở trong làng báo.
Từ khi người viết lớn lên, và biết đọc, mỗi khi báo xuân muôn màu sắc xuất hiện trên các sạp báo, trong các cửa tiệm sách, thì đó là một trong những hình ảnh nhắc nhở xuân đã về, dù ngoài trời nắng chang chang, không có mưa phùn bay bay.
Tờ báo xuân ngày nào thường lớn hơn tờ tuần báo thường ngày, đẹp rực rỡ với hình cây mai, có treo túi lì xì màu đỏ, với phong pháo dài, ngòi đang cháy, có em bé bận áo dài, khăn đóng, có cụ đồ già ngồi viết câu đối, hay có hình nữ tài tử Thẩm Thúy Hằng xinh như mộng, tươi như hoa, hay nữ tài tử Kiều Chinh, các tài tử cải lương Thanh Nga, Bạch Tuyết, và sau này là ca sĩ Thanh Lan ..
  Mua báo xuân đọc là cái thú của những ngày trước tết, vì báo thường có nhiều bài vở lý thú hơn, những câu chuyện đặc biệt cho con giáp của năm đó.

Các anh chị trung học lại lo làm báo học trò, thi đua viết lách, vì vậy đang tuổi học trò chờ đợi đọc báo xuân, là một thú vị của những ngày trước Tết.
 -Cúng ông Táo
-23 tháng chạp đưa ông Táo về Trời. Cúng ông Táo là tục lệ xưa lắc, người ta còn giữ như là một tục lệ cho vui, không mấy ai tin là ông Táo về mách lẻo chuyện góc bếp cho Thiên Đình nữa.
Cúng ông Táo chỉ cần nhang, đèn, hoa quả và để gần bếp. Có nhà cúng với cá chép nữa, nhưng thời đại sau này tục lệ được giảm bớt.
Chỉ có những người nội trợ mới phải cúng thôi .
Cỗ Cúng rước Ông Bà về
Ngày ba mươi Tết đường phố vắng lặng. Người nào phải đi làm cũng ráng về sớm.
Tới 12 giờ trưa, phần đông các tiệm đều đóng cửa để lo cho mâm cúng ông bà, cũng như buổi ăn tất niên.

 Ngoài đường im vắng, nhưng trong nhà thì không khí rất bận rộn.
Chủ gia đình lo xếp bàn thờ, chùi lư hương, chân đèn, kê bàn, cắm hoa vào bình, sửa soạn bàn thờ cúng ông bà.
Trong bếp mới thật là rộn rịp. 

Người lo luộc thịt, làm canh giò hầm nấu bóng, người lo bằm thịt, cua, lột vỏ tôm làm chả giò, bé con thì phải lo làm rau sống ăn với chả giò. Hoặc chực sẵn trong bếp để được sai vặt!
Món ăn ngày Tết thường có giò thủ, vịt hầm thuốc bắc, thịt đông ăn với dưa giá, thịt luộc ăn với tôm chua, giò chả, gà luộc, gà bóp rau răm, hay gà cà ri... 
 

 Không thể thiếu cá, hoặc hấp, chiên hay kho, thịt heo kho tàu ... ê hề. Làm nhiều thế, vì còn để dành ăn trong ba ngày Tết nữa.
Mấy ngày đầu năm các bà nội trợ phủi tay đi thăm bà con, bạn bè, chơi tam cúc, tứ sắc.
Tới mồng ba thì cúng đưa ông bà, lại rộn rịp nhưng không bằng cúng cỗ tối ba mươi. Thời chưa có tủ lạnh, tôi nhớ làm nhiều món kho vì để được lâu. Chả giò, canh hầm, cá thì ăn ngay hôm ba mươi.
Cúng Giao Thừa, Đi chùa Hái Lộc...
Thường thì vào giờ giao thừa bố mẹ tôi thắp nhang đèn, nấu trà cúng ông bà, và có dành sẳn một mâm trái cây để cúng Trời Đất.

 Nhà không có tục lệ tự xông đất mình, hễ ngày mồng một ai tới nhà trước là người đó xông đất nhà. Nhiều người còn đi chùa hái lộc, nơi tụ hộp đông đảo người, rất vui.
Xuân Tha Huơng
-Từ ngày dọn về Cali, chúng tôi tổ chức Tết rộn rịp hơn thời ở tiểu bang lạnh lẽo.
Tuy vậy Tết tha hương những năm đầu cũng khó quên. Những gia đình Việt Nam trong thành phố cùng các sinh viên, đều có tổ chức Tết. Các sinh viên lo mượn chỗ, lo trang hoàng với băng “Cung Chúc Tân Xuân”, mượn tranh Tết về treo, làm câu đối giả. 

Các gia đình chung nhau đem bánh chưng và các thức ăn Việt Nam tới, không khí thật là đầm ấm
  Có năm trời ở ngoài phủ một màn tuyết trắng xóa. (Tết thường vào tháng Hai, và tháng Hai thật ra là tháng lạnh nhất trong năm).
Các bà, các cô sinh viên choàng lên mình một cái áo coat thật dầy, nhưng khi bỏ cái áo ra là những tà áo dài, đơn sơ nhưng rất đẹp. 

Tự nhiên có không khí Tết ngay!
Cái áo dài nhét vội khi chạy loạn, thế mà hay! Mấy năm sau, có người chịu khó gởi về CA may chiếc áo dài mới, mặc vào ngày Tết thật là có ý nghĩa.

  Tự nhiên nhìn chiếc áo dài, mọi người thấy phấn khởi và vui hơn. Những năm đó, mẹ tôi làm bánh chưng gói bằng giấy bạc, bỏ food color cho ra màu xanh. 
Nấu một lần 2, 3 cái trong cái nồi lớn, nhưng nấu lửa ga nên lửa đều mau chín hơn lửa củi. Tặng ai một cái bánh chưng thôi là họ quý vô cùng!
Các anh chị sinh viên rủ nhau làm bánh chưng, cũng vui đáo để. Người này thúc người nọ, gọi các bác hỏi, vì cứ làm xong là quên ngay, mà năm nào cũng hỏi thành ra cũng hơi ngại

 Rồi rủ nhau làm văn nghệ, đàn hát suốt đêm, mặc ngoài trời tuyết rơi phủ lạnh lùng, và bài thi chồng chất.
Tại quận Cam, mỗi độ xuân về, cứ tới viếng phố người Việt là lại thấy không khí Tết .
Các chợ hoa càng ngày càng nhiều và lớn hơn. Bánh mứt, bánh chưng ê hề ..

 Trong chợ vang vang bài hát đón mừng xuân ... 
Tại các tư gia người Việt thì có lẽ không có không khí rộn rịp như bên nhà, nhưng dù bận rộn bao nhiêu, các bà mẹ vẫn không quên lo cho cái tết đầu năm, cho con cháu hưởng chút không khí ngày tết 
 Dù ở tiểu bang xa xôi hẻo lánh, hoặc ở gần khu đông đảo người Việt, mẹ tôi không bao giờ quên ngày tết, bà loay hoay phơi cải, cà rốt làm dưa món, lại đi mua nếp, đậu, nấu bánh, mua quà biếu bạn bè, người thân, đã từng giúp mình năm qua, loay hoay từ gói chả giò đến nồi canh hầm... nấu cỗ cúng ông bà ..
 Hình ảnh đó đã in sâu vào trong trí tôi, để rồi khi có gia đình, khi không còn mẹ nữa, tôi cũng theo lệ, chạy đôn, chạy đáo mua hoa, mua thức ăn về nấu cỗ.
Năm nào cũng vậy, đứng nơi cửa hàng bà Rồng Vàng, hay tại chợ Việt Nam, tôi cũng dừng tay, trầm ngâm mất mấy phút, ngắm các bà, các cô, các ông nữa đứng lựa hoa, lựa các loại mứt, các đòn bánh chưng.
Đó là hình ảnh xuân về, và tôi cảm thấy mình thật may mắn, được là một phần của quang cảnh đông đảo trong khu phố người Việt.
Từ những góp nhặt kỷ niệm của thời thơ ấu, những chi tiết mình tưởng quên không ngờ ào ạt trở về
... Một vài chi tiết về làm mứt, làm dưa món phải gọi hỏi bác suôi gia của ba mẹ tôi, người Huế, năm nào cũng được bác gọi qua ăn Tất niên, hưởng lại hương vị Tết.
Tôi đang ngẩm nghĩ chắc phải học bác món vịt hầm, năm ngoái bác làm tuyệt hảo, phải học làm món mứt gừng kiểu Huế, từng lát mỏng cay cay ngọt ngọt, để mai một rất uổng ....
Một cái Tết nữa lại về, sáng nay nắng xuân chan hòa, và tôi như thấy lại hình ảnh mẹ hiền lui cui trong bếp, với nồi mứt, xoay qua thì bà đã đi ra xem xét mâm cải phơi ngoài sân...

                               Trần Viết Minh Thanh.


  @@ Ôi nhớ Tết quê nhà , thích nhất không khí nhộn nhịp ,náo nức của những ngày cuối tháng chạp ,từ 23 đưa ông Táo về trời ,rồi đi chợ Tết ,chợ hoa Nguyễn Huệ ,cho tới giờ giao thừa ....
 Cly cám ơn bài viết đặc sắc của t/g  TVMT !



SỬA SOẠN CHO 3 NGÀY TẾT.

Tết đối với một người Việt tha hương mang nhiều gợi nhớ, nhớ đêm giao thừa, pháo nổ đi đùng, nhớ khói nhang trên bàn thờ nghi ngút, nhớ vẻ trịnh trọng của cha mẹ, ông bà đứng thấp nhang khấn vái, nhớ đòn bánh chưng, bánh tét, phẩu dưa hành, nồi thịt kho, nồi canh hầm, nhớ sáng mồng Một được lì xì, nhớ cảnh gia đình hàng xóm, cả vợ chồng con cái đèo nhau trên xe honda, ai cũng quần áo mới toanh, khác thường ngày, nhớ lần chơi bầu cua, cá cọp trên hè phố bị lột hết tiền ... và nhiều nhiều nữa ...
Nhưng có lẽ chúng ta nhớ nhất là không khí trước tết, từ những cửa hàng tràn ngập hoa quả, bánh mứt, đến vẻ rộn rịp, đông đúc của phố phường, chợ búa, cả thành phố tưng bừng đón xuân sang.
Giờ đây tại hải ngoại, chúng ta cũng lần lượt có các thức ăn ngày Tết, gần như không thiếu thức gì, nhưng cái rộn ràng, nhộn nhịp, sửa soạn cho ba ngày Tết, có lẽ cái mà người Việt tha hương thiếu.
Xin mời độc giả đi lại từ đầu (chớ đi vội về sau), của quá khứ ngày tết năm nào, bắt đầu từ tháng chạp, khi các sạp báo, tiệm sách bắt đầu bày bán báo xuân, và đài phát thanh đã ngân nga: "Anh cho em mùa xuân, nụ hoa vàng mới nở ...."



Nhà Cửa
Trước tết cả tháng, thường hai vị chủ gia đình bàn bạc với nhau là có nên làm đẹp ngôi nhà không, có nghĩa là quét vôi lại mặt tiền nhà.
Cũng tuỳ túi tiền cho phép, cứ độ vài năm ngôi nhà được thay lớp sơn mới, thường là vào dịp Xuân về.
Tục lệ ngày xưa dùng vôi để trừ tà ma, vì vậy quét vôi nhà vào dịp tết không những để làm đẹp cho nhà, mà còn giữ một phong tục xưa nữa.
Nếu trong xóm có một nhà quét vôi, thì hầu như mấy nhà chung quanh cũng theo đó sơn phết lại nhà mình, vì nom thấy nhà hàng xóm với lớp vôi mới trông sáng và khang trang hẳn ra.
Chuyện quét vôi làm gợi nhớ người viết một kỷ niệm trong xóm. Năm ấy có hai cu cậu choi choi trong xóm bị quỳ vị cái vụ quét vôi nhà.
Số là nhà hai cu cậu này sát nhau, cả hai nhà cũng vừa mới quét vôi xong, hai cậu nghịch, xịt nước vào nhà nhau.
Quét vôi sợ nhất trời mưa, vì lớp vôi chưa khô, tường sẽ loang lỗ khó coi vô cùng!
Đàng này hai cậu xịt nước thì còn quá hơn trời mưa, vì có chỗ đậm, chỗ nhạt, chỗ lem, chỗ lết, coi rất khủng khiếp.
Tối đó cả xóm nghe tiếng la rầm rầm của hai ông bố đi làm về, và sáng ra thấy hai cậu phá nhất xóm, quỳ trước hiên nhà, trong lúc hai ông thợ sơn đang kiên nhẫn phết lại hai ngôi nhà.

 Lũ con nít chúng tôi đợi hai ông bố đi làm, bèn lượn ngang nhà thè lưỡi trêu hai cậu.
Mứt
Tới thăm nhà ai cũng có hạt dưa đỏ và mấy thẩu mứt để đưa câu chuyện.
Mứt tượng trưng cho sự ngọt ngào, vì thế mứt là một món phải có ngày đầu năm, không nhà nào thiếu khay đựng mứt xoay xoay, hoặc hai ba phẩu mứt để dọn khách.
Các bà nội trợ khéo tay bỏ rất nhiều thì giờ vào mứt, thật sự là để phục vụ lũ con nít trong nhà hơn là khách khứa tới nhà.
Nhiều loại mứt được chuộng vì cái tên của nói, nghe rất hên cho năm mới, mứt thơm chẳng hạn, mọi chuyện thơm tho đẹp đẽ, mứt dừa, tiền bạc vào “dừa dặn”..., mứt mãn cầu, cầu cho mọi chuyện suông sẻ, mứt đậu xanh - đậu và màu xanh tươi mát, cho nhà có học trò đi thi, được thi đỗ, quả hồng - màu hồng cũng như màu đỏ là màu hên.

  Thật là một niềm thú vị được xem mẹ làm mứt. Có loại mứt làm giản dị nhưng có loại phải chuẩn bị công phu! Mẹ tôi hay làm mứt gừng, mứt thơm, mứt rối, mứt dừa, mứt hạt sen, mứt đu đủ, mứt kim quất, mứt cà chua, mứt cà rốt ...
Tôi thèm các mứt mà nhà không thường làm, như mứt mãn cầu, xoài, me, chùm ruột...v.v., các món mứt miền Nam, mẹ tôi không rành.Mứt thơm rất ngọt, vì thơm đã ngọt sẳn rồi, mẹ tôi hay làm loại ướt, tức mứt thơm dẻo, chứ không phải như mứt thơm khô bán ngoài tiệm.
Mứt cà chua, bà cũng làm loại ướt, cà chua ra màu đỏ chót nên trông bắt mắt vô cùng, nhưng lúc ăn hơi phiền phứt, phải cho vào đĩa, còn lũ con nít, chỉ thích mở phẩu, nhót miếng mứt vào miệng thôi.
Mứt dừa dễ làm nhất.
Dừa cạo ra, cắt từng lát mỏng, và chỉ việc bỏ đường vào, xào tới xào lui, cho đến khô, thì được.
Dừa thuộc loại cứng nên không sợ gãy, thành ra tôi chuyên môn được mẹ giao cho song mứt dừa, tay làm nhưng mắt láo liêng nhìn sang mẹ đang làm món mứt công phu khác, chốc chốc lại bị nhắc chừng: “Coi, không thôi cháy!".
Cứ năm phút, con bé lại dừng tay hỏi mẹ:
“Mẹ, như ri được chưa?"

 Mừt gừng làm rất công phu, một loại mứt mẹ tôi làm đến mức tuyệt hảo.
Tại hải ngoại, tôi chỉ được biết một, hai bà cụ người Huế còn làm được mứt gừng đúng cách "thanh tao" của đất Thần Kinh.
Gừng phải lựa củ lớn, xắt lát lớn và mỏng, ngâm trong nước chanh, sau đó vớt ra phơi khô ngoài nắng thì gừng mới trắng. Khi gừng khô ráo thì bỏ gừng vào nồi luộc, rồi xả nước để cho gừng bớt cay, sau đó mới bỏ đường vào rim.
Rim mứt, động từ diễn tả cách nấu mứt với lửa thật nhỏ, không thì mứt cháy .
Rim mứt gừng nói lên sự nhẫn nại của bà nội trợ, từ từ đẩy gừng lên hai bên thành của nồi, chính giữa tạo thành một cái giếng bé trong có nước đường, và cứ thế múc nước đường rưới lên các lát gừng chồng chất hai bên thành.
Khi nước đường bắt đầu cạn, cầm cả thau xóc lên, cho gừng rời ra, và khô đều .
Đó là cách mẹ tôi làm mứt gừng. Còn có cách khác, thì khi trông gừng gần khô, vội vàng đổ gừng ra khay, và nhanh tay gỡ từng lát gừng ra, trải thẳng để gừng đừng bị cong .
Lát mứt gừng vì mỏng nên khi ăn có vị cay vừa phải, ngọt ngọt, thanh thanh.Lát gừng dầy quá, ăn rất nồng, không ngon. 

Ăn phải cắn từng miếng nhỏ, với tách trà sen, mới đúng cách. Tuyệt vời lắm!
Mứt kim quất cũng là loại mứt ướt, nếu làm cho khéo thì ra quả vàng ngậy, ngọt cộng thêm vị chát đặc biệt của quất, các cụ chuộng lắm, vì còn thông cổ nữa!
Mứt sen cũng được mẹ tôi trân quý, vì sen phải nhờ người gởi từ Huế vô mới được loại sen mềm, khi ngào đường sẽ không bị cứng.
Mứt sen để cúng bàn thờ Phật trước khi thỉnh xuống ăn. Mứt rối là mứt mà lũ con nít chúng tôi khoái nhất vì dễ ăn.
Mọi thứ phải được cắt nhỏ, nào là cà rốt, gừng, kim quất, thơm ... hòa với đường ướt ướt, vị ngọt lẫn chua, cay, mọi thứ hoà lẫn với nhau, nên có cái tên mứt rối, có những nơi khác gọi là mứt dẻo ..
Năm nào mẹ tôi cũng phải dấu bớt đi, không thì lũ chúng tôi thanh toán xong trước ngày Tết.
Nấu bánh chưng
Trong văn chương, nồi bánh chưng được tả là nấu vào đêm ba mươi, người trong nhà quay quần chung quanh nồi bánh chưng, và nghe kể chuyện xưa, đợi đón giao thừa, thật là một cảnh thú vị!Trong thực tế, ít ai nấu bánh chưng trong đêm ba mươi.

Bánh thường được nấu trước ít nhất là ba, bốn ngày trước, không thì một tuần hoặc mười ngày vì còn phải “đi sêu tết” bà con, bạn bè và các quan trên trong hãng nữa.

Trừ các tiệm nấu bánh chưng sớm, vì phục vụ rất nhiều khách hàng, các bà nội trợ tránh nấu bánh sớm, sợ tới ngày Tết bánh hơi cũ, không được ngon.
Mấy ngày trước ngày dự định nấu bánh, các bà nội trợ đi chợ lựa mua lạt, nếp, đậu xanh, lá chuối, thịt heo. Một ngày trước khi gói bánh, mọi thứ phải được chuẩn bị cẩn thận.
Lạt và lá chuối phải được ngâm nước, sáng sớm mai, lạt mới mềm và dễ vót.

 Lạt dùng để cột bánh. Lá chuối phải tước theo cọng của lá, thành những mảnh lá chuối lớn nhỏ, miếng nhỏ dùng để xếp vào lớp trong, chồng xéo lên nhau, miếng lớn dùng để gói ra ngoài.
Đậu xanh, nếp ngâm đêm qua, phải được đổ ra cho ráo nước. Người Bắc thường nấu đậu xanh, giã nhỏ rồi mới gói chung với bánh. Theo cách của mệ nội của mẹ tôi, đậu chỉ cần ngâm qua đêm, mệ nói, nấu như vậy giữ mới lâu, khó thiêu.
Có nhà người Nam còn ngâm nếp với nước dừa, đòn bánh chưng béo và thơm mùi nước dừa. Thịt heo xắt từng miếng dài có mỡ, nạc, dày vừa phải. 

 Có nhà ngâm thịt với nước mắm, có nhà chỉ ngâm muối, tiêu, hành thôi.
Tôi còn nhớ như in hình ảnh mẹ tôi và các chị người làm ngồi gói bánh trên phản lớn trong phòng giữa của nhà.
Chung quanh họ nào là những rá đựng nếp trắng, đậu vàng, nào là chậu thịt heo hồng tươi với từng khúc mỡ trắng, rồi lá chuối xanh, dây lạt dài một sải tay ..
. Thật là một cảnh vui mắt, làm nao nức lũ trẻ chúng tôi! Người thì tuốt lạt, kẻ thì chùi lá, chất thành chồng, cho tiện tay người gói bánh. Thường người gói bánh dùng khuôn để bánh thành hình vuông, trông mới đẹp mắt .
Đòn bánh tét thì phải dài và tròn trịa. Bánh gói xong, buộc bằng lạt vài vòng cho bánh khỏi bung.
Bánh được nấu trong một nồi lớn, cao và to xấp ba, bốn nồi thường ngày dùng nấu xúp.
Nồi bánh đặt trong vườn nhà trên cái lò có ba viên đá chụm lại, củi lửa về đêm tí tách thật vui mắt.
Ban đêm, trời hơi lành lạnh, cả nhà thay phiên nhau ra canh nồi bánh, xem chừng nước vơi, đổ đầy thêm nước vào, chụm thêm củi, cho bánh chín, đều.
Lũ trẻ chúng tôi nhất định không chịu đi ngủ, ngồi chong mắt nghe các cô chú kể chuyện cổ tích, rồi xay qua chuyện ma, đợi tới giờ vớt bánh ra.

Đứa nào đi ngủ trước thì mất cái thú xem vớt bánh. .

Bên Đời Hiu Quạnh











 



Đời người như dòng sông
Chảy trăm hướng qua muôn lối
Chẳng biết nơi nao là bờ bến
Sông xuôi dòng  gập ghềnh bến lạ
Nào ai biết lòng sâu nông cạn thế nào ?


Đành xa rời bờ bến cũ lòng buồn đau
Chỉ âm thầm nhớ thương về anh 
Nỗi nhớ có chiều dài như dòng sông
Em thầm thì tự hỏi lòng
Người yêu dấu còn nơi phương xa ?
Em giật mình tỉnh giấc chiêm bao
Nào ai có hay bên đời hiu quạnh

Camly 

2011

Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

Bình dị bánh mì hấp ở Sài Gòn

Món ăn bình dị với một lát bánh mì, được phủ lên trên một ít mỡ hành, bì và thịt trộn...
 Bánh mì hấp cuốn với các loại rau và ăn kèm với nước mắm chua ngọt.
Bánh mì hấp là món ăn biến tấu rất độc đáo và đặc trưng của người dân miền Nam. 

Từ những ổ bánh mì không, bánh mì cũ người dân ở đây đã cho ra đời món bánh mì hấp giản dị nhưng rất ngon miệng.
Một đĩa bánh mì hấp gồm vài lát bánh mì được trét mỡ hành, bì, thịt trộn, củ sắn bằm nhỏ, hành tây...

 Món ăn được cuốn với các loại rau và ăn kèm với chén nước mắm pha hơi ngọt cùng ít đồ chua như: cà rốt, củ cải trắng.
 Chỉ chừng đó thôi cũng đủ để những hàng bánh mì hấp đông khách vào giờ tan tầm.
Làm bánh mì hấp không khó, nhưng vì có nhiều nguyên liệu trộn lẫn vào nhau nên đòi hỏi sự tỉ mỉ từ người đầu bếp. 
Bánh mì thường được bổ đôi, cắt thành từng đoạn nhỏ vừa ăn. Phần nhân của bánh mì được kết hợp nhiều nguyên liệu như bì, thịt bò hoặc thịt heo, củ sắn nước, hành lá, đậu phộng chín...
 Củ sắn được thái lát, bằm nhỏ. Thịt bò băm nhỏ, ướp gia vị vừa ăn. Khử dầu, cho củ sắn vào chảo, đảo đều, sau đó cho thịt bò vào, xào cho đến khi thịt bò săn lại là được.
Thịt heo rửa sạch, luộc chín và thái sợi, bì cũng thái sợi và để riêng. Lấy bánh mì xếp vào xửng hấp, để bánh mì không bị nát, vẫn giữ được độ dai và thơm ngon, người ta thường lót một lớp lá chuối trước khi xếp bánh mì lên trên.

 Khi hấp bạn nhớ canh thời gian vừa đủ, đừng để bánh mì chín quá, bị nhão, không ngon.
Bánh mì hấp chín được bày ra đĩa, phết lên trên một ít mỡ hành, cho tiếp hỗn hợp củ sắn và thịt bò đã xào lên, tiếp sau đó là thịt heo thái sợi và bánh mì, rắc lên ít, đậu phộng, hành phi và thưởng thức.
 Món này phải ăn nóng mới cảm nhận được hết hương vị thơm ngon.
 Bánh mì hấp có cách ăn gần giống với bánh xèo của người miền Nam.
 Dùng một lá cải cay để trên lòng bàn tay, bên trên là xà lách, húng quế, húng thơm, diếp cá... sau cùng là một khúc bánh mì hấp, cuốn tròn lại chấm vào chén nước mắm và thưởng thức.
Cái vị bùi bùi, dẻo của bánh mì, cái beo béo của thịt, cái giòn giòn thơm thơm của các loại rau.. 
Tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên một hương vị thơm ngon rất đặc trưng. 
Trong cái lạnh của thời tiết ngày cuối năm như hiện nay, được thưởng thức hương vị thơm ngon, nóng hổi của những chiếc bánh mì hấp bốc khói thì thật là thú vị.

Khánh Hòa

@@ woa ,thơm ngon qua' anh/chi . KH !

Thơ tình IT: Nếu một ngày...
















Nếu một ngày Windows em báo lỗi
Anh nguyện làm các Soft test đơn phương
Từng Sector anh đi khắp nẻo đường
Fix hết nhé những Error trêu tức.

AVI kia những đêm dài thao thức
Lỗi mất rồi thiếu Codec em ơi!
Ngó Display lòng thấy quá chơi vơi
Anh DIVX nhìn em cười từ tốn.

Em lướt Web bao Trojan săn đón
Anh xin làm chàng NAV đứng ngóng trông
Cố sức mình Scan hết băng thông
Che chở em trước muôn ngàn Virus.

Bao Spyware ngồi nhìn em hóng hớt
NAV đơn côi thấp thoáng phía kia đường
Khi Hacker giẫm đạp chẳng xót thương
Co mình lại giương Firewall chống đỡ.

Nếu một mai Admin em có lỡ...
Delete rồi File chứa những yêu thương
Đôi mắt biếc Paint đầy nỗi vấn vương
Đừng khóc nữa anh Restore trở lại.

Em giận hờn cưỡi IE chạy mãi
Anh hoảng hồn lấy Firefox đuổi theo
Đằng xa kia Netscape đá lông nheo
Cancel luôn vì em là trên hết.

Em RAM ít nên Run nhiều sẽ mệt
Anh sẽ làm Physics Memory
Search cùng em trên khắp nẻo đường đi
Anh mạnh mẽ nhờ hai RAM cùng Bus.

Accept nhé lời tỏ tình bất chợt
Hai trái tim sẽ Connect dài lâu
Dẫu Phishing có lừa dối đến đâu
Tin anh nhé vì tình anh còn mãi...

Một vài từ viết tắt

AVI: một định dạng của file VideoDIVX: phần mềm xem file 
.avi-NAV: Norton Anti Virus-
-IE: trình duyệt web Internet Explorer-
BUS: băng thông bộ nhớ

St
@@ yahhhhhhhhh, dzui dzui !!

10 điều cấm kị với giấc ngủ

1. Ăn xong đi ngủ ngay
Con người sau khi đi vào giấc ngủ, hoạt động của các bộ phận có thể đều chậm lại và đi vào trạng thái nghỉ ngơi. Nếu ăn xong đi ngủ ngay thì ruột và dạ dày lại phải hoạt động, tăng thêm gánh nặng cho các cơ quan này, điều đó không chỉ ảnh hưởng đến giấc ngủ ngon mà còn tổn hại cho sức khỏe.
 2. Nói chuyện trước khi đi ngủ.
Nói chuyện nhiều trước khi đi ngủ dễ khiến cho não bộ hưng phấn, tư duy hoạt bát, bạn khó đi vào giấc ngủ hơn.
 3. Hoạt động trí óc quá nhiều trước khi đi ngủ
Nếu phải học tập hoặc làm việc vào buổi tối, hãy làm từ sớm để trước khi ngủ, não bạn không căng thẳng.

- Làm việc quá khuya,não bạn sẽ rơi vào trạng thái hưng phấn, vì thế mà mặc dù đã nằm trên giường nhưng bạn khó có thể ngủ ngay.
 Lâu dần, sự khó ngủ này sẽ dẫn đến những đêm thức trắng.
 4. Tinh thần quá xúc động
Cảm xúc hỉ nộ ái ố của con người đều rất dễ ảnh hưởng đến sự hưng phấn hoặc nhầm lẫn của hệ thần kinh trung ương, khiến bạn khó vào giấc ngủ, thậm chí mất ngủ.

 Do đó trước khi đi ngủ không nên quá vui hoặc quá buồn hoặc lo lắng tức giận, hãy để tinh thần thư thái, như thế bạn sẽ thấy ngủ ngon không khó.
 5. Uống trà đặc hoặc cà phê
Trà đặc hay cà phê thuộc loại đồ uống có tính kích thích, chứa chất cafein khiến tinh thần của bạn tỉnh táo, không thể ngủ được.
 6. Há miệng khi ngủ
Há miệng khi ngủ sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn, virus trong không khí dễ dàng đi vào cơ thể, gây bệnh cho bạn.

 Việc này cũng dễ khiến phổi và dạ dày gặp phải sự kích thích của không khí lạnh và bụi bẩn, dẫn đến nhiều bệnh về hô hấp.
 7. Trùm đầu khi ngủ
Người già hay sợ lạnh nên thích trùm chăn kín đầu khi ngủ. Làm như vậy cơ thể sẽ hít vào một lượng CO2 khá lớn do chính mình thở ra, đồng thời thiếu khí oxy bổ sung cho cơ thể, không hề có lợi cho sức khỏe.
 8. Nằm ngửa để ngủ
Tư thế ngủ tốt nhất là nằm nghiêng về bên phải, như vậy xương và cơ toàn thân ở vào trạng thái thả lỏng tự nhiên, dễ dàng đi vào giấc ngủ.

- Nằm ngửa nghĩa là xương và cơ toàn thân vẫn ở trạng thái căng thẳng, không có lợi cho việc loại bỏ mệt mỏi sau một ngày làmviệc, còn rất dễ khiến bạn gặp ác mộng do cánh tay để lên ngực khi ngủ.
 9. Để ánh đèn chiếu thẳng vào mắt
Khi ngủ dù mắt nhắm nhưng vẫn cảm giác được ánhsáng. Để đèn chiếu vào mắt khi ngủ rất dễ khiến tâm thần bất an, khó vào giấc ngủ sâu, hơn nữa rất dễ bị giật mình tỉnh giấc.
 10. Để gió thổi trực tiếp vào người khi ngủ
Phòng ngủ nên đảm bảo không khí lưu thông thoángmát, nhưng không nên để gió thổi trực tiếp vào người. 

Khi vào giấc ngủ sâu, khả năng thích ứng của cơ thể con người đối với thế giới bên ngoài rất thấp.
 Nếu để gió thổi trực tiếp vào người, để lâu rất dễ gây cảm lạnh hoặc trúng gió.
                             Health magazine 

TÊN MỘT SỐ NƯỚC RẤT LÃNG MẠN


H.O.L.L.A.N. D  - Hope Our Love Lasts And Never Dies  (Hi vọng tình yêu chúng ta mãi mãi và bất tử).
I.T.A.L.Y  - I Trust And Love You (Tôi tin tưởng và yêu bạn).
L.I.B.Y.A. - Love Is Beautiful, You Al so

 (Tình yêu đẹp , bạn cũng vậy).
F.R.A.N.C.E. - Friendships Remain And Never Can End (Tình bạn tồn tại mãi & không bao giờ hết).
C.H.I.N.A. - Come Here. I Need Affection  (Hãy đến đây, tôi cần tình yêu thương).
Còn V.I.E.T.N.A. M  (Viagra In Every Time, Night And Morning) 


                                                                           St

Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Nghe nhạc Xuân -Liên khúc Xuân

Một liên khúc Xuân thật hay và đẹp


Năm Tỵ Nói Chuyện Rắn



Năm Rồng vừa chấm dứt thì năm Rắn liền tới với chúng ta. Cảnh tượng quen thuộc ngày xưa vẫn còn lai vãng tâm trí mọi người:

Rồng chầu ngoài Huế
Ngựa tế Đồng Nai,
Nước sông trong chảy lộn sông ngoài
Thương người xa xứ lạc loài tới đây,
Tới đây thì ở lại đây
Bao giờ bén rễ xanh cây sẽ về!

Rồng xanh, rồng vàng tạm lánh mình trong thời gian 12 năm, nhường chỗ cho rắn với năm Tân Tị khởi đầu ngày Nguyên Đán, mồng một tháng Giêng, tức là ngày 24.1.2001.
 Chúng ta biết rằng Âm lịch khai dung từ năm 2,637 trước Kitô, nhằm năm 61 đời Hoàng đế bên Trung Quốc.
 Như vậy Âm lịch đã xuất hiện cách đây: 2,637 năm cộng 2001, vị chi: 4,638 năm.
 Năm nay, 2001 thuộc vào "Vận niên lục giáp" thứ 78, khởi đầu từ năm 1984 và sẽ chấm dứt vào năm 2,043.
 Biết rằng mỗi giáp trên nguyên tắc chỉ có 10 năm mà thôi (chẳng phải là 12 năm), thì lục giáp là 10 x 6 = 60 năm, tức là một thế kỷ của Lịch đại Á Đông.
 Chu kỳ 60 năm này, người Tây phương gọi là Cycle sexagésimal.
 Chu kỳ này luôn luôn khởi đầu với năm Giáp Tý, cho nên quyển lịch chính thức của ta, được gọi là Hoàng Việt Giáp Tý Niên Biểu, do cụ Nguyễn Bá Trác, Quan Lộc Tự Khanh, Tá Lý Bộ Học (Huế) biên soạn, và do Bộ Học ấn hành năm Khải Định thập niên, tam nguyệt nhựt (1925).
Nếu đại chu kỳ là 60 năm, thì tiểu chu kỳ là 12 năm, khởi đầu với năm Tý, mà biểu tượng là Chuột.
 Chu kỳ này, Tây Phương gọi là Cycle duodénaire. Trong một đại chu kỳ 60 năm, có năm tiểu chu kỳ 12 năm (12 x 5 = 60), biết rằng 60 là tối thiểu bội số chung của 10 và 12 (10 là phần Giáp (Thập can), còn 12 là phần Tý (Thập nhị chi).
Những Điều Nên Biết Về Loài Rắn
Nói tới loài Rắn, chúng ta phải chia ra hai loại: rắn hiền và rắn dữ. Cả hai đều thuộc ngành Bò sát (Raptiles), họ Ophidiens.
 Rắn hiền như rắn nước, rắn học trò... bơi lội thong thả nơi hồ ao, kiếm ăn tôm cá, ếch nhái. Loại rắn này dễ lầm lẫn với giống lươn (anguille), mà chúng ta tìm thấy trong câu đối lạ lùng, lửng lơ và lắt léo sau đây:
Le lội lung lăng lay lá lách
Lươn lo lòn lỏi lọt lùm lau.
Trong loài rắn dữ, tức là rắn độc, chúng ta không khỏi rùng mình khi nhắc tới: rắn hổ mà Tây phương gọi là Cobra, Naja tripudians, rắn hổ mang mà họ gọi là Bongare, Bungarus fasciatus, rắn lục mà họ gọi là Serpent vert, Serpent bananier, Trimeresurus, rắn đẻn mà họ gọi là Vipere lachesis... 
Nhưng mà con rắn dễ sợ và nguy hiểm nhất, dài tới 4 thước, là con Ophiophagus elaps, hay là Naja hamadryas, sinh sản khá nhiều bên Ấn Độ.
 Rắn này có khả năng rượt theo người để cắn chết. Nhà văn Maurice Maindron có nói tới giống rắn này trong quyển tiểu thuyết La Gardienne de I' Idole Noire. 
Tuy thế, cũng con rắn đó đã tự ý quấn thân nhiều vòng, để làm thành một cái bệ cao, chịu cho Đức Phật an tọa lên trên, mà tham thiền nhập định, tránh cho Ngài khỏi bị bệnh tê thấp và đồng thời tỏ ra sự quy thuận hoàn toàn đối với thần lực vô lường của Ngài.
Rắn Trong Lịch Sử Việt Nam
Trong lịch sử ta có biết bao nhiêu là truyện rắn. Chúng ta chỉ nhắc lại một truyện điển hình nhất là Thị Lộ mà người đương thời cho là hiện thân của loài rắn độc, có thể toát lược như sau:
Năm Nhâm Tuất (1442), vua Lê Thái Tông (con vua Lê Lợi) đi tuần du phương đông, duyệt võ ở Chí Linh. Nguyễn Trãi lúc bấy giờ đã về trí sĩ tại Côn Sơn, bèn ra nghênh tiếp xa giá nhà vua.
 Lê Thái Tông bèn đến viếng chùa Côn Sơn là nơi có ẩn am của Nguyễn Trãi. 
Nhìn thấy tì thiếp của Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ nhan sắc lộng lẫy, lại có biệt tài về văn chương, vua Lê Thái Tông bèn phong cho chức Lễ Nghi Học Sĩ, ngày đêm hầu bên cạnh nhà vua. 
Đến khi Đông tuần, xa giá về tới Trại Vải (Lệ Chi Viên), thuộc xã Đại Lại, huyện Gia Định, nay là Gia Bình, thình lình nhà vua nhuốm bệnh, lên cơn sốt dữ dội.
 Thị Lộ phải hầu hạ, thang thuốc suốt đêm, rồi nhà vua băng hà. Các quan hốt hoảng, vội vã và bí mật phụng giá về Kinh, nửa đêm vào cung mới làm lễ phát tang.
 Tất cả triều thần đều buộc tội Thị Lộ đã âm mưu giết vua, liền đem nàng ra giết chết.
Có sách nói rằng Thị Lộ đã bỏ thuốc độc vào chén cho vua uống. Có sách nói vua bị cắn lưỡi mà chết. Riêng phần Nguyễn Trãi, ông chỉ nói rằng: "Nếu có tội thì cứ chiếu pháp luật mà nghiêm trị".
Thảm trạng này xảy ra đúng lúc trong triều có nhiều võ quan theo phe Lê Sát, sinh lòng đố kỵ vì thấy ngày trước Nguyễn Trãi được Vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) trọng dụng, đem lòng oán ghét, nhân cơ hội này, liền nghi Nguyễn Trãi là chủ mưu sát đế. Thế là sau đó, quan Thừa Chỉ Nhập Nội Hành Khiển Đại thần Nguyễn Trãi đã bị giết và cả ba họ bị tru di.
Truyền thuyết cho rằng: lúc lập vườn tại Côn Sơn, lính hầu của Nguyễn Trãi đã giết chết một ổ rắn gồm mấy mẹ con. Sau đó rắn mẹ tái sinh, bò lên trần nhà nhìn Nguyễn Trãi đọc sách. 
Rắn nhỏ xuống một giọt máu đào, xuyên thấm qua ba tờ giấy, nhằm ám chỉ là ba họ. Về sau, cũng con rắn đó đã hiện thân nơi Thị Lộ làm ả bán chiếu gom ở Tây Hồ, gặp Nguyễn Trãi, có xướng họa như sau:

Ả ở đâu, bán chiếu gom?
Chẳng hay chiếu đã hết hay còn?
Xuân xanh chừng độ bao nhiêu tuổi?
Đã có chồng chưa? Được mấy con?
Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gom
Cớ chi ông hỏi hết hay còn?
Xuân xanh mới độ trăng tròn lẻ,
Chồng còn chưa có, hỏi chi con!

Sau đó thì Thị Lộ đã trở thành tì thiếp của Nguyễn Trãi, nhập được gia đình ông ta, để âm mưu phục thù, trả nợ máu ngày xưa là mấy mẹ con đã bị giết oan nơi bụi rậm.
Cái án oan này, mãi đến 22 năm sau, vua Lê Thánh Tông mới xét lại.
 Đó là vụ án lịch sử Lệ Chi Viên. Vua thấy có nhiều điều hàm hồ, oan ức cho một đại công thần khai quốc, liền truyền hủy bỏ bản án trước kia, truy phục chức cho Nguyễn Trãi, tức Lê Trãi, con cháu ông được tìm kiếm và đưa ra làm quan, lại cấp tư điền để con cháu lo việc tế tự hàng năm (1).
Sở dĩ vua Lê Thánh Tông đã duyệt lại bản án là vì vợ nhà vua tên Nguyễn Thị Hằng (1445-1505) là cháu gái 4 đời của bà Châu Thị, vợ nhất của Nguyễn Trãi, đã trốn thoát được bản án tru di tam tộc 1442, chạy vào Nam Hà ẩn náu và sinh sống.
 Bà Châu Thị đem theo được nhiều con, trong đó có Nguyễn Công Duẫn, rồi Duẫn sinh ra Nguyễn Đức Trung, rồi Trung sinh ra Nguyễn Văn Lãng, Lãng sinh ra Nguyễn Hoằng Dụ, Dụ sinh ra Nguyễn Hoằng Kim, tức là Nguyễn Kim (1500-1545), Kim sinh ra Nguyễn Hoàng (1525-1613), tức là chúa Tiên, chúa đầu tiên của nhà Nguyễn.
Như thế, Nguyễn Kim là hậu duệ của Nguyễn Trãi. Còn hơn thế nữa, ông tổ xa xưa của Nguyễn Trãi lẫn Nguyễn Kim là Nguyễn Bặc, khai quốc công thần đời nhà Đinh và nhà Lý, từ thế kỷ XI. Ngoài ra gia phả của Nguyễn Du, tác giả Kim Vân Kiều, cũng ghi dòng họ lên tới Nguyễn Bặc.
 Gần đây hơn trong lịch sử cận đại, tiểu sử của đại thần Nguyễn Hữu Độ, Kinh lược Bắc Kỳ, cũng có ghi là hậu duệ của Nguyễn Trãi. Chúng tôi căn cứ trên hai tài liệu sau đây:
  1. Quyển Chrestomathie Annamite (Quảng Tập Viêm Văn) của Edmond Nordemann (Ngô Đề Mân), ấn hành ở Hà Nội năm 1898, trang 26-27.
  2. Bài Les Familles Illustres de l' Annam: S.E.Nguyễn Hữu Độ của L.Sogny, đăng trong Bulletin des Amis du Vieux Hue, năm 1924, trang 169-204.
Còn như sự kiện Nguyễn Du thuộc dòng họ Nguyễn Trãi thì các nhà văn học sử Dương Bá Cung, Lê Thước, Bùi Văn Nguyên, căn cứ trên nhiều bổn gia phả họ Nguyễn ở miền Bắc và miền Trung, đã xác nhận nhiều sự trùng hợp, mà nhà báo Cô Thần đã đúc kết và nêu lên trong báo Tự Do số 1056, ấn hành ở Sài Gòn ngày 22.11.1960, trang đầu: Công việc tra cứu của cụ Lê Thước cho biết Nguyễn Trãi và Nguyễn Du cùng một dòng họ và chung một ông tổ.
 Ông tổ này là Nguyễn Bặc, mà vua Bảo Đại cũng có nhận là ông tổ của mình, trong quyển sách "Le Dragon d' Annam", Editions Plon, Paris 1980, trang 36-37.
Rắn Trong Văn Học Sử Việt Nam
Trong văn học sử của ta, mà cũng có liên hệ sử Tàu, chúng ta còn nhớ giai thoại bà Đoàn Thị Điểm (sinh năm Ất Dậu 1705, mà người ta cho là tác giả Chinh Phụ Ngâm, mà cũng có người cho là của Phan Huy Ích) đã đối đáp tài tình với ông anh là Đoàn Doãn Luân.
 Một hôm ông này muốn thử tài cô em gái, bèn lấy một câu chữ trong Sử Ký của Tư Mã Thiên nói về Lưu Bang (Hán Cao Tổ) làm đề tài để cho bà đối đáp. Câu ấy như sau:
Bạch xà đương đạo, Quý bạt kiếm nhi trảm chi
Nghĩa là con rắn trắng đón đường, ông Quý (Lưu Bang) liền rút gươm ra chém (con rắn bị đứt làm hai khúc, chết liền).
Bà Đoàn Thị Điểm nhanh trí, cũng dùng một câu trong Sử Ký đời vua Nghiêu Thuấn, nói về ông Vũ (tức là vua Hạ Vũ, sau này nối ngôi vua Thuấn), để đối lại như sau:
Hoàng Long phụ châu, Vũ ngưỡng thiên nhi thán viết
Nghĩa là: Con Rồng vàng đội chiếc thuyền, ông Vũ nhìn trời mà than!
Cũng trong Văn học sử của ta, Lê Quý Đôn (1726-1784) đã sáng tác một bài thơ thất ngôn bát cú trong một trường hợp khá ly kỳ như sau: 
Thuở nhỏ, cậu bé Lê Danh Phương (tên đầu tiên của Lê Quý Đôn) rất cứng đầu (rắn đầu) và biếng học.
 Cha Phương quở trách, ông phải làm một bài thơ "Rắn Đầu" để tạ tội, với điều kiện mỗi câu trong bài bát cú phải có một tên rắn. Phương vâng lời và đọc ngay như một thần đồng:

Chẳng phải liu điu vẫn giống nhà
Rắn đầu biếng học, chẳng ai tha
Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ,
Nay thét mai gầm rát cổ cha.
Ráo mép chỉ quen tuồng nói dối,
Lằn lưng cam chịu vết roi tra.
Từ nay Trâu Lỗ chăm nghề học.
Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia.

Đặc điểm của bài thơ này là: nếu ta bỏ hai chữ ở đầu mỗi câu, ta sẽ được một bài Ngũ ngôn bát cú:
Liu điu vẫn giống nhà
Biếng học, chẳng ai tha
Hổ lửa đau lòng mẹ,
Mai gầm rát cổ cha.
Chỉ quen tuồng nói dối,
Cam chịu vết roi tra.
Trâu Lỗ chăm nghề học.
Mang danh tiếng thế gia.

Xin lưu ý:
 Nước Lỗ là quê quán Đức Khổng Tử mà thiên hạ gọi là Vạn Thế Sư Biểu, hay là Sinh Dân Vị Hữu, nghĩa là từ khi có loài người thì chưa có ai (bằng ông ta)! Còn nước Trâu là quê hương của Thầy Mạnh Tử. Tôi còn nhớ một câu xướng độc đáo:
Nước lỗ trâu chảy ra Khổng Mạnh
Nghĩa là: Dòng nước nhỏ từ lỗ chân trâu ra thì không có (khổng) mạnh mẽ.
Câu này khó quá chưa ai đối được cả!
Đã nhắc tới Bảng Nhỡn Lê Quý Đôn (tục danh Lê Danh Phương), tự là Doãn Hậu, hiệu là Quế Đường, sinh ra trong niên hiệu Bảo Thái thứ 7 (1726), đời vua Lê Dụ Tông, thời chúa Trịnh Cương ở xã Diên Hà, tỉnh Sơn Nam (nay là tỉnh Thái Bình), con của ông Lê Phú Thứ và bà họ Trương.
 Thân sinh đã từng đỗ Tiến sĩ năm 1724 và làm quan đến chức Hình Bộ Thượng Thư.
 Thuở bé Lê Danh Phương đã nổi tiếng thần đồng về trí thông minh và óc nhớ dai: Hai tuổi đã biết đọc chữ "Hữu" là có, và "Vô" là không.
 Năm tuổi đã đọc nhiều thiên trong Kinh Thi. Mười một tuổi đã học Sử (Sử Ký của Tư Mã Thiên, Bắc Sử, Nam Sử v.v...), học thuộc lòng tám chín chục trang, đồng thời học luôn cả Kinh Dịch.
 Mười bốn tuổi học hết Ngũ Kinh, Tứ Thư, sử truyện và sách vở của Bách Gia Chư Tử, mỗi ngày có thể cảm tác mười bài phú mà không cần viết nháp.
Ngọc Rắn Trong Nhân Gian
Người ta thường nói về Nọc Rắn của loài rắn độc, ít ai nói tới Ngọc Rắn.
 Đây là một câu chuyện có thực ở nước ta. Chúng ta hãy trở về Đèo Hải Vân thời tiền chiến, để nghe một người ở địa phương kể như sau:
Thời đó người ta đang xây con đường xe lửa Xuyên Đông Dương, gọi là Transindochinois. Thật ra là Xuyên Việt, vì nước mình rộng lớn và quan trọng, tiêu biểu cho cả hai nước Lào Miên.
 Chặng đường thứ nhất: từ Hà Nội tới Vinh, chặng đường thứ hai: từ Vinh tới Huế, chặng thứ ba từ Huế vào Đà Nẵng.
 Chặng này công phu và khó khăn nhất, vì núi non hiểm trở. Đà Nẵng ngày xưa mang tên Thạc Gián, tên làng xã chính của thị xã.
 Thạc Gián viết nhầm và đọc nhầm là Tu Gián, vì hai chữ Thạc và Tu viết gần như giống nhau.
 Từ đó, qua sự vụng về và biên chép của các người biên chép và thông ngôn thời Pháp xâm chiếm nước Nam, mà địa danh viết nhầm là Tu Gián đã trở thành Tourane.
 Còn địa danh Đà Nẵng thì bắt nguồn từ chữ Đà, một thổ âm có nghĩa là Sông, suối.
 Ví dụ: Đà Rằng ở Phú Yên, Đà Lạt ở cao nguyên. Suối của bộ lạc Lạt Tiếng Chiêm Thành là Ea (Da), cũng có nghĩa là sông là nước.
 Ví dụ như Ea Trang (Nha Trang) là con sông tre, con sông trên bờ có mọc nhiều tre (Krưm), chữ Krưm đọc trại thành Trang.
Trở lại vùng Đà Nẵng, ta lấy quốc lộ 1, trèo đèo Hải Vân quan, đi xuống làng An Cư (Lăng Cô), đi ngang qua Truồi, lần tới Phú Bài, Thần Phù, Dạ Lê, Thanh Thủy, An Cựu, rồi tới Huế, đường dài 110 cây số, đúng 1 độ (degré) của Bắc Vĩ tuyến.
 Đường này quanh co, lúc làm đường xe lửa, phải đục tới ba bốn cái hầm trong núi cao, trong đó có hai cái hầm dài và hiểm trở nhất là Hầm Sen và Hầm Chuối.
Dân địa phương có câu ví ngôn:
Túi thui như chui vào Hầm Sen
Và hai câu hò để than thân trách phận:
Chiều chiều gió thổi Hải Vân
Chim kêu ghềnh đá, gẫm thân em buồn!
Hay:
Chiều hôm dắt mẹ qua đèo,
Chim kêu bên nớ, vượn trèo bên ni!

Thời tiền chiến, có một người cai phu lục lộ, trong lúc đi tuần dọc đường rầy, lúc sắp chui vào Hầm Sen thì chợt thấy lóa mắt bởi nhiều tia ánh sáng.
 Dụi mắt để nhìn lại lần nữa thì thấy ánh sáng này nhúc nhích và chuyển động. 
Cai phu liền bật đèn pin rọi thì nhìn thấy luồng ánh sáng đó tỏa ra từ miệng con rắn dài ba thước, đương bò ngang qua đường rầy.
 Cai phu nhìn kỹ thì thấy con rắn ngậm một hòn ngọc sáng chói. Thấy người và ánh đèn, con rắn liền bò nhanh chui vào Hầm Sen biến mất. 
Tình cờ một tiều phu già đi ngang qua đây, cai phu kể chuyện lại thì được tiều phu chỉ về cách thức lấy được ngọc rắn. 
Tiều phu bảo phải bắt một con gà, cột nó vào cái rổ lật ngửa, rồi đặt cái rổ đó lên trên một thau nước và cột chặt gà, rổ và thau nước lại với nhau, làm thế nào thau không bị lật đổ. Xong rồi, cứ việc ngồi rình đừng để cho rắn thần trông thấy.
 Loài Bò Sát Trong Thần Thoại Việt Nam
Ngoài những con rắn ta thường trông thấy trên đất liền, thường có giống Thuồng Luồng dài năm bảy chục thước, chuyên sống nơi biển lớn, hồ rộng.
 Hồi đầu thế kỷ, có nhiều thủy thủ đã trông thấy thuồng luồng nơi Vịnh Hạ Long, nơi quần đảo Bạch Long Vĩ. 
 Họ chỉ trông thấy cái đuôi (vĩ) mà cũng đã dài lắm rồi. Lại có người trong thấy con thuồng luồng xuất hiện vài phen nơi hồ Lock Ness, bên xứ Scotland. 
Con quái vật này (le monstre de Lock Ness) trải qua nhiều thế kỷ, đã làm cho người ta mất khá nhiều thời giờ để rình ngó, nó cũng làm cho văn nhân, sử gia tốn công viết lách tìm tòi.
Riêng về dân tộc chúng ta vốn thuộc loài Giao Chỉ. Danh từ kép nầy có nhiều nghĩa:
 Ngón chân cái tách ra, lúc đứng xếp chân gần nhau thì thấy hai ngón chân cái giao đầu với nhau.
 Lại thêm một nghĩa nữa là: Bờ nuớc có thuồng luồng, cá sấu, loại sauriens như dinosaur, plésiosaures, diplocdocus v.v... thời tiền sử sinh sống.
 Đó là hai ý nghĩa chính, còn nhiều cách giải thích khác nữa không thể nói hết được.
Ngày xưa, giao long và thuồng luồng tranh nhau mà sống khắp sông hồ và duyên hải Nam Hoa và Bắc Việt. Do đó mà Hàn Dũ đời Đường (768-823) và Hàn Thuyên đời Trần Thái Tông (1225-1257) đã được lệnh nhà vua làm bài văn tế cá sấu, để đập đuổi cá sấu đang nhiễu hại dân chài lưới, đi ra khỏi sông Phú Lương, tức là sông Hồng Hà ngày nay.
 Theo nhà văn Roger Caillois, con rồng phát xuất từ con Giao Long mà ông dịch là Alligator, một giống bò sát (reptile) có nhiều liên hệ với nước mây mưa gió.
 Ắt hẳn con Giao Long là vật tổ của người Giao Chỉ, một sắc dân sống miền duyên hải, chuyên sống về nghề chài lưới và có tục lệ xâm mình, vẽ hình rồng rắn, khiến cho giống thuồng luồng, cá sấu phải nể nang khiếp sợ mà tránh né, hoặc được xem như là đồng loại để đừng giết hại lẫn nhau.
Tục lệ xâm mình này đã có từ ngàn xưa vì sách Sử Ký của Tư Mã Thiên đời Hán đã từng ghi "Tiễn phát, văn thân, thác ti, tả nhậm": 
Cắt tóc ngắn, vẽ mình, vòng tay (cung kính), cài nút áo phía trái. Ấy là bốn đặc tính của dân Việt Giao Chỉ. 
Tục lệ đã chấm dứt đời vua Trần Anh Tông (1293-1314) anh ruột Công chúa Huyền Trân, và cũng là người đầu tiên đã dám cãi lệnh vua cha, nhất định không chịu xâm mình. Đó là một ông vua có óc tiến bộ, đã dám quên gốc chài lưới của tổ tiên, để mạnh dạn tiến vào thời kỳ nông nghiệp phồn thịnh của dân ta.
 Hơn nữa, việc cống hiến ngọc trai, san hô (coral) cho vua Tàu không còn ràng buộc chặt chẽ như xưa, và từ đó dân chài của ta không còn phải lặn lội dưới biển sâu để mò trai kiếm ngọc.
Xem như trên, các loài rồng rắn, thuồng luồng, cá sấu có nhiều điểm tương đồng, mà cũng có nhiều điểm dị biệt: Rồng có bốn chân, không có cánh mà vẫn bay được lên tận mây xanh, Thuồng luồng không chân và dài như con chình khổng lồ, có thể lật thuyền như chơi; Cá sấu da dầy, răng như cưa, mắt trợn... trông thấy mà kinh; Rắn không chân, bò sát đất, nhưng khéo tu thì có ngọc!
 Hầu hết rồng rắn dị hình, dị tướng, đều mang nặng tính chất kỳ bí và thần thoại, do óc quan sát tinh vi và trí tưởng phong phú của loài người.

 Hương Giang Thái Văn Kiểm