Trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Khánh Ly và Trịnh Công Sơn



......Nếu Trịnh Công Sơn được ví là Bob Dylan Việt Nam, thì Khánh Ly có thể là Joan Baez được chăng, nhất là xét về giọng hát, phong cách có rất nhiều tương đồng: cũng giọng alto khàn đục nhừa nhựa, tinh thần folk và du ca đậm đà trong từng câu hát, tác phong giản dị và lối trình diễn hết mình trong cùng một trào lưu phản chiến.
 Đó là hình ảnh ở thời đỉnh cao của Khánh Ly. Nói như thế bỗng nhiên lại thấy tiếc ngơ tiếc ngẩn không có cơ hội nào được nghe Khánh Ly hát những bài ngoại quốc như là Crazy Love, Put Your Hand On My Shoulder, Only You, Unchained Melody, Non je Ne Regrette Rien… mà cô kể là đã hát ở nơi đầu tiên đánh dấu sự kiện cô trở thành ca sĩ (phòng trà Anh Vũ, Sài Gòn…
Khánh Ly đã hát, như một ca sĩ vô danh, suốt 5 năm trong một vũ trường ở Đà Lạt. Cô gắn bó với Đà Lạt và yên phận với cuộc sống rất đỗi bình thường ấy, cho nên phải 3 năm sau ngày gặp Trịnh Công Sơn lần đầu (1964) Khánh Ly mới quyết định trở lại Sài Gòn song hành cùng người nhạc sĩ tài ba để từ đó bắt đầu một hành trình âm nhạc tuyệt vời. Dù Khánh Ly có trả lời phỏng vấn nhà báo Trường Kỳ một cách khiêm tốn: “Nếu không có ông Trịnh Công Sơn thì sẽ không có tôi. Có thể tôi vẫn chỉ là một cái bóng mờ nào đó hoặc là tôi sẽ có một cái đường đi nó chật hẹp hơn” thì cũng khó mà phủ nhận sự thực rằng chính sự có mặt đúng lúc của cô - như một định mệnh, vì họ tình cờ gặp lại nhau trên đường phố Sài Gòn chứ không hề chủ định đi tìm nhau - vào thời điểm thăng hoa trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn đã góp phần quyết định tạo nên tầm vóc Trịnh nhạc sĩ


Trong những băng nhạc thời ấy còn lại tới giờ, nhất là bộ Hát cho quê hương Việt Nam và những cuốn băng kiểu bootleg (thu trực tiếp một cách ngẫu hứng) tại Quán Văn có thể thấy Khánh Ly đã từ một ca sĩ phòng trà bình thường, an phận, trở thành biểu tượng một thời như thế nào. Những uẩn ức, dồn nén từ tuổi thơ không bình yên làm nên tính cách cô, và nay tính cách ấy tìm được không gian thích hợp nhất để thể hiện.
Khánh Ly không giật đùng đùng như các nữ hoàng kích động nhạc khi ấy, không sướt mướt ỷ ôi như ca sĩ dòng sến, không ra vẻ mệnh phụ như ca sĩ dòng “sang”.

 Cô hát theo cách mà chúng ta nói thời nay là bằng “cái đầu lạnh và trái tim nóng”.
 Cách hát nghe rất “tỉnh” ấy đi thẳng tới trái tim người nghe, không qua nhào nắn uốn lượn bằng những tiểu xảo đặc trưng của nghề hát. 
Khi cần truyền đạt thông điệp - như với các bài ca phản chiến - thì không gì thích hợp bằng kiểu hát ấy.
 Tỉnh nhưng mà gần gũi, chia sẻ thông điệp phản chiến trong tư thế tâm tình, là ngôi sao lớn nhưng vẫn giữ hình tượng “nữ hoàng chân đất”.
 Người ta yêu Khánh Ly chính vì điều đó. Và càng yêu hơn khi nghe cô chia sẻ: “Không mê hát thì tôi không có đủ can đảm để đi hát với anh Sơn 10 năm mà không có đồng xu, cắc bạc nào”.
 Khi đã rất nổi tiếng, Khánh Ly mở phòng trà mang tên mình, mở rộng danh mục biểu diễn tới nhiều nhạc sĩ khác, và cũng rất thành công, đặc biệt với dòng nhạc tiền chiến nhưng đỉnh cao sự nghiệp của cô vẫn là với nhạc Trịnh Công Sơn, nhất là trong cuốn băng nhạc được ca ngợi là “bất hủ” - Sơn Ca 7. 
 Cũng với nhạc Trịnh, Khánh Ly có một sự nghiệp vượt ra khỏi biên giới, trở thành giọng hát được yêu thích tại thị trường Nhật Bản trong những năm 1970. 
Tới năm 1997, cô còn được một đoàn phim Nhật Bản mời đi cùng về Việt Nam quay hình cho một bộ phim tài liệu về một nhà báo Nhật chết trên chiến trường Việt Nam, trong túi còn cuốn băng Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn.
 Tới nay, một số khách du lịch người Nhật lớn tuổi qua Sài Gòn vẫn tìm hỏi mua đĩa nhạc Khánh Ly (có bài Diễm xưa hát bằng tiếng Nhật).

Nghe Khánh Ly hát "Diễm xưa"
Nguyen.Minh  ttvh
@@ Cly tks t/g !!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét