Mỗi lần đi vào tiệm rượu quen của anh bạn Thuận trên đường Brookhurst, kiểm lại túi tiền, thấy cái túi bớt phần hiu quạnh, lần ấy tôi thường ở lại tiệm Thuận lâu hơn. Đi tà tà một vòng qua những kệ rượu, trên vai kề vai cả ngàn nhãn hiệu danh tiếng của mọi vùng trời Lưu Linh thế giới. Chọn cho mình một chai “xuất sắc” hơn thứ uống khiêm nhượng hàng ngày.
Dễ như anh chàng “Johnny Đi Bộ” ngày trước cả nước Saigòn cùng uống, cũng phải phân biệt.
Sư phụ Johnny “cổ đen,” nhãn ghi đầy đủ mười hai năm bế môn luyện kiếm, chất men dịu, đằm cùng năm tháng, một vực trời hơn đệ tử Johnny “cổ đỏ” còn trẻ thơ tuổi ngọc tuổi vàng. Đến “Cognac” đã khó hơn một bậc. Có chai trong, có chai mờ.
Cái nhãn “VS” cấp thấp lên dần tới Tỉnh Ủy “OP,” tới chót vót đỉnh Giải Xanh, Giải Bạc. Rồi tới Chát đỏ, còn phức tạp và kinh điển hơn nữa.
Rượu chọn theo tuổi rượu, còn trên nơi chốn chào đời, trên mùa rượu xấu, tốt. Cùng một ngọn đồi Côte du Rhône, sườn đồi đông nhiều mặt trời, vị nho đã khác với đồi tây không nắng. Mỗi năm nho cũng một khác. Năm được mùa, nhờ thời tiết và mưa nắng thuận hòa, chưa cần ngon vì nấu, cất, rượu đã ngon từ trên cành ngon đi.
Vắn tắt, phải có thời gian, phải có năm tháng. Chưa tới được trưởng thành những đời người chưa đủ số nếm sinh nhật. Rượu ngon hệt vậy.
Muốn xuất sắc phải một rừng nến thắp, đừng một ngọn đã cắt liền bánh ăn. Thâm niên, có quá khứ, rượu ngon hơn bội phần nhờ thời gian là người thợ hoàn chỉnh siêu việt, biến được rượu từ trạng thái khởi đầu xóc gắt tới cái trạng thái gấm nhung đậm đà, ông Lý Bạch uống một hớp uống cả nỗi buồn vạn cổ, cụ Tản Đà làm một tợp, thấy cả “nước đi đi mãi không về cùng non!”
Trong “Chùa Đàn,” Nguyễn Tuân đã dành nhiều trang yêu ngôn để tả cái ngon tuyệt vời của hai nhãn rượu huyền thoại. Một là “Vô Cố Nhân”, một là “Ức Sầu Viên.”
Rượu do thiên tài Út Lãnh cất riêng cho chủ, đã tới tột đỉnh của bí truyền mà chưa thể uống ngay, trong cánh rừng Mê Thảo còn phải đủ chín tháng mười ngày hạ thổ. Thời gian đất, nước phải tới tuần, trăng phải tới vận mới đúng.
Nóng là không được. Phải chờ. Phải chờ mới có XO; mới có Giải Bạc, mới có Ức Sầu Viên.
Là tửu đồ đời sau, tôi yêu lắm hai câu thơ tuyệt tác của Tản Đà, tửu đồ đời trước:
“Trăm năm thơ túi rượu vò
“Ngàn năm thi sĩ tửu đồ là ai.”
Yêu cái nhịp lục bát lồng lộng. Còn yêu cái ý thời gian
được nói trong thơ. Trăm năm thơ - ngàn năm rượu.
Lâu chưa. Ghê chưa.
Trăm năm, ngàn năm cả, chốc lát, chỉ là chữ và giấy mất tích, cái chất
men làm cho nhức đầu. Suy diễn thêm, thấy đích thực thơ hay và rượu
ngon, trong cùng một tiêu chuẩn, rượu và thơ hay từ cùng một chân lý.
Phải mùa tốt trước đã. Mùa xấu, trái nho gầy, chế biến giỏi mấy cũng chỉ
một thứ vin de table. Nho trồng trên ngọn đồi tâm hồn thi sĩ cũng vậy.
Xấu từ mùa từ gốc, mỹ viện cho thơ cách nào cũng không hóa trang được
cái chất thơ dở thành hàng châu ngọc, đem dự thi Hoa Hậu Long Beach, rớt
từ vòng đầu là tự nhiên thôi.
Địa hạt tiểu thuyết gọi đó là khoảng cách. Thiếu khoảng cách, tầm mắt chỉ nhìn thấy một phiến lá không thấy được toàn thể cánh rừng.
Khoảng cách, trọng lượng, chiều sâu, gọi là gì cũng là thời gian cả. Thiếu thời gian là những cõi thơ thiếu tháng, đủ thời gian thơ là Vô Cố Nhân chín tháng mười ngày. Quy luật ấy của đời sống cũng là quy luật thơ. Từ những mạch nước dồn đẩy mới có con suối thủy tinh.
Lúa mẩy hạt từ mạ lực lưỡng. Phải cả một mùa nắng mới có kết tinh của đường của mật, và một trăm đêm sương mới có một bình minh hoa nở đầy cành. Đó là vận trình của thơ đi tới thơ hay.
Vận trình đó bao giờ cũng thấy ở những tài thơ lớn.
Nhận định về người thơ và tiến trình của thơ hắn với chính hắn, thì thời gian gần đây Du Tử Lê làm thơ hay, có nhiều thơ hay, trong cái nhìn của tôi và như phiếm luận nhỏ về rượu ở trên về rượu, trước hết là bởi trên ngọn đồi Côte du Rhône ở Ranchero Way, nhà thơ vừa có một năm nho, một mùa nho đặc biệt. Rồi cất, nấu cũng tinh xảo hơn.
Rồi hạ thổ nữa, đầy đủ tháng ngày. Những bài tôi yêu và cho là xuất sắc nhất trong “Love Poems” cho thấy rõ vậy.
Rằng có thể vẫn trong dòng rung động trữ tình của những bài thơ đã làm trong quá khứ – tính chất đồng nhất của tác phẩm là bản thể bất biến của thi sĩ – nhưng chất thơ của thi sĩ bây giờ mới thật sự và hoàn toàn loại bỏ được cái xóc, cái gắt để chỉ còn cái đằm, cái đằm trong dáng điệu của bài thơ và hình ảnh của lời thơ.
Rằng hầm rượu dưới đất, bông hồng trong tuyết, cõi thơ bên trong, con tầm và tơ vàng, cái chai mờ trong tiệm rượu của Thuận, một tiến trình đã viên mãn tới bến. Rằng thơ đã có “hương thời gian tím ngát”
– Thơ còn có “màu thời gian thanh thanh” và thơ hay.
“tôi ngồi trong cõi tôi, riêng
“bên trong ghế lạnh, ngoài hiên bóng, rời
“phòng tôi trần thiết gương người
“tường sơn kỷ niệm, vách bồi dáng xưa
“tóc người chảy suốt cơn mưa
“ngực thơm hoa bưởi, môi đưa bão, về...”
Thấy chưa, thời gian. Ngồi thiệt lâu đấy. Không đứng ngay lên ngay. Ngồi kỹ.
Tới ghế lạnh đi, bóng rời đi kia mà. Tới “ngực thơm hoa bưởi, môi đưa bão về” “vưỡn” cứ còn ngồi kia mà.
Bởi thế thơ có “tháng tám về rất lạ,” có “tháng chín” nắng về còn kỳ lạ hơn nữa.
Bởi thế có thơ hình người trong gương, dáng người trên tường, lấp lánh thật nhiều hình tượng sinh động trong căn phòng tâm hồn đó mà Du Tử Lê gọi chung là “Cõi Tôi Riêng.”
“em về thăm thẳm núi, non
“hồn sông, lòng suối, thịt, xương chốn nào
“mai quên nhau, mất lời chào
“hôm nay chăn, gối vẫn ngào ngạt hương...”
Đêm ra mắt “Thơ Tình” ở Lup, tôi cũng có dưới gầm bàn một chai mờ. Bèn cùng Hoàng Anh Tuấn làm một ly cho “thăm thẳm núi, non,” cho “môi đưa bão về.”
Rồi lên đọc mấy câu thơ trên của “Thơ Tình.”
Được lắm. Thấy là hồn sông, lòng suối. Thấy là vách bồi dáng xưa. Thấy là tường sơn kỷ niệm. Thấy là thăm thẳm núi, non.
Mai Thảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét