Trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

Bánh ngọt của người Nhật


Trong những năm 1930, kỹ thuật làm bánh ngọt của người Nhật đã phát triển mạnh mẽ.
 Từ những loại bánh ngọt mang đậm chất phương Tây, người Nhật đã sáng tạo những nét riêng từ nguyên liệu chế biến đến cách trình bày để cho ra đời loại bánh mới mà họ gọi là bánh ngọt Nhật Bản theo kiểu phương Tây.
Bánh Baumkuchen có nguồn gốc từ Đức, nó được làm từ bơ, trứng, đường, vani, muối và bột mì.
 Trong tiếng Đức, Baumkuchen có nghĩa là bánh khúc gỗ. 
Người Nhật rất thích loại bánh này vì nó mềm và thơm ngon.Người mang bánh Baumkuchen đến Nhật Bản lần đầu tiên là Karl Juchheim, một công dân Đức.
 Juchheim là nhà làm bánh kẹo, vào đầu những năm 1910, chàng thanh niên ngoài 20 tuổi này cùng vợ đến thành phố Thanh Đảo của Trung Quốc để kinh doanh.
Vào năm 1914, đó cũng là giai đoạn xảy ra Chiến tranh Thế giới Thứ 1, quân đội Nhật Bản và Anh đã chiếm được căn cứ hải quân ở Thanh Đảo của Đức.
 Gia đình Juchheim được đưa đến Nhật Bản như là tù nhân chiến tranh.
Sau khi chiến tranh kết thúc, Juchheim quyết định cùng gia đình định cư tại Nhật.
 Năm 1921, ông mở cửa hàng bánh ngọt ở thành phố Yokohama.
Juchheim trong vai trò là thợ làm bánh chính của cửa hàng, trong khi nhân viên giúp việc hầu hết là người Nhật.Tại cửa hàng mới này, Juchheim bắt tay vào làm bánh Baumkuchen, vốn được mệnh danh là vua của các loại bánh.
 Theo cách làm truyền thống, bột bánh được phết đều lên thanh kim loại dài đang quay liên tục trên lò nướng, lớp bột này chín thì lớp bột tiếp theo lại được quét đều lên. Cứ như thế đến khi lớp bánh cuối cùng bên ngoài chính vàng. Nhiều lớp bột bánh nối tiếp nhau tạo thành những vân hình tròn như vân gỗ nên bánh Baumkuchen được gọi là bánh khúc gỗ.
Khi công việc kinh doanh của cửa hàng thuận lợi, thì cũng là lúc xảy ra biến cố.
 Vào ngày 1/9/1923, trận động đất lịch sử có tên gọi Đại Kanto mạnh 7,9 độ richter đã phá hủy nhiều phần của thủ đô Tokyo và thành phố cảng Yokohama. 
Cửa hàng bánh của gia đình Juchheim cũng chịu chung số phận.Sau thảm họa đau buồn đó, vợ chồng Juchheim dời đến thành phố Kobe, họ mượn một số tiền lớn từ bạn bè và người thân để mở cửa hàng bánh ngọt mới.
Cửa hàng mới rất thành công, nó được nhiều người biết đến chỉ sau 1 thời gian ngắn hoạt động.
  Bánh ngọt khúc gỗ Baumkuchen tiếp tục là mặt hàng chủ lực của cửa hàng.
Khi nhu cầu thị trường quá lớn, cửa hàng buộc phải tăng sản lượng và do bánh được làm theo cách thủ công truyền thống nên thợ làm bánh phải làm việc cật lực.
Việc đánh hỗn hợp bột mì cùng các nguyên liệu khác đều làm bằng tay, người thợ phải buộc chặt tay vào cây chổi đánh bột để tạo ra một thứ bột mịn theo yêu cầu khắt khe của ông chủ cửa hàng.
 Juchheim quan niệm rằng chỉ khi nào khâu chuẩn bị nguyên liệu được thực hiện một cách nghiêm túc thì sản phẩm cuối cùng làm ra mới đạt chất lượng.
Với tâm huyết của một người làm bánh chuyên nghiệp là luôn tạo ra những chiếc bánh ngon nhất, hoàn hảo nhất, chẳng bao lâu sau, cửa hàng của gia đình Juchheim trở thành địa chỉ kinh doanh bánh ngọt danh tiếng nhất Kobe.
Khi công việc làm ăn của cửa hàng đang hanh thông thì Chiến tranh Thế giới thứ 2 nổ ra, Nhật Bản là một trong những quốc gia chủ chốt trong cuộc chiến này.
 Những năm đầu chiến tranh, cửa hàng bánh của ông Juchheim vẫn hoạt động nhưng nhiều nhân viên của cửa hàng bị buộc phải nhập ngũ.
Đến năm 1944, cuộc chiến lên đến cao trào, thành phố Kobe là mục tiêu của các vụ tấn công. Cửa hàng bánh của Juchheim ngưng hoạt động và đóng cửa do không còn khả năng sản xuất.
 Karl Juchheim mất vào ngày 14 tháng 8 năm 1945, chỉ 1 ngày trước khi Nhật Bản đầu hàng quân đồng minh, đánh dấu thời điểm kết thúc chiến tranh.
Cuộc chiến đã đi qua, là một quốc gia bại trận, nước Nhật bị tổn thất nặng nề. 
Vượt qua khó khăn, người Nhật từng bước khôi phục đất nước của họ. Sau một thời gian quay về Đức, vào những năm 1950, vợ của nhà kinh doanh bánh ngọt quá cố Juchheim trở lại Nhật Bản để mở rộng thương hiệu của chồng. Bà thành lập công ty bánh ngọt Juchheim ở Kobe.
Hơn nửa thế kỷ qua, công ty vẫn tuân thủ những quy tắc làm bánh Baumkuchen truyền thống của Đức.
 Hiện nay, bánh Baumkuchen của công ty này nằm trong số các loại bánh ngọt được ưa chuộng nhất tại Nhật.
 Sự nghiêm khắc và tâm huyết của Karl Juchheim đã giúp thực khách Nhật Bản được thưởng thức những tinh túy của Baumkuchen, vốn được mệnh danh là vua của các loại bánh. Doanh thu hàng năm hiện nay của bánh Baumkuchen tại Nhật khoảng $  345 triệu đôla Mỹ.
Khi nhu cầu của con người không dừng lại ở ăn ngon nữa mà hướng tới yếu tố thẩm mỹ thì thế giới của những chiếc bánh ngọt cũng biến tấu không ngừng. 
Với những thành phần chính là đường, chocolat  và trứng, những chiếc bánh đã và đang góp phần giúp cho cuộc sống chúng ta trở nên ngọt ngào hơn.

                                    Thanh Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét