Trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012

Chợ “Lộp”


Ở Na Uy có một thói quen mà dần dà đã trở thành một nét văn hóa rất dễ thương và cũng rất có lợi cho mọi người, đó là “loppemarked”, mà người Việt Nam hay gọi là chợ “lộp”.
 Nếu giải thích thêm thì nó không khác gì một loại chợ trời. Tuy nhiên nó không giống như chợ trời mà chúng ta vẫn thường gặp.
 Chợ trời này không phải ở ngoài trời, và thường được tổ chức vào mùa Thu và mùa Xuân, khi thời tiết vẫn còn lành lạnh.
 Mỗi năm, chúng ta có hai mùa để viếng thăm chợ “lộp”. Có những buổi chợ rất lớn, đủ thứ hàng hóa để mua, nhưng cũng có những buổi chỉ nho nhỏ thôi. 
Nói đến đây, chắc các bạn cũng thắc mắc chợ này là chợ gì, và bán những thứ gì phải không? 
Đến với chợ “lộp”, các bạn có thể tìm thấy những món đồ mình cần với chỉ năm ba krone. 
Tất cả những hàng hóa được bày bán đều do bà con xung quanh biếu tặng, hay phải gọi là cho mới đúng, vì đây là những món hàng đã xài rồi.
 Có nhiều món vẫn còn rất mới và xài cũng vẫn còn ngon, thay vì vứt vào thùng rác, thì họ cho những hội đoàn để dành bán loppemarked. 
Tuy nhiên, chợ “lộp” này không phải để cho một cá nhân nào đó “làm giàu” bằng những món hàng không vốn, nhưng chỉ dành riêng cho các nhóm sinh hoạt và các hội đoàn. 
Có lúc là hội bóng tròn, có khi là hội bóng rổ, hoặc hội bơi, hội múa. Đoàn thể nào cũng muốn tổ chức mỗi năm một lần để gây quỹ sinh hoạt cho con em của mình.
 Tuy nhiên không phải hội nào cũng làm được, vì mỗi lần tổ chức rất ư là vất vả.
 Trong một thời gian khá dài, có khi cả năm, hễ ai có đồ cho là phải có người chạy đi lấy. Đó là chưa kể phải mướn một cái kho nào đó để cất giữ. 
Rồi đến gần ngày bán, họ phải mướn một hội trường thật lớn, thật rộng, thường là một sân vận động thì mới có sức chứa tất cả những hàng hóa.
 Từ những thứ nhỏ nhất như cái muỗng, cho tới những thứ cồng kềnh như tủ hoặc giường cũng được bày ra bán.
 
 Ở một xã hội quá dư thừa vật chất, chưa xài xong thứ này đã sắm sửa thứ kia, thì việc có một phiên chợ “lộp” như thế này rất cần thiết.
 Đôi khi phải công nhận rằng mình cần mua một cái gì đó, dù rất ít xài tới, nhưng phải có. 
Thay vì mua mới tốn hết vài ngàn thì ở chợ “lộp” chỉ cần tốn vài chục mà thôi. 
Hằng năm, cứ hễ tới mùa Thu là tôi lại đi “lùng” mua cho lũ nhỏ một bộ ski.
 Sống trên xứ tuyết, không biết trượt ski thì cũng kỳ, mà trượt nhiều thì chúng cũng không thích. 
Bàn chân con nít mau lớn, mỗi năm lên ít nhất là hai số, nên mua một đôi ski đôi khi chỉ dùng có một lần là chật.
 Một bộ ski như thế nếu mua mới cũng vài ngàn bạc, nhưng ở chợ “lộp” thì chỉ tốn vài chục mà thôi. Bán buôn như thế vừa lợi cho người mua vừa lợi cho người bán phải không bạn?
Không những chỉ chờ tới mùa Thu để đi mua hàng “lộp”, nhưng mùa Thu cũng là mùa mà chúng tôi phải bán hàng.
Chiều Thứ Sáu, sau khi cơm nước xong xuôi, mẹ con chúng tôi dắt nhau ra hội trường.
 Những chiếc xe lớn bắt đầu chở hàng từ kho quy về đây hết.Người thì mang, người thì vác những hàng ấy, bày ra trên mặt bàn.
 Quần áo giày dép một nơi, bàn ghế tủ giường một nơi, nồi niêu soong chảo một nơi, vân vân và vân vân.
 Không những chỉ tất cả các phụ huynh mỗi người một tay, tất cả các em trong hội cũng phải ra công góp sức.
 Khi tham gia những công tác như thế, các em sẽ có cơ hội hiểu rằng ở đời không có cái gì là miễn phí cả, tuy hàng hóa là do bà con cho không biếu không, nhưng nếu mỗi người không tình nguyện góp một bàn tay để gom về từng đồng từng cắc, thì những cơn gió kia sẽ không bao giờ có cơ hội trở thành bão lớn.
 Cũng như bao nhiêu trẻ em khác trong ngày hôm nay, thằng bé cũng đeo cái giỏ ngang vai, trong ấy có một ít tiền lẻ để thối cho khách hàng.
 Trông như một “thương gia” chỉnh tề, nghiêm nghị! Tuy tôi cũng bận tay buôn bán, nhưng lâu lâu cũng ngó chừng nó đứng kế bên và hỏi:
 

 Có bán được không con?
 Nó dạ nhỏ. Tôi lại nói thêm:- Cười lên đi chứ, bán hàng là phải cười lên, phải vui vẻ thì người ta mới mua.
 Nó biện minh một cách yếu ớt:
- Hồi nãy con cười rồi.Đối với nó thì hình như chỉ cần cười một lần là đủ?!
  Mỗi phiên chợ “lộp” chỉ được gói gọn trong vòng hai ngày cuối tuần. 
  Thứ Sáu chuẩn bị, Thứ Bảy và Chủ Nhật mở cửa mỗi ngày vài tiếng, và chiều Chủ Nhật thì phải thu dọn “chiến trường”.
 Thân thể ai cũng rã rời sau mỗi phiên chợ, nhưng phải có thế thì mình mới biết được giá trị của mỗi món hàng, dù là hàng không vốn.
 Có nhiều người cho rằng xài hàng “second hand” sẽ làm giảm giá trị của mình, nên họ không bao giờ xài hàng cũ. Mỗi người một ý và một lối suy nghĩ về cuộc sống khác nhau, nhưng riêng tôi, tôi vẫn cho rằng giá trị của con người không bao giờ nên đo bằng những món hàng họ mang trên người.
                             
                                 Thi Hạnh
                                   @@ tks t/g !!                                         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét