Trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 4 tháng 3, 2013

Du Tử Lê, .. Có Những Câu Thơ Thành Ngôn Ngữ Hằng Ngày

 “Những ý kiến tôi đã diễn tả trước đây, 15 năm, (97) cho đến nay vẫn còn đúng.
Du Tử Lê, quả nhiên vẫn là một nhà thơ hiếm hoi. Anh vẫn một mình một cõi.
 Đó là một điều đặc biệt. Và đối với một thi sĩ, thì đó là một sự thành công.
Bởi vì, thi sĩ phải là một thi sĩ riêng cho mình, không thể lẫn vào một thi sĩ khác được.
 Du Tử Lê vẫn luôn luôn tìm cách làm mới tiếng nói của mình. 
Tức là làm mới thơ của chính Du Tử Lê; cũng như góp phần làm mới thi ca của người Việt Nam. 
Chúng ta biết thơ có hai cách diễn tả: Tự nguyên thủy, thơ là lời nói, lời phát âm ra.
 Rồi, từ cả vài ngàn năm nay, loài người dùng chữ viết, thành ra thơ cũng là một nghệ thuật dùng chữ viết, in ra nữa.Hai hình ảnh mà ta tiếp nhận thơ là nghe lời người ta nói và đọc bài thơ trên giấy.
 Cả hai hình thức đó Du tử Lê đều tìm cách làm mới cả. 


 Nhiều người cho rằng Du tử Lê hơi cầu kỳ. Khi anh sử dụng rất nhiều thứ dấu khác nhau. Như dấu phẩy, dấu chấm, dấu ngang, dấu dọc, gạch chéo, gạch ngang…để làm cho thơ của anh khác thường.
Nhưng tôi nghĩ, người thi sĩ có những lúc có nhu cầu là phải làm sao để diễn tả được đúng tâm trạng của mình. Họ sợ rằng người đọc bài thơ trên giấy không thấu hiểu hết ý của mình, nên phải dùng thêm dấu nọ dấu kia, để theo đó mà người đọc thấu hiểu thêm.
Thí dụ câu thơ dưới đây trong tập thơ mới của Du Tử Lê. Nếu tôi đọc những câu thơ này theo lối bình thường, tôi sẽ đọc là: 

      Người cho tôi vực khuya
      Đêm vọng nồng tiếng hát
      Những ngón tay xuân thì
      Bươi tìm tôi thất lạc. 


Đó là những câu thơ rất đẹp.Nhưng nếu chúng ta theo cái cách của tác giả diễn tả.
 (Tôi rất tiếc là không thể trình với quý vị nguyên văn của bản thơ đó trên màn hình.
 Nhưng chắc chắn ban kỷ thuật sẽ làm được việc đó.) 
Và khi người đọc được nhìn vào bản văn với những dấu chấm, dấu phẩy, dấu gạch ngang, dấu hai chấm, dấu ba chấm của tác giả, người đọc sẽ đọc nó khác đi một chút. Nó có thể sẽ là: 
      Người cho tôi vực, khuya
      Đêm vọng, nồng tiếng hát.
      Những ngón tay xuân thì:
      Bươi, tìm tôi-thất-lạc. 


Chữ “tôi-thất-lạc”, tác giả gạch giữa. Ba chữ đó là một tiếng mà thôi.
 Chúng trở nên một cụm từ, dính liền nhau. Cái “tôi-thất-lạc”.
 Người ta thấy tác giả diễn tả một cái gì khác. Không phải là... tôi thất lạc.
Đó là một cố gắng của Du Tử Lê. Cố gắng làm cho tiếng nói và thơ của ông diễn tả đúng tâm trạng của ông hơn.
Tuy nhiên, nếu quý vị thấy mình có thể tiếp nhận một cách khác, hoặc cho rằng tại sao lại phải cầu kỳ như vậy thì có thể tùy ý.
Dù sao thì chúng ta phải nhận thấy rằng Du Tử Lê không phải là người cầu kỳ.
Bởi vì người cầu kỳ thì thơ sẽ làm cho người ta kinh ngạc. Người ta sợ, mà người ta không yêu được.
Chúng ta phải công nhận rằng Du Tử Lê đã thành công trong việc làm cho nhiều người yêu thơ ông. Phải nói là, Du Tử Lê đã làm chủ được ngôn ngữ mà ông đã sử dụng, là tiếng Việt Nam. 
Ông đã sống với nó, đã yêu nó. Nhờ thế mà Du Tử Lê đã diễn tả được những điều rất giản dị, không cầu kỳ; làm cho ai cũng hiểu và, tự nhiên mà nhớ.
Tôi lấy thí dụ một câu thơ của Du Tử Lê đã trở thành ngôn ngữ hằng ngày của mọi người:  
Ở chỗ nhân gian không thể hiểu!”  
Thật ra câu này không phải dễ hiểu. Nhưng trong một số tình huống nào đó, thì nó lại là câu nói nói cửa miệng.
Thí dụ một ông chồng gọi điện thoại cho vợ nói:
“ Em ở đâu đó? Sao em hẹn anh ở ngã tư có cây xăng, mà sao anh không thấy em đâu cả?
 Hay chắc là em đang ở chốn nhân gian không thể hiểu rồi!”
Vậy câu thơ trên đã trở nên ngôn ngữ thường ngày.
Lâu lâu tôi lại nghe câu thơ của Du Tử Lê “ ở chỗ …,” lúc thì để diễn tả một tâm trạng vui; cũng có khi để diễn tả một tâm trạng buồn.
Tôi cho đó là thành công của một nhà thơ.
Một thí dụ khác, một câu thơ khác của Du Tử Lê, cũng thường được dùng để van lơn nhau, để khuyên bảo nhau, hay để than vãn với nhau:  
Đi với về, cũng một nghĩa như nhau.”  
Câu thơ này người ta cũng có thể nói trong lúc buồn:
“ Thế anh mới đến chơi mà đã về rồi à?”“
Tôi vừa mới gặp cô Tiểu Muội, rồi cô lại đi Texas…”
Có thể người nào đó sẽ nói:
Đi với về, cũng một nghĩa như nhau”.
Hoặc mình có thể dùng câu đó để đùa với nhau cũng được.
Một thi sĩ có những câu thơ thành ngôn ngữ hằng ngày của chúng ta, tôi cho đó là một thành công.
Người thi sĩ đó đã sống bằng tiếng Mẹ đẻ của mình và, hòa nhập với cộng đồng của những người cùng chung ngôn ngữ. Đó là một thành công.
Có thể nói Du Tử Lê là một trong những người hiếm hoi, luôn luôn tìm cách đổi mới.
 Nhưng lại không quá mới đến độ xa lìa cộng đồng cùng dùng chung ngôn ngữ với mình.”
                                        Đỗ Quý Toàn
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét