Trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

“Cần nhận nuôi ông bà ngoại”

 Cô Agat Czemierys, sống ở Bialystok, Ba Lan vừa tung lên lưới Internet... một lời rao để tìm một ông hay bà ngoại cho các con của mình như sau: “Chúng tôi muốn nhận nuôi một ông hay bà, người sẽ sống, tận hưởng các kỳ nghỉ Hè và đi mua sắm cùng chúng tôi suốt đời. Không ràng buộc về tiền bạc, mà chỉ có tình thương.”
 Cô đã được đáp ứng bởi hàng nghìn thư của các ông bà già trên đất Ba Lan hồi âm, sẵn sàng làm ứng viên ông bà ngoại theo lời rao này.
Sau khi chế độ Cộng Sản Ðông Âu sụp đổ, các nước hậu Cộng Sản đã đổ xô về các nước Tây Phương để kiếm việc làm sinh sống, để lại những ông bà cô đơn hiu quạnh.

Cái tội nghiệp của người thiếu phụ Ba Lan Agata Czemierys này là tấm lòng xót xa của cô khi cô nói: “Tôi có một trái tim lớn nhưng không thể nhận nuôi tất cả các cụ già neo đơn trên toàn nước Ba Lan”.Thế giới càng văn minh, tuổi thọ của quý cụ càng dài. Tuổi thọ càng dài sự cách biệt với con cháu càng xa.
Chúng ta cũng biết đây những vị cao niên cô đơn là những người không có con cháu hay gia đình quây quần bên cạnh. Trong thế kỷ này, người ta không còn sum họp qua nhiều thế hệ dưới bóng mát của một mái nhà đại gia tộc như ngày xưa nữa.
 Con cái tự lập, không gần gũi cha mẹ, vì công ăn việc làm thường bỏ đi xa, không thể đem cha mẹ già đi theo.
 Cha mẹ già trở nên vô dụng, không đỡ đần gì cho con cái trong cuộc sống văn minh tất bật, ông bà nội, ngoại trở thành lạc hậu, không theo dõi kịp bài vở ở trường, không giỏi computer, đôi khi không biết cả lái xe để đưa cháu đi đá banh, họp bạn hay học nhạc.
 Ở những nước chậm tiến, người già không được chính phủ trợ giúp sinh sống, đã trở thành một gánh nặng cho con cái, và họ cảm thấy cuộc sống dư thừa trong gia đình.Về phía những vị cao niên, họ cũng rất cần gần gũi với con cháu. Chính sự hồn nhiên của tuổi thơ đã mang lại sự ấm áp và là một liều thuốc để giảm căng thẳng và xóa phiền muộn. 
Thử nghĩ chúng ta đang bực bội, buồn phiền về một chuyện gì đó, được một đứa cháu sà vào lòng ông bà, bi bô những câu ngây thơ, làm những cử chỉ có thể làm mềm lòng người. 
Cầm bàn tay mủm mỉm, hôn lên mái tóc mịn màng như tơ óng của đứa cháu rồi thì ông bà làm sao có thể còn cau có, bực dọc hay thốt ra những lời giận dỗi được, và bao nhiêu nỗi buồn phiền đều được trút nhẹ.
 Bạn có để ý là các bà ngày xưa thời trẻ thường kể chuyện con, bây giờ gặp bạn bè vẫn thường muốn san sẻ niềm vui với bạn về những lời nói, cử chỉ của những đứa cháu của mình.
 Các ông bà trong tuổi về già, đi đâu xa thì nhớ cháu chứ không bao giờ nhớ đến con.Ngạn ngữ Pháp có câu: “Chỗ ngồi êm ái nhất của một đứa trẻ là trên đùi của bà ngoại” (hay bà nội). 
Vì sao không là mẹ, không là cha, hay cô dì chú bác. Nhiều gia đình có ông bà thì những đứa cháu lại gần gũi với ông bà hơn.Những lúc buồn phiền, giận hờn hay khóc lóc thì bà ngoại là chỗ dựa tin cậy nhất.
 Ðến đây, chúng ta lại đi vào chỗ phân biệt giữa bà ngoại và nội.Trong cuộc đời thì người ta thường nói đến bà ngoại mà ít ai nhắc đến bà nội, vì người đời phần lớn ai cũng yêu bà ngoại hơn.
 Chúng ta ít khi thấy một bài thơ, một áng văn hay một bài hát nào ca tụng bà nội mà chỉ toàn là nói đến bà ngoại, quê ngoại. Phần quý bà cũng thường dành tình thương của mình hầu hết cho những đứa cháu ngoại, có lẽ vì bà thương con gái dứt ruột ra hơn là thương dâu ở đâu đem về. 
Ðứa cháu thích và gần gũi với bà ngoại hơn là vì lúc nào mẹ cũng nhắc đến bà, trang trải tấm lòng yêu thương bà, chứ không mấy khi thấy mẹ nhắc đến bà nội, vì : “thương chồng mà khóc mụ gia (nhạc mẫu), nghĩ tôi với mụ có bà con chi!” Phần lớn ông bà thích sống với con gái hơn là con trai, vui buồn trong gia đình phần lớn do ở người đàn bà, con gái đương nhiên phải đậm đà ruột thịt thân ái hơn nàng dâu. Vả chăng đàn ông thường không chấp chuyện nhỏ, sống với rể hẳn phải dễ chịu hơn là sống trong một gia đình có sự quán xuyến của một bà dâu!
Ngày xưa khi người con gái lấy chồng sinh con, thông thường để cho người con gái về nhà mẹ, vì cảnh làm dâu không sao êm ấm sung sướng bằng ở bên mẹ. Bà ngoại thường khổ vì con, nay lại khuya sớm khổ vì cháu, những đứa cháu mang họ nội nhưng vất vả về phía ngoại, đúng là “cháu bên nội, tội bên ngoại”.
 Nhiều bà ngoại nuôi con rồi lại nuôi cháu, khi con gái dở dang tình duyên, chấp nhận nuôi cháu cho con đi làm lại cuộc đời.
 Hai tiếng “quê ngoại” dịu dàng, thân yêu biết bao nhiêu.Nhưng dù ngoại hay nội, điều hạnh phúc của những đứa trẻ trong tuổi ấu thơ là có được ông bà.
 Ngày nay ở hải ngoại, khi thấy một đứa trẻ lên ba ngoan ngoãn, nói sành sỏi tiếng Việt, có khi thuộc lòng cả ca dao, biết hát những bài hát phổ thông, người ta có thể nghĩ ngay đó là những đứa trẻ may mắn có được một bà ngoại hay bà nội cùng sống chung dưới một mái gia đình. 
Ở Mỹ, suốt ngày cha mẹ phải đi làm tất bật, con cái sau giờ học phải gởi ở lại trường hoặc phải nhờ người đưa rước, chăm sóc cho tới lúc cha mẹ về.
 Ðối với những gia đình có làm thương mãi, mở quán xá hay dịch vụ, thì chiều tối mỗi ngày hay Thứ Bảy Chủ Nhật, cha hay mẹ đều ít có thời gian chăm sóc con cái, một bà nội hay bà ngoại trong trường hợp này là một món quà quý giá trời cho. Việc săn sóc của nhà giữ trẻ, dù tiện nghi đến đâu, chuyên viên có thể có đầy đủ licence đến mấy cũng không đủ tấm lòng yêu thương che chở của người bà ngoại hay bà nội trong tổ ấm gia đình.
Mà không phải cho đến thời nay, trẻ con mới cần đến bà khi cha mẹ suốt ngày vất vả theo công việc sinh nhai.

 Những người hôm nay đang bước vào tuổi già, còn nhớ chăng những câu học thuộc lòng thời sơ học và những câu ru mà chúng ta đã thuộc nằm lòng:
“Trưa Mùa Hè, trời nắng chang chang, gió im phăng phắc.Trong nhà ngoài ngõ vắng vẻ tĩnh mịch. Ở một chái bên, bà ôm cháu vào lòng. Hai bà cháu nằm trên cái võng, đưa đi đưa lại, tiếng kêu kẽo cà kẽo kẹt theo một điệu.
Bà cất tiếng hát, bà ru:
“Cái ngủ mày ngủ cho lâu,
Mẹ mày đi cấy ruộng sâu chưa về...”
Cháu nghe êm tai, ra chừng thiu thiu ngủ, mà bà cũng ra dáng lim dim hai con mắt:
“Cái ngủ mày ngủ cho say
Mẹ mày vất vả chân tay tối ngày.”
 

                                            
                                                                         HUY PHƯƠNG
                                                                                             

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét