Trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

Mùa xoài



Mùa xoài năm nay, bỗng thấy ở chợ có một loại xoài trái nhỏ xíu nhưng ngọt vô cùng và giá rẻ như cho: ba, bốn ngàn đồng một ký. 
Trái xoài nhỏ đến nỗi có cảm giác như nó là xoài rụng hay xoài chưa lớn bị người ta hái dú ép.
Vậy mà ngon! Không phải kiểu ngon của loại xoài cát Hòa Lộc dai dai, vị ngọt thanh sang trọng; mà là cái ngon của loại xoài mềm, ứ nước, đậm chất nhà quê. 

Vị ngọt lự từ đầu đến cuối nhưng không gắt cổ, ăn đã miệng vô cùng. Bởi, có chút vị chua như thảng hoặc qua đầu lưỡi.
Hỏi người bán là xoài gì, thì được biết là xoài ở quê tôi, mới trồng mấy năm sau này. 

Vài lứa đầu nên trái còn nhỏ. “Xoài ngày trước chua quá, người ta chặt bỏ hết rồi để trồng xoài mới! Nếu không phá bỏ thì người ta ghép cây tạo giống ngọt”.
Tôi chợt nhớ trái xoài ngày xưa chua ơi là chua.

 Xoài xanh ăn sống với nước mắm đường mới… ngọt, cho chấm muối ớt ê răng lắm! Xoài chín dù có dú cách nào cũng vẫn chua.
 Hồi ấy chẳng có quà bánh gì nhiều, xoài chua cỡ nào lũ chúng tôi cũng ăn được, xoài chín thì có thể xơi cả rổ!
 Khi đời sống ngày càng khá lên với đủ thứ bánh trái đắt tiền, sang trọng, trái xoài bỗng trở nên quê mùa; và phải chăng, muốn lấy lòng thượng đế, nhà vườn cũng phải thay đổi cây trồng, tạo giống xoài ngọt?
Ngày xưa vườn nhà ngoại tôi nhiều xoài lắm. Có loại xoài tượng, chuyên ăn sống với mắm đường.

 Rót chút nước mắm vào chén và bỏ đường cho đặc sệt, rồi dằm thêm mấy trái ớt xiêm.
 Xoài xanh xắt mỏng, xúc đường trong chén nước mắm, ăn xong uống nước no căng bụng, bỏ cơm luôn!
 Mùa hè, mâm cơm lúc nào cũng có món cá chiên, nước mắm ớt tỏi và xoài bằm. 
Chu cha, sao mà tuyệt diệu!
Ông bà ngoại tôi có ba người con gái. Dì Hai số phận hẩm hiu, năm hai mươi tuổi dì lấy chồng, chưa kịp có con thì dượng mất.

 Dì ở vậy chăm sóc ông bà ngoại và các cháu. Đứa cháu nào cũng một tay dì ẵm bồng, tã, sữa…
 Ông rồi bà ngoại tôi mất, dì Hai lãnh phần trông giữ từ đường, với hơn chục đám giỗ mỗi năm.
Những cây xoài ngày một già cỗi, dì thuê người chặt bớt chỉ giữ lại một ít cho mát vườn.

 Lũ cháu lớn lên, như chim lần lượt rời khỏi tổ, bay về thành phố thành thân, lập nghiệp; ngôi nhà từ đường có dì Hai ngày càng lùi lại phía ký ức xa, thậm chí đám giỗ cuõng viện cớ bận bịu cũng không chịu về.
   Thảng hoặc có đứa nào đó đi công tác về qua, ghé thăm và ăn với dì bữa cơm; có đứa tạt qua rồi đi nhanh như cơn gió, không kịp cho dì có thì giờ pha ấm nước, có đứa vô tình cả năm không léo hánh về!
Hồi chưa có điện thoại, đến mùa xoài suốt ngày dì cứ trông ngóng có đứa cháu nào về để dì hái xoài cho chúng mang đi. Sau này có điện thoại, xoài rộ mùa dì réo hết đứa này đến đứa khác về lấy xoài.
Loại xoài chua vào mùa bán ở chợ thành phố năm trăm, một ngàn đồng một trái, rẻ rề, mua mấy ngàn ăn ê răng! 

Bận công việc chẳng ai muốn về, bảo dì thôi cứ bán hết cho người ta mà không để ý giọng dì nghèn nghẹn qua điện thoại: “Dì chừa lại một cây, mấy đứa rảnh dắt tụi nhỏ về hái xoài cho vui”.
Năm nay, nghe dì Hai kể qua điện thoại rằng xoài ra bông trắng vườn, mới chớm bông bạn hàng đã đến đặt tiền. 

Dù biết các cháu lười về, nhưng như mọi năm dì cũng chừa lại một cây: “Lỡ có đứa nào về, hái cho nó ít xoài. Bán hết cho người ta chẳng có gì làm quà cho cháu”.
Đám giỗ vào ngày Chủ nhật, bọn cháu thành phố tự nhiên phấn khởi hẹn nhau về nhà dì. Điện thoại, hẹn hò. Nhắc dì nấu ít thôi, tụi cháu đem các thứ về. 

Giọng dì vui lắm qua điện thoại: “Có gì nhiều đâu, mấy món nhà quê ấy mà!”.
Lâu không về, mới thấy nhiều thứ khác. Ngôi nhà từ đường ngày xưa “hoành tráng” thế mà giờ cũng đã xuống cấp nhiều, mái ngói rêu phong bàng bạc một màu thời gian buồn buồn. 

Cái giếng sâu vẫn còn chiếc cần dọt kéo nước lên, đồ đạc trong nhà cũng cũ kỹ và chẳng có giá trị gì so với bây giờ.
Chỉ có bàn thờ ông bà, mọi thứ lên nước bóng loáng bởi có dì chăm sóc mỗi ngày. 

Dở chiếc rương gỗ dì vẫn thường đựng gạo hay các loại lương thực khô.
 Một chồng bánh tráng xoài được dì bỏ trong từng bịch nylon, sạch sẽ. 
Mùi thơm ngào ngạt bay lên, cái mùi của tuổi thơ, cái “mùi nhà quê” một thời chẳng thể nào quên dù có đi đến đâu, ăn đến trăm thứ ngon vật lạ.
Thấy cả đám cháu xúm lại trầm trồ, dì nói: “Bán cây cho người ta rồi nhưng loại xoài chua này giờ không “ăn” nữa, giá rẻ rề, lỗ công hái, công chuyên chở nên bạn hàng không đến hái.

 Năm nay không hiểu sao xoài rụng nhiều quá, sáng nào ra vườn, nhìn xoài trải thảm dưới đất, dì xót quá lượm cả thúng, chẳng lẽ đem bỏ, mà cũng không biết bỏ đi đâu, dì làm bánh tráng xoài để dành cho mấy đứa”.
Lũ cháu ngó nhau nghẹn ngào, lặng ngắt.
 Nhìn mái tóc dì bạc trắng, lưng mỗi ngày như còng thêm; nghĩ đến cái dáng gaày gò ngày nào cũng cắp rổ ra vườn, một mình lụm cụm lượm từng trái xoài rồi lụi hụi chà xoài cho ra nước, rồi khuấy, rồi cán, rồi phơi, như dồn hết cả tình thương cho các cháu vào trong từng cái bánh tráng mà muốn ứa nước mắt.
Dì ơi, dì có biết rằng giờ chẳng còn đứa nào thích ăn bánh tráng xoài vừa chua mà lại dính răng? 

Nhưng nghĩ lại, dì biết làm gì với những rổ xoài rụng, ngoại trừ làm bánh tráng để dành cho các cháu?
Mới thấy, núi bao giờ cũng đứng lại và nhìn sông chảy đi với biết bao tình thương mến, và sông ơi, sao muôn đời sông cứ chảy một cách vô tình như thế !
                                           Đào t.Thanh Tuyền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét