Trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

Vẫn Chưa Biết Bơi




.. Sinh ra và lớn lên trong thành phố đất hẹp, người đông nên khí hậu nhiệt đới oi bức luôn là hung thần đeo đuổi dân thành phố. Giấc mơ tìm đến biển để nhảy ùm xuống nước , bơi tới bơi lui, và bơi đủ kiểu: bơi ngửa, bơi xấp, bơi bướm, bơi chó, lủm bủm lỏm bỏm cho nước văng tung tóe đã in sâu trong tâm trí .
.... Gia đình chúng tôi sống trong nghịch cảnh. Bố tôi, thư sinh nghèo ( ông bà nội cũng nghèo, mù chữ, làm việc cho Sở Công Chánh : nghề quét đường!). Mẹ tôi con gái nhà quyền quý giàu có ( Ông ngọai khó tính :thầu khóan) .

 Khi biết bố mẹ tôi thương nhau và quyết định xin làm lễ kết hôn, ông ngọai không chấp nhận và từ mẹ tôi luôn, với 2 lý do: nghèo và ngọai đạo.
 Mẹ tôi theo tiếng gọi con tim nên từ tiểu thơ đài các đã trở thành cô gái nghèo khổ, tần tảo bán buôn ngòai chợ, biết gánh, biết bưng và biết cắn răng chịu đựng tiếng bấc, tiếng chì từ bên ngọai. Tôi thằng con sinh ra đời đứng ở ngả ba đường, dưới căn nhà lá lụp xụp không đủ che nắng che mưa .
 Còn nhớ những đếm mưa lớn, tôi ngồi trên chiếc giường gỗ, nhe răng cười nhìn bố mẹ chạy tới, chạy lui, lấy thau, lấy tô, chén để hứng nước mưa . 
Diện tích khiêm nhượng của căn nhà chỉ bằng 2 chiếc giường gỗ cộng lại mà sao bố mẹ tôi lại khổ như thế ! Vừa bước vào nhà là hàng gánh của mẹ tôi: cây đòn gánh và 3 cái thúng (basket). 
Tại sao lại tới 3 cái thúng?
 Vâng, mẹ tôi 2, bố tôi 1. Sau những giờ học, bố tôi cũng hào hùng bưng thúng bánh ú đi bán. Vốn nghèo nên có tính cần kiệm, tiết kiệm dầu hôi, nên khi đi bán, bố đem theo sách để ngồi đọc dưới ánh đèn vĩa hè. Có lần thấy vui, tôi hỏi xin đi bán. 
Bố chỉ nói một tiếng nhỏ, chỉ vừa đủ cho tôi nghe: 
Không con ! ... Lớn lên tôi mới hiểu ý nghĩa của câu trả lời ngắn gọn nhưng bao gồm cả bầu trời to lớn ấy. Lúc ấy tôi chỉ nghĩ rằng bố không cho đi bán chỉ vì sợ bưng thúng nặng. Tôi định nói: "Con sẽ đội trên đầu" nhưng không dám vì mắt bố đang nhìn đâu xa xăm...
...Còn nhớ có lần người giúp việc trong nhà ngoại đem đưa cho mẹ tôi miếng thịt quay. Trời ơi, thịt quay! Món ăn mà tôi chỉ thấy và chưa từng được ăn qua lần nào.

 Tôi háo hức hỏi tới hỏi lui ở đâu mà có. Mẹ tôi chỉ trả lời một câu: trên ngoại. Sau này tôi biết là cậu Út thương hoàn cảnh nghèo khó của gia đình tôi nên lén sai người đem xuống cho nhân dịp lễ lộc gì đó. Mẹ cẩn thận cắt ra từng miếng nhỏ. Nhìn miếng thịt thịt ít mở nhiều làm tôi chảy nước miếng.
 Mẹ tôi bảo hãy chờ bố về. Sao hôm đó bố tôi lâu về thế ! Rồi bố cũng về. Bố bỏ thúng bánh ú còn dăm ba cái xuống rồi nhìn vào mâm cơm dọn sẵn trên giường gỗ. Bên đĩa rau luộc như mọi ngày là đĩa thịt heo quay béo bở.
 Bố hỏi nhỏ: Ở đâu vậy em? Mẹ cũng nhỏ nhẹ trả lời: trên ngoại. Tôi thấy mặt bố buồn. Bố không ăn vì bố nói mới ăn cái bánh ú nên còn no. 
Mẹ cũng không ăn và theo chân bố bước ra ngoài. Còn tôi, vô tư, một mình một cỏi...
Thế là tôi cũng có dịp lên ngoại. Lần đầu tiên mẹ sai tôi đem nải chuối với mấy trái mận đem cho bà ngoại vì bà bị bệnh. Trước khi đi, mẹ tôi dặn dò đủ thứ. Nào phải thưa phải trình và chỉ đường chỉ lối tôi đi. 

Tôi đâu có lạ gì nhà ngoại. Nhà thằng bạn tôi cũng gần đó mà. Mẹ chải tóc tai và bắt tôi phải mặc cái áo tươm tất nhất. Tươm tất có nghĩa là chỉ vá víu vài chỗ nơi cùi chỏ. Đứng trước nhà ngoại tôi lúng túng vì chưa biết mặt ai và chẳng biết phải làm sao. Có tiếng con nhỏ ( sau này tôi biết là con một bà dì ) kêu lên:
- Ê, mày đi đâu đó mậy ?
Tôi càng thêm lúng túng. Chúng nó năm ba đưa chạy ùa ra để xem.
Tôi nói lí nhí trong miệng:
- Mẹ kêu đem chuối cho ngoại.
Con chó lớn ở đâu không biết cũng chạy đến nhe răng nhảy chồm lên sau cánh cửa sắt để hâm dọa. Bọn con dì con cậu cười rần lên không biết vì tại tôi sợ con chó hay tại tiếng ”ngoại” phát ra từ cửa miệng thằng nhỏ bẩn thỉu, nghèo hèn như tôi. Tôi cóc cần. Mẹ sai tôi đi tôi phải đúng như lời mẹ dặn. Có tiếng người lớn tuổi kêu tên một đứa trong bọn. 

Cả bọn chạy theo vào. Tôi vẫn đứng bên ngoài cánh cửa sắt với giỏ xách đựng nải chuối và mấy trái mận nhìn con chó vẫn nhe răng tỏ vẻ thiếu thiện cảm. Rồi chúng nó chạy ra bảo tôi đưa chuối cho chúng. Hai đứa xách nải chuối và mận chạy vào nhà. Mấy đứa còn lại chia nhau nắm bạc cắc quăng ra ngoài, chỗ tôi đứng. 
Tôi không mặc cảm, khom lưng xuống lượm từng xu từng cắc do chúng quăng ra. Tội gì không lấy. Tôi đem về đưa cho mẹ và kể rõ mọi chuyện. 
Mẹ ôm tôi khóc. Tôi chẳng biết ất giáp gì cũng khóc theo. Những giọt nước mắt ấy đến ngày khôn lớn tôi mới hiểu...Lần đầu tiên tôi biết bên ngoại: một căn nhà to lớn, sân rộng có cả ghế đá, có chiếc xe hơi màu đen đậu phía bên trái, có con chó dữ to lớn, có những đứa nhỏ trạc tuổi hay lớn hơn tôi quần áo bảnh bao.
 Còn người lớn tôi chưa thấy. 
Bên nội? Quen quá. Cũng nhà lá. Ông bà nội xách chổi đi làm từ sáng sớm đến khuya, đến tối mới về. Thỉnh thoảng ông bà cũng ghé qua nhà, đưa cho tôi mấy món đò chơi lật càng gãy gọng mà ông bà đã lượm hay trái mãng cầu vỏ đã thâm đen...
Lần thứ hai lên nhà ngoại thật đột ngột. Cậu Út sai người đến bảo tôi phải lên ngoại gấp. Mẹ mắc bán ngoài chợ. Bố không có nhà. Tôi theo lên liền. Không biết là ngày gì mà nhà ngoại đông người quá. Nhìn kỹ, tôi biết tiệc tùng. Tôi cũng lúng túng theo chân người làm bước qua cổng.
 Tôi lựa chỗ gần sát bên đường để ngồi. Tôi đâu có biết ai là ai. Cậu, dì, dượng, ông ngoại hay bà ngoại hay cậu Út tôi chưa từng nhìn thấy làm sao biết ! Tôi chỉ biết có đám con nít quăng tiền cho tôi lượm hôm nọ. 
 Chúng nó vẫn quần áo bảnh bao, thắt nơ, mang bí-tất trắng, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn tôi. Tôi không dám nhìn ai. Chỉ nhìn bâng quơ ra đường hay nhìn xuống đôi dép nhật màu trắng nay đã ngã sang màu cháo lòng, mòn gót, có cọng kẽm xỏ ngang để giữ vì bị đứt. Đôi dép to lớn hơn bàn chân đen đúa, mốc cời tới 2 phân.
 Chỗ tôi ngồi không có ai chung quanh nên tôi thấy bớt lúng túng. Tôi ngồi như thế cũng lâu lắm và không biết cậu Út kêu tôi lên làm gì. Mọi người vẫn ăn uống, nói cười... Tôi nghĩ tới đĩa rau muống luộc, tới mấy quả cà pháo bày trên cái giường gỗ mà phát thèm...Con chó hôm nào chạy đâu mất tiêu. Hay là nó đã xem tôi như ”người nhà” nên không sủa nữa ?
...Tiệc tàn, mọi người kéo nhau ra về. Chỉ còn lại đám con dì con cậu. Chúng nó bày trò chơi. Tôi vẫn dững dưng. Cũng giọng con nhỏ hôm nào:
- Ê, mày muốn chơi không mậy ?
Tôi thấy buồn nên gật đầu. Chúng bắt tôi phải làm trâu, làm ngựa cho chúng cỡi mới được chơi. 

Nhà giàu đặt ra nhiều luật lệ quá. Mặc kệ, ỷ sức mạnh tôi cõng chúng nó chạy vòng vòng quanh sân. Chúng nó reo hò khoái chí và thay phiên nhau leo lên lưng cho tôi cỡi. Chưa được chơi, nhưng trò chơi quái ác được kết thúc một cách đột ngột mà nay tôi vẫn còn nhớ rõ. Một đứa thấy áo tôi rách một lỗ sau lưng bèn đưa tay móc và xé toang. Trời ơi, chiếc áo tôi mặc đi học hằng ngày, gia tài của tôi ! 
 Tôi nắm cổ nó xô xuống đất. Cả đám ùa vào đánh tôi túi bụi. Tôi vùng dậy té ngồi đè lên mình một thằng. Bỗng tôi nghe sau lưng đau nhói. Tôi quay lại nhìn thấy một người cao lớn, đầu đội nón nĩ, tay cầm cây ba-tong đang chỉ vào mặt tôi:
- Cút ngay!
”Nội nội, ngoại ngoại nó đánh con !!!” ... những lời vu khống của những đứa bảnh bao con cậu con dì. Tôi lủi thủi bước ra khỏi sân nhà ngoại. Ngoại ơi, chắc khi xưa ngoại cũng nói thế khi từ và đuổi mẹ con ra khỏi nhà?

 Ngoại đánh con hay ngoại gián tiếp đánh bố mẹ con ? Chắc ngoại sẽ sung sướng lắm khi ngoại đánh con chăng ? Áo đã rách sờn vai, rách thêm một mảng nữa cũng đâu sao....
" Cha đời cái áo nhà mày. 

Mất chúng mất bạn vì mày áo ơi.."
 Dịp biết về biển và mộng mơ trở thành tay bơi lội tài ba của tôi cũng đến rất tình cờ. Cô giáo mới vừa đổi về dân gốc Vũng Tàu. Cô gieo vào đầu óc tôi những hình ảnh đẹp nhất thế gian: biển xanh, cát trắng, có hàng phi lao, có những ngọn sóng bạc đầu kéo nhau chạy xô vào bờ…
Bố mẹ tôi nghèo nên tôi chỉ biết ao ước, mơ mộng viễn vông đến nỗi nó thấm vào người tôi, kể cả trong giấc ngủ. Tôi lần mò làm quen với thằng Khải, hỏi cách bơi. Thằng này láu cá. Nó bắt tôi phải làm toán dùm cho nó suốt hơn 2 tuần mới chịu nhận làm đệ tử. Lần nào tôi hỏi nó, nó cứ nói ” Để coi !”. ” Để coi” hoài hủy tôi đâm nản. 

Nó chẳng cần gì đến tôi giúp toán vì nhà nó giàu nên có tiền đi học kèm. Tôi chuyển hướng sang con Tú. Con nhỏ này hung dữ hơn thằng Khải nên chỉ nhìn tôi bỉ thử, chẳng thèm trả lời. Tôi trở về xóm nghèo hỏi thăm sư phụ Cu Lỏi (bố mẹ tôi nghiêm cấm không cho tôi chơi với thằng này). Cu Lỏi nhà cũng nghèo như nhà tôi và chuyên hành nghề móc túi.
 Có lần tôi nghe kể là khi bị người ta rượt, bí lối, nó nhảy ùm xuống nước để bơi qua bên kia bờ. Sư phụ tận tình dạy tôi cách nín thở, quơ chân, quơ tay. Hể tay này vói tới thì chân kia cũng ”thọt” mạnh. Tôi ”thọt” mạnh thật nên bố mẹ tôi cũng phải giật mình tỉnh giấc trong đêm khuya ! 
Có đứa khi nghe thằng Lỏi chỉ dạy cũng chỏ mồm vào bảo tôi bắt chuồn chuồn cho cắn rốn. Tôi đâu có ngu. Cho nó cắn rốn chỉ có nước đau té đ…chứ sướng ích gì ! 
Tôi vẫn thường xuyên ”thao dượt” trên chiếc giường gỗ và tự cho mình đã ”thi đậu” phần lý thuyết.
 Chỉ chờ có dịp thực hành. Biển vẫn xanh, cát vẫn trắng trong lòng thơ dại của tôi…
Một sự kiện to lớn xảy ra đã làm thay đổi cuốc sống hàng ngày của chúng tôi. Bố tôi được cấp học bổng và được đi học bên Mỹ với diện nhà nghèo hiếu học gì đó tôi chẳng còn nhớ. Trời, Mỹ xa lạ và to lớn quá …

 Sau ngày bố đi, tôi năn nỉ ỉ ôi mới được mẹ cho phép thử đi bán bánh ú thay cha tôi vào buổi chiều. Tôi bưng thúng bánh ú đi bán vòng vòng trong xóm, chẳng ma nào mua. 
Tôi bưng tới chỗ mấy đứa bạn học kèm, chẳng đứa nào hưởng ứng. Ai nói nắng chiều nhè nhẹ là người đó nói dóc hay chỉ có trong lời thơ ý nhạc.
 Nắng chiều, nắng trưa, nắng sớm với tôi vẫn chỉ là hung thần làm bánh tôi mau thiêu, làm mẹ con tôi ăn bánh ú trừ cơm.
Tôi vẫn chưa biết bơi.
Dịp để thực hành bộ môn tôi sẽ đứng vào hàng số một trong tương lai cũng đã từ trên trời rớt xuống. Cậu Út (cũng cậu Út) cho người kêu tôi đi theo cậu ra nhà mát Vũng Tàu để thăm ngoại đang dưỡng bệnh và tắm biển.

 Tôi mừng quá, ba chân bốn cẳng, quên sập cửa nhà lại chạy ra chợ nói cho mẹ hay. Mẹ tôi cũng mừng, gửi gánh hàng cho mấy bà bên cạnh giữ. Hai mẹ con tất tả đi về nhà. Trên đường về, mẹ căn dặn tôi đủ điều. Nào là phải nhớ ngâm chân dưới nước cho ghẻ mau lành, dầu xanh, dầu gió…Tôi chỉ dạ dạ vâng vâng qua loa cho qua chuyện.
 Mẹ vội vàng bới cho tôi một ngăn ”gào mên” cơm, vét hết mấy con tép kho còn lại nằm trong xoong, ba bốn củ sắn, mở tủ lấy cho tôi cái quần ”xà lỏn” bông hoa đỏ chói, dúi vào giỏ xách đi chợ của mẹ.
 Tôi thưa mẹ rồi vội vã đi lên ngoại. Vừa bước vào, tôi đã thấy cậu Út ( lúc này tôi mới biết mặt, rất giống mẹ tôi, chỉ chừng mới 17, 18 tuổi gì đó). 
Cậu đang đứng trước sân. Chiếc xe ”Trắc Xông” đang nổ máy. Người tài xế đang lúi cúi làm gì phía đầu xe tôi không rõ. Cậu chỉ chiếc xe và bảo tôi lên. Trời ơi, hồi nào tới giờ tôi có đi xe hơi lần nào đâu.
 Tôi leo lên xe như một cái máy. Trên xe có 3 đứa con cậu con dì ngồi sẵn. 
Chúng nó vì thi cử nên phải ra Vũng Tàu sau. Mấy đứa kia đã ra trước từ tối hôm qua. Tụi nó không vì thi cử chắc đến Tết Ma Rốc tôi mới được đi Vũng Tàu! Chúng nó lên trước nên giành chỗ sát bên cửa kính. 
Tôi ngồi giữa, bên cạnh một con nhỏ và một thằng mặt mày sáng sủa đeo kính cận. Cậu Út ngồi phía trước. Xe chạy một hồi tôi thấy chóng mặt khó chịu, nhưng phải cắn răng chịu đựng vì chắc gì sẽ có lần thứ hai.
 Mấy đứa ngồi trong xe cứ lom lom nhìn giỏ xách đi chợ của tôi rồi nói một tràng tiếng Tây tiếng u gì đó rồi cười. Tôi đoán biết chúng nó cười gì rồi mà. Tôi nghèo nhưng đâu có ngu đần độn như chúng tưởng. Mặc kệ chúng. Tôi đưa chân kẹp sát giỏ xách lại…
Cậu Út quay mặt trừng chúng nó. Chúng nó im, nhưng rồi chứng nào tật nấy chúng nói với nhau ”cưng chòi nó ghe lẩy” bằng thứ tiếng mà tôi đứng vào hàng số một. Tiếng lái. Dĩ nhiên tôi có ghẻ, nhưng ghẻ của tôi thuộc vào ghẻ hạng sang nên đâu thèm qua ở đợ chúng nó bao giờ. 
Tôi cắn răng chịu đựng, mắt cố nhìn cảnh vật chung quanh để nuốt cái lạ mắt hai bên đường.
 Bọn trẻ đi ra Cấp thường quá nên chúng rành rỏi đến nỗi tôi phải phục. Chúng biết chỗ này bán thứ này, chỗ kia có thứ nọ, sắp sữa lên dốc, quẹo trái quẹo phải. Tôi mù mù mờ mờ, teo ruột mỗi khi xe đỗ dốc. Xe dừng lại ở Long Thành cho các cô, các cậu ăn hàng. Tôi vẫn ngồi yên trên xe.
 Cậu Út ngoắc tay bảo tôi xuống. Tôi lẽo đẽo theo sau. Chôm chôm, sầu riêng nhiều quá cở. Mấy cô mấy cậu kéo nhau đi hết chỗ này đến chỗ nọ, miếng liếng thoắng.
 Tôi vẫn lẽo đẽo theo sau. Đến trước chỗ người ta treo lủng lẳng nào nem, nào bánh, con nhỏ ngồi cạnh tôi khi nảy chỉ vào xâu bánh ú nói bằng giọng Bắc Kỳ nhão nhẹt: ”Ăn thứ này vào chỉ có ngu!”. Trời ơi, nó đã đâm trúng tim tôi bằng con dao lục nhách tẩm muối ớt ngàn năm.
 Không biết vì say xe hay hờn tủi tôi ngồi bẹp xuống đất, mặc cho chúng nó đi đâu thì đi…
 Lên xe, cậu Út đưa tôi một xâu chôm chôm. Tôi không ăn, chỉ cẩn thận bỏ vào giỏ xách…
Gần đến Vũng Tàu, tôi đã ngửi được mùi nồng nồng ngay ngáy của biển. Tôi bừng tỉnh, mắt nhìn quanh. Nhưng làm gì thấy biển. Xe chạy một hồi rồi đậu trước một căn biệt thự sang trọng, cũng có một chiếc xe hơi giống hệt chiếc xe tôi đã đi đâu trước cổng .
 Đám con cậu con dì chen nhau chạy vào nhà. Những đứa đến từ hôm trước cũng chạy ra. 
Chúng tíu tít trò chuyện. Tôi, con quạ đen xấu số đứng sớ rớ nhìn đàn công họp bạn. Cậu Út cũng bỏ đi vào nhà mất tiêu. Tôi lặng lẻ tới ngồi trên ghế đá ở góc sân chờ đợi. Một lúc sau, đám con nhà cậu nhà dì kéo nhau ra xe.
Chúng mang theo đủ thứ. Chúng tôi đi tắm biển. Tôi biết sẽ được gặp biển và được thực hành môn bơi lội. Hết đứa này đến đứa nọ leo lên cả 2 xe. 
Tôi bước đến sau nên không còn chỗ. Lúc này thiên thần Cậu Út của tôi xuất hiện. 
Cậu đến bên tôi bảo: ”Mày ở nhà !”. Thiên thần không có quyền năng nên thiên thần gãy cánh, nên thiên thần chỉ biết tuân theo lời của ông ngoại.
 Tôi rảo bước tới ngồi lại trên ghế đá, mặt buồn so nhìn lên cây đu đủ đực chẳng có hoa có trái chán phèo…
…- Tao chở mày đi tắm biển. Mày đừng nói cho ai biết nha.
- Dạ.
Tôi mừng khấp khởi và tức cười cho cậu. Tôi biết ai mà mét. Tôi hỏi nhỏ:
- Con đem theo giỏ xách được không cậu ?
- Đừng, mày có đồ tắm không ?
- Dạ có.
Tôi rút cái quần xà lỏn màu mè trong gỏ xách ra đi theo cậu. Bụng tôi đói meo nhưng không dám nói. 

Cậu đẩy chiếc xe ”mô by lét” ra khỏi nhà thật xa rồi đạp xe bảo tôi leo lên. Cậu chạy lòng vòng. Mắt tôi hoa lên. Trước mặt tôi là biển xanh ngát. Biển ơi giờ mới thấy, mới biết. Người đông nghẹt. Cậu không đi gửi xe mà lấy cái cái vòng khóa xỏ quần áo của cậu và của tôi vào rồi khóa lại, dính vô chiếc xe.
 Tôi định thay quần thì cậu đổi ý bảo tôi tắm ở truồng vì sợ người nhà thấy quần tôi ướt sinh nghi. Tôi chết điếng. Thây kệ. Ai biết tôi mà hổ thẹn. 
Cậu mở dây khóa và cho 2 cái quần tôi vào rồi khóa lại. Tôi chạy thật nhanh như gió xuống biển để nhờ biển che chở. Nước mát lạnh. 
Sóng nhẹ đánh làm tôi đứng không vững, nghiêng tới nghiêng lui.
 Tôi ôn lại bài học của Cu Lỏi. Nín hơi, nằm xuống, tay quơ, chân ”thọt” mạnh. 
Nước văng tung tóe, lủm bủm lỏm bỏm và chìm lĩm. Người chung quanh chắc không biết tôi bơi kiểu quái dị gì. Vừa ngóc đầu lên, tôi bị một ngọn sóng nhỏ ập tới. Tôi chới với, uống một ngụm nước mặn chát rát cả ngực. Cậu tôi vội chay tới kéo tôi lên …
Bỗng cậu nói hớt hải:
- Chết, mất xe rồi!
Tôi cuống quít. Cậu tôi cũng thế. Chiếc xe ”mô by lét” không cánh mà bay, đem theo quần áo của tôi luôn…
…Tôi đứng dưới nước thật lâu vì e ngại trần truồng. Nhưng rồi cũng phải lên để về nhà. 

Giấc mộng trở thành tay bơi nổi tiếng chết sớm. Hồn vía đâu mà nghĩ tới chuyện đó trong lúc này.
 Tôi chạy lửng tửng theo sau chân ”thiên thần” cậu Út không chút thẹn thùng qua bao nhiêu con đường, ngỏ nghách. 
Thiên thần mình trần trùng trục, chỉ có mỗi cái quần tắm đi trước. Lần này thiên thần không những chỉ bị gãy cánh …
Từ đó tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện bơi và vẫn chưa biết bơi …

                                                     QBD

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét