Trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 23 tháng 7, 2012

Những Ngày Xưa Ăn Uống ( 2)

Trên đường Nguyễn Tri Phương gần ngã sáu Chợ Lớn có khu bán nghêu nổi tiếng, từ nhà tôi thả bộ ra gần xịt. Thời đó những hàng bán nghêu, hột vịt lộn,
...Còn là những chiếc bàn chiếc ghế lỏng lẻo, lụp xụp, không “hoành tráng” như những nhà hàng bán đồ biển 4, 5 tầng, đèn “néon” sáng trưng như Quý Thành, Phượng Vỹ,… bây giờ.
Mỗi nơi bán nghêu chỉ có một vài cây đèn dầu leo lét, nhưng ngồi bên cạnh mấy bếp than hồng cảm thấy ấm áp vô cùng, ánh sáng mờ mờ ảo ảo ấy đâu thua gì ăn theo kiểu Tây “à la chandelle”!
Từng thau nghêu bằng nhôm nghi ngút khói vừa được đặt lên bàn là ta “a-lát-sô” tới tấp và xối xả.
Mở vỏ ra, múc thẳng vào chén nước mắm, đưa lên miệng chơi một cái “rột” ngon lành.
Con tì, con phế cũng sướng rêm cả lên.
Cứ thế mà làm liền tù tì, có khi đến 2 thau mà vẫn thòm thèm. Từ đó, cứ vài ngày vào mỗi khi màn đêm buông xuống là thằng bé len lén vòng cửa hậu, đi theo đường tắt bằng những con hẻm sau nhà để đến với những con nghêu mũm mĩm, căng phồng kèm theo màn phụ diễn 1, 2 hột vịt lộn với rau răm, muối tiêu đậm đà tình dân tộc, ngạt ngào hương vị quê hương.
Chắc là phải ngon hơn là chùm khế ngọt và rau đắng mọc sau hè !
Cũng tại khu bán nghêu, sò, ốc hến đó tôi đã lần đầu tiên mời “nàng” đi “dùng cơm tối” như trong “xi-la-ma”. Dành dụm được chút đỉnh, bèn đánh bạo ngỏ lời ong bướm mời “nàng” ra “seafood rstaurant” Nguyễn Tri Phương ăn tối “à la chandelle”. Ôi, lãng mạn và thơ mộng biết bao.
Thằng nhỏ hồi hộp dễ sợ khi canh nàng từ trường tiểu học Ngã Sáu đi bộ về đến đầu hẻm, để oai hùng nhảy ra ngỏ lời mời mọc. May phước, “nàng” nhận lời cái rụp.
Chắc cô nàng cũng thòm thèm cái món này lắm rồi đây. Hẳn nào gãi đúng chỗ ngứa nên nàng OK ngay tức thì.
Đó là một buổi tối không trăng, không sao, chỉ có ánh đèn dầu leo lét đáng nhớ trong thời kỳ oắt con của tôi. Ta “khai vị” bằng món hột vịt lộn.
Mỗi đứa 2 trứng là vừa, còn để dành bụng xực vài thau nghêu. Em lột trước, anh lột sau rất nhịp nhàng, khoan thai. Anh húp nước trước, em húp nước sau.
Con của em nho nhỏ xinh xinh.
Còn con của anh sao bự thế, lại lông lá xồm xoàm.
Nhưng kệ, chơi luôn. Vèo một cái “chàng” và “nàng” đã “đá” xong 2 trứng với nét mặt rất thơ thới, hân hoan.
Liên tiếp sau đó, 3 thau nghêu cũng không còn mạng nào thoát nạn. Nhìn mấy bàn bên cạnh thấy người ta gọi rượu nếp than uống kèm sao hấp dẫn quá. Có đào bên cạnh, làm oai gọi một xị cho ra vẻ với đời chăng.
Ngỏ ý này với “nàng”, “nàng” bèn ra chiều săn sóc “Trò không nên uống rượu.
Rượu có hại cho sức khỏe lắm. Cô giáo tui nói dzậy!”. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi được một người khuyên không nên uống rượu trong khi chưa hề nếm qua một ngụm rượu, hớp bia.
Tiếc rằng vài năm sau không còn có “nàng” bên cạnh mà đã ôm cầm theo chồng … Thú thật, chả biết tên đó là ai, nhưng cứ chửi rủa, làu bàu cho sướng miệng…
  Cũng trên đường Nguyễn Tôi Phương, không xa nơi bán nghêu. là mấy tiệm mì nổi tiếng.
Trong số có Hải Ký mì gia. Đến với những nơi này là tôi bắt đầu mon men đến với những món thuộc hàng khá cao cấp đối với tuổi lúc đó đã 14, 15t của mình. Nhưng bạn bè rủ rê, nên cũng đua đòi cho … rạng rỡ tiền nhân
Ngoài những tô mì, hoành thánh, xủi cảo ngon lành ăn kèm với đĩa đu đủ ngâm dấm, tôi còn thấy rất khoái khẩu với những con sò huyết nướng trên bếp than của mấy cái xe trước cửa tiệm mì. Anh Ba Tầu này nướng rất khéo, khiến cứ mạng sò nào mà vỏ vừa hé mở, sùi tí bọt mép là được lấy ra bỏ vào đĩa.
Anh nào ngoan cố ngậm miệng, chắc chắn anh đó đã trở thành liệt sĩ.
Tiếc rẻ mà cố gắng nậy vỏ ra, bảo đảm sẽ thấy thối hoắc.
Cũng cách nhà tôi trên đường Da Bà Bầu không xa là nhà thờ Bắc Hà trên đường Lý thái Tổ.
Nếu len lỏi đi tắt bằng những con hẻm thì chỉ 5 ' là tới. 

Đó là nhà thờ tôi vẫn theo bà nội đi lễ sáng Chúa Nhật.
Luôn luôn siêng năng, luôn luôn dậy sớm để sửa soạn đi lễ một cách tươm tất. Bà nội hể hả khen ngợi là thằng bé ngoan đạo hết sức.
Chắc chắn sau này sẽ được vào nước Thiên Đàng muôn đời vinh hiển vô cùng, A men. Nhưng chả lẽ những lúc đó lại nói thật là mình mê ăn phở Tầu Bay hơn hẳn đi lễ thì chỉ có chết đòn. Do đó bà không bao giờ biết ý đồ hắc ám, bị ma quỉ cám dỗ của tôi. Y như rằng đã trở thành thông lệ Cứ sau giờ lễ là bà cháu dắt díu nhau vào tiệm phở Tầu Bay chỉ cách nhà thờ vài bướcTôi không bao giờ ăn phở với thịt tái. Thời đó chỉ khoái ăn thịt chín nạc và nhất là thịt bó giò của Tầu Bay.Món giò bây giờ đã thất truyền hoặc là các chủ tiệm phở sợ tốn nhiều công để bó giò nên chả thấy nơi đâu còn.
Ngay chủ phở Tầu Bay Lý Thái Tổ  tên Thế ở Santa Ana là con nuôi bà cụ chủ Tầu Bay chính hiệu, mới qua đời cách đây vài năm, cũng không mấy thiết tha với những bó giò.
Có một dạo ông ấy làm, nhưng chỉ được một thời gian rất ngắn cũng lờ đi luôn. Thế là thế nào hở Thế?Cách phở Tầu Bay một con hẻm, rộng chỉ chừng 2 thước là một sạp bán bánh cuốn nhân thịt không tên, rất nổi tiếng.
Bánh được tráng ngay tại chỗ, mỏng, mềm mại và nóng hổi.
Nhân thịt thái hạt lựu thơm ngon trộn với đầy đủ mộc nhĩ, hành, tiêu nên dậy mùi ác liệt.
Phía trên những chiếc bánh trắng ngần, thấy rõ nhân ở bên trong, là hành phi và ruốc chà bông.
Bạn cứ tưởng tượng chấm với nước mắm cà cuống, điểm ớt, vắt thêm tí chanh thì sẽ ngon đến cỡ nào.
Một thời gian sau. tôi đề nghị bà nội dẫn qua tiệm phở cũng gần Tầu Bay là Đông Mỹ.
Bà có vẻ ngạc nhiên, hỏi lý do vì biết tôi nhất định sống chết với Tầu Bay, sao bây giờ lại đổi ý. Ông cháu đích tôn trả lời ngay là vì muốn đổi khẩu vị.
Thật tình tôi vẫn khoái Tầu Bay, chẳng muốn đổi khẩu vị gì hết ráoChỉ vì khám phá ra là bà chủ Đông Mỹ có 2 cô con gái đẹp quá mạng. Một cô tên Hiền, một cô tên Hậu.
Nghe tên không cũng đủ thấy hay, huống gì còn được thấy mặt nữa thì hạnh phúc biết là chừng nào.Thế là ngay từ Chủ Nhật tuần sau, tôi không đi Tầu Bay nữa, cũng chẳng đi Tầu Thuỷ cũng ngay đó làm chi
. Mà trực chỉ đến thẳng mục tiêu chính là Đông Mỹ.
Thấy cô Hiền cô Hậu thập thò ở cửa rèm như “đầu lòng hai ả tố nga, cô Hiền là chị, Hậu là cô em”? đã đủ thấy phê, cần gì ăn uống.
Nạm, gầu, gân và sụn, mỡ nổi, mỡ tật gì cũng chẳng thiết. Từ đó có thêm một nhận định rằng, tiệm đó hoặc món đó chưa chắc đã ngon. Nhưng ta đi tới, đi lui hoài nên cũng thấy ngon miệng lạ thường. Thật ra chỉ vì có người đẹp thấp thoáng vào ra, khiến ta về thơ thẩn nên cũng đi ra, đi vào dù kết quả cũng chẳng được sơ múi gì.
Cô Hiền mấy năm sau đó dĩ nhiên là đi lấy chồng. Còn cô Hậu cũng nối gót chị để lấy một anh Ấn Độ!Chắc rằng quá ngán ăn phở nên cô chọn món cà-ri để thay đổi khẩu vị chăng.
Hiện cô ở Paris và thỉnh thoáng cũng gọi điện thoại sang thăm hỏi, chuyện vãn lăng nhăng.
Chẳng biết làn da cô còn trắng trẻo như miếng lá sách bò và đôi má cô có còn mũm mĩm, hây hây như miếng mỡ gầu chăng. Chỉ muốn cắn một phát.
  Có lẽ thấy cậu quí tử bắt đầu khá lớn mặc dù vẫn luôn lùn tịt, bố tôi thường dẫn đi ăn uống nơi các nhà hàng để khoe ông con trai 15, 16 tuổi với cặp kính cận thời đó đã dầy như bottom chai Coca Cola.
Với tuổi này, ngồi ăn chung với người lớn chán thấy bà. Dù có vào Đồng Khánh, Bát Đạt, La Cigale, Chez Albert, … chăng nữa với đú món sơn hào hải vị cả Tây lẫn Tầu.
Nhưng thú thật chưa thấy ngon lành như khi tự mình đi khám phá sau này.
Nhưng tôi không sao quên được những lần một mình đi với bố đến những tiệm cơm tây thuộc loại nhàng nhàng như Mékong hoặc Chí Tài trên Chợ Cũ.
Đó là những dịp để ông hướng dẫn tôi một cách căn bản để ăn uống, sử dụng dao nĩa như Tây mà trong trường các vị thầy dòng đã từng chỉ vẽ.
Tay không được chống lên bàn, dao chỉ cắt một chiều vào phía trong, không được cưa đi cưa lại như “kéo cưa lừa xẻ”.
Thịt gà phải cắt làm sao, lấy tay ngoạm không phải là người lịch sự, Từ những tiệm cơm tây kinh tế, tôi đâm ra rất khoái món “crème de volaille” và vài món khác như lưỡi bò xốt vang, gan gà chiên bơ tỏi vv… để sau này tới tiệm nào cũng gọi những món này mà xử. Ông bố cũng là người ghiền phở như ông con, nên thường đưa đi ăn.
Nhưng ông lại khoái ăn phở An Lợi nằm ở góc đường Nguyễn Kim và Trần Hoàng Quân, một địch thủ của tiệm phở do gia đình ca sĩ Giao Linh trấn thủ gần đó. Mùi vị của An Lợi phảng phất chút Ba Tầu nên tôi không khoái cho lắm.
Nhưng những lần đi với bố, tôi đã bắt đầu biết ăn ớt theo cách của ông.
Gắp mấy miếng ớt tùy liệu theo độ cay, bỏ vào muỗng sau đó nhúng vào tô phở, dầm ra nhè nhẹ rồi vớt ra ngoài. Theo kiểu này, “đô” ăn cay của tôi tăng dần 
Đến bây giờ không thể thiếu một trái ớt hiểm kèm theo tô phở. Ông cũng chỉ tôi không nên vắt chanh vào tô phở nóng hổi khi vừa bưng ra
Như vậy sẽ khiến nước lèo có vị đắng do sức nóng.
    Hai bố con giống nhau ở chỗ cương quyết không bao giờ bỏ tương đen hay tương ớt đỏ vào tô phở, sẽ hỏng cả vị nước lèo. Giá sống cũng cương quyết chối từ vì nước phở sẽ có phần bị nhạt nhẽo.
Tôi cũng chỉ mới biết ăn phở kèm theo với rau thơm như húng quế, ngò gai, ngò rí kể từ khi đó.
Cha truyền con nối, đến bây giờ tôi vẫn theo như vậy để “xử” những tô phở, đối với tôi chẳng còn tìm thấy mùi vị của những ngày xưa.
Dù là những tiệm khách hàng nối đuôi nhau ra vào nườm nượp. “Cái phở ngày nay đã hỏng rồi” chăng?
    Đến khi đến tuổi 17, tuy vẫn tiếp tục học ở Taberd, nhưng cũng là lúc bắt đầu bước chân vào “trường đời” với nghề viết lách. Khởi đầu vào năm 1963 tới tuần báo Kịch Ảnh.
Từ đó trở đi “năng khiếu” ăn uống  của tôi có mòi phát triển mạnh mẽ với những “khám phá” ly kỳ và lý thú những nơi ăn uống nhậu nhẹt ở Sài Gòn trong thập niên 60 cho đến khi xẩy ra biến cố tháng 4 / 75.
Đây được coi như thời kỳ cực thịnh của nền ăn uống ở thủ đô miền Nam.
Những người cùng lớp tuổi tôi vào thời đó hẳn còn nhớ rõ những con đường, những ngõ ngách thân thuộc với những hàng ăn quán nhậu một thời lừng lẫy với biết bao kỷ niệm khó quên.
    Khoảng thời gian đó, tôi sẽ có dịp nhắc lại trong một bài khác với những điều còn sót lại trong trí nhớ… 

Trường Kỳ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét