Trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 23 tháng 7, 2012

Những Ngày Xưa Ăn Uống

Xin mượn tựa đề ca khúc “Những Ngày Xưa Thân Ái”, rất nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ với sự thay đổi hai chữ sau cùng cho hợp tình hợp cảnh với ngày Xuân, ngày Tết. Xuân về, Tết đến mà tán  về chuyện ăn uống quả thích hợp không chê vào đâu được.
Nhất là chuyện ăn uống ngày xưa.
    Có thể nói ai cũng có những kỷ niệm về một số món ăn liên quan đến những khoảng thời gian khác nhau. Nhưng đáng nhớ hơn cả, chắc chắn phải là thời kỳ nhi đồng nhóc tì.
    Rồi qua đến lứa tuổi choai choai, có đào có kép. Chắc bạn đã từng nhiều lần lên tiếng, chẳng hạn như:“Bánh mì ở đây (có nghĩa là ở Tây, ở Mỹ, ở Canada,...) dỡ bỏ xừ! Thua xa bánh mì Lý Toét hay Ba Lẹ, Sáu Voi ngày xưa!”. Hoặc “tô phở gà này không bằng một góc tô phở Gà Sống Thiến hay Hiền Vương hồi đó”.
    Với bạn và tôi, hình như món nào thuộc về hồi đó, luôn ngon hơn bây giờ.
Ôi, những ngày xưa ăn uống sao nó ngon quá sức, dù một tô hủ tíu chỉ có mấy lát thịt mỏng lét, một đĩa gỏi khô bò bằng nhôm móp méo, loe hoe vài lát thịt. Vậy mà lùa vào miệng đến đâu, sướng củ tỉ đến đó.
    Ngẫm nghĩ lại, một phần khi nhớ về những món ngày xưa luôn thấy ngon hơn so với cùng những món ấy bây giờ, vì nó ngon thật. Nếu có dịp được thưởng thức những món y hệt như vậy, với cùng cách chế biến, cùng những thứ gia vị như ngày nào, chắc sẽ sướng quên chết.
  Phần khác có người lại cho rằng nếu được ăn lại cũng những món đó chưa chắc ta đã cảm thấy ngon lành gì như vẫn tưởng tượng trong đầu.
 Khung cảnh thay đổi, hoàn cảnh đổi thay, người ngợm chung quanh cũng khác hẳn, Xét ra thấy bên nào cũng ..có lý.
Từ đó suy ra, bèn nhận thấy khi nhớ về hương vị những món ăn của những ngày xưa, dù là những món dân giã rất tầm thường, ta luôn thấy ngon lành vì ít nhiều có dính líu tới những kỷ niệm của một thời nào đó trong quá khứ.
Đó là những kỷ niệm đích thực của những ngày xưa thân ái, với bạn bè, gia đình hay với đào với kép. Hoặc là lần nào được ăn một món ngon (hoặc không ngon) đầu tiên trong đời, mùi vị của nó chắc chắn sẽ ghi lại nơi ta một cách sâu đậm.
  Chẳng khác gì mối tình đầu của một anh, một chị mới biết yêu đương, mùi mẫn. Cũng may mối tình đầu của anh chị nào cũng đẹp, dù cho nhan sắc hay ngoại hình của đôi bên dưới mắt thiên hạ cũng còn… tùy người đối diện. Ăn lần đầu tiên, món ăn ngon ta sẽ nhớ hoài
. Món nào khiến ta khó chịu vì một vài gia vị hay phụ tùng nào đó sẽ khiến ta chạy bét những lần sau. Lần đầu tiên khi còn bé xíu, người nhà bỏ hành lá vào một món ăn, khiến tôi nhăn mặt, nhíu mày nôn ọe tùm lum.
Từ đó trở đi, cứ như thấy món nào có hành lá rắc lên là xin lỗi, không có em!
Đi ăn phở, cháo, miến, bún, vv...nhất định phải dặn cho kỹ lưỡng đừng có bỏ hành.
Người bán lỡ quá tay bỏ vào, rồi dù có vớt ra hết chăng nữa thì đối với tôi, cái mùi kinh sợ ấy vẫn làm cho lợm giọng. Mãi chỉ đến khi lớn hơn mới tập ăn hành cho giống người ta.
Các cụ hồi xưa đã phán “Thịt không hành, canh không mắm” thì chỉ có nước vất đi nên ta phải noi theo gương tiền nhân
. Tôi quen dần với mùi hành để sau đó ăn hành như chớp. Nguyên cả cọng hành sống chấm với “mù-tạt” cũng chơi tuốt, rất nhiệt tình.
    Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ đậm nét mùi vị một tô bún riêu của một bà gánh rong trước cửa nhà thờ Huyện Sĩ vào giữa thập niên 50, khi mới di cư vào Sài Gòn.
Mỗi sáng Chúa Nhật tôi rất siêng năng dậy sớm, lẽo đẽo theo chân bà nội đi lễ.
Chẳng phải ngoan đạo hay sắp sửa được “ơn kêu gọi” chi hết. Mà chỉ mong cho sớm tan lễ để bà nội cho ăn một tô bún riêu. Vừa ra khỏi cổng nhà thờ là ngồi bệt ngay xuống chiếc ghế thấp tè bên gánh bún riêu, xì xụp làm ngay một tô.
Khỏi cần bỏ thêm rau muống chẻ với kinh giới, tía tô hay ớt bằm. Vì thuở còn nhóc tì, tôi không mấy gì hợp với rau sống, rau thơm cũng như ớt
. Và dứt khoát là không có hành lá. Bún là bún tươi, trắng tinh có mùi chua chua mà có duyên hết sức. Ngoài ra, trong nước lèo chỉ trần sì có cà chua và tôm khô, thoang thoảng tí mùi mắm tôm. Cần vắt thêm tí chanh cho dậy thêm mùi.
Ấy vậy, làm xong một tô vẫn còn thòm thèm. Nhất là lâu lâu nhá được một con tôm khô thì khoái chí vô song.
      Những năm tháng sau đó, tô bún riêu đơn sơ và tầm thường theo kiểu quà nhà nghèo ngày nào của tôi đã được cải tiến, chế biến, thêm thắt loạn xà ngầu.
Nào là sườn non, nào là tiết heo, nào là đậu hũ,... trông ngon lành hết sức.
Nhưng quái lạ thay, ăn chẳng thấy ngon lành bằng tô bún riêu trước cửa nhà thờ Huyện Sĩ của một người đàn bà bán hàng vô danh, chẳng hề có “thương hiệu” lôi thôi.
Bà nội tôi là người đã đưa tôi đến với những món ăn đầu đời từ khi còn bé tí khoảng 5, 6 tuổi ở Hà Nội cho đến khi trưởng thành với những bữa cơm gia đình tại Sài Gòn.
  Khó mà quên được mùi vị của những miếng giò lụa, chả quế hay chả cốm bà tôi gần như chiều nào, sau khi tan chầu ở Nhà Thờ Lớn Hà Nội cũng mua về cho thằng cháu cưng, lúc đó ở trên phố Nhà Chung
. Tuy còn bé , nhưng mùi thơm của những miếng giò, miếng chả đó luôn thoang thoảng bên tôi, để bây giờ vẫn khăng khăng cho rằng không nơi nào ở Sài Gòn, Hà Nội hay hải ngoại địch lại. Thật sự như vậy, hay chỉ là một vấn đề tâm lý đối với những món đầu đời.
Tôi cũng đã biết ăn thịt chó từ bấy giờ. Thỉnh thoảng vào buổi chiều có tiếng rao “Chó đây!” của một ông gánh thịt cầy tơ bán rong, bà tôi lại với ra cửa sổ gọi lớn “Chó! Chó!” là y như rằng cả gia đình có dịp hạ cờ tây
. Lúc đó ngồi ăn ké, chỉ nhận ra là mùi rất thơm, ăn rất ngon, nhưng chưa biết phân tách ra sao. Nhất là còn e ngại trước những củ riềng, trái ớt, rau thơm và chén mắm tôm xủi bọt.
      Trong bữa cơm gia đình thời đó, ngoài tài làm món thịt kho tầu, tôm rang và món nộm rau muống và hoa chuối bất hủ của bà tôi là những món đậu phụ om cà chua và đậu phụ xốp, rỗng ruột chiên dòn chấm tương cùng món nhộng rang điểm những lát lá chanh thái nhỏ.
Lại còn có món gan heo xào hành tây, ốc giả ba ba, vv...Tất cả đối với tôi là vô địch.
Lúc đó mới lên 6, lên 7, nhưng đến bây giờ, những món ăn gia đình như vậy vẫn hiện ra rõ mồn một trong cái đầu óc của một anh già trên 60 như tôi hiện nay.
    Sau này vào trong Nam, đến tuổi lớn khôn, khẩu vị của tôi càng nhận ra được những nét tinh tế trong tài nấu nướng của bà nội với những bữa cơm gia đình hàng ngày.
Đặc biệt bà chỉ làm vì đứa cháu cưng của bà nên tôi thường được xơi những món như chả cua bể (tức chả giò bây giờ), thịt đông, thịt bò xào khoai tây, rạm rang, giả cầy, ốc nhồi lá gừng, cá rô chiên dòn, 
..Đó là không kể những món canh đặc biệt Bắc Kỳ như canh rau đay, rau mồng tơi nấu với riêu cua hoặc đôi khi với tôm khô hay trứng cáy, canh cải cúc cá rô, canh rau ngót giò sống, canh riêu cá nấu ngót với thì là, canh thuôn thịt bò rau răm với cà chua,    Bây giờ sao tìm lại được những mùi vị như thế.
Lá mồng tơi nay trở nên to lớn lạ thường, rau đay chỉ có thứ đông lạnh,
… Còn riêu cua, chả còn ai rỗi hơi để ngồi giã như bà tôi, hì hục ngồi giã mớ cua trong cái nón sắt nhà binh ngày nào. Chơi riêu đóng keo, đóng hộp nồng mùi dầu đỡ ghiền cho xong.
    Những năm cuối bậc tiểu học ở trường Taberd, tôi đã “phải lòng” anh Tầu bán bò viên trong cái hẻm nhỏ cạnh trường, ngay trên đường Nguyễn Du.
Thời đó, vào những năm 58, 59, đã gọi là bò viên thì chỉ có trần xì bò viên
- Viên thịt hoặc viên gân - và nước lèo mà thôi. Không có tim, gan, phèo phổi, lá sách, bao tử hay lá lách, tổ ong chi hết trọi.
Cái món bún hay hủ tíu bò viên thời kỳ này chưa xuất hiện.
Một chén với những bò viên gân sần sùi bốc khói, rắc thêm chút cải bắc thảo, nhỏ vài giọt dầu mè, rồi chấm với tương đen, tương ớt đỏ thì không có thứ sơn hào hải vị nào sánh bằng. Sáng nào rủng rỉnh có tiền, làm luôn một lèo 2 chén cho chắc dạ.
    Cũng trong thời kỳ này, ăn sáng với những ổ bánh mì “pâté”, xúc xích hay “jambon” ở 2 “ki-ốt” bán bánh mì Bưu Điện và Hương Lan, nằm hai bên nhà Bưu Điện đối với những anh nhóc tiểu học như tôi đã là sang như...Tây.
Cái mùi thơm phức của bánh mì nhồi thịt nguội, kèm chút “mayonnaise” và “Maggi” sao ngon khó tả. Là con nhà có đạo, thứ sáu phải kiêng thịt là cái chắc.
Do đó bắt buộc phải tìm đến “ki-ốt” Hương Lan làm một ổ bánh mì tôm với “mayonnaise” thơm lừng.Nhiều khi chỉ muốn tỏ ra có tinh thần ngoan đạo triệt để, hầu dốc lòng ăn chay, kiêng thịt không ngoài mục đích được chơi một ổ bánh mì với những con tôm nõn nường, một lớp “mayonnaise” ngà ngọc, dưới đệm một lá sà lách Đà Lạt xanh mướt, mát rượi.   Lạy Chúa tôi, điệu này chắc con phải tình nguyện kiêng thịt kinh niên, hãm mình để khỏi sa chước cám dỗ của những chén bò viên nơi anh Ba Tầu tên A Mìn trong hẻm!
Những năm đầu sau khi di cư vào Sài Gòn, vì chưa ổn định nên gia đình tôi dọn nhà liên miên, mỗi nơi ở vài tháng, nhiều lắm là hơn một năm.
Thọat đầu ở trọ nhà bà bác trên đường Đoàn Thị Điểm. Không lâu sau đó dời qua Cống Quỳnh. Chưa kịp biết mùi vị những “đặc sản” của khu phố mình ở thì chú nhóc 8, 9 tuổi là tôi hồi đó lại lếch thếch theo cả nhà dời đô về đường Cao Thắng, đối diện rạp Việt Long.
Có nhớ chăng là những món quà bình dân, tầm thường như xôi bắp rắc đậu xanh, hành phi hoặc cái bánh khúc cà cuống, xôi gấc hay khúc bánh mì nhét thịt ba rọi với lớp da heo nhuộm đỏ, nhét đồ chua.Sang hơn chút xíu là gói xôi lạp xưởng với tôm khô, có rắc chút đậu phộng ở trên.
Một, hai tuần mới được “bonus” một tô phở 5 đồng nơi hàng phở đầu hẻm.
Cao cấp hơn một bậc là có lần được một ông chú thường đến nhà ve vãn bà cô tôi, bao đi ăn phở Nghi Xuân để mua chuộc ông cháu oắt con.
Phở Nghi Xuân nằm ngay trên đường Cao Thắng đối diện với tiệm chụp hình Viễn Kính, góc Phan Đình Phùng có món phở áp chảo đối với tôi thời đó là “độc cô cầu bại”.
Nhất là món phở áp cháo dòn với bánh phở dòn nhưng không cứng, nước “sốt” với vị ngọt và mặn hài hòa rất hợp ông thần khẩu. Lại còn thịt bò cà chua, cần tây, hành tây, tiêu, … thì đâu có thua gì một bài đại hợp xướng với đủ thứ nhạc khí hoà lẫn với nhau.
Ông “nhạc trưởng” nấu nướng của Nghi Xuân quá là một tay cự phách. Nhớ về những năm tháng đầu tiên ở Sài Gòn đó thật cảm thấy lòng xao xuyến với những gì mới được ăn trong lứa tuổi nhi đồng.Nhưng dù sao, hương vi của những món quà thờỉ thơ ấu đó vẫn là những kỷ niệm đẹp trong cái thú ăn uống của tôi sau này. 
 Khi gia đình tôí dọn về con đường có cái tên quái đản là Da Bà Bầu (sau đó đổi thành Nhật Tảo), thẳng góc với Nguyễn Tri Phương và song song với những Bà Hạt, Vĩnh Viễn, Hòa Hảo, . vào cuối thập niên 50, lúc tôi mới theo học bậc trung học, cũng ở Taberd, thì đã thuộc vào lớp tuổi thiếu nhi 13, 14.tLúc đó đã biết yêu trộm nhớ thầm một cô hàng xóm, là một ca sĩ nhí của lò “anh hai” Nguyễn Đức, trước cả thời những ca sĩ họ Phương và những Hoàng Oanh, Thanh Lan, .
..Sau đó. Và năng khiếu  của tôi bắt đầu có cơ hội phát triển với những “đặc sản” quanh vùng, nhiều vô số kể Gần nhà nhất là bà Tư bán khô mực, hột vịt lộn. Sau giờ đi học về, tôi chỉ ngong ngóng chờ bà Tư dọn hàng để lẻn ra quất một miếng khô mực hoặc khô cá thiều, cá đuối.
    Bà ấy không thuộc loại “tân tiến” để có máy xay khô mực như mấy anh Tầu.
Chỉ hoàn toàn thủ công với những nhát búa đập liên hồi lên con khô cho đến khi nào tơi sớ ra là xong. Cô hàng xóm có bắt gặp cũng chẳng có chi phải xấu hổ.
Đấng nam nhi nhậu nhẹt chút có sao. Nói cho oai, thật sự chỉ nhâm nhi mồi với ly đậu đỏ bánh lọc hay ly mãng cầu xiêm với đá bào được xịt vào mấy giọt “si-rô” đỏ lòm của dì Mười bên cạnh
. Vậy mà cũng “bắt” ra phết khỉ nhìn mấy đấng trượng phu khác nốc rượu đế hay la ve Larue “Con Cọp” mà ngưỡng mộ quá sức.
Lại còn phì phèo điếu thuốc “Mélia” hay “Cotab” mới thật hách xì xằng
. Có vẻ giang hồ lãng tử cóc chịu được. Đầu óc thằng nhỏ bắt đầu đã tưởng tượng, vẽ vời ra cái dáng dấp và phong cách oai hùng đó sau này...
Cạnh đó là ông tầu già bán hủ tíu, mì, hoành thánh. Một tuần ít ra tôi cũng xà vào cái xe có vẽ những cảnh được tả trong truyện “Tề Thiên Đại Thánh” mà tôi đang mê man đọc ít ra một lần. Hương vị ngào ngạt của tô hủ tíu Ba Tầu ấy đến bây giờ như vẫn còn phảng phất nơi khứu giác tôi, làm cho vị giác nhột nhạt phát chảy nước miếng, cứ phải nuốt ừng ực.
Sau khi nhúng bánh hủ tíu vào nước sôi rồi bỏ vào tô trong lúc còn bốc khói nghi ngút, ông ta ngắt một lá sà-lách, vài cọng lá hẹ bỏ lên trên
. Quen tay ông ấy tính rắc thêm chút hành, nhưng tôi đã xua tay loạn xạ. Đến lúc đó tôi vẫn còn dại dột chưa biết thường thức món hành lá.
Kế đó, ông ta bốc vài miếng xá xíu mỏng tanh trắng ngà có viền phẩm đỏ xếp lên mặt bánh
. Ngay sau đó là múc từ một cái liễn nhỏ ra một muỗm thịt bằm. Công đoạn cuối cùng đối với tôi mới thật là quan trọng. Đó là một thìa tóp mỡ với những miếng tóp mỡ vàng óng, béo ngậy. Thiếu cái món này thì không còn ra tô hủ tíu.
Chẳng có được bao nhiêu miếng tóp mỡ nên phái ăn dè, ăn xẻn, không dám phung phí
Cuối cùng, gom lại vài miếng để và một vốc hủ tíu chót vào miệng với tất cả những gì vụn vặt còn lại cho sướng. “Save the best for the last” là như vậy.
Cho đến bây giờ chủ trương ăn uống của tôi vẫn trước sau như một, đúng như tựa của một bài hát ngoại quốc nổi tiếng cách đây chừng mười năm là “Save The Best For The Last”!
    Trên đường Nguyễn Tri Phương gần ngã sáu Chợ Lớn có khu bán nghêu nổi tiếng, từ nhà tôi thả bộ ra gần xịt. 
Thời đó những hàng bán nghêu, hột vịt lộn,
...Còn là những chiếc bàn chiếc ghế lỏng lẻo, lụp xụp, không “hoành tráng” như những nhà hàng bán đồ biển 4, 5 tầng, đèn “néon” sáng trưng như Quý Thành, Phượng Vỹ,… bây giờ.
Mỗi nơi bán nghêu chỉ có một vài cây đèn dầu leo lét, nhưng ngồi bên cạnh mấy bếp than hồng cảm thấy ấm áp vô cùng, ánh sáng mờ mờ ảo ảo ấy đâu thua gì ăn theo kiểu Tây “à la chandelle”!
Từng thau nghêu bằng nhôm nghi ngút khói vừa được đặt lên bàn là ta “a-lát-sô” tới tấp và xối xả.
Mở vỏ ra, múc thẳng vào chén nước mắm, đưa lên miệng chơi một cái “rột” ngon lành.
Con tì, con phế cũng sướng rêm cả lên.
Cứ thế mà làm liền tù tì, có khi đến 2 thau mà vẫn thòm thèm. Từ đó, cứ vài ngày vào mỗi khi màn đêm buông xuống là thằng bé len lén vòng cửa hậu, đi theo đường tắt bằng những con hẻm sau nhà để đến với những con nghêu mũm mĩm, căng phồng kèm theo màn phụ diễn 1, 2 hột vịt lộn với rau răm, muối tiêu đậm đà tình dân tộc, ngạt ngào hương vị quê hương.
Chắc là phải ngon hơn là chùm khế ngọt và rau đắng mọc sau hè !




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét