Cách Mạng Pháp 1789 là ngọn cờ thúc đẩy tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái lan rộng ở Pháp rồi ra toàn thế giới trong suốt những năm tháng tiếp theo.
Một trong những người Pháp đi tiên phong trong trào lưu này là Édouard René Lefèvre de Laboulaye, một nhà chính trị kiêm nhà văn chuyên viết về lịch sử Mỹ.
Chính ông là người đề xuất ý tưởng tặng nước Mỹ một món quà để ca ngợi nền tự do. Ý tưởng của ông lập tức được chính phủ Pháp ủng hộ, và việc thiết kế mỹ thuật được giao cho nhà tạc tượng trứ danh Frédéric-Auguste Bartholdi.
Bartholdi đã thiết kế nên hình ảnh một phụ nữ khoẻ mạnh có nét đẹp kinh điển như những bức tượng Hy Lạp cổ đại với kích thước khổng lồ ở tư thế đứng thẳng, đầu đội vương miện với 7 tia hào quang toả ra tượng trưng cho 7 biển và lục địa trên trái đất, tay trái mang một phiến đá ghi dòng chữ "JULY IV MDCCLXXVI", tức là "Tháng Bẩy, Ngày 4 Năm 1776" (ngày độc lập của Mỹ), tay phải giương cao bó đuốc của tự do, thân mặc tấm áo choàng phủ kín tới chân.
Nhưng ngay lập tức Bartholdi phải đối mặt với 2 bài toán nan giải: • Làm thế nào để bức tượng khổng lồ có thể tháo rời ra từng bộ phận để chuyên chở sang Mỹ? •
Bức tượng sẽ được dựng trên Đảo Tự Do trong Cảng New York, vậy phải làm thế nào để nó chịu đựng được gió bão rất mạnh ngoài biển Đại Tây Dương?
Người thích hợp nhất có thể giúp Bartholdi giải 2 bài toán hóc búa đó không thể là ai khác Gustave Eiffel! Tượng Nữ Thần Tự Do trên Đảo Tự Do, Cảng New York, biểu tượng nổi tiếng của nước Mỹ
Vào thời gian này, tên tuổi Eiffel đã được nhiều người biết đến như một công trình sư tài ba từng xây dựng nên những công trình khổng lồ có kết cấu phức tạp và chắc chắn, vì thế ông được mời giúp Bartholdi xây dựng Tượng Nữ Thần tự Do.
Ngay lập tức Eiffel hưởng ứng và bắt tay vào việc. Trước hết, bài toán thứ nhất được giải bằng cách "cắt rời thân thể" Nữ Thần Tự Do ra làm 350 mảnh rồi chất lên chiếc thuyền buồm mang tên Isère để chở sang Mỹ. Tới Mỹ, nó được đưa lên một hòn đảo có tên là Đảo Tự Do (Liberty Island) ở cửa sông Hudson nhìn ra cảng New York (New York Harbour).
Để giải bài toán thứ hai, Eiffel xây dựng một hệ thống cốt sắt làm cốt lõi bên trong để lắp ghép 350 mảnh đồng, tạo nên một bức tượng cao 46m, nặng tổng cộng 204 tấn, đứng trên một bệ cao 45,7m (bệ do người Mỹ xây dựng). Riêng cánh tay giơ bó đuốc đã dài tới 12m, ngón trỏ dài 2,4m, cái đầu tính từ cằm tới vuơng miện cao 5m, riêng cái miệng rộng 1m.
Ngày nay du khách tới thăm bức tượng sẽ phải leo 354 bậc thang để lên tới vương miện. Bản thân vương miện là một "gian phòng" rộng với 25 cửa sổ, trông từ xa như 25 viên đá quý cài trên vương miện.
Tổng cộng bức tượng bao gồm 31 tấn đồng và 125 tấn thép. Các tấm đồng làm bề mặt bức tượng có chiều dày 2,37 mm, được ghép với nhau sao cho cách ly với khung thép bằng những tấm cách điện để tránh hiệu ứng pin kim loại làm rỉ chỗ ghép do hơi nước biển gây nên.
Mặc dù được hai tài năng xuất chúng là Bartholdi và Eiffel phối hợp thực hiện, dự án này vẫn không thể nào hoàn thành kịp thời hạn kỷ niệm 100 năm nước Mỹ độc lập (1876), mà phải đợi tới mười năm sau, tức 1886, Tượng Nữ Thần Tự Do mới được tổng thống Mỹ Groover Cleveland chính thức cắt băng khánh thành.
Trong bài báo "Gustave Eiffel: The Man Behind The Masterpiece" (Gustave Eiffel: Người đứng sau tác phẩm bậc thầy), ký giả Karen Plumley viết: "Eiffel dựng một khung thép để gắn các tấm kim loại vào đó, và đặt nhiều chùm thép thẳng đứng cắm sâu vào trong bệ đá granite của nền móng để giữ cho bức tượng khổng lồ đứng vững. Kết quả là có một bức tượng nhẹ hơn (so với tượng đặc) nhưng vẫn đảm bảo chắc chắn, có khả năng chịu đựng được một tải trọng khổng lồ và hàng loạt tác động khắc nghiệt khác.
Một lần nữa, Eiffel đã chứng minh khả năng của ông trong việc giải quyết những bài toán kỹ thuật phức tạp và khó khăn nhất, trong đó sử dụng những kỹ thuật mà trước đó không ai dám làm".
Bách khoa toàn thư Wikipedia cho rằng thiết kế kết cấu của Eiffel là điều kiện không thể thiếu để biến dự án Tượng Nữ Thần Tự Do khổng lồ thành hiện thực.
Kể từ 1886, kiệt tác văn hoá này nhanh chóng trở thành biểu tượng quốc gia của nền tự do ở Mỹ, đem lại niềm kiêu hãnh cho người Mỹ, trở thành một tâm điểm thu hút khách du lịch và di dân từ khắp thế giới đến Mỹ, thúc đẩy nền kinh tế ở đây phát triển mạnh mẽ chưa từng có.
Một số người Mỹ sống ở Pháp rất hài lòng với món quà mà người Pháp đã dành tặng cho đất nước họ, vì thế họ trả ơn người Pháp bằng cách xây dựng một phiên bản Tượng Nữ Thần Tự Do ở Pháp.
Phiên bản này cũng bằng đồng, cao 11m (khoảng ¼ bức tượng ở New York) đã được dựng lên tại hòn đảo Thiên Nga cách Tháp Eiffel khoảng 2km về phía bắc. Tại Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20, cũng từng xuất hiện một phiên bản Tượng Nữ Thần Tự Do với kích thước nhỏ cao 2,85m, dân gian gọi là "Tượng Bà Đầm Xoè", lúc đầu được triển lãm trong Hội Chợ Đấu Xảo Hànội (Cung văn hoá hữu nghị hiện nay), sau được chuyển về Vườn Hoa Chí Linh (vườn hoa trước cửa Ngân Hàng Trung Ương hiện nay), sau đó đã được đặt trên nóc Tháp Rùa, rồi lại chuyển về Vườn Hoa Cửa Nam, cuối cùng bị giật đổ ngày 01-08-1945 dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim, vì bị coi là biểu tượng của nhà nước thuộc địa Bước sang năm 1887, chưa kịp nghỉ ngơi nhấm nháp vinh quang do Tượng Nữ Thần tự Do mang lại, Eiffel đã gặp cảnh "hoạ vô đơn chí": Vợ ông mắc bệnh nặng và ra đi vĩnh viễn;
Nỗi đau chia tay người vợ yêu thương chưa kịp hồi phục thì một tai hoạ thứ hai giáng lên đầu ông, liên quan đến việc làm ăn với Công Ty Kênh Đào Panama của Pháp do Ferdinand de Lesseps lãnh đạo.
Theo hợp đồng ký kết với công ty Lesseps, Công ty Eiffel tiến hành thiết kế và xây dựng những chốt khoá đóng mở cho kênh đào này.
Nhưng không may, do quản lý kém, công ty Lesseps bị vỡ nợ, làm trắng tay hàng trăm ngàn nhà đầu tư Pháp.
Một cuộc điều tra được mở ra, trong đó tất cả những ai dính líu đến việc sử dụng nguồn vốn đầu tư đều bị luật pháp hỏi thăm, Eiffel không phải là ngoại lệ..
Nếu bị kết án, ông có thể sẽ phải đối mặt với một bản án tù ít nhất 2 năm
Nhưng sau 5 năm điều tra, Eiffel được chứng minh là vô can. Tuy vậy, cuộc điều tra đã làm ông mệt mỏi, dẫn tới quyết định về hưu vào năm 1893, khi ông đương chức chủ tịch hội đồng quản trị công ty.
Nhưng trong hoạn nạn mới rõ mặt anh hùng:
Chính trong những ngày tháng mệt mỏi nhất vì phải đối mặt với cuộc điều tra, Eiffel đã làm nên công trình huyền thoại của đời mình - Tháp Eiffel!
unknow writer
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét