Bạn ta,
Người đàn bà họ Hoạn trong Kiều là một người độc ác, mưu mô và nham hiểm.
Nhưng nghĩ cho cùng, nàng cũng chỉ " … chút phận đàn bà, ghen tuông thì cũng người ta thường tình" như khi nàng xuống giọng năn nỉ Kiều xin tha tội.Ít người yêu nổi nhân vật này.
Nhưng tôi nghĩ dẫu sao, cũng có một việc Hoạn Thư làm được. Đó là ở đoạn Thúc Sinh trở về nhà, được Hoạn Thư bầy tiệc để mừng đoàn viên. Chính trong bữa tiệc rượu đó, Hoạn Thư mới ra tay cho Kiều một trận.
Nhưng Thúc Sinh đau hơn nữa là ngồi đó, thấy cục cưng bị Hoạn Thư đầy đọa mà không dám hó hé một câu. Thúc Kỳ Tâm chỉ biết "cúi đầu chàng những gạt thầm giọt Tương". Thấy chồng nước mắt lã chã, Hoạn Thư bèn gầm lên: "Cuộc vui gẩy khúc đoạn trường ấy chi, sao chẳng biết ý tứ gì, cho chàng buồn bã, tội thì tại ngươi".Thúc Sinh đau khổ, ngồi chết trân nghe cục cưng bị mắng như tát nước vào mặt. Hoạn Thư thực ra, dùng bản nhạc buồn cũng chỉ là một cái cớ để cho Kiều một trận, cho Thúc Sinh biết tay .
Bởi lẽ làm cho Thúc Sinh đau khổ thì càng đúng ý Hoạn Thư chứ có đi ra ngoài chiến thuật của nàng đâu.Nhưng Kiều cũng bố lếu bố láo thật.
Tại tiệc mừng người về, sao không chọn những bản nhạc vui một chút cho Thúc Sinh vui.
Cắc cớ chi lôi mấy bản nhạc buồn ra mà gẩy, những bản nhạc buồn mà chính Kim Trọng khi nghe Kiều đàn lần đầu tiên, cũng phải "ngơ ngẩn sầu, khi tựa gối, khi cúi đầu, khi vò chín khúc , khi trau đổi mày".
Kim Trọng trong lần nghe nhạc ấy đã phát chán đến nỗi phải hỏi Kiều "so chi những bậc tiêu tao, thiệt lòng mình cũng nao nao lòng người". Kiều đáp bằng một câu vô duyên tận mạng: "Quen mất nết đi rồi, tẻ vui thời cũng tính trời biết sao".
Nghe nhạc chỉ là phụ. Nhưng ở đó, những giọng hát làm những cái buồng tắm đau khổ được đem ra tra tấn người nghe bằng đủ các thứ nhạc không hề ăn nhậu gì tới chuyện ngồi nghe nhạc của chúng tôi.
Có những giọng hát mà nghe xong, tôi càng thấm thía câu mà người Mỹ thường nói: "It takes all kinds of people to make up our society."
Thôi thì phải đủ mọi loại người mới làm thành cái xã hội này. Nên chuyện hát cũng thế, có phải lúc nào cũng là Thái Thanh, Kim Tước, Mai Hương, Tuấn Ngọc, Khánh Ly … ...đâu.
Cũng phải có những giọng khác nữa chứ. Nhưng tối hôm đó, tôi quả tình ước gì có Hoạn Thư ngồi cạnh...
Đó là một bản nhạc thê thiết, chết chóc, đau đớn không để đâu cho hết.
Một giọng hát không hay ho gì quăng cho chúng tôi một ca khúc không có lý gì để được hát lên trong một buổi tối đầu năm, đầu tháng như thế.
Vừa mới đầu năm được vài ba bữa, nàng ấn vào tai chúng tôi một ca khúc đầy những thê thiết nỉ non.
Nào là "không chết người trai chiến sĩ, mà chết người gái nhỏ hậu phương…"
Hay về những khổ đau của dân tộc trong chiến tranh. Nhưng trong một buổi tối cuối tuần, sau một tuần vất vả đuổi theo đời sống, công việc, chúng tôi chắc chắn không cần những điều chết chóc bi thảm đó.
Người phụ nữ lên hát biết thừa rằng đó là bài hát buồn. Nhưng vẫn hát. Như thế có tử tế với chúng tôi không? Như buổi sáng ra, nghe đài phát thanh xin thính giả "chia sẻ" một cái cáo phó.
Thưa chúng tôi muốn nghe tin vui để bắt đầu một ngày mới. Tại sao ấn cho chúng tôi cái tin buồn và bắt chúng tôi "chia sẻ" cái tin buồn ấy?
Có gì vui thì chia cho chúng tôi chứ tại sao đem chuyện buồn chia cho chúng tôi?
Nỗi buồn là của gia đình người quá cố. Chúng tôi nghe, thì thông cảm với nỗi đau mất mát đó.
Nhưng tại sao chia cho chúng tôi một phần, bắt chúng tôi đau buồn cho gia đình có tang, có mất mát đó.
Nếu đó là một gia đình gần gũi, thân thiết với chúng tôi thì không cần phải nhắc chúng tôi cũng đến để chia nỗi buồn đó.
Nhưng tại sao những chuyện không dính dáng gì tới chúng tôi lại đẩy sang cho chúng tôi, bắt chúng tôi "chia sẻ"?. Buổi tối chúng tôi đi nghe nhạc, đang vui, tại sao lại ấn vào tai chúng tôi một bài hát bi thảm như thế làm gì? Cứ tập và hát bài hát ấy để thỏa mãn cơn thèm hát của mình trong buồng tắm, nhưng đem cho chúng tôi nghe thì không được. Hoạn Thư ở đâu, lúc cần thì kiếm không ra mới là tức cái … mình chứ !
Bùi Bảo Trúc
2011
@@ tks t/g BBT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét