Trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2013

Sửa soạn cho 3 ngày Tết ( t.theo)

Ngày Tết phải có hoa, cây, nhà trông mới vui mắt . Bàn thờ Phật thường có bình hoa Huệ, bàn thờ ông bà là hoa glaieulhoa lai Ơn đỏ), ngoài hiên nhà được trang hoàng với cặp cúc đại đóa, cây kim quất, trái vàng nho nhỏ thật xinh, trên bàn ăn là hoa thủy tiên cánh trắng, nhụy vàng, hương tỏa nhẹ nhàng, hay cây lan hồ điệp tím trang nhã.
Nơi huy hoàng đẹp đẽ nhất của căn phòng khách phải được ngự trị bởi chậu mai vàng rực rỡ, hay cây đào màu hồng phấn nhẹ nhàng
Tôi nhớ có năm ba tôi được ông bạn biếu một cành đào từ Đà Lạt về, cành cây dáng thật thanh nhã, màu hồng phơn phớt.
Từ dạo đó tôi yêu dáng dấp cây đào, tuy hoa anh đào không rực rỡ bằng hoa mai nhưng lại mang vẻ đẹp đẹp nhè nhẹ, tựa như dáng tố nữ mảnh khảnh, thanh tú, sang cả.
Chợ hoa cũng là một nơi được nhiều viếng nhất, các bác bỏ rất nhiều thời giờ để lựa một cành mai, cành đào về chưng diện nhà cửa, còn các cô các cậu chỉ có việc đi lo ngắm hoa và ngắm nhau. 

Không nơi nào rực rỡ nhiều màu sắc bằng chợ hoa.
Dưa món
-Dưa món phải được sửa soạn từ cả tháng trước. Làm một phẩu dưa món ngon rất tốn công và cần sự khéo léo của người nội trợ. Nấu nước mắm ngâm dưa là một công trình!
Nước mắm không được sánh, đặc quá, mà cũng không được lỏng, dưa món mới để lâu được. Ngoài ra người nội trợ còn phải canh ánh nắng mặt trời.
Vào tháng chạp ta, trời hay âm u, xam xám, ít nắng, mà dưa món cần phải được phơi nắng, khô queo mới dễ thấm, thành ra mọi thứ phải được cắt, tỉa sơm sớm, để còn phơi cho kịp chàng nắng.
Phẩu dưa món thường có cà-rốt, củ cải trắng, su hào xanh, vỏ dưa leo với một tí thịt trắng, ớt đỏ, củ kiệu ...
Tất cả được cắt lát mỏng, nhưng không được quá mỏng, tỉa hoa cho đẹp, cũng là để dễ thấm nước mắm, sau đó trải ra phơi nắng trên những cái mẹt hay mâm.
Có khi phải phơi hai ngày để nó thật teo khô, rồi mới đổ nước mắm nấu vào.
Các thứ dưa từ từ nở dần ra, chen chúc trong một cái phẩu. Một phẩu dưa món ngon, nhìn là đã thấy ngon mắt rồi.Nước mắm trong vắt, chen lẫn với nhau nào là củ cải trắng, cà rốt đỏ, dưa xanh, mấy quả ớt nho nhỏ, đỏ xanh, cắn vào một miếng tận hưởng chất dòn dòn, mằn mặn, ngọt ngọt. Dưa món dùng để ăn với bánh chưng, bánh tét.
Các bà nội trợ còn làm các món dưa chua khác, như cải bẹ xanh chua, củ kiệu, hành hương.
Ôi nhớ làm sao thẩu hành hương màu hồng, ngâm dấm, qua bàn tay khéo léo của mẹ, ăn mới dòn, chua chua, ngọt ngọt, ngon biết bao ...
Cái vị đặc biệt đó mấy chục năm về trước, nằm trong trí nhớ, trên đầu lưỡi, mà tới bây giờ người viết chưa được thưởng thức lại ...
Báo Xuân
À, à, báo xuân ...

 Không phải tục lệ từ ngàn năm, nhưng cũng là một dấu hiệu của xuân sang, thời miền Nam rộn ràng với muôn hoa đua nở trong làng báo.
Từ khi người viết lớn lên, và biết đọc, mỗi khi báo xuân muôn màu sắc xuất hiện trên các sạp báo, trong các cửa tiệm sách, thì đó là một trong những hình ảnh nhắc nhở xuân đã về, dù ngoài trời nắng chang chang, không có mưa phùn bay bay.
Tờ báo xuân ngày nào thường lớn hơn tờ tuần báo thường ngày, đẹp rực rỡ với hình cây mai, có treo túi lì xì màu đỏ, với phong pháo dài, ngòi đang cháy, có em bé bận áo dài, khăn đóng, có cụ đồ già ngồi viết câu đối, hay có hình nữ tài tử Thẩm Thúy Hằng xinh như mộng, tươi như hoa, hay nữ tài tử Kiều Chinh, các tài tử cải lương Thanh Nga, Bạch Tuyết, và sau này là ca sĩ Thanh Lan ..
  Mua báo xuân đọc là cái thú của những ngày trước tết, vì báo thường có nhiều bài vở lý thú hơn, những câu chuyện đặc biệt cho con giáp của năm đó.

Các anh chị trung học lại lo làm báo học trò, thi đua viết lách, vì vậy đang tuổi học trò chờ đợi đọc báo xuân, là một thú vị của những ngày trước Tết.
 -Cúng ông Táo
-23 tháng chạp đưa ông Táo về Trời. Cúng ông Táo là tục lệ xưa lắc, người ta còn giữ như là một tục lệ cho vui, không mấy ai tin là ông Táo về mách lẻo chuyện góc bếp cho Thiên Đình nữa.
Cúng ông Táo chỉ cần nhang, đèn, hoa quả và để gần bếp. Có nhà cúng với cá chép nữa, nhưng thời đại sau này tục lệ được giảm bớt.
Chỉ có những người nội trợ mới phải cúng thôi .
Cỗ Cúng rước Ông Bà về
Ngày ba mươi Tết đường phố vắng lặng. Người nào phải đi làm cũng ráng về sớm.
Tới 12 giờ trưa, phần đông các tiệm đều đóng cửa để lo cho mâm cúng ông bà, cũng như buổi ăn tất niên.

 Ngoài đường im vắng, nhưng trong nhà thì không khí rất bận rộn.
Chủ gia đình lo xếp bàn thờ, chùi lư hương, chân đèn, kê bàn, cắm hoa vào bình, sửa soạn bàn thờ cúng ông bà.
Trong bếp mới thật là rộn rịp. 

Người lo luộc thịt, làm canh giò hầm nấu bóng, người lo bằm thịt, cua, lột vỏ tôm làm chả giò, bé con thì phải lo làm rau sống ăn với chả giò. Hoặc chực sẵn trong bếp để được sai vặt!
Món ăn ngày Tết thường có giò thủ, vịt hầm thuốc bắc, thịt đông ăn với dưa giá, thịt luộc ăn với tôm chua, giò chả, gà luộc, gà bóp rau răm, hay gà cà ri... 
 

 Không thể thiếu cá, hoặc hấp, chiên hay kho, thịt heo kho tàu ... ê hề. Làm nhiều thế, vì còn để dành ăn trong ba ngày Tết nữa.
Mấy ngày đầu năm các bà nội trợ phủi tay đi thăm bà con, bạn bè, chơi tam cúc, tứ sắc.
Tới mồng ba thì cúng đưa ông bà, lại rộn rịp nhưng không bằng cúng cỗ tối ba mươi. Thời chưa có tủ lạnh, tôi nhớ làm nhiều món kho vì để được lâu. Chả giò, canh hầm, cá thì ăn ngay hôm ba mươi.
Cúng Giao Thừa, Đi chùa Hái Lộc...
Thường thì vào giờ giao thừa bố mẹ tôi thắp nhang đèn, nấu trà cúng ông bà, và có dành sẳn một mâm trái cây để cúng Trời Đất.

 Nhà không có tục lệ tự xông đất mình, hễ ngày mồng một ai tới nhà trước là người đó xông đất nhà. Nhiều người còn đi chùa hái lộc, nơi tụ hộp đông đảo người, rất vui.
Xuân Tha Huơng
-Từ ngày dọn về Cali, chúng tôi tổ chức Tết rộn rịp hơn thời ở tiểu bang lạnh lẽo.
Tuy vậy Tết tha hương những năm đầu cũng khó quên. Những gia đình Việt Nam trong thành phố cùng các sinh viên, đều có tổ chức Tết. Các sinh viên lo mượn chỗ, lo trang hoàng với băng “Cung Chúc Tân Xuân”, mượn tranh Tết về treo, làm câu đối giả. 

Các gia đình chung nhau đem bánh chưng và các thức ăn Việt Nam tới, không khí thật là đầm ấm
  Có năm trời ở ngoài phủ một màn tuyết trắng xóa. (Tết thường vào tháng Hai, và tháng Hai thật ra là tháng lạnh nhất trong năm).
Các bà, các cô sinh viên choàng lên mình một cái áo coat thật dầy, nhưng khi bỏ cái áo ra là những tà áo dài, đơn sơ nhưng rất đẹp. 

Tự nhiên có không khí Tết ngay!
Cái áo dài nhét vội khi chạy loạn, thế mà hay! Mấy năm sau, có người chịu khó gởi về CA may chiếc áo dài mới, mặc vào ngày Tết thật là có ý nghĩa.

  Tự nhiên nhìn chiếc áo dài, mọi người thấy phấn khởi và vui hơn. Những năm đó, mẹ tôi làm bánh chưng gói bằng giấy bạc, bỏ food color cho ra màu xanh. 
Nấu một lần 2, 3 cái trong cái nồi lớn, nhưng nấu lửa ga nên lửa đều mau chín hơn lửa củi. Tặng ai một cái bánh chưng thôi là họ quý vô cùng!
Các anh chị sinh viên rủ nhau làm bánh chưng, cũng vui đáo để. Người này thúc người nọ, gọi các bác hỏi, vì cứ làm xong là quên ngay, mà năm nào cũng hỏi thành ra cũng hơi ngại

 Rồi rủ nhau làm văn nghệ, đàn hát suốt đêm, mặc ngoài trời tuyết rơi phủ lạnh lùng, và bài thi chồng chất.
Tại quận Cam, mỗi độ xuân về, cứ tới viếng phố người Việt là lại thấy không khí Tết .
Các chợ hoa càng ngày càng nhiều và lớn hơn. Bánh mứt, bánh chưng ê hề ..

 Trong chợ vang vang bài hát đón mừng xuân ... 
Tại các tư gia người Việt thì có lẽ không có không khí rộn rịp như bên nhà, nhưng dù bận rộn bao nhiêu, các bà mẹ vẫn không quên lo cho cái tết đầu năm, cho con cháu hưởng chút không khí ngày tết 
 Dù ở tiểu bang xa xôi hẻo lánh, hoặc ở gần khu đông đảo người Việt, mẹ tôi không bao giờ quên ngày tết, bà loay hoay phơi cải, cà rốt làm dưa món, lại đi mua nếp, đậu, nấu bánh, mua quà biếu bạn bè, người thân, đã từng giúp mình năm qua, loay hoay từ gói chả giò đến nồi canh hầm... nấu cỗ cúng ông bà ..
 Hình ảnh đó đã in sâu vào trong trí tôi, để rồi khi có gia đình, khi không còn mẹ nữa, tôi cũng theo lệ, chạy đôn, chạy đáo mua hoa, mua thức ăn về nấu cỗ.
Năm nào cũng vậy, đứng nơi cửa hàng bà Rồng Vàng, hay tại chợ Việt Nam, tôi cũng dừng tay, trầm ngâm mất mấy phút, ngắm các bà, các cô, các ông nữa đứng lựa hoa, lựa các loại mứt, các đòn bánh chưng.
Đó là hình ảnh xuân về, và tôi cảm thấy mình thật may mắn, được là một phần của quang cảnh đông đảo trong khu phố người Việt.
Từ những góp nhặt kỷ niệm của thời thơ ấu, những chi tiết mình tưởng quên không ngờ ào ạt trở về
... Một vài chi tiết về làm mứt, làm dưa món phải gọi hỏi bác suôi gia của ba mẹ tôi, người Huế, năm nào cũng được bác gọi qua ăn Tất niên, hưởng lại hương vị Tết.
Tôi đang ngẩm nghĩ chắc phải học bác món vịt hầm, năm ngoái bác làm tuyệt hảo, phải học làm món mứt gừng kiểu Huế, từng lát mỏng cay cay ngọt ngọt, để mai một rất uổng ....
Một cái Tết nữa lại về, sáng nay nắng xuân chan hòa, và tôi như thấy lại hình ảnh mẹ hiền lui cui trong bếp, với nồi mứt, xoay qua thì bà đã đi ra xem xét mâm cải phơi ngoài sân...

                               Trần Viết Minh Thanh.


  @@ Ôi nhớ Tết quê nhà , thích nhất không khí nhộn nhịp ,náo nức của những ngày cuối tháng chạp ,từ 23 đưa ông Táo về trời ,rồi đi chợ Tết ,chợ hoa Nguyễn Huệ ,cho tới giờ giao thừa ....
 Cly cám ơn bài viết đặc sắc của t/g  TVMT !



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét