Trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2013

SỬA SOẠN CHO 3 NGÀY TẾT.

Tết đối với một người Việt tha hương mang nhiều gợi nhớ, nhớ đêm giao thừa, pháo nổ đi đùng, nhớ khói nhang trên bàn thờ nghi ngút, nhớ vẻ trịnh trọng của cha mẹ, ông bà đứng thấp nhang khấn vái, nhớ đòn bánh chưng, bánh tét, phẩu dưa hành, nồi thịt kho, nồi canh hầm, nhớ sáng mồng Một được lì xì, nhớ cảnh gia đình hàng xóm, cả vợ chồng con cái đèo nhau trên xe honda, ai cũng quần áo mới toanh, khác thường ngày, nhớ lần chơi bầu cua, cá cọp trên hè phố bị lột hết tiền ... và nhiều nhiều nữa ...
Nhưng có lẽ chúng ta nhớ nhất là không khí trước tết, từ những cửa hàng tràn ngập hoa quả, bánh mứt, đến vẻ rộn rịp, đông đúc của phố phường, chợ búa, cả thành phố tưng bừng đón xuân sang.
Giờ đây tại hải ngoại, chúng ta cũng lần lượt có các thức ăn ngày Tết, gần như không thiếu thức gì, nhưng cái rộn ràng, nhộn nhịp, sửa soạn cho ba ngày Tết, có lẽ cái mà người Việt tha hương thiếu.
Xin mời độc giả đi lại từ đầu (chớ đi vội về sau), của quá khứ ngày tết năm nào, bắt đầu từ tháng chạp, khi các sạp báo, tiệm sách bắt đầu bày bán báo xuân, và đài phát thanh đã ngân nga: "Anh cho em mùa xuân, nụ hoa vàng mới nở ...."



Nhà Cửa
Trước tết cả tháng, thường hai vị chủ gia đình bàn bạc với nhau là có nên làm đẹp ngôi nhà không, có nghĩa là quét vôi lại mặt tiền nhà.
Cũng tuỳ túi tiền cho phép, cứ độ vài năm ngôi nhà được thay lớp sơn mới, thường là vào dịp Xuân về.
Tục lệ ngày xưa dùng vôi để trừ tà ma, vì vậy quét vôi nhà vào dịp tết không những để làm đẹp cho nhà, mà còn giữ một phong tục xưa nữa.
Nếu trong xóm có một nhà quét vôi, thì hầu như mấy nhà chung quanh cũng theo đó sơn phết lại nhà mình, vì nom thấy nhà hàng xóm với lớp vôi mới trông sáng và khang trang hẳn ra.
Chuyện quét vôi làm gợi nhớ người viết một kỷ niệm trong xóm. Năm ấy có hai cu cậu choi choi trong xóm bị quỳ vị cái vụ quét vôi nhà.
Số là nhà hai cu cậu này sát nhau, cả hai nhà cũng vừa mới quét vôi xong, hai cậu nghịch, xịt nước vào nhà nhau.
Quét vôi sợ nhất trời mưa, vì lớp vôi chưa khô, tường sẽ loang lỗ khó coi vô cùng!
Đàng này hai cậu xịt nước thì còn quá hơn trời mưa, vì có chỗ đậm, chỗ nhạt, chỗ lem, chỗ lết, coi rất khủng khiếp.
Tối đó cả xóm nghe tiếng la rầm rầm của hai ông bố đi làm về, và sáng ra thấy hai cậu phá nhất xóm, quỳ trước hiên nhà, trong lúc hai ông thợ sơn đang kiên nhẫn phết lại hai ngôi nhà.

 Lũ con nít chúng tôi đợi hai ông bố đi làm, bèn lượn ngang nhà thè lưỡi trêu hai cậu.
Mứt
Tới thăm nhà ai cũng có hạt dưa đỏ và mấy thẩu mứt để đưa câu chuyện.
Mứt tượng trưng cho sự ngọt ngào, vì thế mứt là một món phải có ngày đầu năm, không nhà nào thiếu khay đựng mứt xoay xoay, hoặc hai ba phẩu mứt để dọn khách.
Các bà nội trợ khéo tay bỏ rất nhiều thì giờ vào mứt, thật sự là để phục vụ lũ con nít trong nhà hơn là khách khứa tới nhà.
Nhiều loại mứt được chuộng vì cái tên của nói, nghe rất hên cho năm mới, mứt thơm chẳng hạn, mọi chuyện thơm tho đẹp đẽ, mứt dừa, tiền bạc vào “dừa dặn”..., mứt mãn cầu, cầu cho mọi chuyện suông sẻ, mứt đậu xanh - đậu và màu xanh tươi mát, cho nhà có học trò đi thi, được thi đỗ, quả hồng - màu hồng cũng như màu đỏ là màu hên.

  Thật là một niềm thú vị được xem mẹ làm mứt. Có loại mứt làm giản dị nhưng có loại phải chuẩn bị công phu! Mẹ tôi hay làm mứt gừng, mứt thơm, mứt rối, mứt dừa, mứt hạt sen, mứt đu đủ, mứt kim quất, mứt cà chua, mứt cà rốt ...
Tôi thèm các mứt mà nhà không thường làm, như mứt mãn cầu, xoài, me, chùm ruột...v.v., các món mứt miền Nam, mẹ tôi không rành.Mứt thơm rất ngọt, vì thơm đã ngọt sẳn rồi, mẹ tôi hay làm loại ướt, tức mứt thơm dẻo, chứ không phải như mứt thơm khô bán ngoài tiệm.
Mứt cà chua, bà cũng làm loại ướt, cà chua ra màu đỏ chót nên trông bắt mắt vô cùng, nhưng lúc ăn hơi phiền phứt, phải cho vào đĩa, còn lũ con nít, chỉ thích mở phẩu, nhót miếng mứt vào miệng thôi.
Mứt dừa dễ làm nhất.
Dừa cạo ra, cắt từng lát mỏng, và chỉ việc bỏ đường vào, xào tới xào lui, cho đến khô, thì được.
Dừa thuộc loại cứng nên không sợ gãy, thành ra tôi chuyên môn được mẹ giao cho song mứt dừa, tay làm nhưng mắt láo liêng nhìn sang mẹ đang làm món mứt công phu khác, chốc chốc lại bị nhắc chừng: “Coi, không thôi cháy!".
Cứ năm phút, con bé lại dừng tay hỏi mẹ:
“Mẹ, như ri được chưa?"

 Mừt gừng làm rất công phu, một loại mứt mẹ tôi làm đến mức tuyệt hảo.
Tại hải ngoại, tôi chỉ được biết một, hai bà cụ người Huế còn làm được mứt gừng đúng cách "thanh tao" của đất Thần Kinh.
Gừng phải lựa củ lớn, xắt lát lớn và mỏng, ngâm trong nước chanh, sau đó vớt ra phơi khô ngoài nắng thì gừng mới trắng. Khi gừng khô ráo thì bỏ gừng vào nồi luộc, rồi xả nước để cho gừng bớt cay, sau đó mới bỏ đường vào rim.
Rim mứt, động từ diễn tả cách nấu mứt với lửa thật nhỏ, không thì mứt cháy .
Rim mứt gừng nói lên sự nhẫn nại của bà nội trợ, từ từ đẩy gừng lên hai bên thành của nồi, chính giữa tạo thành một cái giếng bé trong có nước đường, và cứ thế múc nước đường rưới lên các lát gừng chồng chất hai bên thành.
Khi nước đường bắt đầu cạn, cầm cả thau xóc lên, cho gừng rời ra, và khô đều .
Đó là cách mẹ tôi làm mứt gừng. Còn có cách khác, thì khi trông gừng gần khô, vội vàng đổ gừng ra khay, và nhanh tay gỡ từng lát gừng ra, trải thẳng để gừng đừng bị cong .
Lát mứt gừng vì mỏng nên khi ăn có vị cay vừa phải, ngọt ngọt, thanh thanh.Lát gừng dầy quá, ăn rất nồng, không ngon. 

Ăn phải cắn từng miếng nhỏ, với tách trà sen, mới đúng cách. Tuyệt vời lắm!
Mứt kim quất cũng là loại mứt ướt, nếu làm cho khéo thì ra quả vàng ngậy, ngọt cộng thêm vị chát đặc biệt của quất, các cụ chuộng lắm, vì còn thông cổ nữa!
Mứt sen cũng được mẹ tôi trân quý, vì sen phải nhờ người gởi từ Huế vô mới được loại sen mềm, khi ngào đường sẽ không bị cứng.
Mứt sen để cúng bàn thờ Phật trước khi thỉnh xuống ăn. Mứt rối là mứt mà lũ con nít chúng tôi khoái nhất vì dễ ăn.
Mọi thứ phải được cắt nhỏ, nào là cà rốt, gừng, kim quất, thơm ... hòa với đường ướt ướt, vị ngọt lẫn chua, cay, mọi thứ hoà lẫn với nhau, nên có cái tên mứt rối, có những nơi khác gọi là mứt dẻo ..
Năm nào mẹ tôi cũng phải dấu bớt đi, không thì lũ chúng tôi thanh toán xong trước ngày Tết.
Nấu bánh chưng
Trong văn chương, nồi bánh chưng được tả là nấu vào đêm ba mươi, người trong nhà quay quần chung quanh nồi bánh chưng, và nghe kể chuyện xưa, đợi đón giao thừa, thật là một cảnh thú vị!Trong thực tế, ít ai nấu bánh chưng trong đêm ba mươi.

Bánh thường được nấu trước ít nhất là ba, bốn ngày trước, không thì một tuần hoặc mười ngày vì còn phải “đi sêu tết” bà con, bạn bè và các quan trên trong hãng nữa.

Trừ các tiệm nấu bánh chưng sớm, vì phục vụ rất nhiều khách hàng, các bà nội trợ tránh nấu bánh sớm, sợ tới ngày Tết bánh hơi cũ, không được ngon.
Mấy ngày trước ngày dự định nấu bánh, các bà nội trợ đi chợ lựa mua lạt, nếp, đậu xanh, lá chuối, thịt heo. Một ngày trước khi gói bánh, mọi thứ phải được chuẩn bị cẩn thận.
Lạt và lá chuối phải được ngâm nước, sáng sớm mai, lạt mới mềm và dễ vót.

 Lạt dùng để cột bánh. Lá chuối phải tước theo cọng của lá, thành những mảnh lá chuối lớn nhỏ, miếng nhỏ dùng để xếp vào lớp trong, chồng xéo lên nhau, miếng lớn dùng để gói ra ngoài.
Đậu xanh, nếp ngâm đêm qua, phải được đổ ra cho ráo nước. Người Bắc thường nấu đậu xanh, giã nhỏ rồi mới gói chung với bánh. Theo cách của mệ nội của mẹ tôi, đậu chỉ cần ngâm qua đêm, mệ nói, nấu như vậy giữ mới lâu, khó thiêu.
Có nhà người Nam còn ngâm nếp với nước dừa, đòn bánh chưng béo và thơm mùi nước dừa. Thịt heo xắt từng miếng dài có mỡ, nạc, dày vừa phải. 

 Có nhà ngâm thịt với nước mắm, có nhà chỉ ngâm muối, tiêu, hành thôi.
Tôi còn nhớ như in hình ảnh mẹ tôi và các chị người làm ngồi gói bánh trên phản lớn trong phòng giữa của nhà.
Chung quanh họ nào là những rá đựng nếp trắng, đậu vàng, nào là chậu thịt heo hồng tươi với từng khúc mỡ trắng, rồi lá chuối xanh, dây lạt dài một sải tay ..
. Thật là một cảnh vui mắt, làm nao nức lũ trẻ chúng tôi! Người thì tuốt lạt, kẻ thì chùi lá, chất thành chồng, cho tiện tay người gói bánh. Thường người gói bánh dùng khuôn để bánh thành hình vuông, trông mới đẹp mắt .
Đòn bánh tét thì phải dài và tròn trịa. Bánh gói xong, buộc bằng lạt vài vòng cho bánh khỏi bung.
Bánh được nấu trong một nồi lớn, cao và to xấp ba, bốn nồi thường ngày dùng nấu xúp.
Nồi bánh đặt trong vườn nhà trên cái lò có ba viên đá chụm lại, củi lửa về đêm tí tách thật vui mắt.
Ban đêm, trời hơi lành lạnh, cả nhà thay phiên nhau ra canh nồi bánh, xem chừng nước vơi, đổ đầy thêm nước vào, chụm thêm củi, cho bánh chín, đều.
Lũ trẻ chúng tôi nhất định không chịu đi ngủ, ngồi chong mắt nghe các cô chú kể chuyện cổ tích, rồi xay qua chuyện ma, đợi tới giờ vớt bánh ra.

Đứa nào đi ngủ trước thì mất cái thú xem vớt bánh. .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét