Trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 2 tháng 8, 2012

Tuổi 13-PTL


- Hắn nói là hắn ... yêu rồi!
- ...Trời hôm nay mưa nhiều hay rất nắng, mưa tôi chả về bong bóng vỡ đầy tay ...
(Cô nhỏ hát khe khẽ.)
Ông bạn quay sang nắm nhẹ bàn tay cô nhỏ đang cầm ghi-đông xe, mặt nghênh nghênh trong tầm mắt như giả lơ không thèm ngó cô nhỏ đang cười mím chi, mặt đỏ hồng và tim đang loạn nhịp.
 Cái mặt ông bạn trông “dễ ghét” ghê lắm.- Bong bóng vỡ ...kệ tui!Tiếng “tui” thoát ra từ ông bạn nghe sao ... dễ thương chi lạ . 
Tiếng “tui” vừa ngạo mạn bất cần, vừa như âu yếm thiết tha vừa như lì lợm . 
 Cô nhỏ...yêu tiếng “tui” của ông bạn hết sức.Hai chiếc xe đạp song song dưới hàng me giữa tháng sáu mùa hè đang rực nắng trên những con đường của Sài Gòn, đang rực nắng trong tim cô nhỏ nở hoa rất thắm, rất dịu dàng ngây ngất hương yêu.
Tiếng yêu thốt từ hôm đó. Tình yêu của họ bắt đầu từ lúc nào không biết, không định rõ thời gian, nhưng họ biết họ đã yêu nhau tự lâu lắm rồi chỉ là chưa ... đánh vần xong mấy mẫu tự dầu đã học thuộc lòng. 
 Thế đấy, rồi một hôm trên những vòng xe đạp dưới bóng lá me mát rượi, thời gian như ngừng lại, không gian như lắng đọng để cô nhỏ chỉ nghe tiếng “yêu” của ông bạn, để chỉ có những nhịp trống “ngũ liên” từ trong lồng ngực của hai người đang thẩn thơ giữa trời đất...
Tinh tú không quay cuồng mà cô nhỏ chóng mặt, chao đảo và hồn ngập sóng yêu thương.
..Vèo, vèo, vèo!!!
Trái cầu lông bay qua bay lại ba lượt véo véo giữa cô nhỏ và “thằng” hàng xóm rồi bay tuốt luốt lên lan can lầu của nhà kế bên.
- Cà chua, đã bảo đánh thấp thấp thôi, bày đặt đánh cho mạnh bây giờ nó bay lên đó rồi sao lấy xuống đây .
- Thì đi qua xin lại chứ có gì đâu mà la làng lên vậy!
- Giỏi đi qua xin, chờ tới mai hả, có ai ở nhà đó đâu, bà Ba dẫn con về Bình Định thăm bà ngoại rồi 
Cô nhỏ vừa liếc vừa một tay cầm vợt chỉ chỉ lên lầu nhà hàng xóm, một tay chống nạnh “xon xỏn” trả lời “thằng” hàng xóm.
Đám con nít lao xao bàn tán- Rồi, khỏi chơi nữa!
- Có một trái cầu làm sao đây ?
- Tui nói anh Huân mà ảnh hay ỷ con chai wính trái cầu cho mạnh, xí!
- Nhà mày còn trái nào không?
- Ở đâu ra, mắc thí bà, cặp vợt với trái cầu của ông Huân đó!
- Mới có một bàn, cũng tại hai người đó, phải chi hồi nãy mình chơi trước thì đâu có bị mất cầu!
- Cà chua nha tụi mi, tao không có à nha, nói ông Huân kìa!Tên hàng xóm ngó ngang ngó dọc rồi ngó lên lan can lầu chắc lưỡi
- Cao quá trời ai mà leo cho nổi!
- Anh thử đi anh Huân.
- Không leo nổi đâu, nhắm chừng rồi, cao lắm .
- Thì thử đi.
- Ah! Hay là lấy cây khều xuống!

Thế là đứa lấy chổi, đứa lấy cây khều, chọt hết cả mười phút cũng không lấy được trái cầu xuống. Mặt đứa nào bí xị  ?
- Sao bây giờ, tui phải lấy trái cầu xuống đó nghe, chiều chị Hà về hỏi không có là chết tui. Chỉ phải đánh vợt ở trong trường đó .
- Tại ông chứ tại ai mà nói. Thì khều tiếp đi, không được thì trèo lên, xời ơi đứng đó nói tới lui chi chứ!
- Giỏi leo lên đi, làm như người ta chưa tính vậy đó. Tuốt luốt trên đó bắt ghế khều còn không được nữa chứ đừng nói là trèo lên .
- Xì, cái ngõ chật ních, bắt chước ... Lý Tiểu Long đó, dang hai chân ra leo lên cái một chứ gì!
Cô nhỏ được bà chị thứ hai “truyền” cho cái máu mê truyện chưởng và mê phim Tàu cốt truyện thời đại cũng như của Kim Dung. 
 Cô nhỏ cũng được dẫn đi xem phim do Lý tiểu Long, Khương Đại Vệ, Địch Long, Vương Vũ đóng cùng các mỹ nhân phim ảnh của Hồng Kông thuở đó . Xem phim rồi “mơ giấc dài” làm “anh hùng” trèo tường, đá ghế, tung chưởng, múa tre múa gậy lung tung xèng.
Xời, bây giờ có dịp “trổ tài” cho tụi nó lác mắt, sao lại không chứ nhỉ.
Cô nhỏ đang nghênh mặt với ý tưởng sắp làm “anh hùng” thì bị cắt ngang bởi giọng cười lãng nhách của tên hàng xóm vô duyên kia.

Tên hàng xóm đứng ôm bụng cười nghiêng ngả một cách đáng ghét vô cùng tận. Mấy nhóc tì chung quanh cũng bắt chước cười theo.
- Hahaha, hihi, “Bích Hổ Du Tường”, nói như thiệt!
- Hihihi, bà có ngon bà trèo lên đi!
- Hehehe, dang chân cho... tét háng đó chứ ở đó!Mặt cô nhỏ đỏ lên, cô nhỏ trợn mắt bặm môi xăn tay áo lên, kéo ống quần vốn đã ngắn qua khỏi đầu gối. Hai ống quần ngoan cố tuột xuống, cô nhỏ cúi xuống nhất định xăn chặt ống quần lại .- Tui lấy xuống cho mà coi!
Cô nhỏ dang hai cánh tay ra lượng ước, bắt đầu chống hai bàn tay vào hai vách tường của con hẽm chật hẹp, gồng cánh tay lên rồi cô nhỏ dang hai chân nhảy phóc bám vào hai bên vách tường gạch như trong phim của Lý Tiểu Long với “chiêu” “Bích Hổ Du Tường”
 Nghĩa là cô nhỏ leo lên cao từ từ bằng cách dang hai tay, hai chân ra bám vào hai vách tường như con cua nó bò ngang dưới đất .
Cứ thế mà gồng mà leo cho đến lúc tay cô nhỏ níu được thành lan can gỗ, cô nhỏ xoay người gồng hai cánh tay giữ chặt thành lan can, co người để hai chân lên trên sàn lan can. Trong phút chốc cô nhỏ đã lọt thỏm vào lan can lầu của nhà hàng xóm, đắc chí nhặt trái cầu lông nằm gần cánh cửa ra vào của căn lầu và thẩy xuống đất trước cặp mắt thán phục của lũ nhóc tì dưới sân.
đứa nấy tiêu nghỉu  
Đám con nít chạy a lại chụp trái cầu, nhao nhao
- Í dạ, chị Dung giỏi quá há
- Chỉ trèo giống trong phim không anh Huân?Tên hàng xóm im re, cầm trái cầu ngó lơ .
Cô nhỏ cẩn thận leo ra khỏi lan can, thòng cả người đong đưa ra ngoài khoảnh sân, đang loay hoay chưa biết phải xuống bằng cách nào thì có tiếng la nho nhỏ
- Trời đất qủy thần ơi, dám trèo lên nhà người ta hả, có đi xuống mau không thì bảo!
Cả đám hết hồn quay ra, bà chị Cả của cô nhỏ và bà chị lớn của tên hàng xóm đang trợn mắt chỉ tay lên cô nhỏ vừa la vừa hỏi
- Nhà người ta đi vắng hết, làm sao mà đi xuống đây hở ?!
- Chị Hà, chị bắt ghế lại đây hộ em.Hai bà chị bắt chiếc ghế cao đến để dưới lan can chỗ cô nhỏ đang tòn teng, rồi một chị leo lên ghế, một chị vịn ghế
- Đưa chân đây, mau lên!
nhỏ xoay người cho hai chân về phía người chị Cả, buông tay đại, chị Cả chao người, chiếc ghế chao theo, chị Hà và lũ con nít xúm lại vịn ghế, mấy chị em té đè lên nhau la oai oái- Ui da, chân em trầy rồi nè!
- Á, cái mông em đau quá!
- May mà không gãy xương!
Bà chị Cả cốc đầu cô nhỏ đau điếng
- Đi vào nhà qùy mau, lớn chồng ngồng không lo bài vở, phụ cơm nước, trèo tường với chả nhặt cầu!
- Vậy mình nghỉ hả
- Mày muốn bị ăn chổi lông gà sao còn đòi chơi nữa!Cả đám líu ríu đi vào nhà, tên hàng xóm nhìn theo cô nhỏ với cặp mắt nửa thán phục nửa thương hại.
 Cô nhỏ “hiên ngang” đi vào ... quỳ dưới nền gạch bông mát rượi, còn quay mặt ra cười với đám con nít
- Thấy chưa, tui nói tui trèo được mà!
- Ui da!Cô nhỏ xoa mông vì cái phát tay của bà chị Cả, quay mặt vào tường “sám hối”.
Chiều hôm đó cô nhỏ ăn cơm ngon hơn mọi khi, huýt sáo nho nhỏ khi phụ chị rửa chén dầu da nơi hai cái đầu gối hơi bẹp và đỏ au .
 Cô nhỏ biết rằng ngày mai khi ra chơi đánh cầu hay bất cứ trò chơi nào khác, đám con nít hàng xóm sẽ nghe theo lời cô nhỏ và nhất là tên hàng xóm dễ ghét sẽ hết luôn mồm cười chế nhạo “nhát như con gái!” 
Mãi cho đến bây giờ, tôi cũng không biết sao mình có thể dang chân trèo tường một cách “tài tình” mà không ... té dập mặt hay trặc chân.
 Hay là lúc đó có “nội công” thật ?
 Hoặc giả máu “anh hùng” nổi dậy, tự dưng có sức, chân tay đâm ra dẻo dai hơn như con khỉ trèo cây rành rọt? 
 Chả biết được, tôi chỉ nhớ cảnh mình trèo tường trước những cặp mắt thán phục của lũ con nít hàng xóm, nhớ cảnh bị quỳ, nhớ cái mặt tiêu nghỉu của “anh” Huân; tất cả thành một kỷ niệm rất ư dễ thương của tuổi mười ba.
Tiếng hát của ca sĩ Thái Thanh cao vút trong nắng sớm vời vợi như bầu trời xanh lơ đang lóng lánh soi gương trên mặt biển xa xa . Gió hiu hiu làm tôi cứ lơ tơ mơ, hồn phiêu lãng về cái tuổi mười hai mười ba vô cùng dễ thương của một thời.
Bước sang tuổi mười ba, đã học lớp đệ thất, đã mặc áo dài đi học thế mà tôi vẫn trèo tường, vẫn cãi nhau như mổ bò với đám con nít hàng xóm (hai nhà sát bên thôi) và vẫn bị qùy gối lia lịa .
Tuổi mười ba của tôi ngây thơ như bao vạn cô nhỏ cùng lứa tuổi, chỉ có hơi nghịch ngợm hơn chút xíu, ngang tàng hơn chút xíu, chưa biết e thẹn và chưa biết làm điệu để vẫn cột áo dài leo trèo như ...con khỉ con phá phách trong khu rừng nhỏ và đủ để tên hàng xóm dễ ghét bớt trề môi với tôi, “đổ con gái!”
Tuổi mười ba đã rời bỏ tôi đi thật xa thế mà hôm ấy như trong lời nhạc của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, len lén trở về với chút nghịch ngợm, với chút vờ vĩnh để ông bạn đem cái “tui” ra năn nỉ, đem cái “tui” ra nửa như mời mọc nửa như thách thức.

 Tuổi mười ba trở về để hồn tôi lâng lâng, để tình tôi thật gần và ông bạn hình như cũng ... trẻ thêm được chục tuổi .
 (Tôi đâu thể “ăn gian”, mình có tuổi mười ba, đâu nỡ để ông bạn “bơ vơ” ... ở tuổi ...)
Sáng nay nghe lại bài nhạc cũ, tôi bỗng dưng thèm được trở lại tuổi mười ba, tôi thèm vờ vĩnh để được nghe tiếng “tui” của người trong gió, trong nắng, trong sóng biển. 
 Tôi lại cười mím chi ngắm biển mênh mông nghĩ xa xôi, chắc gì bây giờ người mở miệng bảo “kệ tui”, tôi lại không run?
( Bài hát Tuổi 13 của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên)

PTL

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét