Trang

Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2012

SÀI GÒN GÓC RIÊNG


Bây giờ ngồi uống cà phê hay nhấm nháp viên kem vani thả điệu đàng trong ly xá xị đầy bọt ở ngoài hiên toà nhà Sun Wah, nơi có không gian mênh mông đầy gió như Tây (nếu bỏ qua mật độ đặt bàn dày kịt), thong dong nhìn ra đường, khách chỉ để ý đến chiếc đồng hồ bốn mặt, tò mò muốn kiểm tra xem giờ của mặt này có chỏi với mặt kia không, hay xem trong hàng dài những xe hơi qua lại kia có chiếc nào thuộc hàng hiếm hay mang biển đặc biệt, chứ chẳng mấy ai ngồi ngắm cái khách sạn bên kia đường cao chỉ bằng nửa cái Sun Wah mà mình đang ngồi.
Thế nhưng cái khách sạn ấy ngày xưa là miếng mồi ngon để cha dụ dỗ tôi bớt mếu máo khi rời bỏ bạn bè hàng xóm xứ nghèo cùng ông dấn thân vào nơi mà ai có ý định đổi đời cũng-biết-là-nơi-nào-ấy. “Ở đó, nhà cao đến nỗi khi con ngước nhìn, mũ sẽ rớt”.

 Như thế là cao lắm. Là một thế giới khác rồi, khi mà thế giới trẻ con của tôi tự hào nhìn đều đặn mỗi lần lũ về, cả xóm chăm chăm chạy về hướng nhà bà ngoại, vì nhà bà có một căn gác nhỏ.
 Ngày đầu tiên đặt chân đến Sài Gòn, giữ lời hứa, cha dẫn tôi ra đứng trước khách sạn Hữu Nghị. 
Quả danh bất hư truyền, khi tôi mải mê ngước nhìn tầng trên cùng, ngay lập tức chiếc mũ biến mất.
Hồi đó, mũ vải là thời trang, có đủ các kiểu, nên sinh ra lắm bọn quen tay cướp mũ vải của người đi đường.
Sẽ không có cảm giác bỡ ngỡ lâu với Sài gòn, vì hầu như ai cũng từ một nơi nào đó đến.

 Nói chuyện ít thấy ai bảo “quê tôi Sài Gòn” mà đều như nhau; một chiếc xe đạp sườn ngang cọc cạch, chân đi dép.
Thói quen không đi giày (hay không có giày để đi) ấy dễ cũng phải kéo dài cho đến đầu những năm 90 sau này, khi tôi run lên vì lần đầu tiên được phát cho một đôi giày đen mõm nhọn hoắt để làm tiếp tân trong một khách sạn nhỏ, nơi tôi có nhiệm vụ chính là chào hỏi tiếng Anh với khách Đài Loan và cặm cụi hút bụi thảm trong sảnh vào mỗi 6 giờ sáng. Người Sài Gòn “đích thực” chỉ đơn giản là người cập bến đất này trước người khác, nên sành hơn và Sài Gòn hơn người khác một ít. 

Đó hẳn là những người ban ngày biến mất đâu đó làm ăn, tối tối xuất hiện ở nhà hàng Maxim’s, nơi mỗi lần vào nhà vệ sinh có người cầm khăn sẵn lau tay, mắt ngóng đợi tiền boa. Là trẻ con nên có khi tôi đôi ba lần vô tình được ăn theo vào những nơi mà cha tôi chẳng mấy khi có dịp vào, hoặc nếu có thì ông cũng tránh việc phải dùng nhà vệ sinh. Cái nhà hàng Maxim’s ấy đã từng là nơi hạng nhất xứ này.
Tuy nhiên, nếu được lựa chọn mà không phải chứng minh nhọc nhằn, tôi sẵn sàng tin rằng người Sài Gòn nhất chính là người sống lâu năm trong Chợ Lớn, vì đó là nơi lưu giữ được nhiều chất Sài Gòn xưa nhất.


 Sài Gòn như dòng sông, cứ trôi, mọi thứ dập dềnh đến rồi đi. Chợ Lớn như một cái hồ nhỏ, nơi mọi thứ đọng lại.
Người Chợ Lớn không chỉ có khí chất rộng rãi, vô tư lự như tôi vẫn được đọc từ những cuốn truyện mỏng về cầu chữ Y, những ngã sáu, ngã bảy, 
Thị Nghè mà còn là nơi lưu giữ những tập quán, sự thong dong, sự chung tình; nơi những đôi vợ chồng suốt bốn mươi năm cùng ăn duy nhất đôi đũa ngà được tặng ngày kết hôn cho đến khi đầu bạc trắng, cho đến khi những chiếc đũa mòn vẹt, ngắn cũn, đầu chuốt nhọn.
Người yêu Sài Gòn biết chọn chỗ để yêu, như người bạn tôi. 

Khi biết bến Bình Đông giải toả, anh lang thang bao nhiêu ngày liền để chụp hình những ngôi nhà cũ kỹ xấu xí còn lại, và khi đến lượt nhà của mình phá ra xây mới, anh quyết định thuê một căn phòng nhỏ ở Chợ Lớn để tá túc, để mỗi sớm mai được đánh thức bằng âm thanh tiếng Việt tiếng Hoa xì xào ngoài chợ luồn vào với nắng qua dãy song cửa gỗ, một căn phòng tranh tối tranh sáng tuyệt đẹp y hệt hang ổ của đôi tình nhân trong phim L’Amant (Người tình).
Tôi chưa thấy thành phố nào thay đổi nhanh như Sài Gòn. Chỉ đi vắng vài năm về đã bỡ ngỡ.

 Có nhiều quán xá biến mất. Nhiều chỗ hẹn mới mọc lên. Nhiều tên đường lạ.
Có lẽ vì tính chất hay thay đổi đó mà lòng người bị xáo động.

 Thơ ca, hát hò cũng ít hay, bởi để yêu được sâu, được dài lâu cần có sự ngừng lại, cần có sự bất biến tạm thời để cảm xúc được thong thả giãi bày, như Hà Nội. Yêu Hà Nội như yêu một cô gái làng, ta có đi đâu quay về vẫn còn đợi đó. Trong khi Sài Gòn như thiếu nữ thị thành, chỉ ngồi một lúc với mình ở quán đưa chuyện vài ba câu, rồi khi ta chưa kịp thấm ý ngỏ lời nàng đã đứng dậy đi mất.
Nhưng thật ra vị trí thành phố này là ở trong mỗi người chứ không phải ở những gì ta thấy. 

Muốn biết yêu thành phố này như thế nào thì cần đi xa khuất, đừng để những lô-cốt, vỉa hè xới tung làm ô uế sự thong dong của mình.

Ở nơi xa ấy ta sẽ lẩn thẩn nhớ, ngay chân cầu sắt Đa Kao ngày xưa có quán cà phê dưới hầm yên tĩnh kỳ lạ, nơi có một người đàn ông gầy gầy lịch lãm tên Nguyễn Ánh 9 chơi piano những giai điệu xưa, là một chốn riêng cho những người như cha tôi tìm đến, sau ngày dài túi dết miệt mài mua bán thuốc tây ở chợ Tân Định

Ta có thể hờ hững với khu đô thị mới Phan Xích Long, nhưng không bao giờ quên một bà béo tên Tây bán thịt với con dao to tướng ở lối vào vùng đất ngập nước mỗi mùa trăng có tên Cù Lao, mà mỗi mẩu thịt mỏng thần kỳ bà bán có thể phi đầy nồi nước kho làm căng bụng và bóng nhẫy môi một bầy trẻ con.
Và nhớ con kênh bờ kè chỉnh chu này từng là nơi cung cấp hằng hà sa số lũ cá sặt mà nhà ven bờ nào cũng săn bằng trò chích điện, và những con đò bán củi xếp thành từng núi những bó nhỏ cập bến mọi nhà.
Nhiều người bạn ở xa nay về Sài Gòn vài hôm đã đòi đi nơi khác, bảo thành phố này giờ hào nhoáng đấy nhưng tao không chịu nổi vì chung chung quá, giống bất kỳ đâu, lại đông đúc, đi lại mệt mỏi quá.
Nhưng bạn lầm rồi. Sài Gòn có bao giờ sống trong mỗi người bằng những hào nhoáng kia, mà ở những góc riêng. Và với thành phố này thì những góc riêng như thế luôn có, đủ cho tất cả mọi người.

                                      Phan Triều Hải .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét