Trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

Đêm Trung thu Phan Thiết


Trong những năm học ở trường Nữ Tiểu Học Phan Thiết (1960-1966), có ba điều tôi ao ước mà không bao giờ được toại nguyện.  Thứ nhất, được cầm cái chùi gỗ để đánh ba tiếng trống thùng thùng thùng những khi vào lớp, khi ra chơi, khi tan trường, với những điệu trống dài ngắn khác nhau.  
Tiếng trống sao rền vang, sao oai nghiêm, chị đánh trống sao mà oai quá, mình cũng muốn được oai như chị ấy nhưng không bao giờ được cô chỉ định.
Thứ hai, đứng kéo cờ mỗi sáng và mỗi chiều.  Tôi ước ao được cô chọn với một học sinh khác, cho đứng dưới cột cờ.  Khi ấy, tất cả sẽ chăm chăm nhìn đôi tay tôi khéo léo tháo sợi dây thừng, gương mặt nghiêm trang ngước cao hãnh diện nhìn theo lá cờ vàng ba sọc đỏ lên nhẹ nhàng hay xuống từ từ cho đến khi bài quốc ca ”Này Công Dân Ơi!” chấm dứt.  Tất cả sẽ chăm chú nhìn đôi tay tôi và nhỏ bạn nhanh nhẹn xếp gọn lá cờ làm hai, làm tư, làm tám.
     Thứ ba, được ở trong đoàn lân dẫn đầu đoàn diễn hành mỗi đêm Tết Trung Thu.  Ở nhà, tôi đã đội cái gối, trùm cái mền, thằng em đánh trống miệng cho tôi tập dơ cao chân, sải bước dài, hai tay đưa gối qua lại theo nhịp trống miệng.  Vậy mà cô không chọn tôi.  Cô không chọn tôi múa lân, cũng không cho tôi làm ông Địa, càng không cho tôi ôm cái trống trước bụng đánh thùng thùng và cũng không chọn tôi đi phía sau cầm cái đuôi con lân.  Sao mà tụi nó có phước quá vậy!  Nhất là chị Xí, bạn Xê, năm nào cũng dẫn đầu đoàn múa lân của trường Nữ Tiểu Học.  Còn tôi, ngoan ngoãn xếp hàng phía sau đoàn lân, vừa đi vừa chạy vừa ráng giữ cho thẳng hàng.  Hân hoan với đêm hội trăng rằm!
      Rước đèn đêm trung thu gắn liền với tuổi-thơ-Phan-Thiết như mái nhà tranh đơn sơ không thể thiếu trong bất cứ một bức tranh đồng quê Việt Nam. 

 Và cũng có thể nói; đêm trung thu đối với người dân Phan Thiết là món quà tô điểm đời sống tỉnh lị, món quà đến mỗi năm, nhận được mà không cần cám ơn.  Không cần thông cáo về ngày giờ hay địa điểm, khi trời vừa chập tối thì tự động người dân rủ nhau tụ tập hoặc ở Vườn-Bông-Lớn bên kia cầu hay Vườn-Bông-Nhỏ bên phố để chờ đoàn diễn hành tụ về.
  Từ khắp nẻo đường, đoàn diễn hành của các trường tiểu học công Nam Phan Thiết, Nữ Phan Thiết, Đức Thắng, Bình Hưng, Đức Nghĩa, Phú Trinh, Đức Long nằm rải rác quanh tỉnh lị lần lượt tụ về. 

 Mỗi trường một kiểu đèn lồng, hàng lớp thẳng tắp, đi theo sau đoàn lân của mình.

  Ánh đèn cầy lấp lánh sau lớp giấy màu mỏng đủ mầu sắc, gương mặt vừa hân hoan vừa hãnh diện, bước chân vừa nhanh cho theo kịp đội lân phía trước vừa ráng giữ hàng lớp ngay ngắn vừa cẩn thận để cây đèn nhỏ như ngón tay không chao làm cháy đèn; đoàn diễn hành rời cổng trường với quyết tâm chiếm giải năm nay. 
 Đám con nít hàng xóm cũng là học sinh lớp nhỏ chạy theo hai bên đoàn diễn hành, người người hân hoan đổ ra đường đón chào làm cho những học sinh lớp nhì và lớp nhất cảm thấy như mình là tâm điểm và cũng là niềm hy vọng của            ấp mình                      
            Điểm nổi bật nhất của mỗi đàn diễn hành là đội lân của trường.  Đội lân là do học sinh tự tập tự diễn, gồm bốn-năm người thay nhau múa lân và cầm đuôi, ông địa bụng bự đội mặt nạ lúc nào cũng nhe răng cười phe phẩy cái quạt dẫn đường, người đeo cái trống trước bụng, người cầm hai cái xeng giống như nắp nồi bằng đồng. 
 Tiếng trống khi nhặt khi dồn dập, tiếng xeng khi mạnh khi cạ nhẹ, bước lân khi giơ cao khi sãi dài, đuôi lân lượn qua lượn lại, ông địa lúc chạy lúc thư thả, nhưng lúc nào cũng phía sau tấm bảng lớp để tên trường, đội lân dẫn đoàn diễn hành của trường mình qua đường phố.     Quanh nhà lục giác trong vườn bông lớn, các trường xếp hàng chờ loa gọi tên. 
 Khi một trường được gọi tên, lồng đèn lớn của trường được nâng cao lên, đoàn lân múa vài điệu mẫu, học sinh giơ cao đèn cá nhân, đồng hát và hô khẩu hiệu. 
 Điểm lồng đèn lớn đại diện cho trường, điểm đoàn lân, điểm diễn hành trật tự, điểm lồng đèn học sinh, tất cả được cộng lại để chấm giải. 
 Năm nào tôi cũng mang nỗi hân hoan trường mình được giải nhất (?), mau chân về nhà để được bánh kẹo mặc dù buổi chiều trước khi diễn hành, học sinh tập trung ở sân trường và đã được cô phát cho mỗi đứa một cái bánh trung thu nhỏ.
  Nhưng sau vài giờ rước đèn, viễn tượng bịch kẹo bánh đang chờ ở nhà càng lúc càng hối thúc bước chân.
    Mỗi năm, ba tôi hợp với vài gia đình trong xóm Phố Ba Mươi Căn có con cùng lứa với chị em tôi, tổ chức phát bánh kẹo.  Chú Sáu Sang có hai người con là Thanh Hiền và Hoàng Minh cùng tuổi với tôi và em trai tôi nên thường tham gia. 

  Chúng tôi hát, cười giỡn, ngốn ngoán kẹo bánh, trầm trồ lồng đèn của nhau. 
 Vài chiếc lồng đèn giấy kiếng trong sắc màu lộng lẫy trở nên lạc lõng giữa những lồng đèn bánh ú không được thẳng góc mấy nhưng dán đầy bông giấy, lồng đèn mặt trăng không được tròn trịa nhưng có đường viền tua tủa đủ màu sắc, lồng đèn ngôi sao góc cạnh vụng nhưng được che lấp bởi những chùm giấy màu nhuyễn cọng…
     Những lồng đèn con thỏ, con cá, ngôi sao, trống quân… làm bằng giấy kiếng trong đủ màu sắc được tô điểm bởi những nét vẽ của bàn tay nghệ nhân, được uốn cong khéo léo của những ngón tay nhà nghề treo lủng lẳng trước các cửa tiệm bên phố không bao giờ hiện diện trong nhà tôi.  Mắc và phí của! 

 Như đa số các gia đình có con trẻ, một ngày đẹp trời, má tôi đi chợ về, bày ra bàn bó sống lá và một xếp giấy đủ màu.  Tuy giấy màu mỏng loại rẻ tiền nên đục đục chứ không trong khiết như giấy kiếng, nhưng đủ để ánh sáng lấp lánh từ cây đèn cầy làm hân hoan niềm vui con trẻ. 
 Quậy hồ, ngâm sống lá, vuốt cây, cắt dán, chúng tôi miệt mài làm hết cái lồng đèn này tới cái lồng đèn khác. 
 Giấy màu được ưu tiên làm lồng đèn theo kích thước và kiểu mẫu do nhà trường hướng dẫn. 
 Còn lại là chị em tôi tha hồ làm đủ kiểu lồng đèn cho mỗi đứa. Và những chiếc lồng đèn sắc màu tươi mắt, ren tua tủa, hoa giấy uốn cong cánh điểm tô, theo vào giấc ngủ trẻ con, tô thắm niềm vui mùa trung thu. 

                                         
 Cả tuần! Đêm trung thu, đêm uống trà ngắm trăng, đêm thả đèn trên giòng sông Cà Ty êm đềm.  Đó là chuyện người lớn!  Với tôi, tôi chẳng bao giờ bận tâm đến ánh trăng có vàng rực hơn, cũng chẳng tò mò xem coi mặt trăng có tròn to hơn, và càng không có đủ kiên nhẫn đứng ngắm ánh đèn trôi nhẹ nhàng trên mặt nước trong đen. 
 Làm lồng đèn, được ăn bánh trung thu chung với bạn bè, được đi diễn hành, được bánh kẹo và nhất là… nhất là khi về đến nhà thì lại được má chia cho một góc tư cái bánh trung thu beo béo tròng đỏ trứng gà nằm ngạo nghễnh giữa hỗn hợp mứt bí và hạt dưa ngọt ngây ngọt lịm.
Và chắc cũng chẳng kịp rửa chân chứ nói chi đến chuyện đánh răng, dành được cái gối ôm, tôi lăn ra góc mùng, đi nhanh vào cõi mơ rộn ràng mà yên bình, miệng nhẻo nụ cười thỏa mãn.

                                            Võ Thị Điềm Đạm

                                   ~~~~~~~~~~~~~
                                        @@ Camly nhớ mãi những mùa Trung thu Saigon ...với lồng đèn con bướm ,con cá ,hay chỉ là những lon sữa bò ,lon beer được chế thành chiếc đèn có bánh xe đơn giản của các bạn hàng xóm nắm tay rủ nhau đi rước đèn khắp xóm ,khi Cly + đám bạn về nhà bà ngoại ,mẹ ,dì út đã chuẩn bị xong : bánh dẻo ,bánh nướng con heo và  nước ngọt ,trái cây, lũ con nít từ 5t -12t ngồi quây quần vui vẻ ca hát ....
 Kỷ niện tuổi thơ thật đẹp và trăng rằm tháng 8 lung linh huyền ảo .....

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét