Trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 2 tháng 10, 2012

Con Đường Hành Hiệp


Mê truyện Tàu và truyện võ hiệp ngay từ hồi còn bé, lúc đang học lớp Ba tiểu học trường làng nên nếp sống của tôi lắm khi chịu ảnh hưởng khá nặng của những câu chuyện trên trời dưới đất do ngòi bút tưởng tượng thật phong phú của các văn sĩ người Trung Hoa.Vì thế, quý vị thấy cái tựa đề bài phiếm của tôi sặc mùi võ hiệp.
Những ai ở Huế mà hiện nay đang ở lứa tuổi của tôi chắc không mấy ai là không biết nhà sách Ngô văn Mạch nơi duy nhất thời đó cho thuê truyện.
 Tôi cố ý không cho quý vị biết lứa tuổi của tôi là lứa tuổi nào vì tôi đang còn “ham vui”, muốn níu kéo tuổi xuân vì đã từ lâu lắm rồi “cái già xồng xộc nó thì theo sau”, nó bám riết sau lưng tôi, dứt ra không đươc dù đã cố gắng bằng mọi cách kể cả dược lực và các phương pháp thể dục của các vị Đạt Lai Lạt Ma như “Suối nguồn tươi trẻ”. 
Vừa rồi, trong chuyến về thăm quê hương, tôi được một ông bạn thân quảng cáo hiệu lực của rượu ngâm con bửa củi. 
Ông ta khoe với tôi đã ngâm vào rượu (tôi quên mất là bao nhiêu lít) 1000 con bửa củi gồm 500 con nướng và tán nhỏ thành bột, và 500 con ngâm sống để dùng tăng cường sinh hoạt trong phòng the.
 Bạn tôi bảo là muốn bao nhiêu con bửa củi cũng có người cung cấp chả bù lại ngày xa xưa kiếm được một con, trân trọng bỏ vào trong bao diêm mang đến khoe với bạn bè, mỗi thằng thay phiên nhau đè vào lưng nó để thấy nó gục đầu bửa củi.
Chắc cũng vì động tác "bửa" này mà mấy ông ba Tàu tung "tuyau" là phương thuốc rượu ngâm bửa củi có công hiệu trong phòng the.
Tôi được tặng một xị rượu này và rắp tâm sẽ dùng thử xem có thật xung độ hay không, để xem trẻ lại được bao nhiêu tuổi đời. Một nhà tâm lý học nọ đã ngôn rằng trong con tim của các thiếu phụ đều có một góc nhỏ ở trong đó họ thấy mình đang còn ở tuổi bắt bướm hái hoa. 
Thật ra, không phải trong tim của các thiếu phụ mà trong tâm hồn của các cụ ông, cụ bà đều có một ngăn kéo nhỏ bé, thỉnh thoảng họ lôi từ trong đó ra những kỷ niệm thuở thiếu thời và họ để hồn mơ về quá khứ rồi thấy mình vẫn còn đương độ thanh xuân.Tui cũng rứa!Tui thấy tâm hồn tui vẫn còn trẻ và trẻ mãi không già
 (Nói dốc kiểu này thì chính thật là dốc Nam Giao rồi!)
 Tôi đang trở về thời niên thiếu đây! 
Nhà sách Ngô văn Mạch nằm trên đường Gia Long thẳng góc với đường Trần Hưng Đạo. Hai con đường này là hai con phố chính của thành phố Huế nhỏ bé thân yêu của chúng tôi.
Tôi là cậu bé khách hàng quen thuộc của nhà sách này. Mỗi tuần một lần tôi đã theo Mẹ tôi đến nhà sách này để thuê truyện mang về nhà đọc ngấu nghiến sau khi đã học hết bài vở ở nhà trường. 
Bao giờ cũng thế, muốn ôm cuốn truyện là tôi phải đến trước mẹ tôi và long trọng “tuyên bố“:
“Me ơi con thuộc bài rồi!”
Bấy giờ mới được phép đọc truyện.

 Mẹ tôi tin tôi nên rất ít khi người bắt tôi trả bài xem có thuộc bài thật không.
 Mẹ tôi vốn là một nhà giáo tận tụy với nghề nên đặt ra những quy tắc mô phạm mà tôi phải tuân theo một cách tuyệt đối. 
Ví dụ Bà khuyến khích tôi đọc truyện để mở mang trí tuệ và để trau dồi lối viết văn nhưng ưu tiên số một vẫn là bài vở ở trường phải thanh toán đâu vào đấy mới được giải trí bằng cách đọc truyện. 
Tôi phải trả bài cho Người một cách nghiêm chỉnh như đang đứng trong lớp học trả bài cho thầy, cô giáo.
Trả bài mang tính chất học đường một cách trang nghiêm, đứng đắn, phải đứng thẳng người, khoanh tay lễ độ, mắt nhìn thẳng chứ không phải lấm la lấm lét nhìn ngược nhìn xuôi để mong các bạn học trong lớp nhắc “tuồng” khi không thuộc bài.
 Nói đến nhắc tuồng, tôi bỗng nhớ đến một câu chuyện khôi hài trong lớp học:
Thầy giáo hỏi một học sinh tên của thành phố có chiếc cầu treo nổi tiếng là một kỳ quan của thế giới. Cậu học trò bí rị quên mất tiêu tên thành phố này. 

May mắn có anh bạn ngồi bên cạnh nhắc thật khéo bằng tiếng mẹ đẻ để ông thầy không hiểu vì đây là một lớp học trong trường Tây nên giáo sư là một ông Tây mắt xanh mũi lõ. Anh bạn nhắc như thế này: Trăm quan sáu cô, dịch ra tiếng Pháp đi mầy.
 Cậu học sinh được bạn nhắc tuồng, mừng quá nên vội vàng dịch nguyên con: Cent francs six demoiselles.
 Đáng lý ra nếu không dịch chữ ”cô” thành ra chữ "demoiselles" thì đã trả lời đúng câu hỏi của giáo sư là San Francisco rồi.Đấy, trả bài quan trọng như thế đó chứ đâu như bây giờ, gặp nhau trong quán nhậu hay cà phê cứ bô bô mồm hỏi nhau: “Sao, độ rày bài vở ra làm sao rồi, có trả bài đầy đủ cho bà xã không, bà xã có hài lòng không?”
 Câu hỏi này thường dành cho quý ông về Việt Nam một mình khi trở về Mỹ được bạn bè săn đón hỏi han.
Tuy câu hỏi cũng quan trong lắm vì cái sự "trả bài" này cũng gay cấn như ở lớp học nhưng lại đượm mùi “trần tục”, mà cái mùi này cũng hấp dẫn lắm phải không quý vị. 
Những truyện kiếm hiệp mà sau này được gọi là truyện chưởng do ông Kim Dung tung ra trên thị trường sách báo làm độc giả khắp năm châu bốn biển, mê tít thò lò, đọc ngấu, đọc nghiến , hay mê say xem phim bộ suốt đêm ngày, ngày xưa được gọi chung chung là truyện võ hiệp.Và thật đúng như vậy! 
 Trong cái võ bao giờ cũng có chữ hiệp! 
Các hiệp sĩ trau dồi võ thuật để hành hiệp cứu đời. Các hiệp khách tế khốn phò nguy, lấy của người giàu giúp kẻ nghèo khốn, trừng trị bọn cường hào ác bá, bọn quan lại cậy quyền thế bắt nạt lương dân.
 Thậm chí trong một vài bộ truyện, các hiệp sĩ còn ra tay trừng trị và dạy bảo hôn quân phải chấn chỉnh triều đình, tu nhân tích đức để trị quốc, bình thiên hạ. Họ vào cấm cung, tung hoành, bất chấp phép nước, không e ngại quân lính triều đinh, âm mưu ám sát vua chúa. Tôi thích nhất là những truyện trong đó có những pha đã lôi đài vì thế mà ngày nay tôi cũng còn ham mê xem các trận đấu quyền Anh hay các cuộc thi tài kick boxing, Ultimate Fighting vv


…Gần như trong các bộ truyện võ hiệp này bao giò cũng có một hồi nói đến các nhà sư hổ mang đem gái về hành lạc làm nhơ bẩn cửa chùa và bao giò các nhà sư này cũng bị trừng trị thẳng tay và các ngôi chùa ô uế này sau đó đã bị hỏa thiêu như bộ truyện tôi còn nhớ tên: Hỏa thiêu Lâm Thiền Tự hay “Máu tuôn xóm Liễu”.
 Đây là một bộ truyện võ hiệp mà bối cảnh là đất nước Việt Nam do một nhà văn Việt Nam (Dĩ nhiên!) sáng tác. Rất tiếc tôi quên mất tiêu tên tác giả! 
Tôi chỉ nhớ là trong số các văn sĩ Việt Nam có hai vị nổi tiếng nhất sáng tác tiểu thuyết võ hiệp. Đấy là Văn Tuyền với hai bộ truyện thật hay đã làm tôi và các bạn đồng lứa đọc mê mẩn đến mờ cả mắt, đọc quên cả thở:
 Bộ Chu Long Kiếm và Lục Kiếm Đồng. Nhà văn này còn có tên là Phạm cao Cũng khi ông sáng tác truyện trinh thám với nhà thám tử Kỳ Phát.
 Ông thứ hai lấy bút hiệu Lý Ngọc Hưng khi viết truyện võ hiệp với những tác phẩm nổi tiếng một thời: Bồng Lai Hiệp Khách với nhân vật Kim Hồ Điệp, một nữ hiệp sĩ giả trai đi hành hiệp giang hồ và “Honey” Ngọc Kỳ Lân và truyện Giao Trì Hiệp Nữ với nữ hiệp khách Bạch Lê Hoa đẹp mê hồn, kiếm pháp độc nhất vô nhị trên giang hồ cùng “boy friend” Đoàn Thạch Cương dong ruổi trên dặm dài thiên lý cứu khổn phò nguy. 
Lý Ngọc Hưng lúc viết truyện trinh thám thì lấy bút hiệu là Thanh Đình mà nhân vật Người Nhạn Trắng và ba anh em Hồng Quốc Văn, Hồng Quốc Vũ và Hồng Bích Nga một thời đã thu hồn hớp vía độc giả vì đã thổi một luồng gió mới vào bộ môn tiểu thuyết trinh thám khác hẳn với lối cổ điển theo kiểu Conan Doyle và Lê Phong phóng viên của Thế Lữ hay thám tử Kỳ Phát của Phạm Cao Cũng.


Nhân chuyến về thăm quê hương , thuê một xe hơi từ Sài Gòn ra miền Trung , trên “con đường cái quan”( nay đã được tu bổ trở thành quốc lộ tuy không thể nào sánh bằng xa lộ của Hoa Kỳ nhưng cũng đã khác xa với những hương lộ thời trước 1975, ổ gà “ngổn ngang gò đống kéo lên” bất an ninh một cách chán chường vì các “anh hùng đặc công” mà giờ đây không biết còn hay mất và nếu còn tại thế thì không biết các trự này có hối hận vì đã phá nát quê hương ngăn cản chính quyền miền Nam xây dựng đất nước không nhĩ.) tôi bỗng liên tưởng đến các anh hùng hiệp khách Trung Hoa và tự hỏi thời xa xưa, hệ thống đường sá thô sơ, phưong tiện lưu thông chỉ duy nhất bằng ngựa và xe do ngựa kéo, không biết làm thế nào mà các hiệp sĩ có thể xuôi ngược phom phom từ nơi này đến nơi khác trên 1 xứ sở rộng lớn như Trung Hoa, núi non, sông lạch, biển hồ, sa mạc mênh mông, biển khơi dậy sóng được.

 Dân cư đông đúc, đất nước bao la, phương tiện truyền thông bằng miêng, tôi thật không hiểu làm thế nào mà các đấng anh hùng của tôi có thể tìm ra kẻ thù để phục thù và báo hiếu. 
Đấy là chưa kể đến thời gian di chuyển từ làng mạc này đến thị trấn nọ, thành thị kia bằng xe và ngựa, chiếm thật nhiều ngày tháng thậm chí đến hàng năm dài.
 Di chuyển bằng xe hơi mà tôi đã thấy ngút ngàn xa tắp, ê ẩm bàn tọa và đã không biết bao nhiêu lần yêu cầu tài xế ngừng xe dọc đường để hưởng đệ tứ khoái theo kiểu nhất quận công nhì ĩa đồng. 
Vậy mới biết mấy tiểu thuyết gia Trung Hoa đã phịa không hợp lý tí nào khi mô tả con đường hành hiệp của giới võ lâm thời xưa.
Thế mới biết những độc giả mê truyện võ hiệp như tôi thật quá dễ dãi và khoan hồng, không thèm nghĩ đến sự hợp lý của câu chuyện trong vấn đề di chuyển.
Còn nữa, Kim Dung còn phịa ra một hiêp sĩ mù tên Kha trấn Ác đệ nhất sư phụ của “Trâu Nước” Quách Tỉnh trong bộ truyện “Anh Hùng Xạ Điêu”.
 Ông hiệp sĩ mù này có thể phi hành trong rừng rậm mà không va đầu vào cây cối chằng chịt thì thật là một điều hoang tưởng không có gì phi lý bằng. Chẳng thà như trong truyện phim Nhật Bản: “Hiệp sĩ mù nghe gió kiếm” thì còn có thể khả tín chứ cái ông già mù mà lại phi hành như “zó” trong rừng rậm thì thật “Phi nĩ lô đía” (hết nước nói!) 
Mặc kệ! Hữu lý hay vô lý, không quan trọng, độc giả của Kim Dung, như tôi, chấp nhận hết, OK tuốt luốt, miễn sao “Zui” thì thôi. 
Sở dĩ các tiểu thuyết gia của ta không thể viết truyện võ hiệp hấp dẫn như truyện Tàu là vì đất nước ta quá nhỏ bé, chỉ có một tí chiều dài còn chiều rộng thì quá khiêm nhường.Làm thế nào để mô tả cuộc trường chinh dài đằng đẵng của các hiệp khách được.
 Làng quê thì nghèo nàn làm gì có quán xá khang trang rộng lớn, món ăn đa dạng và sang trọng như các món ăn Tàu. Một chi tiết khác ít ai để ý đến và tôi cũng vừa được một người bạn gợi ý.
 Ấy là vấn đề chi tiêu của các hiệp khách. Các ông này thật là quá “huởn” và quá phong lưu! 
Suốt cuộc đời, cứ đi đây đi đó tàng tàng, không nhà không cửa, "homeless" dài dài, mà ăn tiêu thì phung phí.Vào quán ăn, kêu vung vít rượu ngon, thịt heo, thịt trâu, thịt dê, cá chép, gà vịt lung tung mà không biết tiền bạc kiếm ra bằng cách nào.
 Chả lẽ cứ vào các nhà giàu cầm nhầm vài trăm lượng vàng, mấy ngàn lượng bạc rồi cứ đổ thừa là mấy ông nhà giàu này là loại cường hào ác bá bóc lột dân lương thiện nghèo đói để lương tâm khỏi cắn rứt.
 Chia cho dân nghèo chút ít cũng trấn an được lương tâm, để thấy mình hành hiệp trượng nghĩa. Mấy ông nội này thế mà sướng thật! 
Ăn tiêu vung vít, giết người như ngóe, không quan tâm đến phép nước, luật vua miễn là họ xét thấy những người họ giết xứng đáng với sự trừng trị của họ.
 Chẳng bao giờ thấy các tiểu thuyết gia Tàu bận tâm đến tiền bạc của các hiệp khách.
Thế mà không độc giả nào lưu ý đến vấn đề này, xem như là một tiểu tiết bên cạnh cái hùng của các hành động và cái hiệp tâm của những hiệp khách trong giang hồ.Phải công nhận mấy tiểu thuyết gia Tàu viết truyện võ hiệp thật rành tâm lý của độc giả! 
Tôi nêu lên cái vô lý của họ, cái phịa tung trời của họ khi mô tả những võ công xem như phép thần thông biến hóa của các bậc tiên thánh.
 Tôi vẫn thích thú khi đọc thấy một hiêp sĩ thổi cho một hạt cơm bay xuyên qua bức mành ngăn hai phòng tiệc để tấn công một thực khách ở phòng bên và ông này nhẹ nhàng dùng đủa gắp lấy hạt cơm đã được truyền nội lực vào để biến thành một món ám khí. 
Tôi vẫn mê truyện chưởng như thường, bất chấp những phi lý.Tôi cảm ơn các nhà viết truyện võ hiệp đã cho tôi những giây phút giải trí thoải mái, cho tâm hồn đi hoang theo sự tưởng tượng thật phong phú của họ trên con đường hành hiệp của những hiệp khách giang hồ.
 Tôi vui theo những tưởng tượng hoang đường của các tiểu thuyết gia Trung Hoa và Việt Nam.
 Các bạn có cho tôi là ngu muội, là ấu trỉ, tôi xin tâm lãnh.Tôi vẫn muốn đi trên con đường hành hiệp.

                              ~~~~~Hoàng Đức~~~~~~ 


                   @ woa t/g  :""Mê truyện Tàu và truyện võ hiệp ",Camly  cũng là fan của Kim Dung lúc học lớp 6 ,l.7, thấy mấy anh chị luyện chưởng trong dịp nghỉ hè , Camly cũng mon men xin đọc ké và ghiền  fim Hkong luôn .
 Và  có khi  ghiền quá , Cly lén ba má đọc truyện kiếm hiệp mà làm bộ  như chăm chỉ  học bài , nếu không bị phạt quỳ gối hay ăn bánh tét nhân mây, nay  nhớ lại kỷ niệm lúc nhỏ thật là vui !
                 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét