Trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 4 tháng 10, 2012

Scott Neeson -“Người tạo phép mầu.”

  Dân chúng Khmer ưu ái gọi ông Neeson là “người tạo phép mầu.”
Một buổi sáng trong lúc ngồi tại nơi làm việc ở Phnom Penh, điện thoại cầm tay của Scott Neeson reo vang, đầu dây bên kia là tiếng nói của người đại diện cho một tài tử nổi tiếng Hollywood: “Ðoàn quay phim và các tài tử đang gặp vấn đề vì chuyến máy bay thuê mướn không đủ nước và thức ăn theo đúng yêu cầu.”
 Tiếp theo là âm thanh cho thấy chiếc điện thoại bị chuyền sang tay người khác, và giọng của một ngôi sao điện ảnh gầm lên, “Scott, nếp sinh hoạt hàng ngày của tôi không thể rơi vào tình huống khó khăn như vậy, anh phải giải quyết ngay!”
Cuộc đối thoại ngắn và xẩy ra đúng buổi sáng ông Scott Neeson vừa nhận được tin, năm trong số những đứa trẻ sống tại trung tâm của tổ chức từ thiện Cambodian Children's Fund do ông sáng lập, bị khám phá mắc căn bệnh thương hàn có thể nguy đến tính mạng.
Scott Neeson dằn cơn giận để khỏi văng tục.
 Sau này nhớ lại tâm trạng buổi sáng hôm đó, ông nói với ký giả Robert Kiener của báo Reader's Digest, rằng chính nhờ chuyện đó mà cuộc đời ông hoàn toàn rẽ sang một khúc quanh khác.
 Ông chia tay kỹ nghệ ánh sáng Hollywood, từ bỏ chiếc du thuyền, căn nhà to như một lâu đài và chiếc xe Porsche thể thao đắt tiền để trọn vẹn dấn thân cho những phận trẻ em cùng khốn ở đất nước Chùa Tháp.
 Ký giả Robert Kiener viết rằng, trong một chuyến đi làm phóng sự cho tờ báo tại Cambodia, ông trông thấy nhân vật tăm tiếng của Hollywood ngay tại một bãi rác khổng lồ ở ngoại ô thủ đô Phnom Penh. Scoott Neeson, dáng người cao, thon đẹp, mặc chiếc áo thun giản dị, quần jean, chân đi đôi ủng cao su đứng ngay trên bãi rác đầy ruồi nhặng bu đầy những túi phế thải của các bệnh viện, gồm cả ống chích, bông băng, bộ phận cơ thể con người bị cắt lìa từ những ca giải phẫu, và cả những bào thai của các thai nhi bị phá. Scott cảnh cáo Robert rằng chỉ cần đạp nhằm một ống kim chích là có nguy cơ bị lẫy nhiễm virus HIV gây bệnh AIDS hoặc bị viêm gan hepatitis.
Vậy mà Scott vẫn bình thản. Mà nào có phải Scott là loại người buộc phải làm công việc ở nhưng chốn thế này cho cam! 
Vì đối với thế giới điện ảnh Hollywood, Scott là nhân vật đáng nể, “vua biết tiếng, chúa biết tên,” từng làm việc trên sàn quay với những ngôi sao lẫy lừng như Harrison Ford, Tom Cruise, Mel Gibson...
    Năm 2003, lúc vừa bước vào tuổi 44, Scott đã là phó chủ tịch đặc trách tiếp thị cho hãng sản xuất phim Sony Pictures; trước đó ông từng làm việc với 20th Century Fox và trông coi việc trình chiếu những cuốn phim nổi tiếng như Braveheart, Titanic, Star Wars, X-Men... ...
Còn về tài sản, cơ ngơi của ông thật đồ sộ, gồm một biệt thự to lớn nằm trên đại lộ Beverly Hills, một du thuyền sang trọng, một chiếc xe Porsch trị giá cả trăm ngàn Mỹ kim, và đồng lương cả triệu đô la mỗi năm. Ðời sống cá nhân, ông chưa bao giờ lấy vợ và thường xuyên cặp kè với những cô gái trẻ măng.
Tất cả chỉ vì một chuyến du lịch Á Châu cũng vào năm 2003.
Khởi đầu, Scott dự trù chỉ ghé qua Phnom Penh vài ngày, nhưng ông đã bị chấn động tình cảm khi thấy những con người cùng khổ của đất nước Chùa Tháp.
 Hủy các chặng dừng chân kế tiếp, ông ở lại, và dù chỉ ngắn ngủi vài tuần, ông chứng kiến tận mắt đời sống quá sức khổ ải của những đứa trẻ lang thang không nhà trên mọi ngõ ngách.
 Ðiển hình là câu chuyện của cháu bé gái 12 tuổi Rithy: chưa bao giờ biết đến sách vở nhà trường, sống lây lất nhờ vào bươi các đống rác để tìm đồ phế thải bán lại cho giới con buôn.
Scott Neeson tự nhủ phải làm một điều gì đó cho hàng triệu đứa bé như Rithy.
 Ông quyết định đi lại Cambodia thương xuyên hơn, và một năm sau, 2004, ông bỏ ra hơn $ 100 ngàn Mỹ kim tiền túi của mình để làm bước khởi đầu cho tổ chức vô vụ lợi Cambodian Children's Fund (CCF).
Thoạt đầu, mục tiêu của CCF chỉ nhằm xây một căn nhà để nuôi ăn 45 trẻ em và cho các em đi học. Nhưng chỉ một năm sau, số trẻ lên tới 100 và rồi 200.
  Cho tới nay, CCF cung cấp nhà ở, thực phẩm, quần áo, săn sóc y tế, giáo dục, huấn nghệ cho hơn 1,200 em; và nhân sự làm việc cho CCF lên tới 445 người.
 Với sự trợ giúp của CCF, các em đi học tại một trường công, được học thêm môn Anh văn và lớp căn bản về computer. Ngoài ra, CCF còn có một trung tâm giữ trẻ với hơn 200 em, hầu hết từng bị cha mẹ bỏ rơi trên đường phố.
Dân chúng Khmer ưu ái gọi ông Neeson là “người tạo phép mầu.” Năm 2007, phân khoa Y Tế Công Cộng thuộc Ðại Học Harvard đã vinh danh ông là “khuôn mặt tiêu biểu cho lòng dũng cảm thật sự.” Phần ông, tâm sự với ký giả Robert Kiener, ông bày tỏ rằng mọi việc mới chỉ ở bước khởi đầu, và dù thảng hoặc cũng có những giây phút nhớ kinh thành ánh sáng Hollywood, ông có về thăm chốn cũ, nhưng cũng chỉ được một tuần rồi lại nôn nóng trở lại Phnom Penh, vì đó là “thực tế đời sống,” ông nói.
Scott Neeson không phải là loại người thích phô trương những thành quả của mình, vì ông vốn kiệm lời.
 Ông chỉ muốn những trẻ thơ ông giúp đỡ, nay từng bước một thoát khỏi vũng lầy đen tối và ngoi lên, sẽ nói thay cho ông.
Ðiển hình là trường hợp của Kunthea, một đứa bé trai lúc mới lên ba đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. 
Mười hai năm liền, cuộc đời đang chìm trong tăm tối thì Kunthea gặp và được ông Neeson cứu giúp.
    Bây giờ Kunthea đã là một chàng trai 21 tuổi, làm đầu bếp trưởng cho nhà hàng Metro Café ở Phnom Penh và mộng ước của anh là ngày nào đó khi dành dụm được ít tiền sẽ mở một quán ăn riêng của mình.
Chanry cũng thế. Cô bé đen đủi gầy gò may mắn gặp “người tạo phép mầu” vào lúc em tròn 10 tuổi.
 Hiện ở lứa tuổi 16, Chanry đang học trung học và bỏ thì giờ buổi tối dạy Anh văn miễn phí tại một trường vô vụ lợi nằm cạnh bãi rác cách đây 6 năm em từng sinh sống.
Trả lời câu hỏi của báo Reader's Digest là hướng đi sắp tới của CCF là gì, “người tạo phép mầu” Scott Neeson cho biết, ông hy vọng CCF ngày càng lớn mạnh để có khả năng giúp thêm nhiều hơn nữa phận trẻ bơ vơ; và những đứa bé này, mai sau lớn khôn, các em sẽ trở thành những người làm chuyển đổi đời sống của xã hội và là “những người giải quyết vấn đề” (problem solvers) cho các trẻ em nghèo hèn khác.
Hành động từ bỏ giàu sang, phú quý để dấn thân cho con người của Scott Neeson làm gợi nhớ một câu nói của một tác giả khuyết danh: “Ðến cuối cuộc đời của tôi, những sở hữu vật chất không còn quan trọng nữa, nhưng thế giới này có thể là một nơi tốt đẹp hơn, vì tôi đã làm được vài việc thiết thực cho cuộc sống của các em.”

                                             Ðinh Quát

                                     @@ tks t/g & Mr. Scott Neeson 
                                                          

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét