Trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012

Nam Lộc - Xin Đời Một Nụ Cười

                                             2 MC Nam Lộc -Thùy Dương
 "Tôi làm nhạc trước hết là để thỏa mãn nhu cầu tâm hồn, ngợi ca tình yêu, vỗ về cuộc đời và an ủi thân phận của chính mình, vì thế mọi chuyện sau đó đều được xem là những phần thưởng không mong đợi.”, Nam Lộc.“Tôi bước đi khi Saigon trong cơn hấp hối.
Như một người tình phụ thở hơi cuối cùng.
Tôi bước đi Tân Sơn Nhất lửa khói ngập trời,
Khu thương xá cửa khép cuộc đời,
Những con tầu ngơ ngác ra khơi..."
Tôi lắng nghe nhạc phẩm thứ 11 trong dĩa CD "Sài Gòn ơi, Vĩnh biệt" với nỗi buồn vơi, với tâm trạng thổn thức xót xa khi ly hương, vì nó nhắc nhở những kỷ niệm thương đau khi bước xuống tàu rời Sài Gòn thân yêu với bao ngậm ngùi, bao quyến luyến, và bao tiếc thương vì hồn tôi hoang mang vương vấn với Sài Gòn.

 Bản nhạc "Xin đời một nụ cười" đang vang lên trong căn phòng của tôi qua ba tiếng hát Khánh Ly, Thế Sơn và Trần Thái Hòa, có lẽ nó không chỉ làm tác giả xúc động không mà thôi khi anh miệt mài trau chuốt từng câu văn hay từng tiết tấu của nốt nhạc, nó còn làm tim tôi rung động vì nhạc, vì lời và cũng vì những giọng ca tuyệt vời chuyên chở những ý tưởng của tác giả làm tôi gợi nhớ Sài Gòn xưa hơn.
"Tôi bước đi qua đường rừng chông gai tăm tối.
Như cuộc đời ở lại từ khi mất người.
Tôi bước đi như con rết lê lết cuộc đời,
Như thân bướm đôi cánh rã rời,
Lấy u sầu che dấu tả tơi..."

Đã từ lâu rồi tôi muốn có một bài viết ghi nhận những cảm quan của mình về nghệ sĩ Nam Lộc vì những bài nhạc do anh làm. Phải nói rằng nhạc anh làm không nhiều như nhiều người sáng tác tại hải ngoại.
 Tôi có quen những thân hữu có số lượng nhạc khá nhiều, có người hơn 300 bài nhạc, hay người được hơn 500 bài, nhưng họ chưa có cái may mắn để đẩy nhạc họ lên cao. 
Với anh Nam Lộc lượng có lẽ ở hàng chục mà thôi, tuy nhiên hầu hết những nhạc phẩm do anh sáng tác được công chúng đón nhận thật nồng hậu. 
Tôi ví dụ như các bài trước biến cố 75 như "Chỉ còn là giấc mơ qua", "Anh đã quên mùa thu" hay "Trưng Vương khung cửa mùa thu" rồi đến những sáng tác sau năm 75 như "Sài Gòn ơi, vĩnh biệt", "Người di tản buồn" hay "Xin đời một nụ cười". Tôi biết đến tên anh lần đầu khi anh soạn lời Việt bài "Yellow Bird", viết bởi các nhạc sĩ Mariln Keith, Alan Bergman và Norman Loboff theo âm điệu rumba du dương của hải đảo Jamaica, thuộc vùng nhiệt đới Caribbean, bài nhạc ra đời năm 1957, để rồi anh cho Việt hóa lời nguyên thủy Anh ngữ nói về nàng két hoàng vũ bay nhảy đu đưa trên cành chuối, rồi chim bay mất hút như cô bạn gái hẹn hò để rồi không đến để người bạn trai lòng buồn sầu vơi.
 Bài ca này được chuyển ngữ qua lời Việt rất dễ thương dưới tên "Chỉ còn là giấc mơ qua", lời mang ý tình tự xao xuyến khi được anh Nam Lộc biến dạng qua lời nhớ nhung, bâng khuâng mộng lòng trong phút giây chờ đợi hẹn hò người yêu, như mùa tình yêu đang đến, những lưu luyến khi nhìn người bạn gái dáng e ấp dưới ánh nắng hanh vàng đón nàng trước cổng trường. 

“Như làn mây, tình yêu thôi, giờ đây lững lờ
Như làn gió, tình yêu thôi giờ đây hững hờ.
Rồi một lần xa cách là một đời than trách
Rồi cuộc tình bay mất và một người đi khuất
Tình chỉ còn cay đắng đời chỉ còn xa vắng
Và chỉ còn nắng vương cuối đường…” 

Năm 1973 tôi nghe tape nhạc trẻ có bài này trong tâm tư say mê, nghe đi nghe lại cả chục lần và rồi tập hát cho cô bạn gái tôi nghe trong những lần picnic hay du ngoạn tại Lái Thiêu, Biên Hòa hay Long Hải. Tôi gặp tác giả bài hát này vài lần khi anh cùng anh Joe Marcel vào cư xá Bạch Đằng, gần góc đường Lê Thánh Tôn và Cường Để, khi ghé thăm gia đình trung tá Ninh HQ, vì ông là anh rể của anh Joe Marcel. Tôi có nhắn anh Nam Lộc là tôi rất thích bài "Chỉ còn là giấc mơ qua" do anh chuyển ra lời Việt.
“Thương người thương, ngàn xưa ơi, ngàn sau nét cười
Vương sầu vương, đường xưa nay giờ đâu bóng người.
Tình lịm màu tan vỡ lòng chỉ còn nhung nhớ
Giờ một mình quên lãng lạnh lùng theo năm tháng
Dù một lần em đã mềm lòng như chiếc lá
Là một lần xóa dấu đớn đau…”

Đời sống có thuở đi học, có thuở hẹn hò chờ em trước cổng trường như nhạc phẩm "Bên Nhau Ngày Vui" của Quốc Dũng, như "Chuyện Hẹn Hò" của Trần Thiện Thanh, như "Em Cứ Hẹn" của Hoàng Thanh Tâm hay nhạc phẩm của Nam Lộc vang vọng những ngày xưa thân ái rót hồn mình ngân nga qua lời ca tiếng hát:

”Em nhớ ngày, anh đón em góc trường
E ấp, thẹn thùng, vấn vương
Em nhớ ngày, anh đón em cuối đường
Dù đường loang vết nắng nắng vẫn lung linh màu…” 


 Nam Lộc bước vào làng âm nhạc như thế nào?
 Phần dưới đây xin trình bày cái duyên văn nghệ đưa đẩy anh vào những thành công nối tiếp như một người sáng tác nhạc chỉ vì nguồn cảm hứng của nghiệp dĩ đam mê âm nhạc. Nam Lộc và Phong Trào Nhạc Trẻ: 
 Tôi đọc bài viết cũ của anh Trường Kỳ, một người bạn thân thiết của anh Nam Lộc (NL) mà trong phong trào nhạc trẻ khi xưa tên hai anh gắn bó như bóng với hình khi tung hoành trên sân khấu nhạc trẻ Sài Gòn, cái tên quen thuộc Trường Kỳ - Nam Lộc, anh Trường Kỳ (TK) cho biết là: “Lộc cũng đã có ít nhiều sinh hoạt cùng quen biết với những nghệ sĩ trong giới du ca và tình ca mà không có một liên hệ nào với phong trào nhạc trẻ, bắt đầu hiện diện ở Việt Nam từ đầu thập niên 60. 
Khánh Ly, Trịnh Công Sơn, Miên Đức Thắng, ...là những người anh thường gặp gỡ trong thời kỳ có sự xuất hiện của quán Văn.
 Đó là một địa điểm sinh hoạt văn nghệ nổi tiếng một thời và cũng là nơi những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn bắt đầu chinh phục giới trẻ yêu nhạc qua tiếng hát của “Nữ Hoàng Chân Đất” Khánh Ly.
 Sau khi quán Văn đóng cửa, với một đầu óc bén nhậy để nhìn thấy được chiều hướng thưởng thức nơi lớp khán giả trẻ yêu nhạc, Lộc quyết định khai thác tiệm cà phê Quán Gió với mục đích để Khánh Ly và Trịnh Công Sơn có địa điểm phổ biến tác phẩm và giọng ca của mình.
 Nhưng không khí của quán Văn ngoài trời ngày nào đã không có thể tìm thấy được nơi Quán Gió.
 Khách đến đây thích ngồi nhâm nhi bên ly cà phê giữa bốn bức tường trong ánh sáng mù mờ hơn là nhất thiết chỉ để nghe nhạc.
 Dự định của Lộc vì vậy không thành, dù Trịnh Công Sơn từng đôi lần hát trước khán giả Quán Gió trong những lần tổ chức bỏ túi rất giới hạn người nghe.
 Tuy nhiên Quán Gió cũng tạo cho mình một thế đứng đặc biệt với những buổi tổ chức văn nghệ trong bầu không khí thân mật và ấm cúng với những nghệ sĩ từng tới đây sinh hoạt như Từ Công Phụng, Khánh Ly, Miên Đức Thắng, vv...”. Anh TK viết tiếp là: “Sau khi quyết định đến với phong trào Nhạc Trẻ, Lộc cảm thấy có nhiều gần gũi để dần dần đi vào hoạt động một cách tích cực sau đó ”tại vì thực sự là trước khi gặp ông, tôi đâu có một người bạn thân nào đâu. 
Tôi có nhiều bạn nhưng không có bạn thân. Gặp ông thì hai đưá như có một sự tâm đầu, nó hợp nhau .Hợp nhau từ cách sống, hợp nhau từ cách nói chuyện , gặp nhau từ cách sinh hoạt thành ra nó hợp “gu”. 
Thành ra tôi lên sinh hoạt với ông nhiều”, như lời Nam Lốc tâm sự với tôi.
 Phần tôi, nhận thấy nơi Lộc là một con người nhanh nhẹn, ăn nói khéo léo với nhiều sáng kiến nên tin tưởng anh là một người sẽ cùng với mình và Tùng Giang – quen với tôi 2 năm trước đó – góp sức để phát triển phong trào nhạc trẻ. 

Từ khi quen biết, Lộc thường xuyên tham dự những chương trình nhạc trẻ do tôi tổ chức ở vũ trường “Chez Jo Marcel” ( sau đó đổi tên thành “Đêm Mầu Hồng” ), rồi tới Queen Bee. Một lần bận việc bất ngờ trong lúc chương trình “Hippies À Gogo” đang diễn ra, tôi đã dúi “micro” vào tay Lộc để nhờ anh thay thế công việc giới thiệu chương trình. Dù không sửa soạn trước, nhưng Lộc đã ứng biến rất nhanh để hoàn thành một việc đầu tiên trong đời rất suông sẻ. Sự kiện này khởi đầu cho nghề MC của anh tại hải ngoại sau này. Thời gian kế tiếp, thỉnh thoảng Lộc vẫn lên sân khấu giới thiệu những ban nhạc trình diễn tại “Hippies À Gogo” với nhiều thích thú.

 Không đầy một năm sau, Khánh Ly đứng ra khai thác chương trình ca nhạc tại vũ trường Queen Bee và mời Lộc ở lại thực hiện một chương trình nhạc trẻ hàng tuần, trong khi tôi dời chương trình của mình về vũ trường Ritz do Jo Marcel khai thác trên đường Trần Hưng Đạo.
 Dưới mắt mọi người, đây là hai chương trình “cạnh tranh” với nhau, nhưng thực tế chúng tôi vẫn trao đổi những ban nhạc trình diễn cho cả hai chương trình với số lượng khán giả trẻ luôn luôn đông đảo tại cả hai nơi.
 Từ đó có thể coi Nam Lộc chính thức đến với phong trào Nhạc Trẻ và luôn sát cánh với Jo Marcel, Tùng Giang và tôi trong mọi tổ chức với nhạc trẻ giữ vai trò nồng cốt. 
Chẳng hạn như những cuốn phim về Nhạc Trẻ do Nhóm Jo Marcel thực hiện như “Thế Giới Nhạc Trẻ” và “Vết Chân Hoang” mà Lộc cũng góp không ít công sức. Đối với giới Nhạc Trẻ, tên tuổi Nam Lộc đã trở nên quen thuộc và tạo được khá nhiều uy tín.” 
Nam Lộc và Phong Trào Việt Hóa Nhạc Trẻ:
 Như VH nói sơ qua ở phần trên từ năm 1972, nhạc sĩ Nam Lộc cũng là một trong những người tích cực nhất đối với phong trào Việt hoá nhạc ngoại quốc bằng cách viết lời Việt cho những ca khúc thịnh hành từ các ngôn ngữ Anh, Pháp và Hoa.
 Sự đóng góp của anh nằm trong quan niệm muốn tạo điều kiện cho giới trẻ về nguồn và gần gũi với tâm tình và ngôn ngữ của người Việt hơn qua những lời ca hoàn toàn bằng tiếng Việt.
 Đối với anh phong trào Việt Hoá Nhạc Trẻ cũng nằm trong niềm thao thức về mặt xã hội mà anh ấp ủ.
  Trong phạm vi này, NL đã phát triển ý nhạc vượt bực trong tâm hồn yêu mến văn nghệ của mình, mặc dù anh không phải là một nhạc sĩ chuyên nghiệp chính thức khi ấy, chưa bao giờ anh thực thụ học lý thuyết nhạc hẳn hòi từ các trường lớp huấn luyện chuyên nghiệp, ngoài việc học hỏi lóm nơi bạn bè để có thể sử dụng guitar một cách đơn sơ đủ hiểu căn bản cách ghép nhạc.
 Thuở ban đầu ấy, NL góp ý về giai điệu và viết lời cho nhạc phẩm “Anh Đã Quên Mùa Thu” cùng với nhạc sĩ Tùng Giang.
 Sau đó là nhiều nhạc phẩm ngoại quốc được anh chuyển sang lời Việt bằng cách dựa trên giai điệu của nhạc phẩm chính mà anh rung cảm, đặc điểm là anh hoàn toàn không quan tâm đến phần nội dung lời ngoại ngữ như các bài Dĩ Vãng Buồn (I’ll Never Fall In Love Again), Phút Bên Em (L’Amour Avec Toi), Dòng Đời (My Way), Tình Ca Cho Em (Goodbye To Love), Như Mùa Thu Lá Bay (Ben), Mây Lang Thang (A Cowboy’s Work Is Never Done), Một Thời Để Yêu (Les Amoureux Qui Passent), Chỉ Là Giấc Mơ Qua (Yellow Bird), v.v... Lý do rất dễ hiểu là vốn liếng sinh ngữ của anh khi đó tương đối không nhiều lắm như anh cho biết. 

Tuy vậy, nét đặc sắc trong cách viết lời Việt của NL phải nói là ở nghệ thuật phô diễn cách dùng chữ vô cùng sâu sắc và khéo léo khiến người nghe quên hẳn nguồn gốc nhạc ngoại quốc của nhạc phẩm đã được hoàn toàn Việt hoá như chủ trương của phong trào Việt Hoá Nhạc Trẻ.
 Điển hình là hai nhạc phẩm “Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu” và "Chỉ Còn Là Giấc Mơ Qua", tôi nghe mà cứ ngỡ là nhạc Việt nguyên thủy được sáng tác. 
Nếu ai chỉ nghe qua mà chẳng màng tìm hiểu về nguồn gốc của bài nhạc thì NL được luôn music credit vậy. “Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu” chính là nhạc phẩm “Tell Laura I Love Her “ với thanh âm rất ăn khớp hay giai điệu rất thích hợp cho lời ca bằng tiếng Việt, hoàn toàn khác biệt với nội dung của bài nhạc Mỹ nguyên thủy: “Tim em chưa nghe rung qua một lần
Làn môi em chưa hôn ai cho thật gần
Tình trần mong manh
Như lá me xanh
Ngơ ngác rơi nhanh

Thu giăng heo may cho bóng cây lạnh đầy
Người cho em nghe câu nhớ thương từng ngày
Những ngày đợi chờ
Đợi người qua cơn mơ
Trong nắng vu vơ
Trong mắt ngây thơ

Nhớ khói bay lạc vấn vương
Cho hơi ấm lên môi người


 ...... Lời sau cùng của bài viết này, trong sự suy nghĩ riêng tư của tôi về Nam Lộc là anh đã thật sự thành công trên cả hai phương diện văn nghệ và xã hội: 
Về mặt văn nghệ, có lẽ không ai không biết anh là một Nam Lộc nhạc sĩ, dù rằng do nghiệp dĩ hay do duyên nợ, với một số ca khúc tiêu biểu cho tình yêu và cuộc sống tị nạn ly hương đã đi sâu vào tâm hồn người thưởng ngoạn. 
Anh còn là một Nam Lộc MC, chững chạc qua phong cách xuất hiện trước công chúng, nhưng hẳn không kém qua nét vui tươi, dí dỏm.
 Về mặt xã hội, anh là một Nam Lộc, giám đốc cơ quan USCC vùng Los Angeles. 
Nam Lộc tận tụy với những giúp đỡ cho đồng hương về những nỗ lực di trú, xã hội. 
Nam Lộc đến với tuổi trẻ vươn lên trong dòng chính, người đồng hành của những ngườì cao niên, những cựu tù nhân CS sống đời tạm dung trên đất Mỹ, cần đến với Nam Lộc những kiến thức căn bản đối với những điều khoản chuyên môn về luật di trú. 
Sau hết anh là Nam Lộc của người tị nạn bất hạnh, "The Unforgotten Ones".

Với những đam mê trong nghề nghiệp, hay những cảm nghĩ gửi gấm nỗi lòng trong những khúc hát của anh, tôi xin dược viết lại những đặc điểm của một người anh, một người bạn hay một người đồng hương đã đi sát với những người di tản buồn ly hương sau biến cố mất miền nam của tháng 4 đen, 1975, cho đến những người tị nạn CS cùng kẹt vềsaunày.                                                                              

                                     Việt Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét