Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2013
Cơm Nắm
Vào khoảng trước năm lên mười tưổi, có lần tôi suýt chết đuối ở ao làng. May mà các anh tôi vớt kịp.
Tối hôm đó, mẹ dắt tôi đi cùng, đến cái ao ấy. Mẹ bưng một cái rá đựng bẩy nắm cơm chim chim và mấy nén nhang.
Đến bờ ao, mẹ thắp nhang rồi chao rá cơm trên mặt nước và khấn khứa:
- Bớ ba hồn bẩy vía thằng Bốn ( Bốn là tên tôi ) ở đâu thì về với mẹ...
Rồi mẹ cầm nhang vái tứ phía.
Những nắm cơm chim chim ấy chắc là thiêng lắm nên tôi khỏe mạnh lớn khôn dần, và vẫn sống cho đến khi viết những dòng này. Tôi lớn lên bên chính cái ao làng ấy trong sự yêu thương của cha mẹ, sự dùm bọc của gia đình, sự thương mến chở che của làng xóm quê hương...
Từ những nắm cơm chim chim " chao vía " ( nếu là con gái thì chín vía ), hoặc để cho trẻ ăn cho vui, tôi đã bao lần được ăn những nắm cơm khác nhau trong những hoàn cảnh khác nhau.
Lần đầu tiên đi xa nhà: mẹ đã gửi tình thương yêu của mẹ, hơi hướng của mẹ, bóng dáng của mẹ... qua nắm cơm trong mo cau vườn nhà.
Đêm trở trời, nằm trong nhà bỗng nghe đánh " bộp " ngoài sân. Mẹ lụi cụi ra nhặt tầu cau vừa rụng, cắt bỏ phần lá để đun, còn cái mo cau giữ lại, cất đi.
Ngày con đi xa mẹ lấy tấm mo cau đã khô, dấp nước, bới cho con nắm cơm vừa xới ở nồi ra, thơm ngát.
Mẹ cũng gói theo một dúm muối vừng gói trong lá chuối tươi đã lau sạch.
Mùi vừng thơm lựng, thơm khắp xóm, vừa bùi vừa ngậy, ăn với cơm nắm nó hợp nhau như cau với trầu, như cốm với hồng, như dưa hành với bánh chưng, như cô dâu với chú rể, như...
Trên chuyến tầu thủy chạy dọc dòng sông mênh mông và không biết chảy về tận vùng nào, tôi giở nắm cơm ra ăn và nghẹn ngào. Gạo mới thơm ngọt mùi cốm, hòa vào mùi thơm muối vừng, vừa ngọt đậm vừa dẻo mát khi đưa miếng cơm lên đầu lưỡi.
Hình ảnh mẹ, hình ảnh xóm làng hiện lên trong khi tôi nhai thong thả miếng ngọc thực ấy giữa hơi ngòn ngọt của dòng sông đầy phù sa, giữa hơi mo cau đã mềm đi vì hơi cơm chín...
Mẹ thương con cả khi con đã đi xa, đã ra khỏi vòng tay mẹ. Con đi xa đến đâu vẫn là gần mẹ, gần quê hương đồng lúa, không xa được cái hồn những lời không nói của mẹ gửi theo. Nắm cơm đã thành hình bóng mẹ, thành hình bóng quê nhà...
Cùng khoang tàu với tôi cũng có người giở cơm nắm ra ăn. Có người gói cơm nắm trong tàu lá chuối, lá đã tái đi một mảng, hệt như miếng lá chuối trên miệng nồi nước lá xông giải cảm. Có người gói trong giấy báo giở cơm ra có cả những chữ in, được in ngược lại trên da thịt nắm cơm. Có người gói trong màng mỏng hiện đại.
Cách ăn khác nhau. Có người chỉ dùng tay bẻ ba bẻ tư nắm cơm rồi cầm lên mà cắn những miếng thật to. Có người dùng con dao thật sắc cắt nắm cơm thành từng thỏi nhỏ, vuông vức, trông như những thỏi giò lụa trắng tinh.
Nhìn những thỏi cơm đặt thứ tự bên nhau, đều tăm tắp, cảm giác ngon, thèm ăn tăng lên đến mấy lần.
Thức ăn thật khác nhau. có người ăn với giò chả, có người có ruốc bông, có người có lạp xường, thịt gà rim... Chỉ giống nhau ở chỗ có những nắm cơm đều từ hạt gạo mà nên, đều ngon lành, chắc dạ, sạch sẽ, hẳn người ở nhà mong người đi thuận buồn xuôi gió, chắc dạ cứng chân.
Nắm cơm mà bẻ ra thì quả là mất ngon. Nó chỉ còn lại là những tảng những vừng cơm cạnh nồi, lại rắn chắc, nguội tanh.
Phải nâng niu, nhẹ nhàng, phải gọt phải cắt, phải ăn thong thả, tay cầm miếng cơm đưa lên miệng vừa nhai vừa ngẫm nghĩ một điều gì... có thể ân tình của người ở nhà mới thấm sâu tận đáy lòng người đi, dù đường ngắn hay dặm dài...
Xôi đỗ xanh đỗ đen hoặc cơm nếp trắng bới vào mo cau hay lá chuối vẫn chỉ là cơm nếp, không thể giống cơm nắm gạo tẻ. Cơm tẻ là mẹ ruột.
Cơm nắm chính cũng là mẹ ruột. Và muối vừng đậm vị dân dã đi đôi với cơm nắm quả là thần tình, sáng tạo.
Một lần khác tôi đi xa, ngồi nghỉ dưới bóng mát một cây cổ thụ ở lưng đèo.
Giở cơm nắm ra ăn, gió đồng đưa hương lúa từ dưới thung lũng lên, đất đỏ thấm vào gan bàn chân, cây xanh toả bóng mát trên đầu... càng thấm thía vị cơm nắm mẹ cho mang theo dọc đường xa ngái.
Mẹ tôi không còn. Người bạn đời chung thủy của tôi lại học cách của mẹ truyền cho, thường gửi theo đường xa cho tôi những nắm cơm ân tình hệt như ngày cũ. Cái từ " truyền thống " dùng nhiều quá hóa nhàm, vậy nên gọi tâm tình ấy là gì nhỉ ? Hỡi những người thương mến của tôi?
Tiệc tùng chỉ là đôi khi và cũng không phải là của tất cả mọi người, nhất là những người bình thường chúng ta. Ai đã nói câu ấy hay lời nói của nắm cơm?
Sơn hào hải vị, nem công chả phượng, bào ngư yến sào... là món ăn cao quý. Và ai mà chẳng từng ít ra được một lần ăn bữa cỗ linh đình, nhiều người còn ăn thừa mứa kiểu hiện đại, quá nhiều tiền bất chính hoặc không bất chính.
Chắc, dù là ai, đang sống sang trọng, ngày nào cũng đặc sản phát ngấy cũng không thể nào thoát được những bữa cơm nắm dọc đường. Nắm cơm không hợp với khăn bàn trắng, không ưa cùi dìa phóng xét. Nó là đồng quê, là gian khó, là tiết kiệm, là phòng xa... Không hiểu có hay không người nào quá quen bơ sữa mà quên mất vị cơm nắm? Có không nhỉ?
Không riêng nắm cơm người thân gửi cho. Ở nhiều bến tàu bến xe, ở trên tàu nữa, có những hàng cơm nắm bán rao để thuận tiện cho khách đi đường, dù là lữ khách tha hương hay bà buôn chuyến... những con người kẻ vội vã, kẻ thiếu mái ấm một gia đình, thiếu bàn tay chăm sóc.
Những nắm cơm như thế chỉ là đỡ đói lòng khi nhỡ độ đường, vỗ yên cái dạ dày tàm tạm. Nó chẳng ngon lành được.
Và có thể nào quên năm đau thương Ất Dậu, 1945, có hàng triệu người không có nổi một nắm cơm, trong khi có rất nhiều hàng cơm nắm ở mọi nơi mọi chỗ.
Nắm cơm lúc ấy hình tròn hơi dẹt và lõm một chút ở giữa, có lẽ là chỗ để chút muối vừng hoặc chí đơn giản muối rang. Ăn cầm hơi mà sống qua ngày.
Cái nắm cơm đơn sơ ấy nó có sức mạnh ghê gớm, có thể nặng bằng một đời người vì có thể cứu sinh mạng một con người nếu đúng luc'. Bởi có ai cũng có nắm cơm như thế mà ăn đâu.
B ,Son
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét