Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2013
Tô Thùy Yên
Tô Thùy Yên tên thật là Đinh Thành Tiên sinh năm 1938 tại Gò Vấp, Gia Định, học qua Petrus Ký và Đại Học Văn Khoa Sài Gòn cấp bậc Thiếu Tá trong quân đội Miền Nam trước 1975.
Tô Thùy Yên lập gia đình với vợ chánh là bà Huỳnh Diệu Bích.
Còn có thời gian chúng sống và có mấy con với nhà văn nữ Nguyễn Thị Thụy Vũ.
Sau 1975 Tô Thùy Yên ở tù gần 13 năm. Cùng bà Hùynh Diệu Bích sang Mỹ theo diện cựu tù nhân chính trị. Hiện đang cư ngụ tại Houston
Tô Thùy Yên, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, cùng với các họa sĩ Duy Thanh, Ngọc Dũng, là những người nòng cốt của nhóm Sáng Tạo. Một nhóm sáng tác đã từng được biết đến với phong trào khai sinh
"Thơ Tự Do" trên văn đàn Miền Nam vào thập niên 1960.
Cả hai tập thơ Tuyển Tập Thơ Thùy Yên (1995) và Thắp Tạ (2004) đều được xuất bản ở Hoa Kỳ sau khi ông đi tỵ nạn chính trị tại quốc gia này vào năm 1993.
..Tôi có nói với bạn về bài thơ Mùa Hạn mà tôi không có đủ.
Nhưng anh nói rằng bản thân anh cũng không nhớ hết.
Con đồng đã thăng rồi đâu còn nhớ những gì mình đã nói ra.
Nhưng bữa ấy Tô Thùy Yên đưa tôi đọc bài Ta về - bài thơ vừa mới làm xong khi thi sĩ lưu đày vừa trở về nguyên quán:
Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Cám ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ mỗi lẻ loi
Ta về như lá rơi về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
Chút rượu hồng đây xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc biển dâu này …
Thật ra tôi đọc thơ Tô Thùy Yên đã lâu. Giữa thập niên 50 khi Sáng Tạo bộ cũ ra đời với những bài Cánh đồng, con ngựa chuyến tàu hay Thân Phận của Thi Sĩ.
Lúc ấy ảnh hưởng của văn học Pháp đối với miền Nam còn nồng đậm.
Đây là thời buổi của Buồn nôn (La nausée – J.P.Sartre) của Kẻ lạ (L’Etranger – A. Camus) hay Phận người (La condition humaine – André Malraux).
Sự hiểu biết của tôi về văn học Pháp rất là hạn chế nhưng tôi có cảm tưởng rằng thời kỳ thập niên 50, 60 là thời kỳ xâm lăng của triết học vào văn học.
Những đặc trưng thường thấy của thơ, của tiểu thuyết, của truyện ngắn đã bị xóa nhòa đi. Thay vào đó là những vấn nạn triết học hay những thắc mắc siêu hình.
Để làm gì? đi đến đâu? tự do hay không tự do – phi lý hay hữu lý?
Sống và nghĩ như thế nào cho phải? Người ta không đi tìm những nguyên nhân gần gũi mà đi tìm những căn do đầu tiên và cuối cùng của sự vật.
Tô Thùy Yên là một người đọc sách chuyên cần. Cái ý thức trong sáng của tinh thần nhị nguyên đã phóng ra những cái nhìn chinh phục. Con ngựa (trong Cánh đồng, con ngựa, chuyến tàu) phải chăng là một cố gắng nhằm đo đạc ngoại giới.
Có đọc được thánh thư
Linh hồn tôi vẫn vậy
Tôi vẫn không thể lạy
Dù đứng trước hư vô
Đầu tôi cứng và trơn
Thượng Đế làm sao ngự
Tôi đành trốn chủ nợ
Định mệnh đòi linh hồn
Thượng Đế điềm nhiên lạ
Tôi đánh liều cười khan.
(Thân phận thi sĩ)
Bài thơ mang giọng thách thức của Nietzche – đăng quang cho một cái ta Kiêu hãnh. Đây là thời kỳ Tô Thùy yên muốn trở nên một thứ “Vương tôn miền trí tuệ”.
Tôi đã cảm phục, đôi khi sợ hãi những bài thơ ấy – nhưng thành thật mà nói tôi không yêu chúng.
Sự cảm nghiệm một bài thơ, theo tôi, nó tùy thuộc vào tâm cảnh của từng người.
Tôi là một anh học trò nhà quê ra tỉnh, tâm hồn còn vương vấn với lũy tre xanh, đình chùa, miếu mạo, căn nhà tổ, họ hàng làng nước, bờ mương, ao cá.
Dù đã cố gắng lắm tôi vẫn không làm sao hiểu được “Tha nhân là hỏa ngục” của J.P.Sartre.
Tôi rất sợ mình là “khách lạ” – và điều tôi ao ước là được đến gần, được làm thân, chia sẻ với mọi người.
Cái “hội u minh” thời ấy là một phong trào. Hoàng tử bi thương hay nhà thơ bị trù ếm (poète maudit) Đinh Hùng muốn đi khỏi cuộc đời này về miền nguyên thủy: “Thèm ăn một chút hương man dại – và ngủ như loài muông thú kia”.
Vũ Hoàng Chương, bậc thi bá của làng thơ tiền chiến cũng bỏ thơ Say, thơ Mây nêu lên một băn khoăn triết học:
Ta còn để lại gì không
Kìa non đá lở này sông cát bồi
Lang thang từ độ luân hồi
U minh nẻo trước xa xôi dặm về …
Tô Tùy Yên ngay từ thuở ban đầu đã nghiêng về những điều thầm lặng lớn, mưu đồ đo đạc cả vô biên “ta về tắm lại going sông cũ, truy tầm mê mỏi lý sơ nguyên
– Tô Thùy Yên đã rất già khi còn trẻ. Già ở đây là già về tư tưởng, nên trong thơ của anh người ta thấy thiếu vắng sự lãng mạn, không có những nỉ non kể lể về một cuộc tình. Không có Kim Trọng, Thúy Kiều, cũng không có Paul và Virginie.
Vào khoảng giữa thập niên 60 có một việc, nhỏ thôi nhưng đã làm thay đổi Tô Thùy Yên. Anh bắt đầu đọc Đường Thi. Yên là một người ưa thích sự toàn hảo (gout du parfait). Anh không bằng lòng với những bản dịch.
Yên muốn đọc thơ Đường bằng nguyên tác và Tô Thùy Yên học chữ Nho. “Học cho vui, chơi vậy mà”. Xuống Gò Vấp, thấy Tô Thùy Yên viết chữ Nho rất đẹp.
Và đột nhiên tôi được đọc một số bài thơ mang phong cách nhất nguyên của Đông Phương. Đọc thơ trước đây của Yên người ta thấy phảng phất St J.Perse – hoặc Valery – bây giờ thấy Tô Thùy Yên “Quy khứ lai từ” như Đào Tiềm quay về nơi bản trạch. Bài thơ không còn vẻ kiêu hãnh của một ý thức chinh phục mà mang vẻ ngậm ngùi chấp nhận:
Tưởng tượng ta về nơi bản trạch
Bãi bùn trơ trẽn thủy triều lui
Con còng ẩn nhẫn bò quanh quẩn
Càng nhẹ tênh hênh cõi ngậm ngùi.
Tại sao lại có con còng ở đây?
Con còng làm liên tưởng đến con dã tràng ngoài bờ biển. “Dã tràng xe cát biển Đông – nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì?”
Phải chăng đã đến lúc Tô Thùy Yên nhận ra sự hạn chế của kiếp người, có những miền “bất khả tri” mà trí lự con người chưa với tới được.
Về nơi bản trạch đối với Tô Thùy Yên có nhiều ý nghĩa. Cái nhà của Yên ở Gò Vấp là nhà từ đường bao nhiêu đời ở đấy? Cái nhà không đơn thuần là một “dụng cụ” để ở, mà nó là môt phần đời ta, là chính ta.
“Cái nhà là nhà của ta – ông cố ông sơ làm ra” nên cái nhà cũng như cái vườn, cái ngõ đều là sự tích yêu thương, là những liên hệ mà ta không làm sao dứt bỏ được.
Về nơi bản trạch về nơi quê nhà (phải chăng le Royaume trong l’Exil et le Royaume mà Camus mơ tưởng cũng nằm trong nghĩa đó) đã dạy ta một điều: cái mà ta tưởng nó là cái không ta (le non moi) lại chính là ta. “Mình với ta tuy hai mà một – Ta với mình tuy một mà hai”.
Cái nhìn nhất nguyên nơi Tô Thùy yên đã làm cho thơ anh từ đó về sau yêu thương hơn, thấm đượm hơn nhiều.
Nhưng có lẽ những năm tù cải tạo đã giúp chúng ta nhìn rõ cuộc đời hơn. “Ví thử cuộc đời bằng phẳng cả” chúng ta chưa chắc nhận ra chuyện ấy. Những chuyện nhỏ nhặt nhưng có giá trị rất cao.
Không đi tù, không thường xuyên đói khát chúng ta làm sao biết được hạt cơm nó quý như thế - không xa vắng cửa nhà, chúng ta làm sao hiểu được cái thắm thiết trong vòng tay vợ, cái âu yếm trong cái hôn con.
Người tù lưu đày, ngày trở về cảm ơn trời đất, cảm ơn vợ con, cảm ơn hoa, cảm ơn lá cỏ.
Ta nhìn lá cỏ long` mê mẩn
Nghĩ tới đời ràn rụa thâm ân …
.....
Tôi đi về nhà có mang theo “Ta về”.
Tôi đọc thơ bạn cho nhà tôi nghe:
Ta về như tiếng kêu đồng vọng
Rau mác lên bờ đá trổ bong
Cho dẫu ngàn năm em vẫn đứng
Chờ anh như biển vẫn chờ sông
Ta gợi thời gian sau cánh cửa
Nỗi mừng ràn rụa mắt ai sâu
Ta nghe như máu ân tình chảy
Từ kiếp nào xưa tưởng lạc nhau
Ta về dẫu phải đi chân đất
Khắp thế gian này để gặp em
Đau khổ riêng gì nơi gió cát
Hè nhà, bụi chuối thức thâu đêm
Đọc đến đoạn này, nhìn lên thấy nhà tôi đã nhạt nhòa nước mắt.
Phan Lac Phuc'
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét