Lâu ghê không thấy chị Quỳnh Giao viết về nhạc, đọc những bài viết về nhạc cổ điển, các nhạc cụ, cách thưởng lãm giàn nhạc giao hưởng v.v đều có một điểm chung chung nhạc phản ảnh cách sống của từng thời kỳ .
Cách đây vài thập niên các bài hát Thương Hoài Ngàn Năm của nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương hay Tình Chàng Ý Thiếp của Y Vân viết theo ý Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn bà Đoàn Thị Điểm diễn Nôm được phổ biến, và các bà các cô yêu thích vô cùng, vì thời ấy đàn bà con gái yêu chỉ một người, lấy chỉ một người, người ấy có ra ma hay vào mả cũng chỉ một và một, theo đúng với tôn chỉ ở nhà hầu bố, đi lấy chồng hầu chồng chẳng may chồng có chết thì hầu con, rồi hàng xóm láng giềng, nhà bên vách phải nhìn ngó xem “cô ấy” “bà ấy” thế nào, nhà bên vách trái ngóng giờ đi về với ai, ai đón ai đưa mà thành có kỷ cương, có ranh giới rõ rệt, các cô be bé nghe nhạc theo chị, theo mẹ cũng bị ám vào lòng, nên khi lớn lên cũng giữ trong đầu:
- Ngàn năm thương hoài một bóng người thôi
Tình đã trao rồi mộng khó nhạt phai
Trăng khuyết còn có khi đầy
Ngăn cách rồi cũng sum vầy
Yêu ai yêu hoài ngàn năm . . .”
Rồi
- Thiếp bên song cửa nhìn trăng úa
Chàng ngoài chân mây gội mưa bay
Trời đày chia ly làm tê tái
Biết bao giờ nguôi
Ngày ngày ra đứng trước thềm nhìn theo lối xưa
Thấy xanh ngàn dâu mà bóng câu nay tìm đâu ....
Từ chàng xa vắng má hồng điểm trang với ai
Thẫn thờ trâm lệch hờn duyên lỡ
Lỏng vòng lưng eo sầu tương tư . . . .
Cả một đoạn dài chinh chiến sau 1954 đến 1975 nhạc là nỗi niềm nhớ nhung, tình yêu tha thiết nồng nàn, có bị phụ rẫy cũng trách cứ chút chút gọi là có hương có hoa,
- Anh hãy về đi với vợ hiền và đàn con nhỏ còn ngây thơ, mình em một bóng đơn côi . . . .
Thê thảm hơn nữa
- Lá xa cành, héo sầu cả tuổi xanh
Anh bỏ đi rồi, buồn lắm anh ơi!
Đời người con gái một lần mất người yêu dang dở cả cuộc đời.
Những ân tình vẫn còn nằm ở đây, sao nỡ quên rồi, để đó cho ai . .
.(Đổi Thay – Lê Mộng Bảo)
- Thôi anh đi về đi, xa xôi rồi thăm nhau mà chi
duyên không tròn lưu luyến càng thêm đau buồn.
Thôi anh đi về đi Ðau thương nầy em xin dành mang
Anh đi về đi cho vui lòng “người ta”
(Nghẹn Ngào – Lam Phương)
trên tờ nhạc ghi là Chậm – Rất Buồn .
Chàng thì trách cứ như vầy:
- Anh về gom lại thơ xưa, hàng ngàn trang giấy mỏng xanh màu, gom cả áo lạnh ngày xưa anh đem ra đốt thành tro tàn . . .
(Cho Vừa Lòng Em
– Nhật Ngân)
bằng giọng hát của anh Chế Linh thì ôi thôi con bé lên chín tuổi đầu, cũng phải rơm rớm nước mắt tự hứa với lòng không bao giờ để chuyện ấy phải xẩy ra, phải thêm vào cho rõ, thuở xưa ấy nhạc phát đi bằng cái máy radio văng vẳng trong xóm, không nghe không được, vả lại con gái lớn nhanh “nữ thập tam” nên tám chín tuổi nghe nhạc kiểu ấy đã hiểu đâu vào đâu rồi.
Nói chung các bài nhạc tôi nhớ lõm bõm nêu trên được quần chúng yêu thích đến nỗi các nhạc sĩ thường nghèo ngày ấy, có khi mua được cả xe hơi vì theo đúng thị hiếu, đúng tình trạng yêu thương của các đôi nam thanh nữ tú, dù lời hát có hơi “mặn” vì thêm thắt nhiều quá; của ở đâu, chữ ở đâu ra mà có cả ngàn trang giấy mỏng xanh mầu hở trời.
Nhưng đến bây giờ thì tôi nghe nhạc từ “trong” chuyển ra thế này:
-Một người đi với một người
Một người đi với nụ cười hắt hiu
Hai người vui biết bao nhiêu
Một người lặng lẽ buồn thiu đứng nhìn
Dù sao cũng mối duyên đầu
Dù sao em cũng qua cầu là xong
Bây giờ chẳng biết làm sao
Lẽ nào gặp lại lẽ nào làm ngơ
Nhà em một bức tường thưa
Chiều nay nhớ quá thẫn thờ bước qua
Để nghe được tiếng em cười
Để nghe tôi rót một hơi thở buồn .
(Chuyện Ba Người – Quốc Dũng)
Tác giả có nói trên một băng video nào đó là nghe chuyện của anh bạn, nên viết thành ca khúc, nghĩa là nàng có hai người một lúc, không chỉ một người như cách đây vài thập kỷ nữa, thôi rồi ông Khổng đã theo bụi bay, thôi rồi còn đâu kín cổng cao tường, còn đâu lá trúc che nghiêng, còn đâu: thương hoài một bóng người thôi!
Bài hát chuyện ba người được đón tiếp long trọng vì ôi thôi cô em tóc thả đuôi gà nào cũng có một chính – một phụ, không biết thì thôi, có biết thì cũng lặng lẽ buồn thiu đứng nhìn chứ không lẽ chết à.
Và một bài hát vừa được xếp hạng đáng kể có câu đầu rất ư “ấn tượng”
- Vậy là tôi đã trách, tôi đã trách lầm em, tôi tưởng em chỉ yêu thêm một người, nào ngờ đâu em còn ba người nữa, tôi xin lỗi em hay em phải xin lỗi tôi?
Thật lòng tôi cũng biết em đã dối lừa tôi . . .
Em không như tôi nghĩ – em yêu một lúc bốn người sao!
Cuộc tình tay ba đã khổ đau, giờ tay bốn làm sao?
Nước mắt chan hòa cùng nỗi đau”
Yêu hai người một lúc có thể vì còn suy nghĩ thiệt hơn, yêu ba người cũng hơi khó nghĩ, đến bốn người một lúc thì thật không hiểu nổi tình yêu là gì. Nếu quả thật âm nhạc phản ảnh vấn đề xã hội, thì bây giờ phụ nữ quả có lấn lướt thật, quả có quyền hạn nhiều thật, mà đôi khi nhiều quyền hạn quá, lấn lướt quá cũng hơi hơi sợ, không biết rồi sẽ đi đến đâu.
À nhạc này là nhạc “trong nước” ngày xưa thì bị cấm nhạc vàng “Yêu ai yêu cả một đời” bây giờ không hiểu phải gọi là nhạc màu gì cho “ Em yêu một lúc bốn người sao?”
Ngô Đồng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét