Trang

Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2012

Nhật Trường - Trần Thiện Thanh Với Những: Ca Khúc Bất Tử


Từ năm 1958, sự xuất hiện của ca sĩ Nhật Trường cũng như nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, làm cho giới ca nhạc thủ đô xao động, nhiều người bảo tại ca sĩ gốc Phan Thiết, nên khi rời quê hương mình, đã đem theo cát và gió, làm cho vũ trường, sân khấu buổi đó cũng mù mịt gió cát đất Phan Thành. Nhật Trường có giọng ca nồng mặn và rất trau chuốt, cho nên chỉ trong một sớm một chiều, đã là đối thủ lợi hại của danh ca đương thời Duy Khánh,lúc đó cũng là sư phụ của ca sĩ Chế Linh, sau khi chàng này rời lò tạp lục Tùng Lâm. Nhờ bộ dáng cao ráo,tuy răng hơi vẩu, mặt thỏn,nhưng không ngờ đó là những nét yêu, đã giúp cho người ca sĩ thêm sáng sân khấu, điển trai, thu hút khán giả như một thần tượng của mọi giới, kể cả thanh niên và nhất là các cô nàng nử sinh, sinh viên mơ mộng.
Nhạc của Trần Thiện Thanh sáng tac lúc đó, hầu hết được quần chúng đón nhận, dù là nhạc viết cho lính hay người tình, bạn bè nằm xuống hoặc nói về cuộc nhân sinh dời đổi. Tất cả đều là giọt lệ khô như Không Bao Giờ Ngăn Cách, Hoa Trinh Nữ, Rừng Lá Thấp. Chiều trên Phá Tam Giang... nhưng được ưa thích nhất là các bản Khi Người Yêu Tôi Khóc và Anh Không Chết Đâu Anh.


Nhiều người không biết về lý lịch của nhạc ca sĩ, nên cứ tưởng Trần Thiện Thanh vì cần tiếng và tiền, nên sáng tác bừa để làm vừa lòng quần chúng. Thật sự dòng họ Trần Thiện từ ông tổ gần là Trần Thiện Chánh (1822-1874), tài kiêm văn vỏ, cho tới thân phụ của Trần Thiện Thanh là Trần Thiện Hải nức tiếng khắp Phan Thiết là kẻ tài hoa, đủ đường ca hát, đóng kịch, soạn nhạc.. cho nên ảnh hưởng tới con cháu như Nhật Trường là điều không ai phủ nhận,. Bởi vậy trong âm hưởng của dòng nhạc Trần Thiện Thanh, có chất cải lương ủy mị, khiến cho người thưởng ngoạn khó có thể phai nhạt, nếu không muốn nói là chất nhạc đả thấm sâu trong máu thịt cuộc đời.
Trước năm 1975, Ngọc Minh từng được mệnh danh là người yêu của lính, còn Trần Thiện Thanh lại là nhạc sĩ của quân đội vì là người có nhiều nhạc phẩm nhất viết ca tụng lính, bắt đầu từ thập niên 60. Nhạc cảnh ' Anh chưa chết đâu Em ' diễn chung với Thanh Lan, trên đài truyền hình VN, là một thành công và chính nó đã mở một chân trời mới cho nền tân nhạc Miền Nam. Tóm lại nhạc của Trần Thiện Thanh trước năm 1975, phẩm chất cũng như số lượng phát hành, coi như gần tương đương với các nhạc sĩ lừng danh thời đó như Phạm Duy, Lam Phương, Hoàng Thi Thơ.. Trong tác phẩm nổi tiếng ' Theo chân những tiếng hát ' , nhà văn Hồ Trường An khi viết về Trần Thiện Thanh-Nhật Trường, cũng đã đề cao khả năng sáng tạo của người nhạc sỹ tài hoa một cách trang trọng .


Là một tên tuổi lừng lẫy trong giới ca nhạc sĩ miền Nam suốt bao thập niên tới bây giờ. Tên thật là Trần Thiện Thanh, sinh tại Phú Trinh Phan Thiết, cựu học sinh Trường Nam tiểu học và Trung học công lập Phan Bội Châu Phan Thiết . Năm 1958 sau khi thi đổ Trung Học đệ nhất cấp, ông rời tỉnh nhà và vào Sài Gòn dấn thân vào ánh đèn màu sân khấu. Chất nghệ sĩ truyền thống và núi sông miền biển mặn, đã tạo cho Nhật Trường một khả năng sáng tạo đặc biệt, làm cho tên tuổi đất Phan Thành theo chân người nhạc sĩ quyện vào sông núi muôn đời. Ngày nay nhớ về quê củ, không ai không bùi ngùi khi nghe các nhạc phẩm Lầu Ông Hoàng, Hàn Mạc Tử, Biển Mặn.. để tưởng tượng một thời thơ ấu buồn vui theo dòng nước Cà Ty, phát nguồn từ Trường Sơn chất ngất, ôm ấp tình thương, nước ra sông nguồn Mường Mán, Phú Hội, Phan Thiết, Thương Chánh.. để mãi sống trong hồn người, dù biết những người đi đấu tranh chưa về, vì mang lời thề tận miền sơn khê.


Như hầu hết những kẻ tài danh của Phan Thiết, Trần Thiện Thanh còn rất tốt bụng với bạn bè và mọi người chung quanh. Khi phục vụ trong phòng Văn Nghệ Cục Tâm lý Chiến, do Đại Úy Dinh Thành Tiên (nhà thơ Tô Thùy Yên) làm trưởng phòng, có nhiều nhạc sĩ nổi tiếng thời đó phục vụ như Trần Thiện Thanh, Anh Việt Thu, Pham Minh Cảnh, Pham Lê Lan..
 Theo Hồ trường An kể lại, chính Nhật Trường đã bỏ tiền riêng của mình để thực hiện đặc san ' Bồng Hồng ' cho đơn vị. Lúc đó Hồ trường An cũng là phóng viên của Phòng Văn Nghệ TLC, nên được giao công tác phỏng vấn cac ca nhạc sỷ, đạo diển nổi danh đương thời, để làm một bài phóng sự đăng trong số Xuân của Bông Hồng. Cuối cùng nhà báo đã quên phứt Trần Thiện Thanh nhưng ông vẫn không hề bất mãn mà chỉ nói ' tui bỏ tiền ra để làm báo cho anh em cùng vui, chứ đâu phải để viết về tôi '.Lúc đó Nhật Trường-Trần Thiện Thanh gần như là con chim đầu đàn của sân khấu vì được quá nhiều khách mộ điệu.
Cũng viết về Nhật Trường, nhà báo lão thành Nguyễn Long trong tác phẩm ' 66 năm nhạc kịch, diện ảnh VN ' cho biết Nhật Trường đã đuợc quần chúng Miền Nam công nhận là ' Nhạc sĩ của Lính '.

Ông xuất hiện trong sinh hoat văn nghệ miền Nam từ đầu thập niên 60 và đã chinh phục được ngay cảm tình và lòng ái mộ của người Sài Gòn cũng như toàn cõi VNCH. Đồng thời ông cũng là nhạc sỹ đa tài, sáng tác rất mạnh, với đủ đề tài thể loại nhưng ca khúc nào cũng đặc sắc và tuyệt diệu, làm cho ai nghe hay đọc tới cũng ưa thích vì rất phù hợp với mọi hoàn cảnh của cuộc đời.
Cuối thập niên 60, Nhật Trường thành lậo Ban ' Trường Ca 20 ' và một nhà xuất bản cùng tên, để xuất bản những nhạc phẩm của Trần Thiện Thanh. Trên đài truyền hình Sài Gòn và sân khấu, lần đầu tiên Nhật Trường dựng Nhạc cảnh ' Anh không chết đâu Anh ', diễn chung với Thanh Lan, lúc đó đang là một nử ca sĩ ăn khách và nổi tiếng, nhất là giới sinh viên trí thức, vì Thanh Lan và Hoàng Oanh là sinh viên của Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Cũng theo Nguyễn Long, nhiều nhạc phẩm của Trần Thiện Thanh lúc đó, đã phát hành tới mấy trăm ngàn bản, tương dương với nhạc của Phạm Duy, Khánh Băng, Lam Phương và Hoàng Thi Thơ.
Sau ngày 30-4-1975, Nhật Trường bị kẹt ở lại quê nhà.
  Như hầu hết nạn nhân muốn sống yên, dù bị cận thị nặng, Nhật Trường gia nhập đội túc cầu Nghệ sỷ thủ đô, vì khi còn học Phan Bội Châu Phan Thiết, ông vốn là một thủ môn có tài. Sống trong thiên đàng xã nghĩa, những người dân bình thường còn căm hận, huống hồ giới trí thức văn nghệ sĩ là những người có tim óc.Nhưng trước bạo lực súng đạn, lưởi lê mã tấu, ai cũng chỉ còn biết nhậu để nuốt uất hận vào ruột. Dân nhậu thường trực lúc đó có Nguyễn Long, Nhật Trường, , Trần Tuấn Kiệt, Hoàng trúc Ly, , Dương Trữ La.. và dù chỉ nhậu với rượu đế, đậu phộng, phá lấu nhưng hầu như cả bàn không mấy ai có tiền, nên khi rượu đã tới, thường cầm bán quần áo đang mặc, để chung với nhau cho đủ tiền trả. 


Riêng Nhật Trường thì bạo hơn, dám đem cái kính cận thị để bán trả tiền nhậu và vì cận nặng lại ngất ngưởng, nên đành đi bộ với chiếc xe đạp cà tàng, từ Nguyễn Huệ, qua cầu Thị Nghè về nhà ở đường Dương Công Trừng. Tính ăn xài rộng rãi của Nhật Trường cũng được anh em công nhận, trong thời Nhật Trường đi trình diễn cho Đoàn Nhạc Kịch tỉnh Tây Ninh với lương tháng 60 đồng tiền Hồ. Hằng tháng ông trích nửa gởi về cho gia đình ở Sài Gòn, còn lại bao nhiêu giao cho anh em trong đoàn ăn nhậu. Đầu thập niên 90, Nhật Trường qua Mỹ và tiếp tục sáng tác nhiều ca khúc gia trị Từ dạo xa em , Con đường buồn chung thân, Chuyện một người đi, Giây phút tạ từ, Chếc áo bà ba..


Quen nhau từ lúc còn ở Phan Thiết, biết nhau vì cùng học chung nhiều năm ở Trường Nam tiểu học tới Trung Học Phan Bội Châu nhưng giữa chúng tôi là hai thế giới khác biệt vì hoàn cảnh gia đình và nhân sinh quan. Từ năm 1958 Nhật Trường sau khi đổ Trung Học Đệ Nhất Cấp, vào Sài Gòn theo hẳn con đường ca hát nghệ thuật, cũng là thời gian bọn tôi xa hẳn, vì cuộc chiến đời lính và danh phận.
Tháng 7-2004 về Nam California ra mắt sách, qua hai người bạn cũ là Họa sỹ Duy Huệ và Giáo sư Nguyễn Minh Đức, cùng là bạn củ với Trần Thiện Thanh ở Phan Thiết, nên tới thăm cố nhân. Bấy giờ Nhật Trường đã bắt đầu phát bệnh nhưng ông vẫn uống bia với anh em để mùng ngày Hội Ngộ 50 năm , qua một cuộc biển dâu trầm thống. Rồi thì mỗi người một ngả vì sinh kế, tôi về Xóm Biển với cuộc sống du tử đìu hiu, Nhật Trường ở lại chốn Tiểu thủ đô Sài Gòn, cuộc đời xe ngựa. Nhưng không biết sao, ông lại bỏ mọi người trở về quê mẹ Phan Thiết vào tháng 6-2005, khiến cho bạn bè chỉ còn biết ngỡ ngàn trong ngấn lệ.
Mới đây một người bạn khac là Thi sĩ Tịnh Nhiên ( bổng dưng cũng bỏ mọi người ra đi . Buồn rầu nhưng biết làm gì hơn, nên có bài thơ gửi Trần Thiện Thanh và Tịnh Nhiên :
'Anh có hẹn cùng tôi về Phan Thiết
thăm quê hương miền biển mặn thân thương
để bọn mình nhặt lại lá sân trường
tìm những gót chân chim thời vui học
Vào trường Nam nhớ cô thầy ngày trước
những ân sư Công, Trác, Thảnh, Khánh, Hinh
đám bạn bè Thanh (1) , Bính, Ánh, Sói, Tình
nay lần lược nằm yên trong đất mẹ
Tới Nguyễn Hoàng, con đường tình tuổi trẻ
bao năm buồn thờ thẩn bước cô đơn
kỹ niệm xưa vẫn trải rợp trong hồn
dù thực tại chỉ niềm đau chất ngất
Đến vườn hoa thăm hàng vông, lầu nước
ngồi lại trên ghế đá lạnh hoang sơ
tình đã xa người cũng thật hững hờ
chỉ còn tiếng ve sâù rên não nuộtTôi đã có cả trời sầu đau khổ
thêm đôi bờ chia một nhánh sông mơ
lại mang thân phận lính hận từng giờ
nên còn chỉ nửa hồn thơ gãy vở
Giờ quanh quẩn là phù du biển nhớ
đã hẹn rồi sao nở bước xa khơi
để mình tôi ngồi khóc giữa chợ đời
úp ly cạn gọi cố nhân đâu thấy .

 
HỒ ĐINH viết từ Xóm Cồn Hạ Uy Di

                                                     
 Trần Thiện interview Mỹ Lan ,Anh Chí ( con trai út NS Trần Thiện Thanh ) ,Trang Thanh Lan
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét