Những người đàn bà phi thường như Callas, Piaf, Thái Thanh,... đã tận dụng đến cùng cảm quan bén nhạy của mình để sai khiến, xao động, chuyển hóa ngôn ngữ, âm thanh của bài hát thành nội cảm cầm ca, cấu tạo nên một vũ trụ thứ hai, đắm đuối, cuồng say, trong lòng người:
Trời trong em, đồi choáng váng
Rồi run lên cùng gió bốn miền
Câu này, trái với vài truyền thuyết, không nhắm vào một danh ca nào nhất định, chỉ gợi lên không khí các phòng trà ca nhạc Sàigòn khoảng 1960.
Nhưng tiếng hát lên trời là một hình ảnh có lẽ hợp với giọng ca Thái Thanh nhất, giữa những tiếng hát thời qua và thời na...Trong một buổi tối thứ Bảy cuối năm 1996, Thái Thanh kỷ niệm 50 năm trình diễn âm nhạc, cô đã để lộ tài năng “tung hứng” các con trước khán giả trong buổi trình diễn của toàn thể gia đình cô tại rạp Ritz.
Con người luôn luôn sống với những chùm ánh sáng của danh vọng sân khấu đó đã thể hiện những khôn khéo của một “bà bầu” trong con người hiền mẫu.
Thái Thanh đã làm nhiều khán thính giả trung thành của cô phải ngạc nhiên khi cô giới thiệu một cách khéo léo các tiết mục trình diễn của Ý Lan, Quỳnh Hương và Lê Đại trong đêm đó.Lập gia đình với tài tử điện ảnh Lê Quỳnh (vai chính trong phim Chúng Tôi Muốn Sống) năm 1956, Thái Thanh liên tiếp “sản xuất” 5 người con: 3 gái, 2 trai.
Đó là: Ý Lan sanh năm 1957, Lê Việt 1958, Quỳnh Dao tức Quỳnh Hương 1960, Thanh Loan 1962 và Lê Đại 1964.
Cậu út Lê Đại nhiều lần “chê” mẹ là sanh đẻ nhiều quá, “y như gái Tầu” vậy. Lê Đại cũng là người kém may mắn nhất trong 5 chị em:
Khi ra đời khỏe mạnh, nhưng Lê Đại bị bệnh sốt tê liệt (Polyo) cấp tính từ lúc 8 tháng.
Tuy sống sót nhưng Lê Đại bị liệt nửa thân dưới, xương sống cũng bị sụm.
Năm 4 tuổi, chú bé được tổ chức Terre Des Hommes mang qua nước Ý chữa trị 3 năm liền và năm 1971,
Đại trở về Việt Nam (7 tuổi), em bắt đầu học vần quốc ngữ với mẹ và các anh chị tại nhà.
Sau tháng 4/1975, tuy bị kẹt lại Saigon nhưng bà mẹ Thái Thanh cũng tìm đường đưa được Lê Đại và Quỳnh Hương qua Pháp ( 1980).
Sau đó hai chị em được bố bảo lãnh sang Hoa Kỳ ..
Năm 1985, Thái Thanh rời Saigon qua tới California. Mười năm im lặng không hề cất tiếng hát trước công chúng, cô lại bắt đầu tập dượt và trình diễn trên sân khấu khắp nơi trên thế giới.Đồng thời, cô đảm đương trách nhiệm làm mẹ với rất nhiều nghị lực.
Thái Thanh tập lái xe dù cô không thích chút nào, nhưng “phải tập ngay để có thể hàng ngày đưa đón Lê Đại đi học”.
Sự kiên trì và nhẫn nại của bà mẹ Thái Thanh đã giúp Lê Đại (nay là Michael Đại Lê) tự tin hơn, yêu đời hơn và em tốt nghiệp Bachelor tại UC. Long Beach.
Ngày nay, Lê Đại đang đi làm Webmaster trong một phân bộ về giáo dục và nghiên cứu của đại học UCI Long Beach
Cậu đi làm bằng xe bus, mỗi cuối tuần bà mẹ Thái Thanh đều tới thăm nom, mang thêm vài món ăn Việt Nam bà nấu “theo order” cho cậu út.
Ắt hẳn trái tim của bà mẹ Thái Thanh đã nhiều lần rướm máu khi cất tiếng hát lên những lời nhạc trái hẳn với sự thực phũ phàng của khúc đời cực nhọc mà cô phải hứng chịu trong thời gian Lê Đại mới bị tê liệt:
“Ru con rằng đời muôn lối
Cho mây kết hợp rồi tan
Thân con là trời cao với
Tim con là cõi địa đàng.....”
Cũng như khi cô bé Thanh Loan sang tới Hoa Kỳ (1985), bắt đầu bị bệnh phiền muộn (depression) nặng hơn, Thái Thanh một lần nữa lại khổ đau cùng cực trước số phận khắt khe.
Trong thời gian tìm hiểu về bệnh trạng của Thanh Loan, biết con không học hành bình thường như các anh chị em được, cô đã cố gắng dìu dắt con gái, cùng đi làm những việc thiện nguyện, mong con tìm được niềm vui sống..
.Nhưng bệnh tình Thanh Loan cứ nặng dần, sau cùng Thái Thanh đành phải nghe lời bác sĩ và các bạn đồng cảnh ngộ, đưa con vào một bệnh viện chữa trị.
Nhưng cô vẫn kiên trì phấn đấu với phương tiện và hoàn cảnh của mình để giúp đỡ con yêu và một lần nữa Thái Thanh đã thắng được định mệnh:
Sau hơn mười năm chữa trị, Thanh Loan ngày nay đang tập trở lại sống bình thường trong xã hội. Cô bé đã có bằng về cắm hoa và rất mong muốn sống tự lập được sau khi đi làm.
Yếu tố thành công của Thái Thanh
Ở địa vị “tiếng hát vượt thời gian”, Thái Thanh suốt mấy chục năm qua đã sinh hoạt với một thứ kỷ luật nghiêm ngặt trong công việc.
Vai trò làm mẹ của hai con bị bệnh nặng cũng lại đòi hỏi ở Thái Thanh một thứ nghị lực bằng “thép cứng” cùng sự kiên trì lớn lao.
Với hoàn cảnh như vậy, những đức tính phi thường nơi người mẹ được tôi luyện hàng ngày trong Thái Thanh.
Phạm Duy cho là bà mẹ và người vợ của ông (là Thái Hằng) đã cho ông cảm hứng để sáng tác ra trường ca bất hủ Mẹ Việt Nam.
Nhưng nhiều người cũng thấy sự hiện diện rất rõ nét của Thái Thanh trong đó.
Những khó khăn đau khổ cũng như những thành công tốt đẹp trong đời sống Thái Thanh có lẽ đã được thể hiện trong một số lời hát của turờng ca Mẹ Việt Nam như:
“Đêm qua chớp bể mưa nguồn
Để người trong nước hết buồn lại vui
Vui buồn chút lệ rơi
Vui buồn khóc lại cười
Mẹ cười mẹ bốc thành hơi
Mây từ biển lớn lên ngôi trời
Trước giờ hạ huyệt hồi tháng 8/1999 , Thái Hằng đã được các con và Thái Thanh, Mai Hương hát tiễn đưa bằng bài Mẹ Trùng Dương:
“Sóng vỗ miên man như câu ru êm của mẹ dịu dàng
Nước biếc mênh mông như đôi tay ôm của mẹ trùng dương...”
Tấm lòng người mẹ nào cũng lớn như trời biển. Mẹ nào mà không dùng hết cả tâm hồn và thể lực của mình để ôm lấy các con...
. Càng gặp nhiều ngang trái, lòng mẹ lại càng mênh mông. Bà mẹ Thái Thanh “khi còn là thiếu phụ - thơm như nhành ngọc lan”, nàng yêu con hết mực và yêu hết mọi người: “trên đỉnh mùa xuân mẹ ta, yêu cả rừng hoa lá” (của Phạm Thiên Thư).
Bà mẹ Thái Thanh cũng như bất kỳ bà mẹ nào, đã có bao ước mơ đẹp đẽ về các con, như Phạm Thiên Thư đã diễn tả trong một bài thơ (Phạm Duy phổ nhạc), mà chính cô đã hát lên nhiều lần, làm cho bản nhạc trở thành bất tử.
Nhiều bà mẹ trẻ Việt Nam thời đó đã ru con đầu lòng bằng bài ca này, thay cho những câu “ví dầu, ầu ơ...”:
“Ru con bằng bài ca mới
Cho con mến nhạc và thơ
Ru con còn nhờ mây gió
Tim con chẳng có vực bờ....”
Tuy không bị khổ đau nhiều như những bà mẹ mất con trên biển cả vì sóng dữ hay vì hải tặc, nhưng lòng thương con của Thái Thanh cũng chẳng khác gì các bà mẹ hiền của thế gian. Khán thính giả hầu như rất ít người biết rằng trong đời sống thường nhật, ngoài việc tập dượt và trình diễn
Thái Thanh danh ca vẫn làm tất cả mọi việc của một bà mẹ Việt Nam bình thường: đi chợ, nấu ăn khi thiếu người giúp việc, chăm sóc từ manh quần tấm áo cho các con tới chuyện kiểm bài vở, dạy con học...
Sống xa Lê Quỳnh từ năm 1965, Thái Thanh một mình đóng trọn vai trò vừa là mẹ vừa thay cha trong việc nuôi dạy con cái.Khi dịu dàng, lúc nghiêm khắc, cô mong các con cô có được căn bản vững chắc về văn hóa và đạo đức, để mai sau trở nên những Con Người có thể viết hoa.
Dù các con cô đều có giọng ca thiên phú, nhất là Ý Lan và Quỳnh Hương, nhưng khi trẻ còn nhỏ, Thái Thanh nhất quyết không cho con bước vào nghề ca hát.
Trong một lúc tâm tình với nhà báo từ năm 1974, Thái Thanh nói: “Cái nghề ca hát này không dễ dàng.
Dù ở địa vị số một cũng có rất nhiều khó khăn phải đương đầu, nên tôi không muốn các con tôi theo chân mình.”
Nhưng riêng cô thì không bao giờ Thái Thanh chán ca hát. Có thể nói Thái Thanh “sống” một cách mãnh liệt nhất là khi cô hát:
“Dù cho đang bối rối vì chuyện gì chăng nữa thì khi nghe tiếng đàn dạo lên mở đầu bài hát là Thái thanh “nhập” liền, tất cả mờ nhạt hết, chỉ còn nét nhạc và lời ca là đang Sống trong con người mình.”
Nghe và nhìn Thái Thanh hát với ngọn lửa nồng nàn trong con tim cô, khán giả hiểu được điều này, và những người yêu cô thông cảm được, chấp nhận được vì sao có khi cô “lắc lư” nhiều quá trong một số bài bản....
Thái Thanh giữ địa vị của một đệ nhất danh ca trong nhiều năm, kể cả thời gian 5 con còn nhỏ.
Chính tinh thần tự kỷ, có trách nhiệm và luôn luôn coi trọng nghề nghiệp đã khiến Thái Thanh đảm đương hai vai trò rất nặng nề đó một cách hoàn hảo.
Cô thường nhắc tới hình ảnh một người lực sĩ điền kinh quần áo trắng tinh khiết, cầm bó đuốc thế vận, kiên trì và đều đặn chạy đường trường, hướng về đài lễ.
Thái Thanh yêu cái hình ảnh đẹp đẽ ấy vô cùng. Người lực sĩ đó biểu hiện cho cái tâm bất biến, trong sạch, luôn luôn tiến về phía trước với sự cố gắng bền bỉ không có gì lay chuyển nổi
. Giống như cái tâm của người nghệ sĩ hướng về những cái đẹp chân chính của nghệ thuật.
Cô đã âm thầm và kiên định sống xứng đáng với vai trò làm mẹ và danh hiệu “tiếng hát vượt thời gian”.
Cô đã nhẹ nhàng luớt qua những năm tháng của rất nhiều bổn phận trong gia đình, rất nhiều phiền nhiễu trong xã hội, gây ra do sự nổi danh nghề nghiệp của cô.
Ngày nay, tuy rời xa ánh đèn sân khấu, Thái Thanh đôi khi có chút nhớ nhung, nhưng việc làm mẹ của cô đã và còn đang đem lại nhiều niềm vui lớn.
Thái Thanh cho là nàng rất may mắn vì đã hỗ trợ được hai người con gặp cảnh khó khăn để họ trở nên những con người bình thường, tự lập được trong xã hội Bắc Mỹ.
Những khó khăn lùi dần vào dĩ vãng, chỉ để lại vài nét nhăn nho nhỏ trên khôn mặt vẫn rất tươi thắm của bà mẹ danh ca. Thái Thanh tự lấy làm hài lòng về những thành quả của các con,
và ngày nay bà nội bà ngoại Thái Thanh cũng đang được hưởng tình thương và sự thành công của thế hệ thứ ba nữa.
Các con Ý Lan đều học giỏi, ba cô lớn đã xong đại học và Mai Linh, cô cháu lớn nhất của Thái Thanh, Mai Linh cũng có cái (gene)” “mê” hát như mẹ và bà ngoại, Thái Thanh và nhạc Phạm Duy
Ngay từ những ngày đầu tiên cất tiếng hát ( 13- 14 tuổi) trong vùng hậu phương của thời toàn dân kháng chiến chống Pháp, Thái Thanh cũng đã hát nhiều nhất là nhạc của Phạm Duy.Sau khi hồi cư về Hà Nội rồi di cư vào Sài Gòn (khoảng giữa năm 1950) cùng đại gia đình,
Thái Thanh bắt đầu nổi tiếng như cồn khắp Trung Nam Bắc ,qua những sáng tác của người nhạc sĩ đa tài này, cũng là chồng của bà chị Thái Hằng.
Nhạc sĩ Phạm Duy cùng Phạm Đình Chương lập ban hợp ca Thăng Long, và Thái Thanh liên tục “lăng-xê” nhạc Phạm Duy từ 1950 cho tới 80-90.
Với giọng trong thanh, cao vút nhưng chuyên chở thật đầy đủ những rung cảm của người viết nhạc tài hoa, tiếng hát Thái Thanh đã đi vào tâm tư thính giả, khơi động những cảm xúc mãnh liệt trong tâm hồn người nghe nhạc.
Theo nhạc sĩ Phạm Duy:
“Nếu không có Thái Thanh thì nhạc Phạm Duy cũng không được hay và nổi lên được như vậy”.
Phạm Duy quan niệm một bài hát được thành công phải nhờ 3 yếu tố: nhạc sĩ viết được bài hay, người hát diễn tả được đầy đủ nét nhạc đó, và quần chúng phải biết nghe!
“Thái Thanh là giọng ca duy nhất hát nổi hai cao độ chạy dài tới 2 bát âm trong nhạc của tôi.
Cũng như Khánh Ly làm nổi bật tên tuổi Trịnh Công Sơn, Thái Thanh đã đóng góp rất nhiều trong việc đưa nhạc Phạm Duy lên ngôi vị cao nhất Việt Nam trong các thập niên 1950, 1960, 1970 và 1980....
Cho tới nay, mỗi khi nghe những bản nhạc do Thái Thanh trình bày, nhiều người vẫn được sống lại thuở thanh xuân thơ mộng qua những bản tình ca, hoặc “sởn gai ốc” vì không khí chiến tranh của bài “Kỷ vật cho em, Màu tím hoa sim...”, ứa lệ với bài “Nước mắt rơi” ...Phạm Duy qua tiếng hát Thái Thanh đã biểu tỏ được tâm hồn phong phú và đa dạng nơi con người nghệ sĩ đó.
Hầu như viết xong bài bản nào ông cũng đều đưa cho Thái Thanh hát thử trước hết.
Với vốn liếng về ký âm và thiên khiếu thông minh, Thái Thanh chỉ cần nhìn vào nhạc chừng dăm mười phút là cô cất tiếng hát được liền.
Cô cho biết:
“Tôi thường đọc bản nhạc mới như đọc một truyện ngắn để cảm được ý tác giả trước khi thẩm âm các nốt cho đúng cao độ rồi mới hát.”
TrườngKỳ & T.Quyên
@ tks 2 t/g TK & TQ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét