Sài Gòn, những năm đầu thập niên 1960, La Pagode, lúc ấy chủ nhân còn là người Pháp, hiển nhiên là Chùa-không-chuông.
Ấy tuy nhiên quán tên chùa mang theo nó vẻ u trầm: bàn ghế gỗ gụ màu nâu sẫm, những cây cột bài trí thành những khuôn vuông vức, thẳng đứng từ sàn tới cái trần không cao, sắp đặt đều đặn trên một diện tích khá rộng.Hai lối vào thông thoáng, tường vách xây thấp, ngồi trong, tầm nhìn trải khắp hai bên góc phố, hai con đường đẹp vào bậc nhất của Sài Gòn: Ðồng Khởi, Lê Thánh Tôn.
Ðường Ðồng Khởi, khi còn mang tên Catinat (sau đổi tên là Tự Do), vào một năm đầu thập niên 1950,
Alain Delon từng tham gia chiến trận ở Ðông Dương, đi trên con phố này, nhìn quảng cáo phim có Jean Gabin ở rạp chiếu bóng Eden, gần quán La Pagode, nói với bạn đồng hành giấc mơ làm diễn viên điện ảnh.
La Pagode những năm 1960-1970 có duyên nợ với giới văn nghệ Sài Gòn, trong khi giới báo chí lúc đó thường ngồi ở quán Givral, và giới trẻ ngồi chật hai tầng quán Brodard.
Cả 3 quán nổi tiếng này ở cùng một phía trên đường Ðồng Khởi.
La Pagode chủ nhân người Pháp mà lại nhiều ý vị Phương Ðông, trừ cái quầy rượu hiển nhiên rất Tây, chạy dọc tường vách phía tay trái, nhìn từ lối vào ở đường Tự Do.
Các cô chạy bàn, đa số là người Hoa, hiền lành, lặng lẽ. Có một cô chạy bàn trông giống ca sĩ Khánh Ly, để Sỹ Phú, người tình của nhạc phẩm Cô Láng Giềng, gặp cô giống Khánh Ly này là đòi song ca Lời Buồn Thánh.Ở bàn khuất sau một cây cột khoảng giữa quán, nếu nhìn thấy khói thuốc lá bay lên, thì đúng đấy là nhà văn Mai Thảo.
Khuôn mặt lặng lờ như phiến gỗ, và một thân hình cao nghệu đã ngồi thấp xuống bên ly rượu, trầm tư về một thành phố dĩ vãng.
Nhà văn-nhà thơ Thanh Tâm Tuyền mỗi sáng có thể ngồi ở bất cứ chỗ ngồi nào cùng bằng hữu, nhưng khi ngồi một mình, những kẻ giả danh văn nghệ các loại không thể tự tiện kéo ghế ngồi cùng.
Những bàn ghế gỗ gụ màu nâu sẫm, rộng và thấp tất nhiên không thể sắp đặt được nhiều, dù quán rất rộng, và dù cũng tạm đủ chỗ ngồi cho những người ưa thích tới quán “vẻ chùa” này.
Nhưng dù sao La Pagode cũng cần phát triển theo đà phát triển của “Hòn ngọc Viễn Ðông”, đáp ứng càng nhiều càng tốt .Nhu cầu ngồi quán của người Sài Gòn, đặc biệt giới văn nghệ, vốn ưa thích nhâm nhi hương vị đời sống phố thị.
Rồi thiết kế của La Pagode thay đổi, bàn ghế cao gọn, sắp đặt được nhiều gấp 3-4 lần số bàn ghế kiểu ghế bành trước đó.
Không để tường vách xây ở hai lối ra vào nữa, hết thảy được lắp đặt bằng những khuôn cửa kính.
Những khuôn cột vuông vức trong quán cũng được lắp kính bốn bề. La Pagode trông lấp lánh, khác hẳn vẻ u trầm trước đó.
Ấy tuy nhiên đấy là cái lấp lánh của thứ ánh sáng phản chiếu từ mặt hồ yên tĩnh, từ lớp kính gương lặng lẽ và trong suốt.
La Pagode với thiết kế như vậy, vẫn không giống Givral hay Brodard, hay nhiều quán gương kính khác của Sài Gòn.Bởi La Pagode là một khối rộng rinh vuông vức, một thứ chùa hiện đại mà người ta có thể tưởng tượng.La Pagode là nơi chốn thích hợp để thưởng thức hương vị tách cà phê, men say ly rượu.
Cũng có thể uống như cái cớ để ngồi với nhau, để ngó dòng đời trôi chảy phía ngoài cửa kính, cho chúng ta một tâm lý an toàn, ngoài cuộc.
Cũng có thể để nghe khúc hát của riêng mình, để mối ưu tư trí thức văn nghệ dấy lên.
Chung quanh, hai ngả đường đẹp của Sài Gòn, những khách bộ hành lịch sự, những chiếc xe hơi bóng loáng lướt qua.
Công viên Chi Lăng nằm xéo góc quán La Pagode, một ngày của một năm đầu thập niên 1960, nhà thơ Hoa Kỳ Allen Ginsberg đọc thơ trước đông đảo thanh niên, sinh viên Sài Gòn.Chúng tôi nhìn nhà thơ từ La Pagode, một ông già ở tuổi ngoài 30 đầy râu tóc, giơ chân giơ tay diễn tả bài thơ như người lên đồng.
Một thi sĩ beatnik, thích hợp với Sài Gòn mà cái đẹp chen với cái xấu, tươm tất lẫn với lôi thôi, một bờ bến còn hoang dại của thềm lục địa văn minh.
Cũng từ lúc La Pagode thiết kế mới này, một loại máy hát tự chọn hiện đại, trong đợt đầu tiên nhập từ nước ngoài vào Sài Gòn, có mặt tại quán.
Chúng tôi bỏ vào máy đồng bạc cắc làm jeton, chọn bài hát mình muốn nghe.
Từ đó, mỗi khi bài hát “There were the days” lạ lùng vang lên từ chiếc máy hát, chúng tôi biết người bạn thi sĩ của chúng tôi đã vào quán, đang ngồi ở chỗ anh vẫn ngồi.
Vào thời gian rạp chiếu bóng Rex chiếu phim “Vĩnh biệt tình em” (tên tiếng Việt đặt cho phim Doctor Zhivago), ngày nào cũng có ít nhất năm, bảy người khách bỏ vào máy những đồng bạc cắc để nghe Chanson pour Lara.Lara, người tình của Bác Sĩ Zhivago.
Có nhiều chuyện đã xảy ra, bao điều đã thay đổi, chuyện của chúng ta là yêu nhau...
Lắng nghe thì bài hát sẽ rõ từng lời, nhưng âm thanh ấy không phiền nhiễu cho những câu chuyện muốn nói, nó hòa tan trong cái êm ả lưu cữu của quán “Chùa”.
Chàng đạo diễn “hippie” Ðặng Trần Thức, nghỉ ở Ðà Lạt một thời gian sau khi trình chiếu phim Hè Muộn,
Về Sài Gòn để tìm gặp dịch giả Nguyễn Mai Chi.
Chàng đạo diễn muốn bàn việc chuyển thể tác phẩm văn học Bãi Hoang (bản dịch La Côte Sauvage của Jean-René Huguenin, đăng trên nguyệt san Văn) sang kịch bản phim, được mách bảo, vào quán La Pagode sẽ gặp.
Nguyễn Mai Chi là tên chung tác giả dịch phẩm Bãi Hoang của hai nhà văn thường xuyên có mặt ở quán “Chùa”: Nguyễn Xuân Hoàng và Huỳnh Phan Anh.
Nhà văn-nhà thơ Viên Linh, vừa đẩy cánh cửa lắp kính, vừa nghiêng đôi vai rộng, gầy và thẳng ngang như thước thợ, vào quán.
Anh lướt nhìn một vòng quanh quán, À đây rồi!..
. Tôi có ý này về đoạn kết cái truyện ngắn của cậu... “người anh thi sĩ” tới thẳng chỗ chúng tôi, Joseph Huỳnh Văn và tôi, đặt xuống mặt bàn cái cặp to đầy bản thảo bài vở của tuần báo Nghệ Thuật,
Một tờ báo văn nghệ uy tín nhất Sài Gòn trong mấy năm của thập niên 1960.
Anh mặc nhiên chọn La Pagode làm chỗ nối dài công việc ở tòa soạn, để một tay nâng ly bia, một tay quơ trong không gian, nói đoạn kết cái truyện ngắn của cậu phải như thế như thế thì mới ổn.
Rồi anh vụt đứng dậy, sang một bàn giáp lối vào ở đường Tự Do: anh vừa nhìn thấy trong khuôn gương ở cây cột, nhạc sĩ Cung Tiến.
Ông nhạc sĩ phục sức bảnh bao, khuôn mặt sáng đẹp trí thức, lúc nào cũng giống người khách du lịch quốc tế vừa đặt chân trên vỉa hè Sài Gòn, tạt vào một quán cà phê có tên La Pagode.
Chiếc khăn tay chấm nhẹ trên hàng râu mép sau ngụm cà phê sữa nóng.
Chúng tôi đọc thấy sau đó, nhạc phẩm của Cung Tiến phổ bài thơ Lệ Ðá Xanh, in trên tuần báo Nghệ Thuật.
Tác giả bài thơ ấy, Thanh Tâm Tuyền, linh hồn của nhóm tiên phong văn nghệ hiện đại và thơ tự do, may mắn thay những câu thơ âm trắc đồng tình.nào.
Nhà tổ chức văn hóa Ðỗ Ngọc Yến nghe bằng ánh mắt rất vui qua đôi mắt kính dày cộm.
Joseph Huỳnh Văn và tôi, không ôm mộng giang hồ như Nguyễn Tuân vang bóng một thời, chúng tôi đích thực là kẻ giang hồ mười năm trên một lộ trình duy nhất: từ nhà tới La Pagode.
Ðể mãi tới bây giờ, đi trên đường Ðồng Khởi, vẫn ngỡ mình sắp tạt vào quán “Chùa”.
La Pagode vẫn nơi đây, đúng nơi đây, góc Ðồng Khởi và Lê Thánh Tôn.
Nhưng đã không còn là cái quán, mà là văn phòng làm việc của công ty dịch vụ lữ hành SaigonTourist.
Vậy mà sao tôi vẫn ngỡ quán “Chùa”, vẫn ngỡ “người anh thi sĩ” vừa thấp thoáng ở đó, vai nghiêng lệch góc chiều.
Chuông không tiếng đã bao ngày
- Nghe quen em tưởng chiều đầy âm thanh
(thơ Viên Linh).
Nguyễn Đạt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét